KIỂM TRA TÌNH TRẠNG DINH DƯỠNG
ĐẶT LỊCH KHÁM
TÌM TRUNG TÂM

Thừa cân béo phì ở trẻ em: cách điều trị và phòng tránh

17/07/2020 Tác giả: Trung tâm Dinh dưỡng Nutrihome
Tư vấn chuyên môn bài viết
Chức Vụ: Cố vấn chuyên môn
Trung tâm Dinh dưỡng Nutrihome

Béo phì ở trẻ em không chỉ khiến trẻ ngừng tăng trưởng sớm mà còn làm tăng nguy cơ mắc chứng ngưng thở khi ngủ, các bệnh lý mạn tính như tiểu đường, tăng huyết áp, một số bệnh ung thư…

Bài viết được sự tư vấn chuyên môn bởi TS.BS Đào Thị Yến Phi, Trưởng Bộ môn Dinh dưỡng, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Cố vấn chuyên môn Trung tâm Dinh dưỡng Nutrihome.

 

Thực trạng trẻ em thừa cân béo phì

Tình trạng thừa cân béo phì ở trẻ em hiện nay

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thừa cân béo phì ở trẻ em hiện đang là vấn nạn toàn cầu với 110 triệu trẻ ở khắp các quốc gia mắc phải. Mỹ có 24% trẻ thừa cân và 16% trẻ béo phì, trong đó 13,9% rơi vào nhóm trẻ 2 – 5 tuổi, 18,4% ở nhóm trẻ 6 – 11 tuổi, 20,6% ở nhóm trẻ 12 – 19 tuổi, hiện đang là nước dẫn đầu về tỷ lệ béo phì. Số trẻ em thừa cân ở châu Á – Thái Bình Dương cũng đang gia tăng nhanh chóng. Cụ thể tại Bangkok, Thái Lan, trong giai đoạn 2000 – 2016 tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi thừa cân đã tăng 38%.

Tại Việt Nam, theo thống kê của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì có xu hướng tăng nhanh trong thập kỷ qua, đặt biệt ở khu vực thành phố. Năm 1996, tỷ lệ béo phì ở trẻ em tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là 12%, sau 13 năm (năm 2009) tỷ lệ này 43%. Kết quả điều tra năm 2014 – 2015, tỷ lệ trẻ béo phì ở thành phố Hồ Chí Minh trên 50%, còn khu vực nội thành Hà Nội khoảng 41%. Các chuyên gia dinh dưỡng gọi tình trạng này là “báo động đỏ” cần có những biện pháp cấp bách để ngăn chặn.

>> Xem thêm: Tác hại của béo phì đối với trẻ em

Thừa cân béo phì là gì?

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xác định tình trạng thừa cân, béo phì như sau:

  • Người được gọi là thừa cân khi có số cân nặng vượt mức cân nặng “nên có” so với chiều cao.
  • Người được gọi là béo phì khi có lượng mỡ tích tụ quá mức tại một số vùng của cơ thể hay toàn thân gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Riêng đối với trẻ em, WHO đánh giá tình trạng thừa cân béo phì dựa vào chỉ số BMI hoặc chỉ số cân nặng và chiều cao (tùy theo từng độ tuổi) của trẻ. Tuy nhiên, để đánh giá đúng tình trạng thừa cân béo phì ở trẻ em và có hướng can thiệp kịp thời, bố mẹ nên đưa trẻ đi khám dinh dưỡng càng sớm càng tốt khi thấy trẻ có những dấu hiệu: tăng cân quá nhiều so với chiều cao, mỡ tích tụ dày ở vùng ngực, nách, bụng, đùi…

Cách đánh giá thừa cân béo phì ở trẻ em

Tính chỉ số BMI

Ở trẻ em, trọng lượng và chiều cao thay đổi theo tuổi, vì vậy chỉ số BMI là so sánh một cách tương đối với trẻ cùng giới tính và tuổi.

>> Xem thêm: Bảng chỉ số BMI trẻ từ 5 – 19 tuổi

BMI = cân nặng / chiều cao2 rồi đối chiếu với biểu đồ tăng trưởng so với trẻ cùng tuổi, cùng giới

Suy dinh dưỡng gầy còm < -2SD
Thiếu cân -2SD đến <-1SD
Bình thường -1SD đến +1SD
Thừa cân >+1SD đến +2SD
Béo phì > +2SD

Tầm soát dinh dưỡng cho trẻ béo phì

Nutrihome là hệ thống trung tâm dinh dưỡng đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam có quy trình thăm khám và điều trị dinh dưỡng chuyên sâu, toàn diện cho mọi đối tượng, đặc biệt trẻ em thừa cân béo phì. Không chỉ thế, Nutrihome còn là trung tâm:

  • Đầu tư hệ thống trang thiết bị, máy móc hiện đại, tiên tiến như máy phân tích thành phần cơ thể – Inbody 770 – dòng máy có nhiều tính năng vượt trội giúp khám phá hơn 50 chỉ số quan trọng của cơ thể, xác định chính xác lượng mỡ thừa trong cơ thể trẻ, lượng mỡ tập trung ở khu vực nào…
  • Có đội ngũ chuyên gia bác sĩ dinh dưỡng hàng đầu, nhiều kinh nghiệm trực tiếp thăm khám, điều trị bệnh béo phì ở trẻ em; đồng thời thiết kế thực đơn ăn uống theo ngày, tuần, tháng và tư vấn cách lựa chọn, chế biến thực phẩm ngon miệng, đảm bảo tối đa dưỡng chất.
  • Có đội ngũ bác sĩ y học thể thao, huấn luyện viên giàu kinh nghiệm xây dựng hệ thống bài tập vận động phù hợp với tình trạng thể chất, độ tuổi của trẻ nhằm nâng cao hiệu quả điều trị béo phì ở trẻ.

Phân loại thừa cân béo phì ở trẻ em

Theo TS.BS Đào Thị Yến Phi, trẻ có bố mẹ bị thừa cân béo phì, trẻ sinh ra có cân nặng vượt chuẩn (chỉ số cân nặng lúc mới sinh lớn hơn 3,5kg), trẻ thích ăn ngọt/ ăn thức ăn nhanh lười vận động, trẻ ăn nhiều vào buổi tối trước khi đi ngủ, trẻ bị căng thẳng/áp lực tâm lý do học tập…sẽ có nguy cơ cao bị thừa cân, béo phì khi lớn lên.

Nguyên nhân gây béo phì ở trẻ

Ăn thức ăn nhanh thường xuyên và lười vận động có thể khiến trẻ béo phì

Béo phì ở trẻ được phân loại như sau:

Béo phì theo nguyên nhân sinh bệnh

  • Béo phì đơn thuần: Loại béo phì này không có nguyên nhân sinh bệnh rõ ràng chiếm tỷ lệ > 90%.
  • Béo phì bệnh lý: Do mắc các bệnh lý nội tiết hay khiếm khuyết di truyền 10%.

Béo phì theo độ tuổi

  • Béo phì xuất hiện sớm: Ở trẻ < 5 tuổi.
  • Béo phì xuất hiện muộn: Ở trẻ > 5 tuổi.

Béo phì theo phân vùng của mô mỡ

  • Béo bụng (mỡ tập trung ở bụng, nguy cơ cao mắc đái tháo đường, bệnh tim mạch…).
  • Béo đùi (mỡ tập trung chủ yếu ở mông và đùi)

Nguyên nhân khiến trẻ béo phì

TS.BS Đào Thị Yến Phi cho biết, có đến 60 – 80% trường hợp trẻ béo phì là do nguyên nhân dinh dưỡng. Trẻ có chế độ ăn giàu chất béo (thức ăn nhanh, thức ăn chiên xào…), chất bột đường (thức ăn nhiều đường gồm kem, chè, bánh ngọt, nước ngọt) đều có liên quan chặt chẽ với tỷ lệ gia tăng béo phì. Thông thường, khẩu phần ăn của trẻ thừa cân béo phì thường vượt mức nhu cầu cần thiết cho sự phát triển của cơ thể. Do đó, phần năng lượng dư thừa sẽ được chuyển hóa thành mỡ và sẽ được tích trữ ở các cơ quan trong cơ thể gồm: mặt, cánh tay, ngực, bụng, bắp đùi, nội tạng…

Ngoài ra, trẻ béo phì còn do các nguyên nhân sau:

  • Yếu tố di truyền: Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng thừa cân, béo phì có tính di truyền. Càng nhiều cá nhân trong gia đình bị thừa cân thì trẻ sinh ra có nguy cơ bị thừa cân rất cao.
  • Lười vận động: Theo nghiên cứu của viện Dinh dưỡng Quốc gia, có mối liên quan giữa tình trạng lười vận động với thừa cân béo phì ở trẻ em. Trong đó, thời gian ngồi trước màn hình (bao gồm cả màn hình máy tính, tivi, điện thoại… ) là nguyên nhân chủ yếu. Hơn nữa, thời gian ngồi một chỗ tăng lên làm giảm thời gian vận động, giảm thể lực, tăng ăn vặt đặc biệt là những loại thực phẩm có nhiều chất béo và đường.
  • Yếu tố tâm lý: Tâm lý chung của nhiều bố mẹ thường cho rằng trẻ nhỏ bụ bẫm mới đáng yêu nhưng không biết được hậu quả của bệnh béo phì ở trẻ em nguy hiểm như thế nào. Thực tế, những đứa trẻ hiếu động, có thói quen chạy nhảy, hoạt động liên tục, thường mạnh khỏe và học hỏi tốt hơn những trẻ bụ bẫm nhưng chậm cả thể chất lẫn tinh thần.
  • Do mắc các bệnh lý như bệnh suy giáp, bệnh cường năng tuyến thượng thận, bệnh tuyến yên, do dùng thuốc…

