Xơ gan: Triệu chứng, nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị

14/07/2023 Theo dỗi Nutrihome trên google news Tác giả: Trung tâm Dinh dưỡng Nutrihome
Tư vấn chuyên môn bài viết
Chức Vụ: Trợ lý Giám đốc Y khoa
Trung tâm Dinh dưỡng Nutrihome

Xơ gan là bệnh nguy hiểm ngày càng diễn ra phổ biến tại Việt Nam và trên toàn thế giới. Xu hướng gia tăng của bệnh xơ gan có liên quan đến những vấn đề thường gặp trong xã hội như nghiện rượu, dùng thuốc tùy tiện, nhiễm virus siêu vi B, C,… Bệnh xơ gan có thể gây ra các tổn thương vĩnh viễn tại gan, không thể phục hồi, tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến ung thư gan. Do đó, phát hiện, chữa trị, phòng ngừa bệnh xơ gan từ sớm là việc làm vô cùng cần thiết. Vậy xơ gan là gì? Triệu chứng, nguyên nhân và cách chẩn đoán căn bệnh này ra sao?

Xơ gan: Triệu chứng, nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị

Xơ gan là bệnh lý nguy hiểm đang diễn ra phổ biến tại Việt Nam và trên toàn thế giới

Xơ gan là gì?

Xơ gan là giai đoạn muộn của quá trình tạo sẹo (xơ hóa) ở gan gây ra bởi nhiều tác nhân khác nhau, ví dụ như nghiện rượu mạn tính, viêm gan virus. Căn bệnh gan này cũng là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới. Sau mỗi lần bị tổn thương, gan sẽ cố gắng tự hồi phục. Quá trình hồi phục sẽ tạo ra các mô sẹo. Tổn thương kéo dài càng lâu thì mô sẹo hình thành càng nhiều.

Sự xơ hóa sẽ khiến hoạt động bình thường của gan bị cản trở. Mô sẹo sẽ ngăn chặn dòng chảy của máu đi qua gan, khiến quá trình xử lý các loại thuốc, hormone, dưỡng chất, độc tố tại gan chậm lại. Việc sản xuất protein và các chất khác tại gan cũng suy giảm khi bị xơ gan. Ở giai đoạn cuối, bệnh xơ gan có thể đe dọa đến tính mạng.

xơ gan là gì

Xơ gan là căn bệnh vô cùng nguy hiểm, có thể đe dọa đến tính mạng

Phân loại bệnh xơ gan

Xơ gan được phân chia thành hai loại cơ bản dựa trên đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng, hình ảnh học. Cụ thể gồm có hai loại bệnh xơ gan dưới đây:

1. Xơ gan còn bù

Xơ gan còn bù là tình trạng gan đã bị tổn thương nhưng vẫn còn đảm nhận được các chức năng quan trọng. Tình trạng này được xem là giai đoạn đầu của bệnh xơ gan, thường không biểu hiện triệu chứng và kéo dài trong nhiều năm. Nếu triệu chứng có xuất hiện thì cũng rất mờ nhạt, dễ bị nhầm lẫn với các căn bệnh khác, ví dụ như đau hạ sườn phải, chán ăn, mệt mỏi, giảm cân,…

Mức độ tổn thương tại gan sẽ ngày càng nặng hơn theo thời gian, dẫn đến các biến chứng. Vì thế, việc phát hiện, chữa trị sớm để loại bỏ tác nhân gây xơ gan là rất quan trọng, góp phần làm chậm tiến triển của bệnh, hỗ trợ chức năng gan phục hồi.

2. Xơ gan mất bù

Xơ gan mất bù (còn gọi là bệnh xơ gan cổ trướng) được xác định khi gan đã bị tổn thương lan tỏa. Đây là giai đoạn sau của bệnh xơ gan với các triệu chứng, biểu hiện rõ rệt. Lúc này, tình trạng xơ hóa đã chiếm phần lớn và gan không còn khả năng thực hiện các chức năng vốn có. Người bệnh cũng dễ đối mặt với những biến chứng nguy hiểm, điển hình là ung thư gan. Quá trình chữa trị chủ yếu tập trung vào việc kiểm soát triệu chứng, biến chứng và ngăn cản bệnh tiến triển nghiêm trọng hơn.

Phân loại bệnh xơ gan

Dựa trên đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng, hình ảnh học, bệnh xơ gan được chia thành hai loại cơ bản là xơ gan còn bù và mất bù

Các giai đoạn của xơ gan

Xơ gan được chia thành bốn giai đoạn dựa trên mức độ tiến triển. Theo thời gian, sự nghiêm trọng của bệnh sẽ ngày càng gia tăng. Dưới đây là bốn giai đoạn cơ bản của bệnh xơ gan:

1. Xơ gan giai đoạn 1

Ở giai đoạn 1, gan không có dấu hiệu tổn thương nhưng đã bắt đầu bị viêm. Khi những tế bào gan liên tục bị viêm, gan sẽ tự cố gắng đào thải ngược lại quá trình này, dẫn đến sự hình thành xơ hóa. Người bệnh sẽ cảm thấy thiếu năng lượng, mệt mỏi. Dù gan đã bị tổn thương nhưng sự xơ hóa diễn ra chưa nhiều nên người bệnh thường không gặp dấu hiệu đáng chú ý. Tại giai đoạn 1, gan vẫn có cơ hội phục hồi trở lại như bình thường nếu được chữa trị kịp thời, đúng cách.

2. Xơ gan giai đoạn 2

Áp lực tĩnh mạch cửa sẽ tăng dần khi xơ gan chuyển sang giai đoạn 2. Bên cạnh đó, các mô xơ hóa cũng xuất hiện nhiều hơn. Lúc này, nguyên nhân gây bệnh phải được loại bỏ thì mới có thể làm gia tăng cơ hội chữa khỏi.

3. Xơ gan giai đoạn 3

Người bệnh sẽ gặp hiện tượng cổ trướng ở giai đoạn 3. Lượng dịch ở ổ bụng tăng nhanh là dấu hiệu cảnh báo gan đã bị xơ hóa rất nhiều. Tại giai đoạn này, gan không thể quay trở lại như bình thường được nữa. Để chữa khỏi bệnh, bác sĩ thường đề xuất áp dụng phương pháp ghép gan. Người bị xơ gan giai đoạn 3 sẽ gặp nhiều dấu hiệu đáng chú ý như da vàng, sụt cân nhanh, mệt mỏi, ăn không ngon, thở nhanh, đường huyết tăng giảm bất thường, ngứa, viêm da không hồi phục, phù chân,…

4. Xơ gan giai đoạn 4

Ở giai đoạn 4, gan đã bị xơ hóa hoàn toàn. Người bệnh có thể gặp các biến chứng như tăng áp lực tĩnh mạch cửa, mắc chứng não gan, xuất huyết tiêu hóa,… Dấu hiệu nhận biết xơ gan giai đoạn 4 cũng tương tự như giai đoạn 3 nhưng sẽ có thêm một số biểu hiện, điển hình là viêm màng bụng, sốt cao, rất buồn ngủ, tinh thần mệt mỏi, tính cách thay đổi, suy thận dẫn đến thiểu niệu,… Bệnh xơ gan giai đoạn 4 không có biện pháp điều trị hiệu quả, nên tốt hơn hết là phải tiến hành chữa từ sớm.

Các giai đoạn của xơ gan

Xơ gan được chia thành 4 giai đoạn cơ bản dựa trên mức độ tiến triển, bệnh sẽ ngày càng nặng theo thời gian

Nguyên nhân xơ gan

Bất kỳ vấn đề gì khiến gan bị tổn thương cũng có thể dẫn đến bệnh xơ gan. Những nguyên nhân xơ gan hay gặp nhất ở nước ta và trên toàn cầu gồm có:

1. Xơ gan do viêm gan virus

Tại Việt Nam, viêm gan virus mạn tính là nguyên nhân xơ gan chiếm tỷ lệ cao hơn cả. Viêm gan B, C đều có thể tiến triển thành xơ gan, ung thư gan, đe dọa trực tiếp đến tính mạng người bệnh. Theo Bộ Y tế, ước tính ở Việt Nam có khoảng 10 triệu trường hợp bị viêm gan B, phần lớn trong số đó đã bước sang giai đoạn mạn tính.

2. Xơ gan do rượu

Lạm dụng rượu cũng là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến bệnh xơ gan. Với lối sống sử dụng rượu phổ biến, Việt Nam cũng là quốc gia có nhiều ca bệnh xơ gan do rượu. Khi được dung nạp vào cơ thể, rượu sẽ dần làm các tế bào gan bị tổn hại. Ban đầu, rượu có thể dẫn đến chứng gan nhiễm mỡ, về lâu dài sẽ gây viêm gan mạn tính rồi chuyển sang xơ gan.

Nguyên nhân xơ gan

Lạm dụng rượu bia là nguyên nhân xơ gan hàng đầu

3. Các nguyên nhân xơ gan khác

Ngoài tác nhân viêm gan virus và lạm dụng rượu, một số nguyên nhân khác cũng có thể dẫn đến bệnh xơ gan, bao gồm:

  • Viêm gan nhiễm mỡ không do rượu: Tình trạng viêm gan này sẽ liên quan đến chứng béo phì, thừa cân, gan thấm mỡ và tiểu đường tuýp 2.
  • Viêm gan tự miễn: Đây là tình trạng hệ thống miễn dịch của cơ thể quay sang tấn công vào các mô gan mạnh khỏe. Điều này khiến gan bị viêm, tổn thương.
  • Lạm dụng thuốc: Thuốc kê đơn và không kê đơn như thuốc kháng sinh, acetaminophen, một vài loại thuốc chống trầm cảm,… có thể dẫn đến chứng xơ gan.
  • Bệnh làm tổn thương hoặc gây tắc ống dẫn mật trong gan: Tắc ống mật, viêm đường mật, ung thư đường mật,… cũng có thể là tác nhân dẫn đến căn bệnh xơ gan.
  • Một số bệnh di truyền: Các bệnh về dự trữ glycogen, hội chứng alagille, hemochromatosis (rối loạn chuyển hóa sắt), thiếu alpha-1-antitrypsin, bệnh wilson (rối loạn chuyển hóa đồng),… có thể dẫn đến xơ gan.
  • Xơ gan do ký sinh trùng: Sán lá gan, ký sinh trùng sốt rét,… là những loại ký sinh trùng thường gặp khiến gan bị tổn thương, dẫn đến xơ gan.

Các đối tượng có nguy cơ cao bị xơ gan

Bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh xơ gan, bao gồm cả nam và nữ ở nhiều độ tuổi khác nhau. Thế nhưng những đối tượng sau đây sẽ có nguy cơ bị xơ gan cao hơn, cụ thể bao gồm:

  • Người lạm dụng, nghiện rượu bia;
  • Người bị viêm gan siêu vi mạn tính, được chẩn đoán và chữa trị muộn;
  • Người mắc bệnh tiểu đường; người béo phì, thừa cân;
  • Người tiêm chích ma túy, sử dụng chung bơm kim tiêm;
  • Người có tiền sử bị bệnh lý về gan;
  • Người quan hệ tình dục không an toàn,…

Triệu chứng xơ gan

Triệu chứng xơ gan sẽ biểu hiện khác nhau ở từng giai đoạn bệnh. Trong giai đoạn đầu, người bệnh có thể sẽ không gặp bất kỳ dấu hiệu nào. Nếu có thì triệu chứng cũng rất mơ hồ, dễ nhầm lẫn với biểu hiện của các căn bệnh khác. Dấu hiệu ban đầu của xơ gan gồm có: Cơ thể thiếu năng lượng, mệt mỏi, ăn không ngon miệng, chán ăn, sốt nhẹ, buồn nôn, giảm cân bất thường không chủ ý.

Những triệu chứng xơ gan nặng hơn sẽ xuất hiện khi bệnh tiến triển, cụ thể bao gồm: Vàng da, mắt, sạm, ngứa da, dễ bị chảy máu, bầm tím, lòng bàn tay có biểu hiện đỏ rực, xuất hiện nhiều nốt sao mạch (nốt giãn mạch màu đỏ trên da), mắt cá, bàn chân, cẳng chân phù (sưng), tích tụ dịch trong ổ bụng (cổ trướng), phân màu vàng nhạt, nước tiểu sẫm màu, giảm trí nhớ, lú lẫn, tính cách thay đổi, nôn/đi ngoài ra máu, giảm ham muốn tình dục (tuyến vú phát triển, teo tinh hoàn ở nam giới hoặc có biểu hiện mãn kinh sớm ở nữ giới).

Bệnh xơ gan có lây không?

Nhìn chung, bệnh xơ gan xuất hiện là do một số nguyên nhân như xơ gan mật nguyên phát, độc chất, rượu bia,… không phải bệnh truyền nhiễm nên không lây truyền từ người sang người. Thế nhưng một số căn nguyên gây bệnh khác, điển hình là viêm gan B, C lại có thể lây từ người sang người thông qua các con đường như quan hệ tình dục không lành mạnh, mẹ truyền cho con, tiêm chích ma túy, truyền máu không an toàn, tiến hành thủ thuật y khoa chưa đảm bảo nguyên tắc kiểm soát tình trạng nhiễm khuẩn,…

Bệnh xơ gan có lây không?

Tác nhân dẫn đến xơ gan như virus viêm gan B, C có thể lây truyền qua đường tình dục

Xơ gan có phải bệnh di truyền không?

Bệnh xơ gan vốn không có tính di truyền. Bố, mẹ mắc căn bệnh này sẽ không truyền sang cho con. Tuy nhiên, một số căn bệnh là tác nhân khiến gan tổn thương có thể dẫn đến xơ gan như chứng thiếu hụt alpha-1-antitrypsin, rối loạn chuyển hóa sắt tiên phát (hemochromatose), rối loạn chuyển hóa đồng tiên phát (bệnh wilson),… lại có khả năng di truyền (mặc dù trường hợp này hiếm khi xảy ra).

Xơ gan có nguy hiểm không?

Khi mắc xơ gan, người bệnh sẽ không tử vong ngay lập tức. Thế nhưng căn bệnh này khiến chức năng gan suy giảm, dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí đe dọa tính mạng nếu không được phát hiện, điều trị sớm hoặc ghép gan. Một số biến chứng của xơ gan phải kể đến gồm có xuất huyết tiêu hóa do giãn nở tĩnh mạch thực quản, cổ trướng, phì đại lách, bệnh não gan, hội chứng gan thận, nhiễm trùng, ung thư gan,…

Làm thế nào để phát hiện sớm bệnh xơ gan?

Xơ gan có thể khiến người bệnh đối mặt với các biến chứng nguy hiểm. Do đó, căn bệnh này phải được tầm soát, nhận biết sớm để tiến hành chữa trị kịp thời. Dưới đây là các cách giúp phát hiện sớm bệnh xơ gan:

1. Phát hiện xơ gan qua triệu chứng

Ở giai đoạn đầu, người bệnh thường không gặp dấu hiệu xơ gan. Thế nhưng theo thời gian, gan sẽ bị tổn thương nghiêm trọng hơn dẫn đến các biểu hiện của xơ gan, điển hình là vàng da, ngứa, buồn nôn, sụt cân, ăn không ngon, choáng váng, mệt mỏi, mạch nổi lên như mạng nhện (sao mạch), móng tay trắng, lòng bàn tay son, dễ chảy máu, sốt, yếu cơ, nôn ra máu, nước tiểu màu nâu, xương dễ gãy,… Ngoài ra, người bệnh cũng có thể gặp một số thay đổi về trí tuệ, ví dụ như khả năng ghi nhớ, tập trung.

Nếu phụ nữ mắc xơ gan thì có nguy cơ gặp tình trạng không còn kinh nguyệt. Trường hợp người bệnh là nam giới thì có thể bị mất khả năng quan hệ tình dục, điều này bắt đầu từ dấu hiệu ngực chảy, phát triển bất thường. Bạn cần lưu ý rằng, người bệnh xơ gan có thể sẽ không gặp toàn bộ những triệu chứng kể trên. Những dấu hiệu đó có thể là triệu chứng của căn bệnh khác. Vì thế, khi gặp biểu hiện bất thường bạn cần đến cơ sở y tế thăm khám.

triệu chứng xơ gan

Vàng da, mắt có thể là dấu hiệu xơ gan, giúp phát hiện ra bệnh

2. Phát hiện qua nguyên nhân

Bệnh gan phải trải qua một thời gian dài mới tiến triển thành xơ gan. Do đó, có thể nghi ngờ, phát hiện bệnh thông qua các tác nhân đã tồn tại từ trước, ví dụ như uống rất nhiều rượu, thừa cân, béo phì, bị viêm gan mạn tính như viêm gan B, C,…

3. Phát hiện xơ gan qua các xét nghiệm

Cách tối ưu để phát hiện xơ gan là thăm khám, sàng lọc định kỳ tối thiểu 2 lần/năm. Phát hiện chính xác tác nhân làm gan tổn thương sẽ giúp ích rất nhiều trong việc định hướng chữa trị. Bác sĩ sẽ bắt đầu tầm soát bằng cách hỏi về tiền sử bệnh lý của người bệnh, khám lâm sàng. Sau đó, người bệnh sẽ được bác sĩ chỉ định cho thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng như:

  • Kiểm tra máu: Thông qua kết quả xét nghiệm máu, bác sĩ sẽ biết người bệnh đang gặp vấn đề gì ở gan.
  • Xét nghiệm hình ảnh: Chụp cộng hưởng từ, CT scan, siêu âm,… sẽ chỉ ra những tổn thương tại gan (nếu có).
  • Sinh thiết gan: Bác sĩ sẽ lấy mẫu mô gan của người bệnh mang đi xem xét, phân tích, đánh giá trong phòng thí nghiệm.

Chẩn đoán bệnh xơ gan

Để đưa ra phác đồ chữa trị phù hợp, hiệu quả, bác sĩ phải chẩn đoán bệnh xơ gan một cách chính xác. Xơ gan có thể được chẩn đoán thông qua các phương pháp cơ bản dưới đây:

1. Chẩn đoán lâm sàng

Bác sĩ sẽ chẩn đoán lâm sàng bệnh xơ gan thông qua:

  • Hội chứng tăng áp lực tĩnh mạch cửa: Giãn tĩnh mạch thực quản, lách to, báng bụng (cổ trướng), tuần hoàn bàng hệ cửa – chủ.
  • Hội chứng suy tế bào gan: Dấu sao mạch, vàng da, phù vùng thấp, giãn mạch ở gò má, lòng bàn tay, bệnh não gan,…
  • Hình thái, đặc điểm của gan qua các phương pháp chẩn đoán hình ảnh: Chắc, to hoặc teo.

2. Chẩn đoán cận lâm sàng

Bác sĩ sẽ chỉ định cho người bệnh thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng để chẩn đoán xơ gan, cụ thể gồm có:

  • Công thức máu: Bạch cầu, hồng cầu có thể giảm, tiểu cầu giảm dưới 130.000 tiểu cầu/mm3 máu.
  • Đông máu: PT (prothrombin time), INR kéo dài.
  • Bilirubin: Chỉ số bilirubin tăng, có thể ở mức bình thường hay tăng ít trong chứng xơ gan còn bù.
  • AST, ALT: Hai chỉ số này có thể tăng hoặc ở mức bình thường. AST thường tăng cao hơn ALT.
  • ALP (phosphatase kiềm): Chỉ số ALP tăng cao (> 3 lần) trong bệnh xơ gan ứ mật. ALP có thể tăng nhẹ (< 3 lần) hay ở mức bình thường trong trường hợp xơ gan do nguyên nhân khác.
  • GGT: Trong bệnh gan, chỉ số GGT sẽ tăng song hành với ALP. So với tình trạng xơ gan vì nguyên nhân khác, GGT sẽ tăng cao hơn trong trường hợp bị bệnh xơ gan do rượu.
  • Albumin, globulin, tỉ lệ A/G: Chỉ số albumin/máu giảm; globulin có xu hướng gia tăng (IgM thường tăng trong xơ gan ứ mật nguyên phát, IgG tăng trong viêm gan tự miễn); tỷ lệ A/G < 1.
  • Na+, K+ trong máu: Kết quả cho thấy K+ máu giảm, Na+ máu giảm.
  • Dịch màng bụng: Độ chênh của dịch màng bụng (SAAG) và albumin huyết thanh ≥ 1.1 gam/dL.
  • Siêu âm bụng: Cho thấy gan có cấu trúc thô, teo hay to, bờ không đều, tĩnh mạch cửa giãn, báng bụng, lách to.
  • Độ đàn hồi của gan: Chẩn đoán thấy độ đàn hồi của gan giảm.
  • Chỉ số FIB-4, APRI: Chỉ số xơ hóa không xâm lấn (APRI, FIB-4) gia tăng.
  • Sinh thiết gan: Phương pháp này ít được áp dụng. Vì đây là kỹ thuật xâm lấn nhưng người bị xơ gan lại thường có chứng rối loạn đông máu.
  • CT Scan: Chụp CT Scan giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh u gan, gan nhiễm mỡ từng vùng, xơ gan, huyết khối tĩnh mạch cửa.
  • Nội soi dạ dày tá tràng: Kết quả cho thấy tĩnh mạch thực quản hoặc/và tĩnh mạch tâm phình vị giãn, thường kèm theo tình trạng viêm dạ dày.
  • Các xét nghiệm tìm nguyên nhân: Xét nghiệm anti LKM1, ANA, ceruloplasmin, anti HCV, HBsAg,… có kết quả dương tính hoặc thấy giá trị bệnh lý.
Chẩn đoán bệnh xơ gan cận lâm sàn

Một số xét nghiệm máu cận lâm sàng có thể hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán xơ gan

3. Chẩn đoán xác định

Các phương pháp chẩn đoán xác định xơ gan có thể được bác sĩ áp dụng gồm có:

  • Xác định cơ địa của người bệnh: Nhận thấy cơ địa mắc bệnh mạn tính khiến gan bị tổn thương kéo dài.
  • Hội chứng: Xác định chứng suy tế bào gan và tăng áp tĩnh mạch cửa.
  • CT scan bụng, siêu âm bụng: Kết quả cho thấy hình ảnh xơ gan.
  • Sinh thiết gan: Kết quả cho thấy thang điểm xơ hóa (F) nhiều.

4. Chẩn đoán nguyên nhân

Bác sĩ sẽ dựa vào kết quả của các xét nghiệm đã thực hiện, kết quả khám lâm sàng, thông tin dịch tễ để chẩn đoán tìm nguyên nhân.

5. Chẩn đoán phân độ

Bác sĩ sẽ chẩn đoán phân độ thông qua thang điểm xơ gan Child-Pugh và giai đoạn của bệnh, cụ thể như sau:

Theo thang điểm xơ gan Child-Pugh

Chẩn đoán phân độ thông qua thang điểm xơ gan Child-Pugh như sau:

Triệu chứng 1 điểm 2 điểm 3 điểm
Báng bụng (cổ trướng) Không Dễ kiểm soát, ít Khó kiểm soát, căng
Bệnh não gan Không Độ 1, 2 Độ 3, 4
Bilirubin máu (mg/dL) < 2 2 – 3 > 3
Albumin/máu (g/L) > 35 28 – 35 < 28
Tỷ lệ prothrombin (%) > 64 64 – 44 < 44
Hoặc INR < 1.7 1.7 – 2.3 > 2.3

Theo đó, Child-Pugh A có điểm từ 5 – 6. Child-Pugh B có điểm từ 7 – 9. Child-Pugh C có điểm từ 10 – 15.

Theo giai đoạn

Chẩn đoán phân độ thông qua giai đoạn bệnh như sau:

Giai đoạn Lâm sàng Tử vong (1 năm)
Xơ gan còn bù
Giai đoạn 1 Không báng bụng, không giãn tĩnh mạch thực quản 1%
Giai đoạn 2 Không báng bụng, giãn tĩnh mạch thực quản 3%
Xơ gan mất bù
Giai đoạn 3 Tình trạng báng bụng +/- giãn tĩnh mạch thực quản 20%
Giai đoạn 4 Xuất huyết tiêu hóa do vỡ giãn tĩnh mạch thực quản +/- báng bụng 57%

Bệnh xơ gan sống được bao lâu?

Tuổi thọ của người bị xơ gan sẽ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, cụ thể gồm có nguyên nhân gây bệnh, mức độ nghiêm trọng, khả năng cơ thể đáp ứng với biện pháp chữa trị, độ tuổi người bệnh và những vấn đề sức khỏe khác hiện đang mắc phải. Người bệnh nên trao đổi trực tiếp với bác sĩ để được tư vấn, tiên lượng.

Bệnh xơ gan sống được bao lâu?

Để được tiên lượng một cách cụ thể, người bệnh xơ gan nên trao đổi trực tiếp với bác sĩ

Xơ gan có chữa khỏi được không?

Rất tiếc là bệnh xơ gan không thể chữa khỏi hoàn toàn được. Vì lúc này, những tổn thương tại gan sẽ tồn tại vĩnh viễn. Hiện có rất nhiều loại bệnh lý ở gan. Và biến chứng do các căn bệnh đó gây ra có thể dẫn đến tình trạng xơ gan. Các phương pháp chữa trị chỉ có thể giúp người bệnh giảm nhẹ triệu chứng, làm chậm hay ngăn chặn sự tiến triển của bệnh.

Điều trị xơ gan

Việc chữa trị được thực hiện nhằm mục đích làm chậm quá trình làm tổn thương gan, ngăn ngừa các biến chứng. Hiện không có phương pháp trị liệu giúp phục hồi mô sẹo ở gan hay chữa lành xơ gan. Những biện pháp được áp dụng để điều trị bệnh xơ gan gồm có:

1. Bảo vệ gan khỏi các yếu tố tổn thương

Để tránh khiến tình trạng bệnh thêm nặng, người bị xơ gan cần chủ động áp dụng một số cách để bảo vệ gan khỏi những yếu tố gây tổn thương, cụ thể như sau:

  • Nghỉ ngơi nhiều hơn: Người bệnh cần dành thời gian để nghỉ ngơi, tránh làm việc quá sức.
  • Dừng uống rượu bia: Người bệnh phải ngưng uống rượu bia càng sớm càng tốt để bảo vệ gan.
  • Lưu ý trong việc dùng thuốc: Người bệnh cần tránh dùng những loại thuốc, hóa chất gây độc cho gan, đặc biệt là các loại thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDS). Trong trường hợp bị rối loạn chuyển hóa mỡ thì có thể sử dụng nhóm thuốc statin.
  • Kiểm soát bệnh tiểu đường: Người bệnh cần kiểm soát tốt chứng đái tháo đường và kháng insulin.

2. Điều trị nguyên nhân

Phương pháp chữa xơ gan tiếp theo có thể được áp dụng chính là điều trị nguyên nhân gây bệnh, bao gồm:

  • Cai rượu: Nếu người bệnh bị xơ gan do dùng rượu thì cần tiến hành cai rượu càng sớm càng tốt. Việc cai rượu có thể sẽ gặp nhiều khó khăn. Vì thế, người bệnh nên tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ để có được phương án khắc phục, cai rượu hữu hiệu, dễ dàng hơn.
  • Sử dụng thuốc chữa viêm gan do virus: Người bệnh có thể sử dụng một số loại thuốc kháng virus đã được phê duyệt để chữa viêm gan B, C.
  • Giảm cân: Giảm cân là việc làm cần thiết đối với người bệnh xơ gan bị thừa cân, gan nhiễm mỡ hoặc tiểu đường tuýp 2.
  • Điều trị bệnh di truyền: Việc điều trị này được áp dụng với người bị xơ gan có mắc bệnh gan di truyền. Chủ yếu, bác sĩ sẽ giúp người bệnh chữa các triệu chứng và khắc phục biến chứng, ví dụ như:
  • Chữa chứng thiếu hụt alpha-1-antitrypsin có thể bao gồm việc dùng thuốc giảm sưng chân, bụng, thuốc kháng sinh điều trị tình trạng nhiễm trùng và những loại thuốc khác giúp khắc phục biến chứng.
  • Với bệnh hemochromatosis, bác sĩ sẽ áp dụng cách điều trị loại bỏ máu để giúp làm giảm mức độ sắt có trong máu.
  • Với bệnh wilson, bác sĩ có thể chỉ định cho người bệnh sử dụng thuốc để loại bỏ đồng ra khỏi cơ thể. Bên cạnh đó, việc bổ sung kẽm cũng được áp dụng để ngăn chặn sự hấp thụ đồng.
  • Với bệnh xơ nang, bác sĩ có thể cho người bệnh dùng thuốc để góp phần cải thiện chức năng phổi, áp dụng biện pháp làm sạch chất nhầy và chữa trị các biến chứng.
  • Với các bệnh dự trữ glycogen, bác sĩ sẽ giúp người bệnh điều trị để giữ cho glucose ở mức phù hợp.
  • Điều trị bệnh viêm gan tự miễn: Nếu nguyên nhân dẫn đến xơ gan là từ bệnh viêm gan tự miễn, bác sĩ sẽ chỉ định cho người bệnh điều trị bằng thuốc ức chế hệ thống miễn dịch,…
  • Chữa bệnh làm tổn thương hoặc gây tắc ống dẫn mật trong gan: Biện pháp điều trị có thể là phẫu thuật để mở lại những ống dẫn mật bị tắc/hẹp hoặc sử dụng thuốc như ursodiol.
  • Suy tim: Bác sĩ sẽ chỉ định biện pháp điều trị dựa trên nguyên nhân và giai đoạn của bệnh suy tim. Thuốc được sử dụng gồm có thuốc làm giảm cholesterol, chữa chứng huyết áp cao, điều trị tình trạng phù nề và cải thiện chức năng bơm máu của tim. Những biện pháp điều trị khác gồm có theo dõi nhịp tim/cấy ghép thiết bị hỗ trợ bơm máu, sửa chữa/thay thế van tim hoặc phẫu thuật mở rộng động mạch và phẫu thuật cấy ghép thay tim.
  • Ngừng/giảm sử dụng thuốc góp phần gây xơ gan: Bác sĩ sẽ xem xét những loại thuốc mà người bệnh đang dùng để xác định xem liệu thuốc có đang ảnh hưởng tiêu cực đến gan hay không. Nếu có, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh ngừng/giảm sử dụng loại thuốc đó hoặc chỉ định cho đổi sang dùng thuốc khác (nếu có thể).
Điều trị nguyên nhân xơ gan

Người bị xơ gan do lạm dụng rượu cần cai rượu càng sớm càng tốt

3. Điều trị biến chứng

Khi xơ gan tiến triển sẽ gây ra các biến chứng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Lúc này, bác sĩ sẽ đề ra phác đồ chữa trị cụ thể cho biến chứng người bệnh đang gặp phải, ví dụ như:

  • Điều trị tăng huyết áp tĩnh mạch cửa: Việc điều trị biến chứng tăng huyết áp tĩnh mạch cửa cụ thể gồm có:
  • Cho người bệnh dùng thuốc chẹn beta hoặc nitrat để làm hạ huyết áp trong tĩnh mạch.
  • Tiến hành cắt dòng máu chảy qua tĩnh mạch giãn để làm ngừng/giảm tình trạng chảy máu thông qua liệu pháp xơ hóa hoặc thắt băng.
  • Chuyển hướng máu từ tĩnh mạch cửa nhằm mục đích làm giảm áp lực trong tĩnh mạch cửa cũng như góp phần kiểm soát tình trạng chảy máu do giãn tĩnh mạch. Bác sĩ có thể áp dụng kỹ thuật shunt lách thận xa hay shunt hệ cửa trong gan xuyên tĩnh mạch cảnh.
  • Kê toa lactulose để giúp hấp thụ chất độc có trong máu do bệnh não gan.
  • Thực hiện thủ thuật chọc hút chất lỏng dư thừa trong bụng (cổ trướng) hoặc sử dụng thuốc lợi tiểu để làm giảm lượng chất lỏng dư thừa (phù nề) tại chân cũng như những vùng khác trên cơ thể.
  • Điều trị viêm phúc mạc do vi khuẩn: Bác sĩ sẽ chỉ định cho người bệnh truyền protein (albumin) và dùng thuốc kháng sinh. Sử dụng thuốc kháng sinh đường uống hàng ngày sẽ giúp người bệnh ngăn ngừa chứng nhiễm trùng tái phát.
  • Điều trị ung thư gan: Ung thư gan là biến chứng nguy hiểm của xơ gan. Phương pháp điều trị sẽ được bác sĩ chỉ định dựa trên giai đoạn ung thư và một số yếu tố khác. Người bệnh có thể được phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ/một phần gan để ghép thay thế gan mới, áp dụng phương pháp tiêu diệt khối u không phẫu thuật như hóa trị, sử dụng liệu pháp nhắm mục tiêu (thuốc không tác động đến gen hay mô ung thư), liệu pháp hạt phóng xạ và miễn dịch,…
  • Điều trị chứng suy thận: Việc chữa trị có thể bao gồm phẫu thuật ghép thận, phương pháp lọc máu, sử dụng thuốc tùy vào mức độ suy thận và nguyên nhân gây ra biến chứng.
  • Điều trị chứng suy gan: Xơ gan có thể dẫn đến biến chứng suy gan. Việc chữa trị sẽ còn phụ thuộc vào việc người bệnh đang bị suy gan mạn tính hay cấp tính, cụ thể gồm có:
  • Người bị suy gan mạn tính cần ngừng uống rượu bia, tránh dùng thuốc gây hại cho da, giảm cân, ăn ít phô mai, thịt đỏ, cắt giảm lượng muối, quản lý bệnh tiểu đường, tăng huyết áp tốt hơn.
  • Người bị suy gan cấp tính cần truyền dịch tĩnh mạch để duy trì huyết áp ổn định, theo dõi lượng đường trong máu, sử dụng thuốc nhuận tràng giúp thải độc tố.
  • Bên cạnh đó, người bị suy gan cấp tính, mạn tính cũng có thể được bác sĩ chỉ định cho ghép gan.

4. Phẫu thuật ghép gan

Nếu xơ gan khiến gan bị mất chức năng hoàn toàn thì lựa chọn chữa trị tối ưu là làm phẫu thuật ghép gan. Bác sĩ sẽ dùng lá gan khỏe mạnh hơn được hiến tặng để ghép thay thế cho lá gan đã hư hỏng của người bệnh. Thế nhưng tỷ lệ người bệnh được ghép gan vẫn còn hạn chế. Vì nguồn tạng được hiến tặng không có nhiều.

Điều trị xơ gan, phẫu thuật ghép gan

Phẫu thuật ghép gan có thể được chỉ định để điều trị trường hợp bị xơ gan khiến gan hoàn toàn mất chức năng

Cách trị xơ gan tại nhà

Người bị xơ gan có thể áp dụng một số biện pháp để góp phần chữa trị, cải thiện triệu chứng tại nhà, cụ thể bao gồm:

  • Nằm kê chân cao hơn so với tim: Người bị xơ gan (đặc biệt là ở giai đoạn muộn) nên nằm kê chân cao hơn so với tim để góp phần cải thiện chứng phù nề.
  • Vệ sinh mũi miệng mỗi ngày: Người bệnh cũng cần vệ sinh mũi miệng sạch sẽ mỗi ngày, đặc biệt là khi bị chảy máu chân răng để ngăn ngừa nguy cơ nhiễm trùng răng, miệng.
  • Cần nghỉ ngơi nhiều ở nơi yên tĩnh: Người bệnh cần có không gian yên tĩnh, thoáng mát để nghỉ ngơi. Mọi người xung quanh nên hạn chế ra vào quá nhiều.
  • Theo dõi tình trạng cổ trướng, phù nề: Cân nặng của người bệnh xơ gan cần được theo dõi hàng tuần để kiểm tra tình trạng cổ trướng, phù đang giảm nhẹ hay gia tăng. Người bị cổ trướng nặng, cảm thấy khó thở phải được đưa đến cơ sở y tế tiến hành rút nước trong ổ bụng ra ngoài. Người bệnh cần được theo dõi khoảng 30 phút sau khi chọc tháo dịch. Nếu xuất hiện dấu hiệu bất thường thì phải thông báo cho bác sĩ biết ngay.

Chế độ ăn cho người xơ gan

Người bị xơ gan nên áp dụng chế độ ăn phù hợp để giúp cải thiện triệu chứng, nâng cao sức khỏe tổng thể, bao gồm:

  • Cung cấp thêm nguồn protein hữu ích: Các loại hạt, đậu, sản phẩm từ đậu, sữa ít béo, cá, trứng,… sẽ mang đến nguồn protein nạc lành mạnh, giúp người bệnh không bị thiếu hụt năng lượng, giảm bớt gánh nặng cho gan. Bên cạnh đó, bác sĩ có thể đề nghị cho người bệnh bổ sung protein đặc biệt, ví dụ như acid amin chuỗi nhánh BCAA dưới dạng những chế phẩm chuyên biệt phù hợp với gan.
  • Áp dụng chế độ ăn ít muối: Người bị xơ gan không nên nêm nhiều muối vào thực phẩm khi chế biến và cũng cần tránh dùng món có nhiều muối như dưa muối, cà muối,… Tiêu thụ nhiều muối sẽ làm dịch tích tụ trong bụng nhiều hơn, dễ gây phù nề.
  • Lưu ý đến việc uống nước: Hầu hết người bệnh xơ gan không cần hạn chế uống nước, trừ trường hợp lượng natri trong cơ thể ở mức dưới 124 mmol/L. Bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh hạn chế lượng nước dùng trong ngày khi bị xơ gan tiến triển. Thế nhưng, ngay cả khi cần hạn chế uống nước thì người bệnh vẫn phải dung nạp tối thiểu 800 – 1000 ml nước/ngày.
  • Chia nhỏ bữa ăn: Người bị xơ gan nên chia khẩu phần thành nhiều bữa nhỏ trong ngày, đặc biệt là khi đang gặp tình trạng chán ăn. Mỗi ngày, người bệnh có thể ăn từ 6 – 8 bữa nhỏ. Người bệnh cần nhớ rằng, tuyệt đối không bỏ ăn quá 7 – 8 tiếng.
  • Lưu ý khác: Người bệnh xơ gan nên dùng dầu thực vật thay cho mỡ động vật để làm giảm bớt gánh nặng cho gan. Người bệnh cũng cần tránh sử dụng thực phẩm dễ gây dị ứng, rối loạn tiêu hóa. Bạn nên ăn món đã được nấu chín, đảm bảo vệ sinh.
Chế độ ăn cho người xơ gan

Người bị xơ gan nên áp dụng chế độ ăn ít muối

Cách phòng ngừa bệnh xơ gan

Xơ gan là căn bệnh khó chữa trị, thậm chí đe dọa đến tính mạng. Thế nhưng, bạn có thể phòng ngừa dễ dàng thông qua các cách dưới đây:

  • Hạn chế dùng rượu bia: Kiểm soát hàm lượng và tần suất dùng rượu bia để tránh gây hại cho sức khỏe. Nếu bạn đang mắc bệnh về gan thì cần kiêng sử dụng rượu bia.
  • Áp dụng chế độ ăn uống cân bằng: Mọi người nên bổ sung trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt,… vào khẩu phần. Bên cạnh đó, bạn hãy cắt giảm lượng muối, hạn chế ăn nhiều chất béo từ động vật. Hãy duy trì việc ăn chín, uống sôi, tránh dùng những loại hải sản có vỏ còn sống vì chúng chứa ký sinh trùng, vi khuẩn gây nhiều căn bệnh nguy hiểm.
  • Duy trì lối sống khoa học: Bạn nên luyện tập thể dục thường xuyên, đều đặn, duy trì cân nặng ở mức hợp lý và bỏ hút thuốc lá để bảo vệ sức khỏe, tránh làm tổn hại đến gan.
  • Tránh con đường lây nhiễm virus viêm gan: Bạn cần tránh những hành vi tiềm ẩn nguy cơ bị lây virus viêm gan B, C,… ví dụ như quan hệ tình dục không an toàn, thực hiện tiêm chích ma túy.
  • Tiêm vắc xin và khám sức khỏe: Người lớn và trẻ em chưa bị bệnh viêm gan A, B cần tiêm vắc xin đầy đủ. Người đang bị viêm gan B, C mạn tính nên theo dõi định kỳ 3 hoặc 6 tháng/lần. Qua đó, bác sĩ có thể phát hiện, chữa trị sớm tình trạng viêm gan tiến triển, hạn chế nguy cơ dẫn đến biến chứng xơ gan, ung thư gan. Mọi người cũng nên đến cơ sở y tế khám sức khỏe định kỳ để sàng lọc, điều trị sớm các bệnh có thể dẫn đến viêm gan như tắc mật, rối loạn chuyển hóa,…
  • Thận trọng khi dùng thuốc: Bạn chỉ nên dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Việc dùng sai liều hoặc lạm dụng thuốc đều tác động tiêu cực đến gan.

Nghi mắc bệnh xơ gan: Khi nào đi khám bác sĩ?

Bạn cần đến gặp bác sĩ thăm khám khi gặp các dấu hiệu, triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh xơ gan ví dụ như giảm cân bất thường, chán ăn, mệt mỏi, vàng da, ngứa da, sưng phù cẳng/bàn chân, cổ trướng, đi vệ sinh thấy phân màu vàng nhạt,… Bên cạnh đó, người thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ bị xơ gan cũng cần chủ động đi khám, điển hình là người bị viêm gan siêu vi mạn tính, nghiện rượu, dùng chung bơm kim tiêm, quan hệ tình dục không an toàn, có tiền sử mắc bệnh gan,…

Bài viết này vừa chia sẻ đến bạn đọc một số thông tin về xơ gan như triệu chứng, nguyên nhân, cách chẩn đoán, chữa trị, phòng ngừa,… Mong rằng mọi người sẽ chủ động bảo vệ sức khỏe, tránh để bản thân mắc phải bệnh xơ gan nguy hiểm. Nếu có dấu hiệu nghi ngờ, bạn cần nhanh chóng đến gặp bác sĩ thăm khám ngay. Để được tư vấn thêm về bệnh xơ gan, bạn đọc vui lòng liên hệ với Trung tâm Dinh dưỡng Nutrihome qua hotline 1900 633 599.

5/5 - (1 bình chọn)
11:52 02/04/2024
Nguồn tham khảo
  1. Việt Nam một trong số các quốc gia có tỷ lệ người nhiễm viêm gan B hoạt động và thụ động cao nhất thế giới. (n.d.). Cổng thông tin Bộ Y tế. https://moh.gov.vn/chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia/-/asset_publisher/7ng11fEWgASC/content/viet-nam-mot-trong-so-cac-quoc-gia-co-ty-le-nguoi-nhiem-viem-gan-b-hoat-ong-va-thu-ong-cao-nhat-the-gioi?inheritRedirect=false

Discover more from Nutrihome

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading