Việc xây dựng khẩu phần dinh dưỡng cho trẻ tiểu học (từ 6 tuổi đến 11 tuổi) là rất quan trọng vì đây là giai đoạn bản lề trong cuộc đời khi trẻ bước vào những năm học đầu tiên.
Trẻ ở độ tuổi tiểu học (từ 6 – 11 tuổi) có những đặc thù riêng về nhu cầu dinh dưỡng. Đây là giai đoạn trẻ có những bước phát triển cả về thể chất lẫn trí não, là nền tảng để bước vào giai đoạn dậy thì (12-18 tuổi) sau đó. Nhu cầu năng lượng trong ngày của trẻ được chia làm 3 mức độ tương đương với 3 độ tuổi: 6 – 7 tuổi: 1.570 kcal/ ngày, 8 – 9 tuổi: 1.820kcal/ ngày, 10-11 tuổi: 2.150 kcal/ ngày.
Chế độ dinh dưỡng cho trẻ tiểu học nên chú ý phải đầy đủ các nhóm dưỡng chất cần thiết như chất bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin, khoáng chất và nước.
Về số lượng, cần đảm bảo cung cấp cho trẻ 3 bữa chính, không để trẻ nhịn ăn sáng đi học. Bữa sáng, bữa trưa, mỗi bữa cung cấp khoảng 35% tổng nhu cầu năng lượng của một ngày, bữa tối cung cấp 30% còn lại. Với trường tiểu học ăn bán trú có bữa bổ sung thì phân chia thành 4 bữa: năng lượng của bữa sáng từ 25-30%, năng lượng bữa trưa 35%, năng lượng bữa bổ sung 10%, năng lượng bữa tối 25-30% tổng nhu cầu năng lượng.
Để xây dựng khẩu phẩn ăn cho trẻ trong độ tuổi tiểu học, phụ huynh nên trang bị cho mình một số kiến thức về các nhóm chất/vi chất và các loại thực phẩm có chứa những chất đó. Trong các thành phần cấu tạo nên bữa ăn của trẻ, phụ huynh cần chú ý bổ sung các nhóm chất quan trọng sau đây nhằm cho bé một sự phát triển toàn diện và một tầm vóc cao lớn.
Chất bột đường gồm các món ăn được chế biến từ ngũ cốc như cơm, cháo, bún, phở. Bánh mì.
Chất đạm có nhiều trong thịt, cá, trứng, tôm, cua, sữa, các loại đậu (đậu nành, đậu xanh, đậu đen…).
Chất béo có trong mỡ động vật và dầu thực vật. Chất béo là nguồn cung cấp năng lượng cao nhất, giúp tăng hấp thu các vitamin A, D, E, K giúp trẻ khỏe mạnh, cao lớn và phát triển trí não.
Đặc biệt, phụ huynh nên cung cấp cho bé đầy đủ các vitamin và khoáng chất vì mặc dù chỉ cần một lượng nhỏ nhưng chúng vô cùng quan trọng đối với sự phát triển cả về thể chất và trí não của trẻ. Trong đó, canxi giúp phát triển hệ xương chắc khỏe và có nhiều trong cá, tôm, cua, trứng, đậu hũ, sữa, yaourt, phô mai. Vitamin D giúp tăng hấp thu canxi, thúc đẩy phát triển chiều cao. Vitamin D có trong bơ, sữa, phô mai… và từ ánh nắng mặt trời. Kẽm giúp trẻ ăn ngon miệng hơn và cần cho sự tăng trưởng chiều cao, cân nặng. Kẽm có nhiều trong các loại thực phẩm như: lươn, hàu, sò, gan, sữa, thịt bò, lòng đỏ trứng, cá, đậu nành, các loại hạt có dầu (hạnh nhân, hạt điều, đậu phộng…).
Thiếu vi chất dinh dưỡng:
Các vi chất dinh dưỡng có vai trò hết sức quan trọng đối với phát triển toàn vẹn về thể lực và trí tuệ của trẻ em tuổi học đường. Việc thiếu hụt vi chất dinh dưỡng thường gặp như thiếu vitamin A, D, chất sắt, kẽm và một số vi chất khác.
Việc thiếu vi chất gây ra một số vấn đề về sức khỏe cho trẻ như thiếu máu, chán ăn, rối loạn về chuyển hóa chất dinh dưỡng, chậm phát triển chiều cao,…
Trẻ bị còi xương:
Trẻ em bị còi xương thường là do chế độ dinh dưỡng bị thiếu canxi, phospho hoặc vitamin D, vitamin K2. Những trẻ thường xuyên bị rối loạn tiêu hóa, viêm đường hô hấp cũng dễ bị còi xương.
Trẻ bị suy dinh dưỡng:
Trẻ bị suy dinh dưỡng là tình trạng cơ thể không được cung cấp đầy đủ năng lượng và chất đạm cũng như các yếu tố vi lượng khác để đảm bảo cho cơ thể phát triển bình thường. Trẻ suy dinh dưỡng thường có các nguyên nhân chủ yếu sau như trẻ ăn uống không đủ chất dinh dưỡng, trẻ bị ốm kéo dài,…
Nhiễm ký sinh trùng đường ruột:
Đây là một vấn đề sức khỏe phổ biến trong trẻ em trong độ tuổi từ 6 đến 11 tuổi vì do thói quen ăn uống của các bé trong độ tuổi này. Các bé hay có thói quen ăn vặt ngoài đường với thực phẩm không rõ nguồn gốc và cũng không rửa tay sạch sẽ trước khi ăn.
Nhiễm giun đường ruột thường gây ra tình trạng cơ thể trẻ chậm lớn, thiếu máu, da xanh và trẻ thường cảm thấy mệt mỏi.
Thừa cân và béo phì
Một trong những vấn đề dinh dưỡng nảy sinh trong những năm gần đây ở độ tuổi tiểu học là tình trạng thừa cân, béo phì ở lứa tuổi học sinh, đặc biệt ở các thành phố lớn. Tình trạng này gây nên những vấn đề về sức khỏe cho trẻ như đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu… và những vấn đề về sức khỏe khác.