Phản xạ xuống sữa là gì? Cách kích thích phản xạ tiết sữa sau sinh

15/09/2022 Theo dỗi Nutrihome trên google news Tác giả: Trung tâm Dinh dưỡng Nutrihome
Tư vấn chuyên môn bài viết
Chức Vụ: Cố vấn chuyên môn
Trung tâm Dinh dưỡng Nutrihome

Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng thiết yếu đối với trẻ, nhất là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Với những mẹ ít sữa, sữa xuống chậm, việc biết cách kích thích phản xạ xuống sữa để sữa xuống nhanh và nhiều là vô cùng cần thiết. Điều này sẽ giúp trẻ luôn no bụng và mẹ có thể giải tỏa được mối lo đủ sữa cho con bú.

Phản xạ xuống sữa là gì?

Phản xạ xuống sữa (hay phản xạ tiết sữa, tiếng anh là Milk Ejection Reflex – MER) là một phản xạ thần kinh-nội tiết, là tình trạng các nang sữa co thắt liên tục và đồng loạt phóng ra các tia sữa do hoạt động ngậm, bú mút núm vú của trẻ hoặc sự kích thích của núm vú và quầng vú nói chung. Lúc đó, cơ thể tiết ra prolactin và oxytocin – hai loại hormone có tác động trực tiếp tới quá trình tiết sữa khiến sữa mẹ xuống nhanh và nhiều hơn ở cả hai bên ngực. Hiện tượng này gọi là phản xạ xuống sữa.

Biểu hiện, dấu hiệu của phản xạ xuống sữa

Dấu hiệu để mẹ nhận biết cơ thể xảy ra phản xạ xuống sữa khi cho con bú (hoặc phản xạ này cũng có thể xảy ra cả khi mẹ không cho con bú) là hai bên ngực sẽ căng tức, có cảm giác tê tê hoặc châm chích, ngứa ngáy khó chịu. Tiếp sau đó là sữa chảy hoặc cũng có trường hợp sữa phun ra khỏi ngực ào ạt. (1)

Thông thường phản xạ xuống sữa sẽ xảy ra song song cả hai bên ngực, tuy nhiên cũng có lúc xảy ra trước và sau ở từng bên ngực.

phản xạ xuống sữa là gì

Sữa chảy nhiều ra khỏi ngực là một trong những dấu hiệu nhận biết phản xạ tiết sữa

Mẹ nào cũng cảm nhận được phản xạ xuống sữa phải không?

Câu trả lời là Không đúng. Theo một số nghiên cứu chuyên sâu ở các bà mẹ đang cho con bú, trong mỗi cữ bú của trẻ chỉ khoảng 70 – 75% các bà mẹ có thể cảm nhận được phản xạ tiết sữa lúc đầu, 30 – 25% còn lại thì không.

Phản xạ xuống sữa xảy ra bao nhiêu lần trong mỗi cữ bú/hút?

Ít nhất 1 lần, trung bình mỗi bên là 2,2 lần. Phản xạ xuống sữa ở mẹ càng xảy ra nhiều lần thì lượng sữa trẻ bú hoặc dùng máy hút được càng nhiều.

Phải mất bao lâu mới cảm nhận được phản xạ xuống sữa?

Khi cho con bú, khoảng 20 – 30 giây sau khi trẻ ngậm mút núm vú người mẹ đã có thể cảm nhận được phản xạ tiết sữa. Dù vậy, không phải người mẹ nào cũng cảm nhận được phản xạ này, nhất là những mẹ sinh con lần đầu. Thường phản xạ xuống sữa kéo dài trung bình khoảng 180 giây.

Mỗi lần xuống sữa được bao nhiêu ml?

Tùy theo nhu cầu bú của trẻ ở mỗi cữ mà cơ thể người mẹ sẽ sản sinh lượng sữa phù hợp để cung cấp. Trung bình, mỗi lần xuống sữa, lượng sữa bé bú được ở cả 2 bầu ngực sẽ khoảng 150ml. Theo đó, ở mỗi bên sẽ khoảng 75ml, bao gồm 15ml là sữa đầu và 60ml là sữa cuối.

Các vấn đề về phản xạ xuống sữa có thể xảy ra

Tùy từng mẹ các phản xạ tiết sữa có thể xảy ra khác nhau. Nhìn chung, có 3 kiểu xuống sữa như dưới đây:

1. Phản xạ chậm hay khó xuống sữa

Tình trạng này xảy ra có thể do mẹ bị kiệt sức, cơ thể chưa hồi phục sau quá trình sinh con, mẹ sinh mổ, mẹ có sử dụng rượu bia và cách chất kích thích trong thời gian cho con bú…

Tùy theo từng nguyên nhân khiến sữa xuống chậm mà mẹ sẽ có cách cải thiện phù hợp. Nếu do sức khỏe chưa hồi phục mẹ cần dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ dưỡng chất, thư giãn đầu óc thoải mái; Nếu do chất kích thích mẹ cần loại bỏ chúng. (2, 3)

Ngoài ra, mẹ nên áp dụng các cách kích thích phản xạ xuống sữa như hút, vắt sữa, massage ngực, cho con bú thường xuyên, uống nhiều nước ấm…

cách kích thích phản xạ xuống sữa, cho con bú

Cho con bú đúng cữ là một trong những cách kích thích phản xạ xuống sữa.

2. Phản xạ xuống sữa gây đau đớn

Tình trạng này xảy ra khi ngực mẹ bị cương cứng (do nguồn sữa dư thừa không được xử lý đúng cách), núm vú sưng đau, nứt… Nhưng cũng không ngoại trừ trường hợp phản xạ xuống sữa gây đau đớn do các cơn co thắt tử cung dữ dội gây ra, thường gặp ở tuần đầu tiên khi mẹ mới sinh con. (4)

Để làm giảm cảm giác đau đớn khi xuống sữa mẹ cần điều trị đau sưng núm vú và có biện pháp xử lý lượng sữa dư thừa….

3. Phản xạ xuống sữa quá nhiều hoặc ồ ạt

Tình trạng này thường xảy ra ở các mẹ có nguồn sữa dồi dào. Trong trường hợp này mẹ cần vắt/ hoặc sử dụng máy hút sữa để “xử lý” bớt lượng sữa trước khi cho con bú để tránh trẻ bị sặc. Và ở mỗi cữ bú chỉ nên cho trẻ bú ở một bên ngực, cữ sau hãy bú bên còn lại. (5)

Nguyên nhân gây mất phản xạ xuống sữa ở các mẹ sau sinh

Ở hầu hết các mẹ có con nhỏ, khi trẻ ngậm mút núm vú phản xạ xuống sữa sẽ diễn ra một cách tự nhiên giúp trẻ no bụng. Dù vậy, tình trạng không hoặc ít xuống sữa hay còn gọi mất phản xạ xuống sữa, phản xạ xuống sữa chậm vẫn xảy ra ở một số mẹ. Nguyên nhân của tình trạng này được xác định có thể do người mẹ: (6)

  • Bị căng thẳng, stress: Đây được xem là yếu tố hàng đầu gây ức chế phản xạ xuống sữa, thường gặp ở các mẹ sau sinh. Stress kéo dài có thể gây mất sữa cho con bú. Ngược lại, người mẹ nếu luôn có tâm lý thoải mái, vui vẻ cơ thể sẽ tiết ra nhiều hormone hạnh phúc hơn, từ đó tác động tích cực đến quá trình tiết sữa.
  • Thường xuyên mệt mỏi, uể oải: Có thể do sức khỏe mẹ chưa hồi phục sau quá trình vượt cạn hoặc do mẹ cả ngày lẫn đêm chăm con không được nghỉ ngơi. Điều này cũng làm giảm sự tiết sữa ở người mẹ.
  • Sử dụng các chất kích thích (rượu, bia, cafein), hút thuốc lá: Những chất có trong thuốc lá hay các thức uống có cồn, cafein sẽ khiến cơ thể mẹ bị mất nước, tuyến sữa hoạt động kém hiệu quả cũng khiến lượng sữa tiết ít hơn. Chưa kể, chúng có thể truyền sang con thông qua sữa mẹ, rất không tốt cho sức khỏe trẻ.

Nguyên nhân gây mất phản xạ xuống sữa, rượu bia

Thường xuyên uống rượu bia có thể gây ức chế phản xạ tiết sữa.

  • Sử dụng các loại thuốc như thuốc điều trị bệnh, thuốc tránh thai: Điều này cũng được cho là nguyên nhân dẫn đến phản xạ xuống sữa chậm, mất phản xạ xuống sữa. Do đó, mẹ cần thận trọng khi sử dụng thuốc trong thời gian đang cho con bú, tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ.

10 cách kích thích phản xạ xuống sữa xuống nhiều sau sinh

Nếu mẹ nắm được một hoặc một số cách kích thích phản xạ xuống sữa nhanh dưới đây và thường xuyên áp dụng sẽ giúp bé yêu nhanh chóng no bụng và chơi ngoan, ngủ yên đấy!

1. Cho con bú ngay sau khi sinh giúp sữa xuống nhanh hơn

Cho trẻ bú ngay sau sinh không chỉ kích thích tuyến sữa hoạt động hiệu quả, tạo phản xạ xuống sữa nhiều hơn mà còn giúp trẻ tiếp cận được với nguồn dinh dưỡng, kháng thể quý giá có trong sữa non – loại sữa chỉ tồn tại trong khoảng 48 tiếng đồng hồ.

2. Hướng dẫn con ngậm bắt núm vú đúng cách

Tập cho trẻ ngậm bắt núm vú đúng ngay từ đầu, điều này sẽ kích thích cơ thể sản xuất nhiều oxytocin – hormone có vai trò quan trọng đối với quá trình tiết sữa – sẽ khiến sữa xuống nhiều và nhanh hơn. Hơn nữa, mẹ cũng cảm thấy dễ chịu hơn khi cho con bú.

3. Cho trẻ bú đủ cữ

Việc cho trẻ bú mẹ thường xuyên, bú đủ cữ nhất là ở giai đoạn đầu đời cũng là một trong những yếu tố kích thích tuyến sữa hoạt động hiệu quả và mạnh mẽ. Theo nghiên cứu, 1 tiếng đồng hồ sau khi trẻ bú sữa mẹ sẽ phục hồi được 40%, sau 2 tiếng đồng hồ kể từ lần bú trước của trẻ khoảng 75%. Vì vậy, mẹ hãy cho con bú thường xuyên và đúng cữ nhé!

4. Uống một cốc sữa nóng trước khi cho con bú

90% thành phần của sữa là nước, do đó, cung cấp đủ nước cho cơ thể trong giai đoạn cho con bú rất quan trọng. việc uống đủ nước, từ 2-3 lít/ngày sẽ giúp mẹ có đủ sữa cho con bú. Một mẹo nhỏ để sữa về nhiều, đó là trước khi cho trẻ bú khoảng 30 phút mẹ nên uống sữa ấm hoặc nước ấm để tránh phản xạ xuống sữa chậm.

5. Gần gũi, vui đùa với con trước khi con con bú

Dành nhiều thời gian chơi đùa cùng con, vuốt ve, âu yếm con luôn khiến bản năng làm mẹ của người mẹ trỗi dậy. Điều này cũng góp phần khiến sữa xuống nhanh hơn.

6. Massage nhẹ nhàng bầu ngực

Ngoài cho trẻ bú thường xuyên, để kích thích tuyến sữa hoạt động mạnh mẽ, đều đặn, mỗi ngày mẹ massage nhẹ nhàng bầu ngực trước khi cho con bú khoảng 10 phút cũng là cách kích thích phản xạ xuống sữa. Chưa kể, massage còn giúp phòng tránh tắc tia sữa.

7. Chế độ dinh dưỡng đủ chất, lợi sữa

Thực hiện một chế độ dinh dưỡng khoa học và phù hợp sau sinh vừa giúp mẹ mạnh khỏe vừa giúp tăng lẫn chất và lượng cho con bú. Theo đó, mẹ nên ăn uống đầy đủ bốn nhóm chất, đa dạng các thực phẩm trong mỗi bữa ăn hàng ngày. Đồng thời, cần loại bỏ các thực phẩm gây mất sữa ra khỏi thực đơn.

8. Duy trì tâm lý thoải mái, ổn định trong thời gian nuôi con

Không chỉ cần có chế độ dinh dưỡng tốt, việc giữ tâm lý luôn thoải mái và ổn định có thể giúp mẹ phòng tránh tình trạng ít sữa, mất sữa cho con bú do cơ thể tăng tiết hormone hạnh phúc oxytocin. Hơn nữa, việc này còn giúp mẹ nhanh hồi phục sức khỏe. (7)

Ngoài ra, việc giải phóng oxytocin cũng có thể bị ức chế bởi sự sợ hãi, đau đớn, xấu hổ hoặc lo lắng của người mẹ (8). Do đó, người mẹ rất cần duy trì tâm lý thoải mái, ổn định trong thời gian nuôi con.

9. Vắt sữa bằng tay hoặc máy hút sữa

Vắt sữa bằng tay hoặc máy hút sữa

Hút sữa sẽ giúp mẹ tạo phản xạ xuống sữa nhiều ổn định cho bé bú

Cùng với cho trẻ bú mẹ thường xuyên, nhiều mẹ sau sinh đã áp dụng cách hút sữa bằng máy hoặc vắt sữa bằng tay để tạo phản xạ xuống sữa. Tuy nhiên mẹ cần lưu ý, trước khi hút hoặc vắt sữa mẹ nên vệ sinh tay, bầu ngực cũng như dụng cụ vắt, trữ sữa sạch sẽ để đảm bảo an toàn vệ sinh.

>>> Mẹ nên tham khảo: Hướng dẫn vắt và hút sữa đúng cách hiệu quả, không tắc sữa

10. Chườm ấm

Massage bầu ngực kết hợp với chườm ấm sẽ làm gia tăng phản xạ xuống sữa ở mẹ nhiều hơn. Vì vậy, trước khi bắt đầu massage mẹ hãy dành chút thời gian chuẩn bị túi chườm ấm để việc kích thích tuyến sữa hoạt động thêm hiệu quả nhé!

Mẹo để kích thích phản xạ xuống sữa nhanh và nhiều

Những cách kích thích phản xạ xuống sữa sẽ đạt hiệu quả tối đa khiến sữa xuống nhanh, nhiều hơn, mẹ sẽ cần một số mẹo nhỏ dưới đây:

1. Kích thích phản xạ xuống sữa bằng cách hút

  • Nên hút sữa ở nơi quen thuộc, tư thế hút sữa cần thoải mái nhất có thể (tùy mẹ chọn, có thể nằm hoặc ngồi đều được)
  • Không nên để gián đoạn quá trình hút sữa, nếu ở nhà có thể nhờ người trông con giúp một lát, còn ở cơ quan nên chọn giờ nghỉ trưa để hút sữa và nên thực hiện ở nơi kín đáo ít người ra vào, che chắn cẩn thận.
  • Trong quá trình hút sữa không nên nhìn chằm chằm vào máy để theo dõi lượng sữa chảy ra (vì điều này có thể khiến mẹ thêm áp lực nếu sữa chảy ra quá ít). Tốt nhất mẹ nên nghe nhạc, xem phim để thư giãn và thoải mái đầu óc. Hoặc mẹ cũng có thể xem hình hoặc clip của bé, nhìn ngắm gương mặt bé đang ngủ hay thậm chí ngắm nhìn quần áo của con, tưởng tượng con đang háo hức thưởng thức sữa mẹ…
  • Cho bé bú một bên và một bên hút sữa
  • Khi thực hiện hút sữa mẹ có thể dừng lại vài giây để massage ngực một chút sau đó hút tiếp

2. Kích thích phản xạ xuống sữa bằng massage

  • Massage đúng cách sẽ giúp sữa về nhiều hơn. Cách massage đúng như sau: Mẹ dùng 2 lòng bàn tay xoa bóp nhẹ nhàng 2 bầu ngực trong khoảng 30 giây, sau đó chụm 5 đầu ngón tay lại và tập trung ở quầng vú
  • Vừa massage vừa kết hợp chườm ấm sẽ khiến sữa xuống nhanh hơn
  • Trước khi massage mẹ có thể uống sữa nóng hoặc nước ấm để kích thích sữa ra nhiều và chất lượng hơn.

Kích thích phản xạ xuống sữa bằng massage

Massage ngực sẽ hạn chế tình trạng mất phản xạ xuống sữa, tắc tia sữa.

Sữa mẹ xuống quá nhiều phải làm sao?

Trong khi một số mẹ đang tìm mọi cách kích thích phản xạ xuống sữa để có đủ sữa cho con bú thì một số mẹ khác lại không biết xử lý như thế nào khi sữa xuống quá nhanh, quá nhiều. Nếu rơi vào trường hợp sữa xuống quá nhiều mẹ có thể xử lý như sau:

  • Vắt bớt sữa: Cách này thường được nhiều mẹ áp dụng khi lượng sữa về quá nhiều và quá nhanh. Nếu thường xuyên gặp tình trạng này mẹ hãy luôn sẵn sàng các dụng cụ hút sữa, trữ sữa để vắt bớt sữa ra ngoài và bảo quản trong tủ đông sau đó mới cho bé bú trực tiếp. Lưu ý: Nếu mẹ thuộc dạng nhiều sữa, chỉ nên thực hiện vắt, hút sữa khi ngực quá căng tức và bị chảy sữa nhiều để giảm bớt lượng sữa, còn lại mẹ nên tránh vắt hoặc hút sữa khi không cần thiết, bởi việc này có thể khiến cơ thể “hiểu” cần phải sản xuất sữa thêm nữa.
  • Mỗi cữ chỉ nên cho trẻ bú ở 1 bên ngực: Thông thường, ở mỗi cữ bú, mẹ sẽ cho bé bú ở cả 2 bên ngực. Nhưng với mẹ nhiều sữa, mỗi cữ bú chỉ nên cho trẻ bú 1 bên ngực trong khoảng 15 – 20 phút và cữ kế tiếp (sau khoảng 2 tiếng) bú bên ngực còn lại. Nếu bên ngực còn lại căng tức, để giảm cảm giác này mẹ có thể tạm thời vắt, hút một ít sữa ra ngoài chứ không nên vắt hết.
  • Uống trà sâm trước khi ngủ: Theo phân tích, trong trà sâm có chứa thành phần tự nhiên estrogen – một loại nội tiết tố nữ giúp giảm tiết sữa, vì vậy, trong trường hợp cần thiết mẹ có thể cân nhắc xử lý sữa nhiều bằng cách này. Tuy nhiên, mẹ không nên lạm dụng vì có thể gây mất sữa cho con bú.
  • Cho trẻ ngậm núm vú giả: Việc cho trẻ thường xuyên bú mẹ sẽ khiến phản xạ tiết sữa nhiều hơn, do đó, để tránh gây kích thích tuyến sữa tiết sữa nhiều hơn mẹ có thể chọn giải pháp cho trẻ ngậm núm vú giả khi cần.

Phản xạ tiết sữa và những lưu ý cần biết

Khi cho con bú, các mẹ đều có phản xạ xuống sữa, tuy nhiên có mẹ cảm nhận được và có mẹ không cảm nhận được đó là điều hết sức bình thường, vì vậy mẹ không nên quá lo lắng. Theo thống kê, chỉ khoảng 75% các bà mẹ có thể cảm nhận được phản xạ tiết sữa lần đầu, còn lần sau không cảm nhận được.

Phản xạ xuống sữa có thể xảy ra trong mọi tình huống: khi mẹ áp dụng các cách kích thích phản xạ xuống sữa, khi mẹ nghĩ về bé, khi nghe thấy trẻ khóc, khi có sự kích thích ở đầu ngực hay khi đang quan hệ tình dục…

Phản xạ xuống sữa có thể xảy ra bất cứ lúc nào, đôi khi trong những tình huống mẹ không ngờ, do đó, cách để phòng ngừa là mẹ nên dùng áo ngực có miếng lót bằng vải bông để tránh sữa chảy ướt áo. Trong trường hợp không phòng bị, mẹ có thể dùng tay đặt trước ngực hoặc ép lên đầu ngực để tạm thời gián đoạn quá trình xuống sữa.

3.4/5 - (11 bình chọn)
10:31 06/01/2023

Discover more from Nutrihome

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading