Sự phát triển của trẻ 1 tháng tuổi ba mẹ cần biết

21/12/2020 Theo dỗi Nutrihome trên google news

Sự phát triển của trẻ 1 tháng tuổi là đề tài được nhiều ba mẹ quan tâm, đặc biệt là đối với những ba mẹ có con đầu lòng. Bé 1 tháng tuổi có những đặc điểm gì, phát triển ra sao…, ba mẹ cần nắm rõ để không bị bỡ ngỡ và qua đó biết cách chăm sóc con tốt hơn.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi TTƯT.PGS.TS.BS.ĐT Nguyễn Thanh Chò

Thời kỳ sơ sinh của trẻ 1 tháng tuổi

Đặc điểm sinh lý (vàng da, đỏ da, bong da,…)

Thời kỳ sơ sinh dùng để chỉ giai đoạn từ lúc trẻ sinh ra đến lúc trẻ 1 tháng tuổi. Trong thời kỳ này, trẻ nhỏ bắt đầu tập thích nghi với môi trường sống mới (chuyển từ môi trường nước khi ở trong bụng mẹ sang môi trường không khí). Thời khắc trẻ chào đời, tiếng khóc đầu tiên cất lên đã kích thích hoạt động của phổi và giúp trẻ có thể tự thở. Sau khi trẻ được bú mẹ, hệ tiêu hóa sẽ bắt đầu vận hành, thận đảm nhiệm chức năng chính trong điều hòa môi trường bên trong thay thế cho nhiệm vụ của nhau thai. 

Từ khi chào đời đến khi bé 1 tháng tuổi, cơ thể trẻ vô cùng non nớt, các cơ quan chưa hoàn thiện về cả cấu tạo và chức năng. Vì hệ thần kinh còn bị ức chế nên trẻ trong trạng thái ngủ cả ngày. Bên cạnh đó, cơ thể bé 1 tháng tuổi có thể xuất hiện một số hiện tượng sinh lý như: vàng da, đỏ da, sụt cân, bong da, thân nhiệt không ổn định, giảm chiều cao,…

Sự phát triển của trẻ 1 tháng tuổi

Cha mẹ cần theo dõi sự phát triển của trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi vì trẻ dễ mắc bệnh trong giai đoạn này 

Đặc điểm bệnh lý

Vì trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi còn non yếu nên sức đề kháng của trẻ rất yếu, dễ bị mắc các bệnh thường gặp và bệnh có thể diễn biến nặng hơn thông thường. Trẻ 1 tháng tuổi thường mắc những bệnh nhiễm trùng như viêm phổi, viêm rốn, nhiễm trùng máu, uốn ván rốn,… 

Ngoài ra, trẻ cũng có thể mắc phải một số bệnh lý đã được bác sĩ chẩn đoán ngay từ trong quá trình hình thành và phát triển của thai nhi như dị tật, hở hàm ếch, sứt môi, tim bẩm sinh,… Trong quá trình chuyển dạ, không ít trẻ cũng đối mặt với nguy cơ tử vong cao do ngạt nước ối, chảy máu não, bướu huyết thanh, gãy xương,…

Sự phát triển về thể chất của trẻ 1 tháng tuổi

Lúc mới sinh (chiều dài, cân nặng, vòng đầu, vòng ngực)

Thể chất là một trong những thước đo tiêu chuẩn giúp cha mẹ theo dõi và đánh giá khách quan tình trạng sức khỏe của trẻ. Ngay từ lúc chào đời, các chỉ số sau rất quan trọng để ba mẹ quan tâm:

  • Cân nặng: Trẻ sơ sinh đủ tháng thường có cân nặng trung bình khoảng 2800 – 3000g, con trai thường nặng hơn con gái. Sau khi chào đời, trẻ thường mất đi 10% cân nặng sinh lý trong tuần đầu và đạt cân nặng ban đầu 10 ngày sau đó.
  • Chiều cao: Trẻ sơ sinh thường đạt chiều cao trung bình khoảng 48 – 50cm. 
  • Vòng đầu: Trẻ sơ sinh có chu vi vòng đầu trung bình rộng khoảng 34cm.
  • Vòng ngực: Vòng ngực của trẻ sơ sinh thường nhỏ hơn vòng đầu từ 1 – 2cm.

