KIỂM TRA TÌNH TRẠNG DINH DƯỠNG
ĐẶT LỊCH KHÁM
TÌM TRUNG TÂM

Mẹ cần biết ngay biện pháp chăm sóc trẻ béo phì

04/09/2020
Tư vấn chuyên môn bài viết
Chức Vụ: Bác sĩ Trưởng Nutrihome Trường Chinh
Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome

Thừa cân – béo phì ở trẻ em đang trở thành vấn nạn toàn cầu. Hệ quả là ngày càng có nhiều trẻ béo phì được chẩn đoán mắc các bệnh lý mạn tính. Làm sao để chăm sóc trẻ béo phì tốt nhất để cải thiện bệnh và ngăn ngừa bệnh lý liên quan đến béo phì là lo lắng chung của nhiều ba mẹ.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi TS.BS Phạm Thị Thu Hương, Nguyên Trưởng khoa Dinh dưỡng Lâm sàng và Tiết chế, Viện Dinh dưỡng Quốc gia; Bác sĩ Trưởng, Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng – Y học Vận động Nutrihome.

chăm sóc trẻ thừa cân béo phì

Thừa cân – béo phì ở trẻ em đang là thực trạng đáng báo động với tỷ lệ tăng nhanh hàng năm

Theo TS.BS Phạm Thị Thu Hương, có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng thừa cân – béo phì ở trẻ em. Trong đó, phổ biến nhất là do trẻ nạp quá nhiều lượng thức ăn so với nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị, thiếu hoạt động thể chất và trẻ có tiền sử gia đình béo phì.

Tại sao thừa cân – béo phì ở trẻ em được coi là một vấn đề sức khỏe?

Cha mẹ đừng nên xem thường chứng thừa cân – béo phì ở trẻ. Tình trạng này có thể để lại nhiều hệ quả như:

  • Trẻ em béo phì có nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như hen suyễn, ngưng thở khi ngủ, các vấn đề về xương khớp, tiểu đường tuýp 2, suy thận…
  • Trẻ béo phì cũng có nhiều yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim hơn so với những trẻ có cân nặng bình thường. Các yếu tố nguy cơ bao gồm huyết áp cao, xơ vữa động mạch, cholesterol cao… Trong một nghiên cứu với nhóm trẻ ở độ tuổi 5-17, gần 60% trẻ thừa cân có ít nhất một yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim mạch, 25% có hai hoặc nhiều yếu tố nguy cơ.
  • Trẻ em thừa cân – béo phì có nhiều khả năng bị béo phì khi trưởng thành. Tình trạng này kéo theo một loạt vấn đề sức khỏe về thể chất và tinh thần. Cụ thể, người lớn bị béo phì có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2, bệnh tim và một số bệnh ung thư.

> Tham khảo thêm: Khám béo phì cho trẻ ở đâu

Cách chăm sóc trẻ béo phì

Mẹ hãy nhớ rằng, mục tiêu khi chăm sóc trẻ thừa cân – béo phì là giảm tốc độ tăng cân nhưng cho phép tăng trưởng và phát triển bình thường. Đối với những trẻ dưới 7 tuổi, cần chú trọng tăng chiều cao chứ không giảm cân. Chỉ thực hiện giảm cân cho trẻ trên 7 tuổi bị béo phì nặng hoặc trẻ trên 2 tuổi béo phì có biến chứng.

Sau đây là những biện pháp chăm sóc trẻ béo phì hiệu quả mà mẹ có thể áp dụng:

Cân bằng lượng calo nhờ thiết lập cho trẻ thói quen ăn uống lành mạnh

Nguyên tắc của việc cân bằng lượng calo là cho trẻ ăn các thực phẩm cung cấp đủ dinh dưỡng nhưng có lượng calo thấp hoặc trung bình. Thực đơn của trẻ nên:

  • Bao gồm nhiều rau, trái cây và các thực phẩm chứa carbs tốt như yến mạch, gạo lứt, ngũ cốc…
  • Có sữa ít béo hoặc không béo và các sản phẩm từ sữa như phô mai, sữa chua không đường…
  • Có nguồn protein từ thịt nạc, thịt gia cầm, cá, các loại đậu…
  • Vắng bóng các loại thức uống có đường, có ga, thực phẩm chứa nhiều đường (chè, kem, bánh ngọt…) và chất béo bão hòa (thịt nguội, thịt hộp, xúc xích, lòng đỏ trứng gà…).

Bữa ăn giàu dinh dưỡng, ít calo cho trẻ thừa cân - béo phì

Bữa ăn giàu dinh dưỡng, ít calo cho trẻ thừa cân – béo phì

Bên cạnh đó, mẹ cần lưu ý những điều sau khi chăm sóc trẻ thừa cân – béo phì:

  • Cho trẻ ăn các phần ăn có kích thước hợp lý. Đảm bảo lượng thức ăn của trẻ nằm trong khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng. Chẳng hạn, mỗi ngày trẻ 6-11 tuổi cần 8-13 đơn vị ngũ cốc, 4-6 đơn vị đạm, 4-6 đơn vị sữa… Một đơn vị ngũ cốc tương đương ½ bát cơm/80g bún, 1 đơn vị đạm tương đương 38 thịt lợn nạc/34g thịt bò/44g cá; 1 đơn vị sữa tương đương 100ml sữa tươi/100g sữa chua/15g phô mai…
  • Khuyến khích trẻ uống nhiều nước.
  • Cố gắng nấu ăn ở nhà: Nấu thức ăn tại nhà là cách tốt nhất để kiểm soát lượng chất béo và đường mà trẻ nạp trong mỗi bữa ăn. Do đó, mẹ hãy cố gắng tự mình đảm nhận việc chế biến thức ăn hàng ngày cho trẻ. Nếu thỉnh thoảng phải đưa trẻ ra ngoài ăn, mẹ vẫn có thể kiểm soát khẩu phần ăn của con bằng cách tránh gọi các món có nước sốt, bỏ qua món tráng miệng, ưu tiên gọi salad…
  • Hướng trẻ đến những món ăn vặt bổ dưỡng ít calo, chẳng hạn như 1 quả táo cỡ trung bình, 1 quả chuối cỡ trung bình, 1 cốc quả việt quất, 1 chén nho…

Cân bằng lượng calo nhờ chế độ vận động hợp lý

Nếu chỉ xây dựng cho trẻ một thực đơn thấp calo, mẹ sẽ khó lòng khắc phục được tình trạng thừa cân – béo phì ở trẻ. Một nguyên tắc bắt buộc khi chăm sóc trẻ béo phì là khuyến khích trẻ tăng cường vận động. Không chỉ giúp quản lý cân nặng, vận động thường xuyên còn thúc đẩy trẻ phát triển chiều cao.

Trẻ nên tham gia ít nhất 60 phút hoạt động thể chất với cường độ vừa phải, vào hầu hết các ngày trong tuần. Hãy nhớ rằng trẻ em bắt chước người lớn. Thế nên, bố mẹ hãy bắt đầu bằng cách vận động mỗi ngày và khuyến khích trẻ cùng tham gia. Một số hình thức tập luyện thích hợp với trẻ là đi bộ nhanh, đá bóng, bơi lội, nhảy dây, khiêu vũ… Tạo điều kiện cho trẻ làm việc nhà như quét dọn nhà cửa, tưới cây… cũng giúp tiêu hao năng lượng hiệu quả.

vận động giúp trẻ quản lý cân nặng

Vận động ít nhất 60 phút/ngày giúp trẻ quản lý cân nặng, phát triển chiều cao

Song song đó, mẹ cần hạn chế thời gian trẻ ngồi một chỗ thụ động. Hãy giới hạn thời gian trẻ xem tivi, chơi trò chơi hoặc lướt web (không quá 2 giờ mỗi ngày với trẻ trên 6 tuổi và dưới 1 giờ/ngày với trẻ 2-6 tuổi). Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) khuyến nghị không xem truyền hình đối với trẻ em từ 2 tuổi trở xuống.

Các biện pháp chăm sóc trẻ béo phì trên đây chỉ mang tính gợi ý. Nếu mẹ muốn được tư vấn cụ thể về việc xây dựng thực đơn cho trẻ béo phì cũng như thiết lập chế độ vận động phù hợp cho trẻ, mẹ nên đưa trẻ đến khám tại Hệ thống Trung tâm Dinh dưỡng – Y học Vận động Nutrihome. Tại đây, trẻ sẽ được các chuyên gia giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm thăm khám kỹ lưỡng, đánh giá các chỉ số cơ thể quan trọng, từ đó xây dựng phác đồ điều trị riêng để cải thiện chứng thừa cân béo phì ở trẻ.

Đồng thời, các kỹ sư tiết chế sẽ lên thực đơn dinh dưỡng cá thể hóa theo ngày, tuần, tháng dựa trên tình trạng bệnh lý, sở thích và thói quen ăn uống của trẻ. Và các chuyên gia ẩm thực – dinh dưỡng Nutrihome sẽ trực tiếp hướng dẫn mẹ các bước chọn thực phẩm, chế biến món ăn cho trẻ mà mẹ có thể dễ dàng thực hiện tại nhà, giúp mẹ biết cách chăm sóc trẻ béo phì và hỗ trợ điều trị thừa cân béo phì ở trẻ em hiệu quả.

Rate this post
10:43 06/01/2023
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Dịch vụ xét nghiệm 60 dị nguyên giúp tìm nguyên nhân gây dị ứng
Cách làm bữa phụ cho bé tăng cân, cao khỏe và phát triển toàn diện
Công thứ 10 món cháo giúp bé tăng cân vù vù, mẹ lưu ngay
Cách chăm sóc và chế độ ăn cho trẻ suy dinh dưỡng nặng
Bé 4 tháng lười bú chậm tăng cân, cha mẹ phải làm sao?
Suy dinh dưỡng thể phù (Kwashiorkor): Nguyên nhân và điều trị
Thời gian và cách bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh luôn tươi