Những biến chứng do thừa cân béo phì trẻ em gây ra

Trẻ béo phì là do sự tăng các khối mỡ bất thường trên toàn cơ thể. Chính sự tăng khối mỡ bất thường này đã gây nhiều rối loạn, khiến cơ thể có nguy cơ mắc các bệnh lý sau:

  • Tăng cholesterol – rối loạn chuyển hóa mỡ làm tăng LDL – C, tăng triglycerid, giảm HDL – C, thúc đẩy gan nhiễm mỡ.
  • Tăng huyết áp do vữa xơ động mạch: Ăn nhiều đồ ngọt gây phản ứng viêm mãn tính trong lòng mạch tạo cơ hội lắng đọng LDL – C “mỡ xấu” gây xơ vữa, hẹp và xơ hóa lòng mạch, kích thích sản sinh adrenergic làm tăng huyết áp.
  • Xuất hiện bệnh tim mạch sớm.

Hiểm họa khôn lường

  • Xuất hiện bệnh đái tháo đường tuýp 2. Do khối mỡ tăng, triglycerid ức chế hoạt động của insulin nên glucose không vận chuyển vào trong tế bào được, chúng cứ nằm trong lòng mạch gây tăng đường huyết dẫn đến đái tháo đường.
  • Rối loạn nội tiết: Bé gái béo phì dễ bị u nang buồng trứng, rối loạn kinh nguyệt, mất kinh và dậy thì sớm. Bé trai béo phì dễ rối loạn nội tiết testosterone giảm, estrogen tăng nên vú to, nói giọng kim.
  • Bệnh lý xương khớp: Mỡ đọng dưới các khớp khiến gân khó cử động gây cứng khớp, trẻ đi chậm, không thích chạy nhảy, vui đùa. Do rối loạn chuyển hóa, thiếu canxi đi vào xương nên một số trẻ có dấu hiệu đau nhức xương, loãng xương sớm.
  • Rối loạn hô hấp: Mỡ bám vào vùng họng hầu làm đường thở hẹp nên trẻ ngủ ngáy, thiếu oxy, hay ngáp, béo phì từ độ 3 trở lên sẽ có những cơn ngừng thở khi ngủ. Ở Mỹ, 27% trẻ béo phì có biểu hiện ngừng thở khi ngủ.
  • Rối loạn giấc ngủ: Ngủ nhiều nhưng não vẫn thiếu oxy vì nhịp thở nhanh, nông, ngủ dậy mệt mỏi, kém tập trung.
  • Suy giảm trí thông minh: Do các tế bào thần kinh bị quá trình viêm mãn tính hủy hoại, vùng ghi nhớ và khả năng điều hành của não kém.
  • Rối loạn trên da: rạn da, gai đen thường ở những trẻ béo bụng, có đề kháng insulin.
  • Rối loạn tâm lý: trẻ tự ti về cơ thể, vì chậm chạp nên không tham gia các trò chơi vận động, dễ bị giễu cợt, bị bắt nạt.
  • Ngoài ra còn có nhiều nghiên cứu cảnh báo về tình trạng béo phì ở trẻ em đó là: 75% trẻ béo phì sẽ trở thành người lớn béo phì.

Nguyên tắc điều trị thừa cân, béo phì ở trẻ

Theo những nghiên cứu đáng tin cậy của các nhà khoa học công tác tại các trường Đại Học và bệnh viện trên khắp thế giới, những trẻ thừa cân béo phì để giảm cân bên cạnh việc tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý và tăng cường vận động. Cụ thể:

Thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý

  • Khẩu phần của trẻ cần đa dạng cân đối hợp lý, nên phối hợp nhiều loại thức ăn, tránh ăn một loại thực phẩm nào đó.
  • Cho trẻ ăn đúng giờ, chia nhiều bữa để không no không đói, ăn trước khi đói và dừng ăn trước khi vừa no, hạn chế ăn sau 8 giờ tối.
  • Ăn chậm, nhai kỹ. Mỗi bữa ăn kéo dài khoảng 20 phút.
  • Hạn chế các thức ăn/uống giàu năng lượng như: da động vật, thức ăn chiên xào, chè, bánh, kẹo, nước có đường, trái cây quá ngọt, nước ngọt… Nên ăn nhiều rau xanh, quả ít ngọt, cho trẻ uống sữa tươi không đường hoặc sữa không đường tách béo.

Thực hiện vận động phù hợp

Khi vận động, tim hoạt động tích cực hơn, máu mang nhiều oxy, dưỡng chất cần thiết đến nuôi dưỡng các bộ phận trong cơ thể. Nhờ đó, não bộ cũng hoạt động hiệu quả. Các hoạt động như tập thể dục, kéo co… đều góp phần kích thích tăng trưởng nơron nuôi dưỡng các khớp thần kinh, tăng khả năng nhớ lâu, tiếp thu. Nghiên cứu năm 2015 của trường College of Sports Medicine (Mỹ) cho thấy, những học sinh vận động nhiều thường đạt kết quả học tập cao, thông minh, khỏe mạnh và thân hình cân đối hơn những trẻ ít vận động.

Từ bây giờ bố mẹ hãy: Tạo niềm thích thú của trẻ với các hoạt động thể thao, khuyến khích vận động theo sở thích, tăng dần cường độ và thời gian (thời gian tập ít nhất 30 phút/lần và 5 ngày/ tuần), nên cho trẻ làm việc nhà, tưới cây, đi cầu thang bộ, hạn chế ngồi xem tivi, chơi điện thoại, tập cho trẻ thói quen ngủ sớm, ngủ đủ giấc…

Phòng ngừa béo phì trẻ em

Thừa cân, béo phì ở trẻ ngoài ảnh hưởng đến học tập, tâm lý tự ti còn khiến trẻ phải đối diện với nhiều nguy cơ bệnh tật. Dưới đây là những khuyến nghị của tiến sĩ Mary L. Gavin về cách phòng ngừa bệnh béo phì ở trẻ em theo độ tuổi dành cho các bố mẹ:

  • Với trẻ nhũ nhi: Mẹ cần cho con bú sữa mẹ, sữa mẹ ngoài chứa kháng thể giúp trẻ phòng tránh bệnh vặt còn giúp trẻ không bị béo phì.
  • Với trẻ từ 1 – 5 tuổi: Cho trẻ ăn đủ chất, cân đối và bắt đầu hướng dẫn những trò chơi vận động, đưa trẻ ra ngoài trời tắm nắng tăng vitamin D, tránh còi xương.

>> Xem thêm: Chế độ ăn cho trẻ béo phì

Làm gì khi trẻ thừa cân béo phì

Tăng cường cho trẻ vận động ngoài trời vừa giúp trẻ tránh còi xương, vừa giúp trẻ hạn chế thừa cân, béo phì

  • Với trẻ từ 6 – 12 tuổi: Giai đoạn này trẻ bắt đầu đến trường, vì vậy bố mẹ nên khuyến khích trẻ ăn nhiều rau xanh, hạn chế ăn quá nhiều chất ngọt và chất béo. Ngoài ra, bố mẹ cũng nên khuyến khích trẻ chơi các trò chơi vận động có lợi cho sự phát triển chiều cao như đi bộ, đi xe đạp, bơi lội, chơi đá bóng… mỗi ngày.
  • Trẻ từ 13 – 18 tuổi: Dạy trẻ cách ăn uống khoa học, lành mạnh để tránh trẻ béo phì bằng cách nhờ trẻ tìm hiểu, chọn lựa những thực phẩm tốt cho sức khỏe của cả gia đình. Đồng thời giúp trẻ nhận ra tầm quan trọng của việc luyện tập thể dục thể thao hàng ngày.

Lưu ý chung cho các lứa tuổi: Để tránh bệnh béo phì ở trẻ em ngày càng gia tăng, bố mẹ không cho trẻ xem tivi/ chơi game trong bữa ăn; yêu cầu trẻ đi ngủ sớm; thường xuyên nấu cho trẻ ăn ở nhà, cân đối chế độ ăn cân bằng 4 nhóm dưỡng chất (đạm, béo, bột đường, vitamin & khoáng chất). Cuối cùng, nên khuyến khích trẻ vận động mỗi ngày… Nếu cảm thấy khó khăn trong việc thiết kế thực đơn ăn uống cho trẻ cũng như chế độ vận động giúp trẻ phòng ngừa béo phì hoặc điều trị béo phì, bố mẹ hãy đưa trẻ đến thăm khám, tư vấn tại Trung tâm Dinh dưỡng Nutrihome để có thể đạt được mục tiêu.

Rate this post
17:09 15/03/2023
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Men gan cao nên ăn gì để hạ men gan: 27 thực phẩm tốt nhất
Các bài tập tăng chiều cao cho trẻ
6 Cách tăng chiều cao cho trẻ tối ưu, ba mẹ “bỏ túi” ngay
Làm thế nào ngăn chặn biến chứng thừa cân béo phì ở trẻ?
Thực phẩm bổ sung dinh dưỡng cho trẻ thiếu kẽm
Thực đơn ăn dặm giúp bé thông minh hơn
Làm sao biết trẻ thiếu canxi? Và những hậu quả khôn lường

Discover more from Nutrihome

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading