Dịch vụ khám và tư vấn dinh dưỡng cho người bệnh tăng huyết áp

ĐỐI TƯỢNG

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có 17,5 triệu người chết do các bệnh tim mạch trên thế giới, nhiều hơn gấp 4 lần tổng số người tử vong của 3 bệnh lý HIV/AIDS, sốt rét và lao phổi. Trong đó, bệnh nhân tử vong vì tăng huyết áp và biến chứng của tăng huyết áp trên 7 triệu người.

Tăng huyết áp là nguyên nhân gây suy tim, đột quỵ não, nhồi máu cơ tim cấp dẫn đến cái chết của hàng triệu người mỗi năm. Đáng lưu ý rằng tỷ lệ người mắc tăng huyết áp ngày càng tăng và tuổi mắc bệnh cũng ngày càng trẻ hóa.

Năm 2000, toàn thế giới có tới 972 triệu người bị tăng huyết áp và ước tính đến năm 2025 sẽ lên đến 15,6 tỷ người.

Tại Việt Nam, năm 2000 có khoảng 16,3% người lớn bị tăng huyết áp, đến năm 2009 tỷ lệ tăng huyết áp ở người lớn là 25,4% và năm 2016 con số này lên đến 48%, mức báo động đỏ trong thời điểm hiện tại.

PGS.TS.BS Lê Bạch Mai, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Giám đốc Y khoa miền Bắc Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome cho biết, bất kỳ ai cũng có nguy cơ bị tăng huyết áp, kể cả trẻ em và người trẻ tuổi. Tăng huyết áp còn được gọi là “kẻ giết người” thầm lặng vì bệnh thường không có biểu hiện hay triệu chứng cảnh báo rõ rệt và thậm chí có người còn không biết mình bị bệnh. Có người thấy đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, đi khám phát hiện mắc bệnh; nhưng có người phát hiện bệnh tăng huyết áp thì đã có biến chứng ở tim, mắt, thận, mạch máu não…

“Vì thế, dù ở độ tuổi nào, chế độ ăn uống lành mạnh để nâng cao sức khỏe, tăng cường vận động – tập luyện thể dục thể thao, sinh hoạt điều độ sẽ góp phần giảm thiểu nguy cơ tăng huyết áp cũng như phòng ngừa các bệnh tim mạch”, PGS.TS.BS Lê Bạch Mai nhấn mạnh.

THÔNG TIN CHUNG

Một người được xác định là bị tăng huyết áp khi huyết áp tâm thu ≥ 140 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90 mmHg.

Tăng huyết áp giai đoạn đầu thường không có triệu chứng hoặc ít triệu chứng với các biểu hiện không rõ rệt như: nhức đầu, chóng mặt, đỏ phừng mặt, dị cảm, tê tay chân, buồn nôn, nôn…

 

dấu hiệu người mắc bệnh tăng huyết áp

 

Yếu tố nguy cơ dẫn đến tăng huyết áp

Khoảng trên 90% bệnh nhân tăng huyết áp không có nguyên nhân nên được gọi là tăng huyết áp nguyên phát và khoảng 10% trường hợp còn lại có thể do một số nguyên nhân (tăng huyết áp thứ phát). Và các yếu tố nguy cơ dẫn đến tăng huyết áp bao gồm:

  • Tuổi tác: Nguy cơ tăng huyết áp càng cao khi nam giới > 55 tuổi và nữ giới > 65 tuổi.
  • Tiền sử gia đình: Huyết áp cao có xu hướng di truyền, nên bạn hãy quan tâm sức khỏe nếu có người thân (cha mẹ, anh chị em ruột) bị căn bệnh này.
  • Thừa cân hoặc béo phì: Chỉ số BMI của bạn càng cao, cơ thể càng cần nhiều máu để cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho các mô. Khi thể tích máu lưu thông qua các mạch máu tăng lên, áp lực lên thành động mạch cũng tăng theo.
  • Không hoạt động thể lực: Những người ít vận động thường có nhịp tim cao hơn. Nhịp tim càng cao, tim càng phải hoạt động mạnh với mỗi cơn co thắt và lực tác động lên động mạch càng mạnh.
  • Hút thuốc lá
  • Chế độ dinh dưỡng không cân đối: chẳng hạn ăn nhiều muối (natri) khiến cơ thể giữ nước, dẫn đến tăng huyết áp; ăn quá ít kali khiến cơ thể tích lũy quá nhiều natri trong máu do kali giúp cân bằng lượng natri trong các tế bào.
  • Uống nhiều rượu
  • Stress: Thường xuyên căng thẳng là nguyên nhân dẫn đến tăng huyết áp tạm thời.
  • Một số bệnh mạn tính: bệnh thận mạn, đái tháo đường, xơ vữa động mạch, béo phì…
  • Khiếm khuyết bẩm sinh trong các mạch máu (hẹp động mạch) và chứng ngưng thở khi ngủ
  • Sử dụng một số loại thuốc: thuốc tránh thai, thuốc cảm, thuốc thông mũi, thuốc giảm đau không kê đơn và một số loại thuốc theo toa

Biến chứng của bệnh tăng huyết áp

Tình trạng tăng huyết áp nếu không được kiểm soát có thể dẫn đến các biến chứng như:

  • Nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ: Tăng huyết áp gây xơ cứng và làm dày lên các động mạch (xơ vữa động mạch), dẫn đến thiếu máu cơ tim và nặng hơn là nhồi máu cơ tim, đột quỵ hoặc các biến chứng nguy hiểm khác.
  • Vỡ phình động mạch: Khi huyết áp tăng lên khiến các chỗ phình động mạch bẩm sinh sẵn có vỡ ra, đe dọa tính mạng bệnh nhân.
  • Suy tim: Để bơm máu chống lại áp lực cao trong các mạch máu, tim phải làm việc nhiều hơn. Điều này làm cho các thành của buồng bơm dày lên (phì đại thất trái) và dẫn đến suy tim.
  • Suy thận do nguy cơ thu hẹp động mạch thận vì bị tăng huyết áp.
  • Xuất huyết võng mạc mắt gây suy giảm thị lực thậm chí gây mù lòa.
  • Sa sút trí tuệ do di chứng tai biến mạch máu não (xuất huyết não, nhũn não)

Tầm quan trọng của chế độ dinh dưỡng trong phòng ngừa tăng huyết áp

 

dinh dưỡng lành mạnh phòng ngừa bệnh tăng huyết áp

 

Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong phòng ngừa và ngăn chặn biến chứng tăng huyết áp. ThS.BS Bùi Ngọc An Pha – Giám đốc Y khoa Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome cho biết, nguyên tắc chung đối với dinh dưỡng cho bệnh nhân tăng huyết áp là hạn chế thức ăn chứa nhiều muối và chất béo bão hòa, đồng thời tăng lượng rau, trái cây và thực phẩm giàu canxi. Bên cạnh đó, bệnh nhân cần duy trì mức cân nặng lý tưởng, tránh tình trạng thừa cân – béo phì nhằm giảm các yếu tố nguy cơ của bệnh cũng như tỷ lệ biến chứng do bệnh.

Tại Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome, quy trình khám, tư vấn, điều trị và chăm sóc dinh dưỡng được xây dựng khoa học từ việc thăm khám, xét nghiệm chẩn đoán, xây dựng khẩu phần đến lên thực đơn cá thể hóa, hướng dẫn chế biến món ăn khoa học và hướng dẫn vận động/tập luyện thể dục thể thao góp phần giữ huyết áp ở mức ổn định cho người bệnh tăng huyết áp.

 

Bác sĩ tư vấn chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân mắc bệnh tăng huyết áp

 

ĐỘI NGŨ CHUYÊN GIA