Tăng động giảm chú ý: Nguyên nhân, Biểu hiện và Cách Chẩn đoán

25/11/2020 Theo dỗi Nutrihome trên google news

Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) là một tình trạng mãn tính thường gặp ở trẻ em và có thể kéo dài đến tuổi trưởng thành nếu không điều trị phù hợp. Mặc dù bệnh không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng có thể làm giảm bớt đáng kể các triệu chứng và giúp cho người bệnh có một cuộc sống tốt hơn. Cùng Nutrihome tìm hiểu về căn bệnh này trong bài viết dưới đây nhé.

Tăng động giảm chú ý, adhd

Tăng động giảm chú ý là một tình trạng mạn tính thường gặp ở trẻ em

Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) là gì?

ADHD là một chứng rối loạn thể hiện sự thiếu tập trung liên tục, tăng động – bốc đồng gây cản trở hoạt động hoặc sự phát triển bình thường của người bệnh. Ngoài ra, các tình trạng khác như mất khả năng học tập, rối loạn lo âu, rối loạn hạnh kiểm, trầm cảm và lạm dụng chất gây nghiện cũng thường gặp ở những người mắc chứng ADHD.

Trẻ mắc tăng động giảm chú ý

Tăng động giảm chú ý làm cản trở hoạt động và phát triển bình thường ở trẻ em

Nguyên nhân gây ra chứng rối loạn tăng động giảm chú ý

Hiện nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây ra chứng rối loạn tăng động giảm chú ý. Nhưng giống như nhiều bệnh khác, một số yếu tố có thể được xem là nguy cơ gây ra ADHD:

  • Những người có quan hệ huyết thống, chẳng hạn như cha mẹ hoặc anh chị em mắc chứng ADHD hoặc các rối loạn sức khỏe tâm thần khác, thì sẽ có nguy cơ mắc tăng động cao hơn người bình thường.
  • Phụ nữ hút thuốc lá, sử dụng rượu hoặc ma túy trong thời kỳ mang thai thì sinh con ra có nguy cơ bị tăng động giảm chú ý.
  • Phụ nữ tiếp xúc với các chất độc môi trường khi còn trẻ hoặc trong thời gian mang thai, chẳng hạn như hàm lượng chì cao, thì trẻ sinh ra cũng có nguy cơ bị ADHD.
  • Trẻ sinh non.
  • Những người bị các chấn thương liên quan đến não.

ADHD được cho là phổ biến ở nam giới hơn nữ giới và nữ giới nếu có mắc thì nhiều khả năng gặp vấn đề chủ yếu là thiếu chú ý.

Các triệu chứng trong rối loạn tăng động giảm chú ý

Đối với trẻ em và thanh thiếu niên

Các triệu chứng của ADHD ở trẻ em và thanh thiếu niên được xác định rõ ràng và thường dễ dàng nhận thấy trước 6 tuổi. 

  • Thiếu chú ý: Các dấu hiệu chính của sự thiếu chú ý bao gồm:
  • Dễ mất chú ý hoặc dễ bị phân tâm trong khoảng thời gian ngắn.
  • Thường không chú ý đến các chi tiết hoặc mắc lỗi bất cẩn trong bài tập ở trường, nơi làm việc hoặc trong các hoạt động khác.
  • Dường như không thể lắng nghe khi nói chuyện.
  • Thường không tuân theo hướng dẫn và không hoàn thành bài tập ở trường, việc nhà hoặc nhiệm vụ ở nơi làm việc.
  • Thường gặp khó khăn khi tổ chức các nhiệm vụ và hoạt động.
  • Thường né tránh, không thích hoặc miễn cưỡng làm những công việc đòi hỏi nỗ lực trí óc trong một thời gian dài, như bài tập ở trường hoặc bài tập về nhà.
  • Thường hay quên hoặc làm mất đồ như: Tài liệu học tập, bút chì, sách, dụng cụ, ví, chìa khóa, giấy tờ, kính đeo mắt, điện thoại di động.

triệu chứng tăng động ở trẻ em

Các triệu chứng tăng động ở trẻ em và thanh thiếu niên dễ được nhận biết

  • Tăng động – bốc đồng: Các dấu hiệu chính của sự tăng động – bốc đồng bao gồm:
  • Không thể ngồi yên, đặc biệt là trong môi trường yên tĩnh. 
  • Liên tục cảm thấy bồn chồn.
  • Không thể tập trung vào nhiệm vụ.
  • Vận động thể chất quá mức.
  • Nói quá nhiều.
  • Không thể kiên nhẫn đợi đến lượt của mình.
  • Hành động mà không suy nghĩ.
  • Làm gián đoạn cuộc trò chuyện của người khác.
  • Ít hoặc không có cảm giác nguy hiểm.

trẻ nghịch ngợm, dấu hiệu tăng động giảm chú ý

Trẻ tăng động giảm chú ý thường không thể ngồi yên một chỗ

Đối với người lớn

Ở người lớn, các triệu chứng của ADHD khó xác định hơn ở trẻ em. Điều này phần lớn là do thiếu nghiên cứu về chứng ADHD ở người lớn đồng thời cũng như do các triệu chứng của ADHD thường xuất hiện từ thời thơ ấu đến tuổi thiếu niên và kéo dài đến tuổi trưởng thành. Vì vậy, ADHD được cho là một chứng rối loạn tăng động giảm chú ý mà không thể phát hiện ở người lớn nếu không xuất hiện lần đầu tiên trong thời thơ ấu. 

Đến 25 tuổi, ước tính có khoảng 15% người được chẩn đoán ADHD khi còn nhỏ vẫn có đầy đủ các triệu chứng và 65% vẫn có một số triệu chứng ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của họ. Trong một vài trường hợp, các triệu chứng xuất hiện ở trẻ em và thanh thiếu niên đôi khi cũng được áp dụng để chẩn đoán cho người lớn. 

Và theo một số chuyên gia, sự thiếu chú ý hay tăng động – bốc đồng ảnh hưởng đến người lớn có thể rất khác với trẻ em, ví dụ chứng tăng động có xu hướng giảm ở người lớn, trong khi tình trạng thiếu chú ý có xu hướng trở nên tồi tệ hơn ở người lớn khi áp lực của cuộc sống tăng lên. Một số chuyên gia đã đưa ra các triệu chứng liên quan đến ADHD ở người lớn như sau:

  • Bất cẩn và thiếu chú ý đến chi tiết.
  • Liên tục bắt đầu nhiệm vụ mới trước khi hoàn thành nhiệm vụ cũ.
  • Kỹ năng tổ chức kém.
  • Không có khả năng tập trung hoặc ưu tiên.
  • Liên tục làm mất hoặc thất lạc mọi thứ.
  • Hay quên.
  • Bồn chồn và khó chịu.
  • Khó giữ im lặng và nói ra.
  • Thốt ra câu trả lời và thường làm gián đoạn cuộc nói chuyện của người khác.
  • Thay đổi tâm trạng, cáu kỉnh và nóng nảy.
  • Không có khả năng đối phó với căng thẳng.
  • Cực kỳ thiếu kiên nhẫn.
  • Chấp nhận rủi ro trong các hoạt động, thường ít hoặc không quan tâm đến an toàn cá nhân hoặc an toàn của người khác – ví dụ như lái xe nguy hiểm.

hay quên, dấu hiệu ADHD ở người lớn

Bất cẩn và hay quên là những dấu hiệu thường gặp ở người lớn khi mắc ADHD

Các dạng thường gặp của rối loạn tăng động giảm chú ý?

Dựa trên các dấu hiệu nêu trên, có ba loại (biểu hiện) của ADHD có thể xảy ra. Tùy trường hợp, mỗi loại biểu hiện có thể mạnh hơn ở người này nhưng mờ nhạt hơn ở người khác, và ngược lại:

  • Biểu hiện thiếu chú ý chủ yếu: Nếu có đủ các triệu chứng không chú ý, nhưng không có triệu chứng tăng động – bốc đồng và đã xuất hiện trong vòng sáu tháng.
  • Biểu hiện tăng động – bốc đồng chủ yếu: Nếu có đủ các triệu chứng của chứng tăng động – bốc đồng, nhưng không có triệu chứng thiếu chú ý và đã xuất hiện trong vòng sáu tháng.
  • Kết hợp cả biểu hiện thiếu tập trung và tăng động – bất đồng: Nếu có đủ các triệu chứng của cả thiếu chú ý và tăng động – bốc đồng trong vòng 6 tháng.

Tham khảo thêm: Trẻ chậm phát triển trí tuệ: Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị

Chẩn đoán rối loạn tăng động giảm chú ý

điều trị tăng động giảm chú ý ở trẻ

Khi phát hiện trẻ có biểu hiện của tăng động thì ba mẹ cần đưa trẻ đến bác sĩ để được điều trị sớm

Đối với trẻ em và thanh thiếu niên

Chẩn đoán ADHD ở trẻ em phụ thuộc vào một loạt các tiêu chí nghiêm ngặt. Để được chẩn đoán mắc ADHD thì phải có những dấu hiệu trẻ tăng động sau đây:

  • Có 6 triệu chứng không chú ý trở lên hoặc 6 triệu chứng tăng động – bốc đồng trở lên.
  • Các triệu chứng xuất hiện liên tục trong ít nhất 6 tháng.
  • Các triệu chứng bắt đầu xuất hiện trước 12 tuổi.
  • Biểu hiện các triệu chứng ở ít nhất 2 môi trường khác nhau, chẳng hạn như: Ở nhà và ở trường, để loại trừ khả năng hành vi đó chỉ là phản ứng với một số giáo viên nhất định hoặc trước sự kiểm soát của cha mẹ.
  • Các triệu chứng khiến cho người bệnh trở nên khó khăn hơn rất nhiều trong học tập, công việc cũng như trong cuộc sống.

Đối với người lớn

Chẩn đoán ADHD ở người lớn khó hơn vì có một số quan điểm cho rằng liệu các triệu chứng được sử dụng để chẩn đoán cho trẻ em và thanh thiếu niên thì có áp dụng được cho người lớn hay không? Trong một số trường hợp, người lớn có thể được chẩn đoán mắc ADHD dựa vào các triệu chứng dùng để chẩn đoán cho trẻ em nếu họ có từ 5 triệu chứng không chú ý hoặc tăng động – bốc đồng trở lên. 

Trong một số trường hợp khác, chuyên gia sẽ áp dụng cách hỏi một số vấn đề liên quan đã xảy ra khi còn nhỏ và nếu người đó không thể nhớ rõ thì chuyên gia sẽ tìm cách xem hồ sơ học tập cũ hoặc nói chuyện với cha mẹ, giáo viên hoặc bất kỳ ai khác biết. Từ đó đưa ra kết luận người đó có mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý không và chọn phương pháp điều trị phù hợp.

ADHDchứng tăng động giảm chú ý được cho là ngày càng phổ biến ở trẻ em. Đặc biệt trong một xã hội phát triển, ba mẹ ít có thời gian quan tâm đến con của mình, điều đó đã vô tình dẫn đến tình trạng ADHD ở trẻ trở nên trầm trọng hơn (nếu trẻ không may mắc phải). Vì vậy, khi thấy trẻ có bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ nào liên quan đến chứng rối loạn tăng động giảm chú ý, thì ba mẹ cần phải đưa trẻ đến các chuyên gia để được nhận sự tư vấn cũng như điều trị kịp thời. Việc nhận biết và điều trị sớm sẽ góp phần giúp trẻ kiểm soát chứng tăng động và phát triển tốt hơn về mặt thể chất cũng như tinh thần.

Rate this post
04:37 25/11/2020