Bệnh gút có ăn được ớt không, có sao không? Bác sĩ trả lời

06/11/2023 Theo dỗi Nutrihome trên google news
Tư vấn chuyên môn bài viết
Chức Vụ: Trợ lý Giám đốc Y khoa
Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome

Người mắc bệnh gút có ăn được ớt không? – Đây là câu hỏi được rất nhiều đọc giả quan tâm, đặc biệt là những ai đang phải sống chung với căn bệnh gút. Trong bối cảnh ớt là một gia vị phổ biến trong ẩm thực, việc hiểu rõ về mức độ ảnh hưởng của việc tiêu thụ ớt đối với sức khỏe người bệnh gút là hết sức quan trọng. Bài viết sau đây sẽ cung cấp cho bạn ý kiến chuyên môn từ các bác sĩ, giúp bạn đưa ra cái nhìn tổng quan và quyết định đúng đắn về việc liệu bệnh gút có ăn được ớt không.

Bệnh gút có ăn được ớt không, có sao không? Bác sĩ trả lời

Người bệnh gút có ăn được ớt không? Đâu là lời khuyên chính xác từ các chuyên gia dinh dưỡng?

Bệnh gút có ăn được ớt không?

Người bệnh gút ĐƯỢC ĂN ỚT vì loại quả này chứa ít purin. Trung bình 100g ớt, dù là ớt sừng trâu, ớt chuông, ớt Cayenne hay các loại ớt khác, thường chỉ chứa không quá 65 mg purin. Trong khi đó, giới hạn an toàn về hàm lượng purin mà người bệnh gút có thể tiêu thụ mỗi ngày có thể lên tới 400 mg. Do đó, nếu bạn vẫn còn băn khoăn chưa biết “người bệnh gút có ăn được ớt không?” thì câu trả lời là “ĐƯỢC”.

Bên cạnh đó, người bệnh gút ăn ớt RẤT TỐT vì ớt giúp:

  • Giảm đau: Capsaicin là hợp chất chịu trách nhiệm chính cho việc tạo độ cay đặc trưng cho ớt. Bằng cách ức chế substance P – chất dẫn truyền cảm giác đau tồn tại trong dây thần kinh, capsaicin được chứng minh là có khả năng làm dịu các cơn đau ở khớp vô cùng hiệu quả, tương đương với việc sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs);
  • Hỗ trợ thận đào thải axit uric: Ớt – đặc biệt là ớt chuông, chứa hàm lượng vitamin C dồi dào, được chứng minh tốt cho người bệnh gout. Nghiên cứu cho thấy, vitamin C có khả năng ức chế tình trạng tăng axit uric máu bằng cách thúc đẩy thận đào thải axit uric thông qua một quá trình mang tên uricosuric (tăng cường bài niệu). Nhờ đó, ăn ớt giúp bạn kiểm soát nồng độ axit uric máu, ngăn ngừa sự lắng đọng của các tinh thể monosodium urate ở các khớp và gây viêm;
  • Ngăn ngừa bệnh gút bùng phát: Ớt chứa nhiều luteolin và apigenin. Đây là hai hợp chất chống oxy hóa thuộc nhóm flavonoids, được chứng minh có khả năng ức chế xanthine oxidase – enzyme chịu trách nhiệm chính trong việc thúc đẩy cơ thể chuyển hóa purine từ thực phẩm thành axit uric trong máu. Do đó, bổ sung ớt có thể hỗ trợ bạn kiểm soát nồng độ axit uric máu, ngăn ngừa bệnh gút bùng phát.

Tóm lại, đối với câu hỏi “người bệnh gút có ăn được ớt không?”, các kết quả nghiên cứu lý thuyết cùng nhiều thí nghiệm thực tiễn đều nhất trí với câu trả lời là “ĐƯỢC”.

Bệnh gút có ăn được ớt không?

Người bệnh gút có thể ăn ớt bởi chúng chứa hàm lượng purin thấp

Ăn ớt có gây ra cơn gút cấp không?

Ăn ớt KHÔNG THỂ gây ra các cơn đau gút cấp tính. Nguyên nhân là vì ớt chứa hàm lượng purin vô cùng thấp. Trung bình mỗi lần ăn, bạn thường chỉ tiêu thụ từ 5 – 15g ớt, tương đương với việc dung nạp khoảng 3 – 9.75 mg purin. Trong khi đó, giới hạn an toàn về hàm lượng purin mà người bệnh gút có thể tiêu thụ mỗi ngày có thể lên tới 400 mg. Điều này có nghĩa là ăn ớt không thể làm tăng nồng độ axit uric máu và khiến các cơn đau khớp bùng phát.

Để khẳng định quan điểm này, các chuyên gia dinh dưỡng tại Ủy ban Y tế Trùng Khánh (Trung Quốc) đã tiến hành một nghiên cứu trên 23.342 người nhằm tìm kiếm mối liên hệ giữa tần suất ăn cay, mức độ cay với nồng độ axit uric trong huyết thanh. Kết quả cho thấy, không có mối quan hệ nhân quả nào giữa việc ăn ớt với việc gia tăng nồng độ axit uric máu sau khi ăn.

Nói cách khác, tính đến thời điểm hiện tại, nền y học thế giới vẫn chưa tìm ra bất kỳ bằng chứng thuyết phục nào ủng hộ cho quan điểm ăn cay có thể khiến bệnh gút bùng phát. Do đó, nếu bạn vẫn còn băn khoăn chưa biết mắc bệnh gút có ăn được ớt không thì câu trả lời là “ĐƯỢC”.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, thực phẩm có thể gây ra cơn gút cấp tính là những thực phẩm giàu purin hoặc giàu đường fructose, chẳng hạn như: thịt đỏ (bò, lợn, cừu, dê,…), nội tạng động vật, thủy hải sản, đồ uống chứa cồn (rượu, bia, nước trái cây lên men,…), thức ăn công nghiệp (bánh kẹo ngọt, nước giải khát chứa đường,…).

Ăn ớt có gây ra cơn gút cấp không?

Ăn ớt không gây ra các cơn gút cấp tính nên người bệnh gút vẫn có thể ăn từ 1 – 2 quả mỗi ngày

Một số lưu ý cho người bệnh gout khi dùng ớt

Trong văn hóa ẩm thực Việt Nam, ớt có thể được bổ sung vào nhiều món ăn khác nhau để cải thiện hương sắc và mùi vị của thực phẩm. Với những người thích ăn cay, việc thêm ớt trực tiếp vào món ăn được xem là cách kích thích vị giác hiệu quả, giúp làm tăng cảm giác ngon miệng khi thưởng thức ẩm thực.

Quay trở lại chủ đề “người bệnh bệnh gút có ăn được ớt không?”, câu trả lời là “ĐƯỢC”. Tuy nhiên, việc tiêu thụ ớt quá mức (trên 12 – 15g / ngày) có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại đến sức khỏe tổng thể, chẳng hạn như:

  • Nguy cơ thừa cân – béo phì: Khi ăn cay, bạn có xu hướng ăn nhiều chất đường bột (carbohydrates) hơn bình thường để làm giảm cảm giác nóng rát do thức ăn cay gây ra. Điều này vô tình làm tăng nguy cơ thừa cân – béo phì. Điều đáng chú ý là nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng béo phì là nguyên nhân độc lập gây tăng axit uric máu ở nhiều quốc gia, chẳng hạn như ở Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản.
  • Nguy cơ máu nhiễm mỡ: Dầu ớt (sa tế) là chế phẩm được sử dụng rộng rãi để tạo độ cay cho các món lẩu và không ít các món ăn đường phố phổ biến ở Việt Nam. Vì thế, thói quen ăn cay có thể gián tiếp kích thích bạn tiêu thụ quá nhiều chất béo và làm tăng thêm lượng lipid trong máu. Sự gia tăng nồng độ lipid trong máu, đặc biệt là chất béo trung tính (triglycerides), sẽ tạo ra nhiều axit béo tự do, thúc đẩy quá trình phân hủy adenosine triphosphate, gây tăng sản xuất axit uric và khiến bệnh gút bùng phát.

Tóm lại, ăn ớt không thể làm tăng axit uric máu. Tuy nhiên, chính thói quen ăn cay mới là “thủ phạm” kích thích bạn tiêu thụ nhiều chất béo và carbohydrate hơn thông thường; từ đó, gián tiếp làm tăng nguy cơ tăng axit uric máu và khiến bệnh gút bùng phát.

Mặt khác, tiêu thụ nhiều hơn 12 – 15 gam ớt mỗi ngày có thể kích ứng niêm mạc dạ dày. Điều này không những gây cảm giác nóng rát khó chịu, mà còn có thể là nguyên nhân khởi phát nhiều triệu chứng rối loạn tiêu hóa như trào ngược thực quản (ợ chua), đầy hơi, khó tiêu và tiêu chảy.

Do đó, để phòng tránh những biến chứng tiêu hóa liên quan đến việc ăn ớt, người bệnh gút không nên tiêu thụ quá 2 quả ớt mỗi ngày. Đặc biệt, nếu bạn đã có tiền sử rối loạn tiêu hóa, viêm loét dạ dày hoặc trào ngược thực quản, việc loại bỏ hoàn toàn thức ăn cay ra khỏi khẩu phần chính là ưu tiên hàng đầu mà bạn cần thực hiện.

Một số lưu ý cho người bệnh gout khi dùng ớt

Ăn nhiều ớt có thể gây rối loạn tiêu hóa (đau dạ dày, đầy bụng, khó tiêu,…)

Lời khuyên cho người bị bệnh gút từ chuyên gia

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, ngoài việc quan tâm đến bệnh gút có ăn được ớt không, quá trình điều trị và kiểm soát bệnh gút còn đòi hỏi bạn phải kết hợp thay đổi chế độ ăn uống, điều chỉnh lối sống với việc tuân thủ theo phác đồ điều trị từ bác sĩ. Cụ thể như sau:

1. Thay đổi chế độ ăn

  • Hạn chế thực phẩm cao purin: Thực phẩm giàu purine như thịt đỏ, thịt gia cầm, cá biển và nội tạng động vật có thể làm tăng mức axit uric trong máu. Do đó, người bệnh gút nên hạn chế ăn đạm động vật (tiêu thụ không quá 85g / cữ và 150g / ngày); riêng nội tạng động vật, người bệnh gút không nên tiêu thụ quá 100g / tuần.
  • Tăng cường rau củ quả: Rau củ quả tươi là một phần quan trọng của chế độ ăn lành mạnh, có thể giúp giảm triệu chứng gút bằng cách bổ sung nhiều chất chống oxy hóa như vitamin A, C, E, polyphenols, carotenoids, flavonoids,… Một số rau củ quả tươi, tốt cho người bệnh gút bao gồm:
    • Rau củ (từ 400g / ngày): Cải bó xôi, cải xoăn, măng tây, ớt chuông, khoai lang, khoai tây, cà rốt, củ cải,…
    • Hoa quả tươi (100 – 200g / ngày): Ưu tiên các loại trái cây có múi (cam, chanh, quýt, bưởi,…), các loại quả mọng (dâu tây, việt quất, phúc bồn tử, anh đào,…), chuối, bơ,…

Lưu ý: Phần lớn hàm lượng purin trong thực vật tồn tại dưới dạng guanine – một dẫn xuất purine không làm tăng nồng độ axit uric trong máu sau khi được cơ thể chuyển hóa. Do đó, tiêu thụ thực vật chứa hàm lượng purines cao (cải bó xôi, măng tây,…) được chứng minh là an toàn (không làm tăng nguy cơ bùng phát bệnh gút).

  • Hạn chế rượu bia: Rượu, đặc biệt là bia, có thể làm tăng nguy cơ phát triển các cơn gút cấp tính bằng cách hạn chế quá trình đào thải axit uric của thận. Do đó, người bệnh gút nên kiêng hoàn toàn rượu bia hoặc không nên tiêu thụ quá 14 – 28g cồn / ngày;
  • Uống nhiều nước: Uống đầy đủ 1.5 – 2 lít nước / ngày có thể giúp thận loại bỏ axit uric ra khỏi cơ thể và giảm nguy cơ bùng phát các cơn gút cấp tính;
  • Tránh tiêu thụ thực phẩm có đường: Việc tiêu thụ đường quá mức (trên 50g / ngày) có thể thúc đẩy các phản ứng viêm trong cơ thể tiến triển, làm trầm trọng thêm các triệu chứng viêm khớp. Không những thế, tiêu thụ thực phẩm chứa đường fructose còn có thể trực tiếp gây tăng nồng độ axit uric máu. Do đó, người bệnh gút cần hạn chế tiêu thụ bất kỳ thực phẩm nào chứa nhiều đường, đặc biệt là đường fructose, chẳng hạn như: bánh kẹo ngọt, nước ngọt có ga, nước tăng lực,…

2. Điều chỉnh lối sống

  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh: Cân nặng quá mức có thể làm tăng áp lực lên khớp và thúc đẩy tình trạng tăng axit uric máu. Do đó, duy trì cân nặng khỏe mạnh bằng cách tập luyện thể dục điều độ (ít nhất 60 phút / ngày trong 3 – 5 ngày / tuần) có thể hỗ trợ bạn kiểm soát bệnh gút hiệu quả. Một số bài tập vận động tốt cho người bệnh gút bao gồm: đi bộ, đạp xe, bơi lội, chạy bộ,…
  • Tránh hoạt động gây áp lực lớn lên khớp: Một số hoạt động mạnh trong các môn thể thao mạo hiểm hoặc có tính đối kháng cao (tập võ, boxing, đua xe, lướt sóng,…) có thể làm tăng áp lực lên khớp, cần nên được hạn chế nếu bạn có triệu chứng gút;
  • Nghỉ ngơi hợp lý: Khi xảy ra cơn đau gút cấp, nghỉ ngơi (tránh đi đứng nhiều) và nâng cao phần khớp bị viêm có thể giúp giảm đau và sưng;
  • Quản lý stress: Căng thẳng, dù là tâm lý hoặc thể chất, đều có thể làm gia tăng nồng độ cortisol – một loại hóc-môn có thể kích thích các triệu chứng rối loạn chuyển hóa và làm gia tăng nồng độ axit uric máu. Do đó, thực hành các kỹ thuật giảm stress như thiền, yoga, đọc sách, nghe nhạc,… có thể giúp bạn kiểm soát bệnh gút hiệu quả.

3. Tuân thủ phác đồ điều trị

  • Tuân thủ lịch trình điều trị và dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ giúp kiểm soát tốt chỉ số axit uric máu và ngăn chặn các cơn gút cấp tái phát.
Lời khuyên cho người bị bệnh gút từ chuyên gia

Người mắc bệnh gút cần theo sát phác đồ điều trị của bác sĩ để kiểm soát bệnh hiệu quả

Tóm lại, mục tiêu chính của quá trình điều trị bệnh gút là nhằm kiểm soát triệu chứng, ngăn ngừa các cơn đau cấp tính và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Để thực hiện mục tiêu này, việc quản lý bệnh gút không chỉ dựa vào việc thay đổi chế độ ăn uống mà còn cần kết hợp với việc điều chỉnh lối sống, tập luyện thể chất và tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ.

Trên đây là những thông tin quan trọng về chủ đề bệnh gút có ăn được ớt không. Hy vọng thông qua bài viết, bạn đã hiểu rõ người bệnh gút có thể được ăn ớt; song, cần kiểm soát hàm lượng tiêu thụ để tránh gây rối loạn tiêu hóa. Nếu bạn còn bất kỳ thắc mắc nào xoay quanh chủ đề xây dựng chế độ ăn cho người bệnh gút, hãy nhanh tay liên hệ đến Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome theo số hotline 1900 633 599 để được tư vấn kịp thời.

5/5 - (1 bình chọn)
17:04 05/12/2023
Nguồn tham khảo
  1. Persson, M. S. M., Stocks, J., Walsh, D. A., Doherty, M., & Zhang, W. (2018). The relative efficacy of topical non-steroidal anti-inflammatory drugs and capsaicin in osteoarthritis: a network meta-analysis of randomised controlled trials. Osteoarthritis and Cartilage26(12), 1575–1582. https://doi.org/10.1016/j.joca.2018.08.008
  2. ‌Choi, H. K., Gao, X., & Curhan, G. C. (2009). Vitamin C Intake and the Risk of Gout in Men. Archives of Internal Medicine169(5), 502–502. https://doi.org/10.1001/archinternmed.2008.606
  3. ‌Brzezińska, O., Filip Styrzyński, Makowska, J., & Walczak, K. (2021). Role of Vitamin C in Prophylaxis and Treatment of Gout—A Literature Review. Nutrients13(2), 701–701. https://doi.org/10.3390/nu13020701
  4. ‌Adachi, S., Oyama, M., Kondo, S., & Kazumi Yagasaki. (2021). Comparative effects of quercetin, luteolin, apigenin and their related polyphenols on uric acid production in cultured hepatocytes and suppression of purine bodies‐induced hyperuricemia by rutin in mice. Cytotechnology73(3), 343–351. https://doi.org/10.1007/s10616-021-00452-9
  5. ‌Luo, Q., Ding, R., Chen, L., Bu, X., Xiao, M., Liu, X., Wu, Y., Xu, J., Tang, W., Qiu, J., Ding, X., & Tang, X. (2022). The Association Between Spicy Food Intake and Risk of Hyperuricemia Among Chinese Adults. Frontiers in Public Health10. https://doi.org/10.3389/fpubh.2022.919347
  6. ‌McAdams‐DeMarco, M., Law, A. J., Maynard, J. W., Coresh, J., & Baer, A. N. (2013). Risk factors for incident hyperuricemia during mid-adulthood in African American and White men and women enrolled in the ARIC cohort study. BMC Musculoskeletal Disorders14(1). https://doi.org/10.1186/1471-2474-14-347
  7. ‌Chen, Y., Zhang, N., Sun, G., Guo, X., Yu, S., Yang, H., Zheng, L., & Sun, Y. (2016). Metabolically healthy obesity also has risk for hyperuricemia among Chinese general population: A cross-sectional study. Obesity Research & Clinical Practice10, S84–S95. https://doi.org/10.1016/j.orcp.2016.03.008
  8. ‌Shiraishi, H., & Hiroshi Une. (2009). The Effect of the Interaction between Obesity and Drinking on Hyperuricemia in Japanese Male Office Workers. Journal of Epidemiology19(1), 12–16. https://doi.org/10.2188/jea.je20080016
  9. ‌Kaneko, K., Aoyagi, Y., Fukuuchi, T., Katsunori Inazawa, & Yamaoka, N. (2014). Total Purine and Purine Base Content of Common Foodstuffs for Facilitating Nutritional Therapy for Gout and Hyperuricemia. Biological & Pharmaceutical Bulletin37(5), 709–721. https://doi.org/10.1248/bpb.b13-00967