Sữa mẹ: Nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

01/04/2022
Tư vấn chuyên môn bài viết
Chức Vụ: Giám đốc Y khoa miền Bắc
Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome

Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng quý giá và đặc biệt nhất để bé phát triển toàn diện. Đồng thời, nuôi con bằng sữa mẹ còn mang lại những lợi ích tuyệt vời cho cả mẹ và bé. Do đó, các mẹ cần phải trang bị kiến thức đầy đủ về sữa mẹ để có thể kịp thời giải quyết những vấn đề trong thời kỳ nuôi con bằng sữa mẹ, từ đó đảm bảo được cả về số lượng và chất lượng sữa cho bé yêu.

Trong bài viết này, cùng Nutrihome tìm hiểu tất tần tật thông tin cần biết về sữa mẹ và tìm câu trả lời cho câu hỏi sữa mẹ là gì? Thành phần dinh dưỡng trong sữa mẹ có gì đặc biệt, thành phần sữa mẹ có thay đổi theo quá trình phát triển của trẻ và vì sao “Sữa mẹ là tốt nhất cho sự phát triển trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ”.

Sữa mẹ, lợi ích của sữa mẹ đối với trẻ

Sữa mẹ là thức ăn hoàn chỉnh, tối ưu và thích hợp nhất đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Sữa mẹ được tạo ra như thế nào?

Estrogen, progesterone, prolactin và oxytocin là 4 loại hormone tác động đến quá trình sản xuất sữa mẹ. Cơ chế tiết sữa là cơ thể người mẹ tự điều chỉnh hàm lượng các hormone này để sinh sữa. Cơ chế sản xuất sữa mẹ của cơ thể mẹ liên quan đến các quá trình sau:

1. Bầu vú phát triển

Estrogen và Progesterone sẽ tham gia vào quá trình này để sẵn sàng cho việc sản xuất sữa. Khi mang thai, cơ thể của người mẹ sẽ giải phóng hai loại hormone nói trên. Estrogen đóng vai trò làm tăng kích thước và tăng số lượng ống dẫn sữa, trong khi đó, Progesterone kích thích sự phát triển của tuyến nang và thuỳ tuyến sữa. Progesterone còn ức chế prolactin, ngăn cản sản xuất sữa của cơ thể mẹ trong thời kỳ mang thai. Sau khi sinh, lượng tiết ra của hai loại hormone này giảm xuống, là dấu hiệu để cơ thể người mẹ tạo sữa.

2. Sản xuất sữa

Cơ chế sản xuất sữa có sự tham gia của Prolactin. Ban đầu khi mẹ cho trẻ bú, động tác mút vú sẽ dẫn truyền theo đường phản xạ thần kinh, kích thích vùng dưới đồi ở não bài tiết Prolactin. Prolactin được đưa vào máu thúc đẩy tuyến vú sản xuất ra sữa. Giai đoạn sau đó sự tiết sữa được kích thích bằng dấu hiệu trống các tiểu thùy sữa. Mỗi khi các tiểu thùy cạn sữa sẽ được kích thích để tiết sữa nhiều hơn.

3. Giải phóng sữa khỏi bầu ngực

Oxytocin giúp sữa được giải phóng từ bầu ngực của mẹ. Khi bé bắt đầu kéo núm vú và hút, cũng là lúc Hormone oxytocin được giải phóng. Oxytocin có chức năng làm co bóp các cơ quanh nang, đẩy sữa thoát ra khỏi nang tới các núm vú rồi sau đó chảy vào miệng bé. Đây cũng chính là quá trình diễn ra phản xạ phun sữa. Trẻ sẽ gặp khó khăn trong quá trình bú sữa nếu phản xạ Oxytocin không làm việc tốt, dẫn đến tình trạng vú vẫn sản xuất sữa nhưng lại không tống sữa ra.

4. Ức chế tiết sữa

Ức chế tiết sữa sẽ xuất hiện khi các tiểu thùy sữa vẫn còn đọng lại sữa. Khi đó, chất ức chế sẽ được tiết ra và làm cho tuyến vú dừng việc tiết sữa. Do đó, để tuyến vú tạo nhiều sữa, các mẹ cần phải chú ý tạo cho vú luôn rỗng bằng cách cho trẻ bú thường xuyên hoặc vắt sữa.

Tầm quan trọng của sữa mẹ đối với sự phát triển của trẻ

Có thể nói, sữa mẹ chính là thức ăn hoàn chỉnh và thích hợp nhất đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nuôi con bằng sữa mẹ mang lại lợi ích cho cả mẹ và trẻ theo nhiều cách khác nhau, và nhiều lợi ích trong số này vẫn tiếp tục kéo dài sau khi việc cho con bú kết thúc. Tác dụng của sữa mẹ là gì? Nuôi con bằng sữa mẹ tốt như thế nào?

  • Với trẻ nhỏ, sữa mẹ cung cấp dinh dưỡng và kháng thể, giúp trẻ tăng cân, giảm nguy cơ mắc bệnh. Trẻ được bú sữa mẹ còn giúp trẻ thông minh và gắn kết tình cảm mẹ con nhiều hơn.
  • Với bà mẹ, lợi ích từ việc nuôi con bằng sữa mẹ có thể kể đến như: hạn chế nguy cơ trầm cảm sau sinh, giảm cân sau sinh hiệu quả, giúp tử cung co hồi tốt hơn, hỗ trợ tránh thai tự nhiên, tăng sức đề kháng và giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư vú và buồng trứng cũng như các bệnh tật không mong muốn khác.

Nuôi con bằng sữa mẹ

Nuôi con bằng sữa mẹ giúp mẹ vui con khỏe

Thành phần của sữa mẹ: Có gì trong sữa mẹ?

Sữa mẹ được tạo thành từ hàng trăm chất, bao gồm các thành phần chính sau: protein, chất béo, carbohydrate, vitamin, khoáng chất, nước, kháng thể thụ động, enzym và hormone. (1)

Vậy, thành phần dinh dưỡng trong sữa mẹ có gì đặc biệt:

  • Một lượng lớn các tế bào sống, là các tế bào bạch cầu giúp tăng cường miễn dịch, các tế bào gốc có thể giúp các cơ quan phát triển và chữa lành. (2)
  • Hơn 1.000 protein giúp bé tăng trưởng và phát triển, kích hoạt hệ thống miễn dịch, phát triển và bảo vệ các tế bào thần kinh trong não của bé.
  • Axit amin là chất tạo thành protein trong sữa mẹ. Trong sữa mẹ có đủ 20 loại axit amin cho nhu cầu tạo nên tất cả các loại protein. (3)
  • Một số thành phần của sữa mẹ là các nucleotide. Loại chất này có xu hướng tăng lên vào ban đêm và các nhà khoa học cho rằng chúng có thể gây ngủ. (4)
  • Sữa mẹ còn chứa số lượng lớn oligosaccharide hoạt động như prebiotics, cung cấp ‘vi khuẩn tốt’ trong đường ruột của bé. Chúng cũng ngăn ngừa nhiễm trùng xâm nhập vào máu và giảm nguy cơ viêm não. (5)
  • Hơn 40 loại enzym. Enzyme là chất xúc tác làm tăng tốc độ các phản ứng hóa học trong cơ thể. Các thành phần trong sữa mẹ có tác dụng như hỗ trợ tiêu hóa và hệ thống miễn dịch của trẻ, cũng như giúp trẻ hấp thụ chất sắt. (6)
  • Các yếu tố tăng trưởng hỗ trợ sự phát triển lành mạnh: Những điều này tác động đến nhiều bộ phận trong cơ thể của bé, bao gồm ruột, mạch máu, hệ thần kinh và các tuyến tiết ra hormone của bé.
  • Về vấn đề nội tiết tố, sữa mẹ chứa rất nhiều nội tiết tố. Một số loại giúp điều chỉnh cảm giác thèm ăn và giấc ngủ của bé, ngoài ra, nội tiết tố còn giúp gắn kết tình cảm giữa mẹ và bé.
  • Vitamin và khoáng chất: đây là nhóm vi chất hỗ trợ sự phát triển khỏe mạnh và tăng cường chức năng của các cơ quan, cũng như giúp hình thành răng và xương của bé.
  • Kháng thể hay globulin miễn dịch: Có 5 dạng kháng thể cơ bản và tất cả chúng đều có thể tìm thấy trong sữa mẹ. Chúng bảo vệ bé chống lại bệnh tật và nhiễm trùng bằng cách vô hiệu hóa vi khuẩn và vi rút. (7)
  • Axit béo chuỗi dài đóng một phần quan trọng trong việc xây dựng hệ thần kinh của bé, cũng như giúp phát triển não và mắt khỏe mạnh. Và sữa mẹ cũng chứa loại vi chất này. (8)
  • 1400 microRNA, được cho là điều chỉnh sự biểu hiện gen, cũng như giúp ngăn ngừa hoặc ngăn chặn sự phát triển của bệnh, hỗ trợ hệ thống miễn dịch của bé và đóng một vai trò trong việc tái tạo vú. (9)

Những vi chất kể trên chỉ là một số thành phần trong sữa mẹ, và các nhà khoa học vẫn còn đang nghiên cứu để khám phá thêm. Đáng chú ý, một sự thật thú vị là hàm lượng các thành phần này có thể thay đổi một cách thông minh theo thời gian, độ tuổi và nhu cầu của bé. Vì thế, lợi ích của sữa mẹ trong quá trình khôn lớn và phát triển của trẻ là vô cùng quan trọng và cần thiết.

Thhành phần sữa mẹ thay đổi khi bé lớn lên

Thành phần sữa mẹ thay đổi khi trẻ lớn lên một cách thông minh

Các giai đoạn sữa mẹ

Khi mang thai, quá trình sản xuất sữa mẹ bắt đầu diễn ra. Khi bé được sinh ra, bạn sẽ chỉ có một lượng nhỏ sữa trong một hoặc hai ngày đầu tiên. Đừng lo lắng bởi điều này là đủ cho trẻ sơ sinh.

Việc sản xuất sữa mẹ sẽ bắt đầu tăng lên kể từ ngày thứ ba sau sinh. Bạn sẽ cảm thấy ngực bắt đầu đầy lên bởi sữa mẹ về. Tuy nhiên, đối với những người lần đầu làm mẹ, sữa mẹ về có thể mất nhiều thời gian hơn (lên đến năm ngày).

Trong hai tuần đầu sau khi trẻ chào đời, sữa mẹ tiến triển qua ba giai đoạn chính: sữa non, sữa mẹ chuyển tiếp và sữa mẹ trưởng thành.

1. Sữa non

Sữa non (Colostrum hay First milk) là lượng sữa mẹ đầu tiên, có ở cuối thai kỳ và trong vài ngày đầu sau khi em bé được sinh ra. Lượng sữa non tạo ra là ít, nhưng thể tích nhỏ đó chứa tất cả những gì em bé mới sinh của bạn cần trong những ngày đầu đời.

Sữa non thường đặc, màu vàng và dính, nhưng nó cũng có thể mỏng và có màu trắng hoặc cam. Sữa non đặc có thể bị kẹt trong ống bơm của bạn khi bạn hút sữa.

Đối với một số bà mẹ, việc vắt sữa non bằng tay vào cốc nhỏ rồi đổ vào bình sẽ dễ dàng hơn. Tuy nhiên, bạn vẫn nên sử dụng máy bơm để kích thích vú và khuyến khích sản xuất sữa. (10)

Sữa non cũng là một loại thuốc nhuận tràng tự nhiên giúp ngăn ngừa bệnh vàng da bằng cách loại bỏ phân su trong cơ thể bé (phân sệt, phân đen đầu tiên).

Có thể nói sữa non là vắc xin tự nhiên tốt nhất cho trẻ sơ sinh khỏe mạnh. Bởi trong sữa non còn chứa nhiều globulin miễn dịch và lactoferrin; được xem là protein có đặc tính hấp thụ sắt và tăng cường miễn dịch cho trẻ nhỏ. Lactoferrin giảm trong quá trình chuyển từ sữa non sang sữa trưởng thành, nhưng nó vẫn tồn tại trong tất cả các dạng sữa mẹ. Tổ chức Y tế (WHO) khuyến nghị các bà mẹ nên cho trẻ bú ngay trong 1h sau sinh để tận dụng sữa non, kích thích sữa non có sớm và giúp co hồi tử cung của bà mẹ.

2. Sữa chuyển tiếp

Ngay sau khi sữa non có dấu hiệu kết thúc và bắt đầu sự xuất hiện mới của sữa trưởng thành là giai đoạn của sữa chuyển tiếp (Transitional milk). Thông thường, sữa chuyển tiếp bắt đầu từ 5 đến 14 ngày sau sinh. Thành phần trong sữa chuyển tiếp có hàm lượng dinh dưỡng gần giống với sữa trưởng thành, đặc biệt là những ngày về sau.

Các giai đoạn sữa mẹ

Sữa mẹ cũng có nhiều loại, khác nhau về màu sắc và thành phần theo từng giai đoạn cụ thể

3. Sữa trưởng thành

Sữa chuyển sang sữa mẹ trưởng thành khi trẻ được khoảng hai tuần tuổi. Sữa trưởng thành (Mature milk) chứa khoảng 90% nước để đáp ứng nhu cầu chất lỏng của bé. Tuy nhiên, sữa trưởng thành chứa hàm lượng protein thấp hơn sữa non nhưng chiếm ưu thế hơn về hàm lượng chất béo và carbohydrate.

Theo các chuyên gia, hàm lượng chất béo và protein trong sữa mẹ tăng sau mốc 18 tháng, trong khi carbohydrate giảm. Các chuyên gia đưa ra giả thuyết rằng những thay đổi này là kết quả của việc sữa mẹ dần thích nghi với nhu cầu cơ thể của bé. Cụ thể là khi trẻ mới biết đi, nhu cầu năng lượng cũng cao hơn.

Sữa mẹ thay đổi trong từng lần cho bú

Khi cho con bú, mẹ có thể nhận thấy sữa mẹ loãng khi bắt đầu, dần dần thay đổi và trở nên đặc hơn khi kết thúc cữ bú. Điều này là do hàm lượng chất béo trong sữa mẹ tăng lên ở sữa cuối, cao hơn sữa đầu. (11)

Sữa đầu (Foremilk) loãng vì chứa rất nhiều nước, đường lactose, protein và ít chất béo, calo và vitamin A và E hơn so với sữa cuối. (12)

Sữa cuối cữ bú (Hindmilk) thường có màu trắng và trông sẽ đặc hơn, do chứa nhiều chất béo hơn, được tiết ra cuối bữa bú của bé. Theo ước tính, hàm lượng chất béo trong sữa cuối cao gấp hai đến ba lần so với sữa đầu. Mẹ cần chú ý nên cho bé bú đủ sữa đầu và sữa cuối, không nên chuyển bên sớm, để giúp trẻ tăng cân và lớn nhanh tốt hơn.

Màu và vị sữa mẹ như thế nào là tốt?

Thông thường, sữa mẹ có màu trắng, vàng hoặc hơi xanh. Trong một số trường hợp khác, sữa mẹ có thể có màu xanh lá, cam, nâu hoặc hồng, tuỳ thuộc phần lớn vào thực phẩm mà mẹ tiêu thụ.

Đôi khi, do hội chứng ống dẫn bị gỉ hoặc núm vú bị nứt có thể xuất hiện máu trong sữa mẹ, điều này không thật sự quá nguy hiểm, tuy nhiên cũng cần đến thăm khám với các chuyên gia trong trường hợp cần thiết.

Miễn là trẻ không từ chối vú mẹ, bạn có thể tiếp tục cho con bú nếu sữa đổi màu. Theo các chuyên gia, thuốc, bao gồm một số loại thuốc kháng sinh, cũng có thể ảnh hưởng đến màu sữa mẹ, nhưng không có hại đến sức khỏe của trẻ.

Về hương vị, sữa mẹ được nhận định ngọt và béo như kem. Sữa mẹ có vị ngọt từ đường của sữa lactose, vị kem vì hàm lượng chất béo cao.

chế độ ăn uống, cách tăng chất lượng sữa mẹ

Chế độ ăn uống của mẹ góp phần quyết định chất lượng sữa mẹ

Thực phẩm người mẹ tiêu thụ góp phần tạo nên hương vị của sữa mẹ, đồng thời giúp bé tiếp xúc với hương vị của những loại thực phẩm này thông qua sữa của người mẹ. Điều này, góp phần giúp trẻ hấp nhận mùi vị của trái cây và rau khi bắt đầu ăn thức ăn đặc. (13)

Về hướng dẫn giải pháp chăm sóc nguồn sữa, Thầy thuốc Nhân dân, PGS.TS.BS Lê Bạch Mai – nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia; Giám đốc Y khoa miền Bắc, Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome cho biết: “Những gì người mẹ đang ăn trong thời điểm này còn ảnh hưởng trực đến nguồn dinh dưỡng của trẻ thông qua sữa mẹ. Vì vậy, cần chọn lọc thực phẩm lành mạnh và an toàn để giúp tốt mẹ, khỏe con”.

Để có nguồn sữa dồi dào dưỡng chất, người mẹ cần có chế độ dinh dưỡng khoa học và phù hợp. Chế độ ăn nghèo nàn dinh dưỡng, ăn quá mặn hay quá ngọt cũng ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sữa mẹ. Trong giai đoạn này, người mẹ nên ăn đầy đủ và cân đối các nhóm chất, chú ý các thức ăn giàu chất đạm như thịt, cá, trứng, đậu. Ngoài ra, cũng nên bổ sung các thực phẩm giàu canxi như sữa, các chế phẩm từ sữa…

Theo Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) khuyến nghị, khi trẻ từ 4 tháng tuổi, mẹ nên bổ sung sắt cho bản thân để tăng cường chất này trong sữa cho bé bú.

Các yếu tố khác ảnh hưởng đến hương vị sữa mẹ bao gồm thuốc, hormone, tập thể dục, hút thuốc, rượu và các bệnh nhiễm trùng như viêm vú. Sữa mẹ cấp đông và rã đông cũng có thể tạo ra vị xà phòng khiến trẻ không thích và có xu hướng không muốn bú.

Thành phần sữa mẹ sau 6 tháng thay đổi như thế nào?

Mẹ có từng hỏi điều gì sẽ xảy ra với sữa của mẹ nếu tiếp tục cho con bú lâu dài, cơ thể của người mẹ có thể thực sự tiếp tục sản xuất sữa trưởng thành chất lượng cao như trong nhiều ngày, nhiều tháng hay không?

Số đông các bà mẹ vô cùng lo lắng khi nhận thấy nguồn sữa của mình đang dần giảm đi, nhất là 6 tháng sau sinh. Điều này có thể lý giải bằng nhiều nguyên nhân khác nhau.

Sau 6 tháng,  mẹ có thể bổ sung thêm dinh dưỡng cho trẻ bằng việc ăn dặm trẻ sẽ bú ít hơn. Các mẹ có xu hướng quay trở lại với công việc, thời gian bận rộn hơn và việc hút sữa cũng không được đảm bảo, chế độ ăn uống không cân đối, thêm vào đó là áp lực tâm lý khi phải cân bằng giữa gia đình và công việc cũng làm ảnh hưởng đến nguồn sữa mẹ.

cho con bú sữa mẹ

Tăng cường tiếp tục nuôi con bằng sữa mẹ đến 2 tuổi hoặc lâu hơn giúp trẻ phát triển tối ưu

Nên nuôi con bằng sữa mẹ đến khi nào? Mặc dù chưa có khuyến nghị về thời gian ngưng cho bé bú, song Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị các bà mẹ nên cho bé bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời, tiếp tục cho bé bú song song với việc bổ sung thực phẩm phù hợp cho đến 2 tuổi. Vì vậy, sữa mẹ chiếm vai trò nhất định trong suốt thời gian phát triển đầu đời của trẻ nhỏ.

“Thực tế, chất lượng sữa mẹ và số lượng sữa mẹ không phải lúc nào cũng tỉ lệ thuận với nhau. Mẹ có số lượng sữa dồi dào không đồng nghĩa với việc sữa mẹ đảm bảo chất lượng cao nhất. Ngay những tháng đầu sau sinh, chất lượng sữa của từng người sẽ không hề giống nhau. Mẹ phải biết rằng, số lượng và chất lượng sữa mẹ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: cơ địa của người mẹ, tình trạng bệnh lý, chế độ dinh dưỡng… Vì vậy, các mẹ nên đến địa chỉ uy tín để thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu để hiểu rõ hơn về tình trạng sữa mẹ của chính mình, từ đó tìm được hướng giải quyết phù hợp”, PGS.TS.BS Lê Bạch Mai chia sẻ thêm.

Sữa mẹ là sự lựa chọn ‘hoàn hảo’ cho sự phát triển trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, giúp bé khỏe mạnh và phát triển tối ưu. Song, nuôi con bằng sữa mẹ đối mặt với nhiều rào cản và thách thức. Mẹ luôn lo lắng rằng trẻ không bú đủ sữa, sữa mẹ thiếu chất hay không? Nhận biết được nỗi lo của nhiều bà mẹ, Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome cung cấp nhiều dịch vụ nổi bật giúp mẹ sau sinh an tâm nuôi con bằng sữa me. Nutrihome là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam đầu tư máy xét nghiệm thành phần sữa mẹ vộ cùng hiện đại. Tất cả thành phần cơ bản có trong sữa mẹ hư chất béo, chất đạm, đường lactose, độ đặc, chất khoáng, nước, kẽm, sắt và canxi sẽ được hiển thị chính xác, cụ thể thông qua kết quả xét nghiệm. Bác sĩ sẽ xây dựng khẩu phần ăn, thiết kế thực đơn phù hợp nhất với tình trạng dinh dưỡng, sở thích của mẹ, giúp mẹ cải thiện số lượng và chất lượng nguồn sữa mẹ.

5/5 - (1 bình chọn)
10:25 16/03/2023