Gãy xương: Dấu hiệu, nguyên nhân, cách điều trị & phòng ngừa

10/10/2023 Theo dỗi Nutrihome trên google news
Tư vấn chuyên môn bài viết
Chức Vụ: Trợ lý Giám đốc Y khoa
Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome

Gãy xương là một chấn thương nghiêm trọng, có thể xảy ra với tất cả mọi người, từ trẻ em, người trưởng thành cho đến người cao tuổi. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách ứng phó khoa học khi gặp phải tình trạng này. Việc nắm vững những thông tin quan trọng về gãy xương có thể giúp bạn phản ứng hiệu quả hơn khi không may bị gãy xương. Vậy, dấu hiệu của gãy xương là gì? Đâu là nguyên nhân dẫn đến gãy xương? Bạn cần làm gì để phòng tránh hoặc sơ cứu đúng cách khi bị gãy xương? Tất cả sẽ được Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome giải đáp ngay trong bài viết sau.

Gãy xương là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân và các lưu ý cần biết

Gãy xương có nguy hiểm không? Dấu hiệu nhận biết gãy xương là gì?

Gãy xương là gì?

Gãy xương (bone fracture hoặc broken bone) là tình trạng mà một hoặc nhiều phần của xương bị nứt hoặc đứt gãy. Gãy xương có thể ảnh hưởng đến bất kỳ xương nào trong cơ thể và có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi.

Phân loại gãy xương

Có 5 loại gãy xương khác nhau. Dựa trên mức độ và hình thái của chấn thương mà gãy xương được phân loại thành: gãy kín, gãy hở, gãy hoàn toàn, gãy xương không hoàn toàn và rạn xương (1). Cụ thể như sau:

1. Gãy kín

Gãy xương kín (closed fracture) là một loại chấn thương xương mà ở đó xương bị gãy nhưng vùng da xung quanh vị trí gãy không bị thủng hoặc rách, đồng thời mảnh xương gãy cũng không xuyên qua da. Do đó, không có sự tiếp xúc trực tiếp giữa mảnh xương gãy và môi trường ngoại vi, giảm nguy cơ nhiễm khuẩn từ môi trường bên ngoài.

2. Gãy hở

Gãy xương hở (open fracture) là tình trạng đứt gãy xương mà ở đó phần xương gãy và/hoặc khối máu tụ do gãy xương có cơ hội được tiếp xúc trực tiếp với môi trường không khí trong khi làn da bị rách (hở), làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn. Vết hở ngoài da này có thể nằm ở vị trí xa chỗ gãy xương chứ không nhất thiết phải nằm ngay trên vết gãy. Do đó, loại gãy xương này thường yêu cầu sự can thiệp y tế khẩn cấp vì có nguy cơ cao gây biến chứng (tổn thương mạch máu, dây thần kinh; viêm tủy,…)

3. Gãy hoàn toàn

Gãy xương hoàn toàn (complete fracture) là tình trạng mà xương bị đứt gãy toàn phần, tạo ra hai hoặc nhiều mảnh vỡ riêng biệt. Khác với gãy xương không hoàn toàn, ở đó xương chỉ bị nứt mà không bị đứt đôi, gãy hoàn toàn làm thay đổi hình dạng và cấu trúc ban đầu của xương. Loại gãy xương này buộc người bệnh phải thực hiện phẫu thuật nẹp đinh vít để thiết lập và cố định lại vị trí xương.

Chi tiết hơn, gãy xương hoàn toàn có thể được phân thành:

  • Gãy xương mảnh vụn (comminuted fracture): Khi xương bị gãy và tạo ra nhiều mảnh vụn nhỏ;
  • Gãy xương ngang (transverse fracture): Khi đường gãy vuông góc với chiều dài của xương;
  • Gãy xương xiên (oblique fracture): Khi vết gãy nằm ở một góc chéo xuyên qua xương;
  • Gãy xương xoắn (spiral fracture): Khi xương bị gãy dưới tác động của một lực xoắn, tạo thành một vòng xoắn ốc quấn quanh chu vi ống xương;
  • Gãy từng phần (segmental fracture): Khi vết gãy chia xương thành 3 hoặc nhiều đoạn rời rạc nhau.
Phân loại gãy xương, gãy hoàn toàn

Gãy xương hoàn toàn tạo thành vết cắt toàn phần khiến xương đứt đoạn

4. Gãy xương không hoàn toàn

Gãy xương không hoàn toàn (incomplete fracture) còn gọi là gãy xương nông (cạn), là một loại gãy xương mà ở đó vết nứt gãy không kéo dài hết bề dày xương. Loại gãy xương này thường xuất hiện ở trẻ em vì xương trẻ nhỏ thường có độ đàn hồi nhiều hơn hơn so với xương người lớn. Giống như cách một cây cỏ có thể uốn cong mà không gãy, xương của trẻ em cũng có thể bị nứt do va chạm mạnh mà không bị gãy hoàn toàn.

Chi tiết hơn, gãy xương không hoàn toàn có thể được phân thành:

  • Gãy xương dọc (longitudinal fractures): Khi vết nứt xuất hiện dọc theo chiều dài của xương;
  • Gãy xương cành tươi (greenstick fracture): Khi xương bị cong, gãy một phía chứ không bị gãy hoàn toàn;
  • Gãy xương khóa (buckle / torus fracture): Là kết quả của việc hai xương bị nén vào nhau, gây di lệch (displaced fracture) hoặc không di lệch (non-displaced fracture).

Các vị trí dễ bị gãy xương

Có nhiều vị trí trên cơ thể dễ có nguy cơ bị gãy xương, đặc biệt là khi tiếp xúc với tác động mạnh hoặc rơi từ một độ cao nhất định. Các vị trí dễ bị gãy xương trên cơ thể bao gồm:

  • Xương cánh tay và cẳng tay: Dễ gãy khi bạn dùng tay chống đỡ một cú té, một cú rơi hoặc tác động từ những vật cứng khác;
  • Xương cổ tay: Dễ gãy khi bạn cố gắng dùng tay chống đỡ lúc té;
  • Xương cổ chân: Dễ bị gãy khi chuyển hướng đột ngột trong các môn thể thao có tính đối kháng mạnh (bóng rổ, bóng đá,…);
  • Xương cẳng chân: Thường xảy ra ở phần giữa của bắp chân, sau một cú đá hoặc va chạm mạnh;
  • Xương sườn: Dễ gãy khi bị tác động vật lý từ bên ngoài hoặc té từ một độ cao nhất định;
  • Xương hông (chậu): Dễ gãy do loãng xương hoặc do tai nạn giao thông;
  • Xương cột sống: Dễ gãy ở phần cột sống gần vùng thắt lưng và cổ.

Lưu ý, trên đây chỉ là những vị trí có nguy cơ gãy xương cao chứ không nhất thiết là xương sẽ bị gãy khi bạn thực hiện bất kỳ thao tác chống đỡ nào. Trên thực tế, nguy cơ gãy xương tại các vị trí kể trên còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố như tuổi tác, tình trạng sức khỏe, thói quen sinh hoạt và những tình huống chấn thương cụ thể.

Các vị trí dễ bị gãy xương

Xương cổ tay và cẳng tay là những vị trí mà xương dễ bị tổn thương

Gãy xương nào nguy hiểm nhất?

Gãy xương ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể đều có thể gây ra nguy hiểm. Tuy nhiên, gãy xương cột sống là một trong những vị trí nguy hiểm nhất. Nguyên nhân là vì:

  • Nguy cơ gây tổn thương thần kinh: Gãy xương cột sống có thể chèn ép dây thần kinh, gây tê liệt phần cơ quan mà dây thần kinh đó phụ trách. Ví dụ, một số người bị tai nạn giao thông gây gãy xương cột sống, có thể bị yếu hoặc bại liệt một hoặc tứ chi;
  • Nguy cơ gây khó thở: Gãy xương cột sống, đặc biệt là vùng gần phổi, có thể chèn ép hoặc gây rách phổi, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng hô hấp và làm tăng nguy cơ tử vong.

Mặc dù gãy xương cột sống là một ví dụ điển hình, nhưng bạn cần nhớ rằng gãy xương, dù xảy ra ở bất kỳ vị trí nào, đều cần được xử lý kịp thời để ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng, có thể đe dọa trực tiếp đến tính mạng người bệnh như mất máu, nhiễm trùng, viêm tủy, hoại tử mô,…

Nguyên nhân gãy xương là gì?

Xương thường bị gãy do 2 nguyên nhân chính là chấn thương hoặc bệnh lý. Cụ thể như sau:

1. Nguyên nhân chấn thương

Gãy xương do chấn thương xảy ra khi một lực tác động lên xương, vượt quá khả năng chịu đựng của xương. Có nhiều tình huống có thể dẫn đến gãy xương do chấn thương, chẳng hạn như:

  • Té ngã: Té từ độ cao hoặc trượt chân bất ngờ, đặc biệt ở người cao tuổi, rất dễ gây gãy xương;
  • Va chạm mạnh: Như trong tai nạn xe cộ, tai nạn thể thao hoặc bị đâm, đụng mạnh vào một gì đó quá cứng;
  • Áp lực đè nén: Gãy xương xảy ra khi có một lực lớn nén xương, ví dụ như khi bị một vật nặng rơi trúng.
  • Tác động uốn cong: Khi xương bị uốn cong với một góc không tự nhiên, ví dụ như khi chân phải chuyển hướng đột ngột trong lúc chơi bóng rổ, hoặc lúc bị vướng (mắc kẹt) vào một vật gì đó trong lúc bạn đang di chuyển.
Nguyên nhân gãy xương, do té ngã

Té ngã là nguyên nhân gây gãy xương phổ biến ở người cao tuổi

2. Nguyên nhân bệnh lý

Gãy xương do bệnh lý là tình trạng xương bị suy giảm mật độ khoáng chất, khiến chúng yếu, giòn, dễ gãy hơn dưới tác động của ngoại lực (dù là lực bình thường hoặc nhỏ). Dưới đây là một số bệnh lý có thể làm tăng nguy cơ gãy xương:

  • Bệnh loãng xương (osteoporosis): Là tình trạng suy giảm mật độ khoáng trong xương. Đây là nguyên nhân gãy xương phổ biến nhất ở người cao tuổi, đặc biệt là phụ nữ sau độ tuổi tiền mãn kinh;
  • Bệnh Paget: Là một bệnh lý mạn tính ức chế quá trình tăng sinh mô xương mới thay thế cho mô xương cũ, khiến xương thoái hóa dần và dễ gãy;
  • Hội chứng loạn sản tủy (myelodysplastic syndromes): Là bệnh khiến tủy xương không tạo ra đủ tế bào máu khỏe mạnh để nuôi dưỡng cơ thể, gây yếu xương từ sâu bên trong;
  • U xương: Cả u lành tính và ác tính đều có thể làm yếu đi kết cấu, khiến xương dễ gãy;
  • Bệnh lý tăng canxi máu (hypercalcemia): Tăng canxi máu kích thích xương giải phóng quá nhiều canxi, gây loãng xương và suy yếu;
  • Chứng mất canxi trong xương sau sinh: Một số sản phụ sau khi sinh có thể mất một lượng canxi đáng kể do mất máu trong lúc lâm bồn, khiến cơ thể phải “huy động” canxi từ xương để bù đắp sự thiếu hụt, gây yếu xương;
  • Rối loạn chuyển hóa: Một số bệnh lý gây rối loạn thận, tuyến giáp, tuyến cận giáp hoặc ảnh hưởng đến quá trình hấp thu / chuyển hóa vitamin D và canxi cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến gãy xương.

Ai dễ bị gãy xương?

Bất kỳ ai cũng có thể dễ bị gãy xương do chấn thương hoặc bệnh lý. Tuy nhiên, một số người có nguy cơ gãy xương cao hơn số đông còn lại, do nhiều yếu tố như tuổi tác, tình trạng sức khỏe, lối sống và môi trường. Trong đó bao gồm:

  • Trẻ em: Trẻ em vừa hiếu động, vừa có hệ xương khớp yếu hơn người lớn. Điều này khiến trẻ dễ bị gãy xương hơn người trưởng thành;
  • Người cao tuổi: Xương mất dần mật độ khoáng chất khi tuổi tác tăng cao, làm tăng nguy cơ gãy xương;
  • Phụ nữ: So với nam giới, phụ nữ có khung xương nhỏ hơn và dễ suy giảm mật độ xương nhanh hơn, đặc biệt sau giai đoạn mãn kinh.
  • Người lạm dụng thuốc: Uống quá nhiều thuốc kháng viêm corticosteroids trong quá trình điều trị một số bệnh có thể làm suy giảm mật độ xương, làm tăng nguy cơ gãy xương;
  • Người có lối sống không lành mạnh: Hút thuốc, uống rượu bia nhiều, ăn ít canxi và vitamin D, ít vận động có thể làm tăng nguy cơ gãy xương.
  • Người mắc các bệnh lý ảnh hưởng đến xương: Chẳng hạn như bệnh loãng xương, xương thủy tinh, tăng sản tủy xương,… đều khiến xương yếu giòn, dễ gãy;
  • Người có tình trạng sức khỏe tổng quát kém: Như suy dinh dưỡng, béo phì hoặc có các rối loạn chuyển hóa ở thận, hệ tiêu hóa và hệ nội tiết;
  • Người từng gãy xương trước đó: Người đã từng gãy xương trước đó có nguy cơ cao tái gãy xương tại vị trí cũ hơn người khỏe mạnh.
Ai dễ bị gãy xương? trẻ em bị gãy xương

Trẻ em là đối tượng có nguy cơ cao bị gãy xương do chấn thương sau tai nạn

Dấu hiệu gãy xương

Dấu hiệu gãy xương thường rất dễ được nhận biết bằng ngũ quan thông thường, bởi chúng thường gây đau đớn dữ dội, bầm tím, sưng viêm và biến dạng vùng cơ thể ngay tại vị trí xương gãy. Trong những tình huống nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như khi gãy xương hở (open fracture), bạn còn có thể bị chảy máu liên tục, thấy được cả một phần mảnh xương nhô lên khỏi da. Lúc này, bạn cần được cấp cứu càng sớm càng tốt để ngăn ngừa mất máu và nhiễm trùng.

Hướng dẫn sơ cứu gãy xương

Khi phát hiện một trường hợp gãy xương, điều đầu tiên bạn cần làm là gọi xe cấp cứu. Sau đó, trong lúc chờ xe cứu thương đến, việc sơ cứu tại chỗ nhanh chóng và đúng cách là rất quan trọng. Cụ thể, bạn cần:

  • Hạn chế di chuyển vùng xương gãy: Khi xương gãy, bạn cần hạn chế di chuyển vùng bị thương để tránh làm tổn thương thêm mô mềm xung quanh. Lúc này, bạn cũng không nên cố gắng nắn chỉnh, đặt xương trở lại vị trí ban đầu.
  • Cố định vùng xương bị gãy: Sử dụng gạc y tế, băng dính, quần áo hoặc nẹp (nếu có) để cố định xương tại một vị trí cố định, ngăn không cho chúng di chuyển sai lệch quá mức ra khỏi vị trí ban đầu;
  • Chườm lạnh: Quấn nhiều viên đá trong khăn mỏng và chườm lên vùng xương bị thương để giảm sưng đau.
  • Xử lý vết thương hở: Nếu xương xuyên qua da, bạn cần cầm máu và che phần xương nhô ra ngoài bằng băng gạc hoặc vải sạch, nhưng không được tạo áp lực trực tiếp lên mảnh xương.

Lưu ý, trong tiến trình sơ cứu gãy xương, bạn cần phải ưu tiên đặt an toàn của nạn nhân lên hàng đầu. Tuyệt đối không tự ý di chuyển nạn nhân nếu nghi ngờ gặp chấn thương chấn thương xương chậu hoặc cột sống.

Phương pháp chẩn đoán gãy xương

Chẩn đoán gãy xương đòi hỏi bác sĩ sử dụng các phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiện đại để xác định đúng vị trí, mức độ gãy xương cũng như hình dáng của vết nứt. Dưới đây là một số phương pháp chẩn đoán gãy xương phổ biến được nhiều bác sĩ ứng dụng:

  • Chụp X-quang: Là phương pháp sử dụng tia X phóng xạ để thu thập dữ liệu hình ảnh về phần xương gãy. Đây cũng là phương pháp chính giúp bác sĩ chẩn đoán và xác định chính xác vị trí gãy xương;
  • Chụp CT (chụp cắt lớp): Cho phép bác sĩ xem xét xương ở nhiều góc độ khác nhau, đặc biệt hữu ích cho những trường hợp gãy xương phức tạp;
  • Chụp MRI (cộng hưởng từ): Giúp bác sĩ xem xét các mô mềm xung quanh xương, đặc biệt khi nghi ngờ bị tổn thương dây thần kinh hoặc mạch máu.
  • Siêu âm: Có thể được sử dụng để đánh giá mức độ loãng xương (nguyên nhân gây gãy xương), nhưng không phổ biến để chẩn đoán gãy xương trực tiếp.

Chẩn đoán gãy xương đòi hỏi sự kết hợp giữa nhiều máy móc và công nghệ hiện đại. Do đó, trong mọi trường hợp nghi ngờ gãy xương, bạn nên tìm đến cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.

Phương pháp chẩn đoán gãy xương

Chụp X-quang là phương pháp chẩn đoán gãy xương phổ biến hiện nay

Gãy xương để lâu có sao không?

Gãy xương để lâu, không được điều trị kịp thời có thể gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm, cả trong ngắn hạn và dài hạn. Cụ thể:

1. Ngắn hạn

  • Dị dạng xương: Xương có thể liên kết sai lệch, tạo ra dáng vẻ không bình thường;
  • Viêm nhiễm: Gãy xương hở (open fracture) có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng do xuất hiện vết thương hở tiếp xúc với không khí;
  • Tổn thương mạch máu hoặc dây thần kinh: Dẫn đến mất cảm giác, hạn chế tuần hoàn máu và có thể gây hoại tử các mô xung quanh.

2. Dài hạn

  • Nguy cơ chậm hoặc không liền xương: Xương bị gãy để lâu không điều trị có thể gây chai xương, khiến xương lâu lành hoặc không thể phục hồi đúng vị trí và hình dạng như ban đầu;
  • Đau mãn tính: Xương liên kết sai lệch có thể gây ra những cơn đau dữ dội và kéo dài;
  • Khó khăn trong việc di chuyển: Xương không hồi phục đúng cách có thể làm giảm khả năng vận động hoặc mất chức năng của bộ phận liên quan;
  • Sưng viêm: Gãy xương có thể làm tăng nguy cơ phát triển sưng viêm ở vị trí bị thương, làm đảo lộn cuộc sống của người bệnh.

Do đó, khi bị gãy xương, bạn cần cân nhắc điều trị càng sớm càng tốt để rút ngắn thời gian phục hồi và tránh các biến chứng nguy hiểm.

Gãy xương có tự lành không?

Gãy xương có thể tự lành. Tuy nhiên, khả năng phục hồi của xương sau khi gãy phụ thuộc vào:

  • Can thiệp y tế: Phẫu thuật hoặc cố định bằng nẹp/ống bột giúp bảo vệ giúp xương hồi phục đúng vị trí. Ngược lại, nếu không can thiệp y tế, xương sẽ không thể tự liền mạch và khôi phục lại chức năng vận động như ban đầu;
  • Mức độ và vị trí của chấn thương: Gãy xương đơn giản dễ phục hồi hơn gãy nhiều mảnh, gãy xương nhỏ (cẳng tay, cẳng chân,…) thường nhanh phục hồi hơn xương lớn (xương sống hoặc xương chậu);
  • Tuổi tác: Trẻ em và thanh thiếu niên có khả năng phục hồi cao hơn người trưởng thành;
  • Tình trạng sức khỏe và dinh dưỡng: Bệnh nhân có sức khỏe tốt, ít bệnh lý nền, được tiêu thụ một chế độ dinh dưỡng cân đối thường phục hồi nhanh hơn người có nhiều bệnh và ăn uống thiếu khoa học.

Tóm lại, dù xương có khả năng tự chữa lành, việc can thiệp y tế kịp thời vẫn là yếu tố tiên quyết giúp người bệnh khôi phục sức khỏe và phòng ngừa biến chứng.

Gãy xương có tự lành không?

Xương gãy có thể tự chữa lành nếu người bệnh được can thiệp y tế kịp thời

Điều trị gãy xương

Điều trị gãy xương là quá trình nhằm mục đích khôi phục lại tính toàn vẹn của xương, đồng thời ngăn ngừa các biến chứng liên quan như nhiễm trùng, tụ máu, viêm tủy, phù nề,… (2)

Dưới đây là một số phương pháp điều trị gãy xương phổ biến hiện nay:

  • Cố định ngoại vi: Là phương pháp sử dụng hệ thống khung nẹp / dây / vòng kim loại, nạng gỗ hoặc ống bột thạch cao để giữ cho xương nằm yên đúng vị trí cho đến khi hồi phục;
  • Phẫu thuật: Là quá trình can thiệp y tế để:
    • Sắp xếp lại vị trí xương;
    • Lắp đặt đinh, ốc, thanh định vị hoặc dây cố định xương từ sâu bên trong;
    • Tiến hành ghép xương (nếu cần) trong trường hợp xương vỡ quá nhiều hoặc không thể tự lành.
  • Điều trị bằng sóng âm: Điều trị bằng sóng siêu âm (ultrasound) hoặc sóng xung kích (shockwave) 20 phút mỗi ngày có thể kích thích mô xương tăng sinh, rút ngắn thời gian phục hồi;
  • Vật lý trị liệu: Giúp tăng cường tuần hoàn máu, kích thích xương nhanh lành; đồng thời, giúp người bệnh nhanh chóng phục hồi chức năng vận động của hệ cơ xương khớp liên quan.
  • Dùng thuốc theo chỉ định: Người bị gãy xương cần bổ sung thực phẩm chức năng hoặc/và dùng thuốc kháng viêm, thuốc giảm đau theo chỉ định của bác sĩ để giúp xương mau lành;
  • Điều chỉnh chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt: Tăng cường ăn thực phẩm giàu canxi, phốt pho, protein, vitamin D, K,… đồng thời hạn chế rượu bia, ngủ đủ giấc, vận động theo kế hoạch cũng giúp tăng tốc quá trình hồi phục.

Tóm lại, y học có nhiều phương pháp điều trị gãy xương khác nhau. Việc chọn lựa phương pháp điều trị thích hợp sẽ được bác sĩ đánh giá dựa trên mức độ, vị trí, phân loại gãy xương và sức khỏe nền của người bệnh.

Gãy xương bao lâu thì lành?

Thời gian xương cần để hồi phục sau khi gãy phụ thuộc vào vị trí, phân loại, mức độ gãy xương cũng như sức khỏe và các đặc điểm sinh trắc học của bệnh nhân. Một số xương nhỏ như xương cổ tay có thể mất từ 6 – 8 tuần để lành, còn xương lớn như xương đùi có thể cần từ 12 – 16 tuần hoặc lâu hơn. Bên cạnh đó, việc tuân thủ một chế độ dinh dưỡng khoa học, không hút thuốc và đáp ứng đầy đủ những hướng dẫn y tế từ bác sĩ cũng giúp tăng tốc quá trình hồi phục.

Gãy xương bao lâu thì lành?

Xương gãy có thể tự lành nếu người bệnh được can thiệp y tế và dinh dưỡng khoa học, kịp thời

Hướng dẫn chăm sóc và hồi phục sau gãy xương

Chăm sóc và hồi phục sau gãy xương là một quá trình đòi hỏi tính kiên nhẫn và kỷ luật để tuân thủ nghiêm ngặt mọi chỉ định từ bác sĩ. Dưới đây là một số hướng dẫn cơ bản giúp bạn chăm sóc xương đúng cách, giúp xương mau lành:

  • Thường xuyên tái khám định kỳ: Tái khám giúp bạn theo dõi sức khỏe tổng thể, đồng thời đảm bảo rằng xương đang phục hồi đúng tiến độ và đúng hướng;
  • Giảm áp lực tối đa lên vùng xương bị gãy: Điều này giúp giảm sưng và đau hiệu quả. Ví dụ, người bị gãy xương cẳng chân thường được treo chân lên cao trong tư thế nằm ngửa để giảm trọng lượng cơ thể dồn toàn bộ lên chân;
  • Lên kế hoạch vận động khoa học: Người bị gãy xương thường phải giữ cố định cơ thể trong suốt một khoảng thời gian dài để chờ xương tự “trám” lại vết đứt gãy. Tuy nhiên, sau khi xương đã lành, người bệnh cần lên kế hoạch vận động theo sự hướng dẫn của bác sĩ hoặc chuyên viên vật lý trị liệu để tăng cường tuần hoàn máu, giảm cứng khớp, bảo vệ cơ và khôi phục chức năng vận động;
  • Sử dụng các thiết bị hỗ trợ: Tuân thủ nghiêm ngặt việc sử dụng nạng, gậy hoặc xe lăn, nếu cần thiết. Bạn tuyệt đối không nên nóng vội, tự ý dỡ bỏ các thiết bị hỗ trợ khi chưa có chỉ định từ bác sĩ;
  • Sử dụng thuốc theo chỉ định: Bao gồm thuốc giảm đau, chống viêm và bổ sung canxi/vitamin D (nếu có);
  • Điều chỉnh dinh dưỡng: Thay đổi chế độ ăn uống cân đối với nhiều canxi, phốt pho, vitamin D, vitamin K để giúp xương phục hồi nhanh hơn;
  • Hạn chế rượu và thuốc lá: Rượu bia và thuốc lá ảnh hưởng đến tuần hoàn máu nên cả hai đều làm giảm tốc độ hồi phục của xương.

Cuối cùng, trên hành trình hồi phục sau khi điều trị gãy xương, bạn cần giữ kết nối liên lạc với bác sĩ để kịp thời thông báo nếu cơ thể khởi phát các dấu hiệu bất thường.

Chế độ dinh dưỡng cho người bị gãy xương

Chế độ dinh dưỡng đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ quá trình hồi phục sau khi gãy xương. Dưới đây là danh sách 8 dưỡng chất tốt cho xương, không thể thiếu trong chế độ ăn cho người bị gãy xương:

  • Canxi: Là thành phần cơ bản cấu tạo nên xương, giúp tăng cường sức mạnh và khả năng phục hồi. Nguồn thực phẩm giàu canxi phổ biến bao gồm: sữa, sản phẩm từ sữa (sữa chua, phô mai), thủy hải sản, rau lá màu xanh đậm và các sản phẩm được bổ sung canxi khác như sữa công thức, sữa đậu nành,…
  • Vitamin D: Hỗ trợ cơ thể hấp thụ canxi hiệu quả từ thực phẩm. Vitamin D có thể tìm thấy trong: thịt và dầu các loại cá béo (cá hồi, cá ngừ, cá thu,…), lòng đỏ trứng, quả bơ chín, dầu thực vật, các loại nấm và sữa bổ sung vitamin D.
  • Protein: Tăng cường sự hình thành và phục hồi mô xương. Thực phẩm giàu protein bao gồm: thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu và hạt;
  • Vitamin C và K: Hỗ trợ quá trình tổng hợp collagen và vận chuyển canxi đến xương. Hai loại vitamin này thường chứa nhiều trong các loại rau lá xanh đậm (bó xôi, cải xoăn, bông cải xanh,…), trái cây (cam, dâu, kiwi,…), rau củ (cà chua, củ cải, khoai tây,…);
  • Kẽm và magie: Giúp tăng cường sự hình thành xương. Kẽm và magie chứa nhiều trong hàu, thịt đỏ, đậu, hạt và ngũ cốc nguyên hạt.
  • Omega-3: Là một loại axit béo có đặc tính kháng viêm, chứa nhiều trong mỡ cá béo, quả bơ chín, dầu thực vật và các loại hạt.

Bên cạnh việc ưu tiên bổ sung nhiều thực phẩm có lợi cho sức khỏe, bạn cũng cần hạn chế tiêu thụ thuốc lá, cà phê, rượu bia,… vì chúng có thể ảnh hưởng đến quá trình hồi phục xương.

Chế độ dinh dưỡng cho người bị gãy xương

Canxi là khoáng chất quan trọng thúc đẩy tái tạo tế bào xương

Cách phòng tránh gãy xương

Phòng tránh gãy xương là một quá trình đòi hỏi bạn phải tăng cường sức khỏe xương kết hợp với việc giảm thiểu nguy cơ xảy ra tai nạn. Điều này đặc biệt quan trọng với trẻ em và người cao tuổi. Để phòng tránh gãy xương, bạn cần:

  • Điều chỉnh thói quen sinh hoạt: Tiêu thụ đầy đủ canxi và vitamin D giúp ngăn ngừa nguy cơ loãng xương; đồng thời, hạn chế tiêu thụ rượu bia và thuốc lá giúp bảo vệ sức khỏe xương;
  • Tăng cường vận động: Vận động vừa phải như đi bộ, chạy, nhảy, bơi lội,… giúp kích thích hóc-môn tăng trưởng và hệ tuần hoàn, thúc đẩy xương mau lành;
  • Tránh nguy cơ gây tai nạn: Sắp xếp nhà cửa sao cho không có vật cản trở hoặc bề mặt quá trơn, làm tăng nguy cơ té ngã;
  • Sử dụng đồ bảo hộ: Khi tham gia hoạt động nguy hiểm, như đi xe đạp hay trượt ván, luôn mang theo đồ bảo hộ như mũ bảo hiểm, bảo vệ cổ chân, tay và khớp gối để giảm thiểu nguy cơ gãy xương;
  • Kiểm tra tác dụng phụ của thuốc: Một số thuốc có thể gây mất khoáng chất trong xương, chẳng hạn như thuốc điều trị viêm loét dạ dày, thuốc kháng viêm chứa hoặc không chứa steroids, thuốc bổ sung hóc-môn,… Do đó, bạn cần thảo luận với bác sĩ để có biện pháp ngăn ngừa loãng xương kịp thời hoặc ngưng việc lạm dụng thuốc mà không có chỉ định từ bác sĩ;
  • Kiểm tra sức khỏe xương định kỳ: Đối với người cao tuổi, việc xem xét việc thực hiện kiểm tra mật độ xương thường niên giúp đánh giá chính xác sức khỏe xương, phòng ngừa nguy cơ loãng xương, dễ gãy.

Nghi bị gãy xương: Khi nào cần gọi cấp cứu?

Nếu nghi ngờ mình hoặc người khác bị gãy xương, bạn nên gọi cấp cứu ngay khi nhận thấy một hoặc nhiều dấu hiệu sau:

  • Quan sát thấy bộ phận có vùng xương gãy bị biến dạng hoặc sai lệch vị trí;
  • Cơn đau dữ dội không thuyên giảm;
  • Nạn nhân tự cảm thấy xương không còn nguyên vẹn;
  • Vị trí nghi ngờ gãy xương nằm ở cột sống, thắt lưng, hông hoặc cổ;
  • Xương bị vỡ và lòi ra khỏi da;
  • Vết thương gần chỗ gãy xương có máu chảy, vết bầm hoặc sưng phù;
  • Vùng xương bị gãy trở nên tím tái, lạnh hoặc mất cảm giác.;
  • Người bị thương có khó khăn trong việc thở hoặc mất ý thức.
Nghi bị gãy xương: Khi nào cần gọi cấp cứu?

Gọi cấp cứu ngay khi chấn thương khiến bạn khó chuyển động cơ thể

Tóm lại, gãy xương là tình trạng phổ biến, có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Mặt khác, nguyên nhân và dấu hiệu của gãy xương cũng rất đa dạng. Vì thế, hiểu rõ về chúng sẽ giúp bạn phòng tránh và xử lý tình trạng này một cách hiệu quả.

Đối với các vấn đề bất lợi xảy ra ở cơ xương khớp, bạn cần nhớ rằng “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Do đó, bên cạnh việc cải thiện chế độ dinh dưỡng, bạn cũng cần chú ý đến các biện pháp an toàn khác để giảm thiểu rủi ro gây ra gãy xương do tai nạn hoặc do vận động quá sức. Nếu nghi ngờ mình bị gãy xương, hoặc các bệnh về xương khớp hãy gọi ngay đến chuyên khoa Cơ xương khớp tại bệnh viện gần nhất để được thăm khám kịp thời.

5/5 - (1 bình chọn)
14:50 10/10/2023