Sữa đầu và sữa cuối của mẹ: Cách phân biệt và những điều mẹ cần biết

01/04/2022
Tư vấn chuyên môn bài viết
Chức Vụ: Bác sĩ Dinh dưỡng
Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome

Sữa đầu và sữa cuối là gì, có tác dụng như thế nào?” là thắc mắc quen thuộc của đa số bà mẹ, đặc biệt là các bà mẹ trong lần đầu nuôi dưỡng con nhỏ.

Hiểu được tầm quan trọng của sữa mẹ đối với sự phát triển của trẻ trong 1000 ngày đầu đời, đông đảo bà mẹ có xu hướng nuôi con bằng sữa mẹ một cách tích cực hơn.

Tuy nhiên, còn kha khá ý kiến tranh luận về việc nên cho trẻ bú sữa đầu của mẹ hay sữa cuối, sữa mẹ nào mới thật sự tốt nhất cho sự phát triển của trẻ nhỏ, mất cân bằng về việc bú sữa đầu và sữa cuối của mẹ ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe của trẻ. Hy vọng, bài viết của ThS.BS Trần Thị Hồng Loan sẽ giúp mẹ giải đáp được tất cả các thắc mắc trên.

Phân biệt sữa đầu và sữa cuối của mẹ

Sữa đầu là gì?

Sữa đầu hay còn gọi là sữa đầu cữ bú (foremilk) là phần sữa vú mẹ tiết ra trong 10 phút đầu trong giai đoạn cho trẻ bú. Sữa đầu thường có vị ngọt, màu trong, hàm lượng lactose cao và ít chất béo.

Sữa đầu khoảng bao nhiêu ml? Trả lời thắc mắc này, bác sĩ cho biết thông thường sữa đầu của mẹ có khoảng 15ml, trong trường hợp mẹ có nhiều sữa thì lượng sữa đầu có thể lên đến 30ml.

Trẻ bú bao lâu thì hết sữa đầu? Điều này còn phụ thuộc nhiều vào sức bú của từng trẻ. Thông thường trẻ sơ sinh cần khoảng 15 phút đén 20 phút để bú đến sữa sau. Khi trẻ lớn hơn thời gian có thể rút ngắn xuống còn 5 phút đến 10 phút.

Phân biệt sữa đầu và sữa cuối của mẹ

Sữa đầu và sữa cuối của mẹ có sự khác biệt về thành phần dinh dưỡng

Sữa cuối là gì?

Sữa cuối là sữa tiết ra ở cuối cữ bú. Thành phần dinh dưỡng của sữa mẹ có thể tự động điều chỉnh sau mỗi lần cho trẻ bú. Trong khi trẻ bú, lượng chất béo và calo cũng tăng dần và đạt mức cao nhất ở cuối mỗi cữ bú. Bởi vậy, sữa cuối cữ bú (hindmilk) thường có màu sắc đục, sánh đặc hơn và giàu năng lượng.

Một số nghiên cứu chỉ ra, hàm lượng chất béo trong sữa mẹ thấp hay cao phụ thuộc vào khoảng trống trong bầu ngực. Khi sữa có trong vú càng ít thì hàm lượng chất béo càng cao do diện tích khoảng trống tăng lên. Vì vậy, sữa cuối sẽ được hình thành sau khi trẻ bú hết sữa đầu. Lúc này, bầu ngực trống rỗng sẽ kích thích cơ thể mẹ sản xuất thêm sữa. Dòng sữa này sẽ di chuyển qua các tuyến sữa và thu thập hết chất béo trong các ống dẫn sữa trên đường đi. Vì vậy, hàm lượng chất béo ở cuối mỗi cữ bú sẽ cao hơn sữa đầu.

Thực chất cách nhận biết trên giúp mẹ phân biệt giữa sữa có hàm lượng chất béo thấp, nhiều nước và đường lactose với sữa có hàm lượng chất béo cao và giàu calo. Hiểu theo cách đơn giản hơn thì định nghĩa “sữa đầu” và “sữa cuối” dùng để chỉ sữa trẻ bú ở đầu cữ bú và sữa trẻ bú ở cuối cữ bú.

Cách nhận biết sữa đầu và sữa cuối

Một trong những cách nhận biết sữa đầu và sữa cuối đơn giản là dựa trên màu sắc. Màu của sữa cuối thường đục hơn sữa đầu. Ngoài ra, mẹ có thể phân biệt được bằng cảm nhận trong quá trình cho con bú.

  • Sữa đầu: Bắt đầu tiết ra khi mẹ cho bé bú. Sữa đầu khá loãng và có màu trắng trong như nước vo gạo, số lượng nhiều và có vị như nước điện giải.
  • Sữa cuối: Nếu mẹ tiếp tục cho bé bú, sữa cuối sẽ được tiết ra. Lúc này, sữa mẹ có màu đậm dần, sánh và chuyển sang màu trắng ngà, do hàm lượng chất béo trong sữa mẹ tăng lên trong quá trình cho con bú.

Sữa đầu và sữa cuối có tác dụng gì?

Sữa đầu và sữa cuối chứa thành phần dinh dưỡng và có tác dụng khác nhau đối với cơ thể trẻ. Sữa đầu tuy loãng nhưng chứa nhiều kháng thể, giúp tăng cường sức đề kháng của trẻ. Sữa cuối chứa nhiều chất béo và năng lượng giúp cơ thể trẻ hoạt động, phát triển chiều cao, cân nặng. Do đó, mẹ cần đảm bảo trẻ đã bú hết sữa, trước khi đổi sang vú khác hoặc ngừng cho bé bú. Để đảm bảo cung cấp đủ lượng sữa đầu và sữa cuối, mẹ có thể tham khảo thêm bài viết “ăn gì để nhiều sữa” để đảm bảo cơ thể có đủ lượng sữa đáp ứng nhu cầu của trẻ.

Nên cho trẻ bú nhiều sữa đầu hay sữa cuối?

Sữa đầu loãng, vậy sữa đầu của mẹ có tốt không? Có nên bỏ sữa đầu và chỉ cho con bú sữa cuối hay không? Nên cho trẻ bú nhiều sữa đầu hay sữa cuối? Câu trả lời là mẹ hãy cho con bú liên tục từ đầu đến cuối cữ bú. Như đã đề cập ở trên, sữa đầu và sữa cuối đóng vai trò khác nhau trong việc giúp bé phát triển khỏe mạnh và toàn diện. Vậy nên, mẹ hãy cố gắng giúp con bú đủ được lượng, cả sữa đầu và cuối.

Không ít người mẹ cho rằng sữa đầu không tốt bằng sữa cuối vì không giúp bé tăng cân. Nhưng thực chất đây là một quan niệm sai lầm. Với sữa mẹ, dù là sữa nào cũng đều có giá trị dinh dưỡng cao và tốt cho sự phát triển của bé. Sữa đầu tuy không chứa nhiều chất béo và năng lượng giúp bé tăng cân, nhưng sữa đầu lại là nguồn sữa cung cấp đầy đủ nước, vitamin và kháng thể cho trẻ. Do đó, mẹ nên cho bé bú đủ cả sữa đầu và cuối, để con khỏe mạnh và phát triển toàn diện tốt nhất.

So với sữa cuối, sữa đầu không thua kém về chất lượng, đồng thời có đóng vai trò quan trọng tương đương đối với sự phát triển của trẻ. Cả sữa đầu và cuối đều là nguồn dinh dưỡng đặc biệt dành riêng cho trẻ do cơ thể mẹ tạo ra nhằm đáp ứng chính xác những dưỡng chất mà trẻ cần.

Bởi về bản chất, tuy sữa đầu và cuối có sự khác biệt nhất định về thành phần dinh dưỡng nhưng thực ra cơ thể mẹ chỉ có thể tạo ra duy nhất một loại sữa. Nói một cách dễ hiểu là, cơ thể người mẹ vốn không phải là máy móc có khả năng điều khiển và quyết định loại sữa được tạo ra. Việc chuyển đổi sữa đầu sang sữa cuối hoặc ngược lại là việc không một người mẹ nào có thể khống chế. (1)

Bác sĩ nhấn mạnh, trẻ cần được bú đủ cả hai loại sữa đầu và sữa cuối để cơ thể tăng trưởng và phát triển. Ngoài ra, khi cho trẻ bú mẹ cần chú ý cân bằng tỷ lệ của hai loại sữa này để tránh gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ.

