Biếng ăn tâm lý: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị

29/06/2022 Theo dỗi Nutrihome trên google news
Tư vấn chuyên môn bài viết
Chức Vụ: Bác sĩ Trưởng Nutrihome Trường Chinh
Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome

Biếng ăn là tình trạng thường gặp ở tất cả mọi người. Trong số các loại biếng ăn, bị biếng ăn tâm lý cũng như cách chữa biếng ăn tâm lý được khá nhiều người quan tâm vì… mức độ nguy hiểm của nó đối với sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.

Biếng ăn/ hoặc lười ăn là một chứng rối loạn ăn uống xảy ra ở tất cả mọi người, mọi độ tuổi, giới tính với biểu hiện đặc trưng là bỏ bữa, ăn rất ít do ăn uống không ngon miệng. Biếng ăn có rất nhiều loại, bao gồm: biếng ăn tâm lý, biếng ăn bệnh lý, biếng ăn sinh lý. Tùy vào từng loại và nguyên nhân mắc phải sẽ có những cách điều trị khác nhau.

biếng ăn tâm lý

Người bị biếng ăn tâm lý nếu không điều trị sẽ gây nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe

Biếng ăn nếu kéo dài, không được phát hiện và có biện pháp điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều hệ lụy sức khỏe, ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và trí não của trẻ, nhất là biếng ăn tâm lý, do đó mọi người không nên chủ quan. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn các thông tin cơ bản về chứng biếng ăn tâm lý để nhận biết và điều trị hiệu quả.

Biếng ăn tâm lý là gì?

Bác sĩ Phạm Thị Thu Hương cho biết, cũng như các loại biếng ăn khác, biếng ăn tâm lý là một dạng rối loạn về ăn uống, dinh dưỡng ở mọi người. Khác với biếng ăn bệnh lý và sinh lý, những người mắc chứng biếng ăn tâm lý rất sợ ăn uống, thậm chí có thể bỏ ăn do có nỗi sợ lớn về tăng cân. Theo đó, họ thường tự giới hạn lượng thức ăn ăn vào hàng ngày, và theo thời gian – khi nỗi ám ảnh về cân nặng quá lớn – có thể dẫn đến bỏ ăn. (1)

Cũng theo bác sĩ Phạm Thị Thu Hương, ở những người mắc chứng biếng ăn tâm lý, giai đoạn khởi đầu là sự ăn kiêng để đạt được mục đích có một vóc dáng đẹp, thon gọn, do người bệnh có cái nhìn “méo mó” về cơ thể mình, lúc nào cũng cho rằng mình bị béo phì mặc dù đã rất ốm. Lâu dần, tình trạng ăn kiêng trở nên mất kiểm soát và chuyển thành chứng biếng ăn tâm lý.

Nguyên nhân của biếng ăn tâm lý

Hiện nay, các chuyên gia vẫn chưa thể xác định được chính xác nguyên nhân chủ yếu gây ra chứng biếng ăn tâm lý là gì bởi nó khá phức tạp. Tuy nhiên, chúng được xác định do các yếu tố nguy cơ là yếu tố tiền sử gia đình và yếu tố nhân cách và xã hội gây ra. Cụ thể:

  • Yếu tố tiền sử gia đình, gia đình: Gia đình có người thân bị béo phì/ hoặc có gen béo phì, người đang rơi vào các tình huống như ly hôn, mất người thân, chuyển chỗ ở, mẹ sau sinh con…
  • Yếu tố nhân cách và xã hội: Thuộc típ người cầu toàn; người mắc các chứng trầm cảm, rối loạn lo âu; do tính chất công việc đòi hỏi phải có thân hình đẹp như người mẫu, diễn viên múa ba lê…

Các triệu chứng, biểu hiện của chứng biếng ăn tâm lý

Thông thường, những người mắc chứng biếng ăn tâm lý sẽ không nhận ra mình mắc bệnh và đa số đều cho rằng mình hoàn toàn bình thường, không có gì khác biệt so với những người xung quanh. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ dẫn đến các biến chứng sức khỏe nguy hiểm, thậm chí có thể đe dọa tính mạng.

biểu hiện của chứng biếng ăn tâm lý

Người mắc chứng biếng ăn tâm lý luôn bị ám ảnh về cân nặng

Do đó, những người thân hay bạn bè xung quanh nên giúp người bệnh nhận biết và cải thiện tình trạng biếng ăn tâm lý của mình dựa vào những dấu hiệu sau: người mắc chứng biếng ăn tâm lý rất sợ tăng cân, cân nặng luôn dưới chuẩn, luôn ám ảnh rằng mình béo phì ngay cả khi rất ốm… (2)

Với trẻ nhỏ, chứng biếng ăn tâm lý có thể được nhận biết qua việc trẻ lắc đầu, lấy tay che miệng khi thấy thức ăn; ăn ít hoặc tìm cách trốn để khỏi ăn; thường xuyên ngậm, khóc, không nuốt thức ăn khi được cho ăn…

Biến chứng khi bị biếng ăn tâm lý

Chứng biếng ăn nói chung và biếng ăn tâm lý nói riêng nếu kéo dài không được phát hiện, kiểm soát và điều trị kịp thời sẽ gây nhiều tác hại xấu tới sự phát triển thể chất và trí não (ở trẻ nhỏ), sức khỏe, chất lượng cuộc sống, ảnh hưởng công việc thậm chí có thể nguy hại đến tính mạng.

Do luôn ám ảnh về cân nặng nên người mắc chứng biếng ăn tâm lý sẽ kiểm soát gắt gao trọng lượng của mình bằng cách giới hạn tối đa việc ăn uống/ lượng thức ăn nạp vào cơ thể hàng ngày, chế độ ăn thiếu cân bằng các dưỡng chất cơ thể cần. Chưa kể một số người có thể tăng cường độ luyện tập, sử dụng các loại thuốc tránh tăng cân…

Người mắc chứng biếng ăn tâm lý kéo dài có thể bị suy dinh dưỡng, chậm phát triển thể chất và trí não đối với trẻ nhỏ. Với người lớn cơ thể luôn cảm thấy mệt mỏi, thiếu sức sống/ hoặc ngất xỉu, không đủ sức khỏe để vận động, làm việc; huyết áp giảm, thiếu máu, tắt kinh, tím tái hoặc sưng phù ở tay chân, loãng xương, mắc các vấn đề ở tim mạch, trở nên sống khép kín và xa lánh mọi người do ám ảnh cân nặng… Trường hợp biếng ăn tâm lý mức độ nặng có thể ảnh hưởng tính mạng. (3)

Biến chứng khi bị biếng ăn tâm lý

Người mắc chứng biếng ăn tâm lý cơ thể thường xuyên mệt mỏi, suy nhược

Đối tượng nguy cơ mắc biếng ăn tâm lý

Bác sĩ Phạm Thị Thu Hương cho biết biếng ăn tâm lý chiếm khoảng 1% dân số, có thể xảy ra ở tất cả mọi người. Tuy nhiên, chứng biếng ăn này thường gặp nhất ở các đối tượng: Trẻ nhỏ, trẻ ở độ tuổi mới lớn (thường là ăn kiêng, nhịn ăn/hạn chế ăn để tránh tăng cân) và chị em phụ nữ (chiếm khoảng 90% so với nam giới).

Biếng ăn tâm lý ở trẻ nhỏ và trẻ tuổi mới lớn nếu phát hiện và điều trị sớm sẽ rất hiệu quả, kích thích trẻ ăn uống ngon miệng từ đó đảm bảo sự phát triển toàn diện, khỏe mạnh. Ngược lại chứng bệnh này có thể kéo dài suốt đời và kéo theo nhiều hệ lụy sức khỏe như đã nêu trên.

Do đó, khi trẻ có các dấu hiệu biếng ăn, bố mẹ không nên chủ quan, cần đưa trẻ đi khám ngay vì càng để lâu càng khó điều trị, chưa kể bệnh có thể kéo dài suốt đời (lúc này việc điều trị sẽ càng trở nên khó điều trị và việc điều trị sẽ tốn kém hơn nhưng kết quả chưa chắc khả quan) cũng như dẫn đến suy dinh dưỡng, các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

Chẩn đoán chứng biếng ăn tâm lý

Để chẩn đoán một người mắc chứng biếng ăn tâm lý và điều trị hiệu quả, các chuyên gia sẽ trò chuyện khai thác bệnh sử, cảm nhận của người bệnh về vấn đề ăn uống, thăm khám lâm sàng (đo chiều cao và cân nặng theo lứa tuổi và so sánh với chuẩn, kiểm tra huyết áp, nhịp tim, kiểm tra làn da và tóc…) và chỉ định thực hiện một số xét nghiệm cần thiết như xét nghiệm tình trạng thừa/ thiếu vi chất, xét nghiệm máu và chụp X-quang…

Bên cạnh đó, chuyên gia cũng có thể xác nhận một số bệnh lý tâm thần người bệnh mắc phải như rối loạn lo âu, trầm cảm… Bởi đây cũng được xem là những yếu tố quan trọng góp phần dẫn đến chứng biếng ăn tâm lý. (4)

Các cách chữa biếng ăn tâm lý

Biếng ăn tâm lý nếu phát hiện sớm và xử trí kịp thời sẽ giúp người bệnh nhanh cải thiện tình trạng, kết quả điều trị khả quan hơn, người bệnh mau hồi phục sức khỏe, đảm bảo chất lượng cuộc sống. Đặc biệt ở trẻ nhỏ, việc điều trị sớm sẽ giúp đảm bảo quá trình phát triển toàn diện cũng như tránh mắc phải vấn đề biếng ăn trong tương lai.

Bác sĩ Phạm Thị Thu Hương cho biết, tùy theo nguyên nhân mắc phải sẽ có cách chữa biếng ăn tâm lý phù hợp. Việc xác định “trúng đích” sẽ giúp điều trị dễ dàng và đạt kết quả tốt hơn. Dưới đây là một số cách chữa biếng ăn tâm lý bạn có thể tham khảo:

1. Điều chỉnh chế độ ăn uống

Nếu mắc chứng biếng ăn tâm lý giai đoạn đầu, cũng như đã loại trừ các yếu tố bệnh lý, để cải thiện tình trạng người bệnh cần thay đổi chế độ ăn uống hàng ngày, bao gồm: giờ giấc ăn, thực đơn ăn uống phù hợp và đa dạng các loại thực phẩm, chia các bữa ăn thành từng bữa nhỏ… Điều này nhằm giúp người bệnh không cảm thấy ngán hay “quá tải”, “áp lực” mà trở nên thoải mái hơn khi ăn. Chưa kể nó còn giúp cung cấp đủ dinh dưỡng cho cơ thể.

2. Tạo cảm xúc vui vẻ, hứng khởi khi ăn

Nếu phải ăn một mình hoặc ăn trong tình trạng bị la mắng, ép buộc, ăn trong nước mắt/ nỗi buồn… thì những người bị biếng ăn tâm lý – đặc biệt trẻ nhỏ – tình trạng biếng ăn sẽ càng trở nên nghiêm trọng hơn. Theo đó, cần tạo tâm lý vui vẻ, thoải mái cho người bệnh khi ăn. Tốt nhất, không để người bệnh ăn một mình mà nên sắp xếp để họ ăn cùng gia đình, vừa ăn vừa trò chuyện vui vẻ, rôm rả… Tâm lý vui vẻ, thoải mái sẽ giúp người bệnh ăn ngon miệng hơn từ đó cải thiện tình trạng biếng ăn.

3. Dùng thuốc điều trị bệnh lý (nếu có)

Cần nói rõ hiện nay chưa có thuốc điều trị chứng biếng ăn tâm lý, tuy nhiên có thể điều trị các bệnh lý dẫn đến biếng ăn để có thể cải thiện tình trạng hiệu quả. Theo đó, để một người mắc chứng biếng ăn tâm lý có nguyên nhân do rối loạn cảm xúc lo âu, trầm cảm… có thể ăn uống ngon miệng trở lại cần dùng thuốc điều trị trầm cảm.

4. Đi khám bác sĩ dinh dưỡng, gặp chuyên gia tâm lý

Trong trường hợp người mắc chứng biếng ăn tâm lý kéo dài/ hoặc nghi ngờ biếng ăn tâm lý cần đi khám bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng và chuyên gia tư vấn tâm lý để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Bởi đây là loại bệnh lý liên quan đến thể chất lẫn tâm lý. Bên cạnh đó, việc chẩn đoán và điều trị sớm sẽ mang đến kết quả tốt nhất.

5. Nhập viện điều trị

Trong trường hợp người bệnh sức khỏe ngày càng sụt giảm, có nguy cơ suy nhược, cơ thể luôn trong trạng thái mệt mỏi, uể oải, cân nặng “tuột dốc” nhanh chóng, bị ngất xỉu cần được nhập viện để bác sĩ theo dõi và có phương án điều trị.

Chế độ dinh dưỡng và cách chăm sóc người bị biếng ăn tâm lý

Chăm sóc dinh dưỡng và sức khỏe tinh thần cho người bị biếng ăn tâm lý rất quan trọng, điều này có thể giúp người bệnh đảm bảo sức khỏe và cải thiện tình trạng hiệu quả (5). Cụ thể:

1. Chăm sóc về tinh thần

  • Hầu hết những người mắc chứng biếng ăn tâm lý thường không biết mình mắc bệnh và luôn nghĩ mình bình thường như những người khác. Lúc này, người thân cần giúp họ nhận ra vấn đề đang mắc phải bằng cách thường xuyên trò chuyện, hỏi han để họ cảm nhận được sự quan tâm, từ đó dễ mở lòng hơn.
  • Với những trường hợp biếng ăn tâm lý kéo dài, cần nhẹ nhàng phân tích và khuyên người bệnh đi khám bác sĩ, nếu cần, có thể sắp xếp đi cùng họ đến bác sĩ. Bởi việc điều trị sớm sẽ mang đến kết quả khả quan.

cách chữa biếng ăn tâm lý

Người bị biếng ăn do tâm lý cần tập thói quen ăn uống lành mạnh, đủ cả về chất và lượng

2. Chăm sóc về dinh dưỡng

  • Người biếng ăn cơ thể thường xuyên mệt mỏi, suy nhược, thiếu hụt các dưỡng chất và vi chất, khẩu vị kém… vì vậy người thân cần ưu tiên chọn những thực phẩm người bệnh thích ăn kết hợp với các thực phẩm giàu đạm (hải sản, trứng, thịt bò…), giàu kẽm (ngũ cốc, các loại đậu…), giàu sắt (bông cải xanh, hạt điều, hạt mè…).
  • Bên cạnh đó, cần thường xuyên thay đổi thực đơn, cách chế biến, bài trí món ăn bắt mắt và hấp dẫn để kích thích người bệnh… chịu ăn và dần dần ăn ngon miệng, cân bằng dinh dưỡng. Cần lưu ý, trong quá trình chăm sóc dinh dưỡng cho người bệnh cần kiên nhẫn, nhẹ nhàng để giúp họ thoải mái tâm lý, thích nghi với khẩu phần ăn tránh ép buộc, nạt nộ…

Trong cuộc sống hiện đại, con người càng phải đối mặt với rất nhiều ảnh hưởng xấu từ bên ngoài như áp lực công việc, stress, ô nhiễm môi trường, sức đề kháng cũng vì vậy mà có nguy cơ suy giảm. Biếng ăn tâm lý kéo dài khiến cơ thể mất đi nguồn năng lượng cần thiết để duy trì một sức khỏe tốt, đặc biệt là với các đối tượng người già hay trung niên. Vì vậy, cần có giải pháp can thiệp kịp thời, khắc phục nhanh chóng trước khi xảy ra hệ lụy đáng tiếc.

5/5 - (1 bình chọn)
10:58 06/01/2023