Tăng acid uric máu: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

08/11/2023 Theo dỗi Nutrihome trên google news
Tư vấn chuyên môn bài viết
Chức Vụ: Trợ lý Giám đốc Y khoa
Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome

Hiện nay, số người có chỉ số acid uric cao trong cộng đồng đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng. Tuy nhiên, nếu không được điều trị kịp thời, nồng độ acid uric trong máu tăng cao có thể là nguyên nhân dẫn đến bệnh gout và các bệnh lý liên quan đến thận. Vậy, tăng acid uric máu là gì? Nồng độ axit uric trong máu cao có liên quan đến lối sống và thói quen ăn uống hàng ngày hay không? Cần làm gì để duy trì nồng độ axit uric trong máu ở ngưỡng khỏe mạnh? Tất cả sẽ được các chuyên gia giải đáp ngay trong bài viết sau.

Tăng acid uric máu: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Tăng acid uric máu là gì? Nguyên nhân gây bệnh do đâu?

Tăng acid uric máu là gì?

Tăng acid uric máu là tình trạng nồng độ acid uric trong máu gia tăng trên 6.0 mg / dL (đối với nữ) và 7.0 mg / dL (đối với nam). Acid uric là kết quả từ quá trình cơ thể chuyển hóa purin – một hợp chất hữu cơ phổ biến chứa trong thực phẩm. Nồng độ acid uric tăng là vấn đề sức khỏe đáng báo động, có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến xương, khớp và hệ tim mạch.

Tăng acid uric máu là gì?

Bất kỳ ai cũng đều có nguy cơ tăng axit uric trong máu

Nguyên nhân tăng acid uric

Tăng acid uric trong máu có thể xảy ra do cơ thể sản xuất acid uric quá mức hoặc do thận lọc và đào thải chất này kém hiệu quả, cụ thể như sau:

1. Chỉ số acid uric cao do tăng sản xuất axit uric

Những nguyên nhân phổ biến khiến cơ thể gia tăng sản xuất axit uric bao gồm:

  • Dung nạp nhiều purin: Tiêu thụ thực phẩm giàu purin là nguyên nhân phổ biến gây nên hiện tượng acid uric cao. Các loại thực phẩm giàu purin bao gồm: nội tạng động vật, hải sản có vỏ, thực phẩm chứa cồn (bia, rượu…), các loại cá béo (cá trích, cá ngừ….);
  • Tế bào bị phá vỡ: Nồng độ acid uric có thể gia tăng khi các tế bào trong cơ thể bị phá vỡ nhanh chóng, điển hình như khi mắc các bệnh lý tăng sinh tủy, bệnh vẩy nến, bệnh tăng sinh tế bào lympho, bệnh Paget (bệnh xương mãn tính xảy ra do sự chu chuyển tế bào xương tăng nhanh), hội chứng tiêu cơ vân, ly giải khối u….
  • Rối loạn chuyển hóa purin: Rối loạn chuyển hóa purin có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, nguyên nhân phổ biến, có thể kể đến chính là sự thiếu hụt adenine phosphoribosyltransferase – rối loạn di truyền nhiễm sắc thể hiếm gặp hay sự hoạt động quá mức của phosphoribosyl pyrophosphate (PRPP) – một loại enzyme thúc đẩy trực tiếp quá trình tạo ra purin.
Nguyên nhân tăng acid uric, do tăng sản xuất acid uric

Tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu purin là một trong những nguyên nhân phổ biến gây tăng axit uric máu

2. Nồng độ axit uric cao do giảm đào thải axit uric

Một số nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng giảm đào thải acid uric trong cơ thể bao gồm:

  • Suy giảm chức năng thận;
  • Mất cân bằng axit – bazơ trong cơ thể;
  • Chứng suy giáp (tình trạng thiếu hụt hormone ở tuyến giáp);
  • Hội chứng Down (chậm phát triển trí tuệ do bất thường ở nhiễm sắc thể số 21); Hội chứng Bartter (di truyền lặn hiếm gặp xảy ra do tổn thương ống thận);
  • Tác dụng phụ của một số loại thuốc điều trị như thuốc ức chế miễn dịch, thuốc lợi tiểu….

3. Tăng acid uric máu do nguyên nhân khác

Theo nghiên cứu, thừa cân và béo phì cũng có thể là nguyên nhân gây tăng acid uric máu. Cụ thể, tình trạng gia tăng axit béo tự do trong huyết tương của người thừa cân – béo phì có thể kích thích gan sản sinh ra nhiều acid uric hơn. Trong khi đó, cân nặng dư thừa cũng gây áp lực lên thận, khiến thận đào thải acid uric kém hiệu quả và làm tăng acid uric máu.

Nguyên nhân gây tăng acid uric

Người thừa cân, béo phì có nhiều nguy cơ bị tăng axit uric cao hơn người bình thường

Triệu chứng axit uric cao

Không phải tất cả các trường hợp tăng axit uric máu đều khởi phát triệu chứng, mà chỉ có khoảng 75 – 79% tổng số ca tăng acid uric máu là có bộc lộ triệu chứng ra bên ngoài. Khi khởi phát triệu chứng, tình trạng acid uric cao thường để lại các dấu hiệu như:

1. Nhóm các dấu hiệu liên quan đến bệnh gút

  • Sưng, đỏ, nóng, đau các khớp;
  • Người bệnh gặp khó khăn trong việc di chuyển do khả năng vận động của các khớp bị giới hạn;
  • Xuất hiện các hạt tophi dưới da;
  • Các khớp có hiện tượng bị biến dạng khi bệnh gout kéo dài.

2. Nhóm các dấu hiệu liên quan đến bệnh sỏi thận

  • Đau quặn bụng vùng thận;
  • Tiểu tiện bất thường (tiểu ra máu, tiếu gắt, tiểu bí, nước tiểu có mùi hôi….);
  • Sốt, ớn lạnh;
  • Buồn nôn.

Như vậy, có khoảng từ 21 – 25% trường hợp tăng acid uric máu không triệu chứng trong cộng đồng. Theo nghiên cứu, tình trạng tăng acid uric trong máu có thể kéo dài đến 20 năm mà không biểu hiện triệu chứng cụ thể nào. Do đó, bạn cần kiểm tra sức khỏe định kỳ để có thể sớm phát hiện cũng như kịp thời kiểm soát tình trạng tăng axit uric máu và ngăn ngừa biến chứng hiệu quả.

Ai có nguy cơ bị tăng acid uric máu?

Mọi đối tượng đều có thể bị acid uric trong máu cao. Trong đó, nguy cơ này có thể gia tăng ở các đối tượng sau đây:

  • Lạm dụng rượu, bia, đồ uống có cồn;
  • Duy trì chế độ dinh dưỡng giàu purin;
  • Hoạt động thể chất quá mức trong thời gian dài;
  • Trong gia đình có thành viên bị uric acid máu tăng hoặc mắc bệnh gout;
  • Mắc các bệnh lý như bệnh thận, tăng huyết áp, suy giáp, tiểu đường….;
  • Thừa cân, béo phì;
  • Sử dụng các loại thuốc điều trị bệnh về tim mạch.

Acid uric cao có nguy hiểm không?

Tăng acid uric CÓ THỂ GÂY NGUY HIỂM đến sức khỏe của người bệnh. Bởi vì, kéo dài tình trạng này có thể gây tăng huyết áp và tăng nguy cơ mắc bệnh gout, sỏi thận, bệnh thận mạn tính, đái tháo đường, bệnh về tim mạch…. Ngoài ra, nghiên cứu cho thấy, nồng độ axit uric cao có liên quan đến vấn đề tăng nguy cơ tái phát đột quỵ thiếu máu cục bộ ở người cao tuổi.

Acid uric cao có nguy hiểm không?

Tăng acid uric máu có thể dẫn đến bệnh gout

Chẩn đoán tăng axit uric

Để chẩn đoán tình trạng tăng acid uric trong máu, người bệnh cần sớm đến bệnh viện để bác sĩ thăm khám trực tiếp. Thông thường, để kiểm tra chỉ số axit uric máu và các rối loạn đi kèm, người bệnh cần thực hiện xét nghiệm máu và nước tiểu, từ đó bác sĩ có thể đánh giá được các chỉ số quan trọng bao gồm:

  • Nồng độ acid uric;
  • Nồng độ acid uric niệu;
  • Xác định sự xuất hiện của tinh thể monosodium urat (MSU) trong nước tiểu.

Bên cạnh đó, khi người bệnh dấu hiệu của bệnh gout hoặc sỏi thận, bác sĩ có thể sẽ chỉ định siêu âm, chọc dịch khớp, chụp X-quang…. Dựa vào kết quả của các xét nghiệm này, bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán chính xác về tình hình sức khỏe hiện tại cũng như hướng điều trị phù hợp.

Cách điều trị tăng acid uric máu

Bác sĩ có thể kê đơn một số loại thuốc sau đây để hỗ trợ kiểm soát nồng độ axit uric trong cơ thể:

  • Probenecid: Thuốc có tác dụng làm chậm quá trình sản xuất axit uric trong cơ thể;
  • Rasburicase: Thuốc có tác dụng phá vỡ axit uric, giúp chất này có thể dễ dàng được đào thải qua thận;
  • Allopurinol: Thuốc có tác dụng giúp ức chế sự tổng hợp axit uric trong cơ thể, thường được chỉ định cho người bệnh ung thư đang trong giai đoạn hóa trị hoặc hỗ trợ điều trị bệnh gout, sỏi thận.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc sử dụng thuốc điều trị có thể không được chỉ định cho mọi trường hợp tăng axit uric máu. Bởi vì, tùy vào từng tình trạng bệnh, bác sĩ có thể cân nhắc đưa ra phác đồ điều trị khác nhau, chẳng hạn như:

  • Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng: Nếu tình trạng tăng axit uric được bác sĩ chẩn đoán chưa gây ảnh hưởng đến các cơ quan như thận, xương, khớp…. thì thay vì điều trị bằng thuốc, người bệnh có thể chỉ cần thay đổi chế độ dinh dưỡng. Trong đó, việc tránh tiêu thụ thức ăn giàu purin là nguyên tắc dinh dưỡng đầu tiên mà người bệnh cần tuân thủ.
  • Phẫu thuật loại bỏ hạt tophi: Hạt tophi là dạng tập hợp các tinh thể hợp chất sodium urate monohydrate ở dạng kết tủa, chúng có xu hướng lắng đọng ở khớp xương và phần mềm quanh khớp. Người bệnh xuất hiện các hạt tophi lớn vì tăng acid uric kéo dài có thể gây suy giảm vận động khớp. Lúc này, để cải thiện tình trạng cứng khớp, bác sĩ có thể sẽ chỉ định người bệnh thực hiện phẫu thuật loại bỏ hạt tophi.
  • Điều trị sỏi thận ở người bị tăng axit uric do sỏi: Lúc này, tùy thuộc vào từng tình trạng sỏi thận, bác sĩ có thể sẽ cân nhắc chỉ định các phương pháp điều trị như: tán sỏi bằng sóng xung kích, tán sỏi nội soi niệu quản, tán sỏi qua da, phẫu thuật nội soi hoặc phẫu thuật mở.

Lưu ý, để tối ưu hiệu quả kiểm soát nồng độ axit uric, người bệnh nên kết hợp phác đồ điều trị y khoa với việc điều chỉnh chế độ ăn uống.

Cách điều trị tăng acid uric máu

Bác sĩ sẽ chỉ định phác đồ điều trị axit uric cao phù hợp với từng trường hợp cụ thể

Chế độ ăn cho người tăng acid uric

Xây dựng một chế độ ăn chuyên biệt có thể giúp bạn kiểm soát tốt cả hai quá trình sản sinh và đào thải acid uric ra khỏi máu. Nhìn chung, chế độ ăn uống dành cho người tăng axit uric máu cần được xây dựng dựa trên những nguyên tắc sau:

1. Tránh các loại thực phẩm có hại

  • Thực phẩm giàu purin: Ăn nhiều thực phẩm giàu purin có thể gây tăng nồng độ axit uric trong cơ thể. Một số thực phẩm chứa nhiều purin mà người bệnh cần hạn chế bao gồm: thịt đỏ (bò, heo, cừu, dê…), nội tạng động vật, các loại cá (cá cơm, cá hồi, cá mòi, cá ngừ…).
  • Bia, rượu, thức uống chứa cồn: Theo nghiên cứu, dung nạp 0.5 g cồn / kg trọng lượng cơ thể có thể làm tăng thêm khoảng 0.4 – 0.8 mg / dL nồng độ axit uric trong máu. Do đó, người bệnh cần hạn chế hoặc tránh tiêu thụ thức uống có cồn để nhanh chóng kiểm soát tình trạng tăng acid uric máu.
  • Thực phẩm chứa lượng đường fructose cao: Quá trình phân hủy đường fructose sẽ giải phóng purin, từ đó gây tăng axit uric trong cơ thể. Vì thế, người bị tăng acid uric máu cần hạn chế dung nạp các loại thực phẩm chứa nhiều đường fructose, chẳng hạn như: trái cây sấy khô, nước ngọt có ga, bánh ngọt….
  • Thực phẩm làm gây đường huyết: Theo nghiên cứu, giảm chỉ số đường huyết có liên quan đến việc kiểm soát nồng độ axit uric trong máu. Do đó, để cải thiện tình trạng uric acid máu tăng, bạn cần hạn chế các loại thực phẩm có thể làm tăng đường huyết nhanh chóng như các loại ngũ cốc trắng (bánh mì trắng, cơm trắng, mì gạo…), thực phẩm chứa nhiều đường (bánh ngọt, kẹo, nước ngọt…), thức ăn nhanh (gà rán, khoai tây chiên, pizza…)….

2. Ưu tiên các loại thực phẩm có lợi

  • Thực phẩm giàu chất xơ: Theo nghiên cứu, tiêu thụ nhiều chất xơ có thể ức chế sự hấp thu purin trong hệ tiêu hóa; từ đó, hỗ trợ kiểm soát nồng độ axit uric trong máu một cách hiệu quả. Vì vậy, người bị tăng axit uric cần ưu tiên ăn các loại thực phẩm giàu chất xơ như trái cây tươi (chuối, táo, cherry, bơ….), ngũ cốc nguyên cám (gạo lứt, yến mạch….), các loại đậu (đậu hà lan, đậu lăng….), rau xanh (cải bó xôi, bông cải xanh…).
  • Thực phẩm giàu vitamin C: Theo nghiên cứu, tiêu thụ vitamin C có tác động giúp thúc đẩy thận lọc và đào thải acid uric qua đường tiểu tiện, từ đó hỗ trợ làm giảm nồng độ chất này trong máu. Một số thực phẩm giàu vitamin C tốt cho sức khỏe của người bị tăng axit uric bao gồm trái cây tươi (kiwi, ổi, cam….), rau củ (cà chua, ớt chuông, bông cải xanh, dưa chuột, cà rốt….),….
  • Cà phê: Caffeine trong cà phê đã được chứng minh mang lại tác động tích cực giúp làm giảm tốc độ tạo nên axit uric trong cơ thể. Theo đó, nữ giới nên bổ sung 940 – 1410 ml / ngày còn nam giới nên bổ sung 235 – 705 ml / ngày.
  • Tuy nhiên, cà phê là thực phẩm chứa nhiều oxalat, do đó người đang mắc phải hoặc có nguy cơ bị sỏi thận cần tham khảo ý kiến bác sĩ về liều lượng cà phê được phép tiêu thụ để tránh gây biến chứng sỏi thận.
  • Uống đủ nước: Người bị tăng acid uric cần uống đủ nước (từ 1.5 – 2 lít / ngày) để có thể hỗ trợ quá trình đào thải chất này diễn ra dễ dàng và nhanh chóng.
Chế độ ăn cho người tăng acid uric

Không chỉ thực phẩm giàu purin, người bị tăng axit uric cũng cần tránh thực phẩm nhiều đường fructose và tinh bột hấp thụ nhanh

Cách phòng tránh tình trạng tăng acid uric

Dựa vào nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ, mọi người có thể phòng tránh tình trạng tăng acid uric bằng những cách như sau:

1. Duy trì chế độ dinh dưỡng khoa học

Cần xây dựng thực đơn ăn uống theo nguyên tắc hạn chế thực phẩm gây hại (thực phẩm giàu purin, nhiều đường fructose, tinh bột hấp thụ nhanh, bia, rượu….), tăng cường bổ sung thực phẩm có lợi (thực phẩm giàu chất xơ, giàu vitamin C….) và uống đủ từ 1.5 – 2 lít nước mỗi ngày.

2. Duy cần cân nặng khỏe mạnh

Nghiên cứu cho thấy, nguy cơ tăng axit uric máu ở người thừa cân – béo phì cao gấp 2.1 lần so với người có cân nặng khỏe mạnh. Do đó, việc duy trì cân nặng khỏe mạnh, hạn chế béo phì là yếu tố quan trọng giúp bạn phòng tránh nguy cơ tăng axit uric trong máu.

Để duy trì cân nặng khỏe mạnh, mỗi người cần xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học kết hợp với việc rèn luyện thể chất đều đặn (từ 30 phút / ngày, 3 lần / tuần).

3. Kiểm soát tốt các bệnh lý liên quan

Tình trạng tăng acid uric có liên quan mật thiết với các bệnh lý như tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh thận, suy giáp…. Do đó, người mắc phải các bệnh lý này cần tuân thủ phác đồ điều trị y khoa và những lưu ý của bác sĩ để có thể kiểm soát được tình trạng bệnh; từ đó, phòng tránh được nguy cơ tăng axit uric máu.

4. Thăm khám định kỳ

Khám sức khỏe định kỳ 6 tháng / lần là cơ hội để bạn có thể phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh lý liên quan đến tình trạng tăng acid uric máu; từ đó, giúp bạn chủ động kiểm soát bệnh hiệu quả.

Cách phòng tránh tình trạng tăng acid uric

Duy trì thể trạng tốt để phòng tránh tăng axit uric máu

Nghi chỉ số acid uric cao: Khi nào cần xét nghiệm?

Nghi ngờ tăng acid uric máu, bạn hãy tìm gặp bác sĩ để được chỉ định xét nghiệm ngay khi cơ thể xuất hiện các dấu hiệu sau:

Dấu hiệu lâm sàng nghi mắc bệnh gout hoặc viêm khớp như:

  • Đau khớp, đặc biệt là đau ở đầu gối, ngón cái của chân, mắt cá chân….;
  • Hiện tượng sưng và đỏ ở các khớp;
  • Xuất hiện cảm giác ấm, nóng các khớp.

Dấu hiệu lâm sàng nghi mắc các bệnh về thận như:

  • Tiểu tiện bất thường như tiểu đêm, tiểu gắt, tiểu ra máu….;
  • Sưng phù bàn chân, mắt cá chân;
  • Đau quặn lưng vùng thận;
  • Khô và ngứa da.

Ngoài ra, bác sĩ có thể sẽ chỉ định xét nghiệm nồng độ acid uric trong các trường hợp khác, bao gồm:

  • Người mắc các bệnh lý về máu;
  • Người bệnh đang điều trị ung thư bằng phương pháp hóa / xạ trị;
  • Người nghiện bia, rượu;
  • Người bệnh nhiễm độc thai nghén cấp độ nặng;
  • Thai phụ có nguy cơ tiền sản giật.

Trên đây là những thông tin quan trọng liên quan đến tình trạng tăng acid uric máu. Hy vọng rằng thông qua bài viết này, bạn đã có thể cập nhật thêm những kiến thức cần thiết về việc kiểm soát, điều trị và phòng tránh tình trạng axit uric máu cao một cách hiệu quả. Nếu như bạn vẫn còn băn khoăn về việc xây dựng chế độ dinh dưỡng như thế nào để có thể duy trì nồng độ acid uric bình thường, hãy nhanh chóng liên hệ đến Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome theo số hotline 1900 633 599. Tại đây, các chuyên gia dinh dưỡng sẽ tư vấn và thiết kế thực đơn ăn uống chuyên biệt, giúp bạn kiểm soát tốt nồng độ uric acid máu.

Rate this post
17:53 05/12/2023
Nguồn tham khảo
  1. Fen, L., Chen, S., Qiu, X., Wu, J., Tong, M., & Wang, M. (2021). Serum Uric Acid Levels and Metabolic Indices in an Obese Population: A Cross-Sectional Study. Diabetes, Metabolic Syndrome and Obesity: Targets and TherapyVolume 14, 627–635. https://doi.org/10.2147/dmso.s286299
  2. ‌Wu, M., Hu, X., Lu, T., Liu, C., & Lu, H. (2023). Uric acid is independently associated with interleukin‐1β levels in tear fluid of hyperuricemia and gout patients. Immunity, Inflammation and Disease11(3). https://doi.org/10.1002/iid3.805
  3. ‌Burns, C. M., & Wortmann, R. L. (2012). Latest evidence on gout management: what the clinician needs to know. Therapeutic Advances in Chronic Disease3(6), 271–286. https://doi.org/10.1177/2040622312462056
  4. ‌Zhu, H., Zhao, S., Zhang, M., Wang, Y., Pan, Z.-M., Cheng, H., Zhao, K., & Wang, Z. (2022). Elevated Serum Uric Acid Increases the Risk of Ischemic Stroke Recurrence and Its Inflammatory Mechanism in Older Adults. Frontiers in Aging Neuroscience14. https://doi.org/10.3389/fnagi.2022.822350
  5. ‌Kakutani‐Hatayama, M., Masumi Kadoya, Okazaki, H., Masafumi Kurajoh, Shoji, T., Koyama, H., Tsutsumi, Z., Moriwaki, Y., Namba, M., & Yamamoto, T. (2015). Nonpharmacological Management of Gout and Hyperuricemia: Hints for Better Lifestyle. American Journal of Lifestyle Medicine11(4), 321–329. https://doi.org/10.1177/1559827615601973
  6. ‌Juraschek, S. P., McAdams‐DeMarco, M., Gelber, A. C., Sacks, F. M., Appel, L. J., White, K., & Miller, E. R. (2016). Effects of Lowering Glycemic Index of Dietary Carbohydrate on Plasma Uric Acid Levels: The OmniCarb Randomized Clinical Trial. Arthritis & Rheumatology68(5), 1281–1289. https://doi.org/10.1002/art.39527
  7. ‌Takashi Koguchi, & Tadahiro Tadokoro. (2019). Beneficial Effect of Dietary Fiber on Hyperuricemia in Rats and Humans: A Review. International Journal for Vitamin and Nutrition Research89(1-2), 89–108. https://doi.org/10.1024/0300-9831/a000548
  8. ‌Choi, H. K., & Curhan, G. C. (2007). Coffee, tea, and caffeine consumption and serum uric acid level: The third national health and nutrition examination survey. Arthritis Care & Research57(5), 816–821. https://doi.org/10.1002/art.22762
  9. ‌Kyu Yong Park, Hyun Jung Kim, Hyeong Sik Ahn, Sun Hee Kim, Eun Ji Park, Yim, S., & Jae Bum Jun. (2016). Effects of coffee consumption on serum uric acid: systematic review and meta-analysis. Seminars in Arthritis and Rheumatism45(5), 580–586. https://doi.org/10.1016/j.semarthrit.2016.01.003