Hướng dẫn bổ sung Vitamin K cho trẻ sơ sinh

29/12/2020 Theo dỗi Nutrihome trên google news

Xuất huyết não ở trẻ sơ sinh do thiếu vitamin K là một tình trạng hiếm gặp, nhưng có thể để lại di chứng nặng nề, thậm chí gây tử vong. Phụ huynh cần biết cách bổ sung vitamin K cho trẻ sơ sinh để làm giảm nguy cơ xuất huyết não hoặc chảy máu do thiếu vitamin K trong những năm tháng đầu đời của trẻ.

Bác sĩ Trương Thị Mỹ Hoa – Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM

Vai trò của vitamin K đối với trẻ sơ sinh

Vitamin K đóng vai trò quan trọng trong quá trình đông máu và tạo cục máu đông, từ đó ngăn ngừa chảy máu hoặc giúp cầm máu. Thiếu hụt vitamin K khiến quá trình đông máu bị gián đoạn, cơ thể có nguy cơ bị chảy máu không kiểm soát được. 

Vitamin K

Vitamin K cho trẻ sơ sinh rất cần thiết, nó là một chất quan trọng trong quá trình đông máu

Tất cả trẻ sinh ra đều có hàm lượng vitamin K dự trữ thấp. Lượng vitamin K có sẵn này thường được sử dụng nhanh chóng trong vài ngày đầu tiên sau sinh và vẫn đủ để quá trình đông máu diễn ra bình thường. 

Trẻ sơ sinh không có đủ vitamin K không thể hình thành cục máu đông để cầm máu và chúng có thể bị chảy máu ở bất cứ đâu trên cơ thể. Máu có thể xảy ra trong não hoặc các cơ quan quan trọng khác và có thể xảy ra nhanh chóng. Mặc dù tình trạng chảy máu do thiếu vitamin K không thường xuyên xảy ra, nhưng khi nó xảy ra thì thật sự nghiêm trọng.

Cứ 5 trẻ sơ sinh bị chảy máu do thiếu vitamin K thì có 1 trẻ tử vong. Trong số những trẻ sơ sinh bị chảy máu do thiếu vitamin K muộn, khoảng một nửa trong số đó là trẻ bị xuất huyết não, có thể dẫn đến tổn thương não vĩnh viễn. Những trẻ khác chảy máu trong dạ dày hoặc ruột, hoặc ở các bộ phận khác của cơ thể. Nhiều trẻ sơ sinh cần được truyền máu và một số trẻ cần được phẫu thuật. 

> Tìm hiểu thêm: Hướng dẫn chi tiết bổ sung vitamin D cho trẻ sơ sinh

Nguyên nhân thiếu vitamin K ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Trước khi bổ sung vitamin K cho trẻ sơ sinh, ba mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân vì sao trẻ thiếu loại vitamin này. Vitamin K được cung cấp cho cơ thể trẻ từ lượng dự trữ trong quá trình mang thai, hoặc được tạo ra tự nhiên từ các vi khuẩn trong ruột, từ sữa mẹ, sữa công thức và một số loại thực phẩm (như rau xanh, thịt, gan động vật).

Tất cả trẻ sơ sinh, không phân biệt giới tính, màu da hoặc chủng tộc, đều có nguy cơ bị chảy máu do thiếu hụt vitamin K cao hơn cho đến khi chúng bắt đầu ăn thức ăn thông thường, thường là ở độ tuổi 4-6 tháng và khi vi khuẩn đường ruột bình thường bắt đầu tạo ra vitamin K. 

Sau đây là một số nguyên nhân gây thiếu vitamin K ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ:

  • Khi mới sinh, trẻ sơ sinh có rất ít vitamin K dự trữ trong cơ thể vì chỉ có một lượng nhỏ truyền qua nhau thai từ mẹ.
  • Vitamin K được tạo ra tự nhiên trong ruột nhưng vì trẻ sơ sinh có rất ít vi khuẩn trong ruột nên chúng không tạo ra đủ lượng vitamin K cần thiết cho cơ thể. Khi trẻ lớn lên, chúng sẽ bắt đầu tạo đủ vitamin K.
  • Sữa mẹ có chứa vitamin K cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nhưng với một lượng quá thấp để có thể bảo vệ trẻ, vì vậy trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn sẽ không nhận đủ vitamin K từ sữa mẹ. Các bà mẹ được khuyến khích ăn uống lành mạnh và bổ sung vitamin tổng hợp khi cần thiết. Mặc dù ăn thực phẩm giàu vitamin K hoặc bổ sung vitamin K có thể làm tăng nhẹ nồng độ vitamin K trong sữa mẹ, nhưng cũng không thể làm tăng đủ để cung cấp tất cả lượng vitamin K mà trẻ sơ sinh cần.
  • Một số trẻ phải sử dụng thuốc, trong đó có một số loại thuốc làm giảm hấp thu vitamin K.

Dấu hiệu thiếu vitamin K ở trẻ sơ sinh

Nếu bị thiếu vitamin K, trẻ có thể bị bầm tím hoặc chảy máu mà không rõ lý do. Điều đáng nói là, hầu hết trẻ sơ sinh bị chảy máu do thiếu vitamin K không có dấu hiệu cảnh báo trước khi chảy máu, gây đe dọa tính mạng, tuy nhiên, có thể biểu hiện bằng bất kỳ dấu hiệu nào sau đây:

  • Đặc biệt bầm xung quanh đầu hoặc mặt của trẻ
  • Chảy máu mũi hoặc cuống rốn.
  • Màu da nhợt nhạt hơn bình thường hoặc nướu răng nhợt nhạt ở trẻ da sẫm màu.
  • Ở trẻ sơ sinh trên 3 tuần tuổi, lòng trắng của mắt chuyển sang màu vàng.
  • Có máu trong phân của trẻ (phân đen, sẫm màu hoặc tanh).
  • Trẻ bị nôn ra máu.
  • Nếu trẻ cáu kỉnh, ngủ li bì, co giật hoặc nôn ói nhiều, có thể trẻ đã bị chảy máu não.

Ba mẹ cũng cần lưu ý các yếu tố nguy cơ của chảy máu do thiếu vitamin K ở trẻ sơ sinh bao gồm:

  • Trẻ sinh non (sinh trước 37 tuần).
  • Trẻ cần hỗ trợ trong lúc sinh (hút,…).
  • Trẻ bị bầm tím trong khi sinh.
  • Trẻ bị khó thở sau sinh.
  • Trẻ có vấn đề về gan.
  • Mẹ đã dùng thuốc điều trị động kinh, thuốc chống đông hoặc thuốc điều trị bệnh lao trong quá trình mang thai. 

Hướng dẫn bổ sung vitamin K cho trẻ sơ sinh

Có 2 cách để bổ sung vitamin K cho trẻ sơ sinh: tiêm bắp (thường ở đùi) hoặc uống.

Tiêm vitamin K

Các bác sĩ khuyến cáo rằng trẻ sơ sinh cần được bổ sung 1 liều vitamin K bằng cách tiêm. 

Ưu điểm chính của việc tiêm vitamin K qua đường tiêm bắp ở đùi là trẻ sẽ chỉ cần một liều. Đó là cách hiệu quả nhất để bảo vệ trẻ khỏi chảy máu do thiếu vitamin K. Nếu con bạn có các yếu tố nguy cơ bị chảy máu do thiếu vitamin K, tiêm vitamin K cũng sẽ dễ hấp thu hơn so với dạng uống.

Nhược điểm lớn là nó xâm lấn và có thể gây đau và vết bầm nhỏ ở nơi tiêm. Như với bất kỳ vết tiêm nào, nó có thể bị đau và để lại một chút bầm tím, nhưng việc tiêm này chỉ mất vài giây.

Tiêm vitamin K

Tiêm vitamin K cho trẻ sơ sinh là cách hiệu quả nhất để bảo vệ trẻ khỏi chảy máu do thiếu vitamin K

Uống Vitamin K

Vitamin K dạng uống rất dễ sử dụng, không xâm lấn và có thể được nữ hộ sinh cho trẻ uống nhanh chóng và dễ dàng, với 2 liều được uống vào tuần đầu tiên của trẻ và 1 liều được uống khi trẻ được 1 tháng tuổi. Nếu trẻ bú sữa công thức, có thể cho vitamin K vào bình sữa của trẻ. Nhược điểm chính của dạng uống là không thể đảm bảo rằng vitamin K sẽ được hấp thụ khi trẻ sơ sinh rất dễ bị nôn ở giai đoạn này. 

Nếu em bé của bạn bị nôn trong vòng 1 giờ sau khi uống vitamin K, nữ hộ sinh hoặc bác sĩ có thể khuyên bạn lặp lại liều.

Việc bổ sung vitamin K cho trẻ sơ sinh dạng uống, trẻ cần được dùng đủ 3 liều. Vì vậy, nếu bạn quyết định chọn phương pháp này, bạn cần đảm bảo rằng trẻ được uống đủ liều để giữ cho trẻ được bảo vệ tốt nhất. Các nghiên cứu về việc cung cấp vitamin K cho trẻ sơ sinh bằng đường uống đã phát hiện ra rằng việc không uống đủ liều có thể khiến trẻ dễ bị chảy máu do thiếu vitamin K khởi phát muộn. 

Các đơn vị phụ sản bận rộn đôi khi có thể bỏ lỡ việc cho con bạn tiêm hoặc uống vitamin K. Hãy chắc chắn rằng bạn hoặc người chăm sóc trẻ xác nhận với nữ hộ sinh trước khi xuất viện, rằng trẻ đã được tiêm hoặc uống đúng liều lượng vitamin K.

Phòng ngừa thiếu vitamin K ở trẻ sơ sinh

Khi trẻ được sinh ra, mức vitamin K vốn đã thấp của chúng còn giảm xuống thấp hơn nữa, vì vitamin K không qua nhau thai tốt. Sữa mẹ chỉ chứa một lượng nhỏ vitamin K. Trẻ sơ sinh cần đủ vitamin K để (a) bù đắp cho mức quá thấp của chúng, (b) bắt đầu lưu trữ nó trong gan để sử dụng trong tương lai, và (c) đảm bảo sức khỏe tốt cho xương và máu. Sữa mẹ – ngay cả từ các bà mẹ có bổ sung vitamin K – không thể cung cấp đủ cho trẻ để làm tất cả những điều này.

Điều đó có nghĩa là TẤT CẢ trẻ sơ sinh đều có lượng vitamin K thấp, vì vậy trẻ cần vitamin K từ một nguồn khác. Tiêm vitamin K cho trẻ sơ sinh là cách tốt nhất để đảm bảo tất cả trẻ sơ sinh đều có đủ vitamin K. Trẻ sơ sinh không được tiêm vitamin K có nguy cơ bị chảy máu nặng gấp 81 lần so với những trẻ được tiêm.

Bổ sung đủ liều vitamin K đường uống trong trường hợp phụ huynh từ chối tiêm cho trẻ cũng giúp phòng ngừa thiếu vitamin K ở trẻ sơ sinh.

Bổ sung vitamin K đường uống

Bổ sung vitamin K cho trẻ sơ sinh qua đường uống cũng giúp phòng ngừa thiếu vitamin K

Khi thiếu vitamin K, trẻ sơ sinh có thể chảy máu vào ruột hoặc não mà không có dấu hiệu cụ thể để cha mẹ nhận biết có điều gì đó không ổn. Điều này có thể trì hoãn việc chăm sóc y tế, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng và đe dọa tính mạng của trẻ. Như vậy, việc bổ sung vitamin K cho trẻ sơ sinh là rất cần thiết và giảm nguy cơ chảy máu do thiếu vitamin K. 

Nếu phụ huynh còn băn khoăn có nên hay không, hãy thảo luận trực tiếp với bác sĩ sản khoa hoặc bác sĩ nhi khoa để đưa ra quyết định đúng đắn nhất về việc bổ sung vitamin K cho trẻ sơ sinh.

Rate this post
10:24 06/01/2023