Ngày nay, chiếc tủ lạnh với chức năng tích trữ, bảo quản thực phẩm là vật dụng không thể thiếu trong mỗi gia đình.. Nhưng liệu bạn đã biết cách bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh như thế nào cho đúng cách, thời gian bảo quản từng loại thức ăn là bao lâu chưa?
Bài viết dưới đây, Nutrihome sẽ giải đáp từ A – Z những thắc mắc của bạn về cách bảo quản thực phẩm, đồ ăn trong tủ lạnh, thời gian bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh để giữ nguyên độ tươi ngon, ít hao hụt dưỡng chất nhất có thể.
Áp dụng các nguyên tắc bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh dưới đây sẽ giúp bạn luôn có thực phẩm tươi ngon cho bữa ăn gia đình (trong trường hợp không có điều kiện đi chợ/siêu thị mua thực phẩm hàng ngày). Chưa kể, việc đi mua thức ăn “một lần” cũng sẽ giúp bạn tiết kiệm được một khoản chi phí kha khá. (1)
Bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh đúng cách sẽ giữ thực phẩm luôn tươi, tránh mất chất
Mục đích của việc phân loại thực phẩm để tránh lây nhiễm chéo, đồng thời hạn chế thấp nhất tình trạng thực phẩm hư hỏng, mất dưỡng chất.
Theo đó, với các thực phẩm tươi sống và đã nấu chín, bạn cần cho vào túi zip hoặc hộp có nắp đậy và bảo quản cẩn thận trong tủ lạnh. Riêng thực phẩm tươi sống, cần rửa sạch (với các loại thịt, cá), loại bỏ phần hư, dập (với các loại rau xanh lá, củ quả, trái cây) và chia nhỏ chúng vào từng túi/ hộp để tiện cho việc chế biến.
Những thực phẩm cần bảo quản trong ngăn đông như thịt cá, để bảo quản được lâu và giữ nguyên dưỡng chất có thể cho vào túi và hút chân không. Nếu bảo quản đúng cách, thời hạn sử dụng các thực phẩm có thể kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm.
Cá khô, mực khô, sầu riêng, mít, mắm… là những thực phẩm có mùi nặng. Do đó, nếu bảo quản trong tủ lạnh bạn nên bọc kỹ, hoặc đậy nắp thật kín trước khi cho vào tủ lạnh để tránh ám mùi vào thức ăn khác hoặc ảnh hưởng đến “bầu không khí” bên trong tủ lạnh.
Nhiều người có thói quen “nhét” tất tần tật mọi thứ vào trong tủ lạnh để bảo quản. Hành động tưởng chừng “có lợi” này thực chất lại “gây hại”, có thể khiến các đồ ăn trong tủ lạnh dễ bị hư hỏng, ôi thiu, biến chất…. Vì việc để quá nhiều đồ sẽ làm cản trở luồng khí lạnh luân chuyển, từ đó dễ làm hỏng thực phẩm.
Mỗi nhóm thực phẩm sẽ có một mức nhiệt độ phù hợp để giữ được lâu, tránh bị hư không sử dụng được dẫn tới lãng phí. Với nhóm rau củ quả, nên cài nhiệt độ ngăn mát khoảng 4 độ C, với thực phẩm tươi sống nên cài nhiệt độ ngăn đông khoảng – 18 độ C.
Điều chỉnh nhiệt độ trong tủ lạnh phù hợp với từng loại thực phẩm bảo quản
Bên cạnh đó, bạn cần nắm rõ thời gian bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh để sử dụng đúng. Nhóm rau củ quả, tùy từng loại, từ 3 ngày – 4 tuần, còn thực phẩm tươi sống, tốt nhất trong vòng 4 tháng trở lại.
Bao gồm ghi nhãn, đánh dấu ngày trữ thực phẩm, ngày mở hộp, ngày hết hạn… như thế sẽ giúp bạn sử dụng thực phẩm đúng cách, tươi ngon, nhận được tối đa dưỡng chất. Tuy nhiên cần lưu ý, các thực phẩm có hạn dùng lâu nên xếp vào phía trong tủ, thực phẩm gần hết hạn để ra ngoài cho dễ thấy và tiện sử dụng.
Đó là chuối, mật ong, bột cà phê… hoặc các loại củ quả như: khoai (khoai tây, khoai lang, khoai mỡ), các loại bí (bí đỏ, bí đao), tỏi, gừng, nghệ… Bởi chúng có thể bảo quản ở nhiệt độ thường được, nhưng cần đặt để ở nơi khô ráo. Còn mật ong, cà phê… nên đậy nắp kín sau khi đã mở nắp.
Những thực phẩm đã rã đông nếu làm lạnh trở lại có thể bị nhiễm khuẩn (gây tiêu chảy, ngộ độc) và hao hụt dần dưỡng chất. Để tránh tình trạng này, khi phân loại thực phẩm bảo quản bạn nên cắt/ chặt khúc thành các phần vừa đủ cho mỗi lần chế biến nhé!
Việc để đồ ăn trong tủ lạnh quá lâu sẽ khiến thực phẩm hao hụt rất nhiều dưỡng chất. Chưa kể, chúng có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi, sản sinh độc chất ảnh hưởng sức khỏe cả gia đình, nhất là những thức ăn đã nấu chín.
Nếu bạn có thói quen tích trữ nhiều thức ăn trong tủ lạnh và thường kéo dài thời hạn sử dụng vì nghĩ đó chính là chiếc tủ “thần kỳ”, thì những chia sẻ sau của chuyên gia sẽ khiến bạn phải rùng mình và từ bỏ ngay thói quen bảo quản đồ ăn trong tủ lạnh quá lâu vì:
– Nguy cơ lây nhiễm chéo các loại thực phẩm với nhau: Nhiều người lầm tưởng môi trường trong tủ lạnh sẽ tuyệt đối an toàn. Nhưng không, nhiệt độ của tủ lạnh không thể là môi trường “tuyệt vời” của một số loại vi khuẩn, nhất là các vi sinh vật ưa nhiệt độ thấp (như vi khuẩn listeria monocytogens).
Để lẫn lộn đồ ăn trong tủ lạnh có thể gây lây nhiễm chéo
Nếu bảo quản đồ ăn không đúng cách, không bọc kín lại/ hoặc không đậy nắp, đóng mở tủ lạnh quá nhiều lần trong ngày, hoặc để lẫn thức ăn chín với sống… sẽ khiến vi khuẩn sinh sôi nhanh chóng và gây ra tình trạng lây nhiễm chéo. Điều này dẫn đến các nguy cơ sức khỏe tiềm ẩn (ngộ độc, tiêu chảy…), chưa kể, thức ăn còn bị “ám mùi” gây khó ăn.
– Sản sinh nhiều nitrit gây hại sức khỏe
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, các loại thực phẩm có chứa protein để trong tủ lạnh quá lâu, nhất là những thực phẩm đã nấu chín, sẽ bị phân hủy bởi các vi sinh vật, từ đó sản sinh ra những độc chất có hại, gây mùi ôi thiu, chẳng hạn nitrit.
Cơ thể nếu hấp thụ một lượng lớn nitrit, hoặc hấp thu chúng trong thời gian dài có thể gây ngộ độc cấp tính hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe.
Hãy theo dõi bảng dưới đây để biết thời gian bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh và tủ đông để sử dụng đúng nhé! Bởi nếu không nắm rõ thời gian bảo quản của từng loại và sử dụng đúng sẽ gây lãng phí do hư hỏng hoặc mất dưỡng chất.
Loại thực phẩm | Ngăn mát (4 độ C) | Ngăn đông (-18 độ C) |
Trứng sống nguyên vỏ | 2 – 3 tuần | Không bảo quản |
Cá tươi | 1 ngày | Tốt nhất sử dụng trước 2 tuần |
Cá khô | 1 tháng | Tốt nhất sử dụng trước 12 tháng |
Thịt heo | 1 ngày | Tốt nhất sử dụng trước 1 tháng |
Thịt bò | 1 ngày | Tốt nhất sử dụng trước 1 tháng |
Thịt gà | 1 ngày | Tốt nhất sử dụng trước 1 tháng |
Thịt heo, bò, gà đã nấu chín | 1 ngày | 1 tuần |
Chả lụa, chả bò | 3 ngày | 1 – 2 tuần |
Súp rau củ, thịt | 1 ngày | Không bảo quản |
Bánh bông lan | 3 – 4 ngày | Không bảo quản |
Đế bánh pizza | 3 – 5 ngày | 1 – 3 tháng |
Bánh pizza | 1 ngày | 1 – 3 tháng |
Các món salad đã trộn | 1 ngày | Không bảo quản |
Măng tây, bắp cải | 3 – 5 ngày | Không bảo quản |
Xà lách | 5 – 7 ngày | Không bảo quản |
Cần tây, rau mùi | 5 – 7 ngày | Không bảo quản |
Dưa chuột, ớt chuông | 5 – 7 ngày | Không bảo quản |
Củ gừng, hành, hành tây, tỏi | 4 tuần | Không bảo quản |
Cà rốt | 7 – 10 ngày | Không bảo quản |
Khoai tây/khoai lang/khoai mỡ | 1 – 2 tuần | Không bảo quản |
Bí đỏ | 2 – 4 tuần | Không bảo quản |
Bơ, dâu, xoài chín | 3 ngày | Không bảo quản |
Ổi | 5 ngày | Không bảo quản |
Lê, táo, nho | 7 ngày | Không bảo quản |
Cam, quýt, bưởi | 7 – 14 ngày | Không bảo quản |
Các loại trái cây đã gọt vỏ | 1 – 2 ngày | Không bảo quản |
Nấm tươi | 3 ngày | Không bảo quản |
Để thực phẩm không bị hư hỏng, luôn tươi mới, giữ nguyên vị ngọt và thơm ngon khi chế biến món ăn, bạn ngoài nắm rõ thời gian sử dụng bạn cũng cần nắm rõ cách bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh theo hướng dẫn dưới đây.
Với các loại rau củ cần bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh, nếu muốn rửa sạch bạn cần để ráo nước (hoặc thấm thật khô) mới cho vào tủ lạnh (nếu không độ ẩm sẽ khiến rau củ dễ đổi màu, nhanh hư). Hoặc không, có thể nhặt sạch phần rau củ bị hư, dập, hoặc héo úa, bị sâu sau đó xếp vào túi zip hoặc hộp nhựa chuyên dụng đựng rau củ.
Lưu ý, một số loại củ quả như bí đỏ, khoai tây, khoai lang, hành tây, củ gừng, hành tây, tỏi… vẫn giữ được độ tươi ngon khi để ở nhiệt độ bên ngoài nên không cần bảo quản trong tủ lạnh. Tuy nhiên, cần bảo quản chúng ở nơi khô thoáng để tránh mọc mầm hay hư thối.
Không nên rửa sạch rau củ trước khi bảo quản trong ngăn mát vì có thể khiến chúng nhanh hư hỏng
Tương tự rau củ, trái cây nếu bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh sẽ ngon hơn và tươi lâu hơn. Chưa kể, khi thưởng thức đĩa trái cây mát lạnh cũng giúp chúng ta cảm thấy sảng khoái hơn.
Cách “sơ chế” trái cây trước cho vào tủ lạnh cũng giống rau củ, đó là, bạn cần loại bỏ những quả/phần quả hư hỏng, dập úng và cho vào túi, hộp bảo quản.
Lưu ý, không rửa trái cây trước khi cho vào tủ lạnh vì sẽ làm mất đi lớp bảo vệ tự nhiên khiến chúng mau hỏng hơn. Thay vào đó, hãy cắt gọt những phần bị hư hỏng và chỉ rửa trước khi ăn.
Thịt heo, thịt bò, thịt gà tươi sống khi mua về nên rửa sạch dưới vòi nước lạnh, để ráo nước, sau đó cắt/ hoặc chặt khúc đủ cho một lần chế biến nhằm tiện rã đông. Nếu để nguyên khối lớn, việc rã đông – đông lạnh lặp đi lặp lại vừa khiến thịt mất chất lại dễ khiến vi khuẩn xâm nhập gây hư hỏng.
Tiếp theo, cho phần thịt đã chia nhỏ vào các túi zip hoặc hộp nhựa đựng thực phẩm và bảo quản ở ngăn mát hoặc ngăn đông. Nếu bảo quản ở ngăn mát, nên sơ chế và bảo quản trong vòng 2 giờ đầu sau khi mua, sử dụng trong ngày.
Đối với cá tươi, cách sơ chế và bảo quản cũng tương tự thịt. Với cá đông lạnh, khi mua về nên cho vào ngăn đông ngay. Với cá khô, có thể bảo quản ở ngăn mát hoặc ngăn đông đều được nhưng cần nhớ thời gian sử dụng.
Trứng gà, trứng vịt sống còn nguyên vỏ nên đặt ở khay đựng trứng và bảo quản trong ngăn mát. Nếu bề ngoài vỏ trứng bị bẩn nên dùng khăn ướt lau sạch (hoặc dùng màng bọc thực phẩm bọc kín lại) tuyệt đối không rửa nước, vì nước sẽ thúc đẩy nhanh quá trình “hư hỏng” và biến chất của trứng.
Riêng đối với trứng đã được luộc chín, hoặc đã tách vỏ, nên bỏ trong hộp sạch – kín – an toàn và bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh, tốt nhất sử dụng trong ngày. Đặc biệt, với trứng đã nấu chín, không để sang ngày hôm sau.
Các thức ăn đã nấu chín như món kho, món xào, món chiên… nên để nguội trước khi cho vào tủ lạnh (tốt nhất trong vòng 2 tiếng), không để thức ăn còn nóng vào tủ lạnh.
Thức ăn đã nấu chín nên bọc kín khi bảo quản trong tủ lạnh và sử dụng trong ngày
Để đảm bảo an toàn sức khỏe, chỉ sử dụng thức ăn đã nấu chín 1 ngày (bảo quản trong ngăn mát) và 3 – 5 ngày (bảo quản trong ngăn đá) không nên để qua đêm vì dễ nhiễm khuẩn dẫn đến tiêu chảy, thậm chí ung thư.. Bảo quản thức ăn trong hộp nhựa hoặc tô/ chén thủy tinh/ sứ có nắp đậy.
Các nguyên tắc bảo quản sữa và thức ăn dặm cho trẻ trong ngăn mát và ngăn đông tủ lạnh như sau:
Lưu ý: Vì trẻ nhỏ đường tiêu hóa chưa hoàn thiện do đó trẻ rất dễ bị đau bụng, tiêu chảy. Vì vậy, khi bảo quản thức ăn cho trẻ nên đựng trong hộp thủy tinh/ hoặc hộp nhựa an toàn, có nắp đậy kín và để ở nơi riêng biệt, tránh để gần các thực phẩm tươi sống.
Ngoài các nguyên tắc giúp bảo quản thức ăn trong tủ lạnh nêu trên, bạn cần ghi nhớ những vấn đề sau để đảm bảo thực phẩm luôn tươi ngon, hạn chế mất dinh dưỡng. Đó là chọn loại tủ lạnh có công năng phù hợp với gia đình, các loại túi/ hộp đựng thực phẩm an toàn, không chứa hóa chất độc hại.
Đồng thời cần vệ sinh tủ lạnh thường xuyên (3 – 6 tháng/lần) để tránh mùi hôi, nấm mốc, vi khuẩn bám trong tủ lạnh gây ảnh hưởng sức khỏe.
Nên vệ sinh, lau chùi tủ lạnh thường xuyên để “dọn sạch” vi khuẩn, nấm mốc
Bên cạnh đó cần lưu ý với một số thực phẩm sau khi bảo quản:
Hy vọng với những thông tin chia sẻ về cách bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh, thời gian sử dụng thực phẩm được bảo quản… sẽ giúp bạn biết cách “trữ” thức ăn đúng cách cho bữa cơm thêm ngon – dinh dưỡng – nâng cao sức khỏe bản thân và gia đình.