Theo số liệu của Tổ chức chống loãng xương Quốc tế (IOF), loãng xương là nguyên nhân đứng hàng thứ hai gây nên bệnh tật, chỉ sau bệnh tim mạch. Theo đó, trên Thế giới, cứ 3 phụ nữ có một người bị loãng xương, ở nam giới tỷ lệ này là 1/5. Tại Việt Nam, khảo sát của Viện Dinh Dưỡng cho thấy, ước tính có khoảng 2,5 triệu người bị loãng xương và trên 150.000 trường hợp bị gãy xương, trong đó có 1/3 phụ nữ và 1/8 đàn ông trên 50 tuổi.
Có 2 nhóm loãng xương thường gặp: loãng xương nguyên phát và loãng xương thứ phát.
PGS.TS.BS Lê Bạch Mai, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Giám đốc Y khoa miền Bắc, Hệ thống Trung tâm Dinh dưỡng – Y học Vận động Nutrihome, cho biết: “Loãng xương được ví như kẻ cắp thầm lặng, hằng ngày lấy dần canxi trong ngân hàng dự trữ xương của cơ thể chúng ta. Trong khi đó, khẩu phần ăn của người Việt Nam hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu canxi cho cơ thể. Lượng canxi đưa vào cơ thể trung bình là 524mg/ngày, thấp hơn nhiêu so với nhu cầu trung bình 800 – 1000mg/người/ngày đối với người lớn. Bên cạnh đó, tình trạng ít vận động, thừa cân béo phì ngày càng tăng cũng báo động cho sự gia tăng tỷ lệ người Việt Nam mắc bệnh xương khớp, đặc biệt là loãng xương trong tương lai.”
Bộ xương của chúng ta cứng cáp được là nhờ có những chất khoáng, nhất là canxi và phospho. Có 3 yếu tổ ảnh hưởng đến xương là: chế độ ăn đầy đủ canxi và các chất khoáng khác; đảm bảo đủ vitamin D để giúp hấp thụ canxi; nồng độ các chất nội tiết tố có vai trò đối với sự phát triển của xương. Nếu thiếu các chất có trong cơ thể dễ dẫn đến loãng xương.
Tuổi tác cùng với việc giảm nội tiết tố, chế độ ăn uống thiếu chất là nguyên nhân dẫn đến loãng xương. Đây là tình trạng giảm mật độ xương và hủy hoại cấu trúc xương đến mức có thể tăng nguy cơ gãy xương.
Bệnh loãng xương thường không có triệu chứng rõ ràng. Người bệnh không biết mình mắc bệnh cho đến khi xương yếu, dễ gãy, dễ đau khi gặp những sang chấn nhỏ như va đập, té ngã. Theo thời gian, loãng xương có thể khiến lưng còng, dáng đứng khom xuống, đau lưng và cân nặng giảm sút…
Để biết được tình trạng loãng xương, cách tốt nhất là đo mật độ xương (đo hàm lượng canxi và các khoáng chất có trong xương) ở một số bộ phận như hông, cổ tay, cột sống, gót chân… Hiện nay, Trung tâm Dinh dưỡng – Y học Vận động Nutrihome trang bị máy đo mật độ xương, máy xét nghiệm vitamin D, hệ thống máy xét nghiệm sinh hóa – huyết học hiện đại… giúp đánh giá, tầm soát sớm tình trạng loãng xương của người bệnh, từ đó có giải pháp phòng ngừa và hỗ trợ điều trị bệnh hiệu quả nhất.
Theo PGS.TS.BS Lê Bạch Mai, nếu không được phát hiện sớm và có giải pháp điều trị đúng cách, loãng xương có thể dẫn đến rạn xương, nứt xương hoặc gãy xương. Nếu bệnh nhân bị loãng xương nặng, chỉ cần một va chạm nhẹ có thể khiến xương bị gãy, nhiều người không thể đi lại và phải sống lệ thuộc vào người khác.
Loãng xương còn có thể gây một số biến chứng nguy hiểm như gãy lún cột sống, cong vẹo cột sống, cong ống chân, chiều cao suy giảm. Nguy cơ gặp phải các bệnh về tim mạch, viêm phổi, hô hấp… ở người bị loãng xương cũng cao hơn so với người bình thường.
Hơn nữa, người cao tuổi thường có bệnh lý đi kèm như tăng huyết áp, bệnh tim mạch vành, đái tháo đường… nên nếu tình trạng loãng xương nặng dẫn đến khó liền xương khi gãy. Đa số người bệnh phải nằm tại chỗ hoặc điều trị dài ngày trong bệnh viện. Điều này không những làm tình trạng loãng xương càng nặng thêm mà còn kéo theo nhiều nguy cơ bất lợi cho sức khỏe như bội nhiễm đường hô hấp, đường tiết niệu, loét ở các nơi tì đè…