Biếng ăn bệnh lý ở trẻ, bố mẹ phải làm sao để khắc phục?

04/04/2022 Theo dỗi Nutrihome trên google news
Tư vấn chuyên môn bài viết
Chức Vụ: Bác sĩ Trưởng Nutrihome Trường Chinh
Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome

Tình trạng biếng ăn bệnh lý ở trẻ là một trong những vấn đề khiến nhiều bố mẹ đau đầu. Để nhận biết và ngăn ngừa ảnh hưởng của bệnh, phụ huynh nên có thêm hiểu biết về căn bệnh như nguyên nhân gây bệnh hay bé biếng ăn bệnh lý phải làm sao? Những thông tin này đều sẽ được Nutrihome giải đáp chi tiết trong bài viết sau.

Trước hết cần biết trẻ biếng ăn là gì? Có thể hiểu đơn giản, biếng ăn là tình trạng thường gặp ở trẻ, nhất là ở những trẻ từ 1 đến 6 tuổi. Trẻ ăn không ngon miệng, ăn không đủ lượng thức ăn cần thiết hay kéo dài bữa ăn trên 30 phút. Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn, có thể là biếng ăn do bệnh, hoặc không do bệnh lý thực thể (biếng ăn sinh lý, biếng ăn tâm lý, …)

Biếng ăn bệnh lý ở trẻ là gì?

Biếng ăn bệnh lý ở trẻ em là một triệu chứng thường gặp khi trẻ mắc các bệnh lý liên quan đến hệ tiêu hóa. Ngoài ra, biếng ăn do bệnh còn thường gặp ở các trẻ mắc bệnh lý bẩm sinh, trẻ bị nhiễm trùng cấp tính/mạn tính, hoặc đang mắc các bệnh mạn tính khác. Triệu chứng này cũng có thể bắt gặp trong giai đoạn trẻ mọc răng hoặc bị tổn thương vùng miệng. Khi bị biếng ăn do bệnh, bé thường có biểu hiện như mất cảm giác ngon miệng, ăn chậm, lười nhai hoặc nuốt, có tâm lý chống đối khi ăn… Tình trạng biếng ăn bệnh lý ở trẻ kéo dài có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và quá trình phát triển của trẻ. (1)

Nguyên nhân gây ra chứng biếng ăn bệnh lý ở trẻ

Nguyên nhân gây ra chứng biếng ăn bệnh lý ở trẻ

Nguyên do gây biếng ăn bệnh lý ở trẻ em là gì?

Xác định rõ nguyên nhân gây biếng ăn bệnh lý ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể giúp mẹ điều trị hiệu quả chứng biếng ăn, đồng thời giúp trẻ phục hồi thể trạng nhanh chóng. Trẻ có thể mắc chứng biếng ăn bởi những nguyên do sau:

1. Mọc răng

Mọc răng là giai đoạn phát triển tất yếu của trẻ. Tuy nhiên, quá trình này có thể gây ra cảm giác đau nhức, khó chịu khiến cho trẻ chán ăn.

2. Chức năng tiêu hóa kém hoặc bị bệnh liên quan đến hệ tiêu hóa

Khi bị rối loạn tiêu hóa hoặc chức năng tiêu hóa bị suy giảm, trẻ có thể cảm thấy buồn nôn, đau bụng, nôn trớ sau khi ăn, kèm theo hiện tượng đi phân sống, táo bón hoặc tiêu chảy cấp kéo dài. Rối loạn tiêu hóa cản trở quá trình tiêu hóa thức ăn và hấp thu dinh dưỡng của cơ thể, từ đó dẫn đến biếng ăn bệnh lý ở trẻ.

Nguyên nhân chính gây nên các loại bệnh liên quan đến hệ tiêu hóa chủ yếu là chế độ ăn uống mất cân bằng, đường ruột loạn khuẩn, dạ dày và ruột co bóp thất thường hoặc rối loạn tiết dịch, polyp trực tràng,…

3. Trẻ bị nhiễm trùng

Do hệ miễn dịch của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ tương đối non yếu nên trẻ không có khả năng loại bỏ tất cả các vi khuẩn gây hại. Vì vậy, trẻ dễ bị mắc bệnh vặt như ho, cảm cúm, viêm mũi,… và có nguy cơ chuyển biến nặng thành nhiễm trùng, viêm cấp tính hoặc viêm mãn tính đường hô hấp hoặc hệ tiêu hóa. Từ đó, bệnh gây suy giảm khả năng hấp thu chất dinh dưỡng, đồng thời làm giảm cảm giác thèm ăn. Ngoài ra, trẻ biếng ăn do bệnh lý cũng có thể là tác dụng phụ gây nên bởi việc điều trị nhiễm khuẩn kéo dài bằng thuốc kháng sinh. (2)

4. Các loại thuốc uống

Khi bị ốm, trẻ được chỉ định sử dụng nhiều loại thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau, vitamin,… để giảm nhẹ triệu chứng. Việc sử dụng thuốc lâu dài đôi khi có thể tạo ra tác dụng phụ là gây trẻ bị biếng ăn bệnh lý.

Một số tác nhân dẫn đến tình trạng trẻ biếng ăn bệnh lý khác có thể kể đến như nhiễm ký sinh trùng, viêm họng, viêm tai giữa, cảm sốt,… Bố mẹ nên tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ chuyên khoa để xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh và chọn lựa phương pháp điều trị kịp thời, an toàn và hiệu quả. (3)

Những trẻ nào có nguy cơ mắc bệnh biếng ăn bệnh lý?

Biếng ăn bệnh lý ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là hiện tượng thường gặp đối với trẻ từ 2 tuổi trở lên. Trong đó, trẻ đang trong giai đoạn mọc răng hoặc trẻ dễ mắc bệnh vặt là những đối tượng có nguy cơ bị biếng ăn cao hơn.

Dấu hiệu nhận biết trẻ biếng ăn bệnh lý

Trẻ nhỏ được chẩn đoán là biếng ăn bệnh lý khi xuất hiện ít nhất từ hai biểu hiện dưới đây:

  • Trẻ không tăng cân trong ba tháng liên tiếp.
  • Trẻ từ chối ăn, có biểu hiện chống đối việc ăn như chạy trốn, khóc lóc,…
  • Trẻ ngậm thức ăn lâu bên trong miệng, không chịu nhai và nuốt.
  • Trẻ ăn ít hơn một nửa so với khẩu phần ăn thông thường.
  • Trẻ mất hơn 30 phút để hoàn thành bữa ăn hoặc không chịu ăn hết thức ăn.

Dấu hiệu nhận biết trẻ biếng ăn bệnh lý

Trẻ ngậm thức ăn trong miệng quá lâu có thể là dấu hiệu trẻ biếng ăn bệnh lý

Tuy nhiên, những dấu hiệu trên cũng tương tự trong trường hợp trẻ bị biếng ăn sinh lý. Vì vậy, bố mẹ nên chú ý theo dõi biểu hiện của trẻ để tránh nhầm lẫn giữa biếng ăn sinh lý và biếng ăn bệnh lý ở trẻ. Khác với nguyên nhân gây biếng ăn sinh lý là do chuyển giao giữa các giai đoạn phát triển, biếng ăn bệnh lý là do cơ thể trẻ bị bệnh làm ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa. Lúc này, cách duy nhất để khắc phục chứng biếng ăn là điều trị bệnh dứt điểm.

