Vitamin A có tác dụng gì? Liều dùng, nguồn cung cấp và lưu ý

12/04/2023 Theo dỗi Nutrihome trên google news
Tư vấn chuyên môn bài viết
Chức Vụ: Trợ lý Giám đốc Y khoa
Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome

Vitamin A là một loại vitamin quan trọng đối với sức khỏe con người, nhất là đối với trẻ em và phụ nữ mang thai. Thiếu vitamin A có thể làm gia tăng đáng kể tỷ lệ tử vong do bệnh lý ở nhóm trẻ em dưới 5 tuổi, đồng thời góp phần khiến sản phụ tăng nguy cơ bị lưu thai và sinh non. Vậy, công dụng của vitamin A là gì? Bổ sung vitamin A sao cho an toàn và hiệu quả? Hãy cùng Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome tìm hiểu ngay trong bài viết sau.

vitamin A có tác dụng gì

Công dụng của vitamin A là gì? Bổ sung vitamin A sao cho an toàn và hiệu quả?

Vitamin A là gì?

Vitamin A (retinol, axit retinoic, all-trans-retinol) là một loại vitamin tan trong chất béo, có khả năng chống oxy hóa mạnh và là một vi chất dinh dưỡng thiết yếu không thể thiếu đối với sức khỏe con người. Mặc dù thường được xem là một chất dinh dưỡng đơn lẻ, nhưng vitamin A thực sự là một tổ hợp bao gồm hàng chục hợp chất có công thức phân tử hoàn toàn khác nhau, chẳng hạn như:

  • Retinol;
  • Retinyl ester;
  • Alpha / beta / gamma carotene và beta-cryptoxanthin.

Mỗi hợp chất kể trên đều có thể được xem là một loại vitamin A riêng biệt dù công thức phân tử của chúng hoàn toàn khác nhau. Ví dụ, retinol thường được gọi là vitamin A1, trong khi alpha / beta / gamma carotene và beta-cryptoxanthin thường được gọi là tiền chất của vitamin A.

Mỗi ngày, cơ thể cần vitamin A với một liều lượng rất nhỏ. Tuy nhiên, cơ thể con người không thể tự tổng hợp nên loại vitamin này mà chỉ có thể nhận bổ sung từ các nguồn thực phẩm bên ngoài. Vì thế, thiếu vitamin A trong chế độ dinh dưỡng có thể gây nên nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như hoa mắt, quáng gà, suy giảm thị giác, vị giác, hệ miễn dịch,… đồng thời làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng, nhiễm khuẩn và ung thư của toàn cơ thể.

dấu hiệu thiếu vitamin a

Hoa mắt và suy giảm tầm nhìn về đêm là dấu hiệu thường thấy khi cơ thể bị thiếu vitamin A

Vitamin A có tác dụng gì đối với sức khỏe?

Là một vitamin thiết yếu với sức khỏe của con người, vitamin A đem lại “muôn vàn” lợi ích to lớn, chẳng hạn như:

1. Vitamin A giúp bảo vệ đôi mắt

Vitamin A từ lâu đã được công nhận là một loại vitamin không thể thiếu trong việc duy trì sức khỏe của mắt nhờ đem đến cho mắt nhiều lợi ích sức khỏe khác nhau, trong đó bao gồm:

Cải thiện tầm nhìn

Vitamin A từ thực phẩm sau khi được cơ thể hấp thụ sẽ được ruột và gan chuyển hóa thành Retinal. Retinal kết hợp với protein opsin có trong trong các tế bào cảm quang hình que tại võng mạc để tạo thành rhodopsin – một sắc tố cảm quang có khả năng nhận biết ánh sáng xanh và cải thiện tầm nhìn trong đêm của mắt. Nhờ đó, bổ sung đầy đủ vitamin A giúp bạn nhìn rõ hơn trong điều kiện ánh sáng yếu và ngăn ngừa được bệnh quáng gà.

Ngăn ngừa bệnh thoái hóa hoàng điểm do tuổi tác

Nghiên cứu cho thấy, nồng độ các tiền chất của vitamin A như beta carotene, alpha carotene và beta cryptoxanthin trong máu cao hơn có thể làm giảm tới 25% nguy cơ mắc bệnh thoái hóa hoàng điểm ở người cao tuổi. Nguyên nhân là bởi, các hợp chất thuộc nhóm Tiền chất của vitamin A có khả năng bảo vệ mô hoàng điểm trước những đợt tấn công của các “gốc tự do” gây lão hóa sớm.

Thoái hóa hoàng điểm là bệnh có thể khiến tầm nhìn của bạn bất chợt bị xuất hiện một mảng tối đen. Đây là một bệnh lý mãn tính về mắt – không thể được điều trị khỏi hoàn toàn và có thể dẫn đến mù lòa. Vì thế, bổ sung đầy đủ Vitamin A là cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh thoái hóa hoàng điểm từ sớm.

Bảo vệ mắt

Vitamin A giúp bảo vệ và duy trì độ trong suốt cho giác mạc của mắt; từ đó, cho phép ánh sáng truyền vào võng mạc một cách chính xác. Mặt khác, vitamin A còn tăng cường hệ thống miễn dịch, giúp làm dịu chứng viêm mắt và giảm nguy cơ nhiễm trùng mắt.

vitamin A có tác dụng gì, tốt cho mắt, ngăn ngừa thoái hóa điểm vàng

Duy trì độ trong suốt của giác mạc và tăng cường khả năng nhận diện màu sắc ở võng mạc chính là tác dụng của vitamin A

2. Vitamin A làm giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư

Ung thư xảy ra khi các tế bào bắt đầu phát triển một cách mất kiểm soát, hình thành khối u và di căn khắp cơ thể. May mắn thay, vitamin A lại là một chất dinh dưỡng giúp kiểm soát tốt quá trình phân chia tế bào khỏe mạnh; từ đó, hỗ trợ làm giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư nhất định.

Trong cách nghiên cứu mới nhất, tiêu thụ beta-carotene – một loại tiền chất vitamin A có nguồn gốc từ thực vật được chứng minh là có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư hạch Hodgkin, ung thư cổ tử cung, ung thư phổi và ung thư bàng quang một cách hiệu quả. Trong khi đó, vitamin A có nguồn gốc từ động vật như retinol và retinyl ester thì không có tác dụng phòng chống ung thư tương tự.

3. Vitamin A hỗ trợ hệ thống miễn dịch khỏe mạnh

Vitamin A có tác dụng quan trọng trong việc bảo vệ và tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể thông qua 4 cơ chế sau:

  • Giúp bảo vệ niêm mạc: Vitamin A là yếu tố cần thiết cho sự hình thành và bảo vệ niêm mạc, bao gồm niêm mạc ruột, niêm mạc hô hấp và niêm mạc đường tiết niệu. Việc bổ sung đầy đủ vitamin A sẽ giúp cho lớp niêm mạc trở nên dày hơn; từ đó, hỗ trợ ngăn ngừa vi khuẩn, vi-rút, vi trùng xâm nhập cơ thể và gây nên bệnh lý.
  • Giúp sản xuất kháng thể: Vitamin A giúp bạch cầu tăng cường sản xuất kháng thể miễn dịch globulin IgA, có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn, vi-rút và bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng từ đường niêm mạc. Điều này có nghĩa là sự thiếu hụt vitamin A có thể làm tăng khả năng nhiễm trùng và làm chậm quá trình hồi phục khi bạn bị ốm.
  • Tăng cường miễn dịch tế bào: Vitamin A tham gia vào quá trình tạo ra các tế bào lympho B và lympho T – hai loại tế bào miễn dịch đóng vai trò quan trọng trong các phản ứng miễn dịch giúp cơ thể bảo vệ chống lại bệnh tật.
  • Giảm viêm: Viêm là một phản ứng tự nhiên của cơ thể để đối phó với các tác nhân gây bệnh. Tuy nhiên, nếu viêm diễn ra quá mức, nó có thể gây tổn thương hệ thần kinh. Vitamin A không những giúp làm giảm số lượng phản ứng viêm mà còn tăng cường sức đề kháng của cơ thể, ngăn ngừa các bệnh lý có liên quan đến viêm.

Tóm lại, vitamin A có tác dụng quan trọng trong việc tăng cường hệ miễn dịch bằng cách bảo vệ niêm mạc, tăng cường miễn dịch tế bào, giúp sản xuất kháng thể và giảm viêm.

công dụng của vitamin A, Vitamin A hỗ trợ hệ thống miễn dịch khỏe mạnh

Vitamin A hỗ trợ gia tăng lượng kháng thể IgA tại lớp niêm mạc phổi, ngăn ngừa nhiễm trùng đường hô hấp

4. Vitamin A giúp giảm nguy cơ bị mụn trứng cá

Mụn trứng cá là một tình trạng rối loạn viêm da rất khó điều trị. Một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng mụn trứng cá là do lỗ chân lông và tuyến bã nhờn trên da bị bít tắc bởi tế bào chết. Khi bạn tiêu thụ nhiều thực phẩm chứa vitamin A, loại vitamin này sẽ kích thích khả năng tăng trưởng da, hỗ trợ “tẩy” tế bào da chết, làm giảm sự tích tụ của chúng trong lỗ chân lông và ngăn chặn sự hình thành nhân mụn mới.

5. Vitamin A hỗ trợ sức khỏe xương

Nhắc đến sức khỏe của xương, mọi người thường chỉ tập trung đến việc bổ sung vitamin D và canxi để làm gia tăng mật độ khoáng chất trong xương. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy, những người có tổng lượng vitamin A cao trong chế độ ăn uống có thể giảm được 6% nguy cơ bị gãy xương. Không những thế, nghiên cứu trên còn chứng minh, những người có hàm lượng vitamin A trong máu thấp thường có nguy cơ bị gãy xương cao hơn những người có lượng vitamin A ở mức khỏe mạnh.

Vitamin A đóng vai trò quan trọng trong sức khỏe của xương bởi vì nó tham gia vào quá trình tạo mới và duy trì các tế bào xương. Khi cơ thể thiếu vitamin A, quá trình tạo mới xương và sửa chữa bị gián đoạn, gây ra các vấn đề về xương như loãng xương, dễ gãy xương và suy dinh dưỡng xương (xương còi cọc).

6. Vitamin A cần thiết cho khả năng sinh sản và phát triển của thai nhi

Đối với người trưởng thành, vitamin A đóng một vai trò hết sức quan trọng trong tiến trình sinh sản của cả nam và nữ vì nó trực tiếp tham gia vào quá trình phát triển tinh trùng và trứng. Đối với thai nhi, vitamin A đóng vai trò thiết yếu trong việc hỗ trợ quá trình phát triển các tế bào, đặc biệt là trong quá trình phát triển của hệ thần kinh, mắt và duy trì sức khỏe ổn định của nhau thai.

Do đó, vitamin A là một chất dinh dưỡng không thể thiếu đối với sức khỏe của người mang thai và thai nhi đang phát triển, cũng như những người sắp sửa làm cha, làm mẹ và đang mong muốn để có con cái trong tương lai gần.

công dụng của vitamin A, Vitamin A cần thiết cho khả năng sinh sản và phát triển của thai nhi

Bổ sung các thực phẩm giàu tiền chất vitamin A giúp bảo vệ sức khỏe cho cả mẹ bầu và thai nhi

Các loại vitamin A

Trong thực phẩm, vitamin A tồn tại theo 2 nhóm là retinol và carotenoid. Trong đó:

1. Nhóm Retinoids

Bao gồm retinol và các ester của retinol với một axit béo bất kỳ – được gọi là retinyl ester (ví dụ như retinyl palmitate).

  • Nguồn gốc: Thường được tìm thấy trong các thực phẩm có nguồn gốc động vật.
  • Vai trò: Là loại vitamin A có thể hoạt động trực tiếp trong cơ thể, giúp duy trì sức khỏe của mắt, tim, phổi, hệ thống miễn dịch, chức năng sinh sản,… và sức khỏe làn da.

2. Nhóm Carotenoids

Carotenoids là một nhóm gồm hơn 600 loại hợp chất hóa học khác nhau. Trong đó, 4 hợp chất (alpha-carotene, beta-carotene, gamma-carotene và beta-cryptoxanthin) là có khả năng chuyển hóa được thành vitamin A. Trong số 4 hợp chất này, alpha-carotene và beta-carotene là 2 hợp chất có hoạt tính sinh học (bioavailability) mạnh nhất.

  • Nguồn gốc: Thường được tìm thấy trong các thực phẩm có nguồn gốc thực vật, đặc biệt là các thực vật có màu vàng, cam, đỏ…
  • Vai trò: Các carotenoid không có tác dụng sinh học trực tiếp như retinol, nhưng chúng được coi là chất chống oxy hóa mạnh và có thể giúp bảo vệ khỏi các bệnh ung thư và các vấn đề sức khỏe khác.

Để cơ thể có thể sử dụng được vitamin A thì tất cả các dẫn xuất của vitamin A trong thực phẩm – dù thuộc nhóm retinoids hay nhóm carotenoid – đều phải được gan chuyển hóa thành retinal hoặc axit retinoic thì cơ thể mới có thể sử dụng được.

vitamin A, Carotenoids, thực phẩm có màu vàng, cam, đỏ

Carotenoids thường chứa nhiều trong các loại rau củ quả có màu đỏ, vàng, cam

Vitamin A có nhiều trong thực phẩm nào?

Vitamin A có nhiều trong các loại thực phẩm sau:

  • Các loại rau củ quả có màu đỏ, vàng, cam: Gồm cà rốt, đu đủ, bí đỏ, cà chua, trái đào, trái bắp, ớt chuông đỏ, ớt chuông vàng,…
  • Các loại rau lá xanh đậm: Gồm bông cải xanh, rau chân vịt, cải bó xôi, cải thìa,…
  • Các loại thực phẩm có nguồn gốc động vật: Gồm thịt, cá, trứng, gan động vật, sữa và các chế phẩm từ sữa,…
Vitamin A có nhiều trong thực phẩm nào?

Vitamin A có mặt trong nhiều món ăn quen thuộc như trứng, sữa, phô mát, cà rốt, cà chua, bí đỏ, cam và các loại đậu

Nhu cầu Vitamin A của cơ thể là bao nhiêu?

Tùy vào giới tính và độ tuổi mà nhu cầu Vitamin A của cơ thể có sự thay đổi khác nhau. Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, nhu cầu khuyến nghị hàm lượng Vitamin A chi tiết được minh họa trong bảng sau:

Độ tuổi Nhu cầu khuyến nghị Vitamin A (µg RAE / ngày)
Nam Nữ
1 – 2 400 350
3 – 5 500 400
6 – 7 450 400
8 – 9 500 500
10 – 11 600 600
12 – 14 800 700
15 – 17 900 650
18 – 19 850 650
20 – 29 850 650
30 – 49 900 700
50 – 69 850 700
>70 800 650
Phụ nữ có thai 3 tháng đầu +0
3 tháng giữa +0
3 tháng cuối +80
Phụ nữ cho con bú

+450

Trong đó:

  • µg: Là đơn vị đo khối lượng microgram;
  • RAE: Retinol Activity Equivalent – tức mức độ hoạt tính tương đương Retinol.

Lưu ý:

Khi vào bên trong cơ thể, mỗi loại hợp chất khác nhau của vitamin A sẽ có hoạt tính sinh học và mức độ hấp thụ khác nhau. Trong đó:

1µg RAE = 1µg Retinol = 2µg Beta-carotene trong dầu = 12µg Beta-carotene trong thực phẩm = 24µg những hợp chất carotenoids khác (Alpha-carotene, cryptoxanthin,…)

Do đó, để cùng đạt được một hoạt tính sinh học như retinol có trong thịt động vật, bạn cần phải tiêu thụ nhiều vitamin A thực vật hơn ít nhất từ 12 – 24 lần.

vitamin A là gì, retinol

Trong các loại vitamin A tự nhiên có trong thực phẩm, retinol là hợp chất vitamin A có hoạt tính sinh học mạnh nhất

Vitamin A và các vấn đề thường gặp

Vitamin A chỉ đem lại nhiều lợi ích sức khỏe cho cơ thể khi bạn dùng đúng hàm lượng khuyến cáo (RAE). Ngược lại, tiêu thụ quá ít (dưới mức EAR) hay quá nhiều (vượt mức UL), đều gây nên những hệ lụy nghiêm trọng tới sức khỏe. Cụ thể:

1. Thiếu Vitamin A

Thiếu vitamin A được định nghĩa là khi bạn tiêu thụ vitamin này dưới ngưỡng EAR (Estimated Average Requirements) – tức dưới mức “Nhu cầu trung bình ước tính” trong suốt một thời gian dài. Trong đó, chỉ số “Nhu cầu trung bình ước tính” cho chúng ta biết “hàm lượng vitamin A tối thiểu đủ để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của 50% quần thể ở một giới tính và độ tuổi nhất định”. Vì thế, nam và nữ – tùy theo giới tính và độ tuổi mà có mức EAR khác nhau:

Độ tuổi

Nhu cầu trung bình ước tính (EAR) (µg / ngày)

Nam Nữ
1 – 2 300 250
3 – 5 350 300
6 – 7 300 300
8 – 9 350 350
10 – 11 450 400
12 – 14 550 500
15 – 17 650 500
18 – 19 600 450
20 – 29 600 450
30 – 49 650 500
50 – 69 600 500
>70 550 450
Phụ nữ có thai 3 tháng đầu +0
3 tháng giữa +0
3 tháng cuối +60
Phụ nữ cho con bú

+300

Bất kỳ ai tiêu thụ vitamin A dưới mức EAR trong một thời gian dài, đều có nguy cơ bị thiếu vitamin A. Trong số đó, có một số đối tượng dễ bị thiếu vitamin A nhiều hơn những người khác là:

  • Trẻ em từ 6 – 59 tháng tuổi: Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phân loại thiếu vitamin A là một vấn đề sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến khoảng một phần ba trẻ em từ 6 đến 59 tháng tuổi trên toàn thế giới. Theo WHO, thiếu vitamin A là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa và làm tăng nguy cơ tử vong do các bệnh thông thường ở trẻ em như tiêu chảy, thương hàn, sốt rét, kiết lị,…
  • Mẹ bầu và mẹ cho con bú: Do nhu cầu dinh dưỡng tăng cao, mẹ bầu mang thai cần dung nạp đủ lượng vitamin A để thai nhi phát triển khỏe mạnh, ngăn ngừa nguy cơ sinh non. Trong khi đó, mẹ cho con bú cần nhiều vitamin A hơn cả mẹ bầu mang thai để kích thích tiến trình tạo sữa và cung cấp cho con một nguồn sữa chất lượng.
  • Những người ăn chay: Gan chỉ có thể sử dụng được vitamin A ở dạng Retinol nhưng Retinol chỉ tồn tại trong thực phẩm có nguồn gốc động vật. Do đó, những người ăn chay thường không cung cấp đủ lượng Retinol cần thiết cho cơ thể. Trong khi đó, để đạt được một mức độ sinh khả dụng tương đương như Retinol, người ăn chay phải ăn nhiều hơn từ 12 – 24 lần các loại thực phẩm giàu Carotenoids. Đây hoàn toàn là một “nhiệm vụ” bất khả thi.

Tác hại của việc thiếu vitamin A là khiến cho:

  • Mắt thường hay khô, mờ, dễ bị quáng gà vào ban đêm;
  • Giác mạc do bị sừng hóa mà dày lên, có thể dẫn đến sẹo giác mạc, xói mòn giác mạc, đục thủy tinh thể, thoái hóa hoàng điểm và mù lòa;
  • Suy giảm hệ miễn dịch, dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm trùng, đặc biệt là các bệnh về đường hô hấp và đường tiêu hóa;
  • Da dày và sần sùi do hiện tượng sừng hóa;
  • Thai nhi và trẻ em chậm lớn, chậm phát triển hệ thần kinh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trí lực và thị giác;
  • Sản phụ tăng nguy cơ bị lưu thai, sinh trẻ nhẹ cân hoặc sinh non.
  • Tỉ lệ tử vong vì mọi nguyên nhân tăng cao ở nhóm trẻ em dưới 5 tuổi.
vitamin A có tác dụng gì, thiếu vitamin A

Thiếu vitamin A làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng và nhiễm khuẩn

2. Thừa Vitamin A

Thừa vitamin A được định nghĩa là khi bạn tiêu thụ loại vitamin này vượt ngưỡng UL (Upper Limit) – tức vượt mức “Giới hạn tiêu thụ tối đa” trong suốt một thời gian dài. Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, nam và nữ – tùy theo độ tuổi mà có mức UL khác nhau:

Độ tuổi

Nhu cầu trung bình ước tính (UL) (µg / ngày)

Nam Nữ
1 – 2 600
3 – 5 700
6 – 7 900
8 – 9 1200
10 – 11 1500
12 – 14 2100
15 – 17 2600
18 – 19 2700
20 – 29 2700
30 – 49 2700
50 – 69 2700
>70 2700
Phụ nữ có thai 3 tháng đầu
3 tháng giữa
3 tháng cuối
Phụ nữ cho con bú

Tiêu thụ quá nhiều vitamin A có thể gây nên ngộ độc vitamin A. Các triệu chứng của ngộ độc vitamin A bao gồm:

  • Đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi, buồn nôn;
  • Khô da, bong tróc thành từng mảng, sắc da vàng vọt (nếu tiêu thụ quá nhiều carotenoid), chảy máu chân răng và sụt cân;
  • Gây ra tổn thương gan và thận;
  • Gây tăng áp lực trong não, dẫn đến các vấn đề về tâm lý và thần kinh;
  • Ảnh hưởng đến mật độ khoáng xương, khiến xương dễ bị gãy hơn khi bạn lớn tuổi. Điều này đặc biệt quan trọng đối với người lớn tuổi, đặc biệt là phụ nữ – những người vốn đã có nguy cơ mắc bệnh loãng xương cao hơn nam giới. (1)

Tuy vậy, tình trạng ngộ độc vitamin A thường chỉ xảy ra với những người sử dụng thuốc bổ sung vitamin A không đúng liều lượng hoặc sử dụng trong thời gian dài mà không tuân theo chỉ định của bác sĩ. Hiểu đơn giản, những người xây dựng một chế độ ăn uống cân bằng có ít rủi ro bị ngộ độc vitamin A hơn những người thường xuyên dùng thực phẩm chức năng.

Bổ sung Vitamin A như thế nào cho an toàn, hiệu quả?

Bổ sung vitamin A quá liều có thể gây ngộ độc, trong khi bổ sung quá ít sẽ không mang tới lợi ích sức khỏe gì cho cơ thể. Do đó, để bổ sung vitamin A an toàn và hiệu quả, bạn cần theo sát những chỉ dẫn sau:

1. Với trẻ từ 6 – 59 tháng tuổi

Để ngăn ngừa tình trạng thiếu vitamin A, trẻ em từ 6 – 59 tháng tuổi cần được bổ sung vitamin A liều cao định kỳ mỗi năm 2 lần. Đây được xem là một biện pháp can thiệp dinh dưỡng hiệu quả, giúp làm giảm tỷ lệ tử vong của trẻ em do mọi nguyên nhân từ 12 đến 24%. Tốt nhất, bố mẹ nên dắt trẻ đến tham gia Ngày Hội Vi Chất – thường được Bộ Y tế tổ chức cố định vào các ngày 1/6 và ngày 1/12 hàng năm để được bổ sung vitamin A liều cao định kỳ.

Bổ sung Vitamin A cho trẻ như thế nào

Trẻ em dưới 59 tháng tuổi được bổ sung vitamin A liều cao tại Ngày Hội Vi Chất thường niên

2. Với trẻ từ 5 tuổi trở lên và người trưởng thành

Để bổ sung vitamin A an toàn và hiệu quả, bạn cần lưu ý như sau:

  • Tuân thủ chỉ định: Chỉ sử dụng thuốc bổ sung vitamin A chỉ khi được chỉ định bởi bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng. Việc tự ý sử dụng sản phẩm bổ sung vitamin A có thể dẫn đến ngộ độc vitamin A.
  • Dùng đúng liều lượng: Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), người trưởng thành không nên tiêu thụ dưới 800 mcg RAE và không quá 2.700 mcg RAE vitamin A mỗi ngày. Trẻ em trên 5 tuổi và phụ nữ mang thai cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để biết liều lượng phù hợp nhất dành cho mình.
  • Lưu ý thành phần: Cần ưu tiên sử dụng các loại thực phẩm bổ sung vitamin A chứa dạng hợp chất retinoids để cơ thể dễ hấp thụ, chẳng hạn như retinol hoặc retinyl palmitate và retinyl acetate, thay vì dùng các loại thuốc chứa nhóm chất carotenoids.
  • Chọn đúng thương hiệu: Nên chọn sản phẩm bổ sung vitamin A từ những nhà sản xuất có uy tín, đảm bảo chất lượng và đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành.
  • Dùng có giới hạn: Không nên sử dụng các sản phẩm bổ sung vitamin A trong thời gian dài mà chỉ nên dùng trong để tránh nguy cơ ngộ độc vitamin A.
  • Không phụ thuộc vào thuốc: Nên ưu tiên xây dựng một chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh và đầy đủ chất bên cạnh việc dùng thuốc để điều trị và ngăn ngừa tình trạng thiếu vitamin A một cách hiệu quả mà không cần phải phụ thuộc quá nhiều vào thuốc.
  • Tham khảo với bác sĩ: Nếu bạn đang sử dụng các loại thuốc khác hoặc có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng trước khi sử dụng sản phẩm bổ sung vitamin A để tránh tác dụng phụ và các tương tác thuốc nguy hiểm.
Bổ sung Vitamin A cho người trưởng thành

Hãy chủ động liên hệ bác sĩ dinh dưỡng để được tư vấn bổ sung vitamin A an toàn

Vitamin A và tương tác thuốc

Tương tác giữa vitamin A và một số loại thuốc điều trị bệnh có thể gây ra nhiều tác dụng phụ cần phải được xem xét kỹ lưỡng. Dưới đây là các tương tác tiêu biểu giữa vitamin A và một số loại thuốc trị bệnh:

1. Thuốc chống đông máu

Vitamin A tham gia vào hoạt động của bạch cầu, có tác dụng thúc đẩy quá trình đông máu diễn ra nhanh hơn. Do đó, khi sử dụng vitamin A kết hợp với các loại thuốc chống đông máu – hay còn gọi là thuốc làm loãng máu, bạn có thể bị tăng nguy cơ xuất huyết, máu chảy liên tục nhưng không “khô” lại. Vì thế, việc sử dụng hai loại thuốc này cùng nhau cần được giám sát chặt chẽ.

2. Bexarotene (Targretin)

Bexarotene (Targretin) là một loại thuốc thuộc họ vitamin A được sử dụng để điều trị bệnh ung thư da. Bexarotene có thể can thiệp và gen tế bào và làm chậm lại tiến trình phát triển của khối u. Việc sử dụng vitamin A kết hợp với Bexarotene có thể làm trầm trọng thêm các tác dụng phụ vốn có của Bexarotene như gây đau đầu, suy tuyến giáp, tăng cholesterol, giảm số lượng bạch cầu và khiến hệ miễn dịch suy yếu. Do đó, việc sử dụng hai loại thuốc này cùng nhau cần phải có ý kiến từ bác sĩ.

3. Các loại thuốc gây suy gan

Những loại thuốc gây suy gan là những loại thuốc có độc tính dược lý mạnh với cơ chế gây tổn thương gan đặc trưng, chẳng hạn như tấn công trực tiếp mô gan hoặc ngăn cản quá trình trao đổi chất tại đây. Các loại thuốc gây suy gan thường là:

  • Thuốc giảm đau và hạ sốt Acetaminophen;
  • Thuốc kháng sinh Amoxicillin/clavulanate (Augmentin);
  • Thuốc điều trị rối loạn nhịp tim Amiodarone (Cordarone, Pacerone);
  • Thuốc điều trị bệnh gút Allopurinol (Zyloprim);
  • Thuốc điều trị ung thư, lupus và viêm khớp Methotrexate.

Vitamin A là một chất có tính chống oxy hóa mạnh, do đó, việc sử dụng vitamin A kết hợp với các loại thuốc gây suy gan có thể khiến gan “quá tải”, gây tổn thương gan mạnh mẽ hơn.

4. Orlistat (Alli, Xenical)

Orlistat ngăn chặn sự hấp thụ chất béo từ chế độ ăn uống. Trong khi đó, vitamin A cần chất béo để hòa tan. Vì thế, việc sử dụng vitamin A kết hợp với Orlistat có thể làm cho vitamin A khó hòa tan hơn; từ đó, làm giảm hiệu quả sinh học của vitamin A.

5. Bổ sung cùng lúc với các Retinoids khác

Vitamin A cũng là một loại retinoids. Việc sử dụng vitamin A kết hợp với các loại thuốc retinoids khác có thể gây ngộ độc vitamin A. Tốt nhất, trước khi sử dụng vitamin A kết hợp với bất kỳ loại thuốc nào, bạn nên tham khảo ý kiến ​​của bác sĩ để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong điều trị.

Trên đây là những thông tin quan trọng về tác dụng của vitamin A. Hy vọng qua bài viết trên, bạn đã phần nào hiểu được vitamin A có tác dụng gì cũng như cách bổ sung vitamin A theo đúng khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia.

Trong mọi tình huống, bạn không nên tự ý mua các loại thuốc bổ sung vitamin A khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Đồng thời, quá trình bổ sung vitamin A cần phải được giám sát chặt chẽ bởi chuyên gia để chắc chắn rằng bạn bổ sung chỉ một lượng vừa đủ (không quá thừa hay quá thiếu) loại vitamin dễ gây ngộ độc này. Tốt nhất, bạn nên đến Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome để được các bác sĩ dinh dưỡng tư vấn về kế hoạch bổ sung vitamin A an toàn và hiệu quả.

5/5 - (2 bình chọn)
13:43 12/04/2023