Trẻ 6 tháng bị táo bón là tình trạng thường gặp, bởi đây là giai đoạn ăn dặm, thức ăn có sự chuyển đổi từ sữa lỏng hoàn toàn sang dạng đặc nhằm đảm bảo cho nhu cầu phát triển ngày càng cao của trẻ. Nếu trẻ bị táo bón mẹ đừng quá lo lắng, hãy thử một số cách trị táo bón cho trẻ 6 tháng tuổi tại nhà an toàn dưới đây nhé!
Táo bón là một vấn đề khá thường gặp ở trẻ bước vào giai đoạn ăn dặm nói riêng và mọi người nói chung. Cần biết rằng, chứng táo bón ở trẻ không phải là bệnh lý và không nguy hiểm tính mạng tức thời, do đó các mẹ không nên quá lo lắng. Dù vậy, cũng không nên chủ quan để tình trạng này xảy ra thường xuyên và kéo dài vì nó có thể gây ra nhiều hệ lụy sức khỏe cũng như ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.
Trẻ được gọi là mắc táo bón nếu có số lần đi đại tiện trong tuần ít hơn 3 lần, thậm chí có những trẻ chỉ 1 lần (trong khi trẻ bình thường đi đại tiện mỗi lần một ngày, hoặc có trẻ đi 3 lần một ngày).
Ngoài số lần đi tiêu ít so với trẻ bình thường, trẻ 6 tháng bị táo bón khi đi đại tiện cũng gặp nhiều khó khăn hơn như: rặn nhiều, phân khô cứng, són phân, thậm chí là bị đau rát, nứt kẽ hậu môn, chảy máu khi đi tiêu, phân ra ngoài có dính máu lẫn chất nhầy, bụng luôn trong tình trạng khó chịu, căng chướng…
Táo bón là một vấn đề khá phổ biến của hệ tiêu hóa, không phải bệnh lý gây nguy hiểm tính mạng lập tức, dù vậy việc nhận biết sớm các dấu hiệu trẻ 6 tháng tuổi bị táo bón và can thiệp kịp thời sẽ giúp trẻ cảm thấy dễ chịu, ăn uống ngon miệng, vui chơi thoải mái từ đó phát triển tốt hơn. Do đó, các mẹ không nên chủ quan khi con có các triệu chứng dưới đây:
Trẻ 6 tháng bị táo bón sẽ thường xuyên quấy khóc, khó chịu.
Bị táo bón sẽ khiến trẻ cảm thấy khó chịu, ăn uống không tiêu, không muốn ăn thức ăn mới… bởi lượng phân ứ đọng trong trực tràng lâu ngày gây căng tức, chướng bụng. Ngoài không muốn ăn, do khó chịu ở bụng nên trẻ thường quấy khóc, không chơi đùa… Nếu trẻ có tình trạng này xảy ra, mẹ nên để ý theo dõi tình trạng đi tiêu của trẻ, bởi đây có thể là dấu hiệu cảnh báo trẻ đã bị táo bón.
Một dấu hiệu trẻ 6 tháng bị táo bón điển hình nữa là số lần đi tiêu của trẻ sẽ ít hơn so với thông thường. Cụ thể những trẻ mắc táo bón sẽ có số lần đi tiêu dưới 3 lần/ tuần hoặc thậm chí 1 lần/ tuần (còn trẻ bình thường mỗi tuần đi tiêu từ 5 – 7 lần) với tình trạng phân cứng, khô và bị vón cục như phân dê đôi khi có lẫn máu và chất nhầy.
Do tính chất phân cứng, khô và vón cục (bởi dồn ứ trong bụng lâu ngày nên nước trong phân sẽ hấp thu trở lại cơ thể khiến phân thay vì mềm trở nên khô cứng hơn) nên trẻ khi đi đại tiện phải dùng sức rặn nhiều, rặn mạnh để tống xuất phân ra ngoài. Trong quá trình trẻ rặn mạnh có thể xảy ra nứt kẽ hậu môn, chảy máu hậu môn khiến trẻ đau đớn và sợ hãi mỗi khi đi tiêu.
Đây cũng là dấu hiệu táo bón ở trẻ 6 tháng tuổi mẹ nên biết. Những trẻ bị táo bón sẽ luôn cảm thấy khó chịu ở vùng bụng, bụng có tình trạng căng chướng, dung nạp thức ăn mới vào khó tiêu hơn… do phân ứ đọng trong bụng lâu ngày.
Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, táo bón ở trẻ nhỏ nói chung và trẻ 6 tháng tuổi nói riêng do rất nhiều nguyên nhân gây ra (1). Để biết cách trị táo bón cho trẻ 6 tháng tuổi mẹ cần biết chính xác nguyên nhân là gì từ đó có cách xử trí phù hợp. Nếu em bé của mẹ bị táo bón thường xuyên, hãy xem trẻ có rơi vào trường hợp nào dưới đây không nhé!
Trước 6 tháng tuổi nguồn thức ăn chủ yếu của trẻ là sữa mẹ hoặc sữa công thức. Sữa mẹ là thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa do đó trẻ ít gặp tình trạng táo bón xảy ra trong suốt giai đoạn bú mẹ. Tuy nhiên, khi bước sang giai đoạn ăn dặm, trẻ chuyển đổi dần từ thức ăn lỏng hoàn toàn sang dạng đặc, lúc này hệ tiêu hóa vẫn chưa kịp thích nghi với sự thay đổi mới nên dẫn đến trẻ ăn dặm bị táo bón.
Trẻ 6 tháng bị táo bón có thể do chuyển đổi từ ăn loãng sang ăn đặc khiến cơ thể chưa thích nghi được.
Để phòng tránh táo bón ở trẻ mới ăn dặm chuyên gia khuyên mẹ ngoài xây dựng khẩu phần ăn đảm bảo 4 nhóm chất (chất đạm, chất béo, chất bột đường, vitamin và khoáng chất) nên tăng cường lượng chất xơ cho trẻ trong khẩu phần ăn mỗi ngày, thay vì ăn quá nhiều tinh bột và thịt cá. Tuy nhiên, nhiều mẹ lo lắng con ăn rau/ trái cây không đủ chất dinh dưỡng và dễ bị “lạnh” bụng nên chưa chủ động cho con ăn nhiều, điều này cũng là nguyên nhân khiến bé 6 tháng bị táo bón.
Bên cạnh thực đơn ăn dặm của trẻ, nếu mẹ đang cho con bú nhưng chế độ dinh dưỡng hàng ngày nghèo nàn, ít rau xanh và trái cây sẽ làm giảm lượng chất xơ cung cấp cho cơ thể cũng góp phần khiến trẻ 6 tháng bị táo bón.
6 tháng tuổi lượng nước chủ yếu của trẻ là từ sữa. Tuy nhiên do trẻ đã bắt đầu ăn dặm nên lượng sữa cung cấp giảm đi. Theo khuyến nghị, lượng nước cần cung cấp cho cơ thể trẻ khoảng 100ml/kg để đảm bảo các hoạt động cũng như giúp hệ tiêu hóa làm việc hiệu quả hơn. Nước bao gồm nước lọc, sữa, nước ép trái cây tươi, nước cháo, súp… Nếu cơ thể trẻ thiếu nước hệ tiêu hóa sẽ hoạt động kém hiệu quả và việc trẻ mắc táo bón là điều có thể hiểu.
Ăn dặm có nghĩa là lượng thức ăn trẻ nạp vào cơ thể mỗi ngày chỉ là ăn phụ, ăn thêm để đảm bảo dưỡng chất cho sự phát triển toàn diện, còn sữa vẫn là nguồn cung cấp dinh dưỡng chính và quan trọng. Nhưng nhiều mẹ khi con bước sang giai đoạn ăn dặm đã cắt luôn/ hoặc giảm dần những cữ bú của con để trẻ ăn được nhiều hơn. Chính quan niệm sai lầm này đã góp phần dẫn đến tình trạng táo bón ở trẻ.
Để đảm bảo cung cấp đầy đủ dưỡng chất giúp trẻ phát triển toàn diện thể chất và trí não, tùy theo độ tuổi, nhà sản xuất luôn có hướng dẫn tỷ lệ pha sữa phù hợp giúp cơ thể trẻ hấp thu tốt nhất. Nhưng nhiều mẹ lo lắng con ăn dặm bị thiếu chất nên đã “cố tình” lờ đi hướng dẫn của nhà sản xuất pha sữa quá đặc. Việc pha sữa công thức sai tỷ lệ khuyến cáo, lượng bột sữa nhiều hơn lượng nước cũng làm trẻ 6 tháng bị táo bón.
Pha sữa công thức sai tỷ lệ cũng góp phần dẫn đến táo bón ở trẻ 6 tháng.
6 tháng tuổi trẻ vẫn chưa có nhiều vận động, vẫn là một em bé “ngoan” nằm trên giường. Tuy nhiên, chuyên gia khuyên, để trẻ phát triển khỏe mạnh đặc biệt nhu động ruột làm việc hiệu quả giúp việc đi tiêu dễ dàng hơn, mẹ nên hỗ trợ trẻ vận động bằng các bài tập nhẹ nhàng, đơn giản như bài tập đạp xe trên giường chẳng hạn.
Ngoài chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý, ít bú sữa mẹ, ít vận động, ít uống nước, uống sữa công thức pha sai tỷ lệ… việc đi đại tiện của trẻ 6 tháng tuổi còn chịu ảnh hưởng của một số bệnh lý, nhất là những bệnh ở hệ tiêu hóa như đại tràng phình lớn, tổn thương bẩm sinh trên đại tràng… Vì vậy, mẹ cũng nên chú ý đến nguyên nhân bệnh lý để việc điều trị trẻ 6 tháng bị táo bón hiệu quả và triệt để.
Mẹ đang nuôi con bú bị bệnh phải sử dụng thuốc, hay trẻ bị bệnh cần sử dụng thuốc điều trị là kháng sinh, trẻ vừa chích ngừa vắc xin… Đây cũng là nguyên nhân khiến trẻ 6 tháng tuổi bị táo bón mẹ nên biết.
Chuyên gia cho biết, cách trị táo bón cho trẻ 6 tháng tuổi hiệu quả nhất là trị theo nguyên nhân. Dưới đây là các phương pháp trị táo bón an toàn và hiệu quả cho bé 6 tháng tuổi:
Như đã nêu trên, dinh dưỡng không khoa học là một trong những nguyên nhân chính gây táo bón thường xuyên và kéo dài ở trẻ nhỏ. Để trẻ 6 tháng tuổi có hệ tiêu hóa khỏe mạnh, đi tiêu trơn tru mẹ nên cho trẻ ăn đầy đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng là chất đạm, chất béo, chất bột đường, vitamin và khoáng chất. (2)
Trong đó cần tăng cường cho trẻ ăn nhiều nhóm vitamin và khoáng chất vừa để bổ sung các vi chất cần thiết cho cơ thể vừa bổ sung lượng chất xơ dồi dào giúp trẻ phát triển khỏe mạnh và đi tiêu dễ dàng hơn. Vitamin, khoáng chất và chất xơ có nhiều trong các loại rau xanh và trái cây tươi.
Thực hiện dinh dưỡng khoa học, cân bằng các nhóm chất là một trong những cách trị táo bón cho trẻ 6 tháng tuổi hiệu quả.
Sữa công thức không phù hợp, sữa công thức pha không đúng tỷ lệ như hướng dẫn của nhà sản xuất cũng được xếp vào nhóm nguyên nhân chính gây táo bón ở trẻ 6 tháng. Vì vậy, để cải thiện tình trạng trẻ 6 tháng bị táo bón hãy thử đổi sang loại sữa công thức khác cho bé uống, và pha đúng tỷ lệ như khuyến cáo của nhà sản xuất các mẹ nhé!
Cơ thể thiếu nước cũng là nguyên nhân dẫn đến táo bón ở trẻ em và cả người lớn, vì vậy, cung cấp đủ nước cho cơ thể cũng là cách trị táo bón cho trẻ 6 tháng tuổi mẹ cần lưu ý. Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến cáo không nên cho trẻ dưới 1 tuổi uống nước ép trái cây (3). Do đó, ngoài cho trẻ uống sữa, mẹ có thể cho trẻ uống thêm nước lọc, ăn cháo, súp…
Cùng với dinh dưỡng khoa học, vận động đúng cách sẽ giúp trẻ thêm cứng cáp, phát triển khỏe mạnh về thể chất lẫn nhu động ruột hoạt động trơn tru hơn. Điều này cũng sẽ cải thiện hiệu quả tình trạng trẻ 6 tháng bị táo bón. Ở lứa tuổi 6 tháng trẻ sẽ chưa thể tự vận động nhiều, vì vậy, mẹ nên hỗ trợ trẻ tập thể dục hàng ngày bằng các bài tập thể dục, động tác nhẹ nhàng trên giường nhé!
Bên cạnh giúp trẻ vận động nhẹ nhàng trên giường, để tăng nhu động ruột mỗi ngày mẹ cũng có thể thực hiện các bài tập massage bụng cho trẻ sau khi tắm nước ấm. Cách trị táo bón cho bé 6 tháng tuổi này được trẻ rất thích vì nó đem lại sự dễ chịu, sảng khoái nhiều mẹ đã áp dụng thành công.
Massage bụng thường xuyên sẽ kích thích nhu động ruột trẻ hoạt động tốt hơn, nhờ đó đi tiêu dễ dàng hơn.
Sử dụng men vi sinh để cải thiện tình trạng táo bón cho trẻ 6 tháng tuổi cũng là cách trị táo bón cho trẻ được nhiều mẹ áp dụng. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn sức khỏe, tốt nhất khi muốn cho trẻ sử dụng bất cứ sản phẩm nào mẹ cũng nên hỏi ý kiến bác sĩ để được tư vấn và hướng dẫn thêm.
Với những người vẫn còn cho con bú sữa mẹ kết hợp với ăn dặm, ngoài việc chú trọng xây dựng thực đơn dinh dưỡng khoa học cho trẻ mẹ cũng nên chú ý đến thực đơn ăn uống hàng ngày của mình. Bởi thông qua sữa mẹ, những gì mẹ ăn vào cũng góp phần ảnh hưởng đến tình trạng đi tiêu của trẻ.
Mẹ đã biết một số cách trị táo bón cho trẻ, trong đó, chú trọng chế độ dinh dưỡng khoa học được xem là cách hiệu quả nhất. Vậy trẻ 6 tháng bị táo bón nên ăn gì để cung cấp nhiều chất xơ cho cơ thể và đi tiêu dễ dàng, mẹ đã biết chưa?
Tăng cường ăn nhiều trái cây tươi có thể giúp trẻ 6 tháng tuổi cải thiện táo bón hiệu quả.
Cần nhấn mạnh rằng, chứng táo bón ở trẻ không phải bệnh lý, tuy nhiên nếu táo bón kéo dài thường xuyên và kéo dài không được điều trị sẽ gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng (bị bệnh trĩ, rối loạn toàn thân, sa trực tràng…) đồng thời ảnh hưởng tới sự phát triển thể chất của trẻ. Do đó, khi phát hiện dấu hiệu trẻ 6 tháng bị táo bón nêu trên mẹ nên có biện pháp can thiệp kịp thời.
Đặc biệt, nếu trẻ 6 tháng bị táo bón thường xuyên kèm đau rát mỗi khi đi tiêu, chảy máu hậu môn, phân có lẫn máu và chất nhầy, bụng luôn căng chướng khó chịu… dù đã áp dụng các cách điều trị trên hãy đưa trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa để được xử trí kịp thời giúp trẻ cải thiện tình trạng táo bón, không còn cảm giác sợ hãi khi đi tiêu, ăn uống ngon miệng hơn.