Trẻ suy dinh dưỡng: nguyên nhân, dấu hiệu, điều trị và phòng ngừa

18/04/2020 Theo dỗi Nutrihome trên google news Tác giả: Trung tâm Dinh dưỡng Nutrihome
Tư vấn chuyên môn bài viết
Chức Vụ: Bác sĩ Dinh dưỡng
Trung tâm Dinh dưỡng Nutrihome

Theo Tổ chức Unicef, Việt Nam là một trong số 34 quốc gia trên toàn cầu phải đối mặt với gánh nặng suy dinh dưỡng cao nhất. Theo đó, Việt Nam có hơn 230.000 trẻ em dưới 5 tuổi thiếu dinh dưỡng cấp tính nặng mỗi năm; đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi và tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi.

Suy dinh dưỡng trẻ em để lại những hậu quả nặng nề đến khi trưởng thành

Suy dinh dưỡng trẻ em để lại những hậu quả nặng nề đến khi trưởng thành

Suy dinh dưỡng ở trẻ em là gì?

Suy dinh dưỡng trẻ em là tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng bao gồm thiếu năng lượng, protein, lipid và các vi chất dinh dưỡng. Bệnh phổ biến ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi. Theo báo cáo Tình hình Trẻ em Thế giới năm 2019 của Tổ chức Unicef, trên thế giới cứ 3 trẻ dưới 5 tuổi thì có một trẻ thiếu dinh dưỡng. Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở Việt Nam ở trẻ em dưới 5 tuổi 19,6% đến dưới 20%, với hơn 230.000 trẻ em dưới 5 tuổi thiếu dinh dưỡng cấp tính nặng mỗi năm; đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu dinh dưỡng thể thấp còi và tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi.

Những “con số biết nói” này đã dấy thực trạng số trẻ em phải chịu hậu quả từ chế độ dinh dưỡng thiếu khoa học, không đáp ứng đủ và đúng nhu cầu đang rất báo động.

Nguyên nhân khiến trẻ suy dinh dưỡng

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em. Tuy nhiên, các nguyên nhân hầu như xuất phát từ chế độ dinh dưỡng cho trẻ, thói quen ăn uống không lành mạnh hay những vấn đề dinh dưỡng không tốt trong thai kỳ của người mẹ.

Chế độ dinh dưỡng không đầy đủ của mẹ khi mang thai

Dinh dưỡng trong thai kỳ của mẹ không đảm bảo đầy đủ và cân đối các nhóm chất: bột đường, đạm, béo, vitamin và khoáng chất, cũng như các vitamin và khoáng chất thiết yếu là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ sơ sinh.

PGS.TS.BS Lê Bạch Mai, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Giám đốc Y khoa Trung tâm Dinh dưỡng Nutrihome (khu vực miền Bắc) cho biết, một điều khá thú vị mà không nhiều người biết đến là “mẹ ăn gì con thích nấy”, hay nói cách khác thói quen ăn uống của trẻ khi lớn lên chịu ảnh hưởng đến 80% sở thích và thói quen ăn uống của người mẹ lúc mang thai.

Ảnh hưởng nghiêm trọng của suy dinh dưỡng bào thai

Ảnh hưởng nghiêm trọng của suy dinh dưỡng bào thai

Trẻ thiếu dinh dưỡng trong giai đoạn bú mẹ và ăn dặm bổ sung

Đối với trẻ sơ sinh, suy dinh dưỡng dễ gặp ở những trường hợp trẻ bị sinh non, thiếu tháng. Việc cho trẻ bú mẹ trong giờ đầu sau sinh và những ngày đầu đời cũng tác động không nhỏ đến sự phát triển của trẻ. Theo số liệu Việt Nam thu thập năm 2018, chỉ 17% trẻ được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Như vậy có đến 83% số trẻ đã không được cung cấp nguồn thức ăn tốt nhất dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Thực đơn ăn uống của mẹ không đủ chất cũng khiến nguồn sữa không đảm bảo cả về lượng lẫn về chất cũng chính là nguyên nhân trẻ bị suy dinh dưỡng.

83% số trẻ đã không được cung cấp nguồn thức ăn tốt nhất dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

83% số trẻ đã không được cung cấp nguồn thức ăn tốt nhất dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Vì nhiều lý do như mẹ thiếu sữa, sữa không đủ chất… nên mẹ phải bổ sung hoặc dùng sữa cho trẻ suy dinh dưỡng thay cho sữa mẹ, điều này khiến trẻ không nhận được đầy đủ các kháng thể từ sữa mẹ. Đến tuổi ăn dặm, nhiều trẻ lại được cho ăn dặm sai cách: không đảm bảo đủ nhu cầu năng lượng theo độ tuổi, cho ăn dặm quá sớm khi mà hệ thống tiêu hóa của trẻ vẫn chưa hoàn thiện (trước 6 tháng tuổi), kiêng ăn khi trẻ bị bệnh (chỉ cho ăn cháo muối, cháo đường kéo dài)…

Xem thêm:

Thêm vào đó, việc trẻ không được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch nhất là đối với các mũi tiêm bắt buộc cũng khiến cho hệ miễn dịch trở nên yếu hơn trước các tác nhân gây bệnh. Từ đó, trẻ rất dễ mắc bệnh và khiến trẻ biếng ăn, khó hấp thu chất dinh dưỡng cũng là nguyên nhân trẻ suy dinh dưỡng.

Sai lầm trong cách nuôi con

  • Nguyên nhân lớn nhất thường khiến trẻ mắc phải “vấn nạn” suy dinh dưỡng chính là sai lầm trong cách nuôi dưỡng của người lớn. Theo đó, những bữa ăn không đảm bảo cân đối 4 nhóm chất cơ bản: bột đường, đạm, béo, vitamin và khoáng chất về lâu về dài khiến trẻ mất cân bằng dinh dưỡng.
  • Ăn quá nhiều hay quá ít một loại thực phẩm đều ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Theo số liệu điều tra dinh dưỡng quốc gia năm 2015, 18% trẻ em không được cho ăn đa dạng thực phẩm, và 36% trẻ em không được cho ăn đủ số bữa cần thiết.
  • Trong những năm đầu đời, trẻ có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, nếu không được tiêm chủng đầy đủ có nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn như: viêm phổi, viêm đường hô hấp, tiêu chảy… tái đi tái lại nhiều lần. Khi bệnh, trẻ có hiện tượng biếng ăn hoặc phải sử dụng nhiều loại thuốc kháng sinh sẽ làm mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột làm giảm khả năng hấp thu dinh dưỡng.

Cách tính suy dinh dưỡng ở trẻ em dựa trên chỉ số nhân trắc

Bên cạnh những dấu hiệu thường thấy, có một cách chính xác hơn để có thể nhận biết tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ mà bố mẹ hoàn toàn có thể thực hiện ngay tại nhà. Nhưng cũng xin lưu ý rằng, cách thức này chỉ mang tính chất nhận biết và cảnh báo. Mọi thông tin chính xác cần được thăm khám tại các cơ sở uy tín cùng sự tư vấn chi tiết của các chuyên gia dinh dưỡng.

Hiện nay, Bộ Y tế và Viện Dinh Dưỡng Quốc gia áp dụng cách tính suy dinh dưỡng dựa vào Z-Score (đơn vị đo độ lệch chuẩn) của 4 chỉ số: cân nặng theo tuổi, chiều cao theo tuổi (hoặc chiều dài nằm theo tuổi nếu trẻ dưới 2 tuổi), cân nặng theo chiều cao và BMI theo tuổi.

Trong đó BMI theo tuổi sẽ được tính bằng công thức:

Chỉ số BMI = Cân nặng (kg) / ( Chiều cao (m)* Chiều cao(m))

Bạn có thể xem cách tính chi tiết tại đây: Cách tính suy dinh dưỡng trẻ em

Dấu hiệu nhận biết trẻ suy dinh dưỡng

Bệnh suy dinh dưỡng trẻ em được chia theo nhiều mức độ khác nhau từ nhẹ, vừa đến nặng.

  • Suy dinh dưỡng diễn ra rất sớm nhưng để lại hậu quả lâu dài: suy dinh dưỡng bào thai.
  • Suy dinh dưỡng mức độ nhẹ đến vừa: suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, suy dinh dưỡng thấp còi, suy dinh dưỡng gầy còm.
  • Suy dinh dưỡng mức độ nặng: suy dinh dưỡng thể phù, suy dinh dưỡng thể teo đét, suy dinh dưỡng thể hỗn hợp.

Suy dinh dưỡng bào thai

Nếu trẻ sinh đủ tháng có cân nặng lúc sinh dưới 2.500g có thể là hệ quả của tình trạng suy dinh dưỡng bào thai.

Bên cạnh đó, trẻ suy dinh dưỡng bào thai còn có thêm các dấu hiệu sau:

  • Cuống rốn teo đét và có màu vàng.
  • Rất dễ hạ đường huyết gây nên hiện tượng co giật và rối loạn nhịp thở.
  • Hạ canxi máu gây co giật và các cơn ngừng thở.
  • Trẻ rất dễ hạ thân nhiệt

Trẻ mắc bệnh suy dinh dưỡng bào thai có nguy cơ tử vong cao. Bên cạnh đó, suy dinh dưỡng bào thai còn dẫn đến nguy cơ mắc bệnh mạn tính như tăng huyết áp, tim mạch và di chứng thần kinh đe dọa sức khỏe của trẻ về sau này.

Suy dinh dưỡng thấp còi

Theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chiều cao của trẻ sơ sinh khỏe mạnh khoảng 50cm. Trong 3 tháng đầu, trẻ tăng thêm khoảng 3cm/tháng và tăng 2cm ở các tháng tiếp theo. Dấu hiệu dễ nhận thấy nhất của suy dinh dưỡng thấp còi chính là tình trạng chậm tăng trưởng chiều cao, lúc này trẻ chỉ đạt được 90% theo mức tiêu chuẩn.

Suy dinh dưỡng thể nhẹ cân 

Suy dinh dưỡng thể nhẹ cân là khi cân nặng của trẻ thấp hơn cân nặng tiêu chuẩn của WHO theo độ tuổi từ 90% trở xuống.

Suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ được chia thành 3 cấp độ như sau:

  • Cấp độ 1: Trọng lượng của trẻ chỉ đạt 90% so với cân nặng chuẩn ở độ tuổi của mình.
  • Cấp độ 2: Trọng lượng của trẻ chỉ đạt 75% so với cân nặng chuẩn ở độ tuổi của mình.
  • Cấp độ 3: Trọng lượng của trẻ chỉ đạt 60% so với cân nặng chuẩn ở độ tuổi của mình.

Trẻ suy dinh dưỡng thiếu cân thường có dấu hiệu: biếng ăn hoặc ăn ít, cơ thể khó hấp thu các chất dinh dưỡng, khó tăng cân…

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân có thể kể đến như: trẻ không được bú mẹ trong 6 tháng đầu, sữa mẹ không đủ dưỡng chất, trẻ ăn bổ sung quá sớm, trẻ bị thiếu vi chất, chế độ ăn thiếu khoa học, sức đề kháng kém; trẻ hay bị ốm nên dẫn đến tình trạng chán ăn, ăn không đủ chất…

>> Xem thêm: Dấu hiệu trẻ sơ sinh bị suy dinh dưỡng

Suy dinh dưỡng gầy còm

Trong trường hợp cân nặng của trẻ chỉ đạt 60% so với mức cân nặng tiêu chuẩn của WHO và đi kèm những triệu chứng sau: trẻ biếng ăn, khuôn mặt xanh xao, thở khó khăn, rối loạn tiêu hóa thường xuyên. Đặc biệt, trẻ có làn da nhăn nheo, vẻ ngoài “già nua” hơn so với tuổi thật của mình và nhiệt độ cơ thể thường giảm bất thường thì khả năng trẻ đã rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng gầy còm là rất cao.

Bảng đánh giá chiều cao - cân nặng của trẻ theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)

Bảng đánh giá chiều cao – cân nặng của trẻ theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)

Suy dinh dưỡng thể teo đét

Lúc này trẻ đang bị “đói thật sự” với tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng ở mức báo động. Biểu hiện của trẻ suy dinh dưỡng thể teo đét là cơ thể gầy khô, hốc hác khi đã mất hết lớp mỡ dưới da ở toàn thân, chỉ còn da bọc xương và da nhăn nheo như người già. Trẻ suy dinh dưỡng thể teo đét rất dễ nhiễm bệnh, hay quấy khóc và thường xuyên rối loạn tiêu hóa.

Suy dinh dưỡng thể phù

Đây là tình trạng suy dinh dưỡng khiến cơ thể trở nên “mũm mĩm” và “tròn trịa hơn”, điều này đã khiến nhiều bố mẹ nhầm tưởng con mình đang rất khỏe mạnh. Khởi đầu từ mí mắt, mặt và hai chi dưới, sau đó sẽ phù toàn thân kèm theo tràn dịch màng bụng, màng phổi…

Đặc điểm ở trẻ suy dinh dưỡng thể phù là sưng toàn thân, da trắng bệch, cơ mềm, cân nặng chỉ đạt khoảng 60-80% so với tiêu chuẩn, tóc thưa mềm, dễ gãy, bụng chướng to…Trên da xuất hiện những đốm nhỏ đỏ li ti khắp cơ thể, dần bị đổi màu và bong tróc, rỉ nước, dễ dàng bị nhiễm trùng và lở loét.

>> Xem thêm: Suy dinh dưỡng thể béo phì là như thế nào?

Suy dinh dưỡng thể hỗn hợp

Đây là suy dinh dưỡng thể phù do được điều trị, khi trẻ hết phù sẽ trở thành teo đét nhưng gan vẫn còn to do thoái hóa mỡ và chưa được phục hồi hoàn toàn. Ở giai đoạn này, trẻ chỉ đạt 60% mức cân nặng tiêu chuẩn, tuy bị teo cơ nhưng có thể có biểu hiện phù, biếng ăn, rối loạn tiêu hóa, bụng bị phình to. Hoặc trẻ suy dinh dưỡng teo đét, da bọc xương nhưng lại kèm rối loạn sắc tố da.

Trên đây là dấu hiệu nhận biết các thể suy dinh dưỡng thường gặp ở trẻ em. Tuy nhiên, để đánh giá chính xác tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ, tại Trung tâm Dinh dưỡng Nutrihome, các chuyên gia dinh dưỡng áp dụng chỉ số Z-score theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Đây là chỉ số đánh giá tình trạng dinh dưỡng của trẻ dựa vào cân nặng, chiều cao và độ tuổi. Nếu trẻ có những biểu hiện như trên, bố mẹ cần đưa trẻ đến ngay trung tâm dinh dưỡng để các chuyên gia đánh giá chính xác tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ và có biện pháp can thiệp kịp thời.

Xem thêm: Các cấp độ suy dinh dưỡng ở trẻ

Hậu quả của bệnh suy dinh dưỡng ở trẻ

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, 54% số trường hợp tử vong của trẻ ở các nước đang phát triển (trong đó có Việt Nam) có liên quan đến suy dinh dưỡng mức độ vừa và nhẹ.

Theo PGS.TS.BS Lê Bạch Mai, nếu trẻ mắc bệnh suy dinh dưỡng mà không có giải pháp can thiệp kịp thời, trẻ sẽ phải gánh chịu hàng loạt vấn đề như: không thể phát triển tầm vóc, dễ mắc bệnh, chậm phát triển trí não, ngôn ngữ, giao tiếp kém hơn và việc học tập cũng trở nên khó khăn hơn.

Một nghiên cứu của Viện Dinh Dưỡng đã chỉ ra rằng hậu quả của suy dinh dưỡng có thể kéo dài qua nhiều thế hệ. Phụ nữ từng bị suy dinh dưỡng khi còn nhỏ hoặc ở tuổi vị thành niên đến khi lớn lên có khả năng bị suy dinh dưỡng khi mang thai. Nếu mẹ bị suy dinh dưỡng, con sinh ra yếu ớt, nhẹ cân dễ dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng (thiếu cân hoặc thấp còi) ngay trong năm đầu sau sinh. Nguy hiểm hơn, những trẻ này có nguy cơ tử vong cao hơn so với trẻ bình thường và khó có khả năng phát triển bình thường.

Phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em bằng chế độ dinh dưỡng

Suy dinh dưỡng trẻ em là bệnh lý liên quan trực tiếp đến chế độ dinh dưỡng và thói quen ăn uống. Vì thế, để phòng ngừa tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em chúng ta cần thay đổi từ chế độ dinh dưỡng cho trẻ trong bụng mẹ đến khi sinh ra đời.

Phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em bằng chế độ dinh dưỡng trong thai kỳ

PGS.TS.BS Lê Bạch Mai cho biết, những người mẹ có chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý, tăng cân tốt (10-12kg) trong thai kỳ sẽ sinh ra những em bé khỏe mạnh, thông minh.

Phụ nữ khi mang thai có nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng cao hơn trước khi có thai, nhu cầu năng lượng của người mẹ tăng tỷ lệ thuận với tháng tuổi của thai nhi. Để đạt mức tăng cân từ 10 – 12kg vào cuối thai kỳ, các bà mẹ cần ăn nhiều hơn để đảm bảo năng lượng tăng thêm 500 Kcal/ngày và đạt mức 2260 Kcal/ ngày đối với người lao động nhẹ và 2550 Kcal/ngày đối với người lao động trung bình. Trong giai đoạn này, mẹ bầu cần chú ý bổ sung đủ các dưỡng chất ở cả 4 nhóm: bột đường (glucid); đạm (protein); béo (lipid); các loại vitamin, chất xơ và khoáng chất. Nếu mẹ bầu đảm bảo được chế độ dinh dưỡng hợp lý trong thai kỳ sẽ góp phần không nhỏ trong việc phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ. Không nên quá thừa hoặc quá thiếu các chất này. Nếu thiếu dinh dưỡng, mẹ dễ bị thiếu năng lượng, trẻ có nguy cơ bị suy dinh dưỡng bào thai.

Chế độ dinh dưỡng giai đoạn cho con bú

Theo PGS.TS.BS Lê Bạch Mai, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cần được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời và nên kéo dài đến 24 tháng tuổi. Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy trẻ được nuôi bằng sữa mẹ ít mắc các bệnh nhiễm khuẩn, suy dinh dưỡng, thừa cân – béo phì, giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính khi trưởng thành…

 

NHU CẦU KHUYẾN NGHỊ NĂNG LƯỢNG CHO TRẺ BÚ MẸ DƯỚI 24 THÁNG TUỔI

Năng lượng 6 – 8 Tháng 9 – 11 Tháng 12 – 23 Tháng
SM ÍT SM TB SM NHIỀU SM ÍT SM TB SM NHIỀU SM ÍT SM TB SM NHIỀU
Tổng nhu cầu năng lượng
(kcal/ngày)
650 650 650 700 700 700 1000 1000 1000
Năng lượng từ sữa mẹ (kcal/ngày) 217 413 609 157 379 601 90 346 602
Năng lượng từ thức ăn bổ sung (kcal/ngày) 433 237 41 543 321 99 910 654 398

 

Chế độ dinh dưỡng giai đoạn cho trẻ ăn dặm và trẻ lớn

Sau 6 tháng, trẻ bắt đầu ăn dặm. Lúc này, thực đơn mỗi ngày của trẻ phải đảm bảo cung cấp đầy đủ các nhóm chất: bột đường (cơm, cháo), chất đạm (thịt, cá, trứng), chất béo (dầu ăn, mỡ động vật, bơ), chất xơ, vitamin và khoáng chất (các loại rau, củ, quả, sữa và các chế phẩm từ sữa…) để đảm bảo bé luôn được cung cấp đủ năng lượng theo nhu cầu. Các bậc phụ huynh đừng quên theo dõi thường xuyên cân nặng và chiều cao để đánh giá đúng và phát hiện kịp thời.

Đối với trẻ lớn hơn, hệ tiêu hóa vững chắc hơn và đã quen với việc hấp thụ nhiều loại thức ăn khác nhau, bố mẹ nên tăng năng lượng khẩu phần ăn. Hãy cho trẻ ăn nhiều món trong một bữa và đa dạng nhiều nhóm chất dinh dưỡng. Để trẻ không cảm thấy mình bị “ép ăn quá nhiều” cùng lúc, bố mẹ nên chia nhỏ các bữa ăn, lượng thức ăn mỗi bữa ăn có thể ít hơn trẻ bình thường nhưng số bữa phải nhiều hơn. Và mẹ cần có thực đơn đa dạng, sáng tạo những món ăn lạ miệng, bắt mắt để kích thích sự thèm ăn của trẻ.

Phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em là cả một quá trình từ khi mang thai đến khi trẻ lớn lên. Do đó, bố mẹ cần phải trang bị đầy đủ kiến thức về vấn đề này để giúp trẻ phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần sau này.

> Xem thêm: Thực đơn cho trẻ suy dinh dưỡng

 

NHU CẦU KHUYẾN NGHỊ NĂNG LƯỢNG THEO ĐỘ TUỔI (Kcal/ngày)

Nhóm tuổi Nhu cầu năng lượng của nam Nhu cầu năng lượng của nữ
HĐTL nhẹ HĐTL
trung bình
HĐTL nặng HĐTL nhẹ HĐTL
trung bình
HĐTL nặng
0-5 tháng 550 500
6-8 tháng 650 600
9-11 tháng 700 650
1-2 tuổi 1000 930
3-5 tuổi 1320 1230
6-7 tuổi 1360 1570 1770 1270 1460 1650
8-9 tuổi 1600 1820 2050 1510 1730 1940
10-11 tuổi 1880 2150 2400 1740 1980 2220
12-14 tuổi 2200 2500 2790 2040 2310 2580
15-19 tuổi 2500 2820 3140 2110 2380 2650

 

Trẻ suy dinh dưỡng cần bổ sung gì?

Bên cạnh việc cung cấp 3 nhóm chất chính cần bổ sung cho trẻ suy dinh dưỡng là đạm, đường, béo, việc bổ sung các loại vitamin và khoáng chất thiết yếu trong chế độ ăn cho bé suy dinh dưỡng cũng vô cùng quan trọng đối với sức khỏe của trẻ. Những chất không sinh năng lượng này có nhiệm vụ rất quan trọng trong quá trình chuyển hoá của cơ thể, thúc đẩy quá trình giải phóng năng lượng, giúp cơ thể hoạt động, bảo vệ các tế bào và cơ quan của cơ thể.

Sắt

Sắt tham gia vào quá trình vận chuyển và lưu trữ oxy, chuyển hóa các chất dinh dưỡng; tạo enzyme, tạo tế bào hồng cầu. Thiếu sắt là nguyên nhân thường gặp dẫn đến thiếu máu. Trẻ không được cung cấp đủ chất sắt qua khẩu phần ăn dễ bị suy dinh dưỡng thiếu cân, chậm phát triển trí tuệ, dễ mắc các bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa, hô hấp, nhiễm trùng da do thiếu vi chất dinh dưỡng như sắt, kẽm, vitamin A, vitamin nhóm B…

Trẻ suy dinh dưỡng cần bổ sung thực phẩm giàu chất sắt có nguồn gốc từ động thực vật như thịt bò, thịt gà, gan, cá, trứng, mộc nhĩ, mè, rau dền, đậu xanh, rau má… kết hợp thực phẩm, rau quả giàu vitamin C để tăng cường hấp thu sắt.

Canxi

Canxi giữ vai trò cấu tạo xương, răng, tham gia vào quá trình đông máu và chuyển hóa một số chất dinh dưỡng. Thiếu canxi là một trong các nguyên nhân làm trẻ chậm mọc răng khiến hoạt động nhai, nuốt không tốt dẫn đến tiêu hóa hấp thu kém. Canxi có nhiều trong các thực phẩm: cá, trứng, các loại rau xanh đậm, sữa và các chế phẩm từ sữa…

I-ốt

I-ốt là vi chất dinh dưỡng quan trọng mà cơ thể cần được cung cấp hàng ngày để bảo vệ và nâng cao sức khỏe, trí tuệ. Vi chất này là nguyên liệu cần thiết cho quá trình tổng hợp nội tiết tố tuyến giáp trạng, giúp phát triển não bộ và tăng trưởng thể chất của trẻ em. I-ốt còn tham gia vào quá trình chuyển hóa các chất dinh dưỡng để cung cấp năng lượng cho các hoạt động của cơ thể. Nếu thiếu i-ốt từ trong bụng mẹ, trẻ khi ra đời dễ bị suy giáp bẩm sinh, lớn hơn có thể bị chậm phát triển trí tuệ, bướu cổ. Thực phẩm giàu i-ốt gồm: các loại hải sản, rong biển, muối biển…

Kẽm

Kẽm là thành phần không thể thiếu khi trả lời cho câu hỏi trẻ suy dinh dưỡng cần bổ sung gì? Kẽm tham gia vào thành phần hơn 300 enzyme cho các phản ứng hóa học trong cơ thể, tham gia vào quá trình chuyển hóa các chất dinh dưỡng và quá trình phân chia tế bào. Thiếu kẽm khiến trẻ chậm phát triển thể lực, suy dinh dưỡng, giảm sức đề kháng, dễ mắc các bệnh nhiễm trùng, rối loạn tiêu hóa, rối loạn chuyển hóa, suy giảm miễn dịch…

Bữa ăn hàng ngày của trẻ cần được bổ sung kẽm thông qua thực phẩm như: tôm, cua, hàu, ngao, thịt bò, thịt gà, hạt ngũ cốc, phô mai…

Vitamin

Các loại vitamin mà trẻ suy dinh dưỡng thường thiếu hụt là vitamin A, D, C vitamin nhóm B.

  • Thiếu vitamin A: trẻ chậm phát triển, dễ mắc các bệnh về da, suy giảm khả năng miễn dịch, ảnh hưởng tới thị giác… Vitamin A có trong các thực phẩm: cà rốt, đu đủ, bông cải xanh, cà chua, bí đỏ…
  • Thiếu vitamin D: trẻ bị còi xương, suy dinh dưỡng. Vitamin D có trong sữa và chế phẩm từ sữa, trứng, cá hồi, bơ, dầu gan cá, nhất là ở các loài cá béo (cá thu, cá hồi, cá trích…)…
  • Thiếu vitamin nhóm B: trẻ mệt mỏi, biếng ăn… Vitamin nhóm B như axit folic có trong bơ, gan, trứng, đậu phộng; các loại rau có lá xanh đậm như bông cải xanh, cải bó xôi, măng tây…
  • Thiếu vitamin C: cơ thể kém hấp thu sắt, canxi và axit folic. Vitamin C có trong các loại trái cây như cam, ổi, dâu, nho, kiwi…

Khi được cung cấp nguồn dinh dưỡng đầy đủ, trẻ nhỏ sẽ có nền tảng phát triển tốt trong những năm đầu đời. Đến tuổi đi học, trẻ có khả năng tập trung và tiếp thu tốt hơn, đồng thời có tốc độ phát triển “nhảy vọt” về thể lực và trí lực ở tuổi vị thành niên.

Song song với việc tìm lời giải đáp cho câu hỏi nên bổ sung gì cho trẻ suy dinh dưỡng, bố mẹ cũng khuyến khích trẻ em tham gia tích cực các hoạt động thể chất, trải nghiệm thông qua các môn thể thao có lợi như: bơi lội, bóng đá, bóng rổ… Trong quá trình chơi các môn thể thao này cũng là lúc năng lượng trong cơ thể trẻ được tiêu hao đúng cách và kích thích trẻ ăn ngon miệng hơn.

Ngoài việc chú trọng đến chế độ ăn cho trẻ suy dinh dưỡng, mẹ cũng cần phải biết cách chăm sóc trẻ như thế nào. Chúng tôi đã chuẩn bị một bài viết gần 2000 chữ để hướng dẫn mẹ cách chăm sóc trẻ suy dinh dưỡng, bạn hãy đọc thật kỹ nhé!

Khám và điều trị bệnh lý suy dinh dưỡng tại Nutrihome

Suy dinh dưỡng không chỉ ảnh hưởng đến thể chất mà còn làm chậm sự phát triển trí tuệ của trẻ. Vì thế, trong trường hợp còn băn khoăn, lo ngại trẻ mắc phải suy dinh dưỡng, và không biết nên khám suy dinh dưỡng cho bé ở đâu, điều trị suy dinh dưỡng ở trẻ em như thế nào, bố mẹ cần đưa trẻ đến thăm khám sớm tại các trung tâm dinh dưỡng uy tín và chuyên nghiệp.

Được đầu tư bài bản và chuyên nghiệp về máy móc, kỹ thuật, quy trình khám, điều trị bệnh, các phác đồ hiện đại, hiệu quả và an toàn; đặc biệt là hội tụ đội ngũ chuyên gia giỏi kiến thức chuyên môn, giàu kinh nghiệm, Trung tâm Dinh dưỡng Nutrihome mang đến dịch vụ khám, tư vấn và điều trị bệnh lý suy dinh dưỡng chuyên sâu cho trẻ.

Nutrihome sở hữu hệ thống trang thiết bị hiện đại và tiên tiến nhất hiện nay sẽ giúp việc chẩn đoán nhanh chóng và chuẩn xác nhất với tình trạng dinh dưỡng của từng trẻ. Việc đánh giá thành phần cơ thể thông qua hệ thống máy thế hệ mới nhất – Inbody 770, cân đo các chỉ số nhân trắc, thực hiện các siêu âm, xét nghiệm với hệ thống máy móc tiên tiến giúp các bác sĩ có thêm cơ sở khoa học để xây dựng phác đồ điều trị hiệu quả, nhanh chóng phục hồi thể trạng cho trẻ.

Đặc biệt, Nutrihome là đơn vị duy nhất tại Việt Nam được trang bị máy phân tích thành phần sữa mẹ hiện đại. Đây là “công cụ hỗ trợ đắc lực” giúp giải tỏa những băn khoăn của các bà mẹ nuôi con nhỏ về chất lượng nguồn sữa cho con yêu. Dựa trên kết quả xét nghiệm thành phần sữa mẹ kết hợp với đánh giá tình trạng dinh dưỡng, các chuyên sẽ tư vấn cho bố mẹ kế hoạch bổ sung dinh dưỡng cần thiết cho cả mẹ và bé.

Bên cạnh đó, Nutrihome sở hữu đội ngũ kỹ sư tiết chế có chuyên môn cao mang đến cho trẻ những thực đơn dinh dưỡng khoa học và hợp lý dựa trên điều kiện kinh tế và sở thích ăn uống của mỗi trẻ, Nutrihome còn hội tụ các chuyên gia ẩm thực – dinh dưỡng có “bàn tay vàng” tư vấn cho bố mẹ cách nấu những bữa ăn ngon và đủ dưỡng chất, hỗ trợ điều trị hiệu quả bệnh lý suy dinh dưỡng trẻ em.

5/5 - (1 bình chọn)
14:52 16/04/2024

Discover more from Nutrihome

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading