Chế độ dinh dưỡng cho bà bầu 3 tháng đầu thai kỳ của mẹ chuẩn

06/05/2023 Theo dỗi Nutrihome trên google news
Tư vấn chuyên môn bài viết
Chức Vụ: Trợ lý Giám đốc Y khoa
Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome

Chế độ dinh dưỡng cho bà bầu 3 tháng đầu không phải là một chế độ ăn uống hết sức kiêng khem hay tập trung bồi bổ “vô tội vạ”. Ngược lại, trong suốt 3 tháng đầu của thai kỳ, mẹ chỉ cần ăn uống một cách có chọn lọc để đáp ứng vừa đủ nhu cầu dinh dưỡng mà cơ thể cần. Vậy, chế độ ăn cho bà bầu 3 tháng đầu như thế nào là vừa đủ? Đâu là khuyến cáo chính thức của Viện Dinh dưỡng Quốc gia về chế độ dinh dưỡng 3 tháng đầu thai kỳ mà mẹ bầu cần quan tâm? Hãy cùng Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome tìm hiểu ngay trong bài viết sau.

chế độ dinh dưỡng cho bà bầu 3 tháng đầu

Chế độ dinh dưỡng cho bà bầu 3 tháng đầu như thế nào là chuẩn?

Trong 3 tháng đầu của thai kỳ, hầu hết các cơ quan chính của thai nhi đều bắt đầu hình thành và phát triển. Lúc này, mọi bào thai đều cần trải qua 7 giai đoạn phát triển quan trọng, bao gồm việc hình thành nhau thai, hình thành phôi thai, phát triển hệ thống thần kinh, tim, hệ tuần hoàn, nội tạng, cơ, xương và các giác quan khác.

Như vậy, trong suốt 12 tuần đầu tiên của thai kỳ, thai nhi về cơ bản đã hình thành đầy đủ số lượng các bộ phận cơ bản trên cơ thể con người. Để quá trình này diễn ra thật trọn vẹn, dinh dưỡng đóng vai trò hết sức quan trọng và là một phần không thể thiếu trong kế hoạch dưỡng thai của mẹ.

Tầm quan trọng trong đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho bà bầu 3 tháng đầu

Việc xây dựng một chế độ dinh dưỡng cho bà bầu 3 tháng đầu là việc làm rất quan trọng bởi nó mang lại nhiều lợi ích sức khỏe to lớn cho cả mẹ và bé. Cụ thể:

1. Lợi ích cho mẹ

  • Giảm nguy cơ bệnh lý: Chế độ dinh dưỡng tốt giúp giảm nguy cơ bị thiếu máu, tiền sản giật, tiểu đường thai kỳ, lưu thai và các bệnh lý khác có thể ảnh hưởng tới sức khỏe và tính mạng của mẹ và bé;
  • Giảm nghén: Cung cấp đủ vitamin B6, vitamin C, vitamin K và chất xơ giúp hạn chế tình trạng nghén, buồn nôn, giúp mẹ cảm thấy dễ chịu hơn trong 3 tháng đầu mang thai;
  • Tăng cường sức khỏe và năng lượng: Khi ăn uống đủ chất, mẹ bầu sẽ có đủ năng lượng để thực hiện các hoạt động hàng ngày, giúp mẹ duy trì được một sức khỏe tốt với tinh thần thoải mái, từ đó tạo nền tảng phát triển ổn định cho thai nhi.

2. Lợi ích cho bé

  • Phát triển não bộ: Một chế độ ăn uống cho bà bầu 3 tháng đầu giàu axit folic, omega-3, DHA, taurine, choline,…sẽ giúp não bộ của thai nhi phát triển toàn diện, giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh và các bệnh lý sa sút trí tuệ khác;
  • Ngăn ngừa bệnh tật: Việc cung cấp đủ vitamin A, D, E, K và các khoáng chất quan trọng như sắt, kẽm, i-ốt,… giúp các cơ quan nội tạng của thai nhi phát triển đầy đủ, khỏe mạnh, hạn chế được các nguy cơ gây thiếu máu và dị tật bẩm sinh;
  • Tăng trưởng đạt chuẩn: Khi chế độ ăn của bà bầu 3 tháng đầu được thiết kế khoa học, thai nhi sẽ nhận được đầy đủ năng lượng để phát triển toàn diện, dễ dàng đạt được các mốc cân nặng và chiều dài tiêu chuẩn theo Bảng kích thướccân nặng chuẩn của thai nhi do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ban hành; từ đó, giảm được nguy cơ bị suy dinh dưỡng bào thai, sinh non hay bị lưu thai.

Tóm lại, việc xây dựng một chế độ dinh dưỡng cho bà bầu 3 tháng đầu khoa học không chỉ giúp mẹ duy trì được một sức khỏe tốt mà còn góp phần tạo nền tảng vững chắc cho sự khỏe mạnh của bé sau khi sinh ra.

Tầm quan trọng trong đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho bà bầu 3 tháng đầu

Một chế độ dinh dưỡng cho bà bầu 3 tháng đầu khoa học đem lại nhiều lợi ích sức khỏe cho cả mẹ và bé

Nhu cầu dinh dưỡng của bà bầu mang thai 3 tháng đầu thai kỳ

Trong 3 tháng đầu của thai kỳ, bất kỳ sự thiếu hụt dinh dưỡng nào cũng có thể làm tổn hại đến sự phát triển của thai nhi. Do đó, việc hiểu rõ về nhu cầu dinh dưỡng của sản phụ trong tam cá nguyệt đầu tiên sẽ giúp cả mẹ và bé có một thai kỳ trọn vẹn nhất. Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, nhu cầu dinh dưỡng trong 3 tháng đầu thai kỳ của mẹ bầu bao gồm:

  • Năng lượng: Mẹ cần cung cấp cho cơ thể từ 1780 – 2100 calo mỗi ngày nhằm đảm bảo thai nhi có đủ năng lượng cần thiết để phát triển;
  • Chất đường bột: Đóng vai trò là nguồn năng lượng chính cho cơ thể trong chế độ dinh dưỡng cho bà bầu 3 tháng đầu. Trong giai đoạn này, nhu cầu chất đường bột của sản phụ chỉ cần tăng từ 7 – 10g / ngày so với trước khi mang thai. Theo đó, sản phụ cần bổ sung từ 297 – 370g tinh bột mỗi ngày để đảm bảo thai nhi phát triển toàn diện;
  • Chất đạm: Đạm là thành phần cơ bản của mọi tế bào trong cơ thể, bao gồm cả tế bào của thai nhi. Sản phụ cần khoảng 61g đạm mỗi ngày trong giai đoạn này – tức chỉ cần tăng khoảng 1g đạm / ngày so với trước khi mang thai là đã đủ để thai nhi phát triển khỏe mạnh;
  • Chất béo: Chất béo cung cấp năng lượng và là nguồn cung cấp axit béo thiết yếu cho sự phát triển của não bộ của thai nhi. Trong chế độ ăn của bà bầu 3 tháng đầu cần cung cấp đầy đủ từ 46.5 – 58.5g chất béo mỗi ngày để thai nhi phát triển khỏe mạnh. Trong đó, hàm lượng chất béo xấu (chất béo bão hòa, cholesterol, trans fat,…) không được vượt quá 10% tổng năng lượng khẩu phần ăn hàng ngày;
  • Vitamin và khoáng chất: Thiếu vitamin và khoáng chất có thể gây nên các biến chứng thai kỳ nguy hiểm. Do đó, chế độ ăn uống cho bà bầu 3 tháng đầu cần cung cấp đầy đủ vitamin A, vitamin B9 (axit folic), vitamin C, vitamin D, sắt, kẽm, i-ốt,c choline để thai nhi phát triển khỏe mạnh..
  • Nước: Sản phụ cần đảm bảo uống đủ 1.6 lít nước mỗi ngày nhằm hỗ trợ cơ thể giải độc và đảm bảo các hoạt động trao đổi chất diễn ra hiệu quả hơn.

Nghiên cứu cho thấy, ở những người mẹ được ăn đầy đủ chất dinh dưỡng thì tỷ lệ sinh con nhẹ cân ở những bà mẹ khỏe mạnh thấp hơn đáng kể so với những bà mẹ ăn uống thiếu chất. Như vậy, để con sinh ra không bị nhẹ cân, mẹ cần chú ý đến việc xây dựng một thực đơn cho bà bầu 3 tháng đầu thật khoa học bằng cách lựa chọn thực phẩm đa dạng, chất lượng kết hợp với việc sử dụng thêm các viên bổ sung vitamin và khoáng chất theo chỉ định của bác sĩ.

Tháp dinh dưỡng cho bà bầu 3 tháng đầu

Tháp dinh dưỡng cho bà bầu là một công cụ hữu ích do Viện Dinh dưỡng Quốc gia ban hành nhằm hướng dẫn cho sản phụ cách xây dựng một chế độ dinh dưỡng 3 tháng đầu thai kỳ khoa học, cân bằng và cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho cả mẹ và bé. Cụ thể:

Tháp dinh dưỡng cho bà bầu 3 tháng đầu

Tháp dinh dưỡng hợp lý cho bà bầu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia

1. Tầng đáy: Nước

Uổng đủ nước là điều kiện cơ bản nhất để duy trì một thai kỳ khỏe mạnh. Nguyên nhân là bởi nước giúp tối ưu hoạt động trao đổi chất, hòa tan một số loại vitamin cho cơ thể hấp thụ như vitamin B2, B3, B6, B12 và vitamin C. Không những thế, nước còn giúp ngăn ngừa táo bón, hỗ trợ thải độc, tạo môi trường sống (nước ối) cho thai nhi và là chất nền cơ bản để cơ thể tăng cường dung tích máu nuôi dưỡng bào thai.

Trong cơ thể con người, nước không thể được tổng hợp mà còn rất dễ bị thất thoát thông qua sự bài tiết phân, nước tiểu, mồ hôi và hơi thở,… Do đó, việc bổ sung tối thiểu 1600ml nước mỗi ngày trong chế độ dinh dưỡng cho bà bầu 3 tháng đầu là tiêu chí cơ bản nhất được Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến cáo nhằm đảm bảo sức khỏe nền tảng cho cả mẹ và thai nhi.

2. Tầng 2: Ngũ cốc

Ngũ cốc là một nhóm thực phẩm bao gồm hạt giống của những loại cây lương thực, những loại cây thuộc họ ngũ cốc và những chế phẩm từ chúng, chẳng hạn như:

  • Lương thực và ngũ cốc: Gồm gạo tẻ, lúa mì, lúa mạch, khoai tây, ngô, khoai lang, hạt vừng, v.v…
  • Chế phẩm từ ngũ cốc: Gồm bánh phở, hủ tiếu, bún, miến, mì ống, bánh mì tươi, bánh mì sandwich, v.v…

Ngoài việc là nguồn cung cấp năng lượng và chất đường bột chính cho cơ thể, ngũ cốc còn chứa nhiều chất dinh dưỡng như vitamin nhóm B (B2, B3, B9, B12,…), vitamin C, vitamin E, sắt, kẽm chất xơ và chất đạm, giúp mẹ giảm thiểu nguy cơ bị táo bón, thiếu máu, đái tháo đường và nhiều biến chứng thai kỳ nguy hiểm khác.

Do đó, theo Viện Dinh dưỡng Quốc Gia, chế độ dinh dưỡng cho bà bầu 3 tháng đầu cần cung cấp đầy đủ cho cơ thể 12 đơn vị ngũ cốc mỗi ngày. Khẩu phần này tương đương với 660g cơm trắng / 324g bánh mì sandwich / 1140g khoai tây / 1008g khoai lang / 720g phở / 720g ngô hoặc 324g bánh mì tươi mỗi ngày.

Tháp dinh dưỡng cho bà bầu 3 tháng đầu

Ngũ cốc là nguồn cung cấp năng lượng chính trong chế độ dinh dưỡng cho bà bầu 3 tháng đầu

3. Tầng 3: Rau và quả

Rau và quả là nguồn cung cấp vitamin, khoáng chất và chất xơ dồi dào cho cơ thể. Nhờ đó, bổ sung rau và quả đầy đủ vào khẩu phần ăn có thể giúp thai phụ ngăn ngừa tình trạng thiếu vi chất và cải thiện sức khỏe đường ruột.

Không những thế, trong rau quả còn chứa nhiều hợp chất chống oxy hóa mạnh như polyphenols, flavonoids, carotenoids,… giúp mẹ tăng cường sức đề kháng, đủ sức để “chống chọi” lại sự tấn công từ các gốc tự do vào DNA và gây nên các bệnh lý nghiêm trọng như bệnh tim mạch, tiền sản giật, đái tháo đường và các dị tật thai nhi khác.

Do đó, theo Viện Dinh dưỡng Quốc Gia, trong suốt 3 tháng đầu của thai kỳ, mỗi ngày thai phụ cần nên bổ sung đầy đủ:

  • 3 đơn vị rau: Tương đương với 240g rau sống bất kỳ (rau muống, rau dền, bắp cải, mồng tơi, bó xôi,…) / 1.5 bát rau lá đã nấu chín / 1 bát rau củ đã nấu chín / 30 lát bí xanh / 1.5 quả dưa leo hoặc 1.5 quả cà chua;
  • 3 đơn vị quả: Tương đương với 240g trái cây bất kỳ, chẳng hạn như 3 quả ổi (hoặc quýt, na, chuối) cỡ nhỏ / 3 miếng dưa hấu / 9 múi bưởi / 1.5 quả xoài chín / 30 quả nho hoặc ¾ quả thanh long.
chế độ ăn cho bà bầu 3 tháng đầu, rau củ quả

Rau củ quả là nguồn cung cấp vitamin, khoáng chất, chất xơ và các chất chống oxy hóa quan trọng trong chế độ dinh dưỡng cho bà bầu 3 tháng đầu

4. Tầng 4: Thịt, hải sản, trứng và các loại đậu

Thịt, hải sản, trứng và các loại đậu là nguồn cung cấp chất đạm (protein), vitamin A, sắt, kẽm và omega 3 dồi dào cho cơ thể. Trong khi protein là thành phần chính cấu tạo nên tế bào, enzyme, hormone và trực tiếp vận chuyển oxy đi nuôi cơ thể thì:

  • Vitamin A: Giúp các tế bào phôi thai phát triển và biệt hóa tốt hơn;
  • Sắt: Hỗ trợ phòng ngừa bệnh thiếu máu;
  • Kẽm: Giúp tăng cường hệ miễn dịch;
  • Omega 3: Giúp thai nhi tăng cường phát triển não bộ, hệ thần kinh, thị lực, cải thiện cân nặng và giúp thai phụ bảo vệ sức khỏe tim mạch.

Do đó, trong suốt 3 tháng đầu của thai kỳ, Viện Dinh dưỡng Quốc Gia khuyến cáo mỗi ngày thai phụ cần nên bổ sung đầy đủ 5 đơn vị thịt, hải sản, trứng và các loại đậu. Khẩu phần này tương đương với 155g thịt lợn nạc / 210g thịt gà / 235g trứng gà / 175g phi lê cá / 150g tôm chưa bóc vỏ hoặc 290g đậu phụ.

chế độ ăn cho mẹ bầu 3 tháng đầu, đạm thịt cá

Thịt, hải sản, trứng và các loại đậu là nguồn cung cấp chất đạm chính trong chế độ dinh dưỡng cho bà bầu 3 tháng đầu

5. Tầng 5: Sữa và các chế phẩm từ sữa

Sữa và các chế phẩm từ sữa là nguồn thực phẩm tự nhiên hiếm hoi có thể cung cấp cùng một lúc cho cơ thể rất nhiều canxi, magiê, chất đạm, chất béo, vitamin D, choline cùng hơn hàng chục vitamin và khoáng chất khác. Vì thế, bổ sung sữa vào khẩu phần ăn sẽ giúp mẹ không cần phải ép bản thân ăn uống quá nhiều, gây tăng cân “vô tội vạ” mà vẫn cung cấp được đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể.

Sữa giúp thai nhi phát triển toàn diện cả về chiều dài, cân nặng, hệ thần kinh, hệ cơ xương khớp, hệ miễn dịch, thị lực và các cơ quan nội tạng khác. Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, mỗi ngày mẹ cần bổ sung 300ml sữa tươi / 300g sữa chua hoặc 45g phô mai trong suốt 3 tháng đầu của thai kỳ để cơ thể không bị thiếu chất, đồng thời tạo điều kiện cho thai nhi phát triển tối ưu.

chế độ ăn uống cho bà bầu 3 tháng đầu, sữa

Sữa và các chế phẩm từ sữa là nguồn cung cấp dồi dào canxi, magiê và vitamin D cho cơ thể

6. Tầng 6: Dầu mỡ, chất béo

Chất béo tham gia trực tiếp vào việc cấu thành nên màng tế bào, đồng thời giúp cơ thể dự trữ năng lượng và hòa tan một số loại vitamin (A, D, E, K) để cơ thể hấp thụ. Không những thế, theo nghiên cứu, một số loại chất béo tốt như omega 3 và omega 6 còn có tính năng kháng viêm, hỗ trợ ngăn ngừa các bệnh lý liên quan đến viêm và nhiễm trùng trong thai kỳ.

Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, mẹ bầu nên bổ sung đầy đủ 5 đơn vị dầu ăn mỗi ngày và duy trì suốt 3 tháng đầu của thai kỳ. Khẩu phần chất béo này tương đương với 5 muỗng cà phê (25g) dầu thực vật / 5 muỗng cà phê (25g) mỡ động vật hoặc 30g bơ. Trong đó, tỉ lệ chất béo tốt (như axit linoleic, axit linolenic, DHA,…) đến từ dầu thực vật, bơ thực vật (margarine) và mỡ cá béo nên chiếm tối thiểu từ 50 – 70% tổng lượng chất béo mà mẹ ăn mỗi ngày.

chế độ ăn của bà bầu 3 tháng đầu, chất béo tốt

Chất béo tốt thường có nhiều trong các loại dầu thực vật, mỡ cá béo, các loại hạt, đậu và trái bơ

7. Tầng 7: Đường và muối

Ngoài việc là gia vị cho món ăn thêm phần hấp dẫn, đường và muối cũng có tác động không nhỏ đến sức khỏe của sản phụ và thai nhi. Việc bổ sung quá nhiều đường có thể làm tăng nguy cơ khiến mẹ bị béo phì, đái tháo đường, gan nhiễm mỡ hoặc mỡ trong máu, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của thai nhi. Trong khi đó, ăn quá nhiều muối có thể khiến mẹ bị cao huyết áp, suy thận và mắc các bệnh về tim.

Do đó, Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến cáo, mẹ bầu trong 3 tháng đầu của thai kỳ không nên ăn quá 5g muối và 25g đường hoặc 30g mật ong hoặc 40g kẹo lạc nhằm duy trì sự ổn định cho sự phát triển bình thường của thai nhi.

chế độ dinh dưỡng 3 tháng đầu thai kỳ, đường muối

Mẹ bầu không nên ăn quá 5g muối mỗi ngày

Chế độ dinh dưỡng cho bà bầu 3 tháng đầu theo từng tháng

1. Dinh dưỡng khi mang thai tháng thứ nhất

Nhìn chung, ở tháng mang thai thứ nhất, mẹ không cần phải áp lực bồi bổ bản thân quá nhiều mà chỉ cần ăn nhiều hơn 50 calo mỗi ngày so với trước khi mang thai, kết hợp với việc uống thêm các loại thuốc chứa 60mg sắt và 400mcg acid folic mỗi ngày, là đã đủ điều kiện để thai nhi phát triển khỏe mạnh.

Trong tháng đầu mang thai, mẹ thường hay có những cơn mệt mỏi và buồn nôn (ốm nghén) bất chợt. Do đó, mẹ không nên ăn quá no trong một cữ mà nên chia khẩu phần ăn trong ngày thành 6 cữ, gồm 3 bữa chính – diễn ra vào lúc 7h, 11h và 17h và 3 bữa phụ – diễn ra vào lúc 9h, 14h và 20h. Điều này sẽ giúp mẹ dễ tiêu hóa hơn và giảm thiểu được tình trạng nôn mửa quá mức.

Trong việc lựa chọn thực phẩm, mẹ nên ăn nhiều thực phẩm chứa nhiều chất xơ để ngăn ngừa tình trạng táo bón – một bệnh lý cực kỳ phổ biến xảy ra với hơn 35% mẹ bầu trong 3 tháng đầu mang thai. Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, mẹ nên bổ sung ít nhất 25g chất xơ mỗi ngày từ các loại rau, củ, quả, đậu và hạt để việc tiêu hóa diễn ra dễ dàng hơn, hỗ trợ cơ thể hấp thu dinh dưỡng trọn vẹn, nuôi dưỡng thai nhi khỏe mạnh.

Đặc biệt, mẹ nên biết rằng trong suốt 4 tuần đầu tiên của thai kỳ, trứng mới chỉ đang được thụ tinh, phôi thai đang hình thành nên gần như trọng lượng thai nhi lúc này còn chưa đạt tới mức 1 gam. Chính vì thế, việc ăn uống, bồi bổ quá nhiều cũng không giúp thai nhi phát triển nhanh hơn. Dinh dưỡng chủ yếu trong tháng mang thai thứ nhất chỉ nên dừng lại ở mức vừa đủ nhằm hỗ trợ cơ thể ngăn ngừa bệnh tật, cũng như tạo nền tảng sức khỏe ổn định cho những tháng mang thai kế tiếp.

Chế độ dinh dưỡng cho bà bầu 3 tháng đầu theo từng tháng, tháng thứ 1

Tình trạng ốm nghén thường xuyên diễn ra ở tháng thứ nhất nên mẹ không nên ăn quá no trong 1 cữ ăn

2. Dinh dưỡng khi mang thai tháng thứ 2

Bước sang tháng thứ 2, thai nhi mất hai tuần đầu tiên để hình thành hệ thần kinh và mất thêm một tuần kế tiếp để hoàn thiện phôi thai. Cuối cùng, thai nhi sẽ đạt kích thước là 1.6cm với cân nặng khoảng 1 gam vào cuối tháng thứ 2 của thai kỳ. Do đó, về mặt năng lượng, mẹ không cần phải ăn quá nhiều khi bước sang tháng mang thai thứ 2 mà thậm chí, mẹ vẫn có thể giữ nguyên khối lượng thực phẩm tương tự như khẩu phần đã ăn trong tháng thứ nhất.

Về mặt chất lượng dinh dưỡng thì trong tháng mang thai thứ 2, mẹ cần đặc biệt chú ý bổ sung đầy đủ acid folic và Omega-3 (đặc biệt là DHA) để hệ thần kinh của trẻ được phát triển toàn diện. Bất kỳ sự thiếu hụt acid folic nào diễn ra trong tuần thứ 5 và thứ 6 của thai kỳ đều có thể khiến trẻ bị dị tật ống thần kinh và mắc bệnh nứt cột sống cực kỳ nguy hiểm.

Dinh dưỡng khi mang thai tháng thứ 2

Bổ sung đầy đủ sắt và acid folic vẫn là mối quan tâm hàng đầu trong chế độ dinh dưỡng cho bà bầu suốt tháng thứ 2 của thai kỳ

3. Dinh dưỡng khi mang thai tháng thứ 3

Bước sang tháng mang thai thứ 3, tình trạng ốm nghén của mẹ cũng đỡ hơn nhiều so với 2 tháng đầu. Đến cuối tuần thai thứ 12, một bào thai khỏe mạnh thực sự cũng mới chỉ đạt 14g về cân nặng. Do đó, về mặt dinh dưỡng, mẹ không cần tự áp lực bản thân phải ăn thêm quá nhiều trong tháng thứ 3 mà chỉ cần ăn đa dạng, đủ chất, kết hợp với việc bổ sung đầy đủ thuốc sắt, acid folic và omega-3 cho cơ thể.

Nếu được áp dụng một chế độ dinh dưỡng đúng cách ngay từ những tháng đầu tiên của thai kỳ thì bước sang cuối tháng thứ 3, mẹ bầu chỉ cần tăng trung bình khoảng 1kg so với trước khi mang thai, là đã đủ để cơ thể duy trì được một kỳ thai khỏe mạnh.

Dinh dưỡng khi mang thai tháng thứ 3

Bên cạnh sắt và acid folic, mẹ cần tăng cường bổ sung các loại thực phẩm giàu omega-3 để giúp trẻ phát triển não bộ toàn diện

Các chất dinh dưỡng quan trọng đối với mẹ bầu 3 tháng đầu

Cơ thể con người cần hơn 13 loại vitamin và 14 khoáng chất thiết yếu khác nhau để phát triển khỏe mạnh. Bất kỳ sự thiếu hụt vitamin hoặc khoáng chất nào ở mức độ nghiêm trọng đều có thể khiến thai kỳ gặp các biến chứng nguy hiểm như suy dinh dưỡng bào thai, dị tật thai nhi, sinh non hay thậm chí là khiến mẹ bị lưu thai.

Tuy nhiên, trong 3 tháng đầu tiên của thai kỳ, mẹ rất dễ bị thiếu hụt axit folic, sắt, vitamin A,… và một số vi chất dinh dưỡng cho bà bầu quan trọng khác. Do đó, bên cạnh việc duy trì một chế độ ăn uống đa dạng và đủ chất, mẹ cần chú ý bổ sung thêm một số loại vi chất dinh dưỡng sau theo đúng hàm lượng khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia:

1. Axit folic (600 mcg / ngày)

Axit folic (hay còn gọi là vitamin B9) là hợp chất trực tiếp tham gia vào quá trình hình thành ống thần kinh trong não bộ của bé cũng như quá trình tạo máu trong tủy xương của mẹ. Do đó, mẹ bầu cần phải bổ sung đầy đủ 600 mcg axit folic mỗi ngày để ngăn ngừa được dị tật ống thần kinh và bệnh thiếu máu do thiếu axit folic.

2. Sắt (41.1 mg / ngày)

Sắt đóng vai trò là thành phần chính của huyết sắc tố hemoglobin, giúp vận chuyển oxy đi nuôi toàn cơ thể. Thiếu sắt sẽ gây nên bệnh thiếu máu do thiếu sắt – một bệnh lý rối loạn dinh dưỡng phổ biến đe doạ hơn 22% sản phụ trên toàn cầu. Do đó, mẹ cần bổ sung đầy đủ ít nhất 41.1 mg sắt mỗi ngày để cơ thể tăng cường sản xuất hồng cầu và ngăn ngừa bệnh thiếu máu cho cả mẹ và con.

3. Vitamin A (650 mcg / ngày)

Vitamin A giúp thai nhi hoàn thiện về thị giác, hệ miễn dịch và ngăn ngừa tình trạng suy dinh dưỡng bào thai. Do đó, mẹ cần bổ sung đầy đủ 650 mcg vitamin A mỗi ngày để đảm bảo thai nhi phát triển toàn diện nhất. Tuy nhiên, việc cần bổ sung vitamin A cần được bổ sung theo đúng chỉ định của bác sĩ vì tiêu thụ quá liều vitamin A có thể gây dị tật thai nhi.

4. Vitamin C (110 mg / ngày)

Vitamin C giúp cơ thể đối phó tốt hơn với các mầm bệnh, hỗ trợ tăng cường sức đề kháng và làm giảm nguy cơ nhiễm trùng. Đồng thời, vitamin C còn cải thiện mức độ hấp thu sắt và giúp cơ thể ngăn ngừa bệnh thiếu máu do thiếu sắt. Vì thế, việc bổ sung đầy đủ 110 mg vitamin C mỗi ngày là liều dùng được Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến cáo để mẹ có được một thai kỳ khỏe mạnh.

dinh dưỡng quan trọng đối với mẹ bầu 3 tháng đầu. vitamin C

Vitamin C giúp mẹ tăng cường sức đề kháng trong thai kỳ

5. Vitamin D ( 20 mcg / ngày)

Cơ thể mẹ bầu cần 20 mcg vitamin D mỗi ngày để duy trì sức đề kháng tối ưu, giúp thai nhi sẵn sàng để phát triển tối ưu hệ xương khớp trong tam cá nguyệt thứ hai, hỗ trợ ngăn ngừa được bệnh suy dinh dưỡng, sinh non và chứng rối loạn tăng động giảm sau sinh của trẻ.

6. I-ốt (220 mcg / ngày)

Theo nghiên cứu, nhu cầu i-ốt của mẹ tăng hơn 50% trong thời kỳ mang thai. Trong thai kỳ, i-ốt giúp cho quá trình tổng hợp hóc-môn tuyến giáp và sự phát triển thần kinh của thai nhi được diễn ra bình thường. Ngược lại, thiếu i-ốt có thể làm tăng nguy cơ trẻ sinh ra bị chậm phát triển trí não, tự kỷ, đần độn và khiến mẹ bị suy giáp. Do đó, Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến cáo mẹ cần bổ sung đầy đủ 220 mcg i-ốt mỗi ngày để thai nhi phát triển thật khỏe mạnh.

7. Choline (450 mg / ngày)

Choline hỗ trợ sự phát triển não bộ của thai nhi, đặc biệt là quá trình hình thành các kết nối thần kinh, góp phần vào việc cải thiện trí thông minh và khả năng học tập của trẻ sau này. Đồng thời, choline giúp ngăn ngừa nguy cơ dị tật ống thần kinh ở thai nhi. Mẹ bầu cần nên đảm bảo bổ sung đủ 450mg choline mỗi ngày để hỗ trợ thai nhi phát triển toàn diện.

8. Kẽm (20 mg / ngày)

Kẽm đóng vai trò làm chất xúc tác cho hơn 200 enzyme trong cơ thể, thiếu kẽm có thể khiến mẹ bị tăng nguy cơ đái tháo đường thai kỳ hoặc bị rối loạn chuyển hóa năng lượng. Do đó, mỗi ngày mẹ cần bổ sung đầy đủ 6 – 20mg kẽm để đảm bảo thai kỳ phát triển khỏe mạnh.

Kẽm quan trọng đối với mẹ bầu 3 tháng đầu

Bổ sung thực phẩm giàu kẽm giúp mẹ ngăn ngừa nguy cơ bị rối loạn chuyển hóa năng lượng trong thai kỳ

Mẹ bầu nên ăn gì, kiêng gì trong 3 tháng đầu?

Mẹ bầu nên ăn những loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất với hàm lượng vừa đủ theo đúng khuyến cáo trong Tháp Dinh dưỡng hợp lý dành cho mẹ bầu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia. Đồng thời, mẹ cũng nên kiêng ăn những loại thực phẩm bồi bổ chứa quá nhiều năng lượng, dầu mỡ hay chứa các chất có thể gây hại đến sự phát triển của thai nhi. Cụ thể:

1. Mẹ bầu nên ăn gì trong 3 tháng đầu?

Trong 3 tháng đầu của thai kỳ, mẹ bầu nên chú ý ăn các loại thực phẩm sau đây để đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho cả mẹ và thai nhi:

  • Rau và quả: Ưu tiên chọn các loại rau quả tươi, đa dạng màu sắc vì chúng chứa rất nhiều vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa cần thiết cho cơ thể. Trong đó, mẹ nên ưu tiên chọn:
    • Các loại củ quả sáng màu: Chẳng hạn như cà chua, bí đỏ, ớt chuông, cà rốt, khoai lang…vì chúng chứa nhiều vitamin A, C, E.
    • Các loại rau lá có màu xanh đậm: Chẳng hạn như cải bó xôi, rau muống, cải xoăn, bông cải xanh, rau rần ô,… vì chúng chứa nhiều vitamin C, sắt, kẽm và kali.
  • Ngũ cốc, các loại hạt và đậu: Là nguồn cung cấp năng lượng, vitamin B, chất xơ và khoáng chất tuyệt vời. Chúng bao gồm gạo lứt, bánh mì nguyên cám, yến mạch, mì ống gạo nâu, hạt hạnh nhân, hạt óc chó, hạt điều, hạt mè, hạt hướng dương, hạt bí ngô,…
  • Thịt, hải sản, trứng: Là nguồn cung cấp protein, chất béo omega-3, vitamin B, chất sắt và kẽm dồi dào cho cơ thể. Chúng bao gồm thịt bò, thịt heo, trứng gà, trứng vịt, trứng cút, tôm, cua, hàu, ghẹ, mực và các loài cá béo như cá hồi, cá mòi, cá thu,…
  • Sữa và sản phẩm từ sữa: Sữa, sữa chua, phô mai và các sản phẩm từ sữa giúp cung cấp canxi, vitamin D, protein cùng hơn 20 loại vitamin và khoáng chất khác cho cơ thể.
Mẹ bầu nên ăn gì trong 3 tháng đầu? ăn đủ 4 nhóm chất

Mẹ cần đảm bảo cung cấp cho cơ thể đầy đủ chất đường bột, chất đạm và chất béo trong chế độ dinh dưỡng cho bà bầu 3 tháng đầu

2. Mẹ bầu nên kiêng ăn gì trong 3 tháng đầu?

“Bà bầu 3 tháng đầu kiêng ăn gì?” là câu hỏi được rất nhiều mẹ lần đầu mang thai quan tâm. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, mẹ bầu cần nên kiêng hoặc hạn chế ăn các loại thực phẩm sau đây:

  • Thực phẩm quá nhiều vitamin A: Chẳng hạn như gan động vật (gan bò, gan gà, gan vịt,…). Mẹ chỉ nên ăn gan động vật mỗi tuần 1 lần. Việc tiêu thụ quá nhiều thực phẩm giàu vitamin A có khả năng khiến cơ thể ngộ độc và gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi.
  • Thực phẩm chưa chín hoặc chưa tiệt trùng: Thường chứa một loại vi khuẩn mang tên Listeria Monocytogenes, có khả năng gây nhiễm trùng đường ruột, nhiễm trùng máu, dẫn đến sảy thai, thai chết lưu, sinh non. Nhóm thực phẩm này bao gồm thịt sống, thịt tái, thịt nguội, giò chả, nem chua, tré, pho mát và sữa động vật tươi chưa tiệt trùng.
  • Thực phẩm chứa nhiều cafein: Theo nghiên cứu, nếu mẹ tiêu thụ quá nhiều cafein trong thai kỳ, điều này có thể kiến cho trẻ em khi lớn lên bị thấp (lùn) hơn bạn bè đồng trang lứa tới 1.5cm. Do đó, mẹ không nên tiêu thụ quá nhiều trà, cà phê và các loại nước tăng lực có chứa cafein trong suốt thai kỳ của mình.
  • Thực phẩm chứa rượu (cồn): Tiếp xúc với rượu lúc còn là bào thai có thể khiến trẻ khi lớn lên bị mắc chứng rối loạn tăng trưởng do rượu (fetal alcohol spectrum disorders). Bệnh được đặc trưng bởi các dấu hiệu như trẻ có gương mặt khù khờ, không có nhân trung, môi mỏng, nhẹ cân, thấp lùn, kích thước đầu nhỏ, thính giác và thị giác bị hạn chế.
  • Thực phẩm nhiều dầu mỡ: Theo nghiên cứu, tiêu thụ các thực phẩm chiên (rán) ngập dầu, chứa nhiều cholesterol có thể khiến mẹ bị tiền sản giật, đái tháo đường, sinh non và khiến trẻ bị chậm phát triển trong tử cung.
  • Thực phẩm cay nóng: Thực phẩm cay nóng làm dạ dày tăng tiết axit, có thể khiến mẹ dễ bị trào ngược thực quản, buồn nôn và làm trầm trọng hơn các dấu hiệu ốm nghén vào buổi sáng.
Mẹ bầu nên kiêng ăn gì trong 3 tháng đầu?

Trong chế độ dinh dưỡng cho bà bầu 3 tháng đầu, mẹ nên ăn nhiều rau củ quả và hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm chế biến sẵn

Ăn gì, uống gì để giảm nghén trong 3 tháng đầu?

Ốm nghén là tình trạng mệt mỏi, lừ đừ, buồn nôn hoặc nôn mửa vào sáng sớm mà bất kỳ phụ nữ nào cũng phải trải qua ít nhất một lần khi mang thai. Dưới sự tác động của hệ thống nội tiết tố, hiện tượng ốm nghén không thể được ngăn ngừa hoàn toàn mà bạn chỉ có thể giảm các triệu chứng ốm nghén bằng cách thay đổi chế độ dinh dưỡng cho bà bầu 3 tháng đầu theo các gợi ý sau:

  • Chia nhiều bữa phụ: Thay vì ăn 3 bữa chính, bạn nên chia nhỏ thành 5 – 6 bữa ăn mỗi ngày để dạ dày không bị quá căng, làm tăng nguy cơ nôn mửa (ốm nghén).
  • Ăn uống điều độ: Bỏ ăn sáng hay bỏ cữ bất chợt có thể làm tình trạng ốm nghén trầm trọng hơn. Do đó, bạn cần nên ăn uống điều độ, đến đúng giờ ăn thì phải ăn để duy trì nhịp sinh học cho cơ thể.
  • Uống các loại nước có độ kiềm nhẹ: Uống đủ nước hoặc thay thế bằng các loại nước có tính kiềm nhẹ như nước dừa, nước gừng, nước ép cần tây cũng có thể giúp bạn làm giảm các triệu chứng buồn nôn.
  • Chọn thực phẩm chứa chất béo lành mạnh: Theo nghiên cứu, phụ nữ ăn 15g chất béo bão hòa (chủ yếu có trong thịt đỏ và sữa) trong vòng 1 năm trước khi mang thai có nguy cơ bị ốm nghén cao gấp 3 lần phụ nữ bình thường. Do đó, bạn có thể thay chất béo bão hòa thành các loại chất béo lành mạnh có trong yến mạch, sữa tách béo, ngũ cốc, sữa chua tách béo, trứng, các loại hạt và đậu.
  • Chọn thực phẩm nhiều protein: Thực phẩm giàu protein như thịt gà và bơ đậu phộng có thể làm dịu cơn buồn nôn do ốm nghén bằng cách giúp cơ thể tăng cường sản xuất hormone gastrin, giúp hỗ trợ tiêu hóa hiệu quả.
  • Gặm nhấm đồ khô: Việc gặm nhấm đồ khô như nhai các loại hạt sấy khô, đậu sấy khô, bánh quy hoặc bánh mì khô vào sáng sớm có thể giúp mẹ giảm cảm giác buồn nôn trước cữ sáng.
  • Tránh thức ăn cay và nặng mùi: Ốm nghén có liên quan đến việc tăng độ nhạy cảm với mùi, vị và các chất kích thích. Một số thức ăn có mùi vị mạnh có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng ốm nghén, chẳng hạn như lẩu, các món mắm, món hầm thảo mộc (thuốc bắc) hoặc các món nấu với cà ri.
  • Bổ sung vitamin K và C: Theo nghiên cứu, 91% phụ nữ dùng 5 mg vitamin K và 25 mg vitamin C mỗi ngày cho biết họ đã có thể dứt điểm được các triệu chứng ốm nghén hoàn toàn trong vòng ba ngày. Do đó, bạn có thể đề nghị bác sĩ tư vấn liều bổ sung 2 loại vitamin này phù hợp để ngăn ngừa sớm tình trạng ốm nghén.
Ăn gì, uống gì để giảm nghén trong 3 tháng đầu?

Mẹ hoàn toàn có thể khắc phục tình trạng ốm nghén trong 3 tháng đầu bằng một chế độ dinh dưỡng khoa học

Những quan niệm sai lầm về chế độ ăn cho bà bầu 3 tháng đầu

Trên hành trình mang thai, chế độ dinh dưỡng cho bà bầu 3 tháng đầu đóng vai trò tạo nền tảng hết sức quan trọng đối với sức khỏe của mẹ và bé. Tuy nhiên, nhiều quan niệm sai lầm về chế độ ăn cho bà bầu 3 tháng đầu vẫn còn tồn tại, khiến mẹ hoang mang trước nhiều luồng thông tin thiếu chính xác, gây khó khăn trong việc chăm sóc sức khỏe thai kỳ. Dưới đây là một vài quan niệm dinh dưỡng sai lầm phổ biến mà mẹ bầu cần chú ý để tránh mắc phải trên hành trình mang thai:

1. Nhịn ăn sẽ hết ốm nghén 3 tháng đầu

Đây là một quan niệm cực kỳ sai lầm vì trong suốt thai kỳ, ruột của thai phụ thường có xu hướng hoạt động chậm hơn. Đồng thời, hệ thống cơ ở phía trên dạ dày có xu hướng giãn ra nhiều hơn, gây nên cảm giác buồn nôn, khiến mẹ dễ bị mắc chứng trào ngược dạ dày. Đặc biệt, các triệu chứng này sẽ càng trầm trọng hơn khi dạ dày của mẹ trống rỗng. Do đó, nhịn ăn không hề giúp mẹ hết ốm nghén mà còn làm tình trạng nôn mửa diễn ra nặng nề hơn.

2. Ăn cho hai người

Mẹ không cần nhất thiết phải “ăn cho 2 người” vì trong suốt tam cá nguyệt đầu tiên, dù mẹ có ăn nhiều hay ít, bào thai cũng chỉ đạt cân nặng tối đa là 15 gam. Việc ăn “nhồi nhét” và “bồi bổ” quá nhiều sẽ không khiến thai nhi phát triển nhanh hơn mà thậm chí, có thể khiến mẹ bị béo phì, đái tháo đường và tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, trong 3 tháng đầu của thai kỳ, mẹ bầu chỉ cần tăng trung bình 1kg là đã đủ để thai nhi phát triển khỏe mạnh. Do đó, thay vì giữ suy nghĩ ăn nhiều hơn để “ăn cho hai người”, điều mẹ cần quan tâm lúc này chính là “ăn chất lượng hơn” để cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho 2 người.

Theo đó, mẹ cần ưu tiên lựa chọn các loại thực phẩm lành mạnh chứa nhiều giá trị dinh dưỡng như ngũ cốc, thịt cá, hải sản, trứng, các loại hạt, các loại đậu, rau xanh và trái cây. Đồng thời, mẹ nên hạn chế tiêu thụ thực phẩm đóng hộp, đồ chế biến sẵn, thức ăn nhanh, rượu, bia, nước ngọt hoặc đồ uống chứa cồn và các chất kích thích khác.

Các vấn đề cần lưu ý ngoài chế độ ăn cho mẹ bầu 3 tháng đầu

Ngoài dinh dưỡng, mẹ bầu nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi quyết định uống bất kỳ loại thuốc bổ sung vitamin và khoáng chất nào trong suốt 3 tháng đầu thai kỳ, chẳng hạn như thuốc bổ sung axit folic, sắt, vitamin A hoặc vitamin D. Bên cạnh đó, mẹ cũng cần luôn chú ý đến:

  • Vận động thể chất: Những bài tập thể dục nhẹ nhàng, đều đặn như yoga, đi bộ hoặc đạp xe trên máy tập có thể giúp mẹ tăng cường sức khỏe, giảm căng thẳng và chuẩn bị cho quá trình sinh nở tốt hơn.
  • Nghỉ ngơi: Mẹ cần đảm bảo ngủ đủ giấc, ít nhất 7 – 8 giờ mỗi đêm. Nếu cảm thấy mệt, hãy cho mình thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, nghe nhạc và tránh làm việc quá sức.
  • Khám thai định kỳ: Lập lịch hẹn với bác sĩ và thực hiện các cuộc khám thai định kỳ giúp mẹ theo dõi sát sao sự phát triển của thai nhi và đảm bảo sức khỏe cho bản thân.
  • Tiêm phòng đầy đủ: Theo CDC, phụ nữ mang thai nên được tiêm hai loại vắc-xin là vắc-xin cúm và vắc-xin ho gà để bảo vệ mẹ và bé trước các biến chứng thai kỳ nguy hiểm liên quan đến cúm. Trong mọi tình huống, mẹ nên chủ động hỏi ý kiến bác sĩ trước khi tiêm phòng bất kỳ loại vắc-xin gì để được tư vấn chính xác nhất.

Cuối cùng trong suốt thai kỳ, mẹ hãy tránh tiếp xúc với hóa chất độc hại, rượu, thuốc lá và các chất kích thích. Đồng thời, mẹ nên đảm bảo vệ sinh cá nhân, giữ gìn tinh thần lạc quan và kết nối nhiều hơn với những người thân yêu để cảm nhận được niềm hạnh phúc trọn vẹn trên hành trình làm mẹ thiêng liêng.

Trên đây là những thông tin quan trọng về chế độ dinh dưỡng cho bà bầu 3 tháng đầu mà mẹ cần quan tâm. Ăn uống đủ chất khi mang thai là điều kiện tiên quyết giúp bé yêu phát triển toàn diện và khỏe mạnh. Vì thế, nếu vẫn còn băn khoăn chưa biết bổ sung loại thực phẩm nào vào chế độ ăn cho mẹ bầu 3 tháng đầu, mẹ hãy nhanh chóng đến Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome hoặc gọi đến số hotline 1900 633 599 để được tư vấn kịp thời. Nutrihome xin chúc mẹ có một thai kỳ thật trọn vẹn và hạnh phúc!

5/5 - (2 bình chọn)
10:26 06/05/2023