Cường giáp là gì – Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa

17/07/2020 Theo dỗi Nutrihome trên google news

Bài viết được sự tư vấn của ThS.BS Lê Thị Ngọc Vân, Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhân dân 115, Bác sĩ dinh dưỡng Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng và Y học Vận động Nutrihome.

Cường giáp là một tình trạng tăng tiết hormone tuyến giáp, có nhiều biểu hiện lâm sàng, gây ra các rối loạn chuyển hóa, tác động đến toàn bộ cơ thể. Khi thấy các dấu hiệu cảnh báo cường giáp, người bệnh cần sớm đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời để tránh những biến chứng nguy hiểm.

cường giáp khi mang thai

Không nên chủ quan với bệnh cường giáp

Bệnh cường giáp là gì

Bệnh cường giáp xảy ra khi tuyến giáp hoạt động quá mạnh. Tuyến giáp là tuyến nội tiết quan trọng có nhiệm vụ tiết ra hormone tuyến giáp điều khiển mọi hoạt động trao đổi chất của cơ thể.

Vốn là một tuyến quan trọng nằm ở cổ, hình con bướm, tuyến giáp có nhiệm vụ tiết ra hormone tuyến giáp kiểm soát mọi hoạt động của cơ thể. Một số chức năng của tuyến giáp có thể kể đến như tăng cường quá trình trao đổi chất kích thích sự hoạt động của tim, hệ thần kinh và điều tiết nhiệt lượng cho cơ thế. Khi hormone tuyến giáp tiết ra quá nhiều sẽ dẫn đến bệnh cường giáp.

“Cường giáp là một nhóm bệnh gây ra bởi tình trạng tăng tiết hormone tuyến giáp (triiodothyronine và thyroxin) dẫn đến các triệu chứng trên tim mạch, tăng chuyển hóa quá mức: tim đập nhanh, gầy sút cân…”, ThS.BS Lê Thị Ngọc Vân, Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhân dân 115, Bác sĩ dinh dưỡng Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng và Y học Vận động NutriHome cho biết.

Nguyên nhân gây bệnh cường giáp

Bệnh cường giáp là một hội chứng khá phổ biến, do tập hợp một số bệnh gây nên, trong đó điển hình nhất là bướu giáp trạng và bệnh basedow. Theo ước tính có khoảng 80-90% người bệnh cường giáp do mắc bệnh basedow.
Bệnh thường xảy ra ở nữ (cao gấp 3 lần nam giới) và thường xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào, tuy nhiên phổ biến nhất là ở độ tuổi từ 20-50 (chiếm 80%). Một số chị em có thể khởi phát bệnh cường giáp trong quá trình mang thai hoặc sau khi sinh.

Một số nguyên nhân khác cũng gây ra bệnh cường giáp nhưng ít phổ biến hơn gồm: Bệnh bướu tuyến giáp đa nhân, viêm tuyến giáp, dư thừa i-ốt do chế độ ăn hàng ngày chứa lượng i-ốt vượt mức cho phép khiến tuyến giáp phải sử dụng quá nhiều hormone tuyến giáp để tổng hợp. Một nguyên nhân ít gặp hơn nữa là bệnh nhân u tuyến yên cũng có thể bị cường giáp.

Một số người được chẩn đoán mắc bệnh cường giáp nhưng không rõ nguyên nhân hoặc rất mơ hồ: Bệnh có thể do di truyền trong gia đình nhưng không lây nhiễm. Thông thường, các bác sĩ chẩn đoán bệnh sẽ dựa vào kinh nghiệm và một số triệu chứng, sau đó được xác định thông qua kết quả thử máu.

sụt cân là biểu hiện của cường giáp

Sụt cân không rõ nguyên nhân có thể là triệu chứng của bệnh cường giáp

Triệu chứng của bệnh cường giáp

Bệnh cường giáp diễn ra âm thầm và rất dễ nhầm lẫn với các bệnh khác, điều này làm cho bác sĩ rất khó chẩn đoán. Nhiều bệnh nhân khi đột ngột ngã quỵ, ngất xỉu đi bệnh viện khám mới phát hiện ra bệnh. Ngoài ra, khi thấy cơ thể có những biểu hiện bất thường, liên tục xảy ra trong thời gian ngắn, bạn cũng nên nghĩ đến triệu chứng của cường giáp, cần đến bệnh viện thăm khám và điều trị kịp thời. Các triệu chứng đó là:

  • Cơ thể có cảm giác nóng sốt nhưng không ớn lạnh
  • Cổ họng luôn đau rát nhưng không phải do bệnh viêm đường hô hấp
  • Khó thở
  • Tim đập loạn nhịp (tim đập nhanh, thường hơn 100 nhịp mỗi phút), hồi hộp đánh trống ngực, mạnh trong lòng ngực, có thể cảm thấy đau ngực hoặc khó thở
  • Giảm cân không rõ nguyên nhân, ngay khi bạn ăn rất nhiều
  • Run tay (thường run với tần số nhanh và biên độ nhỏ)
  • Sợ nóng (do mức chuyển hóa cơ bản cao, thân nhiệt người bệnh cao hơn bình thường)
  • Tiêu chảy (do nhu động ruột tăng thường xuyên)
  • Bướu cổ (vùng cổ nơi chứa tuyến giáp phình to, do tuyến giáp phì đại)
  • Ra mồ hôi nhiều: Cơ thể ra nhiều mồ hôi ngay cả khi ngồi yên không vận động
  • Thay đổi tính tình, dễ cáu giận, lo lắng
  • Rối loạn giấc ngủ: Khó ngủ, giấc ngủ không yên, giấc ngủ ngắn hơn bình thường
  • Yếu, mệt mỏi, giảm khả năng gắng sức, không muốn vận động nhiều

Nếu không điều trị kịp thời bệnh cường giáp có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, rất khó điều trị thậm chí có thể gây tử vong.

Biến chứng nguy hiểm của bệnh cường giáp

ThS.BS Lê Thị Ngọc Vân cho biết: “Bệnh cường giáp tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu không điều trị kịp thời sẽ gây ra những biến chứng nghiêm trọng, đồng thời rất khó điều trị, tốn nhiều thời gian, tiền bạc, tạo gánh nặng kinh tế cho gia đình, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống”.

Biến chứng rõ ràng và dễ nhận thấy nhất của bệnh cường giáp sau khi điều trị là bệnh nhân sẽ gặp phải tình trạng suy giáp, bởi sau khi xạ trị làm tiêu bướu độc (trường hợp bệnh nhân bị cường giáp do bướu độc), điều trị bệnh cường giáp bằng thuốc kháng giáp trạng, phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp và uống i-ốt phóng xạ. Mặt khác, nhiều bệnh nhân sau thời gian được chỉ định uống thuốc liều cao không tái khám lại, tự uống thuốc trong thời gian dài và bệnh sẽ chuyển sang thành suy giáp.

Một khi bị suy giáp người bệnh sẽ thường xuyên mệt mỏi, tim đập chậm, mặt phù nề, người bệnh buộc phải uống thuốc bổ sung thay thế chức năng tuyến giáp đến suốt đời.

Cường giáp còn có thể dẫn tới nhiều biến chứng tim mạch khó lường như cao huyết áp, đau tim, đột quỵ, đặc biệt là những cơn cường giáp cấp sẽ gây tử vong.

Ngoài ra, bệnh cường giáp cũng có một số biến chứng nguy hiểm khác như:

  • Xương giòn: Bệnh cường giáp không được điều trị cũng có thể dẫn đến tình trạng xương yếu, dễ gãy (loãng xương). Xương khỏe mạnh phụ thuộc vào cơ thể được bổ sung đầy đủ canxi, vitamin D, phốt pho, tuyến giáp có vai trò điều tiết lượng canxi trong máu, khi hormone tuyến giáp quá nhiều sẽ làm cản trở lượng canxi đến tế bào xương của cơ thể.
  • Lồi mắt ác tính: Những người bị hội chứng cường giáp do bệnh basedow rất dễ gặp những biến chứng về mắt gồm: mắt lồi, đỏ hoặc sưng, nhạy cảm với ánh sáng, nhìn mờ hay kèm theo viêm kết mạc, tổn thương giác mạc… Không được điều trị có thể mất thị lực.
  • Da đỏ, sưng: Trong những trường hợp hiếm hoi, những người bị hội chứng cường giáp do bệnh basedow có thể bị biến chứng ở da, gây đỏ, sưng, thường xuất hiện ở bàn chân, cẳng chân.
    Cơn bão giáp: Khi hormone tăng quá cao, các triệu chứng đột ngột trở nên nặng nề, lúc này tính mạng của người bệnh có thể bị đe dọa.

dinh dưỡng khi bị cường giáp

Lựa chọn thực phẩm tốt sẽ giúp người bệnh cường giáp giảm bớt cảm giác khó chịu

Điều trị và phòng ngừa bệnh cường giáp như thế nào?

“Thông thường, khi phát hiện sớm cường giáp có thể điều trị dễ dàng bằng các biện pháp nội khoa. Có nghĩa là người bệnh chỉ cần uống thuốc theo bác sĩ kê toa. Tuy nhiên, cần chú ý thời gian điều trị liên tục 12-18 tháng, người bệnh không nên tự ý bỏ thuốc khi thấy không còn các triệu chứng của bệnh, hoặc bệnh nhân phải tái khám và dùng thuốc theo chỉ định, không được tự ý dùng thuốc với liều lượng không phù hợp vì như thế sẽ vô cùng nguy hiểm”, ThS.BS Lê Thị Ngọc Vân cho biết.

Bệnh sẽ được cải thiện sau 2-4 tuần điều trị, các xét nghiệm chức năng tuyến giáp cũng sẽ được hồi phục sau đó. Trong một số trường hợp, bướu cổ to gây ảnh hưởng thẩm mỹ, hoặc bướu tái phát nhiều lần, có thể can thiệp bằng phẫu thuật hoặc uống đồng vị i-ốt phóng xạ.

Bệnh lý về tuyến giáp thường rất phổ biến ở nước ta, tuy nhiên chế độ ăn uống và vận động có thể hỗ trợ tốt cho công việc điều trị và góp phần hạn chế biến chứng.

Chế độ dinh dưỡng

Mặc dù chế độ ăn uống không thể có tác dụng điều trị dứt điểm bệnh cường giáp nhưng nó sẽ hỗ trợ điều trị bệnh hiệu quả, giúp người bệnh dễ chịu hơn và năng ngăn ngừa bệnh tái phát.

Một chế độ ăn cân bằng dinh dưỡng, tăng cường rau xanh và trái cây giúp cân bằng hormone tuyến giáp bao gồm:

  • Trái cây mọng nước (cam, quýt, nho, dâu…), rau họ cải (cải xanh, cải mầm, cải thảo…). Người bệnh cũng nên bổ sung các loại cá như cá hồi, cá trích, cá thu vào bữa ăn hàng ngày và các loại thịt như thịt heo nạc, bò, gà, sữa, các chế phẩm từ sữa.
  • Ngoài ra cần bổ sung lượng i-ốt cần thiết trong bữa ăn hàng ngày, đặc biệt là phụ nữ mang thai. Người bệnh không nên kiêng khem tuyệt đối chỉ nên ăn hạn chế một số loại thực phẩm dưới đây:
  • Thực phẩm giàu i-ốt: Thừa i-ốt dẫn đến làm tăng hoạt động của tuyến giáp, làm nặng thêm tình trạng bệnh. Trong trường hợp này nên kiêng muối i-ốt, ăn hạn chế các loại tảo biển và một số hải sản.
  • Thực phẩm có hàm lượng đường cao: Người bệnh cường giáp có thể gặp một số “trục trặc” trong quá trình chuyển hóa carbohydrate và kiểm soát đường huyết trong máu. Nếu dùng thực phẩm có chứa nhiều đường sẽ làm tăng mức độ hồi hộp, tim đập nhanh hơn, rối loạn nhịp tim. Các loại thực phẩm nhiều đường gồm bánh kẹo ngọt, mứt, đường, nước trái cây, nước ngọt.
  • Thực phẩm chứa chất béo bão hòa hoặc chất béo chuyển hóa: Làm cho các triệu chứng của bệnh thêm trầm trọng, cơ thể không đáp ứng được thuốc điều trị. Các loại thực phẩm có nhiều chất béo bão hòa gồm: thịt đỏ, thức ăn chiên xào, chất béo chuyển hóa được tìm thấy nhiều ở các loại bánh quy, bánh ngọt, khoai tây chiên.
  • Cà phê: Làm kích thích tuyến giáp tiết quá nhiều hormone, làm người bệnh cường giáp tỏa nhiệt nhiều hơn, gây nóng nảy, khó chịu.
  • Rượu bia: Làm hạn chế sự hấp thu canxi, gây rối loạn chuyển hóa canxi ở người bệnh dẫn đến biến chứng loãng xương.
  • Sữa tươi nguyên kem: Chất béo trong sữa tươi nguyên kem sẽ làm cho người bệnh khó tiêu hóa, dễ đau bụng, khó tiêu.

Chế độ vận động

Ngoài chế độ dinh dưỡng hợp lý giúp người bệnh giảm bớt khó chịu và hỗ trợ phòng trị bệnh, thì vận động sẽ mang lại nhiều kết quả khả quan.

Do mắc hội chứng cường giáp nên quá trình trao đổi chất trong cơ thể diễn ra chậm lại. Một khi xác định được các yếu tố tác động, việc đẩy mạnh tốc độ quá trình trao đổi chất không phải là vấn đề lớn đối với người bệnh. Hãy tập trung vào cải thiện những yếu tố đó bằng cách thông qua luyện tập thể thao.

Theo nghiên cứu, luyện tập thể thao sẽ giúp cơ thể tăng cường trao đổi chất. Người bệnh có thể luyện tập bất cứ bộ môn nào nếu thấy phù hợp với sức khỏe. Thông thường các chuyên gia khuyến cáo nên chọn cách tập luyện nhẹ nhàng như đi bộ, bơi lội, đạp xe… vừa dễ thực hiện, hạn chế bỏ cuộc, tiết kiệm chi phí lại có hiệu quả tích cực.

Ngay từ lúc vừa phát bệnh, người bệnh nên đến Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng – Y học vận động NutriHome chuyên khám, tư vấn và điều trị dinh dưỡng cho trẻ em và người lớn hiện đại bậc nhất Việt Nam để được thăm khám, chăm sóc dinh dưỡng đúng cách. Các chuyên gia sẽ cùng bạn xây dựng những thực đơn ngon miệng, đủ chất giúp bệnh cường giáp nhanh chóng cải thiện.

Rate this post
04:13 17/07/2020