Táo bón: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị ra sao?

17/03/2021 Theo dỗi Nutrihome trên google news
Tư vấn chuyên môn bài viết
Chức Vụ: Trợ lý Giám đốc Y khoa
Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome

Táo bón là một vấn đề thường gặp ở hệ tiêu hóa, có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào. Vì vậy, việc trang bị cho bản thân những kiến thức cơ bản về táo bón là điều cần thiết giúp bạn luôn khỏe mạnh.

Táo bón không gây nguy hiểm tính mạng tức thời, tuy nhiên, trong một số trường hợp nó có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý nguy hiểm tiềm ẩn nào đó. Theo đó, việc tìm hiểu táo bón là gì, nguyên nhân gây ra táo bón, cách phòng tránh và xử lý khi bị táo bón hiệu quả, bị táo bón khi nào cần đi bác sĩ… là điều quan trọng để giúp bạn luôn khỏe mạnh và có chất lượng cuộc sống tốt.

Táo bón là gì?

Ruột già có chức năng tái hấp thu nước và một số chất cần thiết còn lại trong thức ăn. Sản phẩm cuối cùng còn lại đó chính là các chất cặn bã, phân. Phân sau đó sẽ được các cơ thành ruột co bóp để đẩy ra ngoài cơ thể.

Theo đó, nếu phân tồn tại trong đại tràng quá lâu sẽ khiến nó bị khô cứng, vón cục (như phân dê) do nước được tái hấp thu trở lại vào cơ thể gây ra chứng táo bón – nỗi ám ảnh của rất nhiều người.

Táo bón lâu ngày

Táo bón có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh nguy hiểm vì vậy bạn không nên chủ quan, cần quan tâm điều trị

Thói quen đi ngoài (đi đại tiện hoặc đi tiêu) của mỗi người rất khác nhau, một số người có thể đi 3 lần mỗi ngày nhưng một số trường hợp lại có thói quen đi 3 ngày (hoặc hơn) một lần. Một tình trạng được gọi là táo bón khi bạn đi ngoài ít hơn 3 lần một tuần và thường kèm theo các triệu chứng điển hình như dưới đây:

  • Gặp khó khăn khi đi ngoài (luôn cảm thấy căng thẳng, sợ hãi, đau rát, khó chịu, chảy máu hậu môn)
  • Phân lớn, khô, cứng hoặc vón cục
  • Chướng bụng, đầy bụng ngay cả sau khi đã đi tiêu…

Nguyên nhân táo bón phổ biến và các yếu tố nguy cơ

Uống ít nước so với nhu cầu cơ thể cần, chế độ ăn uống hàng ngày thiếu chất xơ, nhịn đi ngoài thường xuyên… được xác định là các nguyên nhân táo bón chủ yếu ở cả người lớn và trẻ em. Trong đó, chế độ ăn uống thiếu chất xơ và thiếu nước ảnh hưởng nhiều nhất đến người bị táo bón (1). Bởi ăn đủ lượng thực phẩm giàu chất xơ và uống nước đầy đủ là hai yếu tố tối cần thiết để giúp làm mềm phân, đi tiêu dễ dàng.

Chất xơ có nhiều trong thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật. Chất xơ có hai dạng là chất xơ hòa tan và chất xơ không hòa tan. Cả hai dạng chất xơ này đều tham gia làm tăng trọng lượng và kích thước phân đồng thời làm mềm phân, kích thích nhu động ruột tống phân ra ngoài trơn tru.

Ngoài các nguyên nhân gây táo bón kể trên, tình trạng này còn được các chuyên gia sức khỏe xác định là do các yếu tố nguy cơ cao dưới đây gây ra. Đó là:

  • Thường xuyên bị căng thẳng, áp lực, stress trong công việc và trong cuộc sống;
  • Không hoặc ít hoạt động thể chất (2);
  • Sử dụng một số loại thuốc (đặc biệt là các loại thuốc giảm đau mạnh như ma túy, thuốc trầm cảm và thuốc bổ sung sắt);
  • Gặp các vấn đề về thần kinh và cơ trong hệ thống tiêu hóa (3);
  • Mắc bệnh ung thư;
  • Tình trạng thần kinh như mắc bệnh Parkinson hoặc bệnh đa xơ cứng;
  • Bị suy giáp;…

Ở phụ nữ mang thai và phụ nữ sau sinh 6 tuần đầu tiên, sự thay đổi nội tiết tố và sự gia tăng áp lực lên ruột do quá trình lớn lên của thai nhi cũng có thể là nguyên nhân táo bón.

Đối tượng có nguy cơ táo bón cao

Phụ nữ mang thai là đối tượng dễ bị táo bón hơn những người bình thường

Đôi khi, táo bón còn là dấu hiệu cảnh báo của một số bệnh lý nguy hiểm ở đại tràng và trực tràng (tắc ruột, hội chứng ruột kích thích (IBS), bệnh lý túi thừa…), các vấn đề liên quan đến nội tiết tố…

Ai có nguy cơ bị táo bón?

Theo các số liệu thống kê, những đối tượng dưới đây được xếp vào nhóm có nguy cơ cao bị táo bón hơn những người bình thường khác. Theo đó, nếu bạn rơi vào các trường hợp này, cần có biện pháp phòng tránh táo bón hiệu quả để có sức khỏe tốt và cuộc sống chất lượng hơn.

  • Những người có độ tuổi từ 65 trở lên: Hầu hết người lớn tuổi thường có xu hướng ít hoạt động thể chất, ăn uống kém (do ít ngon miệng), các cơ quan chức năng suy yếu dần điều này góp phần làm tăng nguy cơ mắc các nhóm bệnh ở người già, trong đó có táo bón. (4)
  • Phụ nữ mang thai và sau sinh 6 tuần: Phụ nữ bị táo bón thường xuyên hơn nam giới, đặc biệt phụ nữ mang thai và sau sinh do chế độ ăn uống thiếu dinh dưỡng, thiếu chất xơ, thiếu nước, ít vận động. Hơn nữa, ở phụ nữ mang thai đó là do sự lớn lên của thai nhi gây áp lực lên ruột làm tăng nguy cơ táo bón.
  • Trẻ em: So với người lớn, tỷ lệ trẻ em bị táo bón nhiều và thường xuyên hơn người lớn. Nguyên nhân chủ yếu do chế độ ăn không hợp lý, thiếu nước, hoặc do trẻ mắc các vấn đề ở đường ruột.
  • Người nằm bất động lâu, mắc một số bệnh lý chẳng hạn như chấn thương tủy sống, gây ảnh hưởng đến nhu động ruột dẫn đến đi ngoài khó khăn.

Dấu hiệu táo bón thường gặp

So với các chứng bệnh khác, táo bón không khó để nhận biết, một người nếu mắc táo bón sẽ có các dấu hiệu điển hình như sau: (5)

  • Bụng lúc nào cũng có cảm giác đầy/ căng tức/ chướng
  • Khoảng cách giữa các lần đi đại tiện kéo dài từ 3 – 5 ngày, thậm chí có trường hợp 7 – 10 ngày
  • Mỗi lần đi tiêu luôn cảm thấy khó chịu, đau rát (do phân cứng, to, khô đi qua niêm mạc hậu môn gây nứt/ rách)
  • Luôn gắng sức rặn mỗi khi đi đại tiện, sợ đi tiêu
  • Phân đẩy ra ngoài khó khăn và có thể dính máu, chất nhầy

 dấu hiệu táo bón

Người mắc táo bón luôn cảm thấy khó chịu, đau đớn mỗi lần đi tiêu

Bệnh táo bón có nguy hiểm không?

Cần nhấn mạnh rằng táo bón không phải là bệnh nguy hiểm, ngược lại rất thường gặp ở tất cả mọi đối tượng. Dù vậy, bạn cũng không nên chủ quan khi bản thân hoặc người thân trong gia đình mắc táo bón.

Bởi nếu chứng táo bón kéo dài, không có biện pháp điều trị không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, mà có thể gây ra những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Có thể kể đến như, táo bón gây tổn thương hậu môn – trực tràng, tích tụ những chất độc hại trong cơ thể, là nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh lý nguy hiểm ở vùng hậu môn – trực tràng. Cụ thể:

  • Nứt kẽ hậu môn: Khi đi tiêu, người bệnh sẽ luôn cảm thấy rất đau đớn và có hiện tượng ra máu tươi do khối phân cứng và lớn đi qua niêm mạc hậu môn gây tổn thương, dẫn đến rách/ nứt kẽ hậu môn. Tình trạng này có thể khiến người bệnh sợ, thậm chí nhịn đi đại tiện khiến tình trạng táo bón trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Mắc bệnh trĩ, sa trực tràng: Táo bón kéo dài khiến mỗi lần người bệnh muốn đi tiêu phải gắng sức rặn, điều này khiến áp lực ổ bụng gia tăng, các búi trĩ ngày càng to và dài ra. Dấu hiệu nhận biết bệnh trĩ là người bệnh mỗi lần đi tiêu sẽ có dính máu trong phân. Chưa kể, tình trạng rặn nhiều còn có thể khiến niêm mạc hoặc toàn bộ thành trực tràng sa ra ngoài hậu môn.
  • Rối loạn toàn thân: Ngoài các bệnh kể trên, táo bón kéo dài còn góp phần gây ra chứng rối loạn toàn thân ở người bệnh. Ở người táo bón không mắc các bệnh mạn tính, dấu hiệu rối loạn toàn thân có thể là: sợ ăn, mụn, mụn trứng cá, suy kiệt sức khỏe… Còn ở người mắc các bệnh lý mạn tính (tim mạch, huyết áp…) có thể làm gia tăng biến chứng rất nguy hiểm.
  • Ung thư đại trực tràng: Táo bón kéo dài trở thành mạn tính cũng được chứng minh và xếp vào nhóm nguy cơ gây ung thư đại tràng. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, tỉ lệ người mắc táo bón bị ung thư trực tràng cao hơn người không bị táo bón đến 1,6 lần. Do đó, bạn không nên chủ quan khi mắc táo bón.

biếng chứng của Bệnh táo bón

Những người mắc táo bón có nguy cơ ung thư trực tràng cao hơn người không bị

Bị táo bón, khi nào cần đi khám bác sĩ?

Táo bón là tình trạng bệnh không gây nguy hiểm sức khỏe, tuy nhiên nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt, công việc, chất lượng cuộc sống. Táo bón nếu kéo dài có thể dẫn đến bệnh trĩ, ung thư trực tràng…

Theo đó, để chữa táo bón hiệu quả chuyên gia sức khỏe khuyên bạn nên thay đổi chế độ ăn uống hàng ngày bằng cách tăng cường ăn nhiều rau xanh trái cây, uống nhiều nước và tăng cường tập thể dục. Trong một số trường hợp cần thiết có thể sử dụng thuốc nhuận tràng không kê đơn.

Tuy nhiên, chuyên gia cũng khuyến cáo, bạn không nên sử dụng thuốc nhuận tràng nhiều hơn hai tuần nếu như không có ý kiến của bác sĩ (6). Bởi việc này có thể dẫn đến cơ thể bạn phụ thuộc hoàn toàn vào thuốc khi muốn đi tiêu, chưa kể việc làm dụng thuốc có thể khiến bạn không thể đi ngoài tự nhiên được nữa.

Vì vậy, nếu để ý thấy cơ thể xuất hiện triệu chứng sau bạn không nên tự trị táo bón tại nhà, hãy sắp xếp thời gian đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt:

  • Bị táo bón kéo dài hơn 3 tuần dù đã dùng thuốc nhuận tràng hoặc thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt, vận động.
  • Đi tiêu có máu lẫn trong phân, hoặc luôn cảm thấy khó chịu, đau rát hoặc chảy máu hậu môn sau khi đi tiêu.
  • Luôn cảm thấy đau bụng, chướng bụng, đau rát/ gặp khó khăn khi đi tiêu…

Chẩn đoán táo bón

Thông thường, khi đi khám táo bón bạn sẽ được bác sĩ hỏi về triệu chứng, tiền sử bệnh và bất kỳ loại thuốc đang sử dụng. Ngoài ra, bác sĩ có thể thăm khám trực tràng, yêu cầu bạn làm xét nghiệm máu để kiểm tra công thức máu, chất điện giải và chức năng tuyến giáp.

Nếu tình trạng táo bón nghiêm trọng hơn, các xét nghiệm bổ sung có thể được yêu cầu để tìm ra nguyên nhân táo bón  từ đó có biện pháp điều trị hiệu quả. Những xét nghiệm cho tình trạng táo bón nặng có thể bao gồm:

  • Nội soi đại tràng: Đây là phương pháp giúp kiểm tra phần dưới của ruột già. Sử dụng phương pháp nội soi đại tràng các bác sĩ sẽ dùng đến một ống được trang bị máy ảnh và đèn soi. Khi thực hiện nội soi đại tràng bạn có thể được cho sử dụng thuốc giảm đau hoặc thuốc an thần. Và trước khi thực hiện xét nghiệm, bạn sẽ được yêu cầu chỉ ăn chất lỏng trong vòng 1 – 3 ngày, đồng thời cần phải uống thuốc nhuận tràng vào đêm trước khi làm xét nghiệm để làm sạch ruột.

Chẩn đoán táo bón

Nội soi là một phương pháp hiệu quả để tìm nguyên nhân táo bón.

  • Chụp X-quang bụng: Phương pháp này giúp tìm dị vật trong đường tiêu hóa và thậm chí có thể phát hiện tắc ruột.
  • Ngoài ra, một số xét nghiệm khác như siêu âm và CT-scan sẽ được chỉ định khi cần thiết.

Cách chăm sóc và trị táo bón hiệu quả

Chuyên gia cho biết, việc thay đổi chế độ ăn uống hàng ngày nhiều rau xanh, trái cây và tập luyện thể dục thể thao đều đặn, thường xuyên là phương pháp hiệu quả nhất để điều trị táo bón lâu ngày an toàn và hiệu quả. Dưới đây là một số phương pháp gợi ý:

  • Cung cấp đủ lượng nước cơ thể cần mỗi ngày, cần uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày. Đó có thể là nước lọc, nước ép trái cây tươi, sữa, nước canh… Hạn chế uống rượu bia, thức uống có chứa caffeine như trà, cà phê…
  • Tăng cường bổ sung trong bữa ăn hàng ngày nhiều thực phẩm tự nhiên giàu chất xơ như trái cây (chuối, thanh long, đu đủ…), rau xanh (rau đay, rau mồng tơi, rau lang…), ngũ cốc nguyên hạt. Khuyến cáo lượng chất xơ bạn nên bổ sung mỗi ngày từ 20 đến 35 gram. Đồng thời, cắt giảm những thực phẩm ít hàm lượng chất xơ như thịt, sữa, pho mát và thực phẩm chế biến sẵn.
  • Thực hiện tập luyện thể dục thể thao thường xuyên, nên tập tối thiểu 30 phút mỗi ngày, ít nhất năm lần mỗi tuần. Các môn thể thao phù hợp như đi bộ, chạy bộ, bơi lội, đạp xe, đánh cầu lông, chơi tennis…
  • Nếu có cảm giác muốn đi ngoài, hãy đi ngay không nín nhịn. Để đi đại tiện dễ dàng hơn, hãy thử gác chân lên một chiếc ghế đẩu thấp khi đi vệ sinh. Nếu có thể, hãy nâng cao đầu gối của bạn cao hơn hông. Ngoài ra, bạn cũng nên tập thói quen đi đại tiện đều đặn thường xuyên mỗi ngày.
  • Cân nhắc bổ sung thêm men vi sinh vào chế độ dinh dưỡng hàng ngày.

Lưu ý: Bạn có thể sử dụng thuốc nhuận nhàng không kê đơn trong những trường hợp cần thiết, tuy nhiên cần nhớ không được dùng quá 2 tuần mà không hỏi ý kiến bác sĩ. Đây chỉ là một phương pháp hỗ trợ đi tiêu dễ dàng, không phải là cách điều trị táo bón.

Cuối cùng cần nhớ, hầu hết các trường hợp bị táo bón đều nhẹ và dễ dàng điều trị táo bón tại nhà bằng cách thay đổi chế độ ăn uống và luyện tập. Nếu có những dấu hiệu báo động đã nêu trên, hãy đi khám sớm nhất có thể để tránh dẫn đến những hệ lụy xấu đối với sức khỏe. Các thuốc trị táo bón nếu sử dụng phải được chỉ định của bác sĩ hay thầy thuốc.

Cách phòng ngừa bệnh táo bón

Táo bón hoàn toàn có thể phòng ngừa, và cách phòng ngừa khá đơn giản:

  • Chế độ dinh dưỡng hàng ngày: Tăng cường bổ sung rau xanh và trái cây tươi, ngũ cốc nguyên hạt, bánh mì… để tăng lượng chất xơ cung cấp cho cơ thể mỗi ngày. Nhu cầu chất xơ khuyến nghị cho người Việt khoảng 25g/ ngày. Nếu lúc đầu chưa quen chế độ ăn nhiều thực phẩm chứa chất xơ, có thể dùng viên uống bổ sung. Ngoài chế độ ăn giàu chất xơ, bạn cũng cần hạn chế ăn nhiều các loại thịt, các thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm cay nóng, khó tiêu…

phòng ngừa, cách trị táo bón

Tăng cường chất xơ trong chế độ ăn hàng ngày để phòng tránh táo bón

  • Chế độ vận động thể dục thể thao hàng ngày: Thường xuyên tập luyện, mỗi ngày nên dành tối thiểu 30 phút đi bộ, bơi lội, đạp xe, chơi cầu lông… Hoạt động thể chất đều đặn không chỉ tốt cho sức khỏe toàn diện mà còn kích thích nhu động ruột hoạt động khỏe mạnh, hiệu quả
  • Tạo thói quen sinh hoạt lành mạnh: Đó là đi đại tiện mỗi ngày, tuyệt đối không được nín nhịn cũng như lạm dụng thuốc nhuận tràng, thuốc trị táo bón (Bởi điều này có thể khiến tình trạng táo bón nặng thêm). Đồng thời thực hiện chế độ ăn, ngủ, nghỉ, làm việc… khoa học, hợp lý.

Trên là từ A – Z những thông tin về táo bón. Hy vọng với những thông tin cung cấp trên sẽ giúp bạn có thêm kiến thức về táo bón cũng như cách phòng tránh và điều trị táo bón tại nhà hiệu quả, tăng cường sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Trong trường hợp có bất cứ thắc mắc gì, hoặc muốn được tư vấn – hướng dẫn chế độ ăn uống khoa học, vận động phù hợp để phòng tránh táo bón hiệu quả hoặc cải thiện tình trạng, bạn có thể liên hệ Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome để được các chuyên gia hỗ trợ.

Rate this post
02:21 17/03/2021