Dịch Covid-19 bùng phát, cần tiêm vaccine gì cho trẻ em và người lớn?

24/06/2021

Số lượng trẻ em và người lớn đi tiêm chủng giảm gần 50% từ đầu năm nay so với 2020, thống kê từ hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC có thể dự báo sự bùng phát của nhiều dịch bệnh nguy hiểm trong thời gian sắp tới. Tư vấn trực tuyến: “Giải đáp thắc mắc về tiêm vaccine COVID-19 và các loại vaccine cần thiết trong mùa dịch”

Theo thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, bệnh viêm màng não, sởi, dại, tay chân miệng… gia tăng mạnh. Trong 4 tháng đầu năm 2021, cả nước ghi nhận gần 150 trường hợp mắc viêm não virus, trong đó 1 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2020, số ca mắc viêm màng não mô cầu tăng 200%, ca mắc tay chân miệng tăng 4,3 lần, trong đó có 4 trường hợp tử vong.

Trẻ 7 tuần tuổi bị viêm màng não do vi khuẩn

Trẻ 7 tuần tuổi bị viêm màng não do vi khuẩn, nhập viện trong tình trạng sốt cao, bú kém, thỉnh thoảng khóc thét

Cuối tháng 4/2021, UNICEF đã đưa ra cảnh báo có hơn một phần ba (37%) quốc gia trên thế giới bị gián đoạn dịch vụ tiêm chủng thường xuyên. 60 chiến dịch tiêm chủng đại trà hiện đang bị hoãn lại ở 50 quốc gia do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Khoảng 228 triệu người, chủ yếu là trẻ em, có nguy cơ mắc các bệnh như sởi, sốt vàng da và bại liệt. 

Trong khi đó, đại diện hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, số lượng trẻ em và người lớn tiêm chủng từ đầu năm 2021 giảm gần 50% so với 2020, điều này có thể dự báo sự bùng phát của nhiều dịch bệnh nguy hiểm.

Hiện nay, hơn 40 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đã có vaccine phòng bệnh. Có khoảng 190 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu đã đưa vaccine vào sử dụng. Vaccine giúp bảo vệ 85 – 95% người được tiêm không bị bệnh, hoặc nếu mắc bệnh thì không để lại di chứng hay tử vong. Nhờ có vaccine, hàng năm thế giới có 2,5 triệu trẻ được cứu sống khi mắc bệnh truyền nhiễm. Một nghiên cứu khác cũng cho thấy, cứ mỗi 60 giây, sẽ có 5 người trên thế giới được cứu sống nhờ vào việc chủng ngừa. Kể từ khi có sự ra đời của vaccine (năm 1796), ước tính tuổi thọ của nhân loại đã được kéo dài thêm 15-25 năm.

Tại Việt Nam, theo thống kê của Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia, nhờ tiêm vaccine nên số trẻ bị bại liệt giảm từ hơn 300.000 ca/năm vào những năm 1980 xuống còn 358 trẻ vào năm 2014, tỷ lệ trẻ tử vong do bệnh ho gà đã giảm từ 1,3 triệu ca/năm xuống còn 63.000 trường hợp vào năm 2013. Vaccine phòng bệnh sởi cũng giúp ngăn chặn tử vọng cho hơn 21 triệu người trong các năm 2000-2017. Và số ca bệnh bạch hầu đã giảm từ 80.000 trường hợp năm 1975 xuống dưới 10.000 trường hợp như hiện nay. 

Bệnh đậu mùa – căn bệnh nguy hiểm hơn COVID-19, từng khiến 2 triệu người tử vong mỗi năm cho tới cuối những năm 1960, giờ đây cũng đã được đẩy lùi nhờ vaccine. 

Trẻ em và người lớn vẫn cần tiêm các loại vaccine phòng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác

Trong tình hình dịch COVID-19, trẻ em và người lớn vẫn cần tiêm các loại vaccine phòng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Nguyên Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng I TP.HCM cũng khuyến cáo phụ huynh đừng vì sợ COVID-19 mà bỏ qua ‘thời gian vàng’ tiêm chủng vaccine cần thiết khác cho chính mình và trẻ nhỏ. 

Trẻ 2-3-4 tháng tuổi cần uống Rotavirus, tiêm vaccine phòng phế cầu khuẩn và các vaccine kết hợp phòng 5 – 6 bệnh cùng lúc như ho gà, bạch hầu, uốn ván, bại liệt, viêm gan B và các bệnh do Haemophilus influenzae týp B (Hib) gây ra như viêm phổi, viêm màng não mủ. Trẻ lớn cần tiêm nhắc các loại vaccine phòng bệnh não mô cầu, viêm não Nhật Bản… Phụ nữ trước khi mang thai lần đầu, cần tiêm vaccine sởi – quai bị – rubella, thủy đậu, cúm, viêm gan B…  để có thai kỳ khỏe mạnh, tránh nguy cơ trẻ bị dị tật bẩm sinh, thai chết lưu, sảy thai, sinh non… Người lớn tuổi cần được tiêm vaccine cúm hàng năm, bên cạnh vaccine phòng viêm phổi do phế cầu, thủy đậu, ho gà – bạch hầu – uốn ván…

Trong thời điểm hiện tại, không thể phủ nhận sức nóng của các thông tin liên quan đến tiêm vaccine phòng COVID-19 khi Chính phủ triển khai chiến dịch tiêm chủng thần tốc toàn thành phố từ ngày 19-25/6/2021. Với 405.200 liều trong số 30 triệu liều đặt mua từ AstraZeneca được Hệ thống tiêm chủng VNVC đưa thành công về Việt Nam, cùng hàng triệu liều vaccine thông qua cơ chế COVAX, các nguồn viện trợ từ Mỹ, Nhật Bản… Tính đến nay, TP.HCM đã tiêm chủng cho gần 1 triệu dân.

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, vaccine AstraZeneca phòng COVID-19 được chỉ định cho người từ 18 tuổi trở lên. Phác đồ tiêm đủ 2 mũi, mỗi mũi 0,5ml, cách nhau 3 tháng. Sau khi tiêm mũi 1, cơ thể cần có 14 ngày để sinh kháng thể. 

Về việc tiêm vaccine phòng COVID-19, theo bác sĩ Khanh, người dân cần được tiêm càng sớm càng tốt. “Quan trọng nhất là không để bệnh tấn công vào đối tượng nguy cơ, thậm chí phải ưu tiên tiêm vaccine cho đối tượng này để giảm tải bệnh nặng”, bác sĩ Khanh chia sẻ.

Người dân TP.HCM được tiêm vaccine AstraZeneca trong chiến dịch tiêm chủng

Người dân TP.HCM được tiêm vaccine AstraZeneca trong chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay tại TP.HCM

Mặc dù vậy, các luồng thông tin khác nhau về vaccine và tiêm chủng đang tạo ra cơn bão dư luận với các câu hỏi lớn: Ai nên và không nên tiêm vaccine phòng COVID-19? Có mấy loại vaccine phòng COVID-19? Loại nào hiệu quả nhất? Tác dụng phụ khi tiêm vaccine COVID-19 là gì? Người mắc bệnh nền có được tiêm vaccine COVID-19 của AstraZeneca không? Vaccine AstraZeneca có gây đông máu không? Có cần xét nghiệm đông máu, xét nghiệm dị ứng trước khi tiêm vaccine COVID-19 hay không? Vaccine AstraZeneca miễn dịch được bao lâu? Ngoài vaccine phòng COVID-19 cần phải tiêm vaccine nào cho trẻ em và người lớn? Mùa dịch trễ lịch tiêm vaccine phòng các bệnh truyền nhiễm có nguy hiểm không? Nếu trễ lịch thì nên tiêm tiếp hay tiêm lại từ đầu?…

Hệ thống kho lạnh của VNVC có thể bảo quản tại một thời điểm lên đến 180 triệu liều vaccine

Hệ thống kho lạnh của VNVC có thể bảo quản tại một thời điểm lên đến 180 triệu liều vaccine các loại, sẵn sàng đón số lượng lớn vaccine COVID-19.

Bác sĩ Bạch Thị Chính cho biết, với gần 60 kho lạnh đạt tiêu chuẩn GSP trên toàn quốc, 3 kho lạnh âm sâu tại Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng,… Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC có thể lưu trữ và bảo quản số lượng lớn lên đến 180 triệu liều vaccine ở cùng một thời điểm, kể cả các loại vaccine cần nhiệt độ đặc biệt như vaccine Pfizer cần bảo quản ở nhiệt độ âm 70 độ C. Bên cạnh đó, hệ thống VNVC cũng chuẩn bị đầy đủ nguồn vaccine phòng bệnh truyền nhiễm khác cho trẻ em và người lớn với khả năng phục vụ 3-5 triệu lượt khách hàng/tháng. 

Rate this post
02:53 24/06/2021