Thiếu cân trong thai kỳ

ĐỐI TƯỢNG

Thống kê cho thấy, có hơn 2/3 thai phụ bị ốm nghén trong ba tháng đầu thai kỳ. Trong số đó, có nhiều người tiếp tục bị nghén trong những tháng tiếp theo dẫn đến ăn uống kém hoặc thậm chí không ăn được. Hệ quả là họ không đạt được số cân nặng chuẩn khi mang thai.

Theo số liệu điều tra dinh dưỡng năm 2015, tại Việt Nam, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thấp còi là 24,6%, thể nhẹ cân là 14,1%. Phần lớn những trẻ này được sinh ra từ những người mẹ thiếu cân – suy dinh dưỡng trong giai đoạn mang thai.

Những mẹ bầu có nguy cơ tăng cân ít/thiếu cân trong thai kỳ gồm:

  • Những người bị ốm nghén thai kỳ nghiêm trọng, trở nên chán ăn, ăn ít hơn nhu cầu khuyến nghị dẫn đến tăng cân ít thậm chí sụt cân.
  • Người có chế độ ăn uống không đủ chất.
  • Người có chỉ số khối cơ thể (BMI) trước khi mang thai thấp, dưới 18,5.
  • Người mắc các bệnh rối loạn chức năng chuyển hóa, kém hấp thu.

PGS.TS.BS Lê Bạch Mai, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Giám đốc Y khoa miền Bắc Hệ thống phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome cho biết, tăng cân hợp lý khi mang thai giúp thai nhi phát triển toàn diện từ lúc mới hình thành cho đến khi chào đời. Vì thế, phụ nữ cần chuẩn bị sức khỏe, đặc biệt là chế độ dinh dưỡng hợp lý từ trước khi mang thai 3-6 tháng cũng như trong suốt thai kỳ để đảm bảo cân nặng đạt chuẩn, phòng tránh những nguy cơ có thể xảy ra cho mẹ và bé.

THÔNG TIN CHUNG

Để phòng ngừa nguy cơ thiếu cân trong thai kỳ, phụ nữ phải kiểm tra chỉ số khối cơ thể (BMI) trước khi mang thai hoặc trong lần đầu tiên khám thai ở tam cá nguyệt thứ nhất:

  • BMI < 18.5: thiếu năng lượng trường diễn (suy dinh dưỡng)
  • 18.5 ≤ BMI ≤ 24.9: bình thường
  • BMI > 25: thừa cân, béo phì

Sau khi xác định được tình trạng dinh dưỡng, mẹ bầu sẽ biết mình cần tăng cân như thế nào trong thai kỳ:

  • Mẹ bầu thiếu cân: cần tăng 25% cân nặng trước khi có thai hoặc tăng từ 12,5 – 18kg
  • Mẹ bầu có cân nặng trung bình: tăng từ 10 – 12kg (có thể tăng đến 16kg)
  • Mẹ bầu thừa cân, béo phì: tăng 15% cân nặng trước khi có thai hoặc từ 5 – 11,5kg

Thiếu cân trong thai kỳ

Theo PGS.TS.BS Lê Bạch Mai, ở tam cá nguyệt thứ hai, mẹ bầu nên tăng từ 1,5 – 2kg/tháng. Nếu mẹ tăng cân chậm hay tăng ít hơn 1kg/tháng, thai nhi sẽ không nhận đủ dinh dưỡng để phát triển dẫn đến thai chậm tăng trưởng, suy dinh dưỡng, tăng tỷ lệ sinh non. Vì thế, mẹ bầu cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý để tránh tình trạng thiếu cân trong thai kỳ.

Thiếu cân trong thai kỳ có nguy hiểm không?

Tình trạng thiếu cân của mẹ trong thai kỳ không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ mà còn cản trở sự phát triển, thậm chí nguy hại đến tính mạng của con.

Đối với mẹ:

Sảy thai là rủi ro đầu tiên mà những người mẹ thiếu cân phải đối mặt. Lý do là tình trạng thiếu cân thường đi kèm với thiếu các vi chất dinh dưỡng như sắt, folate, kẽm, canxi, vitamin nhóm B… Trong đó, thiếu sắt và folate là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới sảy thai.

Tiếp đó, khi mang thai, nếu bạn không nạp đủ chất dinh dưỡng, cơ thể sẽ tự động lấy đi nguồn dự trữ của chính bạn để tạo ra chất dinh dưỡng nuôi em bé, đặc biệt là trong ba tháng đầu. Đây là tiền đề khiến bạn tăng nguy cơ mắc bệnh thiếu máu và loãng xương sau này.

Ngoài ra, theo PGS.TS.BS Lê Bạch Mai, thiếu cân khi mang thai còn có thể ảnh hưởng đến nguồn sữa mẹ. Nếu bạn xây dựng được nguồn chất béo dự trữ đầy đủ trong thai kỳ, tuyến sữa sẽ có đủ nguyên liệu để tăng sản xuất sữa, đủ đáp ứng nhu cầu của em bé trong những tháng đầu sau sinh. Nhưng nếu bạn thiếu cân, tuyến sữa thiếu nguyên liệu, và sữa mẹ tiết ra cũng không đủ cả về lượng lẫn chất.

Đối với thai nhi:

Thiếu cân trong thai kỳ có nguy hiểm đối với thai nhi

Phụ nữ mang thai thiếu cân có nhiều khả năng sinh non (trước 37 tuần) hoặc bé sinh ra có cân nặng thấp (còn gọi là suy dinh dưỡng bào thai). Tình trạng này xảy ra khi thai nhi trong bụng mẹ phát triển kém, cho dù đã đủ tháng nhưng cân nặng lúc mới sinh dưới 2.500g. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến các cơ quan như xương, cơ, da, não… của bé mà tình trạng suy dinh dưỡng bào thai còn gây nhiều hệ lụy cho sức khỏe của trẻ khi trưởng thành, chẳng hạn như bệnh tiểu đường, hội chứng chuyển hóa cũng như các bệnh tim mạch.

Nguy hiểm hơn, một số nghiên cứu còn cho thấy mối liên hệ giữa những thai phụ thiếu cân và nguy cơ tử vong ở trẻ sơ sinh trong năm đầu đời. Theo đó, trẻ sinh ra bởi những bà mẹ thiếu cân phải đối mặt với nguy cơ tử vong trong vòng 12 tháng đầu sau sinh.

Nguyên tắc dinh dưỡng để phòng tránh tình trạng thiếu cân trong thai kỳ

Nếu chỉ số BMI trước khi mang thai của bạn dưới mức bình thường (<18.5), hoặc bạn được chẩn đoán thiếu cân trong thai kỳ, hãy đến gặp chuyên gia dinh dưỡng ngay để được tư vấn chế độ ăn hợp lý, từ đó phục hồi cân nặng tiêu chuẩn trong thai kỳ. Theo PGS.TS.BS Lê Bạch Mai, một số nguyên tắc dinh dưỡng mà mẹ bầu cần tuân thủ là:

– Ăn đủ 3 bữa chính và 3-4 bữa bổ sung/ngày. Bữa ăn hàng ngày cần đảm bảo đủ 4 nhóm chất:

  • Nhóm chất bột đường: cơm, bún, mì, ngô, khoai…
  • Nhóm chất đạm: thịt, cá, trứng, tôm, cua, các loại đậu…
  • Nhóm chất béo: dầu ăn, mỡ động vật, vừng, lạc…
  • Nhóm vitamin, khoáng chất và chất xơ: các loại rau, củ, quả

Dinh dưỡng để phòng tránh tình trạng thiếu cân trong thai kỳ

– Không ăn các thức ăn chưa được nấu chín, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, quá nhiều gia vị…

– Uống đủ 2 lít nước/ngày để phòng ngừa tình trạng mất nước, táo bón dẫn tới chán ăn, sụt cân. Có thể thay nước lọc bằng nước trái cây tươi, nước canh, súp…

– Bổ sung viên uống vitamin theo chỉ định của bác sĩ, tránh thiếu hụt một số vi chất thiết yếu cho sự tăng trưởng của thai nhi như acid folic, sắt, kẽm, canxi…

Cùng với chế độ dinh dưỡng khoa học, bạn cần có chế độ vận động hợp lý để tăng cường trao đổi chất, kích thích cảm giác ăn ngon miệng. Các môn thể thao phù hợp với thai phụ là đi bộ, yoga, bơi lội…

Thấu hiểu những lo lắng và trăn trở của các mẹ bầu về những vấn đề thường gặp khi mang thai, Hệ thống phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome xây dựng gói khám, tư vấn và chăm sóc dinh dưỡng toàn diện cho mẹ bầu phòng ngừa tình trạng thiếu cân trong thai kỳ.

Tại Hệ thống phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome, quy trình khám và tư vấn dinh dưỡng được xây dựng khoa học từ việc thăm khám, xét nghiệm chẩn đoán, xây dựng khẩu phần đến lên thực đơn cá thể hóa, hướng dẫn chế biến món ăn khoa học, giúp mẹ bầu có sức khỏe thật tốt đón con chào đời khỏe mạnh.

Quy trình khám, tư vấn và điều trị về dinh dưỡng

ĐỘI NGŨ CHUYÊN GIA