Hướng dẫn cho trẻ ăn dặm kiểu truyền thống

29/12/2020 Theo dỗi Nutrihome trên google news

Ăn dặm kiểu truyền thống là kiểu ăn dặm phổ biến được nhiều mẹ áp dụng nhất hiện nay, vì nó phù hợp với văn hoá người Việt và có thể giúp trẻ hấp thu đầy đủ năng lượng cũng như dưỡng chất theo khuyến nghị. Vậy, thực đơn ăn dặm truyền thống nên như thế nào và các mẹ cần lưu ý những gì?

Bác sĩ Thái Ngọc Thành Đạt – Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM

Ăn dặm là quá trình cho trẻ ăn thêm thức ăn khác ngoài sữa mẹ, nhờ quá trình ăn dặm mà trẻ phát triển được các kỹ năng uống, nhai, nuốt. Khi trẻ được khoảng 6 tháng tuổi, nguồn dinh dưỡng trong sữa mẹ bắt đầu không đủ đáp ứng nhu cầu năng lượng cần tăng nhanh của trẻ. Đồng thời vào lúc này, hệ tiêu hóa của trẻ cũng đã sẵn sàng cho việc ăn dặm bổ sung. 

Vậy ăn dặm truyền thống cho bé 6 tháng là như thế nào? Bắt đầu ăn dặm truyền thống như thế nào cho hợp lý? Cần cho trẻ ăn những loại thức ăn nào? Khi nào trẻ có thể bắt đầu ăn dặm truyền thống?…

Các bậc phụ huynh xin hãy nhớ rằng trẻ có sẵn sàng cho việc ăn dặm truyền thống hay không sẽ tùy thuộc vào mức độ phát triển của trẻ, thường được dựa trên các điều kiện sau: 

+ Trẻ có thể giữ vững đầu, ngồi thẳng không cần hỗ trợ.

+ Trẻ có xu hướng há to miệng khi được cho đồ ăn.

+ Trẻ có thể ngậm bắt đồ ăn lại và đưa đồ ăn vào phía sau họng: đối với một số trẻ khi bố mẹ đút đồ ăn thử và trẻ sẽ nhè ra khỏi miệng, bố mẹ có thể làm loãng đồ ăn một chút, và có thể thử lại sau 1-2 tuần. Điều này là bình thường trong tuần đầu ăn dặm truyền thống vì vốn dĩ trẻ chưa hề tiếp xúc với bất cứ loại đồ ăn đặc hơn sữa mẹ bao giờ. 

ăn dặm truyền thống

Trẻ cần phải đạt được một số mốc nhất định trước khi bắt đầu ăn dặm truyền thống

Các bậc phụ huynh hãy nhớ rằng, ăn dặm truyền thống là nguồn dinh dưỡng hỗ trợ thêm cho trẻ bên cạnh sữa mẹ, chứ không phải là nguồn dinh dưỡng thay thế hoàn toàn sữa mẹ. Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến cáo dù cho trẻ ăn dặm thì trẻ vẫn cần phải được bú mẹ tiếp tục cho đến 12 tháng tuổi và thậm chí hơn nếu trẻ muốn. 

Ăn dặm theo kiểu truyền thống là gì? 

Có nhiều cách giúp trẻ dần làm quen và chuyển sang đồ ăn đặc, trong đó, ăn dặm truyền thống là cách thường được các ông bà truyền lại cho các bậc phụ huynh.

Ăn dặm theo kiểu truyền thống bao gồm việc xay nhuyễn các loại thức ăn và trộn chung vào loại đồ ăn chính, ban đầu là với bột, sau đó có thể dùng cách nấu cháo truyền thống cho bé ăn dặm, từ đó giúp trẻ chuyển dần dần sang dạng thức ăn đặc hơn một cách dễ dàng. 

> Xem thêm: Các loại bột ăn dặm cho bé 6 tháng tuổi mẹ không nên bỏ qua

Lợi thế của ăn dặm truyền thống so với các phương pháp ăn dặm khác? 

Mỗi phương pháp ăn dặm đều có ưu và nhược điểm riêng. Ăn dặm truyền thống giúp trẻ có thể chuyển dễ dàng hơn từ sữa mẹ sang thức ăn lỏng rồi sau đó là thức ăn đặc. Với việc đồ ăn được xay nhuyễn, ăn dặm truyền thống cũng giúp hệ tiêu hóa của bé hoạt động dễ dàng và trơn tru hơn. 

Khác với ăn dặm tự chỉ huy cho phép trẻ tự quyết định ăn gì và ăn bao nhiêu, ăn dặm truyền thống với sự trợ giúp của ba mẹ, trẻ sẽ có cơ hội ăn đủ năng lượng và dưỡng chất theo khuyến nghị hơn. Những trẻ ăn dặm truyền thống thường ít bị nhẹ cân, suy dinh dưỡng hơn trẻ ăn theo phương pháp tự chỉ huy.

Ngoài ra, ăn dặm truyền thống là phương pháp được các bậc ông bà truyền lại nên thường giúp phụ huynh cũng như các gia đình tự tin và thoải mái hơn khi tập cho trẻ ăn dặm.

Nguyên tắc cho trẻ ăn dặm truyền thống ba mẹ cần lưu ý

Dù là ăn dặm truyền thống hay ăn dặm theo kiểu Nhật, ăn dặm tự chỉ huy… đều có chung các nguyên tắc sau và ba mẹ cũng nên quan tâm một số lưu ý trong việc chuẩn bị thực đơn ăn dặm truyền thống cho trẻ như sau:

  • Chỉ tập ăn dặm khi trẻ sẵn sàng. Nếu tập ăn dặm quá sớm có thể làm trẻ khó tiêu hóa thức ăn, không hấp thu được chất dinh dưỡng tốt, thậm chí có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Nếu ăn dặm quá muộn làm trẻ không thể có đủ chất dinh dưỡng cho sự phát triển, từ đó làm trẻ chậm lớn, suy dinh dưỡng. Thường thì các chuyên gia khuyên nên tập ăn dặm truyền thống cho bé 6 tháng trở lên.
  • Tập ăn dặm từ lượng ít đến lượng nhiều, tự loại thức ăn lỏng sang thức ăn đặc dần, từ loại thức ăn mịn đến thức ăn thô và từ một nhóm thức ăn sang nhiều nhóm thức ăn. 
  • Cần cho trẻ ăn đa dạng các nhóm thức ăn như nhóm tinh bột, nhóm đạm, nhóm béo, nhóm vitamin và chất khoáng. 
  • Như đã đề cập ở trên, trong giai đoạn đầu, ăn dặm không phải là nguồn năng lượng chính mà chỉ nên là nguồn năng lượng bổ sung bên cạnh sữa mẹ hay sữa công thức. Trẻ nên duy trì 400-500 ml sữa mỗi ngày.

 thực đơn ăn dặm truyền thống cho trẻ

Phụ huynh có thể tham khảo và sáng tạo thêm thực đơn ăn dặm truyền thống cho trẻ phù hợp

Vậy, với những nguyên tắc ở trên, các bậc phụ huynh có thể tập cho trẻ ăn dặm truyền thống bằng nhiều loại thức ăn khác nhau, miễn là các loại thức ăn đó đáp ứng đầy đủ các nhóm thức ăn gồm tinh bột, đạm, béo, vitamin và khoáng chất. Phụ huynh có thể tham khảo ý kiến chuyên gia và sáng tạo thêm các thực đơn ăn dặm truyền thống phù hợp với sở thích của bé và điều kiện của gia đình.

Nên cho trẻ ăn dặm truyền thống như thế nào? 

Theo các nguyên tắc ở trên, bố mẹ nên bắt đầu với lượng ít và thức ăn loãng. Ban đầu có thể cho trẻ thử nửa muỗng đồ ăn dặm mà bố mẹ đã chuẩn bị. Trong quá trình cho trẻ ăn, bố mẹ nên cổ vũ và khuyến khích trẻ (“Quao, ngon quá con nhỉ”, “Giỏi quá nè!”). Ban đầu trẻ có thể nhăn mặt, nhè đồ ăn hay thậm chí từ chối ăn. Điều này là hoàn toàn bình thường đối với trẻ đang trong quá trình bắt đầu ăn dặm. 

tập cho bé ăn dặm truyền thống 

Ba mẹ không nên ép buộc trẻ ăn thái quá khi tập cho bé ăn dặm truyền thống 

Một mẹo nhỏ giúp phụ huynh dễ dàng hơn trong việc giúp trẻ ăn dặm truyền thống là ban đầu có thể đút cho trẻ một muỗng nhỏ sữa mẹ/sữa công thức mà trẻ hay bú/uống, sau đó chuyển sang một lượng nhỏ đồ ăn đặc, rồi sau đó chuyển lại với sữa mẹ/sữa công thức trẻ hay bú/uống. Mẹo này giúp trẻ bớt khó chịu khi ăn dặm. 

Với tuần đầu ăn dặm truyền thống, nếu trẻ khóc hay quay đi khi bố mẹ tập ăn dặm cho trẻ, đừng cố gắng bắt ép trẻ phải ăn. Cứ quay lại cho trẻ bú mẹ hay bú bình một khoảng thời gian, sau đó hãy tập lại cho trẻ. Bố mẹ cần nhớ rằng việc ăn dặm là một quá trình diễn ra từ từ, vì thoạt đầu, nguồn dinh dưỡng chính của trẻ vẫn là từ sữa mẹ/sữa công thức. Bên cạnh đó, mỗi trẻ đều không giống nhau, vì thế sự sẵn sàng trong việc ăn dặm cũng khác nhau rất nhiều.

Những điều bố mẹ KHÔNG nên làm khi tập cho trẻ ăn dặm truyền thống

TUYỆT ĐỐI TRÁNH các loại thức ăn có khả năng gây sặc (như các loại hạt, các loại thức ăn cứng, nhỏ cần phải nhai mới có thể nuốt được, rau củ quả sống, bắp rang v.v…).

  • Hạn chế các yếu tố làm trẻ xao lãng khi cho trẻ tập ăn dặm truyền thống (nên tắt TV khi trẻ ăn, cho trẻ ăn cùng lúc với gia đình, không nên dùng điện thoại để cho trẻ ngồi yên ăn dặm).
  • Không nên quá hấp tấp. Việc ăn dặm là một kỹ năng hoàn toàn mới đối với trẻ, chính vì thế, nó cần thời gian để trẻ có thể làm quen dần với kỹ năng này. Cứ cố gắng và hãy khuyến khích trẻ nhiều nhất có thể. 
  • Không nên cho trẻ ăn một lúc quá nhiều loại đồ ăn ngay từ lần đầu. Nên cho trẻ ăn từng loại một, điều này vừa giúp trẻ dễ làm quen với các loại mùi vị, vừa giúp dễ dàng phát hiện loại đồ ăn mà trẻ có khả năng dị ứng. 
  • Bố mẹ không nên quá căng thẳng. Hãy giữ một tinh thần thoải mái cùng đồng hành với trẻ khi tập cho trẻ ăn dặm truyền thống.

tập ăn dặm truyền thống

Cần tránh cho trẻ vừa xem tivi vừa tập ăn dặm truyền thống

Nhìn chung, ăn dặm truyền thống là một trong những cách giúp trẻ chuyển dần sang đồ ăn đặc phổ biến ở nước ta. Chỉ cần bố mẹ nắm chắc các nguyên tắc về những điều nên làm và không nên làm khi cho trẻ tập ăn dặm, giai đoạn chuyển tiếp này sẽ thực sự là một niềm vui và cơ hội để phụ huynh và trẻ gắn kết hơn, tạo điều kiện cho sự phát triển tốt nhất về thể chất và tinh thần cho trẻ sau này. 

Rate this post
10:24 06/01/2023