Acid uric là gì? Chỉ số axit uric bình thường là bao nhiêu?

06/11/2023 Theo dỗi Nutrihome trên google news
Tư vấn chuyên môn bài viết
Chức Vụ: Trợ lý Giám đốc Y khoa
Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome

Acid uric là một hợp chất tự nhiên có nhiều trong cơ thể con người. Tuy nhiên, nồng độ axit uric trong máu quá cao hoặc quá thấp, đều có thể là dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn đang gặp phải những bệnh lý tiềm ẩn. Không những thế, chỉ số axit uric máu tăng cao bất thường cũng là tác nhân thúc đẩy nhiều bệnh lý mạn tính phát triển trong tương lai. Vậy, chỉ số uric acid máu là gì? Xét nghiệm nồng độ acid uric có thể giúp bạn tầm soát được các bệnh lý nào? Hãy cùng Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome tìm hiểu ngay trong bài viết sau.

Acid uric là gì? Chỉ số axit uric bình thường là bao nhiêu?

Acid uric là gì? Xét nghiệm uric acid máu dùng để làm gì?

Acid uric là gì?

Axit uric (công thức hóa học: C5H4N4O3) là sản phẩm cuối cùng của quá trình phân hủy purin, một hợp chất tự nhiên được tìm thấy trong cơ thể người và trong nhiều loại thực phẩm như nội tạng / thịt động vật và rượu bia. Trong cơ thể con người, acid uric thường tồn tại dưới 2 dạng:

  • Acid uric nội sinh:acid uric được sản sinh sau khi tế bào phân hủy (chết theo chu trình), khiến các DNA bị phá vỡ;
  • Acid uric ngoại sinh:acid uric được sản sinh ở gan và ruột sau khi cơ thể tiêu hóa thực phẩm giàu purin.

Cùng với nhau, cả acid uric nội sinh và ngoại sinh hòa vào máu, mang lại cho cơ thể những lợi ích sức khỏe như:

  • Bảo vệ các tế bào thần kinh, tạo điều kiện cho sự phát triển trí não;
  • Duy trì huyết áp trong môi trường nghèo muối;
  • Thúc đẩy các phản ứng miễn dịch để bảo vệ cơ thể trong trường hợp tác nhân gây tổn thương tế bào không phải là vi khuẩn.

Ý nghĩa của chỉ số acid uric

Chỉ số acid uric là đơn vị đo lường nồng độ acid uric trong máu, thường được tính theo đơn vị milligrams trên deciliter (mg/dL). Theo dõi chỉ số acid uric máu có thể giúp bác sĩ chẩn đoán:

  • Bệnh gút: Bệnh gút xảy ra khi nồng độ acid uric máu tăng cao, gây tích tụ acid uric quá mức, thúc đẩy sự hình thành các tinh thể sodium urat (muối của axit uric) ở các khớp và gây viêm.
  • Bệnh sỏi thận: Một lượng lớn acid uric trong máu có thể làm gia tăng nồng độ acid uric trong nước tiểu, làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận urat;
  • Đánh giá nguy cơ gây bệnh tim mạch: Nghiên cứu cho thấy, chỉ số acid uric máu tăng cao có thể kích thích tế bào cơ trơn trong thành mạch máu tăng sinh, thúc đẩy chứng xơ vữa động mạch và gây ra bệnh mạch vành.
Ý nghĩa của chỉ số acid uric

Theo dõi chỉ số acid uric máu có thể giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh gout

Chỉ số acid uric bình thường là bao nhiêu?

Nhìn chung, chỉ số acid uric bình thường thường rơi vào khoảng 3.4 – 7.0 mg/dL (dành cho nam giới) và 2.4 – 6.0 mg/dL (dành cho nữ giới). Tuy nhiên, trên thực tế, khoảng giá trị dùng để xác định nồng độ acid uric máu có bình thường hay không còn phụ thuộc vào phương pháp đo lường được sử dụng tại mỗi phòng thí nghiệm. Do đó, khi tiến hành xét nghiệm chỉ số acid uric máu, bạn cần hỏi chuyên viên y tế tại nơi trực tiếp thăm khám về khoảng giá trị bình thường của chỉ số acid uric máu để có thể hiểu rõ hơn về kết quả xét nghiệm của bản thân.

Chỉ số acid uric bất thường ảnh hưởng sức khỏe như thế nào?

Chỉ số acid uric máu bất thường được định nghĩa là khi nồng độ acid trong máu tăng cao hoặc hạ thấp hơn mức bình thường. Cụ thể như sau:

1. Chỉ số acid uric cao hơn bình thường

Chỉ số acid uric cao hơn bình thường được định nghĩa là khi nồng độ acid uric cao hơn 7.0 mg/dL (đối với nam giới) và 6.0 mg/dL (đối với nữ giới). Nồng độ acid uric máu tăng cao trên mức bình thường có thể cho thấy cơ thể bạn đang sản xuất quá nhiều acid uric, hoặc thận không đào thải acid uric hiệu quả, hoặc cả hai tình trạng trên.

Ngoài bệnh gút, bệnh sỏi thậnbệnh tim mạch, chỉ số acid uric máu tăng cao còn là nguyên nhân / tác nhân thúc đẩy hàng loạt các bệnh lý khác tiến triển, chẳng hạn như:

  • Hội chứng chuyển hóa: Là một nhóm các tình trạng xảy ra cùng nhau, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ và tiểu đường týp 2. Nồng độ acid uric tăng cao được chứng minh có thể làm tăng nguy cơ khởi phát hàng loạt các hội chứng chuyển hóa như: tăng huyết áp, máu nhiễm mỡ và rối loạn đường huyết.
  • Đái tháo đường: Nghiên cứu cho thấy, những người có chỉ số acid uric máu cao, bao gồm cả những người trẻ tuổi, có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 trong tương lai cao hơn người bình thường;
  • Suy thận: Nồng độ acid uric máu tăng cao có thể làm rối loạn chức năng nội mô, gia tăng căng thẳng oxy hóa và thúc đẩy các phản ứng viêm trong thận; từ đó, gây tổn thương ống thận và lâu dần dẫn đến suy thận;

Lưu ý:

Kết quả xét nghiệm cho thấy chỉ số acid uric máu tăng cao không phải lúc nào cũng phản ánh rằng cơ thể bạn đang mắc bệnh. Bởi lẽ, nồng độ acid uric trong máu còn có thể tăng cao do chế độ ăn uống và lịch sử dùng thuốc. Vì thế, sau khi nhận kết quả xét nghiệm, bạn cần thảo luận với bác sĩ để hiểu đúng về ý nghĩa của chỉ số acid uric máu; từ đó, xác định được phác đồ điều trị phù hợp.

Chỉ số acid uric bất thường ảnh hưởng sức khỏe như thế nào?

Nồng độ acid uric máu cao không phải lúc nào cũng là dấu hiệu của bệnh lý

2. Chỉ số acid uric thấp hơn bình thường

Chỉ số acid uric thấp hơn bình thường được định nghĩa là khi nồng độ acid uric thấp hơn 3.4 mg/dL (đối với nam giới) và 2.4 mg/dL (đối với nữ giới). Trong cơ thể người, có khoảng 90% hàm lượng axit uric được thận tái hấp thu. Do đó, chỉ số acid uric thấp hơn bình thường có thể cho thấy cơ thể bạn đang gặp các vấn đề về thận, chẳng hạn như:

  • Bệnh Fanconi: Là một rối loạn thận hiếm gặp, khiến thận không thể hấp thu và tái hấp thu một số chất như glucose, bicarbonate, phosphate,… cũng như acid uric. Điều này làm sụt giảm nồng độ acid uric trong máu;
  • Bệnh Wilson: Là một bệnh di truyền hiếm gặp có thể làm tăng bài tiết urat qua thận, khiến nồng độ acid uric trong máu hạ thấp.

Bên cạnh đó, chỉ số acid uric thấp hơn bình thường cũng có thể là kết quả khi bạn mắc các bệnh lý về gan như xơ gan, ung thư biểu mô tế bào gan,..

Lưu ý:

  • Tự thân tình trạng hạ axit uric máu không phải là một bệnh lý nên có thể không cần chỉ định điều trị;
  • Kết quả xét nghiệm cho thấy chỉ số acid uric máu hạ thấp cũng có thể là kết quả của việc tiêu thụ một chế độ ăn thấp purin (ăn chay trường) hoặc do tác dụng phụ của thuốc (đặc biệt là thuốc lợi tiểu). Do đó, bạn cần trao đổi ngay với bác sĩ khi thấy nồng độ acid uric máu hạ thấp để hiểu rõ hơn về tình trạng sức khỏe của mình.
Chỉ số acid uric thấp hơn bình thường

Nồng độ acid uric máu quá thấp có thể là dấu hiệu của bệnh Wilson

Chẩn đoán chỉ số acid uric bất thường

Để chẩn đoán chỉ số acid uric máu, bạn thường được chỉ định xét nghiệm máu, nước tiểu hoặc dịch khớp. Cụ thể như sau:

1. Xét nghiệm acid uric trong máu

Xét nghiệm acid uric trong máu là hình thức đo lường nồng độ acid uric phổ biến nhất hiện nay, giúp bác sĩ đánh giá chính xác nguyên nhân / mức độ nghiêm trọng của bệnh gút và các bệnh về gan, thận, hệ tim mạch. Bên cạnh đó, xét nghiệm acid uric trong máu còn được bác sĩ chỉ định để theo dõi hiệu quả điều trị ung thư. Khi tế bào ung thư bị tiêu diệt, chúng sẽ giải phóng một lượng lớn acid uric vào máu. Xét nghiệm acid uric máu giúp bác sĩ nắm bắt sự gia tăng nồng độ axit uric trong huyết thanh; từ đó, điều chỉnh phác đồ điều trị ung thư sao cho phù hợp.

Để giảm bớt sai số cho kết quả xét nghiệm định lượng acid uric máu, bạn thường được bác sĩ chỉ định tiến hành xét nghiệm vào buổi sáng, trong điều kiện không được ăn bất cứ thực phẩm nào ít nhất 4 giờ trước khi lấy mẫu máu. Sau khi lấy mẫu máu, bạn thường phải chờ thêm từ 1 – 2 ngày để nhận được kết quả xét nghiệm acid uric máu.

2. Xét nghiệm acid uric trong nước tiểu

Xét nghiệm acid uric trong nước tiểu thường được bác sĩ chỉ định khi muốn:

  • Tìm hiểu xem nồng độ axit uric cao có phải là một nguyên nhân gây sỏi thận hay không;
  • Theo dõi nguy cơ phát triển sỏi thận ở người mắc bệnh gút;
  • Đánh giá mức độ hồi phục của người bệnh bệnh sỏi thận hoặc bệnh gút.

Mặt khác, xét nghiệm axit uric trong nước tiểu cũng có thể được sử dụng để theo dõi tình trạng của người bệnh ung thư đang trải qua giai đoạn hóa trị hoặc xạ trị. Lúc này, kết quả xét nghiệm acid uric trong nước tiểu có thể giúp bác sĩ đánh giá độc tính của thuốc lên thận để điều chỉnh liều dùng phù hợp.

Thủ tục xét nghiệm acid uric trong nước tiểu đòi hỏi bạn phải thu thập đủ lượng nước tiểu mà cơ thể thải ra (trong suốt 24 giờ) vào bình chứa mà bác sĩ đã cung cấp. Mỗi lần đi tiểu, bạn sẽ dùng bình nhỏ để thu để thu thập nước tiểu, sau đó đổ nước tiểu vào bình chứa lớn hơn. Bình lớn sẽ được bảo quản ở nơi thoáng mát, tránh ánh nắng hoặc tốt nhất là trong tủ lạnh. Sau 24 giờ, bạn cần mang bình nước tiểu trở lại phòng xét nghiệm hoặc cơ sở y tế để được phân tích thành phần nước tiểu, bao gồm cả chỉ số acid uric.

Chẩn đoán chỉ số acid uric bất thường, Xét nghiệm acid uric trong nước tiểu

Minh họa bình chứa thu thập nước tiểu dùng trong xét nghiệm nồng độ acid uric

3. Xét nghiệm acid uric trong dịch khớp

Xét nghiệm acid uric trong dịch khớp là thủ tục trích xuất dịch từ một khớp cụ thể để đem đi phân tích. Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy sự hiện diện của tinh thể urat trong dịch khớp, điều này có thể chỉ ra rằng bệnh nhân đang mắc bệnh gút. Nếu không tìm thấy sự tồn tại của các tinh thể urat, bác sĩ sẽ cân nhắc xem xét các nguyên nhân khác có thể dẫn đến triệu chứng viêm khớp mà người bệnh đang trải qua.

Khi nào cần xét nghiệm acid uric?

Xét nghiệm acid uric thường được chỉ định trong một số tình huống sau:

  • Nghi ngờ bệnh gút: Nếu một bệnh nhân có các triệu chứng đặc thù của bệnh gút, như sưng, đau, và đỏ khớp, bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm acid uric để tầm soát nguyên nhân gây bệnh;
  • Theo dõi điều trị gút: Đối với những bệnh nhân đã được chẩn đoán mắc bệnh gút và đang trong quá trình điều trị, việc kiểm tra nồng độ acid uric có thể giúp bác sĩ theo dõi hiệu quả của quá trình điều trị;
  • Nghi ngờ sỏi thận liên quan đến acid uric: Đối với những người có triệu chứng sỏi thận, bác sĩ có thể yêu cầu kiểm tra nồng độ acid uric trong máu để tìm hiểu xem người bệnh có mắc phải loại sỏi thận urat, hình thành do sự tích tụ acid uric quá mức hay không;
  • Đánh giá nguy cơ bệnh tim mạch: Trong một số trường hợp, việc kiểm tra nồng độ acid uric có thể được sử dụng như một phần của quá trình đánh giá nguy cơ tổng thể gây ra bệnh tim mạch;
  • Tầm soát nguyên nhân gây bệnh thận:acid uric được loại bỏ khỏi cơ thể thông qua thận nên một chỉ số acid uric bất thường có thể gợi ý về một số bệnh lý liên quan đến thận;
  • Theo dõi khi dùng thuốc: Một số loại thuốc có thể làm tăng hoặc giảm mức acid uric trong máu. Trong trường hợp này, bác sĩ có thể muốn kiểm tra mức acid uric của bạn thường xuyên để theo dõi tác dụng phụ của thuốc.

Cách điều trị kiểm soát lượng acid uric

Hạ axit uric máu là một tình trạng lành tính (không phải là một bệnh lý). Do đó, chỉ định điều trị thường chỉ được áp dụng đối với các trường hợp cần kiểm soát tình trạng tăng acid uric máu. Khi chỉ số acid uric máu tăng cao bất thường, người bệnh thường được bác sĩ chỉ định dùng một số loại thuốc như:

Chỉ định điều trị Loại thuốc Cơ chế hoạt động
Tăng axit uric máu Allopurinol Ức chế quá trình chuyển hóa purin thành axit uric.
Febuxostat
Probenecid Tăng cường khả năng đào thải axit uric của thận.
Cách điều trị kiểm soát lượng acid uric

Allopurinol là dòng thuốc điều trị tăng acid uric máu phổ biến hiện nay

Duy trì ổn định chỉ số acid uric bình thường bằng chế độ ăn, sinh hoạt

Để duy trì chỉ số acid uric bình thường, bạn có thể tiến hành điều chỉnh chế độ ăn và sinh hoạt tuân theo các nguyên tắc sau:

Cách hạ uric acid máu Nguyên tắc
Thay đổi chế độ ăn uống – Hạn chế tiêu thụ thực phẩm giàu purin như thịt đỏ, nội tạng động vật, thủy hải sản và các loại đậu;

– Hạn chế tiêu thụ thực phẩm giàu đường fructose như bánh kẹo ngọt, nước giải khát có ga và một số loại hoa quả giàu đường fructose (xoài, nhãn, vải. đu đủ, dưa lưới,…);
– Hạn chế thức uống chứa cồn, đặc biệt là bia;

– Tăng cường ăn các loại thực phẩm chứa ít purin / ít đường như: rau củ quả, trái cây ít đường và các chế phẩm từ sữa tách béo;

– Uống đủ 1.5 – 2 lít nước / ngày để giúp thận đào thải axit uric hiệu quả hơn.

Điều chỉnh sinh hoạt – Duy trì cân nặng khỏe mạnh và giảm cân (nếu cần thiết);

– Hạn chế căng thẳng, ngủ đủ giấc và tập thể dục thường xuyên cũng hỗ trợ điều hòa nồng độ acid uric máu bằng cách tăng cường sức khỏe tổng thể;

– Nếu bạn đang mắc bệnh tiểu đường, tăng huyết áp hoặc béo phì, việc quản lý tốt những bệnh lý này cũng giúp kiểm soát lượng nồng độ acid uric máu.

 

Lưu ý:

  • Nếu bạn đang lo lắng về nồng độ acid uric máu của mình, hãy thảo luận trực tiếp với bác sĩ và tiến hành kiểm tra sức khỏe định kỳ để theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe của bản thân;
  • Trong mọi tình huống, bạn tuyệt đối không nên tự ý dùng thuốc điều hòa axit uric máu khi chưa nhận được chỉ định từ bác sĩ.

Trên đây là những thông tin quan trọng xoay quanh chủ đề acid uric. Hy vọng thông qua bài viết, bạn đã biết được chỉ số acid uric máu là gì, có thể giúp bác sĩ chẩn đoán được các bệnh lý nào. Nếu vẫn còn băn khoăn chưa biết cách duy trì nồng độ acid uric bình thường, bạn hãy nhanh chóng liên hệ ngay đến Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome theo số hotline 1900 633 599 để được tư vấn xây dựng thực đơn ăn uống chuyên biệt, hỗ trợ bạn duy trì được một chỉ số uric acid máu khỏe mạnh.

5/5 - (1 bình chọn)
09:22 05/12/2023
Nguồn tham khảo
  1. Shahin, L., Patel, K., Heydari, M., & Kesselman, M. M. (2021). Hyperuricemia and Cardiovascular Risk. Cureus. https://doi.org/10.7759/cureus.14855
  2. ‌Kou, F., Yang, S., Wang, S., Liu, M., & He, Y. (2021). Association between serum uric acid and major chronic diseases among centenarians in China: based on the CHCCS study. BMC Geriatrics. https://doi.org/10.1186/s12877-021-02185-y
  3. ‌Vidula Bhole, Jee Woong Choi, Sung Woo Kim, De, M. A., & Choi, H. K. (2010). Serum Uric Acid Levels and the Risk of Type 2 Diabetes: A Prospective Study. The American Journal of Medicine123(10), 957–961. https://doi.org/10.1016/j.amjmed.2010.03.027