Trẻ sơ sinh bị táo bón: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị

21/10/2020 Theo dỗi Nutrihome trên google news
Tư vấn chuyên môn bài viết
Chức Vụ: Cố vấn chuyên môn
Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome

Trẻ sơ sinh bị táo bón và cách trị táo bón cho trẻ sơ sinh thế nào là mối quan tâm của rất nhiều bố mẹ. Bởi khi trẻ bị táo bón kéo dài, chất độc trong phân có thể xâm nhập trở lại cơ thể và gây hại cho sức khỏe của trẻ cũng như dẫn đến nhiều vấn đề khác…

Táo bón là tình trạng chậm đi tiêu so với thông thường, thường gặp ở mọi đối tượng, nhất là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ gây ra những khó chịu trong sinh hoạt, vui chơi, ăn uống, ngủ nghỉ… Tình trạng bệnh lý ở đường tiêu hóa này nếu kéo dài có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, sự phát triển toàn diện của trẻ.

Do đó, việc bố mẹ tìm hiểu về táo bón cũng như biện pháp phòng tránh, cải thiện chúng kịp thời sẽ giúp trẻ luôn vui tươi, phát triển khỏe mạnh và toàn diện.

Táo bón ở trẻ sơ sinh là gì?

Thông thường, những trẻ sơ sinh bú sữa mẹ hoàn toàn, trung bình mỗi ngày sẽ đi ngoài từ 2 – 3 lần (thậm chí có những trẻ đi từ 3 – 5 lần), còn trẻ bú sữa công thức có thể đi 1 – 2 ngày/ lần.

trẻ sơ sinh bị táo bón

Trẻ sơ sinh bị táo bón là tình trạng thường gặp, tuy nhiên bố mẹ không nên chủ quan

Tuy nhiên, nếu khoảng cách mỗi lần đi tiêu của trẻ kéo dài trên 3 ngày, phân khi được đẩy ra ngoài thường cứng – rắn – khô vón cục như phân dê, trẻ phải gồng mình/ dùng nhiều sức để rặn, thậm chí có thể bị nứt hậu môn gây đau rát, chảy máu… tình trạng này được gọi là táo bón ở trẻ sơ sinh nói riêng và trẻ nhỏ nói chung.

Dù vậy cũng cần lưu ý, trên thực tế có những trẻ sau 3 ngày mới đi ngoài, nhưng khi đi vẫn dễ dàng, khuôn phân đẹp và mềm… trường hợp này không được gọi là táo bón, bố mẹ không nên quá lo lắng.

Nguyên nhân trẻ sơ sinh bị táo bón

Chia sẻ về các nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ sơ sinh bị bón TTƯT.BS.CKII Hoàng Thị Tín mách nhỏ bố mẹ một số nguyên nhân thường gây táo bón ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ như sau:

Do cơ thể trẻ bị thiếu nước: Với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi, sữa mẹ không chỉ là nguồn cung cấp thức ăn chủ yếu và duy nhất cho trẻ mà còn là nguồn cung cấp nước chủ yếu. Do đó, nếu một ngày trẻ bú không đủ nhu cầu cơ thể cần sẽ dẫn đến thiếu nước, từ thiếu nước có thể dẫn đến táo bón.

Bố mẹ có thể kiểm tra trẻ bị thiếu nước hay không bằng cách quan sát tã bỉm của trẻ. Nếu trẻ đi tiểu ít hơn 6 lần/ngày, nước tiểu vàng và có mùi hôi nghĩa là cơ thể trẻ đang bị thiếu nước. Hoặc kiểm tra thấy miệng của trẻ khô và dính, đây cũng chính là dấu hiệu thiếu nước ở trẻ, cần bổ sung.

Do chế độ ăn uống hàng ngày của mẹ nghèo nàn chất xơ: Sữa mẹ là nguồn cung cấp dinh dưỡng chủ yếu cho cơ thể của trẻ nên chế độ ăn uống của mẹ có ảnh hưởng rất lớn đến dinh dưỡng cũng như tình trạng táo bón của con.

Bên cạnh đó, nếu người mẹ đang cho con bú ăn nhiều các thức ăn cay nóng, đồ ăn khó tiêu, ít chất xơ, nhiều đạm… hay có chế độ sinh hoạt, lối sống không khoa học cũng được xem là yếu tố góp phần gây nên tình trạng táo bón ở trẻ.

nguyên nhân gây táo bón ở trẻ sơ sinh, trẻ không bú mẹ

Trẻ không bú mẹ đủ có thể khiến cơ thể thiếu nước dẫn đến táo bón ở trẻ sơ sinh

Do trẻ bú sữa công thức không phù hợp: Những trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn ít có nguy cơ bị táo bón vì sữa mẹ có chứa các thành phần dưỡng chất cân bằng chất béo và chất đạm (protein), chất xơ, nước… Tuy nhiên, nếu sử dụng sữa công thức, trẻ có nguy cơ mắc táo bón cao hơn.

Nguyên nhân do là thành phần protein khác nhau trong sữa công thức có thể gây táo bón ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Trẻ sơ sinh dùng sữa công thức với lượng nhiều, pha không đúng cách nếu bị táo bón thường có phân xanh và cứng, trẻ khó đi ngoài.

Do trẻ mắc các bệnh lý ở đường tiêu hóa: Việc trẻ bị táo bón có thể là do bệnh lý xuất phát từ chính cơ thể trẻ. Một số nguyên nhân chính khiến trẻ sơ sinh bị táo bón có thể kể đến như tổn thương thực thể ở đường tiêu hóa, mắc các dị tật bẩm sinh (đại tràng bị phình to – bệnh Hipschsprung, bệnh suy giáp trạng – bệnh Myxoedeme). (1)

Ngoài ra nếu trẻ hiếu động, ham hoạt động, thích lẫy… cũng sẽ khiến cơ thể bị mất nước nhiều, từ đó có thể dẫn đến tình trạng táo bón.

Dấu hiệu trẻ sơ sinh bị táo bón

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ chưa biết nói nên không thể thông báo với bố mẹ khi bị táo bón. Do đó, bố mẹ cần quan sát, chú ý đến những dấu hiệu bất thường ở trẻ để phát hiện kịp thời táo bón và có biện pháp khắc phục càng sớm càng tốt. Cụ thể, ở trẻ bị táo bón sẽ có một trong các dấu hiệu:

  • Trẻ sơ sinh đi ngoài ít hơn bình thường: Trong tháng đầu tiên, trẻ sơ sinh thường đi ngoài trung bình khoảng 3 lần/ ngày với trẻ bú mẹ và khoảng 1 lần/ ngày với trẻ bú sữa công thức. Theo đó, nếu trẻ đi đại tiện ít hơn so với bình thường, trung bình 1 – 2 ngày mới đi ngoài một lần kèm theo dấu hiệu khó chịu, đau đớn hay khóc thì khả năng trẻ bị táo bón rất cao. (2, 3)
  • Đi ngoài khó khăn: Một biểu hiện khác của chứng táo bón là trẻ khó đi ngoài. Khi đi ngoài bé thường phải rặn nhiều, mặt đỏ bừng lên, vã mồ hôi, thậm chí khóc rất nhiều vì đau rát. Việc trẻ đại tiện phải rặn nhiều có thể gây tổn thương, chảy máu vùng hậu môn. Chính vì vậy, bố mẹ cần hết sức lưu ý nếu con có những biểu hiện như trên và nghi ngờ trẻ bị táo bón để có biện pháp can thiệp.
  • Trẻ quấy khóc, lười ăn hoặc bỏ ăn sữa: Bỗng dưng quấy khóc vô cớ, biếng ăn sữa và có các biểu hiện nhăn nhó, khó chịu cũng là một trong những dấu hiệu để nhận biết trẻ sơ sinh bị táo bón. Do thức ăn nạp vào cơ thể bé không được hấp thụ, đào thải nên luôn khiến bé cảm thấy đầy bụng, khó chịu, mệt mỏi. Đó là lý do trẻ hay quấy khóc vô cớ, ngủ không sâu giấc và biếng ăn hoặc bỏ ăn.

Dấu hiệu trẻ sơ sinh bị táo bón

Thường xuyên khó chịu, quấy khóc, lười bú sữa… là những dấu hiệu cảnh báo trẻ sơ sinh bị bón

  • Trẻ bị chướng bụng, khó tiêu: Nếu mắc táo bón, bụng của bé có thể bị chướng do khí và thức ăn không tiêu hóa hết, khiến bụng trở nên cứng. Chướng bụng, khó tiêu có thể gây cảm giác đau đớn, khó chịu cho bé nên bố mẹ cần tìm các biện pháp chữa trị giúp bé đi ngoài bình thường nhanh chóng.

Cần biết, táo bón nếu kéo dài có thể gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển và sức khỏe của bé, khiến bé biếng ăn, còi cọc, chậm lớn, suy dinh dưỡng hoặc gây ra các bệnh lý ở đường ruột như tắc nghẽn đường ruột, phình đại tràng, bệnh trĩ… Vì vậy, bố mẹ cần chú ý quan sát các dấu hiệu trẻ sơ sinh bị bón nêu trên để có biện pháp can thiệp, điều trị kịp thời giúp trẻ dễ chịu.

Trẻ bị táo bón không đi ngoài được có nguy hiểm không?

Thực tế cho thấy trẻ sơ sinh bú sữa mẹ thường ít gặp trường hợp táo bón hơn so với trẻ dùng sữa công thức. Dù vậy, trường hợp trẻ sơ sinh táo bón thường xuyên trong thời gian bú mẹ vẫn có thể xảy ra.

Mặc dù trẻ sơ sinh bị táo bón không phải là căn bệnh quá nghiêm trọng, tuy nhiên nếu trẻ sơ sinh táo bón lâu dài có thể dẫn đến những căn bệnh đáng lo ngại khác ở trẻ như: sa trực tràng, nứt kẽ hậu môn hay tích tụ độc tố trong cơ thể…

Trẻ sơ sinh bị bón: Khi nào cần đưa trẻ thăm khám bác sĩ?

Trong trường hợp táo bón ở trẻ diễn ra trong thời nhất định (2-3 ngày) nhưng không có dấu hiệu thuyên giảm, bé khó quấy khóc, khó chịu. Thậm chí trẻ có dấu hiệu sốt, nôn mửa, phân ị ra máu mẹ cần đưa trẻ thăm khám để được bác sĩ tư vấn cách xử lý phù hợp.

Cách trị táo bón cho trẻ sơ sinh tại nhà

Trẻ sơ sinh nói riêng và trẻ nhỏ nói chung bị táo bón có thể hết sau vài ngày nếu bố mẹ biết cách xử lý sớm và đúng cách. Dưới đây là một trong những phương pháp khắc phục, hỗ trợ trị táo bón cho trẻ mà các mẹ có thể áp dụng (4):

Cung cấp đủ nước cho cơ thể trẻ: Khi bị thiếu nước hoặc mất nước, cơ thể sẽ hấp thụ chất lỏng từ bất cứ đâu nên kết cấu của phân bé trở nên khô và rắn hơn, khiến bé gặp khó khăn khi đi tiêu, do đó hãy cho trẻ sơ sinh bú đủ để phòng tránh thiếu nước. Việc được cung cấp đủ chất lỏng sẽ giúp phân của bé trương nở hơn và di chuyển trong ruột dễ dàng hơn, giảm thiểu triệu chứng táo bón ở trẻ.

Tuy nhiên cần lưu ý, chỉ cung cấp nước cho trẻ sơ sinh thông qua việc cho trẻ bú sữa mẹ hoặc sữa công thức, tuyệt đối không cho trẻ uống các loại nước khác dưới bất cứ hình thức nào để tránh ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ.

Điều chỉnh chế độ ăn uống hàng ngày của mẹ: Thực đơn của mẹ sau sinh cho con bú cần điều chỉnh theo hướng tăng cường chất xơ từ rau củ quả tươi sống, uống nhiều nước, tránh các thức ăn cay nóng, thức uống có cồn…

Đây là cách quan trọng phòng tránh và hỗ trợ trị táo bón cho trẻ sơ sinh cũng như trẻ dưới 6 tháng tuổi vì chế độ ăn hàng ngày của mẹ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sữa – nguồn thức ăn chính của bé trong giai đoạn này.

Đổi loại sữa công thức bé đang dùng sang loại khác: Nếu bé uống sữa công thức và bị táo bón, bố mẹ hãy thử đổi sang một loại sữa bột “mát” hơn khác. Và khi pha sữa cho trẻ, cần lưu ý pha đúng cách theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Bởi đôi khi việc pha không đúng cách, pha quá đặc cũng là nguyên nhân gây táo bón ở trẻ.

sữa công thức dẫn đến táo bón cho trẻ sơ sinh

Sữa công thức kết hợp nhiều chất trong khi dạ dày bé phát triển chưa hoàn thiện nên có thể khó tiêu hóa và dẫn đến táo bón.

Trong trường hợp không biết chọn loại sữa “mát” nào phù hợp với tình trạng sức khỏe của trẻ, bố mẹ có thể trao đổi/ hỏi ý kiến bác sĩ dinh dưỡng về điều này để tìm ra được loại sữa công thức phù hợp nhất cho con yêu của mình.

Massage bụng cho bé mỗi ngày: Mẹ dùng 3 ngón tay giữa chụm lại, đặt lên vùng bụng xung quanh rốn rồi xoa nhẹ với lực ấn vừa đủ. Việc làm này sẽ khiến nhu động ruột của bé hoạt động tốt hơn, giúp thức ăn khó tiêu còn trong bụng sẽ mềm ra và chuyển động xuống hậu môn. Mẹ nên thực hiện động tác này mỗi lần 3 phút để kích thích trẻ đi ngoài dễ dàng.

Tắm cho trẻ bằng nước ấm: Khi nhận thấy triệu chứng táo bón ở trẻ sơ sinh, mẹ nên cho bé tắm bằng nước ấm. Ngâm mình trong nước ấm sẽ giúp trẻ cảm thấy thoải mái, thư giãn cơ bụng, giảm các cơn đau do đầy hơi và kích thích nhu động ruột.

Ngoài ra, bố mẹ cũng có thể áp dụng cách ngâm hậu môn cho trẻ bằng nước ấm 1 – 2 lần/ngày, mỗi lần ngâm khoảng 5 phút. Ngâm nước ấm sẽ giúp kích thích cơ vòng hậu môn khiến trẻ đi ngoài trơn tru, dễ dàng hơn.

Bổ sung chất xơ: Nếu trẻ đã đến tuổi ăn dặm và việc bổ sung nước không thể làm giảm triệu chứng táo bón, bố mẹ hãy thử thay thế bằng các loại rau và trái cây có tính chất nhuận tràng như rau lang, mồng tơi, rau đay, táo, mận hoặc lê. (5, 6)

cách trị táo bón cho trẻ sơ sinh, bổ sung chất xơ

Bổ sung chuối và hoa quả trong chế độ ăn hàng ngày để phòng tránh táo bón ở trẻ

Việc tiêu thụ những loại thực phẩm này giúp phân của bé trở nên mềm và dễ đi tiêu hơn. Tuy nhiên cần lưu ý là bổ sung chất xơ không đúng loại và không đúng cách cũng có thể làm cho triệu chứng trầm trọng hơn. Hãy trao đổi thêm với chuyên gia dinh dưỡng nếu con của bạn không cải thiện.

Thụt phân cho trẻ: Trong một số trường hợp cần thiết, bố mẹ có thể thụt phân để giúp trẻ thoát khỏi sự bức bí khó chịu do chiếc bụng căng cứng, đẩy phân ra khỏi hậu môn dễ dàng. Theo đó, bố mẹ có thể dùng ngọn mồng tơi, tăm bông có thoa mật ong hoặc vaseline để thụt hậu môn cho trẻ.

(Dù vậy, bố mẹ không nên lạm dụng cách này cho con, bởi cách này không giải quyết triệt để nguyên nhân gây táo bón, chưa kể nó có thể khiến trẻ mất đi phản xạ đi tiêu tự nhiên và phụ thuộc hoàn toàn vào việc thụt tháo).

Sau khi thụt phân xong, để giảm gánh nặng cho hệ tiêu hóa của trẻ bố mẹ nên tập cho trẻ thói quen đi vệ sinh đúng giờ, thường xuyên và thực hiện các động tác massage bụng, tập động tác đạp xe đạp trên giường cho trẻ…

Trong trường hợp đã áp dụng các phương pháp trên nhưng tình trạng trẻ sơ sinh bị táo bón vẫn không được cải thiện. Chưa kể, trẻ còn xuất hiện các triệu chứng như sốt cao, nôn trớ, bị rách hậu môn, đi tiêu có máu, bụng to lên, giảm cân… bố mẹ hãy cân nhắc đưa con đi khám và trao đổi tình trạng của bé với các bác sĩ sớm nhất có thể để tránh tình trạng thêm nghiêm trọng.

Cách phòng ngừa, chống táo bón ở trẻ sơ sinh

So với các độ tuổi khác, tỷ lệ trẻ sơ sinh bị mắc bệnh táo bón không cao, tuy nhiên không vì vậy mà bố mẹ chủ quan. Bởi nếu mắc táo bón sức khỏe, sự phát triển của trẻ có thể bị ảnh hưởng. Phòng bệnh hơn chữa bệnh, để phòng ngừa trẻ sơ sinh mắc táo bón TTƯT.BS.CKII Hoàng Thị Tín lưu ý bố mẹ một số vấn đề sau:

  • Tập cho trẻ thói quen đi vệ sinh đúng giờ, đều đặn mỗi ngày. Bên cạnh đó, 2 lần/ ngày nên kiên trì thực hành mát xa xoa bóp vùng bụng cho trẻ theo chiều kim đồng hồ, bài tập đạp xe đạp để kích thích nhu động ruột của trẻ hoạt động tốt hơn. (7)

Cách phòng ngừa, chống táo bón ở trẻ sơ sinh

Khi bị táo bón bụng bé thường cứng, chướng bố mẹ có thể thường xuyên massage cho trẻ

  • Xây dựng/ hoặc điều chỉnh chế độ ăn uống hàng ngày của mẹ cho phù hợp, nhất là những mẹ đang cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn. Theo đó, chế độ ăn nên tăng cường các thực phẩm giàu chất xơ, những thực phẩm có tính nhuận tràng như mồng tơi, rau lang, rau đay, đu đủ, chuối, cam, thanh long… Đồng thời, cần tránh ăn các thực phẩm có tính cay nóng, uống trà, cà phê, bia rượu.
  • Cho trẻ bú mẹ thường xuyên và đủ cữ để cung cấp đủ lượng nước cơ thể cần, tránh mất nước, thiếu nước. Để đảm bảo lượng sữa dồi dào cho trẻ bú, mẹ nên uống đủ nước, khoảng 2 – 3 lít/ngày, đó có thể là sữa, nước lọc, nước ép trái cây, nước canh.

Mặc dù trẻ sơ sinh bị táo bón không phải là căn bệnh quá nghiêm trọng, Tuy nhiên căn bệnh này nếu tiếp diễn trong thời gian dài có thể dẫn đến những căn bệnh đáng lo ngại khác ở trẻ như: sa trực tràng, nứt kẽ hậu môn hay tích tụ độc tố trong cơ thể…

1.5/5 - (2 bình chọn)
10:35 06/01/2023