11 thực phẩm gây táo bón hàng đầu mà bạn cần hạn chế

18/07/2022 Theo dỗi Nutrihome trên google news
Tư vấn chuyên môn bài viết
Chức Vụ: Trợ lý Giám đốc Y khoa
Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome

Táo bón do nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó chế độ dinh dưỡng không đúng cách được xem là nguyên nhân chủ yếu. Đặc biệt, nếu ăn các thực phẩm gây táo bón được liệt kê dưới đây thường xuyên, chứng táo bón của bạn sẽ khó có thể cải thiện.

Một người được gọi là mắc táo bón khi có số lần đi tiêu trong 1 tuần không quá 3 lần (có trường hợp 10 ngày), kèm theo đó là các triệu chứng “ám ảnh” như: mỗi khi đi tiêu luôn gắng sức rặn, hậu môn đau rát/ khó chịu/ hoặc thậm chí chảy máu khi đi tiêu, phân cứng/ hoặc vón cục như phân dê và có lẫn máu/ chất nhầy khi được đẩy ra ngoài, luôn cảm thấy đầy/ chướng bụng sau khi đi tiêu… (1)

thực phẩm gây táo bón

Táo bón rất thường gặp ở cả trẻ em và người lớn

Táo bón là một tình trạng thường gặp ở hệ tiêu hóa mà tất cả mọi người đều có thể bị ở bất cứ giai đoạn nào của cuộc đời. Táo bón tuy không gây nguy hiểm sức khỏe tức thời, tuy nhiên nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống. Do đó, việc ngăn ngừa và cải thiện thiện chứng bệnh này – đặc biệt chế độ ăn uống, hạn chế các thực phẩm gây táo bón trong khẩu phần ăn hàng ngày – cần được quan tâm đúng mực.

Dinh dưỡng thiếu khoa học: Nguyên nhân hàng đầu gây táo bón

Có rất nhiều nguyên nhân gây táo bón, có thể kể đến như: chế độ ăn uống thiếu lành mạnh; lười vận động thể dục thể thao; thường xuyên bị căng thẳng, áp lực trong công việc và cuộc sống; sử dụng một số loại thuốc điều trị bệnh có khả năng gây táo bón; mắc các bệnh lý ung thư, suy giáp, các vấn đề ở hệ thần kinh, bệnh đa xơ cứng… (2)

Trong các nguyên nhân gây táo bón kể trên, bác sĩ Phan Anh Duy Tùng cho biết, chế độ dinh dưỡng thiếu lành mạnh (cụ thể bữa ăn thiếu chất xơ, uống ít nước so với nhu cầu khuyến nghị) là nguyên nhân hàng đầu gây táo bón ở tất cả các đối tượng người lớn và trẻ em. Bởi, lượng chất xơ và nước nếu cung cấp cho cơ thể đầy đủ sẽ giúp phân gia tăng kích thước, trở nên mềm hơn. Chưa kể chúng còn kích thích nhu động ruột hoạt động tốt từ đó “tống” phân ra ngoài dễ dàng hơn.

Chất xơ có 2 loại, bao gồm chất xơ hòa tan và chất xơ không hòa tan, chúng có nhiều trong các thực phẩm có nguồn gốc thực vật. Theo đó chuyên gia khuyên, bạn cần xây dựng chế độ ăn cho bản thân và gia đình tăng cường các thực phẩm giàu chất xơ, đồng thời hạn chế các thực phẩm, những món ăn gây táo bón.

Danh sách thực phẩm gây táo bón bạn nên hạn chế

Việc tìm hiểu nguyên nhân gây táo bón cũng như nhận biết các thức ăn gây táo bón để phòng tránh, xây dựng khẩu phần ăn khoa học có thể giúp cải thiện tình trạng táo bón hiệu quả. Theo đó, bác sĩ Nguyễn Anh Duy Tùng khuyến nghị mọi người nên hạn chế ăn các thực phẩm, món ăn gây táo bón dưới đây để hệ đường ruột luôn khỏe mạnh:

1. Thịt đỏ là thực phẩm dễ gây táo bón

Mặc dù nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, các loại thịt đỏ còn tươi không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến chứng táo bón, tuy nhiên nó lại là nguyên nhân gián tiếp. Bởi thịt đỏ, nhất là thịt bò giàu chất đạm và chất béo, do đó thời gian thịt lưu lại trong hệ tiêu hóa khá lâu (mất từ 12 – 24 tiếng), điều này đã góp phần gây ra những ảnh hưởng không tốt đến hệ tiêu hóa. (3)

Thịt đỏ là thực phẩm dễ gây táo bón

Các loại thịt đỏ là một trong những thực phẩm gây táo bón

Chưa kể, một người nếu ăn nhiều thịt đỏ sẽ có xu hướng ăn ít ngũ cốc, rau xanh, trong khi đây lại là những nguồn cung cấp chất xơ dồi dào cho cơ thể, dẫn đến lượng chất xơ nạp vào không đủ làm tăng nguy cơ táo bón.

2. Thức ăn nhanh hoặc chế biến sẵn

Những thực phẩm như khoai tây chiên, snack… thường khá nghèo chất xơ, giàu chất béo, đường và muối vì vậy chúng có thể làm quá trình tiêu hóa bị chậm lại khi ăn vào dễ dẫn đến đầy/ chướng bụng, khó tiêu. Bên cạnh đó, muối chứa trong thực phẩm có thể “hút” nước trong phân làm phân khô cứng khiến việc đi tiêu trở nên khó khăn hơn.

những món ăn gây táo bón, Thức ăn nhanh hoặc chế biến sẵn, pizza

3. Thực phẩm gây táo bón hàng đầu: Đồ ăn chiên rán

Tương tự thức ăn nhanh và thức ăn chế biến sẵn, các loại đồ ăn chiên rán nhiều dầu mỡ cũng là yếu tố dẫn đến táo bón nếu ăn thường xuyên. Điều này khiến chế độ ăn uống hàng ngày mất cân bằng dinh dưỡng, bởi những nhóm thực phẩm chiên rán lúc nào cũng giàu chất béo trong khi chất xơ rất ít.

Thực phẩm gây táo bón hàng đầu: Đồ ăn chiên rán, khoai tây chiên

4. Thực phẩm đông lạnh

Trong nhóm các thực phẩm gây táo bón không thể không kể đến thực phẩm đông lạnh. Cuộc sống hiện đại ngày nay hầu hết mọi người đều bận rộn, do đó xu hướng sử dụng thực phẩm đông lạnh thay vì tươi sống ngày càng phổ biến bởi sự tiện lợi, tiết kiệm thời gian nấu nướng… Dù vậy, như các nhóm thực phẩm nêu trên, thực phẩm đông lạnh chứa khá nhiều muối nên “đòi hỏi” lượng nước lớn khiến quá trình “đẩy” phân ra khỏi cơ thể khó khăn hơn, dễ gây táo bón.

5. Thực phẩm chứa gluten

Gluten có trong các loại ngũ cốc như lúa mạch, lúa mì (kamut, spenta, triticale). Là một loại chất đạm, gluten khi vào cơ thể một số người có thể gây táo bón, nhất là đối với những người mắc chứng không dung nạp gluten (hay bệnh celiac). (4, 5)

Thực phẩm chứa gluten có thể gây táo bón ở một số người

Thực phẩm chứa gluten có thể gây táo bón ở một số người

Theo đó, khi vào cơ thể chúng sẽ tác động hệ miễn dịch tấn công đường ruột khiến đường ruột bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vì vậy, những người mắc bệnh celiac được khuyên không nên sử dụng các thực phẩm chứa gluten để đảm bảo sức khỏe đường ruột, ngăn ngừa táo bón. Ngoài bệnh celiac, những người nhạy cảm với gluten (gọi là hội chứng ruột kích thích) cũng cần cẩn trọng khi sử dụng các thực phẩm có chứa gluten.

6. Ngũ cốc đã qua chế biến cũng là thực phẩm gây táo bón

Việc tiêu thụ nhiều các loại ngũ cốc đã qua chế biến như gạo trắng, mì trắng, bánh mì trắng… trong bữa ăn hàng ngày cũng có khả năng gây táo bón so với ngũ cốc nguyên hạt bởi chúng rất ít chất xơ. Do quá trình chế biến đã làm mất lớp cám và mầm hạt, trong khi cám chứa nhiều chất dinh dưỡng cũng như chất xơ có tác dụng rất tốt đối với cơ thể.

Ngũ cốc đã qua chế biến cũng là thực phẩm gây táo bón, bánh mỳ trắng

7. Sữa và các sản phẩm từ sữa

Nghe có vẻ không thuận tai, nhưng thực chất sữa và các chế phẩm từ sữa cũng được xếp vào nhóm những thức ăn gây táo bón. Một nghiên cứu kéo dài trong khoảng thời gian 26 năm đã chỉ ra, ngừng tiêu thụ sữa bò ở một số trẻ em có thể giúp làm giảm táo bón, do nhạy cảm với protein chứa trong sữa. (6, 7)

các thực phẩm gây táo bón, Sữa và các sản phẩm từ sữa

8. Bánh quy, bánh ngọt và socola

Bánh quy, bánh ngọt là những thực phẩm giàu chất béo, carbohydrate tinh chế nhưng lại nghèo chất xơ vì vậy cũng nằm trong danh sách nên hạn chế ăn để phòng tránh táo bón. Bên cạnh đó, socola mặc dù rất giàu dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe nhưng cũng được khuyến cáo không nên ăn nhiều vì chúng ảnh hưởng đến nhu động ruột khiến quá trình trao đổi chất diễn ra chậm.

Bánh quy, những món ăn gây táo bón

9. Chuối xanh

Nếu chuối chín được khuyến khích ăn thường xuyên mỗi ngày bởi chứa lượng dưỡng chất phong phú cũng như chất xơ dồi dào, làm tăng nhu động ruột giúp quá trình tiêu hóa diễn ra dễ dàng hơn thì chuối xanh lại ngược lại. Trong chuối xanh có chứa chất tanin không tốt cho sức khỏe đường ruột vì nó làm chậm nhu động ruột, giảm sự tiết dịch và co thắt của ruột. (8)

chuối xanh chứa tanin gây táo bón

Trong chuối xanh có chứa chất tanin – một trong những yếu tố góp phần gây táo bón

10. Quả hồng: Loại quả ăn vào dễ bị táo bón

Cùng với chuối xanh, quả hồng – một loại trái cây ngon – cũng được chuyên gia sức khỏe khuyến khích mọi người, nhất là những người bị táo bón lâu ngày, hạn chế ăn vì quả này có chứa lượng lớn chất tanin.

thực phẩm gây táo bón, hồng

11. Rượu

Mặc dù hiện nay chưa có một nghiên cứu khoa học nào chỉ ra mối liên hệ trực tiếp giữa táo bón với việc uống rượu, tuy nhiên, việc này cũng cần hạn chế vì uống rượu thường xuyên với lượng nhiều có thể khiến cơ thể bị mất một lượng lớn chất lỏng (thông qua nước tiểu) và dẫn đến tình trạng mất nước. Cơ thể khi bị thiếu nước sẽ làm tăng nguy cơ táo bón, do đó, những người uống rượu nên cố gắng bù nước cho cơ thể bằng nước lọc hoặc những thức uống không chứa cồn khác. (9, 10)

các thực phẩm gây táo bón, bia rượu

Làm gì để phòng ngừa và trị táo bón nhanh khỏi?

Như đã nêu trên, nguyên nhân được xem là lớn nhất gây ra tình trạng táo bón ở trẻ em cũng như người lớn đó là chế độ ăn uống thiếu khoa học, không lành mạnh. Theo đó, để ngăn ngừa cũng như cải thiện táo bón cần phải thay đổi chế độ ăn uống, tăng cường bổ sung cho cơ thể từ các thực phẩm giàu chất xơ, hạn chế ăn các thực phẩm dễ gây táo bón. Cụ thể:

  • Khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, lượng chất xơ cần bổ sung cho cơ thể hàng ngày khoảng 25 – 35g, đến từ các loại trái cây tươi (đu đủ, chuối, thanh long…), rau xanh (rau lang, rau đay, rau mồng tơi…), ngũ cốc nguyên hạt, bánh mì… Giai đoạn đầu nếu chưa quen ăn rau xanh, trái cây chỉ nên ăn với lượng nhỏ, sau đó tăng lên từ từ để cơ thể quen dần. Đồng thời, có thể cung cấp thêm chất xơ từ viên uống bổ sung. Lưu ý, việc bổ sung quá nhiều chất xơ cũng có thể khiến tình trạng táo bón trở nên tồi tệ hơn, vì vậy, chỉ nên nạp vào cơ thể lượng chất xơ vừa đủ như khuyến nghị.
  • Giảm ăn một số thực phẩm gây táo bón, thực phẩm cay nóng khó tiêu, thực phẩm chứa ít hàm lượng chất xơ
  • Cân nhắc bổ sung thêm men vi sinh, thực phẩm chứa lợi khuẩn nhằm tăng cường hệ vi sinh giúp đường ruột khỏe mạnh
  • Uống đủ lượng nước cơ thể cần, khoảng 2 – 3 lít/ngày. Đó có thể là nước lọc, nước trái cây tươi, nước canh, súp… Cần hạn chế uống trà, cà phê, bia rượu…

Làm gì để phòng ngừa và trị táo bón nhanh khỏi?, uống nhiều nước

Uống đủ nước có thể giúp phòng tránh và cải thiện tình trạng táo bón hiệu quả

Ngoài thay đổi chế độ ăn uống lành mạnh, để phòng ngừa và trị táo bón nhanh khỏi người bệnh cần tuân thủ một số nguyên tắc sau:

  • Thực hiện thể dục thể thao mỗi ngày ít nhất 30 phút, ít nhất mỗi tuần 5 ngày. Các môn thể thao tốt cho sức khỏe nói chung và sức khỏe đường ruột nói riêng được chuyên gia khuyến khích tập như yoga, chạy bộ, bơi lội, đạp xe, đánh cầu lông…
  • Tạo thói quen đi vệ sinh đều đặn (nếu có thể nên tập đi vệ sinh đúng giờ để “nhắc nhở” cơ thể). Tuyệt đối không được nín nhịn khi mắc vệ sinh, trong quá trình đi vệ sinh để “đẩy” phân ra ngoài dễ dàng có thể gác chân lên một chiếc ghế thấp hoặc ngồi ở tư thế cảm thấy thoải mái nhất.
  • Thực hiện lối sống lành mạnh, tránh thức quá khuya và làm việc quá áp lực, căng thẳng không có thời gian nghỉ ngơi
  • Trong trường hợp cần sử dụng thuốc có thể dùng thuốc nhuận tràng, thuốc trị táo bón không kê đơn nhưng cần nhớ không được sử dụng thuốc quá 2 tuần mà không hỏi ý kiến bác sĩ.

Cuối cùng cần nhớ, nếu đã thực hiện các phương pháp hạn chế ăn các thực phẩm gây táo bón, tránh những món ăn/ thức ăn gây táo bón cũng như tuân thủ các nguyên tắc phòng và trị táo bón bằng thực hiện lối sống lành mạnh, khoa học nhưng tình trạng bệnh vẫn không cải thiện, cần đi khám bác sĩ để tìm nguyên nhân chính xác và xử trí kịp thời.

Bởi táo bón kéo dài không điều trị có thể gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe thể chất (gây biếng ăn, suy dinh dưỡng, suy giảm sức đề kháng, bệnh trĩ, nhiễm độc mãn tính, viêm ống hậu môn – trực tràng, tăng nguy cơ ung thư trực tràng…) và chất lượng cuộc sống.

Nếu bạn bất cứ thắc mắc gì, hoặc cần biết thêm về các thực phẩm gây táo bón, muốn được tư vấn chế độ ăn uống vận động phù hợp để phòng tránh táo bón và cải thiện táo bón có thể liên hệ Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome để được các chuyên gia hỗ trợ. Nutrihome với hệ thống máy móc hiện đại bậc nhất hiện nay, đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm thăm khám – điều trị các bệnh lý liên quan đến dinh dưỡng – hướng dẫn chế độ ăn uống khoa học, vận động phù hợp… sẽ giúp bạn phát hiện chính xác nguyên nhân gây táo bón, từ đó đưa ra cách điều trị hiệu quả, tăng cường sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống.

3.8/5 - (5 bình chọn)
10:56 06/01/2023