Trẻ tăng động giảm chú ý được điều trị như thế nào?

21/12/2020 Theo dỗi Nutrihome trên google news

Bệnh tăng động giảm chú ý (đúng hơn là Rối loạn tăng động giảm chú ý) là một dạng rối loạn phát triển thần kinh thường gặp nhất ở trẻ em. Bệnh thường được phát hiện ở giai đoạn tuổi đi học, với triệu chứng chính là kém chú ý và tăng động – bốc đồng. 

Bài viết được sự tư vấn chuyên môn của Bác sĩ Thái Ngọc Thành Đạt – Bệnh viện Nhi Đồng 1

Trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) cần được phát hiện và điều trị sớm nhằm hạn chế sự ảnh hưởng của bệnh đến hoạt động học tập cũng như mối quan hệ của trẻ và những người xung quanh.

Nguyên nhân trẻ rối loạn tăng động giảm chú ý là gì?

Hiện nay, các nghiên cứu về tăng động giảm chú ý trên thế giới cho thấy rằng rối loạn này có thể liên quan đến một số nguyên nhân về giải phẫu hoặc chức năng của não, về gene và di truyền, chấn thương não, sinh non, một số chất mà khi bà mẹ mang thai dùng hay thậm chí là độc chất mà trẻ bị nhiễm (ví dụ như chì)…

Và đặc biệt là, rối loạn tăng động giảm chú ý KHÔNG phải do ăn nhiều đường, tiêm ngừa hay dị ứng gây ra.

Nguyên nhân của rối loạn tăng động giảm chú ý

Nguyên nhân của rối loạn tăng động giảm chú ý hiện tại chưa rõ ràng

Lý do vì sao hiện nay có nhiều trẻ mắc chứng tăng động giảm chú ý? Thực sự, vẫn chưa rõ ràng rằng đó là do số lượng trẻ có rối loạn tăng động giảm chú ý tăng lên hay là do có nhiều trẻ nhận được chẩn đoán hơn. Tuy nhiên, điều quan trọng là nhờ vào nhận thức cao hơn của phụ huynh, nhiều trẻ bị tăng động kém chú ý đã nhận được sự giúp đỡ kịp thời từ đó cải thiện được các triệu chứng về học tập và hành vi của trẻ ở trường.

> Xem thêm: Nhận biết trẻ tăng động giảm chú ý

Điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý

Cốt lõi của điều trị tăng động và giảm chú ý tập trung vào hai cách, cách thứ nhất là liệu pháp hành vi và cách thứ hai là điều trị bằng thuốc. 

Liệu pháp hành vi

Hầu hết các chuyên gia về rối loạn phát triển đều gợi ý các phụ huynh của trẻ bị tăng động kém chú ý nên điều trị kết hợp liệu pháp hành vi. Có nhiều phương pháp điều trị về hành vi, tuy nhiên, cốt lõi chung của các phương pháp này đều là thay đổi môi trường xung quanh nhằm mục đích cải thiện hành vi của trẻ. 

Với liệu pháp hành vi, các bậc phụ huynh và giáo viên sẽ được học và thực hành về cách đặt ra các luật lệ, cách làm cho trẻ hiểu được những điều trẻ nên làm và không nên làm, cách sử dụng kỷ luật hiệu quả. Nhờ đó, trẻ sẽ học cách thể hiện hành vi của mình một cách đúng đắn và giảm đi những hành vi không tốt.

điều trị tăng động giảm chú ý, liệu pháp hành vi

Liệu pháp hành vi trong điều trị tăng động giảm chú ý

Một số kĩ thuật có thể được áp dụng cho trẻ có rối loạn tăng động giảm chú ý ví dụ như: “Củng cố tích cực” (khen và thưởng đúng cách cho những hành vi, thành tích tốt); “Cách ly” (cách ly trẻ ra khỏi những hoạt động vui thích khi trẻ có hành vi không tốt); “Phần thưởng nhỏ” (thưởng cho trẻ 1 ngôi sao khi trẻ có hành vi tốt, khi trẻ đủ 10 ngôi sao, ba mẹ quy đổi thành một món quà nào đó).

Một số mẹo giúp phụ huynh có thể quản lý hành vi cho trẻ có rối loạn tăng động giảm chú ý tốt hơn như giúp trẻ có một thời khóa biểu hằng ngày, giảm bớt những thứ làm trẻ xao lãng như ti vi, điện thoại; giúp trẻ dọn dẹp ngăn nắp nhà cửa; đặt mục tiêu nhỏ, cụ thể để trẻ dễ đạt được và có động lực hơn; khen thưởng trẻ khi trẻ đạt được một mục tiêu lớn nào đó; cố gắng kiên định trong việc kỷ luật.

Điều trị bằng sử dụng thuốc

Với trẻ có rối loạn tăng động giảm chú ý từ 6 tuổi trở lên, điều trị thuốc là một cách hiệu quả để giảm các triệu chứng của tăng động kém chú ý, từ đó giúp trẻ tập trung chú ý hơn, giảm bớt các hành vi tăng động – bốc đồng, cải thiện hiệu quả học tập cũng như là mối quan hệ của trẻ với người khác.

rối loạn tăng động giảm chú ý, thuốc

Liệu pháp điều trị bằng thuốc cho rối loạn tăng động giảm chú ý

Hai nhóm thuốc được dùng để điều trị tăng động kém chú ý là nhóm thuốc kích thích và nhóm thuốc không kích thích. Nhóm thuốc thuộc nhóm kích thích là nhóm được lựa chọn đầu tiên và nên được kết hợp cùng với liệu pháp hành vi. Nếu như chúng gây ra nhiều tác dụng phụ hay không có hiệu quả, nhóm thuốc không kích thích sẽ được lựa chọn thay thế.

Thuốc kích thích có hai nhóm, một là nhóm có tác dụng ngắn và hai là nhóm có tác dụng kéo dài. Với nhóm thuốc có tác dụng ngắn, trẻ cần phải uống 2 lần hoặc 4 lần một ngày (tùy loại), ưu điểm của chúng là giá thành rẻ, dễ chấp nhận. 

Nhóm thứ hai là nhóm tác dụng kéo dài. Đúng như tên gọi, loại thuốc này có tác dụng kéo dài đến 10 – 12 tiếng, nhờ đó, trẻ chỉ cần uống một lần vào buổi sáng. Tuy nhiên, vì lợi thế đó, giá thuốc cũng mắc hơn so với loại thuốc kích thích tác dụng ngắn. 

Vậy con bạn nên dùng loại thuốc nào? Bác sĩ sẽ phải có một giai đoạn để thử xem thuốc nào là thuốc phù hợp với trẻ, liều lượng như thế nào là phù hợp. Trong giai đoạn này bạn cần kiên nhẫn và theo sát những hướng dẫn của bác sĩ. Một vài trẻ sẽ đáp ứng với loại thuốc này mà lại không đáp ứng với loại thuốc khác. 

+ Một số liệu pháp điều trị khác CHƯA cho thấy có tác dụng như: vitamin và khoáng chất, giảm lượng đường ăn vào, điều trị đông y, huấn luyện dựa vào điện não…

Phòng ngừa tăng động giảm chú ý như thế nào?

Nhiều ba mẹ sẽ thắc mắc, vậy, việc phòng ngừa chứng rối loạn tăng động giảm chú ý như thế nào? Như trên đã nói, nguyên nhân của tăng động giảm chú ý hiện tại chưa rõ ràng, do đó, cho đến nay cũng chưa có một cách nào để thực sự phòng ngừa tăng động giảm chú ý. 

Tuy vậy, có thể có một số cách giúp cải thiện một phần: cung cấp đầy đủ dưỡng chất trong thai kì; hạn chế sử dụng rượu bia khi mang thai; khám thai định kỳ, thường xuyên; chuẩn bị môi trường chơi đùa an toàn cho trẻ; ba mẹ thực hiện kỷ luật tích cực với trẻ…  

Điều trị cho trẻ bị tăng động giảm chú ý ở đâu?

điều trị trẻ bị tăng động giảm chú ý

Hiện tại các bệnh viện Nhi đều tiếp nhận điều trị trẻ bị tăng động giảm chú ý

Hiện nay, tất cả các khoa Tâm lý/Tâm thần của các bệnh viện Nhi lớn trên cả nước hay các bệnh viện chuyên về sức khỏe Tâm thần đều tiếp nhận khám và điều trị cho các trẻ có rối loạn tăng động giảm chú ý. 

Thông thường, quá trình thăm khám, đánh giá và điều trị cho trẻ có tăng động giảm chú ý thường kéo dài, và có thể chia thành nhiều buổi. Bên cạnh đó, bác sĩ có thể sẽ gửi phiếu đánh giá về để thu thập thêm thông tin từ những môi trường khác của trẻ (như là giáo viên ở trường, phụ huynh ở nhà, người giữ trẻ…) nhằm xác định chính xác các triệu chứng của tăng động giảm chú ý và từ đó có biện pháp điều trị thích hợp.

Rate this post
10:25 06/01/2023