Lúc đầy tháng (chiều dài, cân nặng, vòng đầu, vòng ngực, thóp)

Khi trẻ nhỏ đầy tháng, cơ thể trẻ đã bắt đầu có sự phát triển, các số đo trên đều tăng nhẹ. Cụ thể như sau:

  • Cân nặng: Trẻ 1 tháng tuổi thường có cân nặng trung bình là 4000g.
  • Chiều cao: Chiều cao của trẻ 1 tháng tuổi trung bình đạt mức 55cm.
  • Vòng đầu: Vòng đầu của trẻ 1 tháng tuổi thường tăng từ 2 – 3cm so với lúc chào đời, trung bình khoảng 37cm.
  • Vòng ngực: Lúc này vòng ngực của trẻ vẫn chưa phát triển nhanh, chỉ số vòng ngực vẫn tương đương với chu vi vòng đầu.
  • Thóp: Thóp trước của trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi có kích thước mỗi chiều trung bình 2cm. Trẻ sinh non thường có kích thước thóp lớn hơn. Phần thóp sau của trẻ có hình tam giác và kín ngay sau khi chào đời.

> tìm hiểu thêm: Bảng chiều cao cân nặng chuẩn của trẻ 0-5 tuổi

Các chỉ số phát triển của trẻ 1 tháng tuổi

Các chỉ số cơ thể của trẻ 1 tháng tuổi phản ánh tình trạng sức khỏe của trẻ

Sự phát triển về trí não của bé 1 tháng tuổi

Mặc dù hoạt động chính của trẻ sơ sinh là ăn, ngủ nhưng não bộ của trẻ không ngừng phát triển. Khi thức, trẻ thường quan sát hình ảnh và lắng nghe âm thanh từ môi trường xung quanh. Có thể cha mẹ không hề biết rằng, bé yêu của bạn cảm thấy buồn chán nếu phải quan sát những sự việc lặp lại nhiều lần. Trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi thường có những phản xạ tự nhiên sau:

  • Phản xạ bú và nuốt.
  • Phản xạ robinson: Nếu đưa ngón tay hoặc bất kỳ đồ vật nào chạm vào lòng tay bé thì bé sẽ nắm chặt.
  • Phản xạ moro: Nếu chạm và vỗ nhẹ thành nôi lúc trẻ nằm, hoặc nghe thấy tiếng động mạnh, trẻ thường giật mình và giang hai tay ra để ôm lấy cơ thể.
  • Phản xạ vòi: Khi mẹ chạm ngực vào má hoặc vị trí gần miệng của trẻ thì môi trẻ sẽ tự động hướng về phía đó để bú.

Ở giai đoạn bé 1 tháng tuổi, những hình ảnh có độ tương phản sáng tối rõ nét sẽ thu hút chú ý của bé, bởi vậy trẻ thường nhìn chăm chú vào gương mặt của cha mẹ. Ngoài ra, trẻ cũng thích ngắm nhìn những vật thể di chuyển chậm do hoạt động mắt của trẻ nhỏ chưa được nhanh nhạy và phối hợp ăn ý. 

> Tìm hiểu thêm: Sự phát triển của trẻ 2 tháng tuổi

Sự phát triển về khả năng vận động của trẻ 1 tháng tuổi

Em bé 1 tháng tuổi có khả năng kiểm soát vận động kém, thường có các cử động tự phát. Bởi vậy, các cử động của bé thường xuất hiện ngẫu nhiên, không có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các chi. 

Ngoài ra, trẻ 1 tháng bắt đầu có thể thực hiện một số động tác đơn giản như giật tay, giật chân, ngẩng đầu. Em bé 1 tháng tuổi bắt đầu phát triển cơ cổ, nên bé có thể ngẩng nhẹ đầu trong một vài giây. Cha mẹ có thể luyện tập cơ cổ cho trẻ bằng cách giữ trẻ nằm sấp để giúp trẻ dễ dàng thực hiện được các động tác vận động phức tạp hơn như lẫy, lật, ngồi, bò khi trẻ lớn hơn. 

Sự phát triển về vận động của trẻ 1 tháng tuổi

Em bé 1 tháng tuổi bắt đầu phát triển cơ cổ và có thể ngẩng đầu

Khả năng thích ứng của trẻ 1 tháng tuổi

Trong tuần đầu tiên trẻ chào đời, hoạt động chủ yếu của trẻ là ngủ để giúp trẻ thích ứng với môi trường xung quanh do chuyển sang môi trường sống ngoài tử cung. Đến tuần lễ thứ ba, trẻ sẽ thức dài hơn và bắt đầu khóc nhiều. Lúc này, trẻ cũng bắt đầu nhận thức được mọi thứ xung quanh và quan sát vật thể ở khoảng cách gần. Khi cầm đồ vật di chuyển chầm chậm, trẻ sẽ tập trung nhìn theo.

Khi trẻ 1 tháng tuổi, kỹ năng nghe nhìn cơ bản của trẻ đều đã hình thành, trẻ bắt đầu tạo ra tiếng ồn và biết chơi đồ chơi. Những âm thanh nhỏ, chậm và đều sẽ thu hút sự chú ý của trẻ, ngược lại những âm thanh lớn có thể khiến trẻ giật mình. Trẻ có thể chớp, nhắm mắt, nhíu mắt khi mắt bị kích thích. Ngoài việc khóc để thể hiện cảm xúc, một số trẻ có thể cười.

Trẻ 1 tháng tuổi phát triển thế nào về mặt ngôn ngữ

Trẻ sơ sinh 1 tháng đã bắt đầu phát triển khả năng ngôn ngữ thông qua những hình thức sau:

  • Trẻ nhìn chăm chú vào mặt cha mẹ khi cha mẹ nói chuyện.
  • Trẻ bắt đầu phát ra những âm thanh “ư”, “a” nhỏ.
  • Trẻ sẽ nín khóc, gật nhẹ đầu khi được cha mẹ ôm ấp, dỗ dành.

Hoạt động giao tiếp của trẻ 1 tháng tuổi

Khóc là một trong những cách giao tiếp của trẻ với cha mẹ, cũng là cách để trẻ sơ sinh giải tỏa sự khó chịu. Trẻ khóc nhiều nhất trong giai đoạn từ 6 – 8 tuần tuổi, trung bình 3 giờ/ ngày, một số trẻ mắc hội chứng quấy khóc có thể khóc nhiều hơn. Sau khi khóc, trẻ thường phát ra những âm thanh nhỏ như “a”, “ư”. Những âm thanh này chính là những bước đầu giúp trẻ phát triển khả năng ngôn ngữ. Do đó, cha mẹ nên thường xuyên trò chuyện cùng trẻ để động viên trẻ “đáp lại”.

Đến tuần thứ 4, một số cha mẹ có thể nhìn thấy bé cười và tần suất cười sẽ tăng dần lên khi trẻ tròn 1 tháng tuổi. Lúc này, phần lớn cảm xúc của trẻ đều được diễn đạt thông qua một trong hai cách cười hoặc khóc. Trẻ cũng giao tiếp cùng mọi người thông qua hành động nhìn, ngắm. Trẻ sẽ nhìn chăm chú người ở bên cạnh. Lúc cha mẹ thay tã cho trẻ cũng có thể thấy trẻ chăm chú nhìn lại trong thời gian ngắn.

Chăm sóc trẻ 1 tháng tuổi như thế nào

Cha mẹ cần bổ sung thêm các kiến thức về dinh dưỡng và chăm sóc để giúp trẻ 1 tháng tuổi phát triển toàn diện.

Ở tháng đầu tiên, trẻ thường có những thay đổi khó có thể nhận ra bằng mắt thường. Tuy nhiên, trẻ vẫn đang không ngừng học cách tương tác với thế giới xung quanh và phát triển nhận thức. Cột mốc 1 tháng tuổi chính là nền tảng quan trọng cho sự phát triển của trẻ nhỏ trong tương lai, giúp trẻ thích nghi với môi trường sống mới. Cha mẹ đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển cả về thể chất và trí não. Do đó, mỗi cha mẹ đều cần có kiến thức nhất định về chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ sơ sinh. 

Đến với Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome, cha mẹ sẽ được các bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng và y học vận động tư vấn, chia sẻ những kiến thức bổ ích và hướng dẫn cách chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi khoa học, toàn diện.

Rate this post
10:25 06/01/2023