Triệu chứng và chế độ ăn cho người rối loạn lipid máu

17/07/2020 Theo dỗi Nutrihome trên google news

Rối loạn lipid máu phần lớn là do ảnh hưởng từ lối sống và chế độ ăn uống thiếu khoa học. Nếu không chữa trị kịp thời, rối loạn lipid máu có thể gây nên xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, đột quỵ và các rối loạn chuyển hóa khác như đái tháo đường, viêm tụy…

Để điều trị rối loạn lipid máu, bên cạnh việc luyện tập hay sử dụng thuốc, chế độ ăn cho người rối loạn lipid máu là vấn đề nên được quan tâm hàng đầu.

Chế độ ăn cho người rối loạn chuyển hóa

Chế độ ăn cho người rối loạn lipid máu nên như thế nào?

Người nào dễ mắc bệnh rối loạn lipid máu?

Rối loạn lipid máu thường gặp ở người thừa cân, béo phì, uống nhiều bia rượu, hút thuốc lá, ăn dư thừa chất béo… khiến cho lượng lipid trong máu tăng lên. Ngoài ra, những biến chứng của đái tháo đường, bệnh gan, suy tuyến giáp, sử dụng thuốc tránh thai hay một số loại thuốc tim mạch cũng có thể là nguyên nhân gây rối loạn lipid máu. Tuy nhiên, một số người gầy, thậm chí ăn kiêng, ăn chay cũng gặp phải tình trạng này. Đó là do các vấn đề rối loạn chuyển hóa trong cơ thể.

nguy cơ rối loạn lipid

Thừa cân, béo phì: Nguy cơ cao về rối loạn lipid máu cao và dẫn đến nhiều bệnh lý tim mạch

Triệu chứng của bệnh rối loạn lipid máu

Rối loạn lipid máu thường không có dấu hiệu, xảy ra âm thầm, khó nhận biết, và thường phát hiện khi đã gây ra những biến chứng nguy hiểm như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim… Bên cạnh việc phát hiện rối loạn lipid máu bằng cách xét nghiệm máu đo tổng cholesterol toàn phần, triglyceride và các lipoprotein trong huyết tương, rối loạn mỡ máu cũng có thể có một số biểu hiện không rõ nét được ghi nhận bên trong và bên ngoài thường gặp như sau:

Biểu hiện bên ngoài

  • Mí mắt xuất hiện u ban vàng: Ban vàng xuất hiện ở mí mắt trên hoặc dưới, có thể rải rác hoặc khu trú.
  • Khuỷu tay hoặc đầu gối có u vàng da.
  • Các ngón tay, gân gót chân và vị trí khớp đốt ngón tay xuất hiện u vàng gân.
  • Cung giác mạc có hình vòng tròn, màu trắng nhạt, không hoàn toàn, định vị mống mắt (thường xuất hiện với người dưới 50 tuổi).
  • U vàng dưới màng xương ở củ chày nước, đầu xương của mỏm khuỷu tay.

Biểu hiện bên trong

Đau ngực: Những cơn đau thắt cơ ngực do máu nhiễm mỡ thường xảy ra trong thời gian ngắn, không thường xuyên, và thường cơn đau tự hết. Khi thấy cơn đau xuất hiện như bị bóp nghẹt, đè nặng, đau tức thì nên đi khám ngay vì đây có thể là dấu hiệu bị xơ vữa mà nguyên nhân sâu xa là do rối loạn mỡ máu.

Chân tê bì, đau và lạnh: Lý do của hiện tượng này là do cholesterol trong máu tăng cao khiến máu không thể hoặc khó lưu thông được đến chân, dẫn đến chân tê bì, đau nhức, sưng tấy, thậm chí các khớp chân bị mỏi, bàn chân lạnh hơn bình thường.

Đột quỵ: Các mảng xơ vữa hình thành khi chỉ số triglyceride trong máu cao hơn mức bình thường, sẽ cản trở việc lưu thông máu lên não. Khi não không được cung cấp đủ dưỡng chất và oxy sẽ khiến tế bào não bị chết và gây ra đột quỵ.

Điều trị rối loạn mỡ máu bằng cách nào?

Tùy theo mức độ rối loạn mỡ máu, người bệnh có thể được điều trị bằng cách thay đổi lối sống, sử dụng các thực phẩm hỗ trợ hoặc dùng các thuốc điều trị. Trong đó thay đổi lối sống (bao gồm thay đổi chế độ dinh dưỡng, vận động, sử dụng bổ sung các thực phẩm hỗ trợ có lợi….) được khuyến nghị đầu tiên vì chúng có vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa và hạn chế rối loạn mỡ máu.

Bên cạnh chế độ ăn uống, người bệnh cần chú ý vận động và rèn luyện cơ thể. Quá trình vận động không những giúp cơ thể khỏe mạnh, duy trì chỉ số cân nặng lý tưởng mà còn giúp giảm LDL cholesterol, Tryglycerid, tăng HDL-c. Người bị rối loạn mỡ máu nên duy trì vận động thể lực 30-45 phút mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần, nên tập vừa sức, nhất là những người có bệnh lý cao huyết áp, suy tim, mạch vành.

Tuy vậy, sau 4-6 tháng áp dụng điều trị rối loạn mỡ máu không dùng thuốc, chỉ bằng thay đổi lối sống mà tình hình không cải thiện thì người bệnh cần dùng thêm thuốc hạ mỡ máu. Nhưng cần dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ vì có thể thuốc có chống chỉ định và có những tác dụng phụ không mong muốn.

Chế độ ăn cho người rối loạn lipid máu – yếu tố quan trọng hàng đầu

Phần lớn người bệnh rối loạn lipid máu là do thói quen uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá, ăn thức ăn chứa nhiều cholesterol như mỡ động vật, nội tạng động vật, bơ sữa không tách béo, lòng đỏ trứng, lối sống ít vận động… Vì vậy, ngoài việc thay đổi lối sống, người bị rối loạn mỡ máu cần điều chỉnh thói quen ăn uống hàng ngày và tuân thủ những nguyên tắc dinh dưỡng sau:

  • Cần có chế độ ăn uống cân bằng giữa 4 nhóm chất: Bbột đường, đạm, béo, vitamin và khoáng chất. Trong đó, chất béo chỉ chiếm 15-20% tổng năng lượng nạp vào cơ thể, giảm năng lượng tiêu thụ trong ngày đối với người thừa cân, béo phì. Nên thực hiện chế độ giảm cân để có chỉ số khối cơ thể BMI đạt chuẩn. Những trường hợp bị rối loạn lipid nhẹ có khả năng sẽ trở lại ổn định sau thời gian giảm cân. Lưu ý, quá trình giảm cân nên diễn ra từ từ, mỗi tuần chỉ nên cắt giảm 300 kcal so với khẩu phần ăn trước đó.

Chế độ ăn cho người rối loạn mỡ máu

Trong chế độ ăn cho người rối loạn mỡ máu, rau củ và thực phẩm chứa chất béo không bão hòa cần được ưu tiên

  • Giảm lượng chất béo trong khẩu phần ăn: Lượng chất béo chỉ nên chiếm dưới 25% tổng năng lượng cung cấp cho cơ thể. Đồng thời nên kiêng chất béo bão hòa, thay vào đó là dùng chất béo không bão hòa như sữa tách béo, dầu thực vật, cá, các loại hạt…

  • Giảm lượng chất đạm (protein) trong động vật và thay bằng đạm thực vật như các loại đậu, nấm… có tác dụng giảm nồng độ cholesterol toàn phần, LDL-C và triglyceride trong cơ thể. Lượng cholesterol ăn vào dưới 200mg/ngày. Tuy nhiên, hàm lượng đạm trong thực vật thấp hơn so với động vật, vì vậy cần tăng số lượng tiêu thụ để đảm bảo protein chiếm 12-18% (bao gồm cả đạm thực vật và động vật) tổng năng lượng. Đồng thời, tăng cường protein ít béo: thịt bò nạc, thì gà nạc bỏ da, thịt heo nạc, cá, nhóm họ đậu…

  • Nên dùng dầu thực vật (dầu đậu phộng, dầu oliu, dầu đậu nành) thay cho mỡ. Hạn chế thức ăn chứa nhiều acid béo no như bơ và nhiều cholesterol như óc, lòng, phủ tạng động vật, trứng…

  • Nên chú ý thêm về chất lượng của chất béo. Xây dựng chế độ ăn có tỷ lệ cân đối giữa acid béo no (mỡ), acid béo chưa no nhiều nối kép (dầu thực vật) và acid béo chưa no họ omega 3 (cá và hải sản).

  • Dùng các loại ngũ cốc nguyên hạt cùng rau củ, nên ăn gạo lứt, hạt nguyên cám kết hợp với khoai củ giàu vitamin, khoáng chất vi lượng giúp tăng lượng chất xơ và hạ chỉ số đường huyết.

  • Ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi (khoảng 500g/mỗi ngày) là lựa chọn dinh dưỡng đúng đắn cho người rối loạn mỡ máu. Ngoài việc cung cấp nhiều chất chất xơ, vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể, những thực phẩm này còn giúp giảm hàm lượng chất béo và cholesterol hấp thu vào cơ thể. Người bệnh rối loạn mỡ máu nên ăn những loại rau quả giàu vitamin C, E, selen, chất chống oxy hóa… có trong bông cải xanh, rau bina, măng tây, cà rốt, cam, quýt…

Ngoài ra, trong chế độ ăn uống cho người rối loạn mỡ máu, nên đảm bảo uống đủ 2-2,5 lít nước/ngày, ăn nhiều bữa, ăn nhiều rau, hạn chế trái cây ngọt, ăn nhạt trong trường hợp rối loạn mỡ máu nặng có kèm theo tăng huyết áp, bệnh tim mạch.

Những điều cần lưu ý trong chế độ ăn cho người rối loạn mỡ máu

Rối loạn mỡ máu nên ăn gì?

  • Họ nhà đậu: Đậu đen, đậu đỏ, đậu xanh, đậu ván… rất giàu khoáng chất, vitamin B, chất xơ, phytonutrients rất tốt cho sức khỏe. Những loại đậu này chứa ít chất béo và không chứa cholesterol, hàm lượng chất xơ cao giúp bảo vệ tim mạch.

thực phẩm cho người mỡ máu

Đậu là thực phẩm tuyệt vời cho người bị rối loạn mỡ máu

  • Các loại hạt có dầu như hạt dẻ, hạt vừng, lạc, bí ngô… cung cấp các acid béo omega 3 và omega 6 tốt cho cơ thể.
  • Sữa và các chế phẩm từ sữa tách béo: Sử dụng sữa tách béo và các chế phẩm từ sữa tách béo giúp cung cấp canxi nhưng có thể hạn chế lượng cholesterol trong máu.
  • Dầu thực vật không bão hòa: Dầu oliu, dầu đậu nành, dầu hướng hương… có chứa hàm lượng acid béo không bão hòa cao và giúp giảm LDL-C (cholesterol xấu), tăng HDL-C (cholesterol tốt).
  • Tỏi và các cây khác trong họ hành tây: Những thực phẩm này giúp làm tăng HDL-C, giảm LDL-C, triglyceride và dự phòng xơ vữa động mạch, ngăn ngừa quá trình hình thành huyết khối làm tắc nghẽn mạch máu. Tuy nhiên, không nên ăn quá nhiều loại thực phẩm này vì có thể dẫn đến viêm kết mạc, tổn thương niêm mạc dạ dày..
  • Rau quả giàu chất chống oxy hóa: Những loại thực phẩm này giàu dưỡng chất, vitamin, khoáng chất và chất xơ không những giúp giảm cholesterol mà còn bảo vệ tim mạch. Các loại rau quả trong nhóm này bao gồm: cam, quýt, bưởi; dâu, việt quất, cherry; các loại rau màu xanh đậm như đậu tương, súp lơ xanh, cải bắp, rau bina, dưa leo, rong biển, mướp đắng; rau trái màu vàng như xoài, mơ, đào vàng, táo, bí ngô, cà rốt, khoai lang…
  • Cá: Các loại cá như cá hồi, cá ngừ, cá thu, cá mòi, cá trích…  chứa hàm lượng acid béo omega 3 dồi dào giúp hạ mỡ máu, kiểm soát rối loạn nhịp tim, huyết áp, giảm xơ vữa động mạch. Vì vậy, các thực phẩm này nên có trong chế độ ăn của người rối loạn mỡ máu.

Rối loạn mỡ máu kiêng ăn gì?

  • Mỡ, da động vật, gạch cua, gạch tôm
  • Sữa nguyên kem, sữa đặc có đường
  • Lòng đỏ trứng gà
  • Nội tạng động vật: ruột, gan, óc, lá lách…
  • Hạn chế đồ ăn chế biến sẵn chứa phô mai, thịt nguội, xúc xích…
  • Dầu thực vật chứa nhiều chất béo bão hòa như: dầu dừa, dầu cọ, dầu hạnh nhân…
  • Hạn chế thức ăn chứa nhiều dầu mỡ, chiên rán…
  • Bơ thực vật, pho mát

Rối loạn mỡ máu có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, vì vậy, ngoài việc khám sức khỏe định kỳ, người bệnh cần tuân thủ chế độ ăn dành cho người rối loạn mỡ máu được thiết kế bởi các chuyên gia dinh dưỡng nhằm hỗ trợ duy trì các chỉ số lipid máu ở mức ổn định.

Trong chế độ ăn dành cho người rối loạn mỡ máu, thực đơn hàng ngày là điều mà bệnh nhân và người thân rất quan tâm. Tuy nhiên, các thực đơn có sẵn (thường thấy ở trên mạng) chỉ mang tính tham khảo. Người bệnh rối loạn mỡ máu cần được thăm khám thực tế để xác định chính xác tình trạng bệnh, từ đó, các bác sĩ sẽ có chỉ định chuyên biệt hướng điều trị, chuyên gia dinh dưỡng sẽ thiết kế các thực đơn và khẩu phần ăn hàng ngày phù hợp, đồng thời hướng dẫn chế biến món ăn sao cho đảm bảo nguyên tắc dinh dưỡng là bước vô cùng quan trọng.

Bệnh nhân rối loạn lipid máu có thể đến Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome để được thăm khám và hướng dẫn điều trị, chăm sóc hiệu quả, với đội ngũ chuyên gia, bác sĩ giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm. Quy trình khám, tư vấn và điều trị về dinh dưỡng tại Trung tâm cũng được xây dựng khoa học từ việc thăm khám, xét nghiệm chẩn đoán, xây dựng khẩu phần đến lên thực đơn cụ thể và chế biến món ăn, góp phần rất lớn trong việc hỗ trợ điều trị bệnh rối loạn lipid máu.

Rate this post
06:32 17/07/2020