Dinh dưỡng cho người bệnh đái tháo đường (tiểu đường) giúp kiểm soát đường huyết

20/08/2020 Theo dỗi Nutrihome trên google news
Tư vấn chuyên môn bài viết
Chức Vụ: Giám đốc Y khoa miền Bắc
Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome

Đái tháo đường là một bệnh mạn tính do rối loạn chuyển hóa chất bột đường hậu quả của tình trạng tăng đường huyết kéo dài, tỷ lệ mắc bệnh ngày càng tăng trong xã hội hiện đại. Một chế độ dinh dưỡng cho người bị đái tháo đường (tiểu đường) đúng và đủ sẽ giúp người bệnh tránh được những biến chứng nguy hiểm.

Bài viết với sự tư vấn chuyên môn của PGS.TS.BS Lê Bạch Mai, Nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia; Giám đốc Y khoa Khu vực miền Bắc Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng – Y học Vận động Nutrihome.

Dinh dưỡng cho người bệnh đái tháo đường (tiểu đường)

Rối loạn chuyển hóa đường sẽ kéo theo rối loạn chuyển hóa lipid, protid và các chất điện giải. Đái tháo đường có thể gây những biến chứng cấp tính (hôn mê do hạ đường huyết, hôn mê do nhiễm toan ceton, hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu), và nhiều biến chứng mạn tính ở mạch máu, thần kinh, suy thận, tim, loét bàn chân không hồi phục

Mặc dù được coi là bệnh mạn tính nhưng với chế độ dinh dưỡng cho người bệnh đái tháo đường (tiểu đường) khoa học, hợp lý sẽ giảm được nguy cơ gia tăng và biến chứng của bệnh.

Tại sao người bệnh đái tháo đường (tiểu đường) cần có chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý?

“Người bệnh đái tháo đường (tiểu đường) phải hiểu được chính mình sau thời gian dài vật lộn với căn bệnh, chẳng hạn qua cảm giác mệt mỏi, mắt mờ, vết thương nhỏ chữa mãi không lành… để ý từng loại thực phẩm nào ăn vào không làm tăng đường huyết. Thân thể mỗi người mỗi khác đâu phải ai cũng giống như ai, có món hạp với người này nhưng lại khắc với người kia. Tốt nhất là phải ăn theo tiếng gọi cơ thể đừng “bắt chước” người khác lại thiệt thân”. PGS.TS.BS Lê Bạch Mai, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Giám đốc Y khoa miền Bắc, Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Y học – Vận động NutriHome khuyên.

Chế độ dinh dưỡng phù hợp còn được xem là liều thuốc quý giúp bệnh nhân kiểm soát được lượng đường trong máu, kiểm soát cân nặng, tránh yếu tố nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch, cao huyết áp, mỡ máu cao.

Khi cơ thể tiêu thụ quá nhiều calo, đặc biệt là chất bột đường và chất béo, lượng đường huyết trong cơ thể sẽ gia tăng như vật giá leo thang, nghiêm trọng hơn có thể làm tổn thương thần kinh, thận và tim. Do đó, các bác sĩ luôn khuyên bệnh nhân đái tháo đường cần giữ lượng đường huyết ổn định bằng cách xây dựng chế độ dinh dưỡng cho người bệnh tiểu đường hợp lý, lựa chọn thực phẩm lành mạnh và theo dõi thói quen ăn uống hàng ngày.

Nguyên tắc cơ bản về chế độ dinh dưỡng cho người bị đái tháo đường (tiểu đường):

Hạn chế các thực phẩm chứa đường đơn (bánh, kẹo, nước ngọt) để tránh đường huyết tăng cao sau ăn.

Sử dụng lượng chất béo vừa phải, ưu tiên acid béo không bão hòa từ các nguồn thực phẩm( cá hồi, cá ngừ, cá thu, dầu nành, dầu phộng…) để tránh rối loạn chuyển hóa.

Tăng cường rau xanh, trái cây ít ngọt để cung cấp chất xơ, vitamin, và khoáng chất.

Chia nhỏ bữa ăn (5-6 bữa/ngày) để tránh tăng đường huyết quá mức sau ăn và hạ đường huyết khi xa bữa ăn.
Bệnh nhân điều trị bằng insulin tác dụng chậm có xu hướng dễ bị hạ đường huyết trong đêm, do vậy nên có thêm một bữa ăn phụ trước khi ngủ.

chế độ dinh dưỡng hợp lý giúp người bệnh tiểu đường tránh biến chứng

Một chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp người bệnh tiểu đường tránh những biến chứng nguy hiểm

Các yếu tố của chế độ dinh dưỡng cho người bệnh đái tháo đường (tiểu đường)

PGS.TS.BS Lê Bạch Mai, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Giám đốc Y khoa miền Bắc, Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Y học – Vận động NutriHome cho rằng: “cũng giống như người bình thường, người bệnh tiểu đường cũng cần có nhu cầu năng lượng bao gồm đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng cần thiết như: chất bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất, sữa và các chế phẩm từ sữa”.

Nhu cầu này tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý, thể trạng của từng người bệnh. Tỷ lệ của các thành phần dinh dưỡng được phân bổ như sau:

Chất bột đường

Tỷ lệ chất bột đường chiếm 50 – 55% trong tổng năng lượng, tối thiểu 130g/ng.

Người bệnh tiểu đường nên chọn những loại thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp, các loại carbohydrate chất lượng cao, đặc biệt từ ngũ cốc nguyên hạt, mì ống làm từ lúa mì nguyên cám, gạo lứt, yến mạch, lúa mạch…

Các nhà khoa học thuộc Đại học Harvard (Mỹ) cho biết bổ sung nhiều carbohydrate chất lượng cao, đặc biệt là từ ngũ cốc nguyên hạt (whole grains), giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2.

Protein

Người bệnh tiểu đường nên ăn lượng chất đạm 0,8 – 1g/kg/ngày là tốt nhất. Tỷ lệ này chiếm 13 – 20% tổng năng lượng khẩu phần ăn. Protein có nhiều trong thịt gia cầm không da, cá, đậu, thịt bò nạc, lợn nạc…

Chất béo: Nhu cầu 20 – 25% tổng năng lượng khẩu phần. Chất béo bão hòa < 10%, chất béo chưa bão hòa, 15%, cholesterol < 300mg/ngày. Tỷ lệ chất béo động vật/ thực vật = 30/70. Nên chọn thực phẩm cá béo, dầu nành, dầu mè… Hạn chế mỡ động vật, dầu dừa, dầu cọ, nước cốt dừa, phủ tạng, da gia súc, gia cầm…

Chất xơ (rau, củ, trái cây)

Nhu cầu chất xơ ở bệnh nhân đái tháo đường là cần thiết thường khoảng 20 – 35g/ngày.

Đối với người mắc bệnh tiểu đường, chất xơ – đặc biệt là chất xơ hòa tan, có thể làm chậm tốc độ tiêu hóa, làm chậm quá trình hấp thu đường và giúp cải thiện lượng đường trong máu, giảm cơn đói và giảm mức cholesterol, tránh được bệnh xơ vữa động mạch và chứng táo bón. Thực phẩm có nhiều chất xơ: ngũ cốc nguyên hạt, khoai lang, gạo lứt, rau đay, mồng tơi, thanh long, hạt é… Hạn chế những hoa quả ngọt như: nho, xoài, nhãn, sầu riêng…

Những thực phẩm này nên chia thành nhiều bữa nhỏ.

Sữa và sản phẩm từ sữa: Nên chọn sữa chuyên biệt dành cho bệnh nhân đái tháo đường gồm không đường, tách béo hoặc không béo, đối với người bệnh cần nuôi dưỡng bằng sữa cần chọn sữa cao năng lượng, thành phần dinh dưỡng cân đối, có chỉ số đường huyết thấp (GI) để thay thế bữa ăn chính hoặc bữa ăn phụ.

Có cần kiêng khem hoàn toàn chất bột đường khi mắc bệnh đái tháo đường (tiểu đường) không?

Người bệnh tiểu đường không phải hoàn toàn và liên tục với chế độ ăn kiêng khem mà thực chất là tiết chế ăn uống (tăng hoặc giảm lượng thực phẩm, thành phần dinh dưỡng theo đường huyết mỗi ngày). Những đặc điểm về chế độ dinh dưỡng đã nói trên là để kiểm soát đường huyết về giá trị ổn định nhưng người bệnh tiểu đường cũng cần phải được cung cấp những thức ăn có đường (Glucose) khi họ bị hạ đường huyết – là 1 biến chứng chứng cấp thường gặp ở bệnh nhân đái tháo đường type 2 (do quá kiêng khem trong chế độ ăn uống + dùng thuốc hạ đường huyết mỗi ngày với liều không được kiểm soát)

Bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường (tiểu đường) nên lắng nghe lời khuyên của các bác sĩ

Bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường (tiểu đường) nên lắng nghe lời khuyên của các bác sĩ để có thể kiểm soát tốt lượng đường huyết trong khẩu phần ăn hằng ngày

Chính vì vậy lời khuyên cho người bệnh tiểu đường: nên có máy test đường huyết tại nhà để kiểm tra đường huyết mỗi ngày, giúp cho việc tiết chế ăn uống phù hợp với lượng đường huyết.

Bên cạnh, đó người bệnh có thể đến Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng – Y học Vận động Nutrihome để được thăm khám và tư vấn. Đội ngũ các bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng giàu kinh nghiệm tại NutriHome sẽ cùng bạn xây dựng thực đơn ăn uống phù hợp dựa trên tình trạng sức khỏe, thói quen và sở thích ăn uống. Các chuyên gia sẽ hướng dẫn bạn cách lựa chọn thực phẩm và chế biến món ăn đúng cách, đảm bảo ngon miệng, đủ chất theo đúng chế độ dinh dưỡng cho người bị đái tháo đường (tiểu đường).

 

Rate this post
10:39 16/03/2023