Các biến chứng của bệnh biếng ăn bệnh lý ở trẻ em

Biếng ăn bệnh lý ở trẻ nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng. Trong đó, nghiêm trọng nhất là tử vong do mất cân bằng điện giải hoặc rối loạn nhịp tim. Một số những biến chứng có thể kể đến khác bao gồm: thiếu chất, thiếu máu, suy dinh dưỡng, suy nhược cơ thể, chậm lớn, kém phát triển, dễ gặp vấn đề về tiêu hóa,…

Chẩn đoán chứng biếng ăn do bệnh lý ở trẻ

Bác sĩ Phạm Thị Thu Hương cho biết, việc chẩn đoán chứng biếng ăn bệnh lý ở trẻ nhỏ được chẩn đoán chủ yếu dựa trên triệu chứng bệnh kết hợp cùng một số xét nghiệm khác như xét nghiệm máu, xét nghiệm phân, nước tiểu,… Sau khi xác định chính xác loại bệnh lý gây biếng ăn cho trẻ, bác sĩ có thể đưa ra giải pháp điều trị phù hợp, từ đó cải thiện tình trạng bệnh và tăng cảm giác thèm ăn của trẻ.

Trẻ biếng ăn bệnh lý, bố mẹ nên làm gì?

Khi trẻ biếng ăn do bệnh lý, bố mẹ phải làm gì để giúp con hết biếng ăn? Để khắc phục hiệu quả vấn đề biếng ăn, trẻ cần đến sự quan tâm chăm sóc chu đáo, khoa học của bố mẹ. Bên cạnh việc bình tĩnh tìm hiểu nguyên nhân, bố mẹ nên chú ý đến yếu tố tâm lý và khích lệ trẻ ăn thêm bằng nhiều phương pháp khác nhau như:

1. Đa dạng thực đơn và quan tâm đến khẩu vị của trẻ

Dinh dưỡng từ bữa ăn giúp trẻ có đủ sức đề kháng để chống lại virus gây bệnh. Bởi vậy, khi trẻ bị biếng ăn do bệnh lý, bố mẹ càng phải quan tâm đến khẩu vị và thực đơn hằng ngày của trẻ. Bố mẹ nên thay đổi thực đơn liên tục và sử dụng đa dạng các loại nguyên liệu dựa theo sở thích của trẻ. Những bữa ăn hấp dẫn về màu sắc và hương vị chắc chắn có thể kích thích cảm giác thèm ăn và giúp trẻ ăn được nhiều hơn.

2. Khuyến khích trẻ uống đủ nước

Khi trẻ bị biếng ăn bệnh lý, bố mẹ nên khuyến khích trẻ uống nhiều nước. Bổ sung nước liên tục giúp ngăn ngừa tình trạng mất nước và mất cân bằng điện giải.

Đối với trẻ đang bú sữa mẹ hoặc sữa công thức, mẹ nên tăng số cữ ăn cho trẻ nếu bác sĩ chưa đưa ra chỉ định khác. Đối với trẻ từ 5 – 6 tháng tuổi đã bắt đầu ăn dặm, mẹ nên cho trẻ ăn thức ăn dạng lỏng và uống đủ nước. Bên cạnh đó, bố mẹ có thể cho trẻ dùng nước điện giải theo chỉ định của bác sĩ. Bố mẹ nên nhớ tuyệt đối không dùng đồ uống thể thao vì loại đồ uống này chứa lượng đường lớn và có thể gây tiêu chảy nghiêm trọng hơn. Bố mẹ có thể phán đoán trẻ đã uống đủ nước hay chưa dựa trên số lần trẻ đi vệ sinh, lượng tã trẻ đã thay,…

3. Điều chỉnh thời gian dùng bữa của trẻ

Bố mẹ không nhất thiết yêu cầu trẻ dùng bữa đúng giờ khi trẻ biếng ăn bệnh lý. Để trẻ ăn nhiều hơn, bố mẹ có thể khích lệ trẻ ăn và cho phép trẻ ăn bất cứ lúc nào. Tuy nhiên bố mẹ nên lưu ý nguyên tắc về khoảng cách giữa các bữa ăn. Mỗi bữa ăn nên cách nhau tối thiểu 2 giờ, tránh để trẻ chưa kịp tiêu hóa và hấp thu dinh dưỡng từ bữa ăn trước mà đã phải ăn tiếp bữa tiếp theo.

Trẻ biếng ăn bệnh lý, bố mẹ nên làm gì?

