Ăn dặm là một giai đoạn hết sức quan trọng ảnh hưởng đến quá trình phát triển của trẻ nhỏ. Vậy, đối với trẻ 6 tháng tuổi, nên chọn bột ăn dặm cho bé như thế nào, và mẹ cần lưu ý điều gì khi cho bé ăn dặm?
Bài viết được sự tư vấn chuyên môn của BS Trần Thị Trà Phương, Giám đốc Bộ phận Tiết chế Trung tâm Dinh dưỡng Nutrihome.
Bột ăn dặm là gì?
Bột ăn dặm là bột được chiết xuất từ rau, củ, quả cùng với việc bổ sung các loại vi chất như vitamin, khoáng chất… để có thể hỗ trợ cho sự phát triển toàn diện của trẻ.
>> Xem thêm: Thực đơn ăn dặm cho bé 7 tháng
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trẻ nên bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Từ 6 tháng tuổi trở đi, mẹ có thể cho bé ăn dặm thêm ngoài sữa mẹ. Trong giai đoạn đầu tiên của quá trình ăn dặm, bột dinh dưỡng là lựa chọn hàng đầu của các bậc cha mẹ vì tính an toàn, tiện lợi cũng như hiệu quả của nó.

Bột ăn dặm là nguồn cung cấp dinh dưỡng chính cho trẻ, bên cạnh sữa mẹ
Cách chọn bột ăn dặm cho trẻ 6 tháng tuổi
Ngoài các món ăn dặm được mẹ tự chuẩn bị kỹ lưỡng từ các loại rau củ, thịt cá…, thì mẹ cũng có thể đổi bữa cho bé bằng các loại bột ăn dặm có sẵn. Hiện nay trên thị trường có khá nhiều loại bột ăn dặm cho trẻ 6 tháng tuổi, vì vậy cha mẹ cần cân nhắc kỹ lưỡng và lựa chọn được loại bột phù hợp nhất với bé, có thể tư vấn thêm chuyên gia dinh dưỡng. Dưới đây là một số lưu ý khi lựa chọn bột ăn dặm mà cha mẹ nên biết:
- Tùy theo giai đoạn phát triển của trẻ: Khi lựa chọn bột ăn dặm cho bé, điều đầu tiên cha mẹ cần quan tâm đó chính là giai đoạn phát triển của trẻ. Ở mỗi giai đoạn phát triển của trẻ sẽ có những loại bột ăn dặm phù hợp như bột ăn dặm cho trẻ 6 tháng, 12 tháng… Khoảng thời gian 6 tháng tuổi là giai đoạn trẻ bắt đầu tập ăn dặm, hệ tiêu hóa còn khá non yếu và nhạy cảm, vì vậy, mẹ chỉ nên cho bé ăn các loại bột ăn dặm có thành phần cơ bản là ngũ cốc, rau củ và sữa.
- Giá trị dinh dưỡng: Trẻ ở thời kì 6 tháng thường có nhu cầu dinh dưỡng khá cao, do đó cha mẹ nên xem kỹ thành phần trên bao bì sản phẩm để đảm bảo loại bột ăn dặm đó có đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng của con hay không, tuy nhiên chỉ cần đủ chất, nhiều không hẳn là tốt. Cha mẹ nên chọn loại bột ăn dặm tăng cường bổ sung chất xơ hoà tan, sẽ tốt hơn cho hệ tiêu hóa của trẻ.
- Vị bột gần với sữa mẹ: Để có thể cho bé tập làm quen ở thời kỳ đầu, cha mẹ nên ưu tiên chọn các loại có vị gần với sữa mẹ như các loại gạo, ngũ cốc hay trái cây trộn sữa để bé dễ làm quen và không phản ứng từ chối ngay từ đầu, lại tốt cho tiêu hóa non nớt của bé
- Nguồn gốc xuất xứ rõ ràng: Khi lựa chọn bột ăn dặm cho bé, mẹ chỉ cần đảm bảo không mua phải hàng giả, hàng nhái, không rõ xuất xứ. Không nhất thiết phải là hàng ngoại nhập vì các sản phẩm bột ăn dặm trong nước cũng rất đảm bảo về chất lượng.
>> Xem thêm: Thực đơn ăn dặm kiểu Nhật cho bé
Top 5 bột ăn dặm thơm ngon, bổ dưỡng cho bé
Mẹ có thể tham khảo các công thức làm bột ăn dặm cho bé 6 tháng trở lên dưới đây:
1. Bột rau cà rốt, táo đỏ
- Nguyên liệu: 2 thìa cà phê bột gạo, 300ml nước, 75g cà rốt, 50g táo đỏ
- Cách làm:
- Cà rốt và táo đỏ gọt vỏ, rửa sạch, đem luộc chín với nước.
- Vớt rau để nguội, xay hoặc dằm nhuyễn tan. Có thể dùng 1 chút nước đã luộc rau để xay.
- Hòa bột tan đều với lượng nước luộc còn lại, cho tiếp rau xay vào đảo nhuyễn, đem đun nhỏ lửa, đảo đều tới khi bột chín.
2. Bột chuối và bơ
- Nguyên liệu: 1/2 trái bơ chín, 1/2 trái chuối chín,
- Cách làm:
- Gọt vỏ bơ, bỏ hạt, cắt nhỏ rồi cho vào bát.
- Cho thêm chuối và sữa chua.
- Cho hỗn hợp vào máy xay sinh tố để nghiền nhỏ cho đến khi sánh mịn.
- Múc ra bát và cho bé ăn.

Bột ăn dặm từ chuối và bơ rất tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ
3. Bột thịt gà, khoai tây, bí đỏ
- Nguyên liệu: 15g bột gạo, 20g thịt gà nạc xay nhuyễn, 20g bí đỏ xay nhuyễn, 15g khoai tây
- Cách làm:
- Khoai tây gọt vỏ, thái nhỏ, luộc chín, xay nhuyễn.
- Thịt gà rửa sạch.
- Hòa tan bột gạo.
- Cho thịt gà, bí đỏ và khoai tây vào đun nhỏ lửa cho vừa chín.
- Thêm bột gạo vào khuấy đều cho tới khi bột chín.
- Thêm dầu ăn vào đảo đều.
4. Bột sữa và bí đỏ
- Nguyên liệu: 15gr bột gạo, 15gr sữa bột, 30gr bí đỏ
- Cách làm:
- Bí đỏ đem gọt vỏ, luộc chín, nghiền nhuyễn rồi lọc sạch bằng rây.
- Lấy một chút nước lạnh khuấy với 15gr bột cho tan đều.
- Cho thêm bí đỏ đã nghiền mịn cùng với phần nước còn lại vào, bắc lên bếp, bật lửa nhỏ, khuấy đều tay cho đến khi bột chín.
- Thêm một chút dầu ăn.

Bột ăn dặm cho bé 6 tháng tuổi với sữa và bí đỏ
5. Bột lòng đỏ trứng gà, đậu phụ
- Nguyên liệu: 20g bột gạo, 30g đậu phụ, 1 lòng đỏ trứng gà
- Cách làm:
- Đậu phụ luộc qua bằng nước sôi khoảng 1 phút, vớt ra để ráo, nghiền nhuyễn.
- Cho bột gạo vào nước khuấy tan đều.
- Thêm đậu phụ, lòng đỏ trứng vào khuấy đều.
- Đun nhỏ lửa, cho dầu ăn, và 1 chút nước mắm hoặc muối i-ốt cho bé dễ ăn.
Ngoài 5 loại bột ăn dặm kể trên, cha mẹ cũng có thể tìm hiểu thêm những cách làm bột ăn dặm khác để bổ sung vào thực đơn ăn dặm của trẻ, giúp cân bằng các loại dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của trẻ.
>> Tìm hiểu thêm: Thực đơn ăn dặm cho trẻ 9 tháng tuổi
Những lưu ý khi cho trẻ 6 tháng tuổi ăn dặm
Khi cho bé ăn dặm, để đảm bảo hiệu quả và dinh dưỡng tối ưu, cha mẹ cần lưu ý một số điểm sau đây:
- Thời điểm ăn dặm: Cha mẹ nên bắt đầu tập cho bé ăn dặm khi bé được 6 tháng tuổi. Tuy nhiên, ngoài yếu tố về tuổi, bé còn cần phải có thể ngồi lên (với sự hỗ trợ từ người lớn), quay đầu đi nơi khác và có thể nhai.
- Duy trì cho trẻ uống sữa: Bên cạnh việc ăn bột ăn dặm, mẹ hãy duy trì thói quen uống sữa cho bé, không nên bỏ hẳn. Có thể cho bé uống sữa mẹ hoặc sữa bột để tăng cường tiêu hóa. Hãy nhớ rằng, bạn đang tập cho bé ăn dặm chứ không phải thay đổi hoàn toàn chế độ ăn uống của bé.
- Không nên cho bé ăn quá nhiều: Quy tắc đầu tiên cần phải nhớ là nên cho trẻ ăn từ ít đến nhiều. Mẹ có thể bắt đầu cho bé ăn bột với một nửa bát con, làm như thế 1-2 bữa một ngày. Ngay cả khi bé ngon miệng và ăn hết trong bữa đầu tiên thì cũng không nên cho bé ăn thêm. Nguyên nhân là do hệ tiêu hoá của bé còn yếu nếu cho ăn quá nhiều bột rất có thể khiến con bị rối loạn tiêu hoá.
- Cho bé thời gian tập làm quen: Đây là giai đoạn bé tập ăn dặm, tập ăn thức ăn rắn. Vì vậy bé sẽ cần thời gian để làm quen với muỗng và cả cảm giác có thức ăn rắn trong miệng. Cha mẹ hãy để bé tập ăn dần kết hợp với sữa, không nên đột ngột chuyển từ sữa sang thức ăn rắn, bé sẽ khó thích nghi.
- Không được nêm gia vị: Ở thời kỳ này, hệ tiêu hóa của bé còn non yếu và nhạy cảm, vì vậy khi chế biến bột ăn dặm, cha mẹ không nên cho thêm gia vị, đặc biệt là muối để bảo vệ thận của bé.
Nói chung, để có thể đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ trong thời kỳ ăn dặm, cha mẹ nên kết hợp giữa các loại bột ăn dặm có sẵn và bột ăn dặm tự chế biến. Tuy nhiên, khi cho bé ăn dặm, cha mẹ hãy lưu ý đến một số nguyên tắc cần thiết, và cần tôn trọng sở thích ăn uống của trẻ, tránh ép bé ăn dẫn đến cảm giác sợ sệt của bé.
Để có thêm nhiều kiến thức và cách chế biến bột ăn dặm và thực đơn ăn dặm hợp lý, khoa học cho trẻ, ba mẹ hãy đến Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome để nhận được sự tư vấn nhiệt tình của đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm.
Tại Nutrihome, các chuyên gia dinh dưỡng sẽ giúp các bậc phụ huynh giải quyết tất cả những vấn đề liên quan dinh dưỡng, vận động và các bệnh lý liên quan đến dinh dưỡng, vận động ở trẻ. Đối với trẻ ở độ tuổi ăn dặm, ba mẹ sẽ được tư vấn về xây dựng thực đơn ăn dặm khoa học theo ngày, tuần, tháng cho trẻ, gồm đa dạng các loại bột ăn dặm giúp bé hấp thu tốt, phát triển toàn diện.