Thực đơn cho người bệnh tim mạch đảm bảo đủ chất, ăn ngon

09/10/2023 Theo dỗi Nutrihome trên google news
Tư vấn chuyên môn bài viết
Chức Vụ: Trợ lý Giám đốc Y khoa
Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome

Xây dựng thực đơn cho người bệnh tim là một phần quan trọng trong kế hoạch hỗ trợ điều trị bệnh. Quá trình này đòi hỏi bạn phải tuân thủ nhiều nguyên tắc dinh dưỡng phức tạp. Do đó, không phải ai cũng biết cách điều chỉnh chế độ ăn uống sao cho đúng. Vậy làm thế nào để nhận biết một chế độ ăn cho người bệnh tim khoa học, thoả mãn các tiêu chí khắt khe? Đâu là những thực đơn tốt cho tim mạch mà bạn có thể tham khảo? Hãy cùng Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome tìm lời giải đáp trong bài viết dưới đây.

Thực đơn cho người bệnh tim mạch đảm bảo đủ chất, ăn ngon

Thực đơn cho người bệnh tim cần đáp ứng những nguyên tắc dinh dưỡng nào?

Vai trò của thực đơn cho người bệnh tim mạch

Việc thay đổi thực đơn cho người bệnh tim mạch có tác động trực tiếp đến hiệu quả điều trị bệnh. Bởi lẽ, tất cả dinh dưỡng trong thực phẩm đều được máu hấp thụ qua thành ruột và vận chuyển đi khắp cơ thể. Vì vậy, tiêu thụ các dưỡng chất có lợi sẽ giúp cải thiện chất lượng máu, từ đó đem lại một số lợi ích cho hệ thống tim mạch, chẳng hạn như:

  • Ổn định các chỉ số tim mạch: Nhờ ăn uống cân bằng, chỉ số mỡ máu (bao gồm cholesterol và triglycerid), huyết áp và đường huyết sẽ được duy trì ở mức ổn định. Các chỉ số này có vai trò quan trọng đối với sức khỏe tim mạch, đặc biệt ở bệnh nhân cao huyết áp, máu nhiễm mỡ và đái tháo đường,…;
  • Bảo vệ và làm bền mạch máu: Các chỉ số tim mạch, đặc biệt là nồng độ cholesterol, khi được ổn định sẽ hạn chế hiện tượng tích tụ mảng bám trong mạch máu, từ đó giảm thiểu nguy cơ xơ vữa động mạch và tai biến mạch máu não;
  • Bảo toàn chức năng tim mạch: Bệnh tim mạch và một số bệnh lý khác có thể làm suy yếu chức năng co bóp và vận chuyển máu của tim. Thực đơn cho người bệnh tim cung cấp đầy đủ các dưỡng chất như kali, magie, canxi,… sẽ kích thích cơ tim hoạt động hiệu quả, từ đó bảo toàn chức năng tim và tránh các biến chứng nguy hiểm như rối loạn nhịp tim, suy tim và ngưng tim.

Chế độ ăn tốt cho tim mạch là gì?

Chế độ ăn tốt cho tim mạch cần đáp ứng đầy đủ chất xơ, vitamin (A, B, C, D, E, K), khoáng chất (magie, kali, canxi,..) và chất chống oxy hóa (polyphenols, flavonoids,…); đồng thời, kiểm soát khẩu phần và các chất có hại như đường, muối, chất béo xấu. Dưới đây là một số nguyên tắc cụ thể khi xây dựng thực đơn cho người tim mạch mà bạn nên tuân thủ:

1. Ăn nhiều rau và trái cây

Rau và trái cây là nguồn cung cấp dồi dào chất xơ, vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hoá. Trong đó, chất xơ và các chất chống oxy hóa như flavonoids, polyphenols,… có tác dụng kiểm soát cholesterol xấu trong máu, bảo vệ tế bào khỏi tổn thương và viêm nhiễm. Các vitamin và khoáng chất như vitamin nhóm B, kali, magie, canxi,… lại có khả năng điều hoà nhịp tim và huyết áp. Vì vậy, ăn rau và hoa quả thường xuyên có thể giúp bạn bảo toàn chức năng tim mạch và cải thiện tình trạng bệnh lý suy tim, xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim,…

Chế độ ăn tốt cho tim mạch, ăn nhiều rau xanh và trái cây

Rau và trái cây cung cấp nhiều chất chống oxy hóa tốt cho sức khỏe tim mạch

2. Chọn ngũ cốc nguyên hạt

Ngũ cốc nguyên hạt như lúa mạch, ngô, kiều mạch, gạo lứt,…cung cấp nhiều chất xơ và đạm, đồng thời ít đường và chất béo hơn ngũ cốc tinh chế. Do đó, bổ sung chúng trong thực đơn cho người bệnh tim sẽ giúp bạn no lâu mà không làm tăng đường huyết và mỡ máu. Ngoài ra, hàm lượng vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa trong loại thực phẩm này cũng tương đối cao, có tác dụng bảo vệ tim mạch khỏi nhiều tác nhân gây hại như gốc tự do, căng thẳng oxy hoá, mảng bám động mạch,…

3. Hạn chế chất béo không lành mạnh

Chất béo không lành mạnh bao gồm chất béo bão hoà và chất béo chuyển hóa. Hai loại chất béo này làm tăng nồng độ LDL (cholesterol xấu) trong máu, từ đó hình thành các mảng bám động mạch, dẫn đến xơ vữa và tắc nghẽn mạch máu. Do đó, hạn chế chất béo xấu và thay thế bằng các axit béo tốt như omega-3, 6, 9 sẽ giúp người bệnh tim mạch phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm.

Theo khuyến cáo của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, lượng calo hấp thụ từ chất béo bão hoà không nên vượt quá 6% tổng năng lượng (13g) một ngày. Đối với chất béo chuyển hóa, việc loại bỏ hoàn toàn ra khỏi thực đơn cho người bệnh tim sẽ là cách tốt nhất để cải thiện sức khỏe.

4. Chọn nguồn protein ít chất béo

Các nguồn protein ít chất béo như thịt gia cầm bỏ da, cá, trứng và sữa tách béo sẽ giúp người bệnh hấp thụ đầy đủ axit amin mà không làm tăng mỡ máu. Ngoài ra, bạn có thể bổ sung thêm protein từ các loại đậu và hạt như đậu nành, đậu đen, lạc, hạt bí, hạt lanh, hạt óc chó, hạt hướng dương,… Đối với protein từ các loại thịt đỏ và thức ăn chiên rán, người bệnh nên cân nhắc hạn chế khi bổ sung vào thực đơn để giảm nguy cơ tăng cholesterol xấu trong máu.

5. Hạn chế muối (natri)

Muối, cụ thể là natri trong muối, khi hấp thụ quá mức vào cơ thể sẽ gây tích nước, từ đó dẫn đến tăng huyết áp. Để duy trì sức khỏe tim mạch, người bệnh nên tuân thủ khuyến cáo, hấp thụ không quá 2000 mg natri mỗi ngày. Theo đó, hạn chế các thực phẩm mặn như thức ăn đóng hộp, đồ ăn hun khói và gia vị giàu natri (nước mắm, hạt nêm, bột canh, mì chính,…) sẽ là giải pháp hữu hiệu để cắt giảm lượng natri trong thực đơn.

chế độ ăn cho người bệnh tim, Hạn chế muối (natri)

Tiêu thụ muối quá mức gây tăng huyết áp – tác nhân hàng đầu thúc đẩy bệnh tim mạch tiến triển

6. Kiểm soát khẩu phần ăn

Ăn quá mức cần thiết sẽ gây thừa cân, béo phì – tác nhân hàng đầu thúc đẩy xơ vữa thành mạch, khiến sức khỏe tim mạch suy yếu. Vì vậy, bạn nên kiểm soát khẩu phần ăn để mức năng lượng khoảng 30 kcal/ kg/ ngày. Hãy ưu tiên các thực phẩm giàu dinh dưỡng nhưng ít calo như rau củ quả, ngũ cốc và các loại đậu; đồng thời, hạn chế các món ăn chứa nhiều calo và muối như thịt đỏ, đồ ăn chiên rán,…

Một số chế độ ăn kiêng tốt người bệnh tim mạch

Một số chế độ ăn kiêng tốt cho sức khỏe, phù hợp để áp dụng vào thực đơn cho người bệnh tim mạch bao gồm:

  • Chế độ ăn Địa Trung Hải: Ưu tiên thủy hải sản, rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu và dầu ô liu, đồng thời hạn chế thịt đỏ. Chế độ ăn này giúp cải thiện sức khoẻ tổng thể, tăng sức đề kháng và bảo vệ tim mạch;
  • Chế độ ăn kiểm soát huyết áp: Hướng tới hạ tuyết áp cho người bệnh tim mạch có tiền sử tăng huyết áp. Đây là phương pháp ăn kiêng tập trung vào các thực phẩm nguyên chất từ thực vật, đồng thời tránh hấp thụ nhiều muối, đường và chất béo xấu;
  • Chế độ ăn kiêng kiểu Mỹ: Kiểm soát lượng calo, ưu tiên thực phẩm giàu chất xơ và đạm chất lượng cao, đồng thời loại bỏ đồ ăn nhanh, thịt đỏ, thực phẩm nhiều đường, muối;
  • Chế độ ăn thuần chay: Thay thế hoàn toàn nguồn đạm động vật bằng các loại hạt và đậu, giúp tăng cường chất xơ, vitamin, khoáng chất và hạn chế chất béo có hại.

Công thức món ăn tốt cho tim mạch

1. Bánh muffin việt quất táo

Nguyên liệu: 150 g bột mì, 7 g bột nướng bánh, 80 g đường, 1 ít muối, 1 quả trứng, 60 ml sữa tươi không đường, 45 ml sữa chua, 45 ml dầu ô-liu, 50 g việt quất, 50 g táo cắt hạt lựu.

Cách làm:

  • Bước 1: Trứng và sữa để ở nhiệt độ phòng. Chuẩn bị khuôn và giấy lót. Làm nóng lò nướng ở nhiệt độ 175 độ C;
  • Bước 2: Rây bột mì, bột nở, đường, muối vào bát và trộn đều;
  • Bước 3: Lấy một cái bát khác, cho trứng, sữa tươi, sữa chua và táo vào trộn đều;
  • Bước 4: Đổ hỗn hợp bột vào hỗn hợp trứng sữa táo và trộn nhẹ nhàng với spatula. Trộn nhanh tay trong khoảng 10 – 15 giây để nguyên liệu khô hoà quyền với nguyên liệu ướt;
  • Bước 5: Sau đó, chia hỗn hợp đã trộn đều vào các khuông rồi cho việt quất lên trên. Lưu ý, bạn nên đổ khoảng 3/4 khuôn để vừa khi bánh nở. Cho các khuôn vào lò, nướng trong khoảng 10 – 25 phút;
  • Bước 6: Sau khi hết thời gian nướng bánh, lấy một que tăm cắm vào giữa mỗi chiếc bánh. Nếu que tăm khi rút lên khô thì bánh đã chín.
món ăn tốt cho tim mạch, Bánh muffin việt quất táo

Bánh muffin việt quất táo giàu chất chống oxy hóa flavonoids, tốt cho sức khỏe tim mạch

2. Bánh sandwich bơ và trứng

Nguyên liệu: 4 quả trứng, 15 ml dầu ô liu, 1/2 quả bơ chín lột vỏ thái lát, 15 ml nước chanh, 4 lá xà lách, 1/2 quả dưa chuột thái lát, 4 lát bánh mì sandwich nguyên cám, tiêu, muối

Cách làm:

  • Bước 1: Đánh đều trứng với tiêu, muối. Sau đó, bắc chảo lên bếp và đun nóng dầu ô liu. Đổ trứng từ từ vào chảo, vừa đổ vừa quậy đều để trứng tơi;
  • Bước 2: Tán nhuyễn bơ và trộn đều với nước chanh, tiêu muối. Nướng giòn bánh mì, sau đó đặt rau xà lách, hỗn hợp bơ, dưa chuột, trứng lên trên và thưởng thức.

3. Cá hồi sốt xoài

Nguyên liệu: 200 g phi lê cá hồi, 1/2 quả xoài chín, 600 g bột chiên giòn, 15 ml nước cốt chanh, 2 g vỏ chanh bào sợi, 20 g sốt mayonnaise, dầu ô liu, tiêu, muối.

Cách làm:

  • Bước 1: Sơ chế nguyên liệu:
  • Cá hồi ngâm nước muối loãng, sau đó rửa sạch, thấm khô rồi cắt con chì;
  • Xoài gọt vỏ, thái hạt lựu
  • Bước 2: Ướp cá với 5 ml nước chanh và tiêu. Trong khi đợi cá thấm gia vị, làm nước sốt xoài bằng cách trộn đều sốt mayonnaise, vỏ chanh bào sợi và 10 ml nước chanh còn lại;
  • Bước 3: Lấy cá đã ướp ra, áo đều bột chiên giòn và chiên trên lửa lớn. Sau khoảng 10 phút, vớt cá ra rồi dưới sốt xoài lên trên.

4. Nui cá hồi và tỏi tây

Nguyên liệu: 15 ml dầu hạt cải, 2 nhánh tỏi tây thái mỏng, 5 nhánh tỏi băm, 45 g bột mì đa dụng, 1 g ớt khô, 250 ml sữa tươi tách béo, 250 ml nước dùng gà, 25 ml cà chua cô đặc, 300 g phi lê cá hồi, 250 ml bột húng tây, 500 g nui.

Cách làm:

  • Bước 1: Bắc chảo lên bếp và đun dầu ở lửa vừa. Xào tỏi tây và tỏi băm đến khi chuyển vàng rồi cho bột mì đa dụng và ớt khô vào trộn đều. Từ từ đổ sữa và nước dùng vào hỗn hợp, khuấy đều trong 8 phút rồi thêm cà chua cô đặc;
  • Bước 2: Cho cá hồi vào chảo nước sốt. Đậy nắp và nấu trong khoảng 6 phút, sau đó khuấy đều cho cá nhuyễn, thêm bột húng tây rồi đun thêm 8 phút ở lửa nhỏ;
  • Bước 3: Trong khi đợi phần nước dùng, luộc nui rồi chắt ráo nước. Sau đó, cho nui ra đĩa rồi rưới phần nước sốt cá hồi tỏi tây lên trên.
món ăn tốt cho tim mạch, Nui cá hồi và tỏi tây

Nui xào cá hồi tỏi tây là món ăn cung cấp nhiều axit amin tốt cho tim

5. Tôm xào đậu hà lan sốt chanh

Nguyên liệu: 350 g tôm tươi lột vỏ, 25 ml dầu hạt cải, 1 củ hành khô băm, 175 ml nước dùng gà ít muối, 250 g đậu Hà Lan tách hạt, 25 ml nước chanh, 2 g lá bạc hà thái sợi.

Cách làm:

  • Bước 1: Rửa và thấm khô tôm. Sau đó, bắc chảo lên bếp, đun nóng 15 ml dầu, đổ tôm vào đảo đều khoảng 1 phút rồi cho ra đĩa;
  • Bước 2: Đun nóng 10 ml dầu còn lại rồi phi thơm hành. Đổ nước dùng gà, nước chanh và đậu Hà Lan vào khuấy đều. Tiếp tục đun cho đến khi hỗn hợp sôi thì cho tôm lại vào chảo nấu tiếp dưới lửa vừa;
  • Bước 3: Nấu đến khi phần nước rút bớt, tôm và đậu Hà Lan săn lại thì đổ ra đĩa.

6. Pasta đậu lăng bông cải xanh

Nguyên liệu: 375 g nui xoắn, 1 bông cải xanh cắt nhỏ, 10 ml dầu hạt cải, 1 củ hành tây thái hạt lựu, 1 quả ớt chuông thái hạt lựu, 4 tép tỏi băm, 2 g gia vị Ý, 2 g ớt bột, 125 nước dùng rau củ không muối, 250 g đậu lăng đóng hộp.

Cách làm:

  • Bước 1: Luộc nui trong vòng 5 phút, sau đó thêm bông cải xanh vào, tiếp tục luộc thêm 3 phút hoặc đến khi nui chín rồi chắt nước;
  • Bước 2: Bắc chảo lên bếp và đun nóng dầu ở lửa vừa. Xào hành tây, ớt chuông, gia vị Ý và bột ớt trong 5 phút. Thêm nước dùng vào chảo rồi đậy nắp đun sôi;
  • Bước 3: Cho nui và bông cải xanh vào đĩa. Sau đó, rưới phần nước dùng lên trên

7. Gà nướng

Nguyên liệu: 375 g bột chiên xù, 125 g bột mì đa dụng, 5 g ớt bột paprika, 5 g bột hương thảo, 45 ml dầu hạt cải, 750 g ức gà lọc xương và da.

Cách làm:

  • Bước 1: Làm nóng lò ở 180 độ C. Thầm dầu khắp bề mặt khau nướng;
  • Bước 2: Trộn dầu hạt cải, bột chiên xù, bột mì, ớt bột và bột hương thảo. Sau đó, áo đều lên gà và nướng ở nhiệt độ 180 độc C trong vòng 30 phút đến khi gà chín.
thực đơn cho người bệnh tim, ức gà nướng

Gà nướng (bỏ da) là món ăn giàu đạm, chứa ít chất béo bão hòa

8. Gà sốt hạt điều

Nguyên liệu: 800 g ức gà bỏ da và xương, 15 ml dầu hạt cải, 1 củ hành tây thái múi cau, 250 ml nước, 250 cải bó xôi, 2 g ớt bột, 1 quả cà chua thái nhỏ, 125 ml sữa chua tách béo, 50 g hạt điều, 8 tép tỏi, 3 lát gừng, 5 g hạt ngò, 5 g hạt thì là.

Cách làm:

  • Bước 1: Xay nhuyễn tỏi, gừng, hạt ngò, hạt thì là, hạt điều và sữa chua. Sau đó, ướp đều gà với hỗn hợp trên và bỏ vào tủ lạnh để qua đêm;
  • Bước 2: Bắc chảo lên bếp và đun nóng 7 ml dầu hạt cải ở lửa vừa. Xào hành tây khoảng 3 – 4 phút rồi bỏ ra đĩa. Tiếp tục làm nóng lượng dầu còn lại và áp chảo phần thịt gà đã ướp trong vòng 3 – 5 phút mỗi mặt rồi bỏ ra đĩa;
  • Bước 3: Cho phần hành đã xào thơm lại vào chảo rồi thêm nước và đun đến khi sôi lăn tăn. Sau đó, cho phần thịt gà đã áp chảo vào, đậy vung và tiếp tục đun ở lửa nhỏ trong khoảng 15 phút;
  • Bước 4: Vớt thịt gà ra khỏi chảo và bày trên đĩa. Tăng lửa lên mức trung bình và thêm cải bó xôi, ớt bột, cà chua vào chảo nước sốt. Nấu trong khoảng 1 – 2 phút, đến khi phần sốt đã sánh lại thì rưới lên thịt gà và thưởng thức.

9. Salad su su và cam

Nguyên liệu: 22 ml dầu hạt cải, 15 ml nước cam, 15 ml giấm gạo, 5 ml dầu mè, 10 ml mật ong, 5 g vỏ cam bào sợi, 5 g gừng tươi bào, 5 ml mù tạt Dijon, 1 g ớt xay, 1 quả su su thái dọc, 50 g rau cải bó xôi, 1 quả ớt chuông thái dọc, 1 quả cam cắt múi, 1/4 củ hành tây thái nhỏ.

Cách làm:

  • Bước 1: Trộn đều dầu hạt cải, nước cam, giấm gạo, dầu mè, mật ong, vỏ cam bào, gừng bào, mù tạt và ớt xay. Để hỗn hợp sang một bên;
  • Bước 2: Trộn su su, cải bó xôi, ớt chuông, cam và hành tây. Sau đó, đổ hỗn hợp sốt vào và tiếp tục trộng đều.

10. Súp bí đỏ cà rốt

Nguyên liệu: 4 củ cà rốt thái nhỏ, 3 tép tỏi, 1 quả bí đỏ thái hạt lựu, 1 củ hành tây thái nhỏ, 10g bột cà ri, 10 g lá xạ hương khô, 2 g gừng bào sợi, 1 lít nước dùng gà không muối, 50 ml sữa chua, 20 g rau ngò, dầu ô liu.

Cách làm:

  • Bước 1: Bắc chảo lên bếp, đun nóng dầu. Sau đó, xào cà rốt, tỏi, bí đỏ và hành tây với bột cà ri, lá xạ hương khổ và gừng. Khi các nguyên liệu đã mềm, đổ nước dùng gà vào rồi đun sôi;
  • Bước 2: Giảm lửa và đun tiếp trong vòng 40 phút hoặc đến khi các nguyên liệu nhừ. Đổ hỗn hợp ra máy xay và xay nhuyễn;
  • Bước 3: Đổ phần súp đã nhuyễn ra đĩa, thêm sữa chua và rau ngò rồi thưởng thức.
chế độ ăn cho người bệnh tim, Súp bí đỏ cà rốt

Súp bí đỏ cà rốt giàu vitamin A, giúp chống oxy hóa và tăng cường miễn dịch

Gợi ý thực đơn cho người bị bệnh tim mạch hàng ngày

Dưới đây là một số gợi ý thực đơn tốt cho tim mạch mà bạn có thể tham khảo:

Thứ Hai
Bữa sáng

(6h30)

Bữa phụ

(9h00)

Bữa trưa

(11h30)

Bữa chiều

(17h30)

Món ăn – Phở gà

(140 g bánh phở + 80 g thịt gà)

– 100 g chuối

– 200 ml sữa tươi tách béo – 1 và 1/2 bát cơm

– 100 g đậu hũ nhồi thịt sốt cà chua

– 150 g canh cải xanh nấu thịt băm

– 70 g đậu que xào

– 100 g đu đủ

– 1 và 1/2 bát cơm

– 100 g cá quả (cá lóc) hấp bầu

– 150 g canh bí xanh nấu sườn

– 100 g cam

Cơ cấu khẩu phần – Năng lượng: 1585 kcal

– Đạm: 60 g

– Đường bột: 280 g

– Béo: 25 g

Thứ Ba
Bữa sáng

(6h30)

Bữa phụ

(9h00)

Bữa trưa

(11h30)

Bữa chiều

(17h30)

Món ăn – Bún cá

(70 g bún tươi + 50 g cá rô phi + 50 g rau, hành lá)

– 50 g sữa chua không đường

– 200 ml sữa đậu nành

– 50 g nho

– 1 và 1/2 bát cơm

– 60 g thịt lợn xào đậu cove

– 150 g canh bí đỏ nấu tép

– 80 g bưởi