​​Bố mẹ cần cố gắng kiên nhẫn chăm sóc khi trẻ bị biếng ăn bệnh lý

4. Tăng số bữa ăn trong ngày

Nhiều trường hợp bố mẹ thường nghĩ cách để trẻ ăn hết toàn bộ khẩu phần ăn có trong bữa ăn. Bác sĩ nhấn mạnh, bố mẹ nên tăng thêm số bữa ăn trong ngày cho trẻ thay vì kéo dài bữa và ép buộc trẻ ăn hết. Mỗi bữa ăn chỉ nên diễn ra trong tối đa 30 phút. Sau khi hết thời gian đó, bố mẹ nên kết thúc bữa ăn và cho trẻ ăn thêm vào những bữa kế tiếp.

5. Tránh gây áp lực tâm lý cho trẻ về việc ăn uống

Tăng số lượng bữa ăn trong ngày và chia nhỏ khẩu phần trong mỗi bữa có thể giúp trẻ ăn uống và hấp thu dễ dàng hơn khi trẻ bị biếng ăn bệnh lý. Tuy nhiên nếu trẻ vẫn không chịu ăn, bố mẹ cũng không được ép buộc trẻ. Bố mẹ giữ vai trò là người hướng dẫn và khuyến khích trẻ ăn, nếu trẻ không muốn ăn, bố mẹ nên tôn trọng quyết định của trẻ. Việc quát mắng hoặc trách phạt khi trẻ không ăn có thể gây tác dụng ngược, đặc biệt trong trường hợp trẻ bị ốm.

Một số trường hợp bố mẹ hay cho trẻ vừa chơi vừa ăn để ép trẻ ăn hết khẩu phần. Phương pháp này không chỉ giảm hương vị món ăn mà còn kéo dài thời gian bữa ăn, từ đó thu hẹp khoảng cách giữa các bữa ăn, khiến trẻ chưa kịp đói đã phải ăn bữa tiếp theo.

6. Tránh sử dụng quá mức các loại thuốc kháng sinh

Bố mẹ nên sử dụng thuốc theo chỉ định kê đơn của bác sĩ, tránh lạm dụng hoặc tự ý sử dụng. Thuốc kháng sinh có thể gây nhiều tác dụng phụ như mất khẩu vị, rối loạn đường ruột, đầy bụng, khó tiêu gây ra tình trạng biếng ăn ở trẻ. Vì vậy, bố mẹ cần đặc biệt dè chừng khi sử dụng.

7. Cho phép trẻ ăn thứ mình thích

Khi trẻ bị ốm và giảm sút khẩu vị, một số món ăn có thể trở nên hấp dẫn trong khi một số món ăn khác thì không. Bởi vậy, bạn hãy để trẻ ăn theo sở thích, không ép trẻ phải ăn hết mọi loại thực phẩm.

Bên cạnh những phương pháp trên, bố mẹ có thể tham khảo thêm các phương pháp khác trong bài viết “Trẻ biếng ăn phải làm sao” được chia sẻ bởi Bác sĩ Phạm Thị Thu Hương của Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome.

Cách ngăn ngừa trẻ biếng ăn bệnh lý

Một trong những cách ngăn ngừa tình trạng biếng ăn ở trẻ em hiệu quả là phòng các bệnh nhiễm trùng, bệnh về đường tiêu hoá cho trẻ. Để phòng bệnh, bố mẹ cần đề cao việc xây dựng chế độ dinh dưỡng, tăng cường đề kháng và thể chất cho trẻ.

Tuy nhiên, bố mẹ cần ghi nhớ, tình trạng trẻ biếng ăn do bệnh vô cùng phổ biến. Bố mẹ không nên quá mức căng thẳng mỗi khi trẻ bị biếng ăn. Nếu trẻ vẫn khỏe mạnh, tinh thần vui vẻ, cân nặng và chiều cao đạt chuẩn thì bố mẹ hoàn toàn không cần lo lắng. Bố mẹ cần tránh bảo bọc trẻ quá mức, đồng thời duy trì việc theo dõi sức khỏe của trẻ để kịp thời nhận biết dấu hiệu biếng ăn bệnh lý ở trẻ.

