Viêm loét dạ dày – tá tràng là bệnh khá phổ biến tại các nước đang phát triển, ước tính tỷ lệ bệnh khoảng 10%, hàng năm tăng khoảng 0,2%. Tại Việt Nam, theo điều tra trong những năm gần đây bệnh chiếm khoảng 26% và thường đứng đầu trong các bệnh ở đường tiêu hóa. Bệnh có chiều hướng ngày càng gia tăng và đang dần trẻ hóa do chế độ ăn uống không điều độ và đúng cách.
Bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng có thể gặp ở nam lẫn nữ, đặc biệt là những đối tượng có nguy cơ cao như:
“Viêm loét dạ dày nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm để can thiệp kịp thời kết hợp điều chỉnh chế độ ăn uống phù hợp có thể ngăn biến chứng nguy hiểm của bệnh như: thủng dạ dày, xuất huyết tiêu hóa, hẹp môn vị,… thậm chí ung thư”, ThS.BS Lê Thị Ngọc Vân, Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhân dân 115, Bác sĩ dinh dưỡng Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome cho biết.
Viêm loét dạ dày – tá tràng là căn bệnh gây tổn thương viêm hoặc loét trên niêm mạc dạ dày hoặc tá tràng (phần tiếp nối với dạ dày và là phần đầu của ruột non). Khi lớp niêm mạc (màng lót bên trong cùng) của dạ dày hay tá tràng bị bào mòn sẽ dẫn đến các lớp bên dưới thành dạ dày hay thành ruột sẽ bị lộ ra.
Triệu chứng của các bệnh lý dạ dày tá tràng là cảm giác đau âm ỉ hoặc bỏng rát ở vùng thượng vị. Cơn đau thường ở khu vực giữa rốn và xương ức, thường xảy ra khi dạ dày của bạn trống rỗng, hoặc có khi lại quá no. Ngoài ra còn xuất hiện tình trạng đầy hơi, ợ chua, buồn nôn, rối loạn tiêu hóa (tiêu chảy, táo bón), chán ăn, sụt cân,…
Dinh dưỡng là một quá trình liên tục và lâu dài trong suốt hành trình phát triển của cơ thể từ những năm tháng trong bụng mẹ cho đến cuối đời. Đặc biệt, dinh dưỡng còn có vai trò quan trọng giúp cơ thể phục hồi, là nguồn cung cấp nguyên liệu để tái tạo và hình thành các mô chức năng của cơ thể. Với các bệnh lý liên quan đến dạ dày tá tràng thì dinh dưỡng lại càng có những ý nghĩa quan trọng hơn, bởi lẽ chế độ ăn uống kém khoa học là một trong nguyên nhân gây bệnh hoặc khiến bệnh trở nặng. Vì vậy, sự thay đổi chế độ dinh dưỡng, thói quen ăn uống sẽ tác động rất lớn đến hiệu quả điều trị.
Theo ThS.BS Lê Thị Ngọc Vân, vai trò của dinh dưỡng trong hỗ trợ điều trị bệnh lý dạ dày – tá tràng được chia theo 3 giai đoạn quan trọng sau:
Giai đoạn 1 – Chống lại các yếu tố nguy cơ: Chế độ dinh dưỡng giúp kiểm soát và chống lại các yếu tố như vi khuẩn HP, axit clohydric tấn công dạ dày, tá tràng.
Giai đoạn 2 – Bảo vệ niêm mạc dạ dày – tá tràng: Cần các yếu tố bảo vệ dạ dày, tá tràng như dịch nhầy của cơ thể, dinh dưỡng tốt sẽ giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày để các yếu tố nguy hại không thể tấn công được.
Giai đoạn 3 – Tái tạo niêm mạc dạ dày – tá tràng: Trong thời kỳ niêm mạc dạ dày cần được tái tạo thì chế độ dinh dưỡng cân đối, hợp lý sẽ giúp quá trình tái tạo niêm mạc diễn ra nhanh chóng hơn.
“Ngày nay, nhờ sự tiến bộ của y học và công nghệ dược, nhiều loại thuốc điều trị viêm loét ra đời đã giúp giảm tỷ lệ tái phát và các biến chứng của bệnh. Tuy nhiên, bên cạnh việc sử dụng thuốc điều trị theo đơn của bác sĩ, người bệnh cần tránh các yếu tố nguy cơ như: các chất kích thích, căng thẳng tâm lý, có kế hoạch làm việc và nghỉ ngơi hợp lý… đặc biệt là thiết lập chế độ ăn uống khoa học góp phần rất lớn cho thành công của quá trình điều trị, nhanh chóng hồi phục sức khỏe”, ThS.BS Lê Thị Ngọc Vân nhấn mạnh.
Tại Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome, quy trình khám, tư vấn và điều trị dinh dưỡng được xây dựng khoa học từ việc thăm khám, xét nghiệm chẩn đoán, xây dựng khẩu phần đến lên thực đơn cá thể hóa, hướng dẫn chế biến món ăn đúng cách góp phần nâng cao hiệu quả điều trị các bệnh lý dạ dày – tá tràng.