Giải đáp thắc mắc: Trẻ bị tiêu chảy uống thuốc gì

02/03/2021 Theo dỗi Nutrihome trên google news

Là vấn đề rất phổ biến ở trẻ em dưới 5 tuổi, tiêu chảy nhiều đợt có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng như mất nước và suy dinh dưỡng. Vì vậy, cha mẹ cần tìm hiểu trẻ bị tiêu chảy uống thuốc gì để hỗ trợ trẻ vượt qua giai đoạn bệnh này một cách hiệu quả, an toàn.

tre bi tieu chay

Bố mẹ cần xác định đúng nguyên nhân và tìm giải pháp điều trị bệnh tiêu chảy phù hợp cho trẻ

Bác sĩ Trương Thị Mỹ Hoa – Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM

Tìm hiểu về bệnh tiêu chảy

Trước khi tìm hiểu trẻ bị tiêu chảy uống thuốc gì, phụ huynh cần biết như thế nào là bị tiêu chảy để nhận diện đúng tình trạng bệnh của con. Tiêu chảy được định nghĩa là tình trạng trẻ đi tiêu phân lỏng từ 3 lần trở lên trong vòng 24 giờ. Phân lỏng là phân có hình của vật chứa.

Tiêu chảy cấp là đợt tiêu chảy kéo dài dưới 14 ngày. Trong khi đó, tiêu chảy kéo dài là đợt tiêu chảy diễn ra từ 14 ngày trở lên, trong đó không có 2 ngày liền nhau mà trẻ không bị tiêu chảy.

Nhận biết trẻ đang bị tiêu chảy như thế nào?

Trẻ bị tiêu chảy đi phân lỏng (phân nhiều nước, tóe nước) hay có máu trong phân từ 3 lần trở lên mỗi 24 giờ. Ngoài ra còn có một số triệu chứng đi kèm như:

  • Sốt
  • Khó kiểm soát việc đi tiêu
  • Đau bụng
  • Đầy hơi
  • Chán ăn, ăn uống kém
  • Buồn nôn và/hoặc nôn ói.
  • Sụt cân

bieu hien tre bi tieu chay

Trẻ bị tiêu chảy có biểu hiện đi tiêu phân lỏng nhiều hơn 2 lần mỗi ngày, khi đó, trẻ bị tiêu chảy uống thuốc gì?

Trẻ bị tiêu chảy có nguy cơ bị mất nước do không thể uống đủ nước để đảm bảo nhu cầu hàng ngày và bù lượng nước bị mất qua phân. Sau đây là một số dấu hiệu mất nước ở trẻ mà bác sĩ sẽ đánh giá khi khám, cũng như phụ huynh có thể nhận biết tại nhà để nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế:

  • Trẻ ngủ li bì, khó đánh thức, mất tri giác hoặc kích thích vật vã
  • Mắt trũng
  • Không uống được hoặc uống kém, hoặc uống háo hức, khát.
  • Dấu véo da mất chậm
  • Lượng nước tiểu giảm
  • Môi/miệng khô
  • Không có nước mắt khi khóc
  • Quấy khóc nhiều

Vì sao trẻ bị tiêu chảy?

Biết rõ nguyên nhân gây tiêu chảy có thể giúp ba mẹ tìm được câu trả lời chính xác hơn cho vấn đề trẻ bị tiêu chảy uống thuốc gì. Dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp:

  • Tiêu chảy cấp có thể do nhiễm vi khuẩn, vi rút hoặc ký sinh trùng.
  • Nhiễm trùng như giardia có thể dẫn đến tiêu chảy mãn tính.
  • Uống quá nhiều nước trái cây hoặc chất lỏng có đường.
  • Bệnh Celiac (không dung nạp gluten.
  • Bệnh viêm ruột: viêm loét đại tràng, bệnh Crohn.
  • Không dung nạp lactose: Trẻ không có khả năng tiêu hóa lactose, một loại đường có trong sữa và các sản phẩm từ sữa, có thể dẫn đến tiêu chảy mãn tính. Các triệu chứng khác bao gồm đau bụng và chướng bụng, ợ hơi và đầy hơi.
  • Hội chứng ruột kích thích: Là nguyên nhân phổ biến gây tiêu chảy ở thanh thiếu niên, mặc dù nhiều bệnh nhân sẽ có biểu hiện đau bụng, tiêu chảy xen kẽ với táo bón.
  • Tiêu chảy sau khi sử dụng kháng sinh (viêm đại tràng do kháng sinh): Tiêu chảy có thể xuất hiện sau khi sử dụng kháng sinh và được cho là do sự mất cân bằng giữa vi khuẩn ‘tốt’ và vi khuẩn ‘xấu’ trong ruột.
  • Dị ứng thức ăn: Dị ứng thức ăn có thể biểu hiện bằng tiêu chảy cũng như phát ban trên da, đau bụng, chậm lớn, buồn nôn và nôn.

Ngoài ra, các yếu tố nguy cơ có thể làm tăng khả năng trẻ bị tiêu chảy bao gồm: đi du lịch nước ngoài, bơi lội ở ao hồ, đi học tại nhà trẻ và trường học, tiếp xúc với người bệnh tại nhà…

Trẻ bị tiêu chảy uống thuốc gì?

Trẻ bị tiêu chảy uống thuốc gì hoặc được điều trị như thế nào là mối quan tâm của hầu hết các bậc phụ huynh có con bị tiêu chảy. Việc điều trị sẽ tùy thuộc vào các triệu chứng, độ tuổi và sức khỏe chung của trẻ. Ngoài ra, việc điều trị còn phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng tiêu chảy.

Trong hầu hết các trường hợp, điều trị trẻ tiêu chảy bao gồm bù nước và điện giải bị mất, bổ sung men vi sinh và kẽm. Thuốc kháng sinh có thể được kê đơn khi tiêu chảy mà phân có máu hoặc nghi ngờ bệnh tả.

tre bi tieu chay uong thuoc gi

Bên cạnh trẻ bị tiêu chảy uống thuốc gì, nhiều ba mẹ cũng quan tâm nên cho trẻ tiêu chảy uống nước như thế nào

1. Bù nước và điện giải cho trẻ

Mất nước và các chất điện giải (Natri, Kali…) là mối quan tâm chính đối với bệnh tiêu chảy. Do đó, để phòng ngừa mất nước và các chất điện giải do tiêu chảy, phụ huynh cần:

  • Cho trẻ uống nhiều nước hơn bình thường: nước chín, nước trái cây (nước dừa), nước cháo muối, dung dịch Oresol giảm áp lực thẩm thấu…
  • Không nên cho trẻ uống các loại nước đường, nước ngọt công nghiệp… bởi những loại nước này có thể làm nặng hơn tình trạng tiêu chảy.
  • Cho trẻ uống dung dịch Oresol, đây là cách tốt nhất để bù nước cho trẻ, trẻ có thể uống được và không bị nôn trớ. Ngoài tác dụng bù nước, Oresol còn có tác dụng bổ sung một số chất điện giải mất đi khi trẻ bị tiêu chảy. Việc uống nước chín đơn thuần không thể bổ sung các chất điện giải cần thiết cho cơ thể. Phụ huynh có thể tìm mua Oresol tại các quầy thuốc Tây mà không cần toa của bác sĩ. Lưu ý cách pha Oresol trước khi sử dụng.

Nếu cho trẻ uống dung dịch Oresol giảm áp lực thẩm thấu, cần áp dụng liều lượng theo bảng hướng dẫn dưới đây:
Tuổi

Tuổi Lượng Oresol uống sau mỗi lần tiêu chảy Lượng Oresot tối đa/ngày
< 24 tháng 50-100 ml 500 ml
2-10 tuổi 100-200 1.000 ml
> 10 tuổi Theo nhu cầu 2.000 ml

tre truyen dich tinh mach khi bi tieu chay

Trẻ bị tiêu chảy, nôn ói và mất nước nghiêm trọng có thể phải truyền dịch tĩnh mạch (dịch truyền qua tĩnh mạch ở cánh tay) tại bệnh viện

2. Thuốc

Vậy trẻ bị tiêu chảy uống thuốc gì? Ba mẹ có thể tham khảo các lưu ý dưới đây:

  • Thuốc kháng sinh có thể được kê cho trẻ bị tiêu chảy do vi khuẩn hoặc ký sinh trùng cụ thể, mặc dù trong hầu hết các trường hợp, kháng sinh không thay đổi thời gian tiêu chảy kéo dài hoặc mức độ nghiêm trọng của nó.
  • Men vi sinh (Probiotics: dạng gói, viên nén hoặc viên nang được sản xuất thương mại có chứa “vi khuẩn có lợi”) có thể hữu ích trong việc giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng khi có sự mất cân bằng của vi khuẩn có lợi và vi khuẩn gây bệnh trong ruột.
  • Thuốc làm chậm nhu động ruột không được khuyến cáo ở trẻ em bị tiêu chảy cấp mặc dù đôi khi chúng có thể đóng một vai trò nào đó ở trẻ em bị tiêu chảy mãn tính. Việc sử dụng thuốc cầm tiêu chảy không được khuyến cáo bởi việc giữ phân trong ruột có thể làm trầm trọng hơn bệnh tình của trẻ.
  • Bổ sung kẽm: Trẻ nên được bổ sung kẽm trong 10-14 ngày với liều lượng như sau: 10mg kẽm nguyên tố/ngày cho trẻ < 6 tháng x 10 – 14 ngày ; 20mg kẽm nguyên tố/ngày cho trẻ lớn hơn x 10 – 14 ngày.
  • Ngoài ra, trẻ có thể uống thuốc hạ sốt nếu có triệu chứng này kèm theo tiêu chảy.

Chế độ ăn

Khi trẻ bị tiêu chảy, một số phụ huynh có khuynh hướng cho trẻ ăn ít lại vì sợ trẻ đi tiêu nhiều hơn, hoặc sợ trẻ nôn nói nhiều hơn. Đây là một quan điểm sai lầm cần được điều chỉnh. Sự thật là khi trẻ bị tiêu chảy, cần phải bắt đầu cho trẻ ăn chế độ ăn uống bình thường của chúng càng sớm càng tốt.

Trẻ không bị nôn hoặc mất nước có thể tiếp tục ăn uống hoặc bú mẹ như bình thường. Tiếp tục một chế độ ăn uống bình thường thậm chí có thể rút ngắn cơn tiêu chảy.

  • Trẻ bú mẹ nên được bú bình thường trong các đợt viêm dạ dày ruột cấp tính.
  • Trẻ bú sữa công thức có thể tiếp tục chế độ ăn bình thường và trẻ lớn hơn nên được đưa trở lại chế độ ăn bình thường càng sớm càng tốt.

Chăm sóc hỗ trợ

Tất cả các thành viên trong gia đình nên thực hành rửa tay cẩn thận, đặc biệt là sau khi thay tã. Đồng thời, cần đảm bảo vệ sinh sạch sẽ trong chế biến thức ăn và chăm sóc trẻ.

Tóm lại, bệnh tiêu chảy ở trẻ em rất thường gặp, có thể tự khỏi, nhưng cũng có thể kéo dài và để lại những hậu quả nặng nề (như suy dinh dưỡng…) nếu không được điều trị và chăm sóc đúng cách. Phụ huynh cần lưu ý khi thấy có sự thay đổi khi trẻ đi tiêu hàng ngày (tăng số lần đi tiêu, phân lỏng…), biết cách bổ sung nước, chế độ dinh dưỡng đầy đủ và nắm được vấn đề trẻ tiêu chảy uống thuốc gì để có thể giúp trẻ vượt qua giai đoạn bệnh và phục hồi tốt nhất.

Rate this post
10:21 06/01/2023