Người bệnh tiểu đường tuýp 2 nên ăn uống như thế nào?

Chào bác sĩ, mẹ em 40 tuổi vừa mới được chẩn đoán mắc tiểu đường typ 2. Thấy mẹ chỉ dám ăn một ít cơm và toàn ăn rau xanh, trái cây mẹ cũng ko dám ăn vì sợ đường trong trái cây nên em lo lắm, ko biết ăn như vậy có đủ chất để chống lại bệnh không nữa. Bác sĩ cho em hỏi mẹ em ăn như vậy là đúng không ạ, hay hơi khắt khe rồi ạ? Mẹ em nên ăn theo chế độ nào để thoải mái không còn áp lực về bệnh mà cũng không làm bệnh nặng hơn ạ?

BS.CKII Đinh Thị Kim Liên

Chào bạn,

Tiểu đường tuýp 2 là 1 bệnh người cao tuổi mắc nhiều nhất, đại đa số người bệnh tiểu đường tuýp 2 dùng từ 30-35% chế độ ăn để kiểm soát đường huyết. Bệnh không khỏi và đeo đẳng cả đời. Bệnh cần phải có sự phối hợp giữa ăn uống, luyện tập và dùng thuốc phương pháp này được xem như kiềng ba chân, đây là vai trò quan trọng trong điều trị. Để làm được điều này, trước tiên mẹ bạn nên đi khám để các bác sĩ chỉ định dùng thuốc phù hợp. Bên cạnh đó, các bác sĩ sẽ hướng dẫn mẹ bạn chế độ ăn phù hợp để đạt được mục tiêu giúp đường huyết ổn định, không tăng đường huyết nhiều sau ăn, không giảm đường huyết xa bữa ăn tiếp theo.

Với mẹ bạn, việc chỉ ăn rau quả sẽ không chữa được bệnh tiểu đường tuýp 2 và sẽ không cân đối bởi mẹ bạn không ăn chất đạm dẫn đến thiếu đạm, thiếu đạm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe vì nó giúp các cơ bắp hoạt động tốt, tăng cường thể lực, nếu không ăn đạm cơ thể mẹ bạn sẽ bị giảm sức đề kháng sẽ dễ mắc các bệnh nhiễm trùng. Đặc thù của bệnh tiểu đường là dễ mắc các bệnh mạn tính kèm theo, vì vậy mẹ bạn cần ăn những thực phẩm có chất đạm, ăn rau và tinh bột sẽ không đủ. Khi ăn cơm cũng phải kiểm soát, vì nguyên nhân gây tăng đường huyết là từ tinh bột có trong cơm, bánh mì, nui… Nếu chỉ ăn rau và tinh bột không cũng sẽ làm tăng đường huyết, cho nên chế độ dinh dưỡng của mẹ bạn là chưa phù hợp, cần có sự tư vấn dinh dưỡng để có chế độ ăn uống hợp lý hơn. Để làm được việc này, mẹ bạn nên hạn chế ăn các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết cao, ăn tăng cường rau củ quả giàu chất xơ. Trung bình, người bệnh nên ăn 3 bữa và 1 đến 2 bữa phụ. Để phòng tránh hạ đường huyết, tùy từng người bệnh, mức độ bệnh và có bữa ăn, chế độ ăn khác nhau.

Người tiểu đường không cần phải ăn kiêng, có thể ăn được nhiều, chỉ cần lựa chọn thực phẩm tốt có chỉ số đường huyết thấp, phân bố bữa ăn phù hợp, ăn vừa đủ, không để tăng cân. Để làm được việc này và điều trị tốt nhất, bạn cần quan tâm đến 3 vấn đề trong điều trị là thuốc – ăn uống – vận động. Bạn nên đưa mẹ đến Trung tâm dinh dưỡng – Y học Vận động Nutrihome để các bác sĩ khám, chỉ định thuốc, tư vấn chế độ ăn uống và luyện tập thích hợp với lứa tuổi. Vì đối với bệnh tiểu đường, chế độ luyện tập cũng rất quan trọng, nếu luyện tập không đúng dẫn đến chấn thương, nhiễm trùng, bệnh tiểu đường sẽ nặng lên, nguy hiểm nhất là nhiễm trùng bàn chân điều trị sẽ rất khó, cần có sự hướng dẫn của chuyên gia xoa bóp như thế nào cho đúng với phác đồ điều trị trong bệnh tiểu đường hiện nay.

Tại Nutrihome, các chuyên gia của Nutrihome sẽ giúp mẹ bạn thiết lập chế độ dinh dưỡng và vận động khoa học, hợp lý.

Để đặt lịch khám, tư vấn và điều trị dinh dưỡng, y học vận động, bạn có thể xem thêm tại đây.