Top các loại rau củ cho bé ăn dặm và cách chế biến ngon miệng

29/12/2020 Theo dỗi Nutrihome trên google news Tác giả: Trung tâm Dinh dưỡng Nutrihome
Tư vấn chuyên môn bài viết
Chức Vụ: Bác sĩ Dinh dưỡng
Trung tâm Dinh dưỡng Nutrihome

6 tháng tuổi, nhu cầu năng lượng của cơ thể trẻ tăng khoảng 700kcal/ngày, trong khi sữa mẹ chỉ đủ cung cấp 450 kcal/ngày. Ăn dặm giúp cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho sự phát triển toàn diện của trẻ. Vậy nên chọn các loại rau củ cho bé ăn dặm như thế nào, cách chế biến ra sao?

Cà rốt, súp lơ, cà chua… là các loại rau củ cho bé ăn dặm chứa nhiều dưỡng chất quan trọng

Cà rốt, súp lơ, cà chua… là các loại rau củ cho bé ăn dặm chứa nhiều dưỡng chất quan trọng

Các loại rau củ cho bé ăn dặm 6 tháng tuổi

Rau củ là những nguyên liệu chứa các dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của bé trong thời kỳ ăn dặm. Tuy nhiên, không phải loại rau củ nào cũng phù hợp với bé trong giai đoạn này. Dưới đây là top các loại rau củ cho bé ăn dặm cung cấp đầy đủ các khoáng chất và vitamin quan trọng cho cơ thể của bé.

  • Bông cải xanh: Bông cải xanh là một thực phẩm phổ biến nên có trong danh sách các loại rau cho bé ăn dặm vì chúng cung cấp nhiều chất xơ, chất chống oxy hóa, folate, kali, vitamin C. Bên cạnh đó, bông cải xanh còn chứa nhiều chất béo lành mạnh cần thiết cho sự phát triển của não và xương trẻ.
  • Rau bina: Rau bina hay còn gọi là rau chân vịt, rau bó xôi là một trong những loại rau chứa hàm lượng dinh dưỡng tuyệt vời vì chúng chứa nhiều khoáng chất như canxi, magie, photpho giúp xương của bé chắc khỏe hơn. Bên cạnh đó, rau bina cũng chứa nhiều vitamin giúp bảo vệ hệ miễn dịch của bé.
  • Rau ngót: Rau ngót được xem là loại rau chứa nhiều vitamin nhóm B, C, nhiều đạm và betacarotene góp phần vào việc bảo vệ mắt và cải thiện sức đề kháng của trẻ.
  • Mồng tơi: Mồng tơi chứa nhiều sắt, vitamin A, folate và các chất chống oxy hóa rất tốt cho trẻ.
  • Cải thìa: Cải thìa đặc biệt chứa nhiều axit folic – dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của não bộ của trẻ.
  • Cải xoăn: Trong hàm lượng dinh dưỡng của cải xoăn, vitamin K và chất sắt chiếm khá nhiều. Tuy nhiên, bố mẹ nên tránh cho trẻ ăn quá nhiều để kiểm soát hàm lượng nitrate quá cao.
  • Cải Brussel: Cải Brussel chứa hàm lượng vitamin, chất xơ và khoáng chất cao. Vì thế, cải Brussel là một lựa chọn phù hợp cho trẻ trong giai đoạn ăn dặm.
  • Rau dền: Trong các loại rau củ cho bé ăn dặm, rau dền cũng là một trong những loại giàu chất dinh dưỡng quan trọng vì chúng chứa nhiều protid, lipid, glucid và vitamin.
  • Đậu Hà Lan: Đậu Hà Lan chứa nhiều vitamin A, C, sắt, protein và canxi cần thiết cho sự phát triển của bé.
  • Đậu xanh: Đậu xanh giàu vitamin A giúp bé có đôi mắt sáng và khỏe. Đồng thời, đậu xanh còn giúp xương phát triển vững chắc thông qua việc cung cấp canxi và sắt.
  • Măng tây: Măng tây giúp bé phát triển khỏe mạnh và nâng cao sức đề kháng thông qua cung cấp một số chất dinh dưỡng quan trọng như vitamin, chất xơ…
Măng tây ăn dặm

Măng tây cung cấp nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe trẻ nên cần có trong danh sách rau củ cho bé ăn dặm

  • Cần tây: Cần tây chứa nhiều vitamin K và kali rất tốt cho máu. Đồng thời, cần tây cũng chứa nhiều vitamin C, photpho, magie, chất xơ…
  • Cà rốt: Cà rốt chứa nhiều thành phần như beta carotene, lutein và zeaxanthin giúp tăng cường sức khỏe cho đôi mắt của bé. 
  • Bí đỏ: Bí đỏ giàu tryptophan, chất đã được nghiên cứu trong việc giúp trẻ thư giãn và ngủ ngon hơn.
  • Bí ngòi: Bí ngòi là loại thực phẩm chứa nhiều beta-carotene, kali, folate và vitamin C.
  • Bắp cải: Bắp cải chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sự phát triển của trẻ.
  • Cà tím: Cà tím mềm, ngọt chứa nhiều chất xơ và protein cùng những chất bổ dưỡng khác tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ.
  • Khoai lang: Khoai lang chứa nhiều vitamin, chất chống oxy hóa và chất xơ. Do đó, việc chế biến rau củ cho bé ăn dặm từ khoai lang cũng là một sự lựa chọn tốt. 
  • Khoai tây: Khoai tây chứa hàm lượng kiềm cao, thúc đẩy sự phát triển của các lợi khuẩn trong đường ruột của bé.
  • Khoai mỡ: Khoai mỡ là một nguồn cung cấp tinh bột dồi dào. Ngoài ra, khoai mỡ còn chứa nhiều vitamin tốt cho sự phát triển hệ miễn dịch của trẻ.
  • Cà chua: Cà chua an toàn và chứa nhiều chất dinh dưỡng như vitamin, khoáng chất, chất chống oxy hóa.
  • Bắp: Bắp chứa nhiều thiamin cần thiết cho sự phát triển của não bộ cho bé.
  • Củ cải vàng: Củ cải không chỉ chứa nhiều vitamin và khoáng chất mà còn giúp ngăn ngừa tình trạng sổ mũi, ho… cho các bé khi thời tiết trở lạnh.
  • Hạt sen: Hạt sen chứa nhiều vitamin và khoáng chất, giúp bé ngủ ngon và sâu giấc hơn.
  • Củ su hào: Củ su hào cũng tương tự các loại rau củ cho bé ăn dặm khác, chứa nhiều dinh dưỡng cần thiết cho trẻ như vitamin A, B, C, K…

Cách chế biến và kết hợp các loại rau củ cho bé ăn dặm

Khoai lang nướng

Nguyên liệu: 2 củ khoai lang cỡ vừa

Cách chế biến: 

  • Rửa sạch khoai lang và dùng nĩa xuyên vào khoai lang tạo những lỗ nhỏ giúp khoai chín đều và nhanh.
  • Làm nóng lò nướng ở nhiệt độ khoảng 200 độ C, cho khoai lang vào nướng trong 45 phút.
  • Lấy khoai lang ra khỏi lò, gọt vỏ, cho phần thịt vào máy xay nhuyễn đến khi sánh mịn, sau đó thêm một ít sữa vào cho trẻ ăn.

Khoai lang ăn dặm

Khoai lang là loại rau củ cho bé ăn dặm phổ biến, dễ tìm và chứa nhiều chất dinh dưỡng quan trọng.

Cà rốt, bắp và bí đỏ

Bên cạnh các món ăn đơn thuần chỉ với một loại nguyên liệu, sự kết hợp các loại rau củ cho bé ăn dặm sẽ giúp bé ăn ngon miệng hơn. Và một trong những thực đơn được gợi ý đó là sự kết hợp giữa 3 loại nguyên liệu quen thuộc từ cà rốt, bắp và bí đỏ chỉ với thời gian thực hiện là 10 phút.

Nguyên liệu: Cà rốt, bắp, bí đỏ.

Cách chế biến:

  • Gọt vỏ và cắt nhỏ bí đỏ và cà rốt, sau đó rửa sạch.
  • Cho bí đỏ và cà rốt vào nồi hấp vừa chín tới, sau đó tiếp tục cho bắp vào hấp thêm vài phút.
  • Cho tất cả các nguyên liệu đã được hấp chín cùng ít nước vào máy xay và xay đến khi hỗn hợp mịn rồi cho trẻ ăn.

Đậu Hà Lan

Món ăn dặm từ đậu Hà Lan dễ thực hiện nhưng lại chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho trẻ từ 6 tháng tuổi.

Nguyên liệu: Đậu Hà Lan

Cách chế biến:

  • Đậu Hà Lan rửa sạch, hấp đến khi chín mềm.
  • Cho đậu đã hấp vào máy xay nhuyễn, sau đó lọc hỗn hợp qua rây đến khi hỗn hợp trở nên sánh mịn, không vón cục.
  • Có thể cho thêm sữa để điều chỉnh độ đặc lỏng và cho trẻ ăn.

Đậu Hà Lan ăn dặm

Đậu Hà Lan giàu dưỡng chất, dễ ăn, phù hợp cho trẻ bắt đầu ăn dặm.

Bông cải xanh, khoai tây và dầu olive

Bông cải xanh kết hợp với khoai tây và một ít dầu olive sẽ cung cấp cho bé một món ăn dặm đầy đủ dinh dưỡng với các vitamin thiết yếu và chất béo lành mạnh. Đây là sự kết hợp các loại rau củ cho bé ăn dặm ba mẹ nên thử.

Nguyên liệu: Bông cải xanh, khoai tây, dầu olive.

Cách chế biến:

  • Rửa sạch bông cải xanh. 
  • Khoai tây gọt vỏ, rửa sạch.
  • Cho bông cải xanh và khoai tây vào nồi hấp đến khi chín mềm rồi sau đó để nguội.
  • Cuối cùng, cho tất cả các nguyên liệu trên kèm một ít dầu olive vào máy xay nhuyễn đến khi hỗn hợp sánh mịn, vừa ăn.

Cháo yến mạch rau củ

Bên cạnh các loại rau củ cho bé ăn dặm, yến mạch là một loại ngũ cốc giàu chất dinh dưỡng như vitamin và khoáng chất giúp trẻ phát triển toàn diện từ chiều cao, cân nặng đến trí não. Vì thế, sự kết hợp giữa yến mạch và rau củ cũng là một lựa chọn tốt cho bữa ăn của bé. Dưới đây là một vài bước thực hiện đơn giản trong cách nấu cháo rau củ quả cho bé:

Nguyên liệu: Yến mạch, khoai tây, đậu Hà Lan, cà rốt.

Cách chế biến:

  • Rửa sạch khoai tây, đậu Hà Lan và cà rốt, sau đó gọt vỏ, cắt nhỏ.
  • Cho yến mạch vào nồi và rang đến khi dậy mùi thơm, sau đó cho tất cả rau củ đã sơ chế vào cùng với lượng nước phù hợp.
  • Hầm tất cả các nguyên liệu cho đến khi chín mềm rồi cho hỗn hợp vào máy xay nhuyễn đến khi sánh mịn.

Những lưu ý khi cho bé ăn dặm rau củ 

Rau củ cho bé ăn dặm kể trên hầu hết là những nguyên liệu lành mạnh, ít gây dị ứng cho cơ thể. Tuy nhiên, bố mẹ cần lưu ý một số điều sau để tránh gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe trẻ trong giai đoạn ăn dặm này. 

Trước tiên, hãy chuẩn bị thực đơn từ từng loại thức ăn riêng lẻ thay vì kết hợp các loại rau củ cho bé ăn dặm. Điều này sẽ giúp chúng ta dễ dàng nhận biết được tình trạng dị ứng thực phẩm của trẻ nếu có. 8 loại thực phẩm gây dị ứng phổ biến nhất là sữa, trứng, cá, động vật có vỏ, các loại hạt, đậu phộng, lúa mì và đậu nành.

Một điều bố mẹ cần phải lưu ý khi cho bé ăn dặm nữa là, khâu chế biến, đặc biệt là cách nấu cháo hoặc xay rau củ quả cho bé ăn dặm để tránh mất chất và giúp bé ăn ngon miệng hơn:

  • Cần đảm bảo các loại rau củ cho bé ăn dặm đã được sơ chế sạch sẽ và để ráo. 
  • Cần nấu chín kỹ rau củ bằng cách luộc, hấp. Tuyệt đối không nên xào, chiên hay nêm nếm gia vị cho các bữa ăn của trẻ.
  • Khi xay các loại rau củ cho bé ăn dặm có thể bổ sung chất lỏng như nước, sữa xay cùng với hỗn hợp rau củ để điều chỉnh độ đặc lỏng phù hợp.
Cháo rau củ ăn dặm

Khi trẻ bắt đầu ăn dặm, mẹ nên tìm hiểu cách nấu cháo rau củ cho bé ăn dặm để chăm con tốt hơn.

Trước khi cho bé bắt đầu bữa ăn dặm, hãy làm nóng thức ăn để giúp trẻ có một bữa ăn ngon miệng và đảm bảo sức khỏe, tránh những tác động xấu đến dạ dày. 

Tóm lại, giai đoạn ăn dặm của bé là một trong những cột mốc quan trọng giúp trẻ phát triển toàn diện về cả thể chất, trí não. Vì vậy, bố mẹ hãy lựa chọn các loại rau củ cho bé ăn dặm chứa nhiều chất dinh dưỡng cần thiết, và không quên lưu ý những điều cơ bản trong khâu chế biến rau củ để đảm bảo sức khỏe cho bé.

5/5 - (1 bình chọn)
13:29 16/04/2024

Discover more from Nutrihome

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading