Uống axit folic đúng cách: Trước hay sau khi ăn, khi nào là tốt?

24/10/2022 Theo dỗi Nutrihome trên google news
Tư vấn chuyên môn bài viết
Chức Vụ: Trợ lý Giám đốc Y khoa
Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome

Uống axit folic đúng cách và an toàn như thế nào? Bạn có biết axit folic đóng một vai trò thiết yếu trong một vài quá trình chuyển đổi của cơ thể. Vậy thực chất axit folic có lợi ích gì và cần thiết cho những ai? Hãy tìm hiểu qua bài viết kỳ này của Nutrihome bạn nhé!

Axit folic là gì? Cái tên axit folic có thể nghe hoàn toàn xa lạ với một số người. Tuy nhiên, bạn sẽ quen thuộc hơn với tên gọi khác của nó: Vitamin B9. Đây là một trong những vitamin quan trọng và cần thiết đối với cơ thể con người.

uống axit folic đúng cách

Bổ sung Axit Folic sao cho đúng?

Uống axit folic có tác dụng gì?

Theo chuyên gia, cơ thể chúng ta cần được bổ sung đầy đủ tất cả là 13 loại vitamin mỗi ngày. Axit folic hay còn gọi là Vitamin B9 là một trong số những loại vitamin quan trọng đó. Lý do là vì axit folic góp phần tham gia tổng hợp ADN cũng như các loại axit amin. Chúng còn là thành phần giúp tạo nên các tế bào hồng cầu và nucleoprotein. (1)

Axit folic có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mẹ bầu và sức khỏe thai nhi. Việc thiếu hụt axit folic ở phụ nữ mang thai có thể sẽ dẫn đến những nguy hiểm cho thai nhi. Chẳng hạn như: ống tủy sống của thai nhi bị khiếm khuyết, tiềm ẩn nguy cơ bị dị tật đốt sống.

Bên cạnh đó, với công dụng cấu tạo nên các tế bào máu, axit folic rất cần cho nữ giới. Việc mất máu trong các chu kỳ nguyệt san khiến phụ nữ trở nên uể oải, mệt mỏi, trí nhớ giảm sút. Vì vậy, uống axit folic đúng cách cộng với bổ sung thêm các chất dinh dưỡng khác sẽ giúp khắc phục tình trạng này.

tác dụng uống axit folic

Uống axit folic giúp cơ thể sản xuất và duy trì tế bào mới, rất cần ở phụ nữ mang thai

Ai cần uống axit folic?

Axit folic được khuyên dùng cho phụ nữ, phụ nữ mang thai, người bị thiếu hụt axit folic do chế độ ăn uống kém khoa học. Ngoài ra, axit folic còn dùng cho các đối tượng trong quá trình điều trị bệnh như lao phổi, sốt rét. Người lớn và trẻ em được chẩn đoán là bị thiếu hụt axit folic.

Axit folic giúp cơ thể sản sinh, duy trì các tế bào máu, giảm tình trạng thiếu hụt máu. Chúng giúp duy trì sự ổn định của DNA nhằm giảm nguy cơ dẫn đến ung thư. Người bị chỉ định là thiếu hụt axit folic cần bổ sung thêm để tránh những nguy cơ tiềm ẩn.

Phụ nữ mang thai cần bổ sung axit folic từ trước khi mang thai đến trong thai kỳ. Trong những tuần đầu thai kỳ, phụ nữ thường chưa biết được mình đã mang thai nên chế độ ăn uống còn chưa được quan tâm kỹ. Trong khi đó, ống thần kinh của thai nhi lại được hình thành trong khoảng 28 ngày đầu thai kỳ. Chính vì thế, phụ nữ cần bổ sung axit folic thường xuyên để cơ thể có đầy đủ chất dinh dưỡng.

Thiếu hụt axit folic thường dẫn đến việc thiếu máu, nhất là đối với phụ nữ. Việc thiếu hụt axit folic khiến cơ thể mệt mỏi, xanh xao, trí nhớ kém. Cơ thể bị thiếu hụt axit folic còn dẫn đến sự thiếu ổn định ADN, dẫn đến nguy cơ mắc bệnh ung thư. Thai nhi bị thiếu hụt chất dinh dưỡng này sẽ ảnh hưởng đến ống thần kinh và các bệnh khác (2, 3, 4). Mẹ bầu không uống bổ sung axit folic sẽ có nguy cơ gặp phải: thiếu máu, sảy thai, sinh non hay tiền sản giật (5). Nhẹ hơn, phụ nữ mang thai sẽ bị mất ngủ về đêm, trí nhớ kém, loãng xương hay hệ thống tim mạch suy giảm.

Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao trong việc điều trị hay bổ sung dinh dưỡng. Bạn đều nên tham khảo ý kiến của các bác sĩ, chuyên gia về liều lượng cũng như làm sao uống axit folic đúng cách. Việc lạm dụng hoặc thiếu kiến thức khi sử dụng sẽ dẫn đến những tác dụng phụ hoặc hiệu quả không như mong muốn.

axit folic uống khi nào? Khi có chỉ định của bác sĩ

Sử dụng Folic Acid cần tuân theo đúng chỉ định của bác sĩ

Ai không nên uống acid folic?

Axit folic đóng vai trò vô cùng quan trọng, giúp cơ thể sản xuất và duy trì các tế bào mới, cũng như ngăn ngừa các thay đổi với DNA, giảm thiểu nguy cơ mắc ung thư. Tuy nhiên, những đối tượng sau đây cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi uống axit folic:

  • Việc bổ sung axit folic không có tác dụng với người bị u đại trực tràng.
  • Uống axit folic không giúp cải thiện cho bệnh nhân mắc hội chứng gãy nhiễm sắc thể X.
  • Bổ sung axit folic không đúng cách sẽ không làm giảm đi nguy cơ sinh non. Nó chỉ giúp hạn chế, ngăn ngừa những vấn đề sức khỏe khác ở em bé.

Hướng dẫn uống axit folic đúng cách

Liều dùng, cách dùng acid folic như thế nào? Uống bổ sung bao nhiêu axit folic và uống trong bao lâu tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe và lý do tại sao bạn cần. Để đạt được hiệu quả cao trong việc bổ sung axit folic, bạn có thể tham khảo hướng dẫn dưới đây. Trên hết, việc tham vấn ý kiến chuyên gia, bác sĩ là điều rất cần thiết.

1. Uống acid folic bao nhiêu là đủ?

Liều lượng bổ sung axit folic mỗi ngày đối với từng đối tượng là hoàn toàn khác nhau. Liều lượng axit folic khuyến nghị:

Liều lượng uống axit folic bổ sung cho người lớn

Đối với người trưởng thành đang bị thiếu máu hồng cầu lớn: uống 1 mg axit folic; hoặc bổ sung acid folic trực tiếp bằng cách tiêm bắp tay, tiêm dưới da hoặc tiêm tĩnh mạch một lần mỗi ngày. Đối với người trưởng thành đang bị thiếu hụt axit folic: uống từ 400mcg đến 800mcg; tiêm bắp tay, tiêm dưới da hoặc tiêm tĩnh mạch một lần mỗi ngày.

Liều lượng sử dụng axit folic đối với phụ nữ mang thai

Nhu cầu axit folic của phụ nữ đang trong thai kỳ và đang cho con bú cao hơn bình thường để đề phòng bệnh và giúp thai nhi phát triển khỏe mạnh. Bổ sung 600mcg axit folic theo đường uống hoặc tiêm bắp tay, tiêm dưới da, tiêm tĩnh mạch một lần mỗi ngày. Đồng thời, phụ nữ tuy chưa mang thai nhưng đang trong độ tuổi sinh sản cũng nên bổ sung thêm axit folic.

Liều lượng uống axit folic đúng cách cho trẻ em

Đối với trẻ bị thiếu hụt axit folic:

Liều lượng cho trẻ sơ sinh là 0,1 mg đường uống. Liều lượng cho trẻ dưới 4 tuổi là 0,3 mg và cho trẻ trên 4 tuổi là 0,4 mg. Ngoài đường uống, bạn có thể bổ sung axit folic cho trẻ qua đường tiêm với liều lượng phù hợp mỗi ngày.

Đối với trẻ cần bổ sung vitamin và khoáng chất:

Đối với trường hợp sinh non, bé cần được bổ sung 50mcg mỗi ngày (phụ thuộc vào cân nặng của trẻ). Đối với trường hợp sinh đủ tháng, trẻ từ 1 đến 6 tháng cần được bổ sung 25 đến 35mcg axit folic mỗi ngày. Trẻ em từ 1 đến 3 tuổi là 150mcg, từ 4 đến 8 tuổi là 200mcg. Trẻ em từ 9 đến 13 tuổi là 300mcg và trẻ trên 14 tuổi là 400mcg.

2. Uống acid folic khi nào? Trước hay sau khi ăn?

Thời điểm, uống axit folic khi nào cũng rất quan trọng. Vậy, nên uống axit folic vào thời điểm nào trong ngày? Uống acid folic trước hay sau khi ăn? Việc bạn uống axit folic trước hay sau bữa ăn không quan trọng. Bạn không cần uống bổ sung vào một thời điểm cụ thể trong ngày hoặc trong bữa ăn. (6)

Nếu bạn đang gặp các vấn đề liên quan đến dạ dày, bạn nên uống axit folic cùng với bữa ăn, hoặc ngay sau khi ăn để tránh kích ứng dạ dày. Trong trường hợp bạn đang uống axit folic kết hợp vitamin B12, hoặc sắt, tốt nhất bạn nên uống vào lúc đói, trước khi ăn ít nhất 30 phút, hoặc ít nhất 2 giờ sau bữa ăn.

Uống acid folic cả viên cùng nhiều nước, tránh uống axit folic với trà, cà phê hay bia rượu vì nó làm giảm hiệu quả của thuốc.

3. Nên uống axit folic đến khi nào?

Việc quá lạm dụng axit folic sẽ dẫn đến những tác dụng ngược không mong muốn. Bạn nên dùng axit folic trong khoảng thời gian nhất định. Tốt nhất bạn chỉ nên dùng viên uống axit folic theo hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ.

4. Phụ nữ có thai nên uống axit folic ở những giai đoạn nào?

Axit folic là chất dinh dưỡng đặc biệt cần thiết cho phụ nữ mang thai. Các chuyên gia dinh dưỡng, bác sĩ khuyến cáo rằng mẹ bầu cần uống axit folic đúng cách trước, trong khi mang thai và cho con bú. Bạn có thể tham khảo hướng dẫn bổ sung axit folic cho bà bầu dưới đây.

uống axit folic khi nào, trước, trong thai kỳ và sau khi sinh

Phụ nữ rất cần axit folic trong thời kỳ mang thai

Trước khi mang thai

Phụ nữ trong độ tuổi trưởng thành và sinh sản cần bổ sung axit folic. Khác với nam giới, nữ giới bị mất nhiều máu qua các kỳ kinh nguyệt. Chính vì vậy dù có ý định sinh con hay không, nữ giới cũng nên uống bổ sung axit folic. Đối với những người có ý định và chuẩn bị mang thai, bạn nên uống axit folic ít nhất 3 tháng trước khi thụ thai. Điều này giúp bảo vệ thai nhi khỏi các dị tật về ống thần kinh.

Trong khi mang thai

Trong giai đoạn mang thai, đa phần phụ nữ sẽ bị ốm nghén và thường xuyên bị nôn ói. Điều này cũng khiến cơ thể bị suy nhược, thiếu chất dinh dưỡng. Bên cạnh việc bổ sung axit folic thì bạn cũng nên bổ sung thêm các loại chất dinh dưỡng cần thiết khác. Uống axit folic đúng cách sẽ giúp bảo vệ, cung cấp dinh dưỡng cho mẹ và bé trong suốt thai kỳ.

Trong giai đoạn cho con bú

Đây cũng là một trong những giai đoạn quan trọng mà mẹ bầu cần được bổ sung nhiều chất dinh dưỡng. Song song với việc nuôi dưỡng cơ thể người mẹ, các chất dinh dưỡng này còn giúp trẻ được phát triển tốt hơn.

Nên uống axit folic loại nào tốt?

1. Hàm lượng đúng chuẩn theo khuyến cáo, chỉ định của bác sĩ

Để cung cấp axit folic cho cơ thể một cách hiệu quả nhất, bạn nên chú ý đến hàm lượng uống chính xác. Tùy vào độ tuổi và tình trạng sức khỏe, hàm lượng sử dụng acid folic cho từng đối tượng là khác nhau. Việc bổ sung quá nhiều hay quá ít axit folic cho cơ thể cũng không mang lại hiệu quả tối ưu nhất.

Bên cạnh việc sử dụng thuốc bổ sung axit folic, bạn còn có thể bổ sung acid folic bằng cách tăng cường các thực phẩm giàu folate trong thực đơn hàng ngày. Ví dụ như rau xanh, hoa quả, trái cây có múi (cam, bưởi, quýt,…), bơ, đậu lăng, đậu hà lan, các loại đậu, lúa mì, gạo nâu hay gạo nguyên cám. Vitamin B9 còn có trong lòng đỏ trứng nữa đấy!

bổ sung, uống axit folic đúng cách

Axit folic có trong nhiều loại trái cây như cam, chuối, rau xanh, bơ…

Đặc biệt lưu ý rằng không nên bổ sung hơn 1000mcg axit folic mỗi ngày nếu như không có sự chỉ định của y bác sĩ. Dư thừa axit folic sẽ gây ảnh hưởng đến thần kinh, mất cân bằng và thiếu hụt Vitamin B12.

2. Bảng thành phần rõ ràng, minh bạch

Trước khi sử dụng bất kỳ một loại thực phẩm chức năng nào, người tiêu dùng cần phải xem qua bảng thành phần của chúng. Việc xem kỹ bảng thành phần giúp bạn biết được loại axit folic đó được làm từ những loại nào. Trong thành phần của nó có loại nào bạn bị dị ứng hay không. Các loại thành phần đó có tốt hay không. Bạn chỉ nên chọn uống axit folic đáp ứng được mọi yêu cầu về thành phần mà bạn cần.

3. Chỉ nên uống axit folic có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng

Với mức độ cần thiết như vậy, hiện nay trên thị trường đã xuất hiện nhiều sản phẩm axit folic kém chất lượng. Những sản phẩm kém chất lượng được một số công ty giả mạo từ các thương hiệu lớn. Vì vậy, bạn nên tìm mua axit folic ở những cửa hàng, siêu thị, địa chỉ uy tín để tránh mua nhầm hàng nhái. Bạn chỉ nên mua những sản phẩm đã được kiểm định đầy đủ của cơ quan chức năng. Cũng như những sản phẩm có đầy đủ thông tin công ty, mã số thuế, địa chỉ phân phối,… Đối với những sản phẩm nhập khẩu, bạn nên chọn mua từ những nhà phân phối chính hãng và uy tín. Mẹo nhỏ là hãy luôn giữ lại vỏ hộp với đầy đủ thông tin nhà phân phối để có thể phản ánh ngay khi có vấn đề xảy ra.

Uống nhiều acid folic có tốt không?

Hàm lượng bổ sung axit folic đề xuất cho một người trưởng thành là từ 400 đến 800mcg. Hàm lượng đề xuất cho trẻ em là từ 50 đến 400mcg axit folic mỗi ngày. Nếu vượt quá hàm lượng này mà không có yêu cầu đặc biệt từ bác sĩ sẽ gây tác dụng ngược đối với cơ thể. Việc dư thừa axit folic trong cơ thể dẫn đến việc giảm đi Vitamin B12. Sự thiếu hụt Vitamin B12 dẫn đến nguy cơ thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ. Điều này gây rối loạn dẫn truyền thần kinh, ảnh hưởng đến thần kinh của bạn.

Một số rủi ro khi uống bổ sung axit folic

Tuy axit folic được xem như an toàn và có rất ít tác dụng phụ ngoài ý muốn. Nhưng bất kỳ loại thực phẩm chức năng nào cũng có một số tác dụng phụ không mong muốn. Điển hình như việc bổ sung quá nhiều axit folic sẽ gây cảm giác buồn nôn, đầy hơi và cả triệu chứng mất ngủ. Sử dụng quá liều axit folic sẽ gây ảnh hưởng đến thần kinh do thiếu hụt Vitamin B12. Đồng thời, khi sử dụng uống axit folic kết hợp với sắt thì phân sẽ có màu đen. Tuy nhiên đây là một dấu hiệu rất bình thường và không đáng lo ngại.

Trong trường hợp bạn đang điều trị một loại bệnh lý khác, bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ khi muốn sử dụng axit folic. Sử dụng axit folic liều cao có thể ảnh hưởng đến tác dụng của một số loại thuốc khác như động kinh.

uống nhiều acid folic có tốt không, dùng đúng với chỉ định

Khi có bệnh lý, bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng axit folic

Những lưu ý quan trọng để uống axit folic đúng cách

1. Không sử dụng axit folic với các loại thuốc chống viêm

Khi tiếp xúc với các loại thuốc chống viêm, acid folic sẽ bị chuyển hóa, làm thay đổi hoạt tính hóa học của chất này. Vì vậy khi đang sử dụng các loại thuốc chống viêm, uống axit folic sẽ bị giảm tác dụng, không còn hiệu quả. Bạn nên xin ý kiến bác sĩ xem uống axit folic khi nào nếu cần phải kết hợp hai loại thuốc này. Thời gian cách nhau giữa 2 loại thuốc này thường là 4 tiếng đồng hồ theo thứ tự: dùng thuốc axit folic trước, thuốc chống viêm sau.

2. Thăm hỏi ý kiến bác sĩ nếu bạn đang gặp các vấn đề về dạ dày

Các đối tượng đang điều trị các bệnh về dạ dày thường sử dụng thuốc hạn chế nồng độ axit trong dạ dày. Thế nhưng nguyên lý hoạt động của axit folic lại dựa trên nồng độ axit của dạ dày. Nồng độ axit cao mới có thể chuyển hóa được folic, giúp cơ thể dễ dàng hấp thụ hơn. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ của bạn về trường hợp này nhé!

3. Hãy cẩn thận khi dùng chung với thuốc hạ mỡ máu

Cholestyramin được xem là khắc tinh của axit folic. Đối với những người đang mắc bệnh mỡ trong máu, việc sử dụng cholestyramin trong 1 tháng sẽ gây thiếu hụt axit folic. Sử dụng càng lâu bạn sẽ càng bị thiếu hụt axit folic, cho dù bạn đã ăn nhiều thực phẩm giàu axit folic đến đâu.

Vì vậy, chuyên gia Nutrihome khuyên bạn chỉ nên sử dụng thuốc hạ mỡ máu trong khoảng 2 tuần. Sau đó hãy cho cơ thể được nghỉ ngơi và bồi bổ lại axit folic. Nếu cần sử dụng 2 loại này kết hợp, bạn nếu uống axit folic 2 tiếng trước khi uống cholestyramin. Hãy nói chuyện với bác sĩ về các tương tác thuốc khác có thể xảy ra.

4. Rượu gây ảnh hưởng đến nồng độ axit folic của bạn

Rượu cũng là một trong những tác nhân thường thấy khiến nồng độ axit folic của cơ thể bị suy giảm. Nó làm giảm hiệu quả hấp thụ cũng như hoạt tính của folic trong cơ thể. Đồng thời, rượu còn phá hủy gan, làm mất đi lượng axit folic ở bộ phận này.

5. Luôn chú ý đến liều lượng sử dụng

Bạn chỉ nên sử dụng đúng liều lượng được khuyên dùng mỗi ngày. Sự dư thừa axit folic kích thích tế bào sinh trưởng quá nhanh, gây thoái hóa tủy sống. Đặc biệt, việc tăng sinh tế bào cũng vô tình khiến khối u phát triển mạnh hơn. Uống axit folic quá nhiều còn gây nổi ban ngứa, mề đay, rối loạn tiêu hóa, rối loạn thần kinh. Trong trường hợp sử dụng nhiều axit folic, bạn nên uống nhiều nước để lượng axit folic dư thừa được đào thải ra ngoài.

Uống axit folic đúng cách, đúng liều lượng mang lại hiệu quả tối ưu. Cơ thể cần đủ và đúng hàm lượng axit folic để luôn trong tình trạng cân đối, khỏe mạnh. Luôn tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi uống bổ sung acid folic để hạn chế các tác dụng phụ, cũng như đạt hiệu quả tối ưu nhất. Thông qua bài viết này, Nutrihome hy vọng bạn đã có đủ kiến thức để uống bổ sung axit folic đạt hiệu quả tốt nhất.

3.7/5 - (3 bình chọn)
17:00 15/03/2023