KIỂM TRA TÌNH TRẠNG DINH DƯỠNG
ĐẶT LỊCH KHÁM
TÌM TRUNG TÂM

Trẻ bị gù lưng: Dấu hiệu, phương pháp điều trị và cách phòng tránh

16/03/2021 Tác giả: Trung tâm Dinh dưỡng Nutrihome

Hiện nay, tỷ lệ trẻ bị gù lưng hiện nay khá cao, do đó, đây cũng là một trong những vấn đề được nhiều bố mẹ có con nhỏ rất quan tâm. Vậy nguyên nhân và dấu hiệu gù lưng ở trẻ nhỏ như thế nào? Cách điều trị ra sao?… Tất cả những thắc mắc này sẽ được giải đáp cặn kẽ trong bài viết dưới đây!

nguyên nhân trẻ bị gù lưng

Thói quen sinh hoạt không đúng cách khiến tỷ lệ trẻ bị gù lưng ngày càng tăng.

Các nguyên nhân chủ yếu khiến trẻ bị gù lưng

1. Trẻ bị gù lưng bẩm sinh

Có hai loại gù lưng bẩm sinh cơ bản: không hình thành (loại 1) và không phân đoạn (loại 2). Cụ thể:

  • Loại 1: Nguyên nhân dẫn đến gù lưng loại này là di “sai sót” trong quá trình hình thành của một phần thân đốt sống hoặc nhiều thân đốt sống của bào thai từ trong bụng mẹ, thường xảy ra ở cột sống thắt lưng. Dị tật này có thể nhìn thấy ngay khi mới sinh dưới dạng một khối u hoặc vết sưng trên cột sống của trẻ sơ sinh. 
  • Loại 2: Gù lưng loại này xảy ra khi hai hoặc nhiều đốt sống không thể tách rời để tạo thành các đĩa đệm và xương như bình thường. Loại gù lưng bẩm sinh này thường có nhiều khả năng được chẩn đoán muộn hơn, sau khi trẻ tập đi.

Ngoài ra, trẻ bị gù lưng bẩm sinh còn có thể gặp ở bệnh nhân bại não.

2. Trẻ bị gù lưng do sai lệch tư thế trong giai đoạn sơ sinh

Nguyên nhân gù lưng thường do bố mẹ bế trẻ bị cong lưng, sai tư thế. Động tác nâng đỡ không đúng cách khiến lưng bé phát triển hướng về phía trước dẫn đến bị gù khi lớn lên. 

Chưa kể, việc bắt trẻ tập ngồi, tập đi quá sớm – khi cột sống của bé chưa phát triển đủ vững chãi để có thể chống đỡ trọng lượng cơ thể cũng dẫn đến tình trạng biến dạng cột sống, lâu ngày khiến trẻ bị gù lưng.

3. Trẻ bị gù lưng do sai lệch tư thế trong độ tuổi đi học

Đối với trẻ nhỏ trong độ tuổi đi học, tuy cột sống của trẻ lúc này đã cứng cáp hơn, nhưng việc lặp đi lặp lại liên tục các tư thế sai sẽ ảnh hưởng đến các đốt sống lưng. Trong đó, nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến gù là trẻ em ngồi cong lưng (đầu cúi sát mặt bàn hoặc nằm dài ra mặt bàn) trong lúc ngồi đọc sách hoặc viết bài. 

Ngoài ra, trong độ tuổi này, trẻ còn bắt đầu biết sử dụng máy tính, điện thoại… Việc sử dụng các thiết bị điện tử này quá thường xuyên ở tư thế sai trong thời gian dài cũng có thể là nguyên nhân khiến trẻ bị gù lưng.

4. Trẻ bị gù lưng do rối loạn trong dinh dưỡng/trao đổi chất

Trẻ bị gù lưng còn do cơ thể không sử dụng được canxi, magiê, phốt pho và các khoáng chất quan trọng khác trong quá trình tạo xương cứng và chắc khỏe. Khi cơ thể gặp “trục trặc”, không thể sử dụng các khoáng chất này, xương trở nên yếu và dễ gãy hoặc bị nén (xẹp). 

5. Trẻ bị gù lưng sau một chấn thương

Điều này xảy ra khi cột sống bị thương và gãy sau một cú ngã nặng, va chạm hoặc các loại tai nạn khác. Khi các đốt sống bị gãy, xương có thể xẹp xuống dẫn đến gù lưng ở trẻ nhỏ.

tai nạn chấn thương, nguyên nhân khiến trẻ bị gù lưng

Các tai nạn gây chấn thương cột sống là một trong những nguyên nhân khiến trẻ bị gù lưng.

6.Trẻ bị gù lưng do mắc bệnh Scheuermann

Bệnh Scheuermann là một hoại tử xương sụn gây ra những biến đổi tại phần thân đốt sống, dẫn đến chứng đau lưng và gù vẹo cột sống. Đây là các biến đổi xương không viêm, không nhiễm khuẩn, có ảnh hưởng tới sự phát triển xương ở các trung tâm cốt hóa khác nhau.

Bệnh Scheuermann hay gặp trẻ tuổi vị thành niên và đặc biệt thường gặp ở bé trai. Bệnh có thể khiến trẻ bị gù lưng. Một số trường hợp có yếu tố gia đình.

7. Trẻ bị gù lưng do các tình trạng rối loạn thần kinh cơ: khuyết tật ống thần kinh, loạn dưỡng cơ và bại não

– Cuối cùng, khối u như u sợi thần kinh cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ em bị gù lưng.

Cách nhận biết trẻ em bị gù lưng để điều trị kịp thời

Dưới đây là các dấu hiệu gù lưng ở trẻ nhỏ, mức độ từ nhẹ đến nặng bố mẹ nên biết để đưa trẻ đi thăm khám và điều trị kịp thời. 

– Các dấu hiệu trẻ bị gù lưng thông thường:

  • Lưng có phần nhô cao thể nhìn thấy, thường ở phần lưng trên
  • Khi trẻ cúi người về phía trước, chiều cao của lưng trên có vẻ cao hơn bình thường
  • Đầu trẻ luôn luôn hoặc hầu như luôn cúi về phía trước
  • Vai trẻ hướng về phía trước quá mức, chiều cao/ vị trí của vai hoặc bả vai so với cơ thể có sự khác biệt

– Các dấu hiệu trẻ bị gù lưng nặng:

  • Trẻ bị căng cơ gân kheo (cơ ở vùng đùi sau)
  • Lưng trẻ trở nên đau và căng cứng
  • Trẻ luôn cảm thấy khó thở và mệt mỏi

Nên nhớ, các dấu hiệu trẻ bị gù lưng sẽ phụ thuộc rất nhiều vào mức độ nghiêm trọng của đường cong cột sống, tuổi, tần suất hoạt động sai lệch của trẻ và mức độ xấu đi nhanh chóng của cột sống theo thời gian. 

Thông thường, gù lưng ở trẻ nhỏ không gây đau trong giai đoạn đầu khi đường cong cột sống chưa quá nghiêm trọng. Các dấu hiệu của chứng gù lưng thường trở nên rõ ràng trong quá trình phát triển nhanh xảy ra vào độ tuổi dậy thì.

Điều trị trẻ bị gù lưng như thế nào?

Ngay khi phát hiện dấu hiệu trẻ bị gù lưng bố mẹ nên đưa trẻ đi khám tại các bệnh viện, cơ sở, trung tâm uy tín như bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình, Trung tâm Dinh dưỡng Nutrihome… Những nơi này với hệ thống máy móc hiện đại, tân tiến và các chuyên gia hàng đầu điều trị các tình trạng liên quan đến xương sẽ giúp đưa ra kết quả chẩn đoán chính xác và phác đồ điều trị hiệu quả 

điều trị trẻ bị gù lưng, vật lý trị liệu

Trẻ bị gù lưng mức độ nhẹ sẽ được tập vật lý trị liệu với bác sĩ để cải thiện tình trạng.

Tùy theo tình trạng của trẻ, các bác sĩ sẽ kiểm tra cột sống, chụp X-quang và đưa ra giải pháp điều trị phù hợp.

– Đối với trẻ bị gù lưng do sai lệch tư thế sẽ được điều trị bằng vật lý trị liệu để cải thiện. Các bài tập có thể tăng cường sức mạnh ở phần cơ ở lưng giúp hỗ trợ tốt hơn cho cột sống.

– Đối với trẻ em bị gù lưng bẩm sinh hay mắc hội chứng Scheuermann, các phương pháp điều trị có thể bao gồm:

  • Theo dõi: Điều này có nghĩa là kiểm tra định kỳ để đảm bảo gù lưng ở trẻ nhỏ không gây ra các vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe tổng trạng và có thể không cần điều trị. Bởi hầu hết các trường hợp sẽ ngừng tiến triển khi trẻ bước qua giai đoạn thanh thiếu niên.
  • Dùng nẹp lưng: Đôi khi các bác sĩ chuyên khoa sẽ khuyên trẻ bị gù lưng nên đeo nẹp lưng (có thể mặc bên trong áo). Đeo nẹp lưng sẽ không đưa cột sống trở về đường cong sinh lý bình thường, nhưng nó có thể giữ cho tình trạng trẻ bị cong lưng không diễn biến theo chiều hướng xấu. Một số trường hợp chỉ đeo nẹp vào ban đêm trong khi những người khác có thể đeo từ 18 – 20 giờ/ngày.
  • Vật lý trị liệu: Các bài tập tăng cường cơ bắp ở vùng lưng và bụng để hỗ trợ cột sống tốt hơn.
  • Phẫu thuật: Hầu hết các trường hợp trẻ em bị gù lưng thường không cần phẫu thuật. Nhưng các bác sĩ có thể đề nghị một thủ thuật gọi là nối đốt sống lại với nhau ở những trường hợp nghiêm trọng gây đau hoặc để ngăn ngừa các vấn đề trong tương lai.

Cách phòng tránh trẻ em bị gù lưng trong sinh hoạt hàng ngày

Bố mẹ nên khuyến khích con trẻ thực hiện những yêu cầu sau để giữ cho lưng thẳng, tránh tình trạng trẻ bị cong lưng, gù lưng ở trẻ nhỏ:

  • Không đi đứng ở tư thế khom người, cong gập người về phía trước.
  • Ngồi học đúng cách – ngồi thẳng lưng, không cúi sát mặt bàn hoặc nằm dài trên bàn.
  • Tránh mang cặp sách nặng vì nó có thể ảnh hưởng đến các cơ và dây chằng ở lưng; nên chọn những chiếc cặp được thiết kế riêng cho việc đeo đi học.
  • Tập thể dục thường xuyên để giúp tăng cường sức mạnh cho phần cơ ở vùng lưng và giữ nó linh hoạt. Một số môn thể thao như bơi lội, chạy, đi bộ, yoga rất lý tưởng để giúp trẻ ngăn ngừa các vấn đề ở lưng.

phòng tránh trẻ em bị gù lưng, yoga

Tập yoga có thể giúp phòng tránh trẻ em bị gù lưng.

Bên cạnh đó, tình trạng trẻ bị cong lưng, gù lưng ở trẻ nhỏ có thể được phòng tránh bằng việc bố mẹ nên đặc biệt chú ý đến tầm quan trọng của cách/tư thế bế con trong giai đoạn sơ sinh và giai đoạn trẻ tập ngồi. 

Ngoài ra, người lớn trong nhà nên làm gương cho trẻ bằng cách luôn giữ tư thế đúng trong sinh hoạt, thường xuyên tập luyện cho vùng lưng để giúp lưng khỏe mạnh.

Trẻ bị gù lưng thường diễn ra âm thầm trong quá trình sinh hoạt hàng ngày, khiến bố mẹ khó nhận ra, không đưa trẻ đi khám và điều trị kịp thời. Hy vọng qua bài viết này, các bố mẹ có thể sớm nhận diện được các nguy cơ và  các dấu hiệu trẻ bị gù lưng, từ đó đưa trẻ đi khám ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. 

2.5/5 - (2 bình chọn)
06:26 16/03/2021
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Bàn chân bẹt ở trẻ: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị
Nhận biết vẹo cổ ở trẻ sơ sinh và phương pháp điều trị
Loạn sản khớp háng: Nguyên nhân, cách nhận biết và phương pháp điều trị
Viêm khớp háng ở trẻ em: nguyên nhân, chẩn đoán và cách điều trị hiệu quả
Chân vòng kiềng (chân chữ O) ở trẻ em – khi nào nguy hiểm và điều trị ra sao?
Men gan cao nên ăn gì để hạ men gan: 27 thực phẩm tốt nhất
Bệnh cong vẹo cột sống ở trẻ em: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị

Discover more from Nutrihome

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading