Bị gãy xương nên ăn gì, kiêng gì để giảm đau, mau lành?

10/10/2023 Theo dỗi Nutrihome trên google news
Tư vấn chuyên môn bài viết
Chức Vụ: Trợ lý Giám đốc Y khoa
Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome

Bị gãy xương nên ăn gì?” là câu hỏi đầu tiên mà nhiều người quan tâm sau khi cơ thể gặp phải chấn thương xương nghiêm trọng. Để tối ưu hóa quá trình hồi phục, bạn không chỉ cần bổ sung dinh dưỡng đúng cách, mà còn phải tránh tiêu thụ những thực phẩm không tốt cho xương. Vậy, người bị gãy xương ăn gì mau lành? Đâu là danh sách các thực phẩm hại xương mà bạn cần kiêng cữ? Tất cả sẽ được Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome giải đáp ngay trong bài viết sau.

Bị gãy xương nên ăn gì, kiêng gì để giảm đau, mau lành?

Người bị gãy xương nên ăn gì và kiêng gì giúp xương mau lành?

Gãy xương là tình trạng mô xương bị tổn thương, gây nên một hoặc nhiều vết đứt gãy, ảnh hưởng đến tính liền mạch của xương. Gãy xương có thể diễn ra ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể và có thể biểu hiện qua nhiều mức độ nghiêm trọng khác nhau, từ các vết nứt nhỏ cho đến những vết đứt gãy hoàn toàn.

Chế độ dinh dưỡng tốt giúp nhanh liền xương

Khi một người bị gãy xương, cơ thể họ cần hấp thụ nhiều dưỡng chất hơn bình thường để phục hồi và tái tạo phần xương bị gãy. Lúc này, chế độ dinh dưỡng đóng một vai trò quan trọng trong việc:

  • Hỗ trợ quá trình tái tạo: Xương không chỉ là khoáng chất mà còn là mô sống, chứa protein, tế bào và các dây thần kinh. Do đó, việc bổ sung đủ dinh dưỡng giúp tăng cường sự tái tạo toàn vẹn của các mô khác nhau trong xương.
  • Tăng cường sức mạnh và khả năng chịu đựng của xương: Một chế độ dinh dưỡng tốt giúp tăng cường mật độ khoáng chất, giúp xương mạnh mẽ hơn và giảm nguy cơ tái gãy trong tương lai.
  • Hỗ trợ sức khỏe toàn diện: Gãy xương có thể ảnh hưởng đến khả năng vận động, sức mạnh cơ bắp và tinh thần. Một chế độ dinh dưỡng cân đối giúp cải thiện tình trạng sức khỏe toàn diện, giúp người bệnh phục hồi nhanh chóng.
Chế độ dinh dưỡng tốt giúp nhanh liền xương

Tiêu thụ một chế độ dinh dưỡng khoa học giúp xương tự chữa lành hiệu quả

Bị gãy xương nên ăn gì cho mau lành?

Người bị gãy xương nên ăn gì chứa nhiều vitamin B6, B9, B12, C, D3, K2, kali, canxi, phốt pho, sắt, magie, kẽm và protein. Cụ thể như sau:

STT Loại vitamin / Khoáng chất Lý do cần bổ sung Hàm lượng khuyến nghị trong 01 ngày (chí áp dụng trong giai đoạn chữa lành xương)
1 Canxi Là thành phần chính cấu tạo nên xương 1000 – 1200 mg
2 Phốt pho 1000 – 1200 mg
3 Vitamin D3 Giúp cơ thể tăng cường hấp thụ canxi 800 IU
4 Vitamin K2 Giúp cơ thể “gắn” canxi vào xương thay vì để canxi trôi nổi trong huyết thanh 45mcg
5 Vitamin C – Giúp tăng sinh collagen để kết nối các mô xương, sụn và khớp

– Giúp cơ thể tăng cường hấp thụ canxi

– Kích thích nguyên bào xương tăng trưởng

500mg
6 Protein Cung cấp amino axit để xây dựng và duy trì mô xương 1g / kg cơ thể
7 & 8 Sắt và Folate – Ngăn ngừa thiếu oxy do thiếu máu

– Cần thiết cho sự tăng trưởng, tăng sinh và biệt hóa của nguyên bào xương (osteoblasts)

Sắt: 18 – 30mg

Folate: 400mcg

9 Kali  

Thúc đẩy gia tăng mật độ khoáng chất xương

3000 – 4700 mg
10 Magie 400 – 800 mg
11 Kẽm Kích thích sự hình thành và khoáng hóa nguyên bào xương 25 – 50 mg
12 Vitamin B6 Làm chậm tốc độ hồi phục xương sau khi bị gãy 1300 – 1700 mg
13 Vitamin B12 Thúc đẩy gia tăng mật độ khoáng chất xương 2.4 mcg

1. Bị gãy xương nên ăn thực phẩm giàu canxi

Canxi chiếm 65 – 70% trọng lượng của xương và là thành phần chính cấu tạo xương. Trong xương, canxi tồn tại dưới dạng phức hợp hydroxyapatite [Ca₁₀(PO₄)₆(OH)₂], vừa đóng vai trò xây dựng cấu trúc cho xương, vừa giúp xương trở thành nơi dự trữ và trao đổi chất để duy trì nồng độ canxi trong huyết thanh.

Đặc biệt, nghiên cứu cho thấy, bổ sung 1200 mg canxi cùng với 800 IU vitamin D3 mỗi ngày trong vòng 18 tháng có thể làm giảm tỷ lệ gãy xương lên đến 41%. Do đó, bổ sung đầy đủ canxi là nguyên tắc dinh dưỡng đầu tiên mà người gãy xương cần tuân thủ. Để cung cấp đủ canxi cho cơ thể, bạn cần tăng cường tiêu thụ: sữa, chế phẩm từ sữa (sữa chua, phô mai, kem bơ,…), các loại rau lá xanh, hạt, đậu, ngũ cốc và thủy hải sản.

Bị gãy xương nên ăn gì cho mau lành? canxi

Tiêu thụ sữa, phô mai, sữa chua cùng các loại đậu và hạt là cách bổ sung canxi hiệu quả

2. Bị gãy xương nên ăn vừa phải thực phẩm giàu photpho

Tương tự như canxi, phốt pho cũng là một thành phần không thể thiếu để cấu thành nên phức hợp hydroxyapatite, giúp gia tăng mật độ khoáng chất trong xương, hỗ trợ bồi tụ mô xương mới, “trám” đầy vào vết nứt gãy. Do đó, người bệnh gãy xương nên ăn gì giàu phốt pho, chẳng hạn như: thịt nạc gia súc, gia cầm; thủy hải sản; các loại hạt, đậu,… để mô xương nhanh lành.

Tuy nhiên, bạn cần lưu ý không nên dung nạp quá mức thực phẩm giàu phốt pho. Nguyên nhân là vì trong cơ thể tồn tại một cơ chế cân bằng giữa nồng độ phốt pho và canxi trong máu. Việc ăn quá nhiều thực phẩm giàu phốt pho sẽ làm tăng nồng độ phốt pho trong huyết thanh, kích thích cơ thể tăng cường “rút ngược” canxi từ xương vào máu để cân bằng lại chỉ số phốt pho hiện có, khiến xương lâu lành hơn.

3. Gãy xương ăn thực phẩm nhiều vitamin D3 cho mau lành

Vitamin D3 giúp cơ thể tăng cường hấp thụ canxi từ thực phẩm, kích thích quá trình khoáng hóa ở xương; nhờ đó, hỗ trợ quá trình hồi phục xương. Khi không dung nạp đủ lượng vitamin D3 cần thiết, cơ thể sẽ có nguy cơ cao bị thiếu hụt canxi, hoặc không hoạt động hiệu quả trong việc sử dụng canxi để tái tạo xương, khiến xương chậm phục hồi.

Do đó, người bị gãy xương nên ăn gì giàu vitamin D3 để giúp xương mau lành. Một số thực phẩm giàu vitamin D3 tốt cho người bệnh gãy xương bao gồm:

  • Sữa và sản phẩm từ sữa: Sữa bò tách béo, sữa chua, phô mai, sữa công thức bổ sung vitamin D3,…
  • Dầu cá: Dầu cá hồi, dầu cá thu,…
  • Các loại cá béo: Cá hồi, cá mòi, cá saba, cá ngừ, cá trích, cá thu,…
  • Trứng: Lòng đỏ trứng gà, trứng vịt, trứng cút,…

4. Thực phẩm giàu vitamin K2

Vitamin K2 đóng vai trò quan trọng trong việc “điều hướng” canxi trong cơ thể, đảm bảo canxi được “vận chuyển” đến xương thay vì để canxi “trôi nổi” tự do trong mạch máu, gây xơ vữa thành mạch và làm tăng nguy cơ đột quỵ. Nhờ đó, bổ sung vitamin K2 thúc đẩy quá trình khoáng hóa xương, giúp xương tập trung phục hồi sau khi bị gãy. Một số thực phẩm giàu vitamin K2 tốt cho người gãy xương là: đậu nành lên men (natto), lươn, lòng đỏ trứng, trái bơ chín và các loại nấm.

