Bệnh suy tim nên ăn gì, kiêng gì để bệnh không trở nặng?

10/10/2023 Theo dỗi Nutrihome trên google news
Tư vấn chuyên môn bài viết
Chức Vụ: Trợ lý Giám đốc Y khoa
Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome

Bên cạnh việc tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, hiểu rõ người bệnh suy tim nên ăn gì hoặc kiêng gì cũng là một phần quan trọng trong kế hoạch điều trị và kiểm soát bệnh. Bởi lẽ, suy tim là một bệnh lý có thể đe dọa đến tính mạng, đòi hỏi hỏi sự quan tâm và chăm sóc đặc biệt. Vậy, người suy tim nên ăn gì và kiêng gì? Đâu là danh sách những loại thực phẩm mà người bệnh suy tim cần ưu tiên tiêu thụ hoặc tránh tiêu thụ? Tất cả sẽ được Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome giải đáp ngay trong bài viết sau.

Bệnh suy tim nên ăn gì, kiêng gì để bệnh không trở nặng?

Người bệnh suy tim nên ăn gì tốt cho sức khỏe?

Tại sao chế độ ăn uống quan trọng đối với bệnh suy tim?

Chế độ ăn uống quan trọng đối với người bệnh suy tim vì nó giúp kiểm soát triệu chứng, làm chậm quá trình tiến triển của bệnh, duy trì chức năng tim và hỗ trợ người bệnh kéo dài thời gian sống. Cụ thể:

  • Kiểm soát triệu chứng: Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng có thể giúp người bệnh giảm nhẹ hoặc dứt điểm một số triệu chứng suy tim, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống. Ví dụ: kiểm soát lượng chất lỏng dung nạp giúp cải thiện mức độ nghiêm trọng của tình trạng phù nề phổi, một biến chứng phổ biến của bệnh suy tim, gây khó thở;
  • Duy trì và bảo vệ chức năng tim: Thực đơn cho người suy tim giàu chất chống oxy hóa, vitamin và khoáng chất giúp bảo vệ sức khỏe hệ tim mạch khỏi sự tấn công của các chất gây viêm thúc đẩy bệnh suy tim tiến triển, chẳng hạn như sự tấn công của gốc tự do, tình trạng nhiễm trùng hoặc sự hình thành các mảng xơ vữa;
  • Làm chậm quá trình tiến triển của bệnh: Giảm lượng cholesterol, chất béo chuyển hóa, chất béo bão hòa và đường trong khẩu phần ăn hàng ngày giúp giảm nguy cơ xơ cứng động mạch, hỗ trợ giảm tải áp lực bơm máu và làm chậm quá trình tiến triển của bệnh suy tim;
  • Hỗ trợ kéo dài thời gian sống của người bệnh: Suy tim là một bệnh lý mạn tính, tức không thể chữa khỏi hoàn toàn và có thể gây tử vong. Theo thống kê, người bệnh suy tim có tỷ lệ tử vong sau 1 năm là 30%, sau 5 năm là 50%, sau 10 năm là 65%. May mắn thay, điều chỉnh chế độ ăn uống có thể làm chậm quá trình tiến triển của bệnh; từ đó, hỗ trợ kéo dài thời gian sống còn của người bệnh.
Tại sao chế độ ăn uống quan trọng đối với bệnh suy tim?

Dinh dưỡng đúng cách có thể giúp người bệnh suy tim cải thiện chất lượng và kéo dài thời gian sống

Bệnh suy tim nên ăn gì?

Người bệnh suy tim nên ăn gì chứa nhiều chất xơ, vitamin (A, D, E, C, K,…), khoáng chất (kali, magie, canxi, kẽm,…) và chất chống oxy hóa (carotenoids, flavonoids, polyphenols, glucosinolates,…). Những nhóm chất này thường chứa nhiều trong các thực phẩm sau:

1. Bệnh suy tim nên ăn rau củ quả nhiều màu sắc

Người bệnh suy tim nên ăn rau củ quả nhiều màu sắc bởi vì chúng chứa một lượng lớn các chất chống oxy hóa thuộc nhóm carotenoids và flavonoids. Theo nghiên cứu, carotenoids và flavonoids có thể ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh tim mạch bằng cách ngăn chặn quá trình oxy hóa cholesterol trong động mạch, ức chế quá trình hình thành mảng xơ vữa gây tắc nghẽn lưu lượng máu chảy qua tim.

Bên cạnh đó, rau củ nhiều màu sắc còn chứa nhiều vitamin A, C, E, K,.. các chất này giúp bảo vệ cơ tim khỏi sự tấn công của các gốc tự do, kháng viêm và giảm thiểu nguy cơ xơ cứng động mạch gây suy tim. Vì thế, nếu bạn vẫn còn băn khoăn chưa biết người bệnh suy tim nên ăn gì tốt cho sức khỏe, hãy cân nhắc bổ sung đa dạng rau củ nhiều màu sắc vào khẩu phần ăn hàng ngày. Một số loại rau củ quả nhiều màu sắc tốt cho người bệnh suy tim bao gồm: ớt chuông, bông cải xanh, cà rốt, khoai lang, cải bó xôi, ngô, cà chua, măng tây,…

2. Người bị suy tim nên ăn ngũ cốc nguyên hạt

Theo nghiên cứu, ăn 48g ngũ cốc nguyên hạt mỗi ngày giúp làm giảm đến 20% nguy cơ mắc bệnh suy tim, hỗ trợ bạn điều trị bệnh suy tim và cải thiện chất lượng sống một cách hiệu quả. Nguyên nhân là vì ngũ cốc nguyên hạt chứa nhiều chất xơ (tinh bột phức hợp). Cụ thể, chất xơ giúp:

  • Ngừa xơ cứng động mạch và táo bón: Chất xơ giúp kiểm soát cholesterol máu, giảm nguy cơ xơ cứng động mạch, đồng thời hỗ trợ hệ tiêu hóa, giảm nguy cơ táo bón, một triệu chứng thường thấy ở người bệnh suy tim có triệu chứng phù nề (suy tim sung huyết).
  • Giảm viêm và ổn định đường huyết: Nhờ chứa nhiều tinh bột phức hợp, ngũ cốc nguyên hạt giúp cơ thể hạn chế hấp thụ đường và chất béo; từ đó, ổn định đường huyết, giảm viêm và hạ thấp nguy cơ tiểu đường, một yếu tố nguy cơ thúc đẩy bệnh suy tim tiến triển.

Do đó, nếu vẫn còn băn khoăn chưa biết người bệnh suy tim nên ăn gì, bạn hãy thử bổ sung ngũ cốc nguyên hạt vào khẩu phần ăn hàng ngày. Một số loại ngũ cốc nguyên hạt tốt cho người bệnh suy tim bao gồm: yến mạch, lúa mạch, lúa mì, gạo lứt, hạt kê, diêm mạch,….

Bệnh suy tim nên ăn gì? ngũ cốc nguyên hạt

Ngũ cốc nguyên hạt giàu chất xơ, giúp kháng viêm và ổn định đường huyết

3. Người suy tim nên ăn các loại đậu

Suy tim là tình trạng suy giảm chức năng của ty thể, từ đó, giảm khả năng tiêu thụ oxy và sản sinh năng lượng của cơ tim. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy, đối với người bệnh suy tim, tiêu thụ một chế độ ăn giàu đạm giúp cải thiện chức năng tế bào, ngăn ngừa sự suy giảm chức năng của ty thể và tâm thất trái, góp phần làm chậm quá trình tiến triển bệnh suy tim.

Trong khi đó, các loại đậu lại là nguồn cung cấp protein dồi dào nên rất tốt cho người bệnh suy tim. Không những thế, đạm thực vật từ các loại đậu cũng là một sự thay thế tốt cho protein động vật. Bởi lẽ, đạm động vật thường giàu chất béo bão hòa và cholesterol, hai yếu tố nguy cơ có thể thúc đẩy bệnh suy tim tiến triển.

Tóm lại, người bệnh suy tim nên ăn gì chứa nhiều loại đậu để kiểm soát tình trạng suy tim hiệu quả hơn. Một số loại đậu tốt cho người bệnh suy tim bao gồm: đậu nành, đậu xanh, đậu trắng, đậu đen, đậu lăng, đậu thận,…

4. Suy tim nên ăn các loại cá béo giàu omega-3

Theo nghiên cứu GISSI-HF, một nghiên cứu ngẫu nhiên có đối chứng quy mô lớn được thực hiện vào năm 2008, axit béo omega-3 từ các loại cá béo không những có tác dụng hỗ trợ phòng ngừa và điều trị bệnh suy tim, mà còn có khả năng làm giảm nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân của người bệnh suy tim xuống 9%. Nguyên nhân là vì chất béo omega-3 chứa trong các loại cá béo có đặc tính:

  • Kháng viêm: Omega-3 có đặc tính ức chế quá trình giải phóng cytokine, các tiền tố kích thích viêm trong cơ thể. Lợi ích này rất quan trọng với người bệnh suy tim vì tình trạng viêm quá mức (do nhiều nguyên nhân) có thể cường hóa mức độ suy tim;
  • Giảm cholesterol và triglyceride: Omega-3 giúp cơ thể điều hòa nồng độ cholesterol toàn phần và triglyceride (chất béo trung tính) trong máu, giảm nguy cơ xơ vữa thành mạch, một tác nhân có thể khiến bệnh suy tim tiến triển nặng.

Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu khác còn cho thấy, việc bổ sung omega-3 tuy không làm giảm tỷ lệ nhập viện do suy tim lần đầu hoặc tỷ lệ tử vong do suy tim, nhưng lại làm giảm đáng kể tỷ lệ nhập viện lần thứ 2 do suy tim tiến triển. Do đó, người bệnh suy tim nên ăn gì chứa nhiều omega-3 từ các loại cá béo (cá hồi, cá ngừ, cá trích, cá thu,…) để hỗ trợ kiểm soát bệnh hiệu quả.

người bị suy tim nên ăn gì, cá hồi

Cá hồi giàu axit béo omega-3, giúp ngăn ngừa suy tim tiến triển

5. Dầu thực vật nguyên chất

Việc lựa chọn dầu thực vật nguyên chất (dầu đậu nành, dầu ô-liu, dầu hạt cải,…) để thay thế cho các loại bơ / mỡ động vật giàu chất béo bão hòa, từ lâu đã được các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo là tốt cho sức khỏe tim mạch. Nguyên nhân là vì chất béo thực vật giàu axit béo không bão hòa. Loại chất béo này có thể giảm tỷ lệ cholesterol xấu (LDL) và tăng nồng độ cholesterol tốt (HDL) trong máu, giúp kháng viêm, ngăn ngừa xơ vữa động mạch vành gây suy tim.

6. Bệnh nhân suy tim nên ăn các loại hạt

Tương tự như các loại cá béo và dầu thực vật nguyên chất, các loại hạt cũng chứa nhiều chất béo omega-3, giúp giảm viêm và hạn chế hình thành các mảng xơ vữa gây suy tim. Bên cạnh đó, các loại hạt còn giàu magiê, kali và vitamin E, trong đó:

  • Magiê và kali: Giúp duy trì điện thế ổn định trên màng tế bào để điều hòa nhịp tim, ngăn ngừa rối loạn nhịp tim;
  • Vitamin E: Được chứng minh góp phần làm giảm nguy cơ xơ cứng động mạch, hỗ trợ ngăn ngừa bệnh tim mạch vành, tác nhân quan trọng thúc đẩy suy tim tiến triển.

Do đó, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, người bệnh suy tim nên ăn gì chứa nhiều các loại hạt để hỗ trợ điều trị bệnh tốt hơn. Một số loại hạt tốt cho người bệnh suy tim bao gồm: hạt óc chó, hạt điều, hạt hạnh nhân, hạt chia, hạt vừng (mè),…

Lưu ý: Tuy các loại hạt đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe tim mạch, nhưng bạn nên ăn nhiều hơn 50g hạt / ngày. Nguyên nhân là vì các loại hạt thường chứa hàm lượng calo và chất béo cao. Bên cạnh đó, hàm lượng kali cao trong các loại hạt có thể gây mất nước nghiêm trọng ở những bệnh nhân suy tim đang dùng thuốc lợi tiểu.

7. Đạm động vật ít béo bão hòa

Khác với đạm thực vật, đạm động vật là một nguồn protein hoàn chỉnh vì chúng cung cấp đầy đủ 9 loại axit amin thiết yếu cho cơ thể. Người bệnh suy tim thường cần một nguồn protein ổn định để hỗ trợ cơ thể tái tạo, sửa chữa và duy trì sức khỏe tất cả các mô trong cơ thể, bao gồm cả mô cơ tim. Tuy nhiên, khi tiêu thụ đạm động vật, bạn nên chọn loại ít béo để tránh hấp thụ quá mức chất béo bão hòa và cholesterol, hai tác nhân hàng đầu gây xơ vữa động mạch vành và thúc đẩy bệnh suy tim tiến triển.

Một số loại đạm động vật ít béo tốt cho người suy tim bao gồm: thịt nạc gia súc (phần có ít vân mỡ trắng), thịt nạc gia cầm (bỏ da), sữa / bơ động vật tách béo, trứng gia cầm và các loại phi lê cá béo (gồm cả da) như cá hồi, cá trích, cá ngừ, cá thu,… Tóm lại, theo các chuyên gia dinh dưỡng, người bệnh suy tim nên ăn gì chứa đạm động vật ít béo để hỗ trợ quá trình điều trị diễn ra hiệu quả.

suy tim nên ăn gì, đạm nạc ít béo

Đạm động vật ít béo là nguồn protein hoàn chỉnh dành cho người suy tim

8. Các loại gia vị thảo mộc tốt cho người suy tim

Các gia vị thảo mộc như gừng, tỏi và nghệ đều có các đặc điểm hữu ích có thể hỗ trợ sức khỏe tim mạch, đặc biệt đối với người bệnh suy tim. Dưới đây là một số lợi ích của mỗi loại gia vị thảo mộc đối với người bệnh suy tim mà bạn cần biết:

Gia vị thảo mộc Lợi ích sức khỏe với người bệnh suy tim
Gừng – Gừng chứa gingerol, một hợp chất có tác dụng kháng viêm trong cơ thể, hỗ trợ ngăn ngừa suy tim tiến triển;

– Gừng cũng có hương vị ấm nồng, giúp kích thích hệ tiêu hóa, hỗ trợ giảm nhẹ các triệu chứng nôn mửa và rối loạn tiêu hóa trong quá trình điều trị suy tim

Tỏi Theo nghiên cứu, tỏi có tác dụng kiểm soát huyết áp đáng kể (giảm 8.6mm huyết áp tâm thu và 6.1 mm huyết áp tâm trương). Lợi ích này đặc biệt quan trọng đối với những người bị suy tim do mắc phải bệnh tăng huyết áp mạn tính.
Nghệ – Curcumin, sắc tố màu vàng tự nhiên chứa trong nghệ, có đặc tính chống oxy hóa mạnh, giúp bảo vệ tế bào khỏi tổn thương do gốc tự do.

– Theo nghiên cứu, curcumin có khả năng thúc đẩy quá trình sửa chữa tim, góp phần duy trì và cải thiện thể tích tâm thất trái; từ đó, làm tăng phân suất tống máu và cải thiện đáng kể các triệu chứng do suy tim gây ra.

Người suy tim không nên ăn gì?

Người suy tim không nên ăn gì chứa nhiều cồn (rượu, bia,…) , muối, đường và chất béo bão hòa (thực phẩm chiên rán, sữa nguyên kem,…), cụ thể như sau:

1. Rượu, bia

Nghiên cứu cho thấy, uống rượu nhiều (trên 28g cồn / ngày đối với nữ và 56g cồn / ngày đối với nam) có liên quan đến sự gia tăng nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp, bệnh cơ tim do rượu (alcoholic cardiomyopathy) hoặc ung thư,… Tất cả đều là những bệnh lý nền có thể thúc đẩy suy tim tiến triển.

Tuy nhiên, nghiên cứu trên cũng cho thấy, việc sử dụng rượu / bia ở mức độ nhẹ đến trung bình thực sự làm giảm sự phát triển của bệnh suy tim và dường như không làm trầm trọng thêm mức độ suy tim. Do đó, người bệnh suy tim vẫn có thể được phép uống rượu bia, miễn là tiêu thụ chúng trong một ngưỡng an toàn (dưới 28g cồn / ngày đối với nữ và 56g cồn / ngày đối với nam).

2. Người suy tim không nên ăn mặn

Người suy tim không nên ăn gì quá mặn (chứa nhiều muối) bởi muối có thể gây tăng huyết áp. Theo ước tính, có đến 75% bệnh nhân suy tim có tiền sử tăng huyết áp. Vì thế, tiếp tục ăn mặn có thể thúc đẩy suy tim tiến triển và rút ngắn thời gian sống còn của người bệnh. Một số thực phẩm mặn (chứa nhiều muối) mà người bệnh suy tim không nên tiêu thụ bao gồm: các loại khô tẩm muối (khô cá, khô bò,…), các loại nước chấm / nước sốt công nghiệp (sốt BBQ, sốt chua ngọt, sốt teriyaki, tương ớt, tương cà,…), đồ ăn đóng hộp, đồ ăn lên men (muối chua) và thức ăn nhanh.

người suy tim không nên ăn gì, không nên ăn mặn, nhiều muối

Người bệnh suy tim không nên ăn quá nhiều muối vì nguy cơ gây tăng huyết áp

3. Hạn chế ngũ cốc tinh chế

Theo nghiên cứu, tiêu thụ nhiều hơn 350g ngũ cốc tinh chế mỗi ngày góp phần làm tăng 27% nguy cơ tử vong và 33% nguy cơ mắc bệnh tim mạch so với nhóm chỉ tiêu thụ dưới 50g ngũ cốc tinh chế / ngày. Nguyên nhân là vì ngũ cốc tinh chế chứa ít chất xơ hơn ngũ cốc nguyên hạt; tiêu thụ nhiều ngũ cốc tinh chế có thể gây tăng huyết áp, làm trầm trọng thêm tình trạng suy tim. Do đó, người bị suy tim nên ăn gì chứa ít ngũ cốc tinh chế (gạo trắng, bún, miến, phở, mì, xôi,…). Thay vào đó, bệnh nhân suy tim nên ăn gì chứa nhiều ngũ cốc nguyên hạt để hỗ trợ điều trị suy tim hiệu quả.

4. Suy tim không nên ăn thịt chế biến

Thịt chế biến sẵn chứa nhiều muối natri, chất béo bão hòa, cholesterol và chất béo chuyển hóa gây hại cho sức khỏe tim mạch. Nghiên cứu cho thấy, ăn nhiều hơn 150 gam thịt chế biến sẵn mỗi tuần sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch lên 46% và nguy cơ tử vong lên 50% so với việc không ăn thịt chế biến sẵn. Để dễ hình dung, 150 gam thịt chế biến sẵn tương đương với:

  • Ít hơn hai chiếc xúc xích;
  • Năm lát thịt nguội / thịt xông khói (cắt dày 3mm / lát).

Tóm lại, bệnh nhân suy tim nên ăn gì tươi sống thay vì tiêu thụ đồ chế biến sẵn. Điều này giúp bảo vệ sức khỏe tim mạch và ngăn ngừa suy tim tiến triển.

5. Các sản phẩm từ sữa không tách béo

Sữa không tách béo, còn gọi là sữa nguyên kem, chứa hàm lượng chất béo bão hòa cao, có thể làm tăng mức cholesterol xấu trong máu, gây xơ vữa động mạch và làm trầm trọng thêm tình trạng suy tim. Do đó, người suy tim không nên ăn gì chứa sữa tách béo và các chế phẩm từ loại sữa này, chẳng hạn như phô mai, sữa chua, bơ động vật nguyên kem,…

7. Bánh kẹo, nước ngọt

Bánh kẹo và nước ngọt chứa nhiều đường. Theo một nghiên cứu kéo dài 15 năm về ảnh hưởng của đường đến người mắc bệnh tim, những người tham gia tiêu thụ từ 125g đường / ngày có nguy cơ tử vong vì bệnh tim cao hơn 2 lần so với những người ăn ít hơn 50g đường / ngày, kể cả khi họ không bị thừa cân hay béo phì. Nguyên nhân là vì tiêu thụ quá nhiều đường làm tăng chỉ số đường huyết, thúc đẩy các phản ứng viêm trong mạch máu và mô cơ tim, làm tăng tốc tiến trình suy tim.

người suy tim không nên ăn gì, bánh kẹo ngọt

Người bệnh suy tim không nên ăn bánh kẹo và nước ngọt vì chúng chứa nhiều đường

8. Thực phẩm chiên rán nhiều dầu mỡ

Ngoài việc chứa nhiều chất béo bão hòa và muối, có thể thúc đẩy nguy cơ tăng huyết áp và xơ vữa động mạch, thực phẩm chiên rán cũng rất giàu calo. Do đó, tiêu thụ quá mức nhóm thực phẩm này khiến bạn dễ tăng cân không mong muốn, gây áp lực lên tim và thúc đẩy suy tim tiến triển.

9. Tránh dư thừa chất lỏng

Khi cơ thể giữ quá nhiều nước, trái tim phải làm việc “cực nhọc” hơn để bơm máu qua hệ thống mạch máu. Đối với trái tim đang bị suy yếu, việc này có thể làm tồi tệ thêm tình trạng bệnh và làm tăng nguy cơ mắc biến chứng phù nề, gây sưng to ở các bộ phận như chân, bàn chân và bụng. Tình trạng này còn được gọi là suy tim sung huyết, là một trong những biến thể nguy hiểm của bệnh suy tim có thể do tiêu thụ dư thừa chất lỏng gây ra.

Bị suy tim nên làm gì để bệnh không trở nặng?

Khi bị suy tim, việc cải thiện lối sống và tuân theo các lời khuyên của bác sĩ sẽ giúp bạn kiểm soát bệnh và ngăn ngừa biến chứng hiệu quả. Dưới đây là một số biện pháp mà người bị suy tim nên thực hiện để bệnh không trở nặng:

  • Tuân thủ chỉ định điều trị: Uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ và không bỏ sót bất kỳ lịch tái khám nào giúp bạn có thể hành động kịp thời bất cứ lúc nào bệnh có chiều hướng tiến triển nặng;
  • Giới hạn muối: Hạn chế việc tiêu thụ muối xuống dưới mức 5g / ngày giúp giảm nguy cơ suy tim sung huyết;
  • Cân bằng chất lỏng: Người bệnh suy tim chỉ nên tiêu thụ từ 1 – 1.5 lít nước mỗi ngày để tránh dư thừa chất lỏng, gây phù nề;
  • Giữ cân nặng ổn định: Theo dõi cân nặng hàng ngày và thông báo cho bác sĩ nếu có sự thay đổi đột ngột nhằm ngăn ngừa thừa cân – béo phì;
  • Hạn chế chất kích thích: Cồn và caffeine chứa trong trà, rượu bia có thể gây tăng huyết áp tạm thời, khiến nhịp tim tăng nhanh, góp phần làm tăng triệu chứng suy tim;
  • Ngừng hút thuốc: Hút thuốc làm tăng nồng độ cholesterol trong máu, góp phần gây hẹp mạch và tăng huyết áp. Điều này có thể làm cho các triệu chứng suy tim của bạn trở nên tồi tệ hơn.
  • Vận động hợp lý: Nghiên cứu trên bệnh nhân suy tim cho thấy, tập thể dục vừa sức một cách thường xuyên góp phần làm giảm 15% tỷ lệ nhập viện do suy tim và do các biến chứng suy tim nghiêm trọng.
  • Ăn uống cân đối: Tiêu thụ một chế độ ăn giàu chất xơ, vitamin và chất chống oxy hóa; đồng thời, chứa ít chất béo bão hòa, đường, muối và cồn giúp kiểm soát bệnh suy tim một cách hiệu quả;
  • Kiểm soát đường huyết: Đối với người vừa suy tim vừa mắc bệnh tiểu đường, việc kiểm soát lượng đường trong máu bằng cách tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định của bác sĩ đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc ngăn chặn biến chứng suy tim.
  • Kiểm soát huyết áp: Huyết áp cao có thể gây áp lực lên tim, làm tăng nguy cơ mắc các biến chứng liên quan đến suy tim. Do đó, nếu bạn có tiền sử tăng huyết áp, hãy đảm bảo bạn thường xuyên theo dõi huyết áp, uống thuốc và điều chỉnh chế độ ăn uống theo chỉ định từ bác sĩ để giữ huyết áp cân bằng.

Cuối cùng, trên hành trình điều trị bệnh suy tim, bạn cần chủ động kết nối với bác sĩ ngay khi có triệu chứng bất thường xuất hiện. Bởi lẽ, suy tim là một tình trạng cần được giám sát, đánh giá và quản lý liên tục. Việc tuân thủ đúng mọi hướng dẫn của bác sĩ sẽ giúp bạn duy trì chất lượng cuộc sống và giảm nguy cơ biến chứng.

Bị suy tim nên làm gì để bệnh không trở nặng?

Tuân thủ theo mọi chỉ định của bác sĩ là cách hiệu quả để phòng bệnh tiến triển nặng

Trên đây là những thông tin quan trọng về chủ đề chế độ dinh dưỡng cho người bệnh suy tim. Hy vọng thông qua bài viết, bạn đã phần nào hiểu được người bệnh suy tim nên ăn gì tốt cho sức khỏe. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào xoay quanh chủ đề chế độ dinh dưỡng cho người bệnh suy tim, bạn hãy nhanh chóng liên hệ đến Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome thông qua số hotline 1900 633 599 để được tư vấn kịp thời. Chúc bạn nhanh chóng kiểm soát bệnh và cải thiện được chất lượng cuộc sống!

Rate this post
09:16 10/10/2023