Tác hại khi trẻ bú không đều sữa mẹ đầu và cuối

Tác hại của việc bú không đều sữa đầu và sữa cuối là gì? Các bác sĩ nhi khoa cho biết, trẻ bú không đều sữa mẹ đầu và cuối, dù trẻ bú nhiều sữa đầu hơn hay ngược lại, đều rất dễ gặp phải các vấn đề sức khỏe, đặc biệt là vấn đề liên quan đến hệ tiêu hóa. Cụ thể:

Tác hại khi trẻ bú không đều sữa mẹ đầu và cuối

Mất cân bằng tỷ lệ sữa mẹ đầu và cuối có thể khiến trẻ gặp vấn đề về tiêu hóa

Thành phần dinh dưỡng của sữa mẹ ở mỗi thời điểm không tương đồng do nhiều nguyên nhân. Dẫu vậy, phần lớn thời gian cơ thể mẹ đều có thể cung cấp chính xác những gì trẻ đang cần. Tuy nhiên, cơ thể mẹ đôi lúc không tránh được việc bị mất cân bằng và sản xuất quá nhiều sữa đầu. Từ đó, dẫn đến tình trạng trẻ mất cân bằng sữa đầu và cuối.

Tình trạng mất cân bằng sữa đầu và sữa cuối hay còn được gọi là tình trạng quá tải đường lactose là khi trẻ gặp khó khăn trong việc tiêu hóa đường lactose trong sữa mẹ. Nguyên nhân chủ yếu là trẻ bú quá ít sữa cuối và nhiều sữa đầu trong mỗi cữ. Điều này xảy ra khi khoảng cách giữa các cữ bú của trẻ quá xa hoặc mẹ có quá nhiều sữa. Vì chỉ khi bầu ngực của mẹ có khoảng trống thì sữa giàu chất béo mới bắt đầu được tạo ra. Mà quá trình tạo ra sữa mẹ diễn ra liên tục nên lượng sữa có hàm lượng nước cao sẽ không ngừng tăng lên.

Khi trẻ bú sữa mẹ, sữa đầu ít béo có thể khiến trẻ no bụng trước khi trẻ ăn đến sữa cuối. Lúc này, trẻ bị thiếu chất béo do không được ăn sữa cuối. Trẻ bú quá nhiều sữa đầu có thể làm mất cân bằng hàm lượng chất béo. Thông thường, cơ thể cần một khoảng thời gian nhất định để tiêu hóa chất béo. Nhưng vì sữa đầu ít béo nên có thể đi qua hệ tiêu hóa của trẻ một cách nhanh chóng đến mức cơ thể chưa kịp phân hủy và hấp thu.

Chính bởi sự mất cân bằng sữa đầu và cuối này đã gây ra quá tải đường lactose ở trẻ nhỏ. Lượng đường lactose mà cơ thể chưa kịp hấp thu này sẽ đi thẳng đến ruột già. Tại đây, đường lactose sẽ lên men và tạo ra khí ga, từ đó gây ra nhiều triệu chứng mất cân bằng khác nhau ở trẻ.

Dấu hiệu trẻ bú mẹ mất cân bằng sữa đầu và sữa cuối

Mất cân bằng sữa mẹ đầu và cuối gây ảnh hưởng tiêu cực đến cơ thể trẻ. Bởi vậy mẹ cần chú ý quan sát biểu hiện của trẻ để kịp thời điều chỉnh.

1. Trẻ bú nhiều nhưng cân nặng không tăng

Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng chính quan trọng đối với sự phát triển của cơ thể trẻ. Tuy nhiên, phần lớn dinh dưỡng cần thiết đối với cơ thể trẻ nằm ở sữa cuối. Nếu không được bú đủ lượng sữa cuối, trẻ không thể tăng cân, thậm chí giảm cân dù mẹ cho bú nhiều. Bên cạnh nguyên nhân mất cân bằng sữa đầu và sữa cuối, mẹ có thể tham khảo thêm “Trẻ bú nhiều nhưng không tăng cân” để hiểu thêm về tình trạng này.

2. Phân lỏng, có màu xanh lá cây

Sức khỏe của trẻ có thể được phản ánh chính xác qua kết cấu phân. Lượng sữa đầu và cuối mất cân bằng khiến cơ thể trẻ hấp thu đường lactose nhiều hơn, từ đó khiến phân lỏng và có màu xanh lá cây.

3. Phân trẻ có đốm máu

Tỷ lệ sữa đầu sữa cuối không phù hợp sẽ dẫn đến tình trạng gây áp lực cho hệ tiêu hóa, làm ruột non và hậu môn làm việc quá sức. Do đó, mẹ có thể phát hiện đốm máu trong phân của trẻ.

4. Trẻ hay đầy bụng, đau bụng

Mẹ có thể nhận biết trẻ bú mẹ mất cân bằng sữa đầu và cuối khi trẻ bị đau bụng do khó tiêu, đầy bụng. Một số trẻ sơ sinh sau khi bú sữa mẹ không thể ợ hoặc xì hơi gây ra khó tiêu, đầy bụng. Từ đó, dẫn đến tình trạng trẻ khó chịu, đau bụng, quấy khóc. Ngoài ra, trẻ có một số những biểu hiện khác như bụng phình nhẹ, tay trẻ nắm chặt,…

dấu hiệu, mất cân bằng sữa đầu và sữa cuối

Trẻ bú mẹ mất cân bằng sữa đầu và sữa cuối thường gặp vấn đề về tiêu hóa như đau bụng, phân lỏng,..

5. Bé đi “ị” ngay sau khi bú xong

Sữa mẹ chính là nguồn năng lượng để cơ thể trẻ hoạt động, trong đó có hệ tiêu hóa. Thiếu đi nguồn năng lượng này, sữa mẹ sẽ không được tiêu hóa mà đi thẳng qua ruột non và bị cơ thể trẻ đào thải ngay sau khi bú. Do đó, mẹ có thể thấy trẻ đi “ị” ngay khi đang bú hoặc sau khi bú xong.

6. Hệ tiêu hóa của trẻ có vấn đề

Những vấn đề tiêu hóa như ợ, xì hơi,… nhiều hơn thông thường chính là dấu hiệu trẻ đang mất cân bằng trong quá trình hấp thụ sữa đầu và cuối. Tình trạng này xuất hiện bởi cơ thể trẻ không thể phần lớn lượng đường lactose có trong sữa đầu, khiến lactose lên men, tạo thành khí ga và tích tụ ở ruột già.

7. Hăm tã

Khi sữa đầu và sữa cuối mất tỷ lệ cân bằng có thể làm thay đổi bản chất sữa mẹ, khiến sữa mang tính axit. Điều này có thể làm trẻ thường xuyên bị hăm tã, từ đó gây ảnh hưởng không tốt đối với cơ thể của trẻ.

Nếu trẻ không xuất hiện những dấu hiệu trên và tình trạng sức khỏe bình thường, chứng tỏ tỷ lệ sữa đầu và cuối mà trẻ bú đạt chuẩn nhu cầu của trẻ. Khi trẻ bị mất cân bằng sữa mẹ đầu và cuối, mẹ không nên căng thẳng quá độ vì vấn đề này có thể xử lý và khắc phục dễ dàng dưới sự trợ giúp và chỉ dẫn đúng đắn của bác sĩ chuyên môn.

Cách khắc phục tình trạng trẻ bú sữa đầu sữa cuối mất cân bằng

Trẻ bú sữa đầu sữa cuối mất cân bằng phải làm sao? Nếu mẹ nghi ngờ trẻ bú sữa đầu sữa cuối mất cân bằng, hãy đưa trẻ đi khám bác sĩ để xác định tình hình sức khỏe của trẻ. Vì những dấu hiệu được liệt kê trên cũng có thể là biểu hiện của bệnh lý khác. Do đó, mẹ nên tìm hiểu rõ nguyên nhân gây bệnh trước khi áp dụng các biện pháp khắc phục tình trạng quá tải đường lactose. Trong trường hợp xác nhận trẻ bị quá tải lactose, bác sĩ khuyến khích mẹ nên thử áp dụng những biện pháp như:

1. Mẹ kiên nhẫn cho bé bú để đảm bảo cân bằng sữa đầu và sữa cuối

Duy trì sự kiên nhẫn khi cho trẻ bú là cách hiệu quả giúp trẻ bú đủ cả sữa đầu và sữa cuối. Mỗi người mẹ có phương pháp cho con bú khác nhau dựa trên thói quen, đặc điểm của trẻ. Bởi vậy, việc tìm kiếm cách cho bú nào hiệu quả, thời gian và vị trí bú phù hợp đòi hỏi sự kiên nhẫn của cả mẹ và bé.

2. Kéo dài thời gian cho bé bú

Trẻ bú sữa tương tự với việc ăn cơm của bạn, trong đó sữa đầu là món khai vị và sữa cuối là món chính. Để sản xuất sữa cuối, cơ thể bạn cần có một khoảng thời gian nhất định vì vậy bạn cần cố gắng kéo dài thời gian cho bé ăn để đảm bảo cơ thể trẻ nhận đầy đủ dinh dưỡng.

3. Để trẻ bú cạn một bên ngực trước khi đổi bên

Sữa thường bắt đầu chảy ở một bên ngực trước, vì vậy mẹ nên cho trẻ bú hết từng bên để đảm bảo bé nhận đủ cả sữa đầu và sữa cuối. Thay đổi bên bú liên tục có thể làm trẻ bú quá nhiều sữa đầu, làm trẻ dễ bị no và không thể bú phần sữa cuối.

khắc phục tình trạng trẻ bú sữa đầu sữa cuối mất cân bằng

Lựa chọn tư thế bú phù hợp để trẻ cảm thấy thoải mái và bú đủ lượng sữa mẹ đầu và cuối

4. Vắt một phần sữa đầu trước khi cho con bú

Nếu nhận thấy trẻ đang bú nhiều sữa đầu hơn sữa cuối, mẹ có thể vắt ra một ít sữa, sau đó tiếp tục cho trẻ bú. Cách làm này sẽ giúp cân bằng tỷ lệ sữa đầu và sữa cuối, từ đó đảm bảo trẻ nhận đủ dưỡng chất trong sữa mẹ.

5. Cho bé bú ngay khi bé đói

Trẻ bị đói lâu không chỉ dễ khiến trẻ hờn, quấy khóc, mà còn làm trẻ bú vội hơn. Lúc đó cơ thể mẹ sẽ không kịp sản sinh ra sữa cuối, đồng thời khiến trẻ bú nhiều sữa đầu hơn. Vì vậy, mẹ cần cho trẻ bú ngay khi trẻ đói để trẻ hấp thu đủ cả hai loại sữa đầu và cuối.

6. Cho trẻ nghỉ trong quá trình bú

Khi áp dụng phương pháp cho trẻ bú hết một bên sau đó chuyển sang bên còn lại, mẹ lưu ý nên cho trẻ nghỉ ngơi một lúc trước khi cho trẻ bú tiếp. Cách làm này giúp kéo dài thời gian bú của trẻ và kích thích sữa về nhiều hơn.

7. Thử một tư thế cho bú khác

Mẹ có thể thử đổi tư thế cho trẻ bú để điều chỉnh tình trạng mất cân bằng sữa đầu và sữa cuối. Khi cho trẻ bú, bạn nên đặt trẻ nằm nghiêng, mặt trẻ quay về phía bạn để sữa chảy ra nhiều hơn, trẻ cũng có thể nghỉ ngơi trong khi bú.

8. Rút ngắn khoảng cách giữa các cữ bú

Khoảng cách giữa các cữ bú quá xa có thể tăng cơ hội cho loại sữa có hàm lượng nước và lactose cao tích tụ đầy trong bầu ngực của mẹ. Để hạn chế tình trạng trẻ hấp thu quá tải lactose, mẹ nên tăng số cữ bú cho trẻ và không để khoảng cách giữa các cữ bú vượt quá 2 tiếng. Mẹ có thể dùng máy hút sữa đan xen giữa các cữ bú của trẻ để kích thích cơ thể tạo ra nhiều sữa có hàm lượng chất béo cao hơn.

Nhìn chung, không thể phủ nhận tầm quan trọng của sữa mẹ đối với việc cung cấp dưỡng chất để trẻ phát triển toàn diện. Lượng sữa và thời gian mỗi trẻ bú không tương đồng. Vì vậy, hiểu đúng về sự thay đổi sữa đầu và cuối của mẹ sẽ hỗ trợ mẹ điều chỉnh cách cho trẻ bú và thiết lập chế độ bú phù hợp giúp trẻ luôn khỏe mạnh và tăng cân đều.

Để hiểu rõ hơn về các vấn đề liên quan đến sữa đầu và sữa cuối của mẹ, thành phần dinh dưỡng của sữa mẹ trong cơ thể bạn đã thật sự đáp ứng đúng và đủ nhu cầu dinh dưỡng của trẻ hay chưa. Bố mẹ có thể tham khảo và đến thăm khám tại các cơ sở trong Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome để được tư vấn thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu và tư vấn về chế độ dinh dưỡng khoa học và phù hợp.

3/5 - (4 bình chọn)
10:35 06/01/2023