Đái tháo đường: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

18/01/2024 Theo dỗi Nutrihome trên google news Tác giả: Trung tâm Dinh dưỡng Nutrihome
Tư vấn chuyên môn bài viết
Chức Vụ: Trợ lý Giám đốc Y khoa
Trung tâm Dinh dưỡng Nutrihome

Đái tháo đường là một trong những căn bệnh có nguy cơ tử vong cao. Người mắc bệnh đái tháo đường cần được chẩn đoán và chữa trị kịp thời để ngăn chặn nguy cơ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Vậy, dấu hiệu đái tháo đường là gì? Nguyên nhân đái tháo đường do đâu? Phòng ngừa và kiểm soát bệnh bằng cách nào? Tất cả sẽ được Trung tâm Dinh dưỡng Nutrihome bật mí trong bài viết sau đây.

Đái tháo đường: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Đái tháo đường có triệu chứng ra sao? Chẩn đoán và điều trị bằng cách nào?

Đái tháo đường là gì?

Đái tháo đường (hay tiểu đường, đái đường, tên tiếng anh là Diabetes) là bệnh lý xảy ra khi cơ thể không sản xuất đủ lượng hormone insulin cần thiết phục vụ cho quá trình chuyển hóa đường huyết hoặc không thể dùng insulin hiệu quả như bình thường; từ đó, dẫn đến gia tăng nồng độ đường glucose trong máu.

Các loại đái tháo đường thường gặp

Tính đến thời điểm hiện tại, có 3 loại bệnh đái tháo đường phổ biến (chiếm đến 98 – 99%) bao gồm đái tháo đường tuýp 1, 2 và đái tháo đường thai kỳ và các loại đái tháo đường khác như do bệnh lý, đột biến gen hoặc xảy ra do tác dụng phụ của phác đồ điều trị bệnh bằng thuốc, cụ thể như sau:

1. Đái tháo đường tuýp 1

Bệnh đái tháo đường tuýp 1 xảy ra khi hệ miễn dịch của cơ thể “tấn công” thay vì bảo vệ các tế bào beta trong tuyến tụy; điều này đã khiến cho tế bào này mất đi khả năng sản xuất insulin. Như vậy, tuyến tụy của người bị tiểu đường tuýp 1 sẽ không tiết ra bất kỳ lượng insulin nào.

Đây là bệnh lý tự miễn (hình thành do hệ thống miễn dịch không hoạt động đúng cách) có mức độ phổ biến khoảng từ 5 – 10% trên tổng số trường hợp mắc bệnh tiểu đường và không thể được chữa trị dứt điểm (bệnh mạn tính). Do đó, để có thể kiểm soát bệnh, người bị tiểu đường tuýp 1 cần phải tiêm insulin mỗi ngày để phần nào duy trì khả năng chuyển hóa đường huyết và trao đổi chất trong cơ thể.

2. Đái tháo đường tuýp 2

Đái tháo đường tuýp 2 cũng là một bệnh lý mạn tính, xảy ra khi các tế bào trong cơ thể không phản ứng với insulin (hay kháng insulin). Đây là căn bệnh phổ biến khi số người mắc phải chiếm tỉ lệ đến 90 – 95% trên tổng số trường hợp bệnh tiểu đường.

Người bị tiểu đường tuýp 2 không thể chữa khỏi hoàn toàn bệnh lý này mà chỉ có thể kiểm soát bệnh qua việc cải thiện lối sinh hoạt (bao gồm xây dựng chế độ ăn uống khoa học, rèn luyện thể chất phù hợp…) và tuân thủ phác đồ điều trị bằng thuốc của bác sĩ.

3. Đái tháo đường thai kỳ

Đái tháo đường thai kỳ là bệnh tiểu đường xảy ra trong quá trình mang thai. Đái tháo đường trong thai kỳ được xem là căn bệnh phổ biến; bởi vì, trên toàn cầu có khoảng 3 – 20% thai phụ mắc phải bệnh lý này. Theo khuyến cáo, bệnh tiểu đường thai kỳ có thể khiến cho nguy cơ bị tiểu đường tuýp 2 tăng cao gấp 11 lần so với thai phụ khỏe mạnh.

Nếu không kiểm soát tốt lượng đường trong máu, thai phụ có thể phải đối mặt với các vấn đề đe dọa tính mạng như tiền sản giật, tăng nguy cơ sản giật gấp 4 lần so với thai phụ không bị tiểu đường, băng huyết sau sinh….

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đái tháo đường trong thai kỳ được phát hiện lần đầu ở thai phụ được phân loại thành 2 nhóm, bao gồm:

  • Đái tháo đường mang thai (overt diabetes / diabetes in pregnancy): Xảy ra khi mức glucose trong huyết tương đạt mức chẩn đoán tiểu đường tiêu chuẩn. Đái tháo đường mang thai thường được phát hiện trong 3 tháng đầu thai kỳ và không tự khỏi sau khi sinh con;
  • Đái tháo đường thai kỳ (gestational diabetes mellitus – GDM): Thai phụ bị đái tháo đường thai kỳ có mức glucose trong huyết tương thấp hơn đái tháo đường mang thai. Bệnh sẽ phát triển trong suốt thời kỳ mang thai và tự khỏi sau khi em bé chào đời.
Các loại đái tháo đường thường gặp, đái tháo đường thai kỳ

Đái tháo đường thai kỳ là bệnh lý phổ biến ở nhiều thai phụ

4. Các loại bệnh đái tháo đường khác

Ngoài đái tháo đường tuýp 1, 2 và đái tháo đường trong thai kỳ vẫn còn các loại khác ít phổ biến hơn, bao gồm:

4.1. Đái tháo đường LADA

Đây là bệnh lý tự miễn tiềm ẩn ở người trưởng thành (đặc biệt là sau độ tuổi 30), bệnh sở hữu các đặc điểm di truyền, trao đổi chất, miễn dịch tương tự với bệnh tiểu đường tuýp 1, 2 nên được gọi là bệnh tiểu đường tuýp 1.5. Tuy nhiên, ở người bệnh tiểu đường LADA, quá trình tổn thương tuyến tụy sẽ diễn ra chậm hơn so với tiểu đường tuýp 1;

Đối với bệnh tiểu đường LADA, quá trình sản xuất insulin trong cơ thể vẫn hoạt động và có thể tạo ra được một lượng nhất định. Vì vậy, trong vòng ít nhất 6 tháng đầu sau khi được chẩn đoán, người bệnh không cần phải tiêm insulin vào cơ thể hàng ngày;

4.2. Tiểu đường MODY

Khác với tiểu đường tuýp 1, chức năng của các tế bào beta tuyến tụy có thể được bảo tồn khoảng từ 3 đến 5 năm kể từ khi được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường MODY. Do đó, phần lớn bệnh không gây ra bất kỳ triệu chứng điển hình nào. Bệnh lý này thường được phát hiện ở đối tượng như trẻ em, thanh thiếu niên, thanh niên không bị béo phì;

Dựa vào từng loại đột biến gen trội có liên quan đến chức năng hoạt động của tuyến tụy, bệnh tiểu đường MODY được phân thành tổng cộng 14 phân loại (từ MODY 1 – MODY 14); trong đó, phân nhóm từ MODY 1 – MODY 3 có mức độ phổ biến cao khi chiếm đến 95% trường hợp mắc phải bệnh lý này;

4.3. Các bệnh đái tháo đường khác

Bệnh đái tháo đường có thể bắt nguồn từ quá trình sử dụng thuốc dài hạn (như thuốc điều trị bệnh HIV / AIDS, thuốc corticosteroids, các loại thuốc điều trị ung thư…) hoặc khởi phát như triệu chứng của các bệnh lý khác (bao gồm viêm tụy, xơ nang, Hội chứng Wolfram, Hội chứng Alström…).

Các loại bệnh đái tháo đường khác

Bệnh đái tháo đường được phân thành nhiều loại khác nhau

Tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường

Thống kê vào năm 2019 cho thấy, trên toàn cầu có khoảng 463 triệu người mắc bệnh đái tháo đường (tương đương với tỉ lệ 9.3 %). Theo đó, ước tính vào năm 2030 số người mắc bệnh tiểu đường có thể đạt ngưỡng 578 triệu người và năm 2045 có thể lên đến 700 triệu người. Cùng năm 2019, có khoảng 3.5 triệu người bị đái tháo đường tại Việt Nam; đến năm 2021, con số này đã lên đến khoảng 5 triệu người (tương đương với tỉ lệ 7.1% dân số trưởng thành).

Có thể thấy rằng, chỉ trong 2 năm mà tỉ lệ mắc bệnh đái tháo đường tại Việt Nam đã gia tăng gần 43%. Bên cạnh đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, số người mắc tiền tiểu đường đã tăng gấp 3 lần so với người bệnh tiểu đường. Theo dự đoán của các chuyên gia, so với năm 2019 thì tỉ lệ mắc bệnh tiểu đường tại nước ta vào năm 2045 có thể gia tăng gấp 2 lần. Điều đó có nghĩa là có thể có khoảng 7 triệu người ở độ tuổi trưởng thành mắc phải bệnh lý này (tương đương khoảng 10% dân số trưởng thành).

Như vậy, nếu như không biện pháp phòng ngừa và kiểm soát đái tháo đường trong cộng đồng sẽ gây áp lực lớn lên mạng lưới y tế, cũng như tạo thêm gánh nặng cho nền kinh tế cả nước.

Triệu chứng đái tháo đường

Biểu hiện của đái tháo đường có thể khác nhau tùy thuộc vào từng phân loại bệnh, cụ thể như sau:

1. Triệu chứng đái tháo đường tuýp 1

Một số triệu chứng bệnh tiểu đường tuýp 1 điển hình như:

  • Khát nước liên tục mặc dù uống đủ nước;
  • Tiểu tiện nhiều lần một cách bất thường (cơ thể muốn đào thải lượng đường huyết cao);
  • Luôn cảm thấy đói, mệt mỏi (tế bào trong cơ thể không hấp thụ hiệu quả glucose);
  • Sụt cân bất thường dù vẫn duy trì chế độ ăn uống bình thường hoặc ăn uống nhiều hơn;
  • Đột ngột giảm thị lực;
  • Thường xuyên cảm thấy khô da, ngứa da;
  • Vết thương ngoài da có hiện tượng lâu lành;
  • Tê bì, ngứa râm ran ở chân và tay.
Triệu chứng đái tháo đường

Thường xuyên mệt mỏi có thể là triệu chứng đái tháo đường

2. Triệu chứng đái tháo đường tuýp 2

Bên cạnh các triệu chứng tương tự như đái tháo đường tuýp 1 thì bệnh tiểu đường tuýp 2 còn có thêm một số biểu hiện đặc trưng như:

  • Bệnh gai đen (Acanthosis Nigricans): Da có hiện tượng sẫm màu, nứt nẻ và sần sùi ở vùng sau cổ, háng, nách và đường chân ngực;
  • Cơ thể thường xuyên bị viêm nhiễm; trong đó, phổ biến nhất là triệu chứng đau khớp (do hệ miễn dịch bị suy yếu);
  • Cơ thể có hiện tượng tích mỡ quá mức, tăng cân không rõ nguyên nhân;
  • Một số trường hợp, người bệnh đột ngột giảm cân không có nguyên nhân rõ ràng (ít gặp hơn bệnh tiểu đường tuýp 1).

3. Triệu chứng đái tháo đường thai kỳ

Phần lớn, đái tháo đường thai kỳ có triệu chứng tương tự như đái tháo đường tuýp 1, 2 bao gồm đi tiểu nhiều, khát nước, mắt mờ, mệt mỏi, viêm bàng quang…. Tuy nhiên, các triệu chứng này thường dễ bị nhầm lẫn với những thay đổi sinh lý trong thời kỳ mang thai nên rất khó được nhận biết. Do đó, để có thể xác định chính xác bệnh tiểu đường thai kỳ, thai phụ cần thực hiện xét nghiệm đường huyết định kỳ theo chỉ định từ bác sĩ sản khoa.

Nguyên nhân đái tháo đường là gì?

Nguyên nhân gây ra từng loại bệnh đái tháo đường không giống nhau, cụ thể như sau:

1. Nguyên nhân bị đái tháo đường tuýp 1

Nguyên nhân gây bệnh đái tháo đường tuýp 1 đến từ sự tấn công các tế bào beta tuyến tụy (mang chức năng sản xuất hormone insulin) của hệ thống thống miễn dịch trong cơ thể. Khi các tế bào beta bị hủy hoại sẽ khiến cho khả năng sản xuất insulin của tuyến tụy bị mất đi. Lúc này, cơ thể không nhận được hormone insulin để kích hoạt cơ chế hấp thụ glucose trong máu làm gia tăng nồng độ đường huyết, gây ra đái tháo đường tuýp 1.

2. Nguyên nhân bị đái tháo đường tuýp 2

Nguyên nhân khiến một người bị bệnh đái tháo đường tuýp 2 đến từ tình trạng kháng insulin của cơ thể – tế bào cơ thể mất khả năng phản ứng với insulin. Trên thực tế, insulin được xem như một “tín hiệu” sinh học có tác động kích hoạt cơ thể hấp thụ glucose ở màng sinh chất của tế bào. Thế nến, nếu tế bào cơ thể mất khả năng phản ứng với chất này, sẽ khiến cho màng sinh chất khổ thể hấp thụ glucose dẫn đến lượng đường huyết bị tăng cao và gây ra bệnh tiểu đường tuýp 2.

Ở thời gian đầu của bệnh, tuyến tụy vẫn có thể cố gắng sản xuất một lượng ít hormone insulin để “chống chọi” với tình trạng kháng insulin trong cơ thể. Tuy vậy, nếu như bệnh chữa trị kịp thời, tuyến tụy sẽ rơi vào trạng thái hoạt động quá sức, không thể tiếp tục sản xuất hormone insulin và gây ra tình trạng thiếu hụt chất này; từ đó, thúc đẩy bệnh tiểu đường tuýp 2 tiến triển nhanh chóng.

Nguyên nhân đái tháo đường là gì?

Đái tháo đường tuýp 2 xảy ra khi cơ thể có tình trạng kháng insulin

3. Nguyên nhân bị đái tháo đường thai kỳ

Trong quá trình mang thai, cơ thể người mẹ sẽ gia tăng sản xuất hormone để nuôi dưỡng thai nhi thông qua nhau thai, bao gồm cortisol, estrogen, lactogen…. Một vài loại hormone có thể khiến cho cơ thể người mẹ gặp khó khăn trong việc sản xuất và sử dụng insulin (kháng insulin). Khi đó, để cân bằng lượng đường huyết trong cơ thể, tuyến tụy cần phải tăng cường hoạt động để có thể tạo ra đủ lượng insulin cần thiết. Kéo dài tình trạng này sẽ khiến cho tuyến tụy bị “quá tải” và mất khả năng sản xuất insulin; lúc này, lượng đường huyết sẽ tăng cao và gây ra bệnh đái tháo đường trong thai kỳ.

Các yếu tố nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường

Yếu tố nguy cơ bị đái tháo đường là khái niệm chỉ các tác nhân gián tiếp gây ra bệnh, chúng có thể làm gia tăng nguy cơ bị tiểu đường ở một người. Các yếu tố đó bao gồm:

1. Đái tháo đường tuýp 1

Một số yếu tố nguy cơ dẫn đến bị đái tháo đường tuýp 1 điển hình như:

  • Di truyền: Nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 1 sẽ gia tăng ở người có tiền sử gia đình mắc bệnh lý này;
  • Tuổi tác: Mặc dù mọi độ tuổi đều có thể bị tiểu đường tuýp 1; tuy vậy, nguy cơ mắc phải bệnh lý này có thể cao hơn ở những đối tượng như trẻ em, thanh thiếu niên và thanh niên (nhỏ hơn 30 tuổi);
  • Virus: Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, một số loại virus thuộc nhóm Enteroviruses có thể là yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh tiểu đường tuýp 1. Cụ thể, sau khi xâm nhập vào cơ thể, nhóm virus sẽ gây ra bệnh đường hô hấp, triệu chứng cảm lạnh và thụ thể kích hoạt hệ miễn dịch tấn công các tế bào sản xuất insulin trong cơ thể; từ đó, dẫn đến bệnh tiểu đường tuýp 1.

2. Tiền đái tháo đường và đái tháo đường tuýp 2

Một số yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 bao gồm:

  • Thừa cân, béo phì: Khi bị thừa cân hoặc béo phì, cơ thể có thể sẽ thúc đẩy mô mỡ giải phóng glucose và axit béo tự do vào máu. Khi đó, các tế bào trong cơ thể sẽ bị suy giảm khả năng phản ứng với insulin, dẫn đến nguy cơ bị tiểu đường tuýp 2;
  • Lười vận động: Hoạt động thể chất sẽ giúp các tế bào cơ bắp (muscle cells) sử dụng glucose và insulin một cách hiệu quả hơn; từ đó, hạn chế nguy cơ bị tiểu đường tuýp 2. Điều này có nghĩa là nếu bạn lười vận động có thể khiến cho các tế bào cơ trong cơ thể dần mất đi khả năng phản ứng với insulin và gây tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.
  • Di truyền: Nguy cơ bị đái tháo đường tuýp 2 có thể gia tăng gấp 3 lần nếu bạn có người thân trực hệ (anh, chị, em, cha, mẹ…) mắc phải bệnh lý này.
  • Bệnh nền: Một số bệnh nền có thể là yếu tố làm gia tăng nguy cơ bị tiểu đường tuýp 2 như máu nhiễm mỡ, tăng huyết áp…. Theo nghiên cứu, mỗi lần huyết áp tâm thu tăng thêm 20 mmHg có thể khiến cho nguy cơ bị tiểu đường tuýp 2 tăng 77%. Bên cạnh đó, so với người bình thường thì nguy cơ mắc phải tiểu đường tuýp 2 ở người bị máu nhiễm mỡ có thể cao hơn gấp 3 lần.
Các yếu tố nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường

Đái tháo đường tuýp 2 có thể bắt nguồn từ lối sống kém khoa học

3. Đái tháo đường thai kỳ

Một số yếu tố nguy cơ gây ra bệnh tiểu đường thai kỳ bao gồm:

  • Thừa cân, béo phì;
  • Thai phụ có tiền sử mắc bệnh tiền tiểu đường, tiểu đường thai kỳ (ở lần mang thai trước đó), hội chứng buồng trứng đa nang;
  • Lịch sử gia đình có người thân bị bệnh tiểu đường;
  • Tiền sử sinh em bé nặng hơn 4 kg.

Các biến chứng đái tháo đường nguy hiểm

Bệnh đái tháo đường có nguy hiểm không? Câu trả lời là “CÓ”, bởi vì nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời bệnh lý này có thể dẫn đến các biến chứng như:

  • Gan nhiễm mỡ: Đây là biến chứng tiểu đường phổ biến nhất. Ước tính, có khoảng 70% người bị tiểu đường gặp phải biến chứng này. Nếu không điều trị gan nhiễm mỡ kịp thời có thể dẫn đến các bệnh lý đặc biệt nguy hiểm như xơ gan, ung thư gan;
  • Viêm nhiễm ở chi: Tình trạng lở loét chân và tay là biến chứng thường gặp ở người bị tiểu đường. Nếu không sớm có biện pháp kiểm soát bệnh lý này, người bệnh có thể bị hoại tử và phải thực hiện phẫu thuật đoạn chi;
  • Bệnh lý liên quan đến thị lực: Tại nước ta, có khoảng 5% người bị tiểu đường gặp phải các bệnh lý về thị lực như mất thị lực, tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể….
  • Bệnh suy thận: Suy thận có thể là biến chứng của bệnh tiểu đường. Ước tính, tỉ lệ khởi phát biến chứng suy thận ở người bị tiểu đường tuýp 1 là 30%, ở người bị tiểu đường tuýp 2 là từ 10 – 40%. Biến chứng này sẽ khiến cho người bệnh phải đối mặt với nguy cơ chạy thận lọc máu suốt đời để duy trì sự sống;
  • Bệnh về tim mạch: Tỉ lệ xảy ra biến chứng bệnh tim mạch ở người bị tiểu đường là khoảng 30%; tại Việt Nam, tỉ lệ này có thể đạt đến 34%.
  • Đột quỵ và đau tim: Người bị tiểu đường có nguy cơ bị đột quỵ và đau tim cao gấp 4 lần so với người khỏe mạnh. Không những vậy, nguy cơ đột quỵ và đau tim ở người đồng mắc bệnh về thận khi đang bị tiểu đường tuýp 2 có thể gia tăng gấp 12 lần.

Ngoài ra, những biến chứng tiểu đường nêu trên đều góp phần gây tăng nguy cơ tử vong ở người bệnh gấp 2 – 3 lần so với người khỏe mạnh. Do đó, mọi người không được chủ quan xem thường các biến chứng này.

Phương pháp và tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường

Để chẩn đoán đái tháo đường, bên cạnh việc cung cấp triệu chứng lâm sàng và tiền sử y tế thì người bệnh cần thực hiện một số các xét nghiệm máu để bác sĩ đánh giá được nồng độ glucose trong máu. Các xét nghiệm máu chẩn đoán bệnh tiểu đường bao gồm:

1. Xét nghiệm đường huyết khi đói (Fasting Blood Sugar Test

Để có thể thực hiện xét nghiệm này, bạn cần nhịn ăn ít nhất 8 giờ đồng hồ. Nếu chỉ số xét nghiệm dưới 100 mg/DL có nghĩa là đường huyết bình thường; từ 100 – 125 mg/dL được chẩn đoán là tiền tiểu đường; kết quả hai lần xét nghiệm khác nhau đạt chỉ số từ 126 mg/dL trở lên được chẩn đoán là mắc bệnh tiểu đường.

2. Xét nghiệm Hemoglobin A1c (HbA1c)

Xét nghiệm này sẽ đo lượng glucose gắn với hemoglobin trong hồng cầu và phản ánh mức đường huyết trong khoảng 3 tháng (3 tháng là tuổi thọ trung bình của tế bào hồng cầu). Glucose trong máu càng cao thì mức glucose gắn với hemoglobin càng nhiều. Kết quả xét nghiệm HbA1c bình thường khi chỉ số dưới 5.7%; tiền tiểu đường khi chỉ số từ 5.7 – 6.4%; tiểu đường khi chỉ số từ 6.5% trở lên.

3. Xét nghiệm dung nạp glucose đường uống (OGTT)

Xét nghiệm OGTT được áp dụng để đo lường khả năng sử dụng đường glucose của cơ thể. Đây là xét nghiệm cần thiết trong quá trình chẩn đoán đái tháo đường, đặc biệt là đái tháo đường thai kỳ. Bạn sẽ đo đường huyết một lần sau khi đã nhịn ăn qua đêm và đo lại một lần nữa sau khi đã uống một lượng đường lớn. Kết quả xét nghiệm OGTT là bình thường nếu chỉ số sau 2 giờ dưới 140 mg/dL; từ 140 – 199 mg/dL được chẩn đoán là tiền tiểu đường; từ 200 mg/dL trở lên được chẩn đoán là mắc bệnh tiểu đường.

Nếu kết quả xét nghiệm Hemoglobin A1c lớn hơn 6.5% hoặc xét nghiệm đường huyết khi đói cao hơn 126 mg/dL bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thực hiện xét nghiệm OGTT. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể chỉ định xét nghiệm này khi nghi ngờ một người bị tiểu đường tuýp 2. Hầu hết tất cả phụ nữ mang thai đều cần phải thực hiện xét nghiệm này vào tuần thai thứ 24 – 28, để có thể sớm xác định được tình trạng tiểu đường thai kỳ.

4. Xét nghiệm đường huyết ngẫu nhiên

Bạn có thể thực hiện xét nghiệm này bất cứ lúc nào mà không phải nhịn ăn trước đó. Bác sĩ có thể sẽ chỉ định bạn thực hiện xét nghiệm đường huyết ngẫu nhiên vài lần trong một ngày. Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy chỉ số từ 200 mg/dL trở lên cùng với các triệu chứng kèm theo như đi tiểu thường xuyên, khát nước liên tục… thì có thể bạn đã mắc bệnh tiểu đường.

Phương pháp và tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường

Để chẩn đoán chính xác bệnh đái tháo đường bạn cần sớm đến bệnh viện để thăm khám

Phương pháp điều trị đái tháo đường

Tùy thuộc vào từng phân loại bệnh, mức độ nghiêm trọng của bệnh và các yếu tố cá nhân khác, bác sĩ sẽ cân nhắc đưa ra phác đồ điều trị bệnh đái tháo đường phù hợp. Sau đây là tổng quan các phương pháp điều trị đái tháo đường phổ biến:

1. Điều trị đái tháo đường tuýp 1 và tuýp 2

1.1. Sử dụng thuốc điều trị

1.1.1 Thuốc dạng uống không phải insulin
  • Thuốc nhóm Biguanide: Đại diện thuộc nhóm này là Metffomin. Loại thuốc này có tác dụng làm giảm lượng glucose sản xuất ở gan; từ đó, cải thiện hoạt động insulin và làm chậm quá trình chuyển hóa chất carbohydrate thành đường. Trong một số trường hợp người bệnh đái tháo đường sử dụng thuốc Metformin có thể gặp phải một số tác dụng phụ như chán ăn, đầy bụng, tiêu chảy. Ngoài ra, loại thuốc này cũng được khuyến cáo không dùng cho người bệnh suy thận.
  • Thuốc nhóm Thiazolidinedione: Loại thuốc này có tác động giúp các tế bào mỡ sử dụng insulin tốt hơn bằng cách giảm lượng glucose trong gan. Bác sĩ có thể sẽ cân nhắc kết hợp thuốc nhóm Thiazolidinedione với các loại thuốc khác để tăng hiệu quả điều trị đái tháo đường. Trong quá trình sử dụng thuốc, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ như tăng cân, giảm thị lực, phù nề… tuy nhiên, các tác dụng phụ này không quá phổ biến.
1.1.2. Thuốc tăng tiết insulin
  • Thuốc nhóm Sulfonylureas: Loại thuốc này có tác động giúp kích thích tuyến tụy bài tiết insulin, đồng thời ngăn gan giải phóng glucose và tăng tổng hợp glycogen; từ đó, giúp hạn lượng đường trong máu hiệu quả. Do đó, trong quá trình sử dụng thuốc nhóm Sulfonylureas, người bệnh cần tránh bỏ bữa để hạn chế nguy cơ bị hạ đường huyết quá mức.
  • Thuốc nhóm Meglitinides: Đây cũng là loại thuốc thúc đẩy cơ thể tạo ra insulin, có tác động nhanh hơn thuốc nhóm sulfonylureas. Thuốc nhóm Meglitinides được bác sĩ khuyến khích sử dụng trước bữa ăn.
  • Thuốc chủ vận thụ thể GLP-1: Thuốc điều trị đái tháo đường loại này có hoạt động gần giống như hormone tự nhiên incretin. Cụ thể, thuốc sẽ làm tăng lượng insulin và thúc đẩy sự phát triển của tế bào B trong cơ thể. Ngoài ra, thuốc còn giúp cơ thể giảm cảm giác thèm ăn cũng như làm giảm lượng đường trong máu.
  • Thuốc ức chế men Dipeptidyl Peptidase-4: Đây là loại thuốc có tác động giúp cho GLP-1 không bị phá hủy; từ đó, duy trì hoạt động của incretin và giúp lượng đường huyết giảm đáng kể.
1.1.3. Thuốc giúp làm chậm hấp thụ glucose và chất béo từ ruột
  • Thuốc ức chế men alpha – glucosidase: Thuốc có tác dụng hạn chế sự hấp thụ glucose ở ruột non, trì hoãn quá trình phân hủy carbohydrate; từ đó, làm giảm đáng kể lượng glucose trong máu.
  • Thuốc ức chế SGLT2: Thuốc có tác động làm giảm sự tái hấp thu glucose ở ống thận; từ đó, giúp cơ thể đào thải glucose để làm giảm lượng đường trong máu.

1.2. Tiêm insulin

Tiêm insulin là phương pháp được sử dụng chủ yếu để điều trị đái tháo đường tuýp 1. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể cân nhắc chỉ định người bệnh tiêm insulin để điều trị đái tháo đường tuýp 2. Các loại insulin được sử dụng phổ biến bao gồm insulin tác dụng nhanh, insulin tác dụng kéo dài, insulin trộn giữa loại nhanh và loại kéo dài, insulin kết hợp GLP-1-Soliqua (glargine-lixisenatide).

Ngoài việc áp dụng các biện pháp điều trị đặc hiệu, người bị tiểu đường tuýp 1, tuýp 2 cần quản lý lối sống để hỗ trợ kiểm soát đường huyết luôn ở mức an toàn, bao gồm điều chỉnh chế độ ăn uống, duy trì cân nặng khỏe mạnh, tăng cường rèn luyện thể chất và thăm khám sức khỏe định kỳ.

Phương pháp điều trị đái tháo đường

Tiêm insulin là phương pháp điều trị bệnh tiểu đường tuýp 1 phổ biến

Điều trị đái tháo đường thai kỳ

Mục tiêu của điều trị đái tháo đường thai kỳ là kiểm soát lượng đường huyết ở mức an toàn. Để điều trị tiểu đường thai kỳ, thai phụ cần:

  • Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng: Một chế độ dinh dưỡng khoa học, phù hợp sẽ giúp duy trì mức đường huyết an toàn nhưng vẫn đảm bảo cung cấp đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho sức khỏe của mẹ và bé.
  • Kiểm tra đường huyết định kỳ: Thai phụ cần kiểm tra mức đường trong máu ở cả hai thời điểm trước và sau bữa ăn theo chỉ định của bác sĩ.
  • Vận động phù hợp: Thai phụ nên duy trì rèn luyện thể chất nhẹ nhàng, phù hợp dưới sự theo dõi của bác sĩ để hỗ trợ kiểm soát lượng đường huyết luôn ở mức ổn định.

Trong trường hợp chế độ dinh dưỡng và vận động không giúp kiểm soát được lượng đường huyết, bác sĩ có thể sẽ cân nhắc việc chỉ định thai phụ sử dụng thuốc (Metformin).

Bệnh đái tháo đường có chữa khỏi được không?

Đái tháo đường là bệnh mạn tính. Vì vậy, bệnh đái tháo đường KHÔNG THỂ CHỮA KHỎI hoàn toàn. Thế nhưng, bệnh đái tháo đường có thể được kiểm soát bằng việc áp dụng phác đồ điều trị phù hợp kết hợp cùng lối sống khoa học. Điều này sẽ giúp tình trạng sức khỏe của người bệnh được ổn định, giảm thiểu hoặc phòng tránh nguy cơ khởi phát các biến chứng tiểu đường nghiêm trọng.

Hướng dẫn chăm sóc bệnh nhân đái tháo đường

Người bệnh đái tháo đường cần có chế độ chăm sóc chuyên biệt, chú trọng vào việc điều chỉnh thói quen vận động, chế độ dinh dưỡng và có biện pháp phản ứng với các tình huống khẩn cấp. Cụ thể như sau:

  • Quản lý lượng đường huyết: Để kiểm soát lượng đường trong máu luôn trong ngưỡng an toàn, người bệnh có thể kiểm tra đường huyết bằng máy đo tại nhà hoặc đo tại các cơ sở y tế và tuân thủ phác đồ điều trị từ bác sĩ.
  • Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng:
    • Hạn chế thực phẩm có chỉ số đường huyết (GI) cao trên 70: Người bệnh đái tháo đường cần hạn chế các loại thực phẩm như đồ ngọt (bánh kem, kẹo, nước ngọt, trà sữa…), thực phẩm chế biến từ ngũ cốc tinh chế (phở, bánh mì, cơm gạo trắng, hủ tiếu…)….
    • Ưu tiên thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp: Người bị đái tháo đường cần ưu tiên chọn các loại thực phẩm như ngũ cốc nguyên hạt (bún nưa, gạo lứt, miến dong, mì làm từ rau củ…), thực phẩm cung cấp nhiều chất xơ như rau lá xanh, củ, quả, các loại hạt, đậu….
    • Giới hạn lượng tiêu thụ chất đường bột: Người bệnh đái tháo đường nên đo lường khẩu phần ăn để có thể quản lý được lượng tiêu thụ chất đường bột trong ngưỡng 45 – 60 g đối với bữa chính và 15 – 20 g đối với bữa phụ.
    • Duy trì cân nặng phù hợp: Trong trường hợp được chẩn đoán thừa cân hoặc béo phì, người bệnh nên giảm cân và rèn luyện thể chất phù hợp như đạp xe, bơi lội, đi bộ….
  • Học cách nhận biết tình trạng y tế khẩn cấp: Một số tình huống khẩn cấp có thể xảy ra ở người bệnh đái tháo đường chẳng hạn như nhiễm toan ceton (bệnh ketoacidosis), tăng hoặc hạ đường huyết quá mức (mệt mỏi, khát nước, đau đầu, tiểu nhiều…)….
  • Thăm khám sức khỏe định kỳ: Người bệnh đái tháo đường cần tái khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ để có thể sớm phát hiện được nguy cơ xảy ra biến chứng và có biện pháp can thiệp kịp thời.
Hướng dẫn chăm sóc bệnh nhân đái tháo đường

Người bệnh đái tháo đường cần xây dựng chế độ dinh dưỡng chuyên biệt

Cách phòng bệnh đái tháo đường

Đái tháo đường có thể được phòng ngừa bằng cách xây dựng lối sống khoa học bao gồm thói quen sinh hoạt khoa học, kiểm soát chế độ dinh dưỡng, tăng cường rèn luyện thể chất. Đồng thời, mỗi người cần duy trì thói quen thăm khám sức khỏe tổng quát 6 tháng / lần để có thể sớm phát hiện nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường; từ đó, có biện pháp ngăn chặn phù hợp.

Nghi bị đái tháo đường: Khi nào đi khám bác sĩ?

Nếu nghi ngờ bản thân có nguy cơ bị đái tháo đường, ngay khi cơ thể xuất hiện một hoặc nhiều dấu hiệu sau đây, bạn nên sớm đến bệnh viện để bác sĩ trực tiếp thăm khám:

  • Khát nước, đi tiểu nhiều một cách bất thường;
  • Suy giảm thị lực;
  • Mệt mỏi chưa rõ nguyên nhân;
  • Vết thương hở lâu lành;
  • Biểu hiện của bệnh gai đen như sần sùi, sậm màu da vùng bẹn, nách, cổ….;

Ngoài ra, các chuyên gia y tế khuyến cáo rằng, những đối tượng dưới đây nên sớm đến bệnh viện để thăm khám và sàng lọc đái tháo đường ngay cả khi chưa xuất hiện triệu chứng của bệnh, bao gồm:

  • Có tiền sử gia đình mắc bệnh đái tháo đường;
  • Thừa cân, béo phì (BMI > 25);
  • Có tiền sử sinh con nặng hơn 4.1 kg hoặc tiền sử bị đái tháo đường thai kỳ;
  • Mắc phải một hoặc nhiều bệnh nền như máu nhiễm mỡ, tăng huyết áp, bệnh về tim mạch….

Nếu như bạn quan tâm về nguy cơ đái tháo đường hoặc nhận thấy bản thân có các triệu chứng của bệnh thì nên cân nhắc sớm đến thăm khám tại chuyên khoa Nội tiết thuộc Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Nơi đây áp dụng các phương pháp chẩn đoán và điều trị tiên tiến, giúp bác sĩ có thể xác định được chính xác tình trạng bệnh; từ đó, đưa ra lộ trình điều trị đái tháo đường phù hợp với từng người bệnh.

Như vậy, đái tháo đường là căn bệnh nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều biến chứng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Nếu không được phát hiện sớm cũng như có biện pháp chữa trị phù hợp và kịp thời, bệnh có thể đe dọa tính mạng người bệnh. Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe, bạn nên tầm soát sớm khi có yếu tố nguy cơ hoặc khi có dấu hiệu của bệnh đái tháo đường.

Đánh giá bài viết
09:50 16/05/2024
Nguồn tham khảo
  1. Mobasseri, M., Shirmohammadi, M., Amiri, T., Vahed, N., Hosseini Fard, H., & Ghojazadeh, M. (2020). Prevalence and incidence of type 1 diabetes in the world: a systematic review and meta-analysis. Health promotion perspectives10(2), 98–115. https://doi.org/10.34172/hpp.2020.18
  2. Diabetes Quick Facts. (n.d.). Centers for Disease Control and Prevention (CDC). https://www.cdc.gov/diabetes/basics/quick-facts.html
  3. Gestational diabetes. (n.d.). Diabetes Canada. https://www.diabetes.ca/about-diabetes/gestational
  4. Perämäki, R., Gissler, M., Ollila, M., Hukkanen, J., Vääräsmäki, M., Uotila, J., Metso, S., Hakkarainen, H., Rintamäki, R., Kaaja, R., & Immonen, H. (2023). The risk of developing type 2 diabetes after gestational diabetes: A registry study from Finland. Diabetes Epidemiology and Management, 10, 100124. https://doi.org/10.1016/j.deman.2022.100124
  5. Guidelines Review Committee. (2013, January 1). Diagnostic criteria and classification of hyperglycaemia first detected in pregnancy. World Health Organization (WHO). https://www.who.int/publications/i/item/WHO-NMH-MND-13.2
  6. Rajkumar, V. (2022, June 21). Latent autoimmune diabetes. StatPearls – NCBI Bookshelf. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK557897/
  7. Saeedi, P., Petersohn, I., Salpea, P., Malanda, B., Karuranga, S., Unwin, N., Colagiuri, S., Guariguata, L., Motala, A. A., Ogurtsova, K., Shaw, J. E., Bright, D., Williams, R., & IDF Diabetes Atlas Committee (2019). Global and regional diabetes prevalence estimates for 2019 and projections for 2030 and 2045: Results from the International Diabetes Federation Diabetes Atlas, 9th edition. Diabetes research and clinical practice157, 107843. https://doi.org/10.1016/j.diabres.2019.107843
  8. Nga, L. (2022, November 14). Number of Vietnamese with diabetes increase by 43% in 3 years. VnExpress International. https://e.vnexpress.net/news/news/number-of-vietnamese-with-diabetes-increase-by-43-in-3-years-4535824.html
  9. Khoảng 5 triệu người Việt đang mắc căn bệnh gây nhiều biến chứng về tim mạch, thần kinh, cắt cụt chi. . . . (n.d.). Cổng thông tin Bộ Y tế. https://moh.gov.vn/tin-noi-bat/-/asset_publisher/3Yst7YhbkA5j/content/khoang-5-trieu-nguoi-viet-ang-mac-can-benh-gay-nhieu-bien-chung-ve-tim-mach-than-kinh-cat-cut-chi-
  10. World Health Organization: WHO. (2016, April 7). The growing burden of diabetes in Viet Nam. https://www.who.int/vietnam/news/feature-stories/detail/the-growing-burden-of-diabetes-in-viet-nam
  11. Rewers, M. (2018, August 1). Risk factors for Type 1 diabetes. Diabetes in America – NCBI Bookshelf. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK567965/
  12. Ali O. (2013). Genetics of type 2 diabetes. World journal of diabetes4(4), 114–123. https://doi.org/10.4239/wjd.v4.i4.114
  13. Emdin, C. A., Anderson, S. G., Woodward, M., & Rahimi, K. (2015). Usual Blood Pressure and Risk of New-Onset Diabetes: Evidence From 4.1 Million Adults and a Meta-Analysis of Prospective Studies. Journal of the American College of Cardiology66(14), 1552–1562. https://doi.org/10.1016/j.jacc.2015.07.059
  14. Chen, G. Y., Li, L., Dai, F., Li, X. J., Xu, X. X., & Fan, J. G. (2015). Prevalence of and Risk Factors for Type 2 Diabetes Mellitus in Hyperlipidemia in China. Medical science monitor : international medical journal of experimental and clinical research21, 2476–2484. https://doi.org/10.12659/MSM.894246
  15. Diabetes – A major risk factor for kidney disease. (2023, October 20). National Kidney Foundation. https://www.kidney.org/atoz/content/diabetes
  16. Varghese, R. T. (2023, July 24). Diabetic nephropathy. StatPearls – NCBI Bookshelf. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK534200/
  17. Diabetes and heart disease. (n.d.). Heart Foundation. https://www.heartfoundation.org.au/bundles/your-heart/diabetes-and-heart-disease
  18. Does type 2 diabetes increase your risk for kidney disease? Yes. (2022, November 4). National Kidney Foundation. https://www.kidney.org/atoz/content/does-type-2-diabetes-increase-your-risk-kidney-disease-yes
  19. Rosenquist, K. J. (2018, August 1). Mortality trends in Type 2 diabetes. Diabetes in America – NCBI Bookshelf. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK568010/

Discover more from Nutrihome

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading