Phụ nữ mang thai không nên ăn gì? Cảnh giác ngay!

17/07/2020

Mẹ bầu luôn được khuyên là nên ăn uống đầy đủ, đa dạng dưỡng chất, tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là “cái gì cũng ăn”. Mẹ bầu cần tìm hiểu phụ nữ mang thai không nên ăn gì để bản thân tránh được nguy hiểm mà em bé sinh ra cũng khỏe mạnh. 

Phụ nữ mang thai không nên ăn gì

Mang thai, nghĩa là đang có một mầm sống quý giá hình thành trong cơ thể mẹ bầu. Những gì mẹ bầu ăn vào phải được xem xét cẩn thận để hạn chế tối đa nguy cơ gây hại cho mình và thai nhi.

PGS.TS.BS Lê Bạch Mai, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Giám đốc Y khoa miền Bắc, Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng – Y học Vận động NutriHome, cho biết: “Chế độ dinh dưỡng trong thời kỳ mang thai là một trong những yếu tố quyết định đến sự phát triển của bào thai và sức khỏe của người mẹ. Bên cạnh những thực phẩm nên bổ sung thường xuyên, mẹ bầu cần tránh những thực phẩm không tốt vì chúng có thể khiến thai nhi có nguy cơ bị dị tật bẩm sinh, mắc bệnh từ trong bụng mẹ, thậm chí là thai chết lưu, sảy thai…”.

Dưới đây là những nhóm thực phẩm phụ nữ mang thai không nên ăn trong suốt thai kỳ để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và thai nhi:

Phụ nữ mang thai không nên ăn thực phẩm mang tính mát, tanh, nặng mùi

Ba tháng đầu của thai kỳ có thể được coi là thời gian thai nhi phát triển mạnh mẽ nhất, đến tuần thứ 6, thai nhi đã có kích thước to bằng hạt đậu và trái tim bé nhỏ đã có những nhịp đập đầu tiên. Đến khi kết thúc giai đoạn đầu, thai nhi đã hình thành một số bộ phận như đầu, tay, chân, xương, nội tạng, tim thai đập nhanh, kích thước thai nhi đã to bằng quả táo. 

Đây cũng là thời kỳ quan trọng nhất, dễ xảy ra các tai biến nhất, vì thai nhi mới dần hình thành, cơ thể mẹ cũng đang có những thay đổi để phù hợp với thai nhi. Do đó trong 3 tháng đầu của thai kỳ, thai nhi cần được chăm sóc kỹ để làm tiền đề tốt cho những giai đoạn sau.

Ngoài việc chủ động khám thai định kỳ, mẹ cần đo độ mờ da gáy để kiểm tra dị tật thai nhi. Chế độ dinh dưỡng trong 3 tháng đầu thai kỳ cũng đóng vai trò cực kỳ quan trọng, giúp ổn định bào thai, tránh các dị tật, các nguy cơ gây sảy thai, thai chết lưu… Mẹ bầu không nên ăn những thức ăn mát, tanh và có nhiều gia vị như: rau ngót, đu đủ non, mướp đắng (khổ qua), nước dừa, thơm, thức ăn tái sống, pate, thức ăn chế biến sẵn, dưa muối, cà muối. Nguyên nhân vì đa phần những thực phẩm này có thể gây co bóp mạnh dẫn đến sảy thai (hư thai).

Phụ nữ mang thai không nên ăn những loại cá có hàm lượng thủy ngân cao

Theo nhiều nghiên cứu khoa học, não bộ thai nhi là một trong những bộ phận được hình thành từ rất sớm, chỉ sau 16 ngày thụ thai, nền tảng thần kinh của thai nhi đã bắt đầu hình thành và phát triển theo chiều dài và có nếp gấp. Đến tam cá nguyệt thứ 2, não bộ của thai nhi đã nắm giữ vai trò điều khiển các cơn co thắt ở cơ hoành và cơ ngực, điều khiển nhịp thở. Kết thúc giai đoạn này não bộ của thai nhi gần như trưởng thành hoàn toàn. 

Trong tam cá nguyệt thứ 3, đây là thời điểm các tế bào và hệ thống thần kinh phát triển nhanh nhất. Vì vậy, đây cũng là giai đoạn vàng để mẹ bầu bổ sung các chất dinh dưỡng như omega-3, DHA giúp trẻ phát triển trí não sau này.

Ngược lại, trong giai đoạn này người mẹ nên hạn chế ăn những thực phẩm gây nguy hiểm cho tế bào thần kinh của thai nhi, nếu không, chỉ cần sai một li sẽ làm hỏng toàn bộ quá trình giúp con phát triển não bộ tốt nhất sau này. 

Theo đó, những loại cá có hàm lượng thủy ngân cao được khuyến cáo phải nằm trong danh sách phụ nữ mang thai không nên ăn gì. Thủy ngân là một hóa chất rất độc, nếu ăn phải những loại cá nhiễm thủy ngân trong thời gian dài sẽ khó tránh khỏi nguy hiểm. Chất độc thủy ngân có trong cá khi ăn vào cơ thể sẽ phá hủy thần kinh, phá hủy thận, là nguyên nhân gây ra những căn bệnh nghiêm trọng ở trẻ em, ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển não bộ của thai nhi.

> Xem thêm: Dinh dưỡng và thực đơn cho bà bầu bị ốm nghén

Các loại cá có hàm lượng thủy ngân cao gồm: Cá cam, cá kiếm, cá ngừ mắt to.

Trong giai đoạn mang thai mẹ bầu chỉ nên ăn các loại cá có hàm lượng thủy ngân thấp gồm: Cá thu, cá hồi, cá mòi, cá cơm, cá nhỏ… Mẹ bầu cũng có thể bổ sung Omega-3, DHA theo chỉ định của bác sĩ để đảm bảo thai nhi phát triển tốt từ trong bụng mẹ.

Phụ nữ mang thai không nên ăn cá, các loại hải sản tái, sống

Cá được xem là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo cho sự phát triển trí não và tăng trưởng của thai nhi. Một số loại cá như cá thu, cá ngừ, cá hồi rất giàu DHA và omega-3 giúp não bộ trẻ phát triển toàn diện, nâng cao trí thông minh cho trẻ sau này. Tuy nhiên, các bác sĩ khuyên bà bầu không nên ăn cá tái, sống.

Cá tái, sống và các loại hải sản như nghêu, sò, tôm, cua, ốc… có thể bị nhiễm vi khuẩn và ký sinh trùng, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cho cả mẹ và thai nhi như: đau bụng, tiêu chảy, nôn ói… 

Phụ nữ mang thai dễ bị nhiễm khuẩn Listeria cao gấp 20 lần người bình thường. Vi khuẩn Listeria thường được tìm thấy ở các loại cá, thịt chưa nấu chín, trong các sản phẩm từ sữa chưa tiệt trùng. Khi vào cơ thể người mẹ, vi khuẩn Listeria monocytogenes sẽ đi qua nhau thai gây sẩy thai, sinh non, hoặc thai nhi chết ngay sau khi sinh, hoặc khi sinh ra trẻ dễ mắc bệnh nghiêm trọng. 

Phụ nữ mang thai không nên ăn thịt sống, thịt tái

Giai đoạn thai kỳ mẹ bầu cần bổ sung đầy đủ chất đạm cần thiết cho sự phát triển của thai nhi, đồng thời cũng giúp duy trì sức khỏe, sự dẻo dai cho bà bầu khỏe mạnh, “vượt cạn” thành công. 

Theo đó, các loại thịt bò, thịt heo, thịt gà được xem là nguồn cung cấp chất đạm rất dồi dào mẹ bầu nên bổ sung thường xuyên. Tuy nhiên, khuyến cáo là mẹ bầu không nên ăn các loại thịt tái (bún bò tái, phở tái), thịt sống (các loại nem chua, giò sống…) vì chúng chứa nhiều vi khuẩn gây hại như: Toxoplasma, E. coli, Listeria,  Salmonella… (không chỉ ký sinh trên bề mặt miếng thịt mà còn xuất hiện trong các sợi cơ). 

Khi phụ nữ mang thai ăn thịt sống, thịt tái có chứa các loại vi khuẩn trên sẽ đe dọa sức khỏe của thai nhi, khiến thai chết lưu, trẻ sinh ra dễ mắc các bệnh thiểu năng trí tuệ, mù lòa và động kinh.

Phụ nữ mang thai không nên ăn trứng sống, trứng ốp la

Trứng được coi là “siêu thực phẩm” dành cho con người, đặc biệt là phụ nữ mang thai. Trứng cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cho mẹ và thai nhi gồm chất béo, protein, khoáng chất, vitamin D. Trong 100g lòng đỏ trứng gà (tương đương 5 cái lòng đỏ) có đến 13,6 g protein, 134 mg canxi; sắt 7,0 mg; kẽm 3,7 mg; folate 146 μmg; vitamin A 960 μg; cholesterol 2000 mg và có rất nhiều vitamin và khoáng chất khác, cũng như acid béo không no một hay nhiều nối đôi.

Tuy nhiên, trứng sống, trứng ốp la được khuyến cáo nên nằm trong danh sách phụ nữ mang thai không nên ăn gì. Vì trong trứng chưa nấu chín có chứa rất nhiều vi khuẩn salmonella khiến người mẹ ăn vào dễ buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, đau đầu, thai nhi nhiễm salmonella, có thể sẽ bị sinh non, thai chết lưu.

Theo khuyến nghị của Bộ Y tế mỗi ngày mẹ bầu chỉ nên ăn 1 quả trứng gà, ăn nhiều hơn sẽ dẫn đến thừa cholesterol, việc dư thừa này sẽ dẫn đến một số biến chứng nhất định. Khi ăn trứng chỉ ăn trứng được nấu chín kỹ.

Phụ nữ mang thai không nên ăn nội tạng động vật

TS.BS Phạm Thị Thu Hương, Nguyên Trưởng khoa Dinh dưỡng Lâm sàng và Tiết chế Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Bác sĩ Trưởng, Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng – Y NutriHome cho biết, nội tạng động vật rất giàu vitamin và dinh dưỡng. Gan, thận rất giàu vitamin A giúp bổ mắt, hệ tim mạch, chống viêm. Óc động vật rất giàu omega-3 bảo vệ não bộ, tủy sống. Tim, lưỡi rất tốt cho người mới ốm dậy cần bồi bổ sức khỏe, đặc biệt tốt cho phụ nữ mang thai.

Tuy nhiên, nội tạng động vật cũng chứa nhiều chất béo bão hòa và cholesterol hơn so với thịt nạc, ăn nhiều sẽ làm tăng mỡ máu gây nguy hiểm cho tim mạch. Phụ nữ mang thai ăn nhiều nội tạng động vật sẽ dẫn đến tăng cân không kiểm soát, nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ cao, ảnh hưởng không tốt đến thai nhi.

Nội tạng động vật còn chứa rất nhiều vi khuẩn E.coli gây tiêu chảy, kiết lỵ, thương hàn. Để đảm bảo sức khỏe trong suốt thai kỳ, phụ nữ mang thai nên hạn chế ăn nội tạng động vật. Khi ăn nên chọn mua ở những nơi uy tín, chất lượng.

Phụ nữ mang thai không nên uống nước có chứa caffeine

Caffeine có vai trò trong việc kích thích hệ thần kinh, não bộ giúp con người có cảm giác tỉnh táo, chống buồn ngủ. Ngoài ra caffeine được đánh giá làm tăng phản xạ và sáng tạo hơn.

Tuy nhiên, theo nghiên cứu quy mô lớn của nhóm khoa học đến từ Học viện Sahlgrenska (Thụy Điển) và Viện Y tế công cộng Nauy, phụ nữ mang thai tiêu thụ nhiều caffeine thì thai nhi sinh ra dễ bị nhẹ cân, suy dinh dưỡng, sinh non và có thể khiến con bị thừa cân, béo phì trong tuổi mẫu giáo cho đến các cấp học lớn hơn.

Đáng chú ý là nhiều trẻ không tỏ ra bất thường về cân nặng khi còn nhỏ. Đến một độ tuổi, việc trẻ dễ thừa cân, béo phì sẽ bắt đầu xuất hiện. Nguyên nhân là do các yếu tố thần kinh trung ương từ caffeine mà trẻ đã bị phơi nhiễm trong thai kỳ.

TS.BS Phạm Thị Thu Hương cho biết, trong thời kỳ mang thai, quá trình chuyển hóa và đào thải cafein khỏi cơ thể kéo dài hơn bình thường. Chất này cũng nhanh chóng đi qua nhau thai, vượt các màng sinh học, bao gồm các lớp bảo vệ máu và não của thai nhi, dẫn đến phơi nhiễm caffeine. Đây là một chất kích thích hệ thần kinh trung ương khá mạnh, nhất là đối với cơ thể bé bỏng của thai nhi.

Vì vậy, phụ nữ mang thai không nên tiêu thụ quá 200mg caffeine mỗi ngày, tương đương 3 tách trà, 3 cốc cà phê. Các loại nước uống chứa nhiều caffeine gồm: Cà phê, trà, cacao, nước uống tăng lực…

Phụ nữ mang thai không nên ăn rau sống, rau mầm sống

Rau mầm là loại thực phẩm được sử dụng rộng rãi và phổ biến nhất hiện nay bởi giá trị dinh dưỡng cao gấp 50 lần các loại rau trưởng thành, là nguồn chất xơ tự nhiên giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh.

Rau mầm chứa nhiều axit amin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể với hàm lượng cao, khoảng 50g rau mầm tương đương với lượng dinh dưỡng có trong 200g rau bình thường.

Tuy nhiên, rau sống hay rau mầm sống có thể chứa nhiều vi khuẩn, ký sinh trùng, do đó phụ nữ mang thai không nên ăn để bảo vệ sức khỏe cho mẹ và thai nhi.

Rau sống bao gồm các loại như xà lách, giá đỗ, mầm rau muống, mầm rau cải đều có thể chứa vi khuẩn và ký sinh trùng. Đặc biệt là vi khuẩn salmonella, nếu người mẹ nhiễm loại vi khuẩn này rất dễ bị sinh non, thậm chí thai chết lưu. 

Phụ nữ mang thai ăn nhiều rau sẽ cung cấp nguồn chất xơ dồi dào, các loại vitamin bổ dưỡng cho thai nhi. Tuy nhiên chỉ nên ăn các loại rau lá xanh đã được làm chín bằng cách nấu canh, luộc, hấp đúng cách.

Phụ nữ mang thai không nên ăn các loại trái cây chưa được rửa sạch

Đối với phụ nữ mang thai, trái cây không chỉ là nguồn cung cấp vitamin tốt nhất mà còn là “đơn vị” cung cấp chất chống oxy hóa rất tuyệt vời, tiêu thụ trái cây thường xuyên sẽ giúp tăng cường sức đề kháng giúp mẹ bầu khỏe mạnh, thai nhi phát triển hoàn hảo.

Ngoài ra, trong các loại trái cây còn có chứa vitamin C, nhiều nước và chất xơ, nhưng lại ít chất béo nên giúp hệ tiêu hóa của phụ nữ mang thai hoạt động tốt hơn, tránh được tình trạng táo bón trong thai kỳ. 

Các chuyên gia dinh dưỡng luôn khuyên phụ nữ mang thai nên bổ sung trái cây trong các bữa ăn hàng ngày. Tuy nhiên, việc lựa chọn trái cây phải rất thận trọng. Nếu ăn phải trái cây chưa được rửa sạch, mẹ bầu sẽ tiêu thụ một lượng lớn các vi khuẩn, ký sinh trùng như Toxoplasma, E. coli, Salmonella và Listeria sống trong đất (khi thu hoạch các loại rau, trái cây chúng vẫn còn ký sinh trên đó).

Nhiễm Toxoplasmosis bẩm sinh khi còn trong bụng mẹ, trẻ sinh ra có thể có triệu chứng tổn thương nội tạng, não bộ và mắt như: động kinh, gan và lá lách to, vàng da và mắt, nhiễm trùng mắt…

Một số trường hợp khác, trẻ không có biểu hiện rõ rệt khi chào đời mà chỉ phát triển bệnh khi bước vào độ tuổi thiếu niên. Đó là nguy cơ nghe kém, tâm thần chậm phát triển, mắt bị nhiễm trùng nghiêm trọng dẫn đến mù lòa.

Khi ăn trái cây tươi mẹ bầu nên rửa sạch dưới vòi nước, ngâm trong nước muối hoặc dung dịch rửa trái cây, rau củ khoảng 15-30 phút để loại bỏ sạch những mầm bệnh nguy hiểm.

Phụ nữ mang thai không nên ăn sữa, phô mai chưa được tiệt trùng

Nhiều nghiên cứu khoa học xác định những chế phẩm từ sữa như sữa chua, phô mai là nguồn cung cấp dinh dưỡng tuyệt vời cho sức khỏe. Sữa chua, phô mai tốt cho xương, răng, giúp tăng cường hệ miễn dịch, hạ huyết áp, giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, một số bệnh ung thư và duy trì cân nặng. 

Đối với phụ nữ mang thai thường xuyên ăn sữa chua, phô mai sẽ giúp xương răng chắc khỏe, cung cấp lượng protein cần thiết cho việc tăng trưởng các mô và cơ của thai nhi. Trong 3 tháng đầu của thai kỳ, mẹ bầu thường hay bị mệt mỏi, ốm nghén dẫn đến biếng ăn, chán ăn và thiếu hụt năng lượng cần thiết cho cơ thể của mẹ và thai nhi, vì vậy mẹ bầu cần ăn thường xuyên sữa chua, phô mai vì chúng cung cấp nhiều năng lượng (100g phô mai chứa đến 256 kcal), giúp mẹ khỏe, thai nhi phát triển ổn định.

Ngoài ra, phụ nữ mang thai tiêu thụ sữa chua, phô mai đúng cách sẽ giảm nguy cơ gây dị tật thai nhi do trong loại thực phẩm này rất giàu omega-3 có tác dụng làm giảm các biến chứng gây dị tật bẩm sinh. Việc tiêu thụ sữa chua, phô mai trong suốt thai kỳ còn giúp mẹ bầu tránh được tình trạng viêm sưng, kiểm soát cân nặng, cân bằng hệ vi sinh đường ruột…

Thế nhưng, không phải loại sữa chua, phô mai nào cũng mang lại những giá trị tuyệt vời cho sức khỏe, do đó khi ăn loại thực phẩm này mẹ bầu không nên chọn những loại chưa được tiệt trùng vì đó là một trong những yếu tố gây nhiễm trùng trong thai kỳ.

Trong phần lớn các loại thực phẩm chưa được tiệt trùng đều chứa các loại vi khuẩn Listeria, Salmonella, E. coli and Campylobacter, khi người mẹ nhiễm phải sẽ nguy hại cho mẹ lẫn thai nhi. 

Phụ nữ mang thai không nên uống bia rượu

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), rượu bia là tác nhân gây ra hơn 230 loại bệnh tật trên cơ thể người cụ thể như: suy gan, viêm gan, rối loạn thần kinh, ung thư, dễ mắc các bệnh về tim mạch… Đối với phụ nữ mang thai, nếu uống rượu trong suốt thai kỳ sẽ dễ bị thai chết lưu, sảy thai, thậm chí trẻ sinh ra với trí tuệ chậm phát triển.

Phụ nữ mang thai không được ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn

Đối với người bình thường việc tiêu thụ một lượng lớn thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều muối như dưa muối, cà muối, thịt xông khói… có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính không lây như tim mạch, tăng huyết áp… Đặc biệt, mẹ bầu nếu tiêu thụ nhiều thực phẩm chứa nhiều muối thì hàm lượng canxi cũng sẽ bị đào thải ra ngoài dẫn đến thiếu hụt canxi cho mẹ và thai nhi.

Bên cạnh đó, mẹ bầu cũng không nên ăn quá nhiều các thực phẩm như khoai tây chiên, gà rán, cá hộp, thịt hộp… vì phần lớn các thực phẩm này chứa nhiều chất bảo quản, chất phụ gia, natri…, vốn là những nhóm nhân tố dễ gây nhiễm độc, dị tật thai nhi. 

Thực phẩm chế biến sẵn còn có tác hại có thể làm tăng nguy cơ tăng cân quá mức, tiểu đường thai kỳ và các biến chứng ảnh hưởng không tốt đến quá trình mang thai.

Tóm lại, trong giai đoạn mang thai việc đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho mẹ bầu là vô cùng quan trọng, giúp thai nhi tăng trưởng và phát triển, mẹ bầu có nhiều sức khỏe để vượt cạn thành công, tránh các tai biến sản khoa đáng tiếc. Tuy nhiên, việc lựa chọn thực phẩm để dung nạp phải hết sức thận trọng, chế độ ăn uống phải cân bằng hợp lý mới mong có một thai kỳ tốt đẹp. Như vậy, mẹ bầu đã biết phụ nữ mang thai không nên ăn gì chưa?

Rate this post
10:55 06/01/2023