12 loại rau tốt cho người bệnh gút nên ăn giúp giảm đau nhức

06/11/2023 Theo dỗi Nutrihome trên google news
Tư vấn chuyên môn bài viết
Chức Vụ: Trợ lý Giám đốc Y khoa
Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome

Bệnh gout là tình trạng viêm khớp mạn tính chịu sự tác động mạnh mẽ bởi chế độ ăn uống. Vì thế, bổ sung các loại rau tốt cho người bệnh gút vào chế độ ăn uống hàng ngày thường là lời khuyên được nhiều bác sĩ khuyến nghị, giúp người bệnh gút kiểm soát tốt triệu chứng tại nhà. Vậy, nguyên nhân nào khiến việc tiêu thụ các loại rau tốt cho người bệnh gút? Người bị gout nên ăn rau gì để hạn chế các cơn đau khớp bộc phát? Tất cả sẽ được Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome giải đáp ngay trong bài viết sau.

12 loại rau tốt cho người bệnh gút nên ăn giúp giảm đau nhức

Đâu là danh sách các loại rau tốt cho người bệnh gút được chuyên gia khuyến nghị?

Vì sao các loại rau tốt cho người bệnh gút?

Tiêu thụ các loại rau tốt cho người bệnh gút vì chúng chứa:

  • Ít purin: Khi mắc bệnh gút, tiêu thụ thực phẩm giàu purin là nguyên nhân hàng đầu khiến các cơn đau khớp bộc phát. Nghiên cứu cho thấy, có đến khoảng 70% các loại rau đều chứa ít hơn 50 mg purin / 100g rau. Trong khi đó, giới hạn về hàm lượng purin an toàn mà người bệnh gút nên tiêu thụ mỗi ngày là 400 mg / ngày. Vì thế, đa số các loại rau lá xanh đều là rau tốt cho người bệnh gút vì chúng rất an toàn để tiêu thụ;
  • Giàu chất xơ: Rau lá xanh giàu chất xơ, giúp cơ thể hạn chế hấp thụ purine (điều hòa nồng độ axit uric máu) và chất béo bão hòa (hỗ trợ kháng viêm, cải thiện tình trạng đau khớp khi bệnh gút bộc phát);
  • Giàu chất chống oxy hóa: Rau chứa nhiều chất chống oxy hóa tự nhiên, như vitamin C, flavonoids, carotenoids, glucosinolates… giúp bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây căng thẳng oxy hóa và giảm viêm. Đồng thời, chất chống oxy hóa cũng giúp tăng cường chức năng thận, hỗ trợ cơ thể đào thải axit uric hiệu quả, ngăn ngừa bệnh gút bộc phát.

12 loại rau tốt cho người bệnh gút cực kỳ dễ tìm

Rau tốt cho người bệnh gút là những loại rau chứa hàm lượng purin thấp, có khả năng ức chế một phần quá trình sản xuất axit uric máu, hỗ trợ cơ thể đào thải axit uric qua thận hoặc chứa nhiều dưỡng chất kháng viêm. Các loại rau này bao gồm:

1. Củ cải

Củ cải trắng chứa nhiều nước và kali, trong đó:

  • Nước: Chiếm 95% khối lượng củ cải, giúp tăng cường lưu lượng chất lỏng chảy qua thận, hỗ trợ cơ thể đào thải axit uric hiệu quả hơn;
  • Kali: Theo Cơ quan Quản lý Chất lượng & Nghiên cứu Chăm sóc Sức khỏe trực thuộc Bộ Y tế & Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ, kali có thể kết hợp với bicarbonate trong máu, tạo thành muối kali bicarbonate, giúp làm tăng độ pH trong nước tiểu, tạo điều kiện để hòa tan axit uric hòa tan và dễ dàng được đào thải ra khỏi cơ thể .

Do đó, củ cải chính là thực phẩm đứng đầu trong danh sách rau tốt cho người bệnh gút mà bạn không nên bỏ qua.

2. Khoai tây

Tương tự như củ cải, khoai tây cũng chứa nhiều kali, có khả năng hỗ trợ cơ thể trung hòa hàm lượng axit uric dư thừa trong máu. Bên cạnh đó, khoai tây còn chứa nhiều chất xơ. Theo nghiên cứu, bổ sung chất xơ có thể giúp bạn làm giảm nồng độ axit uric trong huyết thanh bằng cách ức chế quá trình tiêu hóa và/hoặc hấp thụ purin trong ruột. Do đó, bổ sung khoai tây vào khẩu phần ăn cho người bệnh gút chính là lời khuyên được nhiều chuyên gia dinh dưỡng đồng tình.

các loại rau tốt cho người bệnh gút, khoai tây

Khoai tây giàu kali, hỗ trợ thận đào thải axit uric hiệu quả

3. Dưa chuột

Trung bình 100g dưa chuột chỉ chứa khoảng 7.3 mg purin. Trong khi đó, giới hạn tối đa về hàm lượng purin mà người bệnh gút nên tiêu thụ mỗi ngày là 400 mg. Như vậy, dưa chuột là một nguồn thực phẩm an toàn cho người bệnh gút bởi chúng chứa hàm lượng purin cực kỳ thấp. Vào mỗi buổi sáng, uống nước ép dưa chuột với một chút chanh có thể giúp kiềm hóa nước tiểu, hỗ trợ làm giảm nồng độ axit uric máu.

4. Rau cần tây

Rau cần tây là một loại rau tốt cho người bệnh gút nhờ chứa nhiều luteolin – một hợp chất chống oxy hóa có đặc tính kháng viêm mạnh mẽ, hỗ trợ giảm các triệu chứng đau khớp do bệnh gút gây nên. Không những thế, nghiên cứu còn cho thấy, luteolin có khả năng ức chế xanthine oxidase – một loại enzyme giúp phân giải purin từ thực phẩm thành axit uric (UA) trong máu. Do đó, tiêu thụ rau cần tây giúp kiểm soát nồng độ UA trong máu và ngăn ngừa bệnh gút bộc phát trong tương lai.

5. Rau tía tô

Trong cơ thể người, xanthine oxidase là enzyme chịu trách nhiệm chính cho việc chuyển hóa purin thành axit uric gây viêm khớp. Trong khi đó, chiết xuất từ lá tía tô được chứng minh là có tác dụng làm bất hoạt enzyme xanthine oxidase, gây gián đoạn cho quá trình sản xuất axit uric, giúp bạn kiểm soát bệnh gút hiệu quả.

6. Lá lốt

Tương tự như cần tây và tía tô, lá lốt cũng là một loại rau tốt cho người bệnh gút. Nghiên cứu cho thấy, chiết xuất tinh dầu từ lá lốt có thể không chỉ ức chế enzyme xanthine oxidase – hỗ trợ điều hòa nồng độ axit uric máu, mà còn giúp ổn định đường huyết và ngăn ngừa các phản ứng viêm do tình trạng dư thừa đường glucose trong máu gây ra. Nhờ đó, bổ sung lá lốt có thể giúp bạn cải thiện tần suất lẫn mức độ sưng / viêm / đau khớp khi bệnh gút tái phát.

7. Bí đỏ

Bí ngô rất giàu chất chống oxy hóa như vitamin C, beta-carotene và lutein. Những chất chống oxy hóa này có đặc tính giảm viên, hỗ trợ cải thiện tình trạng viêm khớp do bệnh gút gây nên. Ngoài ra, bí ngô còn chứa nhiều chất xơ. Nghiên cứu cho thấy, hấp thụ chất xơ có thể giúp bạn làm giảm nồng độ axit uric trong huyết thanh, hỗ trợ kiểm soát bệnh gút hiệu quả.

bí đỏ là loại rau tốt cho người bệnh gút

Bí đỏ giàu chất chống oxy hóa tốt cho người bệnh gút

8. Cà chua

Cà chua chứa nhiều vitamin C (16 mg / 100g cà chua), tương đương với 16% nhu cầu khuyến nghị vitamin C hàng ngày dành cho người trưởng thành. Vitamin C là một chất chống oxy hóa mạnh, giúp bảo vệ cơ thể khỏi sự tấn công của các gốc tự do; từ đó, hỗ trợ giảm viêm và sưng khi các cơn đau khớp do bệnh gút tái phát. Bên cạnh đó, vitamin C còn giúp tăng cường chức năng lọc máu của thận, giúp cơ thể loại bỏ axit uric hiệu quả, hỗ trợ ngăn ngừa những đợt bùng phát của bệnh gút trong tương lai.

9. Súp lơ xanh

Trung bình 100g súp lơ xanh chứa đến 89.2 mg vitamin C, tương đương với 89% nhu cầu khuyến nghị vitamin C hàng ngày dành cho người trưởng thành. Như vậy, trên cùng một khối lượng tiêu thụ, lợi ích kháng viêm từ súp lơ xanh có thể mạnh mẽ hơn cả cà chua. Bên cạnh đó, hàm lượng purin trong súp lơ cũng cực kỳ thấp (22 mg / 100g), khiến nó trở thành một loại rau tốt cho người bệnh gút được nhiều chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị.

10. Bí xanh

Trong bí xanh chứa nhiều chất chống oxy hóa thuộc nhóm carotenoids có đặc tính kháng viêm. Do đó, tiêu thụ bí xanh có thể giúp bạn chống lại tác động kích thích viêm do tình trạng dư thừa axit uric trong máu gây ra. Bên cạnh đó, bí xanh cũng chứa hàm lượng cao vitamin C. Nghiên cứu cho thấy, vitamin C có thể giúp bạn hạ thấp nồng độ axit uric huyết thanh thông qua một quá trình gọi là uricosuric (tăng bài tiết niệu), hỗ trợ cơ thể đào thải không chỉ axit uric mà còn là urate – một loại muối của axit uric trực tiếp bám quanh khớp và gây viêm.

11. Cải bó xôi (lá trưởng thành)

Cải bó xôi được mệnh danh là “vua” của các loại rau nhờ chứa hàm lượng cao của hàng loạt các dưỡng chất tốt cho sức khỏe tổng thể, đặc biệt là với người bệnh gút. Cụ thể, cải bó xôi chứa:

  • Kali: Hỗ trợ thận đào thải axit uric hiệu quả;
  • Nhiều chất chống oxy hóa mạnh: Bao gồm vitamin A, C, E và nhóm các hợp chất glucosinolates, flavonoids, carotenoids… hỗ trợ kháng viêm và giảm đau khớp khi bệnh gút tái phát;
  • Chất xơ: Hỗ trợ hạn chế hấp thu purine, điều hòa nồng độ axit uric máu.

Lưu ý:

Dù phần cải bó xôi trưởng thành có hàm lượng purin thấp (51.4 mg / 100g). Song, phần lá non của cây lại có hàm lượng purin cao hơn gấp 3 lần phần lá cải trưởng thành (171.9 mg / 100g), có thể tiềm ẩn nguy cơ thúc đẩy bệnh gút bùng phát. Do đó, cải bó xôi trưởng thành mới chính là loại rau tốt cho người bệnh gút; trong khi phần cải non của loại cây này thì không.

bệnh gút ăn được rau gì, cải bó xôi

Cải bó xôi trưởng thành chứa ít purin, an toàn cho người bệnh gút

12. Cải bẹ xanh

Cải bẹ xanh chứa nhiều chất chống oxy hóa flavonoids, carotenoids, vitamin C và E, hỗ trạng làm giảm số lượng mảng bám axit uric tại các khớp và cải thiện tình trạng sưng viêm hiệu quả. Bên cạnh đó, cải bẹ xanh còn chứa một hàm lượng vitamin K cao vượt trội so với các loại rau khác. (258 mcg / 100g), tương đương với hơn 200% nhu cầu khuyến nghị vitamin K hàng ngày dành cho người trưởng thành. Nghiên cứu cho thấy, vitamin K cũng có đặc tính kháng viêm mạnh mẽ, có thể hỗ trợ bạn giảm đau khi bệnh gút bộc phát.

Bệnh gút kiêng ăn rau gì?

Người bệnh gút KHÔNG CẦN KIÊNG ĂN bất kỳ loại rau gì bởi nghiên cứu cho thấy, việc tiêu thụ các loại rau có hàm lượng purin cao không hề làm tăng tần suất của các cơn đau khớp do bệnh gút bộc phát. Sở dĩ tiêu thụ rau củ quả giàu purin vẫn an toàn cho người bệnh gút là vì 2 nguyên nhân sau:

  • Thứ nhất: Hàm lượng purin trong các loại rau thường thấp hơn từ 3 – 4 lần so với các loại thịt, cá, thủy sản…
  • Thứ hai: Trên 60% tổng lượng purin chứa trong tất cả các loại rau đều tồn tại dưới dạng 2 dạng là adenine và guanine; trong đó, guanine dường như không làm tăng lượng axit uric trong máu sau khi tiêu thụ.

Song, trong trường hợp muốn bảo vệ sức khỏe tối ưu, bạn vẫn có thể hạn chế tiêu thụ 20 loại rau củ quả có hàm lượng purin cao (>50 mg purin / 100g rau củ) được gợi ý trong danh sách sau:

STT Loại rau Hàm lượng purin (mg) trong 100g thực phẩm Phần trăm so với khuyến nghị về hàm lượng purin an toàn dành cho người bệnh gút (<400 mg / ngày)
1 Mùi tây 288.9 mg 72.25%
2 Nấm hương khô 240 mg 60%
3 Đậu xanh khô 222 mg 55.5%
4 Đậu nành khô 190 mg 47.5%
5 Cải bó xôi (lá non) 171.8 mg 43%
6 Hạt anh túc 170 mg 42.5%
7 Hạt hướng dương 143 mg 35.75%
8 Rau mầm bông cải xanh 129.6 mg 32.5%
9 Đậu lăng khô 127 mg 31.75%
10 Nho khô 107 mg 26.75%
11 Hạt lanh 105mg 26.25%
12 Lúa mạch nguyên cám 96 mg 24%
13 Giá đỗ 80 mg 20%
14 Atiso 78 mg 19.5%
15 Rau mầm củ cải trắng 73.2 mg 18.3%
16 Quả mơ 73 mg 18.25%
17 Măng tươi (phần thân trên) 66.3 mg 16.5%
18 Chuối 57 mg 14.25%
19 Măng tây (phần thân trên) 55.3 mg 13.8%
20 Cà tím 50.7 mg 12%
Bệnh gút kiêng ăn rau gì? không cần kiêng rau

Người bệnh gút cần hạn chế tiêu thụ các loại đậu, hạt và ngũ cốc nguyên hạt vì chúng chứa nhiều purin

Lưu ý trong chế độ ăn cho người bệnh gout

Dưới đây là một vài lưu ý quan trọng mà bạn cần nắm khi xây dựng chế độ ăn cho người bệnh gout:

  • Uống nhiều nước: Uống ít nhất 2 – 3 lít nước mỗi ngày hỗ trợ quá trình lọc axit uric ra khỏi cơ thể diễn ra thuận lợi;
  • Tăng cường tiêu thụ trứng và sữa: Trứng và các sản phẩm từ sữa (sữa tươi, sữa chua, phô mai…) hầu như không chứa hoặc chứa rất ít purin (dưới 15mg purin / 100g thực phẩm). Không những thế, các protein trong sữa bò như casein cũng làm giảm nồng độ axit uric huyết thanh bằng cách hỗ trợ cơ thể tăng đào thải axit uric;
  • Hạn chế tiêu thụ đạm động vật: Người bệnh gout cần tránh đạm động vật vì chúng chứa nhiều purin – hợp chất khi bị phân giải sẽ tạo ra axit uric, gây ra viêm và đau ở các khớp.

Theo nghiên cứu, tất cả thịt đều chứa hơn 50 mg purin / 100g thịt và có đến hơn 60% thịt chứa nhiều hơn 100 mg purin / 100g thịt. Trong khi đó, giới hạn về hàm lượng purin an toàn cho người bệnh gút là dưới 400 mg / ngày. Vì thế, người bệnh gút cần hạn chế tiêu thụ thịt, không nên ăn quá 85g thịt / cữ và 177g thịt / ngày;

  • Tránh thực phẩm chứa đường fructose: Đường fructose chứa trong một số loại hoa quả tự nhiên và nước giải khát công nghiệp có thể thúc đẩy quá trình sản sinh axit uric quá mức ở gan, khiến bệnh gút bộc phát;
  • Hạn chế hoặc tránh rượu: Rượu, đặc biệt là bia – thức uống lên men từ các loại ngũ cốc giàu purin, có thể làm tăng nồng độ axit uric máu và kích thích bệnh gout bộc phát;
  • Tránh chất béo bão hòa: Cân nhắc hạn chế chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa bởi nhóm chất béo này kích thích viêm, làm gia tăng mức độ đau khớp khi bệnh gút bộc phát;
  • Giảm cân nếu cần thiết: Tăng cân có thể làm tăng nồng độ axit uric máu, khiến bệnh gút tiến triển nặng. Cụ thể, nghiên cứu cho thấy, nguy cơ tăng axit uric máu tăng thêm 5.1% ở nhóm người thừa cân, 15.2% ở người béo phì độ I, 16.9% ở nhóm người béo phì II và 32.5% ở nhóm người béo phì III. Do đó, nếu bạn thừa cân, hãy lập kế hoạch giảm cân càng sớm càng tốt.

Lưu ý: Mỗi cá nhân đều có đặc điểm sinh lý riêng biệt, có thể phản ứng khác nhau với việc tiêu thụ thực phẩm. Đối với người bệnh gout, việc thường xuyên trao đổi với bác sĩ và kết hợp với việc theo dõi cảm giác / triệu chứng trên cơ thể mình sau khi ăn có thể giúp bạn dễ dàng xác định thực phẩm nào cần tránh.

Lưu ý trong chế độ ăn cho người bệnh gout

Người bệnh gút cần trao đổi trực tiếp với bác sĩ mỗi khi điều chỉnh chế độ ăn uống nhằm đảm bảo an toàn cho sức khỏe

Trên đây là những lưu ý quan trọng khi xây dựng một chế độ ăn khoa học cho người bệnh gút mà bạn cần nắm rõ. Hy vọng thông qua bài viết, bạn đã phần nào hiểu được người bệnh gút ăn được rau gì và đâu là danh sách các loại rau tốt cho người bệnh gút được nhiều chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị.

Tóm lại, việc bổ sung các loại rau tốt cho người bệnh gout vào chế độ ăn hàng ngày không chỉ giúp giảm thiểu đau nhức mà còn cung cấp nhiều chất dinh dưỡng quan trọng cho sức khỏe tổng thể. Trong mọi tình huống, việc tư vấn với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng vẫn là yếu tố then chốt để đảm bảo bạn chọn lựa thực phẩm phù hợp và an toàn.

Do đó, nếu bạn vẫn còn băn khoăn chưa biết cách chế biến hoặc ứng dụng các loại rau tốt cho người bệnh gút vào thực đơn ăn uống hàng ngày như thế nào, hãy nhanh chóng liên hệ ngay đến Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome theo số hotline 1900 633 599 để được tư vấn cụ thể. Chúc bạn nhanh chóng xây dựng được một chế độ ăn khoa học, hỗ trợ kiểm soát bệnh hiệu quả!

Rate this post
17:52 05/12/2023
Nguồn tham khảo
  1. Kaneko, K., Aoyagi, Y., Fukuuchi, T., Katsunori Inazawa, & Yamaoka, N. (2014). Total Purine and Purine Base Content of Common Foodstuffs for Facilitating Nutritional Therapy for Gout and Hyperuricemia. Biological & Pharmaceutical Bulletin37(5), 709–721. https://doi.org/10.1248/bpb.b13-00967
  2. Effectiveness of Potassium and/or Thiamine Supplementation in Rheumatoid Arthritis, Gout, and Heart Disease. (n.d.). Effective Health Care Program. https://effectivehealthcare.ahrq.gov/sites/default/files/pdf/TND-0767-150518.pdf
  3. Takashi Koguchi, & Tadahiro Tadokoro. (2019). Beneficial Effect of Dietary Fiber on Hyperuricemia in Rats and Humans: A Review. International Journal for Vitamin and Nutrition Research89(1-2), 89–108. https://doi.org/10.1024/0300-9831/a000548
  4. Pauff, J. M., & Hille, R. (2009). Inhibition Studies of Bovine Xanthine Oxidase by Luteolin, Silibinin, Quercetin, and Curcumin. Journal of Natural Products72(4), 725–731. https://doi.org/10.1021/np8007123
  5. 李会珍, 张志军, 王亚楠, 崔丽霞, 陈铁 (n.d.). CN110840930A – Method for extracting xanthine oxidase inhibitor from perilla leaves with assistance of ultrasonic waves – Google Patents. https://patents.google.com/patent/CN110840930A/en
  6. Tan Khanh Nguyen, Thuy, L., Duc Viet Ho, Hong Thai Pham, Tran Phuong Ha, Ty Viet Pham, Le Phu Duc, Ton, & Canh, L. (2023). Xanthine oxidase, α-glucosidase and α-amylase inhibitory activities of the essential oil from Piper lolot: In vitro and in silico studies. Heliyon9(8), e19148–e19148. https://doi.org/10.1016/j.heliyon.2023.e19148
  7. Choi, H. K., Gao, X., & Curhan, G. C. (2009). Vitamin C Intake and the Risk of Gout in Men. Archives of Internal Medicine169(5), 502–502. https://doi.org/10.1001/archinternmed.2008.606
  8. Cervelli, M. J., & Russ, G. R. (2010). Principles of Drug Therapy, Dosing, and Prescribing in Chronic Kidney Disease and Renal Replacement Therapy. Elsevier EBooks, 871–893. https://doi.org/10.1016/b978-0-323-05876-6.00073-3
  9. Simes, D. C., Carla, Nuna Araújo, & Marreiros, C. (2019). Vitamin K as a Powerful Micronutrient in Aging and Age-Related Diseases: Pros and Cons from Clinical Studies. International Journal of Molecular Sciences20(17), 4150–4150. https://doi.org/10.3390/ijms20174150
  10. Cheang, C., Law, S., Ren, J., Chan, W., Wang, C., & Dong, Z. (2022). Prevalence of hyperuricemia in patients with severe obesity and the relationship between serum uric acid and severe obesity: A decade retrospective cross-section study in Chinese adults. Frontiers in Public Health10. https://doi.org/10.3389/fpubh.2022.986954