Trào ngược dạ dày ở trẻ 2 tháng tuổi: nguyên nhân, dấu hiệu và cách chăm sóc trẻ

19/11/2020 Theo dỗi Nutrihome trên google news

Trào ngược dạ dày ở trẻ 2 tháng tuổi là tình trạng thường không nguy hiểm và sẽ hết khi trẻ lớn hơn, thường là khi trẻ qua 18 tháng tuổi. Tuy nhiên, nếu trào ngược ngày càng nặng và đi kèm sụt cân, biếng ăn… thì bố mẹ cần cảnh giác.

Trào ngược dạ dày (Gastroesophageal Reflux – GER) xảy ra khi thức ăn (với trẻ sơ sinh và trẻ nhũ nhi thì thức ăn thường là sữa) trong dạ dày của trẻ đi ngược lên thực quản khiến trẻ nôn (trớ) ra chất lỏng với thành phần chủ yếu là nước bọt và dịch vị. Dịch vị chứa axit trong dạ dày khi đi qua thực quản có thể gây ra chứng ợ nóng.

Chứng trào ngược dạ dày ở trẻ 2 tháng tuổi hay ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là tình trạng khá thường gặp

Chứng trào ngược dạ dày ở trẻ 2 tháng tuổi hay ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là tình trạng khá thường gặp

Theo các chuyên gia, chứng trào ngược dạ dày khá phổ biến ở trẻ em, đặc biệt ở trẻ dưới 18 tháng tuổi bị sinh non, thể chất yếu, thậm chí trẻ sinh đủ tháng, khỏe mạnh vẫn mắc phải. Tình trạng này sẽ mất dần khi trẻ lớn lên, do đó bố mẹ không cần quá lo lắng.

Tuy nhiên, nếu trẻ bước qua cột mốc 18 tháng tuổi nhưng vẫn còn bị trào ngược dạ dày thì bố mẹ nên đưa trẻ đi khám ngay, bởi đây có thể là dấu hiệu của một bệnh lý nào đó về đường tiêu hóa, ví dụ như bệnh trào ngược dạ dày thực quản (Gastroesophageal Reflux Disease – GERD) – là một hậu quả của chứng trào ngược dạ dày ở trẻ kéo dài.

Nguyên nhân gây trào ngược dạ dày ở trẻ 2 tháng tuổi

Trào ngược dạ dày ở trẻ 2 tháng tuổi xảy ra khi cơ thắt thực quản dưới của trẻ chưa phát triển hoàn toàn, không thể ngăn thức ăn (sữa) trong dạ dày đi ngược lên thực quản. Khi thức ăn đi ngược lên thực quản sẽ khiến trẻ bị ọc hoặc trớ ra. Khi cơ thắt thực quản của bé phát triển đầy đủ, chứng trào ngược dạ dày sẽ kết thúc.

Trong một số trường hợp, chứng trào ngược dạ dày ở trẻ có thể bắt nguồn từ những nguyên nhân nguy hiểm sau:

  • Trẻ bị hẹp môn vị: Môn vị là phần nối giữa tá tràng và dạ dày, nếu môn vị bị hẹp sẽ khiến thức ăn từ dạ dày khó đi xuống ruột và bị đẩy ngược trở lại.
  • Cơ thể trẻ bất dung nạp thức ăn: Cụ thể là chất đạm có trong sữa bò
  • Trẻ bị viêm thực quản bạch cầu ái toan: Niêm mạc thực quản của trẻ sẽ bị tổn thương nếu lượng bạch cầu này gia tăng số lượng trong máu trẻ.

Dấu hiệu nhận biết chứng trào ngược dạ dày ở trẻ 2 tháng tuổi

Nôn trớ thức ăn (sữa) ra ngoài là dấu hiệu điển hình của trào ngược dạ dày ở trẻ 2 tháng tuổi. Nếu trẻ vẫn phát triển khỏe mạnh, ăn uống, sinh hoạt, ngủ nghỉ bình thường thì bố mẹ không cần phải quá lo lắng.

Trường hợp trẻ bị trào ngược dạ dày nhưng vẫn sinh hoạt, ăn uống bình thường thì bố mẹ không nên lo lắng

Trường hợp trẻ bị trào ngược dạ dày nhưng vẫn sinh hoạt, ăn uống bình thường thì bố mẹ không nên lo lắng

Tuy nhiên, nếu hiện tượng trào ngược đi kèm các dấu hiệu dưới đây bố mẹ không nên chủ quan, cần đưa trẻ đi khám bác sĩ ngay:

  • Trẻ nôn nhiều và nôn thành từng đợt, nôn hết tất cả mọi thứ
  • Thở khó sau khi nôn
  • Dịch nôn có màu xanh lá, màu vàng, màu cà phê thậm chí kèm theo máu
  • Trẻ bỏ ăn, cân nặng sụt giảm hoặc không tăng cân
  • Khóc nhiều, dễ bị kích động
  • Phân có lẫn máu, cực kỳ nặng mùi

Trào ngược dạ dày ở trẻ 2 tháng tuổi có nguy hiểm không?

Nếu trẻ chỉ là nôn trớ bình thường không kèm theo các triệu chứng kể trên thì bố mẹ không cần quá lo lắng vì bệnh sẽ tự hết khi trẻ lớn lên. Phần lớn trẻ sẽ hoàn toàn hết triệu chứng sau 1 năm đầu đời do lúc này chức năng đường tiêu hóa của trẻ đã phát triển hoàn toàn.

> Tham khảo thêm: Trẻ 7 tuổi bị trào ngược dạ dày, mẹ phải làm sao?

Chăm sóc và điều trị trẻ bị trào ngược dạ dày 2 tháng tuổi như thế nào?

Nếu sau 18 tháng tuổi, chứng trào ngược dạ dày ở trẻ vẫn không thuyên giảm bác sĩ có thể giúp trẻ cải thiện triệu chứng bằng thuốc chống trào ngược. Trong một số trường hợp, trẻ có thể cần làm một số xét nghiệm để xác định chính xác tình trạng bệnh và có hướng điều trị phù hợp:

  • Xét nghiệm máu, nước tiểu;
  • Chụp X-quang có cản quang đường tiêu hóa trên;
  • Đo pH thực quản 24 giờ;
  • Nội soi và sinh thiết đường tiêu hóa trên…

Với trường hợp trào ngược dạ dày ở trẻ 2 tháng tuổi thông thường, để phòng tránh trẻ bị suy dinh dưỡng, sụt giảm cân nặng, chậm tăng cân đồng thời cải thiện triệu chứng trào ngược dạ dày, các bác sĩ sẽ hướng dẫn bố mẹ thay đổi chế độ ăn (sữa) của trẻ. Một số cách tham khảo như sau:

  • Sử dụng sữa công thức đặc chế cho trẻ bị trào ngược.
  • Tránh cho bé bú quá nhiều. Cho trẻ bú đúng lượng sữa công thức hoặc sữa mẹ đã được bác sĩ khuyến nghị.
  • Ôm trẻ thẳng đứng, vỗ nhẹ lưng để trẻ ợ sau khi bú sữa công thức hoặc sữa mẹ.
  • Cho bé vận động hoặc chơi với bé trong khoảng 2 giờ trước khi ăn.

Để tránh trào ngược dạ dày ở trẻ 2 tháng tuổi, sau khi trẻ bú xong mẹ nên bồng trẻ lên vỗ nhẹ lưng giúp trẻ ợ hơi trước khi đặt nằm xuống

Để tránh trào ngược dạ dày ở trẻ 2 tháng tuổi, sau khi trẻ bú xong mẹ nên bồng trẻ lên vỗ nhẹ lưng giúp trẻ ợ hơi trước khi đặt nằm xuống

Nếu việc thay đổi chế độ ăn sữa vẫn chưa cải thiện được tình trạng trào ngược dạ dày ở trẻ 2 tháng tuổi, bên cạnh đó còn kèm theo các vấn đề khác như trẻ khó ngủ, biếng ăn, chậm lớn so với trẻ cùng độ tuổi, giới tính thì bác sĩ có thể sẽ kê thuốc để điều trị. Các loại thuốc này sẽ giúp làm giảm lượng axit trong dạ dày của bé.

Bố mẹ cần lưu ý, mọi trường hợp sử dụng thuốc ở trẻ cần phải hỏi ý kiến của bác sĩ, không được tự ý mua thuốc cho trẻ uống. Nếu việc điều trị bằng thuốc không hiệu quả mà trẻ vẫn còn các triệu chứng trào ngược và ngày càng nặng, đi kèm khó thở, phương án phẫu thuật có thể được xem xét.

Trào ngược dạ dày ở trẻ 2 tháng tuổi thông thường không nguy hiểm, tuy nhiên Nutrihome khuyến nghị ba mẹ cũng không nên chủ quan, lý do là nếu can thiệp sớm và đúng, trẻ sẽ được chăm sóc và phát triển tốt hơn.

5/5 - (1 bình chọn)
10:30 06/01/2023