Bệnh gút có ăn được đậu phụ không, ăn bao nhiêu là tốt?

06/11/2023 Theo dỗi Nutrihome trên google news
Tư vấn chuyên môn bài viết
Chức Vụ: Trợ lý Giám đốc Y khoa
Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome

Bệnh gút có ăn được đậu phụ không?” – Đây là câu hỏi được nhiều người bệnh gút quan tâm khi muốn tìm kiếm một nguồn thực phẩm an toàn để thưởng thức trong thời gian điều trị bệnh. Đối với người bệnh gút, việc lựa chọn thực phẩm trở nên vô cùng quan trọng bởi tiêu thụ thức ăn thiếu chọn lọc có thể làm tăng nồng độ axit uric máu, khiến bệnh gút bùng phát. Vậy, người bị gút có ăn được đậu phụ không? Hãy cùng Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome khám phá câu trả lời ngay trong bài viết dưới đây.

Bệnh gút có ăn được đậu phụ không, ăn bao nhiêu là tốt?

Người bệnh gút có ăn được đậu phụ không? Đâu là lời khuyên từ các chuyên gia dinh dưỡng?

Đậu phụ (tàu hủ) là một chế phẩm làm từ đậu nành. Để sản xuất đậu phụ, đậu nành được nghiền nát và hòa với nước, tạo thành sữa đậu nành. Sữa đậu nành sau đó được đun nóng và thêm một loại chất làm đông (thường là canxi sulfat hoặc glucono delta-lactone) để tạo thành bột đậu phụ. Bột đậu phụ sau đó được đặt vào khuôn ép để loại bỏ nước, tạo ra tấm đậu phụ có hình dạng và độ cứng như mong muốn. Vậy, người bệnh gút có ăn được đậu phụ không?

Giá trị dinh dưỡng của đậu phụ

Trước khi tìm hiểu người bệnh gút ăn đậu phụ được không, bạn cần hiểu rõ về thành phần dinh dưỡng chứa trong loại thực phẩm này. Cụ thể, đậu phụ là một loại thực phẩm:

  • Chứa ít calo: Trung bình 100g đậu phụ chỉ cung cấp cho bạn 76 calo – tương đương với khoảng 4% nhu cầu khuyến nghị hàng ngày. Do đó, tiêu thụ đậu phụ có thể giúp người bệnh gút duy trì cân nặng khỏe mạnh, hạn chế tình trạng thừa cân – béo phì và ngăn ngừa bệnh gút tiến triển nặng;
  • Giàu đạm: Trung bình 100g đậu phụ có thể cung cấp cho bạn 8.1g đạm – tương đương với 16% nhu cầu khuyến nghị đạm hàng ngày dành cho người trưởng thành.
  • Giàu vitamin và khoáng chất: Đậu phụ chứa đến 20 loại vitamin và khoáng chất khác nhau, nổi bật nhất là canxi, sắt, magie và các vitamin B. Đây đều là những dưỡng chất mà người bệnh gút dễ bị thiếu khi phải tuân thủ theo chế độ ăn ít purin để ngăn ngừa bệnh gút bùng phát.
Giá trị dinh dưỡng của đậu phụ

Trong đậu phụ chứa đến 20 loại vitamin và khoáng chất khác nhau

Chi tiết hơn, thành phần dinh dưỡng chứa trong 100g đậu phụ bao gồm:

Thành phần dinh dưỡng Hàm lượng dinh dưỡng trên 100g đậu phụ Phần trăm giá trị dinh dưỡng từ đậu phụ so với mức khuyến nghị hàng ngày (% DV)
Năng lượng 76 calo 3.8%
Chất đường bột 1.9g 1%
Chất đạm 8.1 g 16%
Chất béo 4.8g

(bao gồm 0.691g chất béo bão hòa và 3.755g chất béo không bão hòa)

6%
Vitamin
B3 (Niacin) 0.195 mg 1%
B2 (Riboflavin) 0.052 mg 4%
B5 (Pantothenate) 0.068 mg 1%
B6 0.047 mg 3%
B4 (Choline) 28.8 mg 5%
B1 (Thiamin) 0.081 mg 7%
B9 (Folate) 15 mcg 4%
E 0.01mg 0%
K 2.4 mg 2%
Khoáng chất
Kẽm 0.8 mg 7%
Selen 8.9 mcg 16%
Sắt 5.36 mg 30%
Phốt – pho 97 mg 8%
Đồng 0.07 mg 8%
Magiê 21 mg 5%
Kali 121 mg 3%
Natri 7 mg 0%
Mangan 0.605 mg 26%

Bệnh gút có ăn được đậu phụ không?

Người bệnh gút CÓ THỂ ĂN ĐƯỢC đậu phụ. Nguyên nhân là vì đậu phụ chứa rất ít purin (dưới 30 mg purin / 100g đậu phụ). Trong khi đó, giới hạn về hàm lượng purin an toàn dành cho người mắc bệnh gút là 400 mg purin / ngày – tức gấp 13 lần hàm lượng purin chứa trong 100g đậu phụ. Điều này có nghĩa là ăn đậu phụ sẽ rất ít tăng axit uric máu và không làm tăng nguy cơ khiến bệnh gút bùng phát. Do đó, nếu bạn băn khoăn chưa biết người bệnh gút có ăn được đậu phụ không thì câu trả lời là “ĐƯỢC”.

Người bệnh gút ăn đậu phụ có tốt không?

Người bệnh gút ăn đậu phụ RẤT TỐT khi tiêu thụ chúng ở hàm lượng vừa phải. Nguyên nhân là vì đậu phụ vừa chứa ít purin, vừa là:

  • Nguồn cung cấp protein hoàn chỉnh: Không giống như các loại đạm thực vật khác, protein trong đậu phụ là một loại đạm hoàn chỉnh vì chứa đủ cả 9 loại axit amin thiết yếu mà cơ thể cần. Điều này vô cùng có lợi cho những người mắc bệnh gút – khi chế độ dinh dưỡng đòi hỏi phải cắt giảm hầu hết lượng đạm động vật ra khỏi khẩu phần ăn. Vào cơ thể, axit amin có vai trò:
    • Hỗ trợ cơ thể tái tạo lại các mô bị tổn thương: Đặc biệt là mô khớp, mô sụn và mô xương bị tổn thương sau các đợt bùng phát của bệnh gút;
    • Tăng cường miễn dịch: Axit amin giúp tăng cường miễn dịch bằng cách kích hoạt các tế bào lympho T, lympho B, tế bào tiêu diệt tự nhiên (NK) và đại thực bào – tất cả đều là những “chiến binh” hàng đầu của hệ miễn dịch, giúp cơ thể “chiến đấu” với vi khuẩn, virus.
  • Thực phẩm tốt cho sức khỏe tim mạch: Nghiên cứu cho thấy, tiêu thụ 50g protein đậu nành mỗi ngày thay cho protein động vật có thể làm giảm nồng độ cholesterol LDL (cholesterol xấu) xuống 12.9%. Mức giảm như vậy, nếu duy trì được trong thời gian dài, có thể giúp bạn làm giảm hơn 20% nguy cơ đau tim, đột quỵ hoặc mắc các bệnh tim mạch khác.

Tuy nhiên, bạn cần lưu ý:

  • Ăn uống đa dạng: Đậu phụ, tuy chứa nhiều vitamin và khoáng chất, nhưng chúng không phải là một nguồn dinh dưỡng toàn diện bởi sự thiếu hụt vitamin A, D và vitamin B12. Do đó, người bệnh gút cần kết hợp ăn đậu phụ với các loại thực phẩm khác để xây dựng được một chế độ dinh dưỡng cân đối, đa dạng, đáp ứng đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng mà cơ thể cần.
  • Tuân thủ phác đồ điều trị toàn diện: Việc quản lý chế độ ăn uống là chỉ một phần của quá trình điều trị bệnh gút. Ngoài việc quan tâm bệnh gút có ăn được đậu phụ không, bệnh nhân gút cũng cần phải duy trì cân nặng khỏe mạnh, tránh rượu bia, và tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ để kiểm soát bệnh hiệu quả.
Người bệnh gút ăn đậu phụ có tốt không?

Người bệnh gút ăn đậu phụ rất tốt, miễn là ăn với hàm lượng vừa phải

Người bệnh gút nên ăn bao nhiêu đậu phụ mỗi ngày?

Đậu nành chứa nhiều isoflavone – một loại phytoestrogen có thể tác động đến cơ thể tương tự như nội tiết tố estrogen. Mặc dù có nhiều lo ngại rằng việc tiêu thụ quá nhiều isoflavone có thể làm sụt giảm nồng độ hóc-môn testosterone, gây nữ hóa tuyến vú hoặc suy giảm chức năng sinh sản ở nam giới, nhưng các bằng chứng thực nghiệm đã cho thấy rằng việc tiêu thụ đậu nành (ở hàm lượng vừa phải) là an toàn và có lợi cho sức khỏe.

Theo nghiên cứu, dung nạp dưới 100 mg isoflavone / ngày chính là giới hạn an toàn đối với sự cân bằng hóc-môn trong cơ thể ở cả nam và nữ. Khuyến nghị này tương đương với việc người bệnh gút không nên ăn nhiều hơn 400g đậu phụ mỗi ngày.

Ngược lại, tiêu thụ nhiều hơn 400g đậu phụ mỗi ngày có thể tiềm ẩn nguy cơ gây mất cân bằng nội tiết tố trong cơ thể. Bên cạnh đó, ăn đậu phụ quá mức còn có thể gây nên nhiều tác hại khác như:

  • Mắc các bệnh lý liên quan đến thiếu vi chất: Đậu phụ chứa nhiều phytates – nhóm hợp chất có khả năng làm giảm sự hấp thu của ruột đối với các khoáng chất như canxi, kẽm và sắt; từ đó, làm tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương, suy giảm miễn dịch và thiếu máu do thiếu sắt;
  • Rối loạn tiêu hóa: Đậu phụ chứa nhiều chất ức chế trypsin. Những hợp chất này ngăn chặn trypsin – một loại enzyme cần thiết cho quá trình tiêu hóa protein, khiến bạn bị khó tiêu, đau bụng và rối loạn tiêu hóa.

Hướng dẫn ăn đậu phụ đúng cách cho người bệnh gout

Người bệnh gút có ăn được đậu phụ không? Câu trả lời là “ĐƯỢC”. Tuy nhiên, việc lựa chọn và chế biến đậu phụ sai cách vẫn có thể làm tăng nguy cơ khiến bệnh gút bùng phát. Dưới đây là một số mẹo hữu ích về cách lựa chọn và chế biến đậu phụ khoa học, tốt cho sức khỏe mà người bệnh gout cần lưu ý:

1. Lựa chọn đậu phụ

  • Để chọn đậu phụ tươi, bạn cần kiểm tra hạn sử dụng và đảm bảo rằng sản phẩm không có mùi lạ hoặc màu sắc bất thường.
  • Đối với người bệnh gout, nên tránh các loại đậu phụ chiên hay đậu phụ chứa nhiều chất bảo quản, chất điều vị và muối natri. Bởi lẽ, natri trong đậu phụ công nghiệp có thể gây tăng huyết áp tạm thời, khiến thận lọc và đào thải axit uric kém hiệu quả; từ đó, làm tăng nguy cơ bùng phát bệnh gút;

2. Chế biến đậu phụ

  • Trước khi nấu, nên ấn nhẹ đậu phụ để loại bỏ lượng nước dư thừa, giúp đậu phụ săn chắc hơn khi chế biến; đồng thời, hạn chế nước từ đậu phụ tiết ra làm bắn dầu, gây bỏng nếu bạn có dự định chiên (rán) đậu phụ;
  • Nấu đậu phụ ở nhiệt độ vừa phải và tránh sử dụng quá nhiều dầu mỡ. Ưu tiên hấp, luộc, hoặc xào với lửa vừa cùng các loại rau củ giàu chất xơ;
  • Tránh sử dụng các loại gia vị có nhiều natri như nước tương hay bột ngọt. Thay vào đó, sử dụng gia vị tự nhiên như tỏi, gừng, nghệ hoặc các loại thảo mộc để tăng hương vị.

Bằng cách lựa chọn và chế biến đậu phụ đúng cách, người bệnh gout có thể tận dụng được những lợi ích dinh dưỡng của đậu phụ mà không làm tăng nguy cơ bùng phát các triệu chứng của bệnh gút.

Hướng dẫn ăn đậu phụ đúng cách cho người bệnh gout

Người bệnh gút nên ưu tiếp ăn đậu phụ hấp / hầm / luộc thay vì chiên (rán)

Món ăn cho người bị gút với đậu phụ

Trên hành trình tìm kiếm những món ăn tốt cho người bệnh gút, bạn cần chú trọng vào những món ăn chứa ít purin, muối, đường và chất béo bão hòa. Dưới đây là danh sách 5 món ăn tốt cho người bị gút, đáp ứng tất cả các nguyên tắc dinh dưỡng kể trên:

1. Đậu phụ sốt tiêu đen

Nguyên liệu: 200g đậu phụ, 5g tiêu đen hạt, 20ml dầu hào chay, 10ml dầu ô-liu và gia vị vừa đủ.

Cách chế biến:

  • Nghiền tiêu hạt nhuyễn thành bột mịn;
  • Cắt đậu phụ thành miếng mỏng, xào nhanh với dầu ô-liu;
  • Thêm dầu hào chay, bột tiêu đen và gia vị vừa đủ;
  • Tiếp tục đun nhẹ đậu hủ với lửa vừa trong 10 phút đến khi đậu phụ thấm sốt thì tắt bếp.
Món ăn cho người bị gút với đậu phụ, đậu phụ sốt tiêu đen

Đậu phụ sốt tiêu đen là món ăn kích thích vị giác, ăn rất “bắt cơm”

2. Đậu phụ hấp gừng

Nguyên liệu: 2 lá đậu phụ trắng (250g), 15g gừng tươi, 0.5g muối, 5ml dầu thực vật.

Cách chế biến: Cắt đậu phụ thành từng miếng vừa ăn, bày ra đĩa. Thái mỏng gừng, xếp lên mặt đậu phụ. Hấp chín, rắc 0.5g muối và một ít dầu thực vật lên mặt đậu phụ và thưởng thức khi món ăn còn nóng.

3. Đậu phụ sốt cà chua

Nguyên liệu: 150g đậu phụ non, 3 trái cà chua, ½ củ hành tây, 10ml dầu ô liu, 2 tép tỏi và gia vị vừa đủ (muối, tiêu, đường, dầu hào,…)

Cách chế biến:

  • Bắt chảo dầu nóng, cho tỏi vào phi đến khi tỏi có màu vàng nhạt;
  • Cho hành tây và cà chua vào trong dầu ô liu, thêm gia vị vào đảo đều đến khi cà chua săn lại và tiết ra nước;
  • Cho đậu phụ vào, đun lửa vừa trong 5 – 10 phút cho đến khi đậu phụ thấm sốt thì tắt bếp.
Món ăn cho người bị gút với đậu phụ, đậu phụ sốt cà chua

Đậu phụ sốt cà chua là món ăn vừa bổ dưỡng, vừa dễ thực hiện

4. Đậu phụ xào rau củ

Nguyên liệu: 2 miếng đậu phụ tươi, 50g cà rốt, 30g bí ngòi, 10ml dầu ô liu, và gia vị vừa đủ.

Cách chế biến:

  • Đậu phụ: Rửa sạch, dùng khăn giấy thấm cho khô rồi cắt đậu phụ thành từng miếng vừa ăn;
  • Cà rốt và bí ngòi: Gọt vỏ, rửa sạch và cắt thành từng miếng vừa ăn;
  • Bắt chảo nóng rồi cho dầu ô – liu vào. Khi dầu nóng, xào nhanh rau củ trên lửa to với dầu ô liu và nên nếm gia vị;
  • Xào đến khi rau củ săn lại, cho đậu phụ vào đảo nhẹ trong 5 – 10 phút thì tắt bếp.

5. Đậu phụ hầm tương miso

Nguyên liệu: 200g đậu phụ, 20g tương miso, 50g củ cải, 5g hành lá thái nhuyễn, 5ml dầu ô-liu.

Cách chế biến:

  • Hòa tan 20g tương miso trong 400ml nước dùng chay;
  • Cắt đậu phụ thành miếng vừa ăn và xào nhẹ với dầu ô-liu đến khi thấy đậu phụ vàng nhẹ mặt ngoài;
  • Cho đậu phụ vừa xào vào nồi nước dùng miso. Có thể thêm sốt miso và đường đến khi thấy vị vừa ăn;
  • Tiếp tục đun sôi nồi đậu phụ hầm trong 10 phút, cho hành lá thái nhuyễn vào và tắt bếp.
Món ăn cho người bị gút với đậu phụ, Đậu phụ hầm tương miso

Đậu phụ hầm tương miso là món ăn không thể thiếu trong thực đơn dành cho người bệnh gút

Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh giúp kiểm soát bệnh gút

Để xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh giúp kiểm soát bệnh gút, bạn cần tuân theo 8 nguyên tắc dinh dưỡng sau:

  • Hạn chế thực phẩm giàu purin: Tiêu thụ thực phẩm giàu purin là nguyên nhân hàng đầu gây tăng axit uric máu, khiến bệnh gút bùng phát. Ngược lại, giảm thiểu việc tiêu thụ thực phẩm giàu purin như thịt đỏ, thịt nội tạng, và các loại hải sản (sò điệp, mực, cá hồi),… có thể giúp kiểm soát nồng độ axit uric và ngăn ngừa bệnh gút bùng phát;
  • Hạn chế rượu bia: Rượu bia không những kích thích gan sản sinh ra nhiều axit uric mà còn khiến thận lọc và đào thải axit uric kém hiệu quả; từ đó, thúc đẩy bệnh gút bùng phát. Vì vậy, bạn cần hạn chế hoặc tránh tuyệt đối việc tiêu thụ rượu bia;
  • Hạn chế thực phẩm nhiều đường: Tiêu thụ đường làm tăng nồng độ glucose máu và thúc đẩy các triệu chứng viêm khớp tiến triển nặng. Đặc biệt, tiêu thụ đường fructose, có thể gây tăng axit uric máu và thúc đẩy bệnh gút bùng phát. Do đó, người bệnh gút cần tránh tiêu thụ thực phẩm nhiều đường, chẳng hạn như: nước ngọt, nước trái cây đóng hộp, hoa quả sấy khô và bánh kẹo ngọt;
  • Hạn chế chất béo bão hòa: Tiêu thụ chất béo bão hòa làm gia tăng các phản ứng viêm nhiễm trong cơ thể, khiến tình trạng tổn thương ở các khớp trở nên trầm trọng hơn. Do đó, người bệnh gút cần hạn chế tiêu thụ chất béo bão hòa, điển hình như thực phẩm chiên (rán), đồ ăn nhanh và đồ đóng hộp;
  • Ưu tiên protein từ các nguồn thực vật: Tăng cường protein từ các nguồn thực vật như đậu và các loại nấm có thể giúp bạn cung cấp đầy đủ hàm lượng protein cần thiết mà không làm gia tăng sự tích tụ axit uric trong cơ thể;
  • Tăng cường rau củ quả: Tiêu thụ rau củ quả giúp bạn cung cấp cho cơ thể nhiều chất chống oxy hóa có tác dụng kháng viêm, hỗ trợ giảm đau khi bệnh gút bùng phát;
  • Ưu tiên ngũ cốc nguyên hạt: Chọn ngũ cốc nguyên hạt thay vì ngũ cốc tinh chế giúp bạn hấp thụ nhiều chất xơ, hỗ trợ kiểm soát đường huyết và hạn chế tình trạng viêm nhiễm quá mức ở các khớp;
  • Uống đủ nước: Uống ít nhất 1.5 – 2 lít nước mỗi ngày giúp thận lọc và loại bỏ axit uric ra khỏi cơ thể một cách hiệu quả.

Bằng cách tuân thủ những nguyên tắc kể trên, người bệnh gút có thể kiểm soát tốt nồng độ axit uric trong máu, giảm thiểu nguy cơ phát triển các cơn bùng phát gây viêm khớp do bệnh gút.

Tóm lại, đối với câu hỏi “người bệnh gút có ăn được đậu phụ không?”, câu trả lời là “ĐƯỢC”. Theo các chuyên gia, đậu phụ là một nguồn protein hoàn chỉnh, có thể thay thế cho các loại thịt giàu purin. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý về giới hạn tiêu thụ đậu phụ để tránh gây mất cân bằng dinh dưỡng.

Kết thúc bài viết, nếu bạn vẫn còn băn khoăn chưa biết người bệnh gút có ăn được đậu phụ không hoặc có mong muốn xây dựng một chế độ ăn dành riêng cho người bệnh gút nhưng chưa biết phải bắt đầu từ đâu, hãy liên hệ ngay đến Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome thông qua số hotline 1900 633 599 để được tư vấn kịp thời. Chúc bạn thật nhiều sức khỏe!

5/5 - (1 bình chọn)
17:25 05/12/2023
Nguồn tham khảo
  1. Anderson, J. W., Johnstone, B. M., & Cook-Newell, M. E. (1995). Meta-analysis of the effects of soy protein intake on serum lipids. The New England Journal of Medicine333(5), 276–282. https://doi.org/10.1056/NEJM199508033330502
  2. ‌Reed, K., Camargo, J., Hamilton-Reeves, J., Kurzer, M. S., & Messina, M. (2021). Neither soy nor isoflavone intake affects male reproductive hormones: An expanded and updated meta-analysis of clinical studies. Reproductive Toxicology100, 60–67. https://doi.org/10.1016/j.reprotox.2020.12.019
  3. Neither soyfoods nor isoflavones warrant classification as endocrine disruptors: a technical review of the observational and clinical data. (2022). Critical Reviews in Food Science and Nutrition. https://www.tandfonline.com/doi/full/10.1080/10408398.2021.1895054