Dinh dưỡng “1.000 ngày đầu đời” cho trẻ 0-2 tuổi

19/04/2020 Theo dỗi Nutrihome trên google news

Chế độ dinh dưỡng cho trẻ từ 0 – 2 tuổi hỗ trợ sự phát triển toàn diện của trẻ cả về thể chất lẫn trí tuệ. Đặc biệt, các chuyên gia dinh dưỡng thế giới khuyến cáo dinh dưỡng trong “1.000 đầu đời” – từ khi mẹ mang thai đến khi con tròn 2 tuổi – đóng vai trò then chốt giúp trẻ phát triển vượt bậc.

Nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy trong 1.000 ngày vàng, trẻ được nuôi dưỡng đúng cách sẽ có hệ miễn dịch tốt và phát huy hết tiềm năng về thể chất và trí tuệ trong tương lai.

Vậy, 1.000 ngày đầu đời là gì và trong giai đoạn này con cần gì và mẹ phải làm gì?

Dinh dưỡng hợp lý trong 1.000 ngày đầu đời là nền tảng cho sự phát triển toàn diện của trẻ

1.000 ngày vàng là gì?

Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), 1.000 ngày đầu tiên của cuộc đời chính là khoảng thời gian kéo dài từ lúc thụ thai cho đến sinh nhật lần thứ hai của trẻ. Đây chính là khoảng thời gian “vàng”, là “cửa sổ phát triển trí não”, là cơ hội duy nhất để thiết lập nền tảng sức khỏe, tăng trưởng và phát triển trí lực tối ưu trong suốt cuộc đời.

Trong khi bộ não con người tiếp tục phát triển và thay đổi, thì giai đoạn tăng trưởng nhanh nhất của não bộ là trong ba tháng cuối của thai kỳ và hai năm đầu đời. Cũng có rất nhiều bằng chứng cho thấy não bộ dễ bị tổn thương nhất ở giai đoạn nó phát triển nhanh nhất. Nghĩa là thời kỳ bào thai, giai đoạn sơ sinh và 2 năm đầu sau khi sinh chính là những giai đoạn quan trọng mà ở đó hệ thống thần kinh của trẻ dễ bị tổn thương nhất vì rất nhiều lý do, trong đó quan trọng nhất là dinh dưỡng thiếu cân bằng. Tổn thương não khiến cho những chức năng hành vi không phát triển theo cách tối ưu, dẫn đến trẻ chậm phát triển hoặc rối loạn các chức năng hành vi.

Sau 5 tháng kể từ lúc thụ thai, não của thai nhi là một cấu trúc hai thùy mịn màng giống như một hạt cà phê. Đến 9 tháng, nghĩa là khi trẻ được sinh ra đủ tháng, não bộ có rãnh và nếp gấp khá phức tạp, trông tương tự như bộ não người lớn. Khi sinh ra, các vùng não phát triển nhanh chóng bao gồm hồi hải mã (trí nhớ) và vỏ não (chất xám), thị giác và thính giác. Trong năm đầu tiên sau sinh, khu vực xử lý ngôn ngữ và vỏ não trước trán có sự phát triển nhanh chóng.

1.000 ngày đầu tiên của trẻ cũng được ghi nhận với đặc trưng về tốc độ tăng sinh tế bào thần kinh nhanh chóng (số lượng tế bào), tăng trưởng và biệt hóa (độ phức tạp), sự myelin hóa (là quá trình chất béo bao bọc dần xung quanh dây thần kinh, hỗ trợ việc tăng tốc độ giao tiếp điện giữa các tế bào thần kinh) và quá trình hình thành các khớp thần kinh giữa các tế bào thần kinh của hệ thần kinh (các tế bào thần kinh kết nối với nhau bởi các synapse). Nghiên cứu của Hội đồng Xúc tiến Y tế Singapore (HPB) cho thấy, não trẻ sơ sinh dù chỉ nặng bằng 25% não người lớn nhưng đã chứa khoảng 100 tỷ tế bào thần kinh (nơ-ron). Khi trẻ tròn 12 tháng, não nhanh chóng tăng gấp đôi trọng lượng do các nơ-ron phát triển về kích thước và khối lượng. Tròn 2 tuổi, não trẻ hoàn thiện 80% cấu trúc chức năng so với người trưởng thành.

Do đó, khoảng thời gian 1.000 ngày vàng chính là cơ hội duy nhất để cung cấp dinh dưỡng tối ưu đảm bảo sự phát triển bình thường của trẻ, và cũng là thời điểm não bộ dễ bị tổn thương nhất đối với bất kỳ sự thiếu hụt chất dinh dưỡng nào.

> Xem thêm: Các món ăn sáng cho bé 2 tuổi giàu dinh dưỡng, cực kỳ dễ nấu

Hậu quả nghiêm trọng khi trẻ bị suy dinh dưỡng

Các nhà nhi khoa, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đều nhấn mạnh 1.000 ngày đầu đời là giai đoạn rất quan trọng, quyết định cho sự phát triển thể chất và trí não trẻ. Giai đoạn này quyết định đến 60% khả năng tăng trưởng chiều cao của trẻ trong tương lai. Bên cạnh đó, bộ não con người dù phát triển và thay đổi trong suốt cuộc đời, nhưng giai đoạn phát triển trí não nhanh, quan trọng nhất là 3 tháng cuối của thai kỳ và 2 năm đầu đời của trẻ.

Dinh dưỡng đặc biệt đóng vai trò nền tảng trong sự phát triển toàn diện về thể chất và khả năng phát triển tối ưu về não bộ của trẻ. Dinh dưỡng mất cân bằng trong 1.000 ngày đầu đời có thể gây ra những hệ quả không thể phục hồi cho não bộ của trẻ, ảnh hưởng đến khả năng học tập và cơ hội làm việc của trẻ sau này. Cụ thể:

Những khiếm khuyết về dinh dưỡng ở giai đoạn 1.000 ngày đầu đời sẽ khiến trẻ suy dinh dưỡng, chậm phát triển, khó có thể bù đắp được sau đó

1. Suy dinh dưỡng làm tăng tỷ lệ tử vong ở trẻ

Trẻ bị suy dinh dưỡng nặng thường gặp các biến chứng: hạ đường huyết, hạ thân nhiệt, rối loạn điện giải, tổn thương tim và tử vong rất nhanh cùng với các biến chứng nhiễm khuẩn khác. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 54% trẻ dưới 5 tuổi tử vong do liên quan đến các bệnh suy dinh dưỡng ở mức độ nhẹ và vừa. Trẻ em được nuôi dưỡng đúng cách sẽ tăng gấp 10 lần khả năng vượt qua những bệnh gây tử vong ở trẻ em như tiêu chảy, viêm phổi… và ngăn chặn nguy cơ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi.

2. Trẻ bị suy dinh dưỡng sẽ chậm phát triển về thể chất

Trẻ bị suy dinh dưỡng sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp đến tầm vóc sau này của trẻ, như thấp còi, nhẹ cân, chậm phát triển. Nếu bị suy dinh dưỡng bào thai và trước khi trẻ được 2 tuổi, hậu quả sẽ càng nghiêm trọng hơn. Nếu tình trạng suy dinh dưỡng này kéo dài suốt quá trình phát triển của trẻ thì đến tuổi dậy thì, trẻ sẽ càng bị suy dinh dưỡng nặng và thấp còi hơn.

3. Trẻ bị suy dinh dưỡng sẽ chậm phát triển về trí tuệ

Trẻ bị suy dinh dưỡng không chỉ hạn chế phát triển thể chất mà còn chậm phát triển về trí tuệ, ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ của trẻ. Khi bị thiếu dinh dưỡng, trẻ sẽ thiếu luôn cả những chất cần thiết cho sự phát triển não bộ, trí tuệ của trẻ như chất béo, sắt, iốt, DHA, Taurine. Do đó, trẻ suy dinh dưỡng thường chậm phát triển trí tuệ, vận động lờ đờ, giao tiếp xã hội kém, ảnh hưởng đến việc học và tương lai của trẻ sau này.

4. Ở những trẻ suy dinh dưỡng, nguy cơ mắc bệnh sẽ tăng lên

Các nghiên cứu gần đây cho thấy dinh dưỡng thiếu hụt trong giai đoạn 1000 ngày đầu đời có thể tạo tiền đề cho nguy cơ của các bệnh mạn tính không lây có liên quan đến dinh dưỡng – sát thủ hàng đầu trên thế giới với 35 triệu người tử vong hàng năm, chiếm 60% số ca tử vong toàn cầu, như: thừa cân béo phì, rối loạn chuyển hóa đường, mỡ, các bệnh tim mạch, tăng huyết áp, loãng xương…

“Bệnh không lây nhiễm có thể dự phòng được và dinh dưỡng trong 1000 ngày đầu đời, đặc biệt từ “lập trình” bào thai đóng vai trò quan trọng, là cửa sổ cơ hội để phòng ngừa. Nếu mẹ bị thiếu dinh dưỡng ở đầu thai kỳ, trẻ sơ sinh có trọng lượng bình thường lúc sinh nhưng có nguy cơ béo phì và bệnh mạch vành khi lớn lên. Nếu mẹ bị thiếu dinh dưỡng cuối thai kỳ, trẻ sơ sinh có nguy cơ nhẹ cân và khi lớn lên có nguy cơ béo phì và đái tháo đường tuýp 2. Trẻ thiếu dinh dưỡng ở giai đoạn sớm sau khi sinh thì sẽ giảm tăng trưởng tạm thời, nếu trẻ bắt kịp tăng trưởng thì sẽ có nguy cơ tăng huyết áp và đái tháo đường tuýp 2 khi trưởng thành. Dinh dưỡng kết hợp với các yếu tố môi trường khác (thể dục, thuốc, nhiệt độ, áp lực…) ảnh hưởng đến 80% tình trạng sức khỏe trọn đời, yếu tố di truyền chỉ ảnh hưởng tối đa 20%”, PGS.TS.BS Lê Bạch Mai, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Giám đốc Y khoa Miền Bắc Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome cho biết.

5. Suy dinh dưỡng ảnh hưởng đến tương lai của trẻ

Trẻ em được nuôi dưỡng đúng cách sẽ có chỉ số thông minh cao hơn, khả năng học tập tốt hơn và thu nhập cao hơn khi trưởng thành. Còn trẻ suy dinh dưỡng sẽ dẫn đến chậm phát triển về thể chất, trí tuệ, khiến trẻ thấp còi, trí thông minh kém, học tập kém. Thêm vào đó, nếu tình trạng suy dinh dưỡng không được cải thiện qua nhiều thế hệ sẽ khiến tầm vóc con người thấp bé, giảm trí thông minh, ảnh hưởng đến nguồn nhân lực trong tương lai, sự phát triển của đất nước và ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai của trẻ sau này.

6. Suy dinh dưỡng gây tốn kém tiền bạc và lãng phí ngân sách

Nhiều nghiên cứu cho thấy các quốc gia không đầu tư dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai và trẻ em trong 1.000 ngày đầu tiên đã phải tổn thất hàng tỷ đô la giảm năng suất kinh tế và các chi phí y tế khác. Đó là lý do tại sao một số nhà kinh tế hàng đầu thế giới đã kêu gọi đầu tư nhiều hơn vào dinh dưỡng và sức khỏe của bà mẹ mang thai, trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi như một cách để tạo ra tương lai tươi sáng và thịnh vượng hơn.

“Hiện chúng ta đang sống trong một thế giới nơi có nhiều trẻ em được sinh tồn, song quá ít trẻ em được phát triển khỏe mạnh. Nếu chúng ta có thể đảm bảo chế độ dinh dưỡng tốt ngay trong 1.000 ngày đầu đời thì trẻ em sẽ có một nền tảng khởi đầu vững chắc. Có được dinh dưỡng tốt nghĩa là đảm bảo phụ nữ mang thai nhận được các dưỡng chất đầy đủ để có thể khỏe mạnh và nuôi con nhỏ phát triển tốt. Sau khi sinh, người mẹ cho con bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, sau đó cho con ăn thêm dần các nhóm thực phẩm đa dạng bao gồm rau và hoa quả…”, bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam, chia sẻ.

Chế độ dinh dưỡng cho trẻ từ 0-2 tuổi đủ chất, đúng khẩu phần sẽ giúp bé khỏe mạnh hơn

Chế độ dinh dưỡng cho trẻ trong 1.000 ngày đầu đời

Nếu cơ thể chúng ta được “xây” nên bởi dinh dưỡng, thì 1.000 ngày đầu đời hay còn được gọi là 1.000 ngày vàng chính là nền móng quan trọng cho sự phát triển tối ưu của trẻ trong tương lai. Chế độ dinh dưỡng 1.000 ngày vàng gồm 3 giai đoạn: Giai đoạn 40 tuần thai kỳ (280 ngày trong bụng mẹ), giai đoạn trẻ từ 0 – 1 tuổi và giai đoạn trẻ 1 – 2 tuổi.

Giai đoạn 40 tuần thai kỳ (280 ngày trong bụng mẹ)

Chế độ dinh dưỡng cho trẻ từ 0 – 2 tuổi không thể thiếu giai đoạn 9 tháng 10 ngày thai kỳ (hay 280 ngày trong bụng mẹ). Lúc này, trẻ được hình thành và lớn dần lên trong bụng mẹ bằng cách hấp thụ dinh dưỡng từ khẩu phần ăn hằng ngày của người mẹ. Vì vậy, giai đoạn này mẹ cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng của mình.

Nếu mẹ ăn uống quá nhiều, dư thừa dinh dưỡng dẫn đến thừa cân, béo phì không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân mà còn tác động không tốt cho thai nhi với các nguy cơ như: tiểu đường, tiền sản giật, sinh non, sinh mổ, thậm chí thai chết lưu… Còn ngược lại, nếu mẹ ăn uống kiêng khem, ăn uống không đủ chất, hoặc ăn thực phẩm dinh dưỡng kém, trẻ sinh ra sẽ thiếu đa vi chất, nhẹ cân, suy dinh dưỡng, chậm phát triển…

Chế độ dinh dưỡng của mẹ khi mang thai ảnh hưởng đến thói quen ăn uống của trẻ 0 – 2 tuổi

PGS.TS.BS Lê Bạch Mai cho biết, trong thai kỳ, mẹ bầu cần lưu ý chế độ dinh dưỡng, và ưu tiên những dưỡng chất quan trọng sau:

Bổ sung omega-3: Omega-3 là một loại acid béo không no có trong thành phần của chất lipid (chất béo), cần thiết cho hoàn thiện chức năng nhìn của mắt và sự phát triển hoàn hảo của hệ thần kinh. Sở dĩ mẹ bầu phải bổ sung Omega-3 bởi vì cơ thể con người không tự tổng hợp được những acid béo không no cần thiết này, mà phải đưa vào từ nguồn thực phẩm. Do đó, để kích thích phát triển trí não thai nhi, mẹ bầu nên bổ sung acid béo omega-3 từ nguồn thực phẩm tự nhiên có trong cá hồi, cá thu, cá ngừ, cá mòi, cá trích, các loại hạt như hạt lanh, hạt óc chó, hạt mắc ca… Hặc nếu không có điều kiện bổ sung các thực phẩm trên, mẹ bầu có thể thêm dầu cá vào thực đơn của mình với liều lượng tối thiểu 200-250mg DHA/ngày.

Bổ sung acid folic: Acid folic rất cần thiết cho sự phát triển ống thần kinh của thai nhi. Ống thần kinh của thai nhi sẽ được khép kín trong vòng 28 ngày đầu tiên của thai kỳ, do đó việc bổ sung acid folic cần được thực hiện càng sớm càng tốt, tốt nhất là bổ sung acid folic với liều 400 µg/ngày trước khi có thai 3 tháng. Ngoài ra, acid folic cũng có vai trò rất quan trọng trong việc tạo máu và phát triển của các tế bào trong cơ thể do đó việc bổ sung acid folic nên được thực hiện suốt trong toàn bộ quá trình thai kỳ cũng với liều là 400 µg/ngày

Bổ sung Vitamin D: Đây là dưỡng chất cần thiết cho phát triển hệ xương của trẻ. Ngoài việc bổ sung vào chế độ ăn những thực phẩm chứa các loại vitamin này như trứng, sữa, dầu cá, mẹ bầu nên uống thêm khoảng 400 IU (10 µg)/ngày bắt đầu từ tuần thứ 12 của thai kỳ cho đến khi sinh.

Bổ sung sắt: Sắt có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của thai nhi. Nếu mẹ bị thiếu sắt trong thai kỳ, trẻ dễ bị thiếu máu, nhẹ cân, suy thai, sinh non và có nguy cơ mắc các bệnh sơ sinh hơn trẻ bình thường. Đặc biệt, thiếu máu do thiếu sắt còn ảnh hưởng đến sự phát triển trí não, do khiếm khuyết trong quá trình hình thành myelin. Vì vậy, mẹ bầu nên tăng cường 2 khẩu phần thực phẩm giàu sắt trong thực đơn ăn uống mỗi ngày từ các nguồn thực phẩm như thịt đỏ, trứng, ngũ cốc và rau có màu xanh đậm… hoặc có thể uống thuốc bổ sung sắt với liều 60mg/ngày.

Ngoài ra, phụ nữ mang thai nên uống đủ nước, ăn nhiều hoa quả (lưu ý, với những mẹ bầu đang bị tiểu đường thai kỳ thì nên hạn chế những loại trái cây ngọt như: xoài chín, sầu riêng, mãng cầu, dưa hấu, nhãn…), đậu đỏ (trong đậu đỏ có chứa nhiều vitamin và khoáng chất) để tăng cường vitamin, chất xơ giúp hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể. Cụ thể, mẹ bầu nên ăn 5 phần trái cây, rau củ (1 phần trái cây là 80g, 1 phần rau là 50g), bao gồm: bơ, chuối, thanh long, mận, kiwi, bưởi, nho, cà rốt, cà tím, măng tây, rau chân vịt, cải bắp, cải xoăn…; uống 2,5 – 3 lít nước/ngày. Lưu ý, mẹ bầu không nên uống nước ngọt, nước có gas.

Giai đoạn trẻ từ 0 – 1 tuổi:

Đây là giai đoạn trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời. Từ tháng thứ 7, trẻ sẽ được ăn dặm để bổ sung thêm các chất dinh dưỡng. Vì vậy, chế độ dinh dưỡng cho trẻ 1 tuổi có thể chia thành 2 cột mốc quan trọng là: Giai đoạn bú mẹ hoàn toàn và giai đoạn bắt đầu ăn dặm.

Giai đoạn trẻ bú mẹ hoàn toàn:

Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mẹ nên cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời, và không thêm bất cứ dưỡng chất nào từ bên ngoài vào, kể cả nước, đồng thời nên duy trì cho con bú đến khi trẻ tròn 24 tháng tuổi. Mẹ nên tranh thủ cho con bú dòng sữa non trong vòng 72 giờ sau khi sinh. Bởi những dòng sữa non này được ví như “liều vắc xin” đầu tiên giúp tăng cường miễn dịch, phòng bệnh truyền nhiễm cho trẻ.

Bên cạnh sữa non giàu vitamin A, kháng thể và các thành phần bảo vệ khác thì sữa mẹ có đầy đủ DHA/ARA và các hormone căn bản, giúp não bộ phát triển tối đa và hoàn thiện hệ tiêu hóa của trẻ.

Khoa học đã chứng minh, những đứa trẻ được bú sữa mẹ có khả năng phát triển tư duy tốt hơn. Vì vậy, dinh dưỡng của người mẹ trong giai đoạn này cũng vô cùng quan trọng: dinh dưỡng của mẹ quyết định sức khỏe của con.

Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tuyệt vời cho bé, tuy nhiên, có nhiều trường hợp mẹ không có sữa hoặc mẹ bị các bệnh lý (lao tiến triển, áp xe vú, HIV…) phải dùng thuốc điều trị nên không thể nuôi con bằng sữa mẹ, thì trẻ sẽ được nuôi dưỡng bằng sữa công thức. Sữa công thức hay còn gọi là sữa bột trẻ em, có thành phần gần giống với sữa mẹ nhằm cung cấp các dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của trẻ.

Sữa công thức thường được chia theo từng giai đoạn phát triển của trẻ: công thức 1 (dành cho trẻ dưới 6 tháng tuổi), công thức 2 (từ 6 tháng đến 1 tuổi), công thức 3 (sau 1 tuổi). Sữa công thức được cung cấp dưới các hình thức dưới đây: sữa bột (dùng nước để pha, sữa dạng lỏng (được pha với một lượng nước tương đương), sữa pha sẵn (dùng ngay mà không cần phải pha).

Mỗi ngày trẻ sơ sinh bú mẹ từ 8-12 cữ, mỗi cữ cách nhau 2-3 giờ. Trong giai đoạn này, lượng sữa bé uống cần được điều chỉnh dần để phù hợp với dạ dày của trẻ. Lúc 1 ngày tuổi, bé uống được 5-7ml sữa/cữ; 3 ngày tuổi là 22-27ml; 1 tuần tuổi dạ dày bé có thể chứa 45-60ml; 1 tháng tuổi bé uống được 80-150ml; từ 1-3 tháng tuổi bé uống 90-120ml; trẻ 3-6 tháng tuổi có thể uống 120-230ml sữa.

Sữa mẹ rất quan trọng trong chế độ dinh dưỡng của trẻ dưới 1 tuổi

Chế độ dinh dưỡng của mẹ trong giai đoạn cho con bú:

Để đảm bảo đủ chất và lượng sữa cho con bú, mẹ cần ăn uống đầy đủ các dưỡng chất để tăng cường sức khỏe cho mẹ và bé. Ngoài 3 bữa ăn chính, mẹ cần ăn thêm 2 bữa bổ sung. Năng lượng của mẹ sau sinh cần thêm 550 kcal/ngày (2.470-2.704 kcal/ngày). Mẹ nên ăn những món nấu chín như hấp, luộc, ninh, hầm và tuyệt đối không ăn những món tái, hoặc sống, hạn chế thức ăn có nhiều dầu mỡ chiên, xào và cần nhai kỹ thức ăn. Bên cạnh đó, mẹ cần lưu ý bổ sung một số dưỡng chất quan trọng sau:

  • Bổ sung thực phẩm giàu omega 3: Cũng giống như thời kỳ mang thai, mẹ sau sinh nên có chế độ ăn uống giàu acid béo hoặc thêm dầu cá vào thực đơn hàng ngày của mẹ.
  • Bổ sung vitamin D cho mẹ: vì vitamin D có rất ít trong các thực phẩm nên mẹ cần bổ sung các chế phẩm có chứa vitamin D với liều có thể lên đến 6.400 IU/ngày sẽ bảo đảm cung cấp đủ 400 IU vitamin D cho trẻ bú hàng ngày. Nếu sữa mẹ không cung cấp đủ vitamin D thì với trẻ dưới 1 tuổi, mẹ nên cho trẻ uống vitamin D mỗi ngày, liều 400 IU/ngày, liên tục cho đến khi trẻ biết đi.
  • Uống đủ nước: Mỗi ngày, mẹ nên uống từ 8-12 ly nước, tương đương với 2-3 lít nước/ngày.

Giai đoạn trẻ bắt đầu ăn dặm:

Từ 6 – 12 tháng tuổi là giai đoạn trẻ bắt đầu bước thời kỳ ăn dặm, vì lúc này sữa mẹ không đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng của trẻ. Tuy nhiên, do hệ tiêu hóa còn non nớt, trẻ cần làm quen dần để thích nghi với thức ăn, quen với việc nhai, đảo thức ăn… Vì thế, mẹ cần cho bé làm quen với thức ăn từ đặc ít sang đặc nhiều, từ ít đến nhiều, từ mềm đến cứng, và tăng dần lượng đạm trong khẩu phần ăn của trẻ. Trong lần đầu tập cho trẻ ăn bất kỳ loại thực phẩm mới nào, mẹ nên cho trẻ ăn liên tục loại đó từ 3 – 5 ngày để trẻ làm quen và đánh giá tình trạng phản ứng của cơ thể trẻ với loại thực phẩm đó. Sau khi trẻ đã quen dần với thực phẩm đó, mẹ mới chuyển sang một loại thực phẩm mới. Cụ thể như sau:

Trẻ 6 tháng tuổi bắt đầu bước vào giai đoạn ăn dặm

Giai đoạn trẻ 6 – 7 tháng tuổi: Sữa vẫn là thức ăn chính của trẻ với lượng từ 710 – 950ml/ngày, đồng thời bé bắt đầu tập ăn bột đặc ít (chú ý tỷ lệ gạo/bột và nước khi nấu là 1:12, tức là gạo/bột 20g thì nước là 240ml, sau đó tăng gạo lên 30, 40g nhưng vẫn giữ độ nước đó) cùng rau củ nghiền nhuyễn. Bé có thể ăn từ 2 – 3 thìa bột/lần, mỗi ngày ăn 2 lần. Bên cạnh đó, để giúp xương bé phát triển chắc khỏe, mẹ cần tiếp tục cho trẻ uống vitamin D với liều 400 IU/ngày cho đến khi trẻ biết đi.

Giai đoạn trẻ 7 – 8 tháng tuổi: Vẫn cho trẻ tiếp tục uống sữa mẹ hoặc sữa công thức từ 3 – 5 lần/ngày. Tuy nhiên, sữa không còn là nguồn dinh dưỡng chính cho bé mà thay vào đó là chế độ ăn dặm để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng tăng cao. Mẹ có thể cho trẻ ăn bột ngũ cốc, bột dinh dưỡng hoặc cháo rau củ. Mỗi bữa ăn khoảng 200ml và nên ăn 2 bữa/ngày.

Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo nên cho trẻ làm quen với các loại rau củ thông thường như khoai tây, cà rốt, rau lang, rau dền, bí đỏ, củ cải đường… và nên cho trẻ tập làm quen với rau trước rồi đến củ quả vì các loại củ quả thường ngọt sẽ khiến bé không còn hứng thú với các loại rau. Không chỉ cho trẻ ăn cháo rau củ, mẹ có thể cho trẻ ăn rau củ luộc mềm hoặc các loại trái cây, giúp bé khám phá từng mùi vị thực của món ăn và phát huy khả năng tập nhai cho trẻ. Mẹ cần thay đổi thực đơn thường xuyên, và luôn tạo không khí vui vẻ, để trẻ cảm thấy hào hứng trong bữa ăn và ăn ngon miệng hơn.

Giai đoạn trẻ 8 – 12 tháng tuổi: Giai đoạn này, trẻ vẫn bú sữa mẹ hoặc sữa công thức, mỗi ngày uống từ 800 – 900ml. Tuy nhiên, trong sữa mẹ thiếu chất sắt (do hàm lượng chất sắt trong sữa mẹ thấp 0,35 – 0,5mg/l), nên mẹ cần cho trẻ bổ sung sắt từ các loại thực phẩm như thịt, cá, lòng đỏ trứng, tôm, cua (11 – 12g/ngày)… khi nấu cháo. Ngày ăn 3 lần, mỗi lần khoảng 200ml. Mỗi tuần chỉ nên cho trẻ thử một loại thịt. Khẩu phần trái cây và rau củ tăng lên 3 muỗng canh (1 muỗng canh chứa khoảng 10ml), cho trẻ ăn 3 lần/ngày.

Giai đoạn trẻ từ 1 – 2 tuổi:

Đây là giai đoạn cuối trong chuỗi ngày vàng phát triển của trẻ, vì vậy mẹ cần phát huy vai trò của dinh dưỡng trong quá trình phát triển và hoàn thiện não bộ cho trẻ. Giai đoạn này, trẻ không tăng cân nhiều nhưng phát triển ngôn ngữ, kỹ năng giao tiếp… là nền tảng quan trọng của con người, vì vậy, dinh dưỡng cũng hết sức quan trọng

Chế độ dinh dưỡng cho trẻ trên 1 tuổi cần đầy đủ nhóm chất dinh dưỡng

Lúc này, trẻ vẫn bú sữa mẹ, sữa công thức, kết hợp với chế độ ăn dặm, tuy nhiên chế độ dinh dưỡng trong độ tuổi này so với trẻ dưới 1 tuổi là khác nhau. Trẻ từ 1 tuổi có thể uống sữa toàn phần (gồm cả bơ và chất béo), vì lúc này cơ thể cần thêm calories từ chất béo, giúp trẻ tăng trưởng và pháp triển toàn diện. Mỗi ngày trẻ uống 4 cữ sữa, mỗi cữ khoảng 120ml.

Trong giai đoạn này, ngoài uống sữa, trẻ cần ăn đầy đủ 4 nhóm chất quan trọng là: bột đường, đạm, béo, vitamin và khoáng chất. Mẹ nên bổ sung thêm nước trái cây tươi với liều lượng khoảng 150ml/ngày và khuyến khích bé uống thêm nước lọc.

Nhu cầu dinh dưỡng một ngày của trẻ từ 1 – 2 tuổi:

  • Ngũ cốc, tinh bột: 85g
  • Rau xanh: 220g
  • Chất đạm: 56g
  • Sữa: 400 – 500ml
  • Trái cây: 220g

Mẹ cần lưu ý, nhu cầu năng lượng của trẻ còn phụ thuộc vào cân nặng và hoạt động của trẻ. Trung bình trẻ từ 1 – 2 tuổi cần 1.000 – 1.200 kcal/ngày (100 kcal/kg cân nặng). Nếu trẻ vận động nhiều thì mẹ có thể cho trẻ ăn thêm các bữa ăn nhẹ bên cạnh bữa chính trong ngày. Trẻ nên ăn từ 4 – 6 bữa/ngày.

Thấu hiểu những khó khăn của các bậc phụ huynh khi chăm sóc trẻ trong 1000 ngày đầu đời, Nutrihome – Trung tâm dinh dưỡng cho Trẻ em và Người lớn – nơi quy tụ các chuyên gia đầu ngành về dinh dưỡng cùng đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm sẽ đồng hành cùng bố mẹ chăm sóc dinh dưỡng toàn diện cho bé trong giai đoạn đặc biệt này.

Với gói chăm sóc dinh dưỡng chuyên sâu đặc biệt cho trẻ giai đoạn 1.000 ngày vàng, các chuyên Nutrihome sẽ xây dựng chế độ dinh dưỡng “đúng chuẩn” cho bé từ khi còn nằm trong bụng mẹ đến khi bé tròn 2 tuổi, bao gồm thăm khám, xét nghiệm chẩn đoán, xây dựng khẩu phần đến lên thực đơn cá thể hóa và hướng dẫn chế biến món ăn khoa học… góp phần quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe và tối ưa hóa sự phát triển toàn diện cho bé.

Đặc biệt, Nutrihome là đơn vị đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam sở hữu máy phân tích thành phần sữa mẹ giúp đánh giá các thành phần dinh dưỡng trong sữa mẹ, từ đó, các chuyên gia có cơ sở điều chỉnh chế độ dinh dưỡng của mẹ nhằm đảm bảo nguồn sữa chất lượng cho trẻ.

Ngoài ra, hệ thống máy xét nghiệm sinh hóa, huyết học hiện đại, máy phân tích thành phần cơ thể thế hệ mới nhất, máy xét nghiệm vi chất (vitamin D, vitamin B), máy siêu âm… giúp các chuyên gia Nutrihome chẩn đoán chính xác hơn tình trạng sức khỏe, dinh dưỡng của mẹ và bé, từ đó xây dựng các phác đồ chăm sóc dinh dưỡng cho mẹ và bé một cách khoa học, thân thiện và hiệu quả.

Rate this post
10:25 15/04/2023