Chế độ ăn và thực đơn cho người suy tim cho từng giai đoạn

10/10/2023 Theo dỗi Nutrihome trên google news
Tư vấn chuyên môn bài viết
Chức Vụ: Trợ lý Giám đốc Y khoa
Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome

Cùng với các phương pháp điều trị y khoa thì việc xây dựng thực đơn cho người suy tim cũng góp phần quan trọng giúp kéo dài tuổi thọ cho người bệnh. Vậy, chế độ ăn cho người suy tim được xây dựng dựa trên nguyên tắc nào? Người mắc bệnh suy tim nên ăn gì và kiêng gì? Mời bạn cùng tìm hiểu những thông tin cơ bản về thực đơn cho người bệnh suy tim được các chuyên gia dinh dưỡng tại Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome gợi ý trong bài viết sau đây.

Thực đơn cho người suy tim cho từng giai đoạn và chế độ ăn

Vì sao người bệnh suy tim cần xây dựng chế độ dinh dưỡng chuyên biệt?

Tại sao cần xây dựng thực đơn cho người suy tim?

Chúng ta cần xây dựng chế độ ăn cho người suy tim vì:

  • Giúp giảm triệu chứng, cải thiện chất lượng sống: Duy trì chế độ ăn uống hợp lý có thể hỗ trợ làm giảm các triệu chứng bệnh suy tim như khó thở, phù nề, mệt mỏi…. từ đó, chất lượng cuộc sống của người bệnh sẽ được cải thiện đáng kể.
  • Kiểm soát và làm chậm sự tiến triển của bệnh: Xây dựng chế độ dinh dưỡng chuyên biệt phù hợp với từng giai đoạn có thể hỗ trợ kiểm soát và làm chậm sự tiến triển của bệnh bằng cách duy trì cân nặng khỏe mạnh, điều chỉnh huyết áp tối ưu, kiểm soát lượng đường và cholesterol trong máu….
  • Hỗ trợ kéo dài tuổi thọ: Theo thống kê, khoảng 50% người bệnh suy tim có thể duy trì sự sống thêm 5 năm và chỉ 35% trường hợp trong số đó kéo dài đến 10 năm. Do đó, theo các chuyên gia dinh dưỡng, điều chỉnh chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân suy tim cần được thực hiện song song với phác đồ điều trị để bảo vệ sức khỏe tối ưu; từ đó, hỗ trợ kéo dài tuổi thọ cho người bệnh.

Do đó, điều chỉnh chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân suy tim cần được thực hiện song song với phác đồ điều trị để giúp cải thiện triệu chứng, kiểm soát tình trạng bệnh và hỗ trợ kéo dài tuổi thọ cho người bệnh.

Tại sao cần xây dựng thực đơn cho người suy tim?

Chế độ dinh dưỡng kém lành mạnh là nguyên nhân phổ biến làm gia tăng nguy cơ tử vong ở người bệnh suy tim

Chế độ ăn cho bệnh nhân suy tim là gì?

Chế độ ăn cho bệnh nhân suy tim là thực đơn dinh dưỡng chuyên biệt phù hợp với từng giai đoạn bệnh. Chế độ ăn suy tim cần dựa trên một số nguyên tắc dinh dưỡng như sau:

1. Hạn chế muối và các thực phẩm giàu natri

Natri là khoáng chất có nhiều trong muối và các loại thực phẩm quen thuộc. Dung nạp nhiều muối và thực giàu natri sẽ khiến cơ thể tích nhiều nước, làm tăng huyết áp và thể tích máu; từ đó, gây áp lực lên hệ tim mạch. Do đó, để hỗ trợ tối ưu hiệu quả điều trị bệnh, bạn cần hạn chế muối và các nguyên liệu giàu natri trong thực đơn cho người suy tim.

Nguyên tắc giảm natri tùy thuộc vào mức độ suy tim của người bệnh. Theo khuyến nghị, người mắc bệnh suy tim không nên dung nạp nhiều hơn 2.000 mg natri / ngày và dưới 1.500 mg / ngày được xem là mức tiêu thụ natri lý tưởng. Trong trường hợp bệnh suy tim ở giai đoạn cuối, người bệnh cần ăn nhạt hoàn toàn (không nhất thiết phải bổ sung thêm muối trong chế độ ăn) để bảo vệ sức khỏe và giảm thiểu nguy cơ tử vong.

Chế độ ăn cho bệnh nhân suy tim là gì? hạn chế muối

Người bệnh suy tim cần hạn chế tiêu thụ muối và thực phẩm giàu natri để bảo vệ sức khỏe tối ưu

2. Tăng cường thực phẩm giàu chất xơ

Chất xơ đóng góp nhiều lợi ích cho sức khỏe hệ tim mạch như kiểm soát huyết áp, hỗ trợ làm giảm cholesterol trong máu và duy trì cân nặng khỏe mạnh. Theo khuyến nghị, 25 – 35 g là lượng chất xơ mà cơ thể cần tiêu thụ mỗi ngày ở mọi người và điều này đặc biệt quan trọng đối với người mắc bệnh suy tim. Để bổ sung đủ lượng chất xơ cần thiết, thực đơn cho người suy tim cần ưu tiên chọn các loại ngũ cốc, rau xanh, trái cây….

3. Tăng cường kali trong khẩu phần ăn

Chế độ ăn của bệnh nhân suy tim cần bổ sung kali để ngăn ngừa tình trạng hạ kali máu thông qua các loại thực phẩm giàu như bông cải xanh, quả bơ, chuối… Bởi vì, tình trạng hạ kali trong máu có thể gây giảm sức bóp của cơ tim, nhịp tim đập chậm hoặc nhanh xoắn đỉnh (nguyên nhân phổ biến dẫn đến ngừng tim). Đồng thời,

Ngoài ra, trong quá trình điều trị suy tim, bác sĩ có thể sẽ chỉ định người bệnh sử dụng thuốc lợi tiểu nên lượng kali trong cơ thể bị giảm thiểu đáng kể. Do đó, trong khẩu phần ăn hàng ngày của người bệnh suy tim cần bổ sung thêm thực phẩm giàu khoáng chất này.

4. Hạn chế chất béo và thực phẩm sinh hơi

Dung nạp dư thừa chất béo xấu (chất béo bão hòa, cholesterol và chất béo chuyển hóa) có thể làm tăng cholesterol xấu, khiến cho mạch máu bị thu hẹp, gây ra tình trạng tắc nghẽn động mạch. Khi đó, cơ thể phải đối mặt với nguy cơ tăng huyết áp và các vấn đề về tim cũng như thúc đẩy quá trình tiến triển của bệnh suy tim.

Do đó, thực đơn cho người suy tim cần hạn chế các loại thịt đỏ, thức ăn nhanh, mỡ động vật, thịt hộp…. Ngoài ra, để cải thiện triệu chứng khó thở, người mắc bệnh suy tim cũng cần hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm gây đầy hơi, chướng bụng và thức ăn lên men như rau họ cải, đậu lăng, dưa cải muối….

5. Kiểm soát lượng nước

Suy tim thúc đẩy tái hấp thu natri và nước ở thận, từ đó làm tăng thể tích dịch ngoại bào, dẫn đến tình trạng phù nề. Theo nghiên cứu, người bệnh suy tim chỉ nên nạp khoảng 30 ml chất lỏng / kg / ngày để bảo vệ sức khỏe và hạn chế hiện tượng phù nề, khó thở. Ví dụ, người bệnh suy tim nặng 50 kg cần nạp không quá 1.500 ml chất lỏng mỗi ngày. Lưu ý, lượng chất lỏng này bao gồm việc ăn và uống các loại chất lỏng trong ngày điển hình như nước lọc, sữa, nước ép trái cây, cháo, súp….

6. Duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), một người được đánh giá có cân nặng khỏe mạnh khi chỉ số BMI đạt trong khoảng 18.5 – 24.9, và tối ưu là dưới 23. Công thức tính BMI = cân nặng / (chiều cao x chiều cao). Người bệnh suy tim cần đảm bảo duy trì cân nặng khỏe mạnh để có thể kiểm soát huyết áp, cholesterol trong cơ thể cũng như các vấn đề về sức khỏe khác liên quan đến thừa cân, béo phì. Để duy trì cân nặng khỏe mạnh, trong thực đơn cho người suy tim nên ưu tiên chọn các loại thực phẩm chứa nhiều chất xơ; hạn chế đường và chất béo xấu.

chế độ ăn suy tim, Duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh

Duy trì cân nặng khỏe mạnh giúp người bệnh suy tim hạn chế biến chứng và cải thiện chất lượng sống tối ưu

Nhu cầu dinh dưỡng của bệnh nhân suy tim

Bệnh suy tim được chia thành 4 giai đoạn chính, bao gồm suy tim cấp độ 1 và cấp độ 2 (suy tim nhẹ), suy tim cấp độ 3 và cấp độ 4 (suy tim nặng). Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân suy tim cần được điều chỉnh tương ứng với từng giai đoạn tiến triển của bệnh, để hỗ trợ nâng cao chất lượng cuộc sống và hạn chế nguy cơ xảy ra biến chứng.

1. Suy tim cấp độ 1, 2

Người bệnh suy tim cấp độ 1 và cấp độ 2 có nhu cầu dinh dưỡng tương ứng như sau:

  • Năng lượng: Khoảng 30 Kcal / kg / ngày;
  • Chất đạm: Tiêu thụ từ 1 – 1.2 g / kg / ngày;
  • Chất béo: Dung nạp từ 15 – 20% trên tổng năng lượng nạp vào cơ thể;
  • Hạn chế natri: Tiêu thụ dưới 2000 mg / ngày (tương đương với 5 g muối / ngày);
  • Kali: Tiêu thụ khoảng 4000 – 5000 mg / ngày;
  • Bổ sung đủ vitamin: Từ rau củ, trái cây tươi, đặc biệt là thực phẩm giàu vitamin nhóm B.

2. Suy tim cấp độ 3

Ở giai đoạn 3, người bệnh suy tim cần đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng như sau:

  • Năng lượng: Khoảng 30 Kcal / kg / ngày;
  • Chất đạm: Tiêu thụ khoảng 1 g / kg / ngày;
  • Chất béo: Dung nạp khoảng 15 – 20% trên tổng năng lượng nạp vào cơ thể.
  • Hạn chế natri: Tiêu thụ dưới 1600 mg / ngày (tương đương với khoảng 4 g muối);
  • Kali: Tiêu thụ khoảng 4000 – 5000 mg / ngày;
  • Bổ sung đủ vitamin: Từ rau củ, trái cây tươi, đặc biệt là thực phẩm giàu vitamin nhóm B;
  • Lượng nước nạp vào khi có hiện tượng phù được ước tính theo công thức như sau: Lượng nước tiểu của cả ngày trước đó + lượng dịch mất đi do sốt, nôn ói, tiêu chảy… + khoảng 300 – 500 ml.

3. Suy tim cấp độ 4

Người bệnh suy tim cấp độ 4 gần như mất hoàn toàn khả năng vận động. Do đó, để kéo dài sự sống, thực đơn cho người suy tim cần đảm bảo cung cấp đúng và đủ nhu cầu dinh dưỡng như sau:

  • Năng lượng: Khoảng từ 25 – 30 Kcal / kg / ngày;
  • Chất đạm: Tiêu thụ từ 0.8 – 1 g / kg / ngày;
  • Chất béo: Dung nạp khoảng từ 15 – 20% trên tổng năng lượng nạp vào cơ thể;
  • Hạn chế Natri: Tiêu thụ dưới 1200 mg / ngày (tương đương 3 g muối);
  • Kali: Tiêu thụ khoảng từ 4000 – 5000 mg / ngày;
  • Chia nhỏ bữa ăn: ít nhất 4 bữa ăn / ngày;
  • Bổ sung đủ vitamin từ rau củ, trái cây tươi, đặc biệt là thực phẩm giàu vitamin nhóm B;
  • Khi có hiện tượng phù: Uống tối đa 1000 ml nước / ngày và ăn nhạt tuyệt đối.
  • Lượng nước nạp vào khi có hiện tượng phù được ước tính theo công thức như sau: Lượng nước tiểu của cả ngày trước đó + lượng dịch mất đi do sốt, nôn ói, tiêu chảy… + khoảng 300 – 500 ml;
Nhu cầu dinh dưỡng của bệnh nhân suy tim

Ở mỗi cấp độ suy tim, nhu cầu dinh dưỡng của người bệnh sẽ thay đổi nên việc chọn lựa thực phẩm cũng có nhiều khác biệt

Thực đơn cho người suy tim bao gồm những gì?

Việc hiểu rõ vấn đề bệnh nhân suy tim nên ăn gì, kiêng gì đóng vai trò quan trọng giúp xây dựng thực đơn dinh dưỡng an toàn và phù hợp. Dưới đây là các loại thực phẩm nên chọn, hạn chế ăn hoặc không nên chọn trong chế độ ăn uống của người bệnh suy tim mà bác sĩ dinh dưỡng gợi ý đến bạn:

1. Thực phẩm nên ăn

  • Thực phẩm nhóm bột đường: Gạo lứt, các loại khoai củ…;
  • Thực phẩm nhóm chất đạm: Thịt, trứng, cá, cua, tôm, đậu phụ, sữa đậu nành….;
  • Thực phẩm nhóm chất béo: Dầu oliu, dầu hạt cải, hạt chia, quả bơ….;
  • Hoa quả: Ăn đa dạng các loại trái cây tươi, lượng dùng tương ứng khoảng 200 g / ngày;
  • Rau xanh: Ăn đa dạng các loại rau xanh, lượng dùng tương ứng khoảng 200 – 400 g / ngày.

2. Thực phẩm hạn chế ăn

  • Thực phẩm nhóm bột đường: Mì gói, bánh mì trắng, cơm gạo trắng…;
  • Thực phẩm nhóm đạm: Nội tạng động vật, thịt muối, cá khô, thịt xông khói, xúc xích, các loại giò chả, pate đóng hộp….;
  • Thực phẩm nhóm chất béo: Mỡ động vật;
  • Thực phẩm nhóm chất xơ: Dưa cải muối, cà muối….

3. Thực phẩm không nên ăn

Để hỗ trợ tối ưu hiệu quả điều trị bệnh, không nên sử dụng sử dụng hạt nêm, bột ngọt khi chế biến các món ăn trong thực đơn cho người suy tim. Hạt nêm và bột ngọt chứa nhiều natri, vì vậy tiêu thụ nhiều 2 loại gia vị này sẽ gây hại cho sức khỏe của người bệnh suy tim.

Thực đơn cho người suy tim bao gồm những gì?

Người bệnh suy tim cần tuân thủ chặt chẽ thực đơn dinh dưỡng từ bác sĩ để có thể cải thiện tình trạng bệnh hiệu quả

Công thức món ăn tốt cho người bị suy tim

Dưới đây là một số gợi ý công thức món ăn tốt cho người bị suy tim đổi món, ngon và tốt, có thể bổ sung vào thực đơn hàng ngày:

1. Burger bí nấm

Để chế biến món burger bí nấm bạn cần chuẩn bị các nguyên liệu như sau:

  • Nấm mỡ: 100 g;
  • Bí đỏ: 150 g;
  • Hành tây: 1 củ;
  • Dầu hạt cải: 15 ml;
  • Tỏi: 3 tép;
  • Mầm lúa mì: 45 g;
  • Bánh mì nguyên cám tròn: 2 cái;
  • Rau xà lách: 50 g;
  • Cà chua: 30 g;
  • Giấm gạo: 50 ml;
  • Đường: 5 g.

Các bước chế biến món burger bí nấm cụ thể như sau:

  • Đầu tiên, rửa sạch và thái nhỏ các nguyên liệu; hấp chín và nghiền nhuyễn bí đỏ;
  • Cùng lúc đó, pha sốt trộn salad ăn kèm với công thức 2 muỗng dầu hạt cải, 1 muỗng giấm gạo, 1 muỗng đường; thái nhỏ rau xà lách và cà chua sau đó trộn đều cùng hỗn hợp sốt vừa thực hiện;
  • Kế tiếp, xay nhuyễn các nguyên liệu bao gồm nấm, hành tây, tỏi; sau đó khuấy đều hỗn hợp này trên bếp với dầu hạt cải đến khi đạt độ sệt vừa ý;
  • Sau đó, trộn đều bí đỏ đã nghiền nhuyễn và mầm lúa mì vào hỗn hợp nấm đã nấu chín; thoa dầu vào tay và tạo hình nhân bánh burger;
  • Tạo hình món ăn bằng cách cắt ngang bánh mì nguyên cám tròn và cho nhân bánh vào kẹp giữa;
  • Tiếp tục, làm nóng lò nướng ở nhiệt độ 180 độ C trong 10 phút, kế tiếp cho bánh burger vừa tạo hình vào nướng trong 8 phút;
  • Cuối cùng, thưởng thức bánh burger với salad trộn đã làm trước đó.

2. Bánh cá hồi sốt sữa chua và chanh

Để chế biến món bánh cá hồi sốt sữa chua và chanh, bạn cần chuẩn bị các nguyên liệu bao gồm:

  • Cá hồi phi lê: 200 g;
  • Khoai tây: 150 g;
  • Vụn bánh mì nguyên cám: 100 g;
  • Lòng trắng trứng: 1 quả;
  • Rau cần tây: 60 g;
  • Hành lá: 10 g;
  • Sốt mayonnaise không béo: 15 g;
  • Vỏ chanh bào nhuyễn: 5 g;
  • Nước cốt chanh: 5 ml;
  • Dầu hạt cải: 25 ml;
  • Sữa chua không béo: 100 ml;
  • Đường: 5 g;
  • Tiêu xay: ½ muỗng cà phê.

Để hoàn thành bánh cá hồi sốt sữa chua và chanh, bạn cần thực hiện các bước chế biến cơ bản như sau:

  • Đầu tiên, rửa sạch và thái nhỏ cá hồi, rau cần tây, hành lá;
  • Kế tiếp, chuẩn bị tô lớn, cho các nguyên liệu bao gồm cá hồi, khoai tây nghiền, vụn bánh mì, lòng trắng trứng, rau cần tây, hành lá, sốt mayonnaise, vỏ chanh bào nguyễn, tiêu xay vào trộn đều;
  • Sau đó, tạo hình bánh tùy thích; làm nóng dầu hạt cải và cho bánh cá vào áp chảo khoảng 7 phút cho đến khi chín vàng đều cả hai mặt bánh;
  • Tiếp tục, trộn đều các nguyên liệu như sữa chua, nước cốt chanh, đường với nhau;
  • Cuối cùng, thưởng thức món ăn với nước sốt sữa chua để kích thích vị giác.
món ăn tốt cho người bị suy tim, Bánh cá hồi sốt sữa chua và chanh

Bánh sữa chua cá hồi và chanh là món ngon bổ dưỡng, kích thích vị giác cho người bệnh suy tim

3. Salad rau arugula cá hồi

Salad rau arugula cá hồi là món ăn giàu dinh dưỡng nên có trong thực đơn cho người suy tim. Các nguyên liệu cần chuẩn bị để chế biến món salad này bao gồm:

  • Rau arugula: 150 g;
  • Dầu hạt cải: 30 ml;
  • Cá hồi phi lê: 100 g;
  • Quả việt quất: 50 g;
  • Quả hồ đào: 30 g;
  • Đường: 5 g;
  • Nước ép lưu: 50 ml;
  • Nước cốt chanh: 10 ml;
  • Củ hành tây thái mỏng: 30 g;
  • Tiêu xay: ½ muỗng.

Tương tự như các món rau trộn khác, các bước chế biến salad rau arugula cá hồi cũng rất đơn giản, cụ thể như sau:

  • Đầu tiên, rửa sạch rau arugula, cá hồi; cá hồi thái mỏng và áp chảo vàng đều 2 mặt với dầu hạt cải; nướng quả hồ đào ở nhiệt độ 180 độ trong 3 phút;
  • Kế tiếp, làm nước sốt trộn salad bằng cách hòa tan các nguyên liệu bao gồm nước ép lựu, đường, nước cốt chanh, dầu hạt cải, tiêu xay;
  • Sau đó, xếp lần lượt rau arugula, cá hồi, quả hồ đào, hành tây thái mỏng và rưới đều nước sốt lên trên;

Như vậy, bạn đã hoàn thành món salad rau arugula cá hồi thơm ngon cho người bệnh tim bồi bổ sức khỏe.

4. Cá hồi nướng với cam quýt

Để đa dạng thực đơn cho người suy tim, bạn có thể thử kết hợp cá hồi nướng với vị chua ngọt, thơm dịu của cam quýt. Để chế biến món ăn này, bạn cần chuẩn bị các nguyên liệu như sau:

  • Cá hồi phi lê: 500 g;
  • Quả cam vàng: 1 quả;
  • Quả quýt: 1 quả;
  • Dầu hạt cải: 45 ml;
  • Tiêu xay: 5 g;
  • Hương thảo tươi: 5 nhánh;
  • Mùi tây: 10 g;
  • Thì là: 10 g.

Các bước chế biến món cá hồi nướng cam quýt cụ thể như sau:

  • Đầu tiên, rửa sạch cá hồi và các loại rau, quả; cá hồi để nguyên miếng thấm khô bằng giấy ăn; thái mỏng cam và quýt; thái nhỏ thì là và mùi tây;
  • Kế tiếp, làm nóng lò nướng với nhiệt độ 180 độ C trong 10 phút; lần lượt xếp các nguyên liệu cá hồi, cam, quýt, hương thảo vào khay nướng và rưới dầu hạt cải lên trên;
  • Sau đó, nướng khay cá hồi trong lò ở nhiệt độ 180 độ trong khoảng 20 phút;
  • Cuối cùng, trình bày cá hồi ra đĩa, thưởng thức với 1 vài lát cam, quýt tươi. Bạn có thể kết hợp món cá hồi nướng cam quýt với cơm gạo lứt hoặc salad rau tùy thích.
chế độ ăn cho bệnh nhân suy tim, cá hồi nướng với cam quýt

Cá hồi nướng với cam quýt là món chính lý tưởng nên có trong thực đơn cho người suy tim

5. Cháo cá hồi khoai lang và ngô

Cháo cá hồi khoai lang và ngô là món ăn cung cấp năng lượng, chất đạm, chất béo tốt nên có trong thực đơn cho người suy tim. Để nấu món cháo bổ dưỡng này bạn cần chuẩn bị các nguyên liệu như sau:

  • Cá hồi phi lê: 150 g;
  • Dầu ô liu: 10 ml;
  • Hành tây: 1 củ;
  • Khoai lang: 70 g;
  • Ngô ngọt tách hạt: 50 g;
  • Gạo tẻ: 20 g;
  • Hành tím băm: 5 g;
  • Tỏi băm: 5 g.

Các bước nấu cháo cá hồi khoai lang và ngô cụ thể như sau:

  • Đầu tiên, vo gạo và nấu cháo;
  • Kế tiếp, rửa sạch và thái nhỏ các nguyên liệu cá hồi, khoai lang, củ hành tây;
  • Tiếp tục, phi thơm tỏi, hành tím băm và cho khoai lang, hành tây, cá hồi, hạt ngô vào xào săn với lửa lớn trong 5 phút;
  • Sau đó, cho hỗn hợp khoai lang, hành tây, cá hồi, hạt ngô vào nồi cháo và tiếp tục nấu trong khoảng 10 phút;
  • Cuối cùng, trộn vào nồi cháo 2 muỗng dầu oliu và trình bày món ăn với một ít tiêu xay, hành lá, ớt tùy thích.

6. Salad đậu đen, bơ và đậu nành lông

Các nguyên liệu cần chuẩn bị để chế biến món salad đậu đen, bơ và đậu nành lông bao gồm:

  • Đậu đen: 50 g;
  • Đậu nành lông: 50 g;
  • Quả bơ: 1 quả;
  • Dầu hạt cải: 10 ml;
  • Tiêu xay: 5 g;
  • Nước cốt chanh: 5 ml;
  • Lá hương thảo thái nhỏ: 5 g;
  • Rau cần tây: 10 g.

Chỉ với các bước cơ bản sau đây, bạn đã có thể hoàn thành món salad đậu đen, bơ và đậu nành lông thơm ngon, bổ dưỡng:

  • Đầu tiên, rửa sạch và hấp chín đậu đen, đậu nành; thái nhỏ quả bơ thành từng lát vừa ăn; thái nhỏ rau cần tây;
  • Sau đó, trộn đều dầu hạt cải với nước cốt chanh và tiêu xay;
  • Kế tiếp, chuẩn bị tô lớn, cho lần lượt các nguyên liệu đậu đen, đậu nành, rau cần tây, lá hướng thảo, bơ vào và rưới đều sốt dầu hạt cải lên trên;
  • Cuối cùng, trộn đều tất cả các nguyên liệu với nhau và thưởng thức.

7. Salad xoài và gà

Để chế biến món salad xoài và gà, bạn cần chuẩn bị các nguyên liệu sau đây:

  • Thịt ức gà: 200 g;
  • Xoài chín: 2 quả;
  • Ớt chuông: 1 quả;
  • Húng quế: 5 g;
  • Nước tương thanh dịu: 10 ml;
  • Nước cốt chanh: 25 ml;
  • Tiêu xay: 5 g;
  • Tỏi băm: 5 g;
  • Dầu hạt cải: 10 ml.

Salad xoài và gà là món ăn đơn giản, dễ làm với các bước chế biến cơ bản như sau:

  • Đầu tiên, luộc chín thịt ức gà, sau đó để nguội và thái hạt lựu;
  • Kế tiếp, thái xoài, ớt chuông thành từng miếng nhỏ vừa ăn; húng quế thái nhỏ;
  • Sau đó, bắt tay vào thực hiện phần sốt trộn salad bằng cách trộn đều nước tương, nước cốt chanh, tỏi băm, tiêu xay, dầu hạt cải;
  • Cuối cùng, trình bày các nguyên liệu thịt gà, xoài, ớt chuông, húng quế ra đĩa; sau đó, rưới đều hỗn hợp sốt trộn salad lên trên và thưởng thức.
chế độ ăn bệnh nhân suy tim, Salad xoài và gà

Salad xoài và gà vị chua dịu, ít dầu mỡ rất tốt cho sức khỏe người bệnh suy tim

8. Đậu hũ xào

Đậu hũ xào là một món ăn quen thuộc trong bữa cơm gia đình người Việt. Đây là món ăn cung cấp chất xơ, chất đạm, vitamin, chất béo nên có trong chế độ ăn bệnh nhân suy tim. Để nấu món ăn này, bạn cần chuẩn bị các nguyên liệu như sau:

  • Đậu hũ loại cứng: 3 bìa;
  • Ớt chuông: 1 quả;
  • Cải thìa: 100 g;
  • Nấm hương: 50 g;
  • Củ hành tây: 1 củ;
  • Nước tương thanh dịu: 15 ml;
  • Giấm gạo: 10 ml;
  • Dầu hạt cải: 10 ml;
  • Mật ong: 15 ml;
  • Tỏi băm: 5 g;
  • Hành tím băm: 5g.

Các bước chế biến món đậu hũ xào cụ thể như sau:

  • Đầu tiên, rửa sạch và thái nhỏ các nguyên liệu như đậu hũ, ớt chuông, cải thìa, nấm hướng, củ hành tây;
  • Kế tiếp, trộn đều nước tương, giấm gạo, dầu hạt cải, mật ong, tỏi băm, hành tím băm; đun hỗn hợp này trên bếp đến khi đạt độ sệt vừa phải;
  • Sau đó, đun nóng dầu hạt cải, áp chảo đậu hũ trong khoảng 1 phút mỗi mặt;
  • Kế tiếp, cho ớt chuông, cải thìa vào chảo đảo nhanh;
  • Cuối cùng, trình bày món ăn ra đĩa và rưới phần nước sốt lên trên.

9. Bánh yến mạch vị quế

Yến mạch rất giàu chất xơ, magie và không chứa đường nên rất tốt cho sức khỏe của người bị suy tim. Bánh yến mạch vị quế là một trong những món ăn nên có trong thực đơn cho người suy tim.

Các nguyên liệu cần chuẩn bị để chế biến món bánh yến mạch vị quế bao gồm:

  • Yến mạch cán dẹt: 300 g;
  • Sữa tươi: 500 ml;
  • Bột mì nguyên cám: 150 g;
  • Bột nở: 1 muỗng cà phê;
  • Baking soda: 1 muỗng cà phê;
  • Bột quế: ¼ muỗng cà phê;
  • Muối: ¼ muỗng cà phê;
  • Dầu hạt cải: 50 ml;
  • Mật ong: 15 ml;
  • Trứng gà: 2 quả.

Các bước chế biến món bánh yến mạch vị quế cụ thể như sau:

  • Đầu tiên, ngâm yến mạch cán dẹt với sữa tươi và để qua đêm cho yến mạch nở mềm;
  • Kế tiếp, trộn đều bột mì, bột nở, baking soda, muối, bột quế; sau đó cho bột yến mạch đã ngâm mềm vào hỗn hợp bột tiếp tục trộn đều;
  • Sau đó, trộn đều các nguyên liệu dầu hạt cải, trứng gà, mật ong vào hỗn hợp bột bánh;
  • Tiếp tục, đun nóng dầu hạt cải; chia nhỏ bột bánh và cho lần lượt từng phần vào chảo làm chín đều 2 mặt ở nhiệt độ vừa;
  • Cuối cùng, trình bày bánh yến mạch ra đĩa và thưởng thức.
chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân suy tim, Bánh yến mạch vị quế

Bánh yến mạch vị quế thơm lừng là gợi ý lý tưởng cho bữa sáng hoặc bữa phụ của người bệnh suy tim

10. Spaghetti với cà chua nướng sốt giấm balsamic

Các nguyên liệu cần chuẩn bị để nấu món spaghetti với cà chua nướng sốt giấm balsamic bao gồm:

  • Mì spaghetti: 200 g;
  • Cà chua bi: 200 g;
  • Đậu xanh: 100 g;
  • Giấm balsamic: 45 ml;
  • Dầu hạt cải: 45 ml;
  • Húng quế tươi: 3 nhánh;
  • Phô mai parmesan bào nhuyễn: 2 muỗng cà phê;
  • Tỏi: 1 củ;
  • Tiêu xay: 5 g.

Spaghetti với cà chua nướng sốt giấm balsamic là món ăn bổ dưỡng, dễ làm với các bước cơ bản như sau:

  • Đầu tiên, rửa sạch và thái đôi quả cà chua bi, thái nhỏ hút quế tươi;
  • Kế tiếp, xếp cà chua bi, đậu xanh, tỏi vào khay nướng; sau đó rưới đều dầu hạt cải, giấm balsamic lên trên; nướng các nguyên liệu này ở nhiệt độ 180 độ C trong khoảng 15 phút;
  • Cùng lúc đó, chuẩn bị nồi nước và luộc mì spaghetti theo hướng dẫn trên bao bì (khoảng 12 phút); sau đó vớt mì và để ráo nước;
  • Sau đó, trộn đều mì spaghetti với cà chua bi và đậu xanh nướng;
  • Cuối cùng, trình bày món ăn với 1 ít lá húng quế tươi và phô mai parmesan bào bên trên.
Spaghetti với cà chua nướng sốt giấm balsamic tốt cho người suy tim

Để đa dạng thực đơn, người bệnh có thể chọn món spaghetti với cà chua nướng sốt giấm balsamic chua ngọt cho bữa chính

Gợi ý thực đơn cho người suy tim tham khảo

Thực đơn cho người suy tim cần được thay đổi theo tình trạng sức khỏe và khuyến nghị của bác sĩ. Dưới đây là một số gợi ý thực đơn cho người suy tim:

Thực đơn cho người bệnh suy tim
Bữa sáng

(7h00)

Bữa trưa

(11h00)

Bữa phụ 1

(14h00)

Bữa chiều

(17h00)

Bữa phụ 2

(20h00)

Món ăn Phở bò (180 g bánh phở; 40 g thịt bò) – 2 bát cơm gạo lứt;

– 70 g thịt heo rim;

– 70 g rau luộc;

– 1 quả chuối.

100 g cháo thịt băm (10 g gạo; 30 g thịt băm) – 2 bát cơm gạo lứt;

– 100 g trứng cuộn;

– 90 g đậu hũ luộc;

– 1 hộp sữa chua.

180 ml sữa đậu nành.
Cơ cấu khẩu phần – Năng lượng: 1587 kcal

– Đạm: 70 g

– Đường bột: 239 g

– Béo: 39 g

Địa chỉ thiết kế thực đơn cho người suy tim cá nhân hóa

Để hỗ trợ người bệnh tim mạch nâng cao chất lượng cuộc sống, thực đơn cho người suy tim cần hạn chế thực phẩm giàu natri, tăng cường cung cấp chất xơ, cân bằng kali trong khẩu phần ăn…. Đồng thời, ở mỗi giai đoạn suy tim, nhu cầu về dinh dưỡng của người bệnh sẽ có sự thay đổi đáng kể. Nếu như bạn muốn tìm hiểu thêm về dịch vụ Thăm khám & Thiết kế Thực đơn Dinh dưỡng chuyên biệt dành cho người mắc bệnh suy tim hãy liên hệ ngay đến Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome.

Tại đây, người bệnh suy tim sẽ được bác sĩ thăm khám và chẩn đoán về tình trạng bệnh để đánh giá được nhu cầu dinh dưỡng hiện tại của cơ thể. Nhờ đó, đội ngũ chuyên gia về dinh dưỡng có thể xây dựng và tư vấn thực đơn ăn uống hàng ngày tối ưu cho người bị suy tim.

Trên đây là những thông tin cơ bản về thực đơn cho người suy tim mà bạn cần quan tâm. Hy vọng rằng, bạn đã có thể trang bị được cho mình đủ các kiến thức cần thiết để xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp. Nếu như có thêm thắc mắc về chế độ ăn bệnh nhân suy tim, hãy liên hệ với Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome qua số hotline 1900 633 599 để được tư vấn chi tiết.

Rate this post
09:33 10/10/2023