Chế độ dinh dưỡng ở trẻ biếng ăn do bệnh lý

Trẻ biếng ăn bệnh lý thường ở trong trạng thái mệt mỏi, suy nhược và khẩu vị kém. Biếng ăn kéo dài có thể làm cơ thể trẻ bị thiếu chất, suy nhược, từ đó ảnh hưởng đến tốc độ hồi phục và sự phát triển của cơ thể. Chú trọng đến chế độ dinh dưỡng của trẻ chính là phương pháp khắc phục biếng ăn tốt nhất. Khi xây dựng chế độ dinh dưỡng cho trẻ biếng ăn do bệnh, bố mẹ nên chọn lọc những thực phẩm ưu tiên cho trẻ kết hợp với đa dạng công thức để tạo nên món ăn vừa hấp dẫn, hợp khẩu vị vừa cân bằng dinh dưỡng cho trẻ. Cụ thể, danh sách món ăn cho trẻ bị biếng ăn bệnh lý nên ưu tiên những thực phẩm sau:

  • Thực phẩm giàu đạm, canxi và vitamin D: Hải sản, trứng, thịt bò, sữa, phô mai, đậu hũ,…
  • Thực phẩm giàu kẽm: Hải sản, củ cải, ngũ cốc, đậu,…
  • Thực phẩm giàu vitamin E: Dầu vừng, dầu lạc, hạnh nhân,…
  • Thực phẩm giàu sắt: Bông cải xanh, hạt điều, hạt mè, gan động vật, đỗ xanh, thăn bò, táo, hạt mè, củ dền đỏ,…

Chế độ dinh dưỡng ở trẻ biếng ăn do bệnh lý

Xây dựng thực đơn cho trẻ biếng ăn bệnh lý nhiều màu sắc, đủ chất, hợp khẩu vị

Để tăng cảm giác ngon miệng, kích thích sự thèm ăn của trẻ, chuyên gia dinh dưỡng khuyến khích bố mẹ đổi cách chế biến món ăn bắt mắt với nhiều màu sắc. Ngoài cách trang trí, những thức ăn ở dạng lỏng như cháo, súp, thức ăn băm nhỏ,… cũng giúp trẻ tiêu hóa và hấp thu dinh dưỡng dễ dàng hơn. Đối với trẻ biếng ăn do bệnh lý, bố mẹ cần đặc biệt kiên nhẫn để trẻ thích nghi với khẩu phần ăn, tránh ép buộc hoặc nạt nộ yêu cầu trẻ ăn.

Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome là cơ sở y tế uy tín với quy trình khám và tư vấn chuyên nghiệp. Các bác sĩ tại Nutrihome xác định phác đồ điều trị chuẩn xác dựa trên xét nghiệm chẩn đoán kết hợp với xây dựng khẩu phần và thực đơn phù hợp với nhu cầu của trẻ. Bên cạnh đó, bác sĩ có thể hướng dẫn bố mẹ cách lựa chọn thực phẩm và phương pháp chế biến món ăn đơn giản cho trẻ bị biếng ăn. Từ đó, trẻ có thể ăn ngon, ăn nhiều hơn và cải thiện tình trạng trẻ bị biếng ăn bệnh lý hiệu quả.

Nhìn chung, biếng ăn bệnh lý ở trẻ có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đối với quá trình phát triển trong tương lai của trẻ. Hiểu đúng về nhu cầu của bé, phân biệt khi nào trẻ biếng ăn sinh lý, tâm lý, bệnh lý và xác định được nguyên nhân tại sao trẻ biếng ăn do bệnh là điều vô cùng quan trọng. Nếu trẻ vẫn biếng ăn ngay cả khi triệu chứng bệnh đã thuyên giảm mà chưa tìm được phương pháp khắc phục, bố mẹ nên đưa trẻ đi bệnh viện hoặc các cơ sở khám chữa bệnh để tìm ra nguyên nhân trẻ biếng ăn. Bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán và phương pháp cải thiện tình trạng biếng ăn hiệu quả hơn.

Rate this post
10:59 06/01/2023