gãy xương ăn gì mau lành, vitamin K

Vitamin K là vi chất không thể thiếu nếu bạn cần chữa lành xương

5. Thực phẩm chứa nhiều vitamin C

Xương được cấu thành chủ yếu từ các tinh thể hydroxyapatite (HA) đặt xen kẽ trong một ma trận collagen – mạng lưới những sợi protein giúp “khóa chặt” tinh thể HA vào xương. Nếu ví von HA là những viên “gạch” xây nên “ngôi nhà” xương, thì collagen chính xác là “vữa” kết dính, cung cấp cho xương độ độ cứng cáp cần thiết. Do đó, bên cạnh việc hỗ trợ xương tổng hợp HA, việc trợ giúp cơ thể tổng hợp collagen trong mô liên kết xương cũng là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng, giúp xương mau chóng phục hồi sau khi bị gãy.

Theo nghiên cứu, bổ sung vitamin C là là cách đẩy nhanh quá trình tái tạo collagen để chữa lành xương hiệu quả. Để bổ sung vitamin C, người bị gãy xương nên ăn rau lá xanh hoặc hoa quả có vị chua tự nhiên, chẳng hạn như: cam, chanh, quýt, bưởi, quất, kiwi, việt quất, dâu tây,…

6. Gãy xương nên ăn thực phẩm giàu protein

Xương được cấu tạo từ 4 loại tế bào chuyên biệt, sắp xếp nằm gọn trong một ma trận khoáng hóa, bao gồm:

  • Nguyên bào tạo xương (osteoblast);
  • Tế bào hủy xương (osteoclast);
  • Cốt bào (osteocyte);
  • Tế bào liên kết (lining cells).

Cùng với nhau, 4 loại tế bào này tạo thành chất nền protein (the bone protein matrix – TBPM), chiếm khoảng 50% thể tích và 30% khối lượng của xương. Lớp nền TBPM trải qua quá trình tái cấu trúc liên tục; do đó, cần cung cấp đủ axit amin để hỗ trợ tiến trình tăng sinh mô và duy trì mật độ xương trong suốt cuộc đời.

Để bổ sung axit amin, bạn cần tăng cường tiêu thụ thực phẩm giàu đạm (protein). Bởi lẽ, vào hệ tiêu hóa, protein sẽ được các enzyme trong ruột phân giải thành các axit amin cho xương sử dụng. Một số thực phẩm giàu protein tốt cho người bệnh gãy xương gồm: thịt nạc gia súc, thịt gia cầm bỏ da, trứng, sữa tách béo, sữa chua, thủy hải sản và các loại đậu.

7. Người bị gãy xương nên ăn thực phẩm giàu chất sắt

Nghiên cứu cho thấy, xương đặc biệt nhạy cảm với sự dao động của nồng độ sắt trong cơ thể, vì cả tình trạng thiếu sắt và quá tải sắt đều làm giảm mật độ khoáng, khiến xương dễ gãy. Thiếu sắt gây thiếu máu, khiến tế bào xương không nhận đủ lượng oxy cần thiết để chữa lành vết nứt. Trong khi đó, thừa sắt thúc đẩy tế bào hủy xương (osteoclast) hoạt động quá mức, gây thoái hóa xương.

Do đó, người bị gãy xương nên ăn gì chứa sắt ở một hàm lượng vừa phải (18 – 30mg / ngày) để đảm bảo cho tế bào tạo xương (osteoblast) tăng trưởng bền vững. Một số thực phẩm giàu sắt, tốt cho xương bao gồm: thịt đỏ (không mỡ), lòng đỏ trứng, rau lá có màu xanh đậm (cải bó xôi, cải xoăn, rau muống, bông cải xanh…), các loại ngũ cốc nguyên hạt, đậu và hạt.

Người bị gãy xương nên ăn thực phẩm giàu chất sắt

Người bị gãy xương chỉ nên tiêu thụ vừa phải thực phẩm giàu chất sắt

8. Thực phẩm giàu kali tốt cho người bị gãy xương

Theo nghiên cứu, tiêu thụ thực phẩm giàu muối kali giúp bảo vệ sức khỏe của xương bằng cách ức chế quá trình bài tiết canxi từ xương vào máu; nhờ đó, bảo toàn mật độ khoáng chất và ngăn ngừa sớm các dấu hiệu loãng xương. Đối với người vừa bị gãy xương, tiêu thụ thực phẩm giàu kali hỗ trợ quá trình chữa lành diễn ra trọn vẹn, rút ngắn thời gian nghỉ dưỡng. Một số thực phẩm giàu kali tốt cho người bị gãy xương gồm: quả bơ, khoai lang, chuối, khoai tây, dưa hấu, cải bó xôi, nước dừa, các loại đậu,…

9. Người gãy xương nên ăn thực phẩm giàu magie

Theo nghiên cứu, thiếu magiê có thể ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến xương, cụ thể như sau:

  • Trực tiếp: Thiếu magiê thúc đẩy gia tăng số lượng các nguyên bào hủy xương (osteoclast), giảm số lượng tế bào tạo xương (osteoblast); từ đó, gây giảm độ cứng của xương;
  • Gián tiếp: Thiếu magiê ảnh hưởng đến việc điều tiết hóc-môn tuyến giáp PTH, đồng thời làm giảm hiệu suất hấp thụ vitamin D ở ruột, thúc đẩy tình trạng viêm ở mô xương, gây thoái hóa xương.

Do đó, để rút ngắn quá trình phục hồi, người bị gãy xương nên ăn gì chứa nhiều magiê, chẳng hạn như: cải bó xôi, quả bơ chín, sô cô la đen, hạt hạnh nhân, hạt điều, hạt bí ngô, chuối, các loại đậu và rau là xanh.

10. Thực phẩm nhiều kẽm

Người bị gãy xương nên ăn gì chứa nhiều kẽm bởi loại khoáng chất này thúc đẩy gia tăng nhiều thành phần protein có lợi trong xương, bao gồm: albumin, IGF-I và TGF-β1,… Từ đó, bổ sung kẽm kích thích sự hình thành nguyên bào xương, góp phần gia tăng tốc độ khoáng hóa và giúp xương mau lành. Một số thực phẩm giàu kẽm tốt cho xương bao gồm: thủy hải sản có vỏ (hàu, hến, nghêu,…), sô cô la đen, thịt đỏ, sữa, trứng, phô mai, các loại hạt, đậu và ngũ cốc nguyên hạt.

11. Thực phẩm giàu folate

Thiếu folate (vitamin B9) làm gia tăng nồng độ hóc-môn homocysteine trong huyết thanh, ức chế hoạt động khoáng hóa của nguyên bào xương, khiến xương lâu lành, suy yếu và dễ tái gãy. Do đó, người bị gãy xương nên ăn gì chứa nhiều folate để điều hòa lại nồng độ homocysteine, giúp xương nhanh lành, chẳng hạn như: măng tây, cải bó xôi, bông cải xanh, lòng đỏ trứng, đậu Hà Lan, đậu lăng, chuối, cam, quả bơ chín,…

người bị gãy xương nên ăn gì, folate

Người bị gãy xương nên ăn gì chứa nhiều folate để kích thích xương mau lành

12. Thực phẩm chứa nhiều vitamin B6

Tương tự như folate, thiếu hụt vitamin B6 cũng làm gia tăng nồng độ hóc môn homocysteine, phá vỡ các chuỗi collagen liên kết ngang trong ma trận protein của xương, khiến xương bị suy yếu và lâu lành. Do đó, người bị gãy xương nên ăn gì giàu vitamin B6 để khôi phục lại ma trận collagen trong xương, chẳng hạn như: sữa, cá hồi, cá ngừ, trứng, thịt nạc bò, chuối, các loại hạt, đậu và rau củ.

13. Thực phẩm giàu vitamin B12 giúp xương mau lành

Tương tự như folate và vitamin B6, thiếu hụt vitamin B12 cũng làm tăng nồng độ homocysteine, gây sụt giảm khối lượng xương, suy yếu vi cấu trúc, khiến xương giòn và dễ gãy. Tuy nhiên, bổ sung vitamin B12 chỉ an toàn khi bạn tiêu thụ dưới 5 mcg vitamin B12 / ngày. Nguyên nhân là vì theo nghiên cứu, bổ sung trên 30 mcg vitamin B12 / ngày có thể làm tăng 25% nguy cơ gãy xương trong khoảng thời gian theo dõi 30 năm, so với việc chỉ tiêu thụ ít hơn 5 mcg / ngày.

Do đó, người bị gãy xương nên ăn gì chứa một hàm lượng vừa phải vitamin B12, thay vì hấp thụ loại vitamin này quá nhiều. Một số thực phẩm chứa hàm lượng vitamin B12 vừa phải, tốt cho xương bao gồm: trứng, sữa, cá hồi, thịt đỏ, phô mai, thịt gà, cá ngừ, nấm hương, rong biển, ngũ cốc nguyên hạt, sữa đậu nành,…

12 thực phẩm tốt cho người gãy xương, giúp xương nhanh lành

Người bị gãy xương ăn gì mau lành? Để trả lời câu hỏi này, bạn hãy tham khảo ngay danh sách 12 loại thực phẩm tốt cho người gãy xương, được nhiều chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo như sau:

1. Các sản phẩm từ sữa là thực phẩm tốt cho người bị gãy xương

Bị gãy xương nên ăn gì cho mau lành? Câu trả lời chính là sữa và các chế phẩm từ sữa. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, sữa và các chế phẩm liên quan là nhóm thực phẩm giàu canxi và vitamin D – hai chất dinh dưỡng quan trọng cần thiết để duy trì sức khỏe xương. Cụ thể:

  • Canxi: Giúp cung cấp nguyên liệu cần thiết để xây dựng và duy trì độ cứng của xương;
  • Vitamin D: Giúp cơ thể hấp thụ canxi từ đường tiêu hóa.

Vì vậy, sữa và các sản phẩm từ sữa (sữa chua, phô mai,…) thường được khuyến nghị là thực phẩm tốt cho người bị gãy xương, giúp xương mau lành.

2. Các sản phẩm từ đậu nành là thực phẩm giúp nhanh liền xương

Đậu nành và các chế phẩm từ đậu nành chứa nhiều isoflavones, một loại phytoestrogen tự nhiên. Theo nghiên cứu, isoflavones có khả năng kích thích nguyên bào tạo xương (osteoblast), ức chế tế bào hủy xương (osteoclast), từ đó thúc đẩy quá trình chữa lành, giúp bạn nhanh liền xương.

Ngoài ra, các chế phẩm từ đậu nành cũng chứa nhiều vitamin B6, B9, B12, protein, magiê, kali,… giúp tăng cường mật độ khoáng của xương. Vì thế, đậu nành và các chế phẩm liên quan có thể được xem là thực phẩm tốt cho người gãy xương mà bạn không nên bỏ lỡ.

Các sản phẩm từ đậu nành là thực phẩm giúp nhanh liền xương

Đậu nành chứa nhiều isoflavones, thúc đẩy nguyên bào xương chữa lành vết nứt gãy

3. Hạt bí

Hạt bí chứa nhiều magiê, một khoáng chất quan trọng giúp tăng cường sự hấp thụ canxi, khoáng chất thiết yếu cho quá trình hình thành xương. Ngoài ra, hạt bí cũng giàu kẽm, một vi chất thúc đẩy quá trình tái tạo của xương bằng cách gia tăng sự hiện diện của:

  • IGF-I (Insulin-like Growth Factor I): Một protein tăng trưởng giúp kích thích nguyên bào tạo xương (osteoblasts) tạo ra mô xương mới, giúp mau liền xương.
  • TGF-β1 (Transforming Growth Factor-beta 1): Một protein ảnh hưởng đến cả nguyên bào tạo xương (osteoblasts) và tế bào hủy xương (osteoclasts), giúp cân bằng quá trình tái tạo xương.

Tóm lại, hạt bí là thức ăn tốt cho người gãy xương thông qua nhiều cơ chế sinh học khác nhau, giúp xương nhanh lành, cứng cáp và giảm tỷ lệ tái gãy.

4. Các loại hạt

Các loại hạt giàu canxi, magiê, và photpho – những khoáng chất cần thiết cho việc hình thành và duy trì xương chắc khỏe. Chúng cũng chứa nhiều protein, giúp tái tạo mô xương, cùng hàm lượng cao các chất chống oxy hóa như E vitamin và selen, giúp bảo vệ tế bào xương khỏi sự tấn công của gốc tự do gây viêm. Nhờ sự kết hợp của nhiều dưỡng chất khác nhau, các loại hạt đích thực là thực phẩm giúp nhanh liền xương hiệu quả, được nhiều chuyên gia dinh dưỡng dinh dưỡng khuyến nghị bạn tiêu thụ trong khi chờ xương phục hồi.

5. Ớt chuông

Ớt chuông chứa một hàm lượng vitamin C nhiều gấp 1.5 lần quả cam. Vitamin C là một chất chống oxy hóa mạnh mẽ, giúp cơ thể tăng sinh collagen, một protein cần thiết cho việc hàn gắn và tái tạo mô xương. Bên cạnh đó, ớt chuông cũng chứa nhiều vitamin K, hỗ trợ cơ thể điều hướng “gắn” canxi vào xương, giúp xương nhanh liền.

6. Đậu đen

Đậu đen cung cấp nhiều khoáng chất quan trọng như canxi, magiê, và photpho, hỗ trợ sự hình thành và bảo vệ xương. Hơn nữa, sự cân bằng giữa canxi và magiê trong đậu đen giúp tối ưu hóa hấp thụ và sử dụng canxi cho xương. Vì vậy, người bị gãy xương nên ăn đậu đen để giúp xương phục hồi nhanh chóng sau khi gãy.

7. Thịt nạc là thực phẩm tốt cho người gãy xương

Thịt nạc là nguồn cung cấp protein chất lượng cao, chứa đủ cả 9 loại axit amin thiết yếu mà cơ thể cần để tái tạo collagen trong xương, giúp tăng cường quá trình “hàn” xương. Bên cạnh đó, thịt nạc cũng chứa nhiều khoáng chất quan trọng như kẽm, phốt pho và magiê, có thể chữa lành xương theo nhiều cơ chế khác nhau, hỗ trợ xương hồi phục toàn diện.

Thịt nạc là thực phẩm tốt cho người gãy xương

Thịt nạc cung cấp nhiều axit amin thiết yếu giúp tế bào xương tăng trưởng mạnh mẽ

8. Cá béo tốt cho người bị gãy xương

Các loại cá béo như cá hồi, cá mòi, và cá saba chứa axit béo omega-3, một chất chống viêm tự nhiên giúp giảm sưng và đau ở vùng xương bị gãy. Bên cạnh đó, cá béo còn là nguồn cung cấp protein dồi dào, giúp tái tạo mô xương. Đặc biệt, nhiều loại cá béo còn chứa nhiều vitamin D3, giúp tăng cường hấp thụ canxi từ đường tiêu hóa, cần thiết cho quá trình phục hồi mật độ khoáng của xương. Với tất cả những lợi ích thiết thực kể trên, tiêu thụ cá béo hoàn toàn có thể hỗ trợ xương hồi phục nhanh hơn sau khi bị gãy.

9. Cải xoăn (kale)

Cải xoăn là nguồn giàu vitamin K, một loại vitamin quan trọng giúp điều chỉnh sự cân bằng giữa nguyên bào tạo xương (osteoblasts) và tế bào hủy xương (osteoclasts), hỗ trợ quá trình phục hồi phục. Ngoài ra, cải xoăn cũng chứa nhiều chất chống oxy hóa và các chất chống viêm, chẳng hạn như flavonoids, glucosinolates,… giúp giảm sưng đau sau chấn thương, rất phù hợp để bổ sung vào chế độ ăn của người bị gãy xương.

10. Trứng là thức ăn tốt cho người gãy xương

Trứng được xem là một nguồn “dinh dưỡng hoàn hảo” cho xương. Bởi lẽ, trong trứng chứa đủ cả 13 loại vitamin và khoáng chất cần thiết để xương phát triển và phục hồi một cách toàn diện, trong đó bao gồm: vitamin nhóm B6, B9, B12, C, D3, K2, kali, canxi, phốt pho, sắt, magie, kẽm và protein. Không những thế, trứng còn chứa nhiều chất chống oxy hóa như lutein và zeaxanthin, giúp bảo vệ tế bào xương khỏi bị hư hại do sự tấn công gốc tự do, có thể làm chậm tiến trình phục hồi sau khi gãy.

11. Nho

Nho chứa các chất chống oxy hóa mạnh mẽ như axit phenolics, flavonoids và tanins, giúp giảm viêm và bảo vệ tế bào xương. Đặc biệt, resveratrol, một hợp chất trong nho, đã được nghiên cứu cho thấy khả năng tăng cường mật độ khoáng chất trong xương, đồng thời làm giảm sự thoái hóa tự nhiên xương, giúp xương mau lành.

12. Mùi tây

Mùi tây có nhiều vitamin K. Theo các chuyên gia, vitamin K có thể phát huy tác dụng chữa lành xương theo nhiều cách khác nhau, bao gồm: thúc đẩy quá trình biệt hóa nguyên bào xương, điều chỉnh tăng cường phiên mã các gen cụ thể trong nguyên bào xương và kích hoạt các protein liên quan đến xương. Nhờ đó, tiêu thụ mùi tây hỗ trợ quá trình khoáng hóa ma trận ngoại bào xương, giúp xương nhanh lành và giảm thiểu nguy cơ tái gãy.

bị gãy xương nên ăn gì cho mau lành, rau mùi

Rau mùi tây chứa nhiều vitamin K, giúp cơ thể “gắn” chặt canxi vào xương

Bị gãy xương kiêng ăn gì để mau liền?

Người bị gãy xương nên kiêng ăn gì chứa nhiều muối, đường, cồn, caffeine và chất béo bão hòa. Cụ thể:

1. Bị gãy xương kiêng ăn thức ăn mặn

Khi ăn nhiều thức ăn mặn, cơ thể sẽ tăng sự bài tiết canxi qua nước tiểu, làm giảm lượng canxi trong cơ thể. Thiếu hụt canxi có thể làm chậm quá trình hàn gắn xương và cản trở sự phục hồi sau khi bị gãy xương. Do đó, để tối ưu hóa quá trình hồi phục xương, bạn nên hạn chế việc tiêu thụ muối xuống dưới mức 5g / ngày. Một số thực phẩm mặn (chứa nhiều muối) bạn cần kiêng trong quá trình chờ xương hồi phục bao gồm:

  • Thực phẩm đóng hộp: Mì gói, pate, cá sốt cà, hoa quả ngâm,…
  • Thực phẩm chế biến sẵn: Đồ ăn nhanh, lạp xưởng, xúc xích, thịt xông khói,…
  • Thực phẩm ngâm qua đêm: Dưa muối, kim chi, các loại mắm,…

2. Bị gãy xương không nên ăn đồ ngọt

Nghiên cứu cho thấy, tiêu thụ nhiều đường làm gia tăng đáng kể lượng canxi bài tiết qua nước tiểu. Vì 99% lượng canxi trong cơ thể nằm ở xương nên sự gia tăng bài tiết canxi này phản ánh sự đào thải canxi từ xương. Ngoài việc làm suy giảm canxi, đường tinh luyện còn làm mất đi lượng magie dự trữ trong cơ thể, khiến xương chậm phục hồi. Do đó, bị gãy xương kiêng ăn gì chứa nhiều đường (bánh kẹo ngọt, nước giải khát chứa đường,…) chính là nguyên tắc dinh dưỡng quan trọng mà bạn không nên bỏ qua.

3. Gãy xương nên kiêng thực phẩm chứa cồn

Tiêu thụ thực phẩm chứa cồn có thể làm tăng nồng độ cortisol, một loại hormone gây căng thẳng trong cơ thể, từ đó ngăn cản nguyên bào xương tăng sinh mô mới để chữa lành vết nứt gãy, khiến xương lâu lành. Do đó, người bị gãy xương không nên ăn gì hoặc uống gì chứa nhiều cồn, chẳng hạn như: rượu bia, rau củ lên men, trái cây lên men, cơm rượu,… để bảo vệ sức khỏe xương.

4. Cà phê và trà đặc

Cà phê và trà đặc chứa nhiều caffeine. Nghiên cứu cho thấy, tiêu thụ caffeine thúc đẩy gia tăng bài tiết canxi, ức chế sự tăng sinh nguyên bào xương và có thể làm chậm quá trình sửa chữa mô xương đến 40%. Vì thế, người bị gãy xương nên ăn gì chứa ít hoặc không chứa caffeine để giúp xương nhanh lành sau khi bị gãy.

5. Hạn chế ăn đồ chiên xào, nhiều dầu mỡ

Đồ chiên xào thường chứa nhiều chất béo bão hòa. Theo nghiên cứu, tiêu thụ nhiều chất béo bão hòa có thể làm suy yếu mật độ khoáng chất, khiến xương lâu lành. Tác động này đặc biệt ảnh hưởng nhiều hơn đến nam giới dưới 50 so với những đối tượng khác. Do đó, người bị gãy xương nên ăn gì ít dầu mỡ, đặc biệt là mỡ công nghiệp và mỡ gia súc hoặc gia cầm.

gãy xương kiêng ăn gì, Hạn chế ăn đồ chiên xào, nhiều dầu mỡ

Người bị gãy xương kiêng ăn gì chứa nhiều dầu mỡ giúp xương nhanh lành

Một số lưu ý trong chế độ chăm sóc và phục hồi sau gãy xương

Khi bị gãy xương, việc chăm sóc và phục hồi đúng cách là rất quan trọng. Chăm sóc đúng cách sau khi gãy xương giúp tối ưu hóa quá trình hồi phục và phòng ngừa các biến chứng tiềm ẩn. Dưới đây là một số điểm quan trọng mà bạn cần lưu ý khi chăm sóc xương:

1. Tuân thủ chỉ định của bác sĩ

  • Cố định xương: Bảo vệ và cố định vị trí của xương theo chỉ định từ bác sĩ bằng cách sử dụng băng, nẹp (nạn) để đảm bảo rằng xương được giữ yên đúng hướng và đúng vị trí.
  • Tái khám định kỳ: Nhằm theo dõi tiến trình hồi phục, kiểm soát biến chứng và điều chỉnh đơn thuốc hoặc nẹp gia cố xương (nếu cần).
  • Uống thuốc theo chỉ định: Giúp bạn kháng viêm, giảm đau và ngăn ngừa biến chứng.

2. Chế độ dinh dưỡng

  • Bổ sung đầy đủ vi chất quan trọng, đặc biệt là canxi, phốt pho, vitamin D3 và K2;
  • Hạn chế cafein, muối, đường và rượu bia.

3. Vận động và vật lý trị liệu

  • Thực hiện bài tập theo chỉ dẫn của bác sĩ hoặc nhân viên vật lý trị liệu;
  • Tránh áp đặt quá nhiều lực lên xương gãy, theo đuổi những bài tập quá khó;
  • Tăng cường vận động từ nhẹ đến vừa khi xương bắt đầu liền lại.

4. Điều hòa tâm lý

  • Hiểu rằng quá trình điều trị gãy xương là một hành trình dài, tránh tâm lý nôn nóng, mong “đốt cháy” giai đoạn trong khi chờ xương tự chữa lành;
  • Tìm kiếm sự hỗ trợ tinh thần từ gia đình, bạn bè hoặc chuyên viên y tế để tâm trí luôn thư giãn, kết nối và tích cực.
Một số lưu ý trong chế độ chăm sóc và phục hồi sau gãy xương

Người bị gãy xương nên thường xuyên tái khám theo chỉ định của bác sĩ

Tóm lại, chăm sóc xương sau khi gãy không chỉ dừng lại ở việc cố định xương, tái khám và uống thuốc theo chỉ định mà còn cần phải điều chỉnh chế độ ăn uống sao cho hợp lý. Bằng cách lựa chọn thực phẩm bổ dưỡng và tránh được những thực phẩm không tốt, bạn có thể tăng cường tốc độ phục hồi, đồng thời giảm thiểu nguy cơ xảy ra các biến chứng sưng, viêm gây đau đớn.

Trên đây là những lưu ý quan trọng về chế độ chăm sóc đặc biệt dành cho người bị gãy xương. Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn hiểu rõ bị gãy xương nên ăn gì, kiêng gì để lựa chọn được thực phẩm phù hợp. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến chủ đề bị gãy xương nên ăn gì, bạn hãy nhanh tay liên hệ đến Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome theo số hotline 1900 633 599 để được tư vấn kịp thời. Chúc bạn mau chóng hồi phục!

5/5 - (1 bình chọn)
16:23 07/12/2023
Nguồn tham khảo
  1. Wang, J., Chen, L., Zhang, Y., Li, C. G., Zhang, H., Wang, Q., Qi, X., Qiao, L., Da, W. W., Cui, X. J., Lu, S., Wang, Y. J., & Shu, B. (2019). Association between serum vitamin B6 concentration and risk of osteoporosis in the middle-aged and older people in China: a cross-sectional study. BMJ open9(7), e028129. https://doi.org/10.1136/bmjopen-2018-028129
  2. Supplementation with vitamin D3 and calcium prevents hip fractures in elderly women. (1993). Nutrition reviews51(6), 183–185. https://doi.org/10.1111/j.1753-4887.1993.tb03099.x
  3. Increased potassium intake may strengthen bones. (n.d.). NUTRI-FACTS. https://www.nutri-facts.org/en_US/news/articles/increased-potassium-intake-may-strengthen-bones.html
  4. Rondanelli, M., Faliva, M. A., Tartara, A., Gasparri, C., Perna, S., Infantino, V., Riva, A., Petrangolini, G., & Peroni, G. (2021). An update on magnesium and bone health. Biometals : an international journal on the role of metal ions in biology, biochemistry, and medicine34(4), 715–736. https://doi.org/10.1007/s10534-021-00305-0
  5. Li, Z., Zheng, R., Xue, H., & Zhu, H. (2022). Vitamin B12 as a novel risk biomarker of spinal fractures. Medicine101(45), e30796. https://doi.org/10.1097/MD.0000000000030796
  6. Castelo-Branco, C., & Cancelo Hidalgo, M. J. (2011). Isoflavones: effects on bone health. Climacteric : the journal of the International Menopause Society14(2), 204–211. https://doi.org/10.3109/13697137.2010.529198
  7. Wong, R. H., Thaung Zaw, J. J., Xian, C. J., & Howe, P. R. (2020). Regular Supplementation With Resveratrol Improves Bone Mineral Density in Postmenopausal Women: A Randomized, Placebo-Controlled Trial. Journal of bone and mineral research : the official journal of the American Society for Bone and Mineral Research35(11), 2121–2131. https://doi.org/10.1002/jbmr.4115
  8. Nguyen, N. U., Dumoulin, G., Henriet, M. T., & Regnard, J. (1998). Effects of i.v. insulin bolus on urinary calcium and oxalate excretion in healthy subjects. Hormone and metabolic research = Hormon- und Stoffwechselforschung = Hormones et metabolisme30(4), 222–226. https://doi.org/10.1055/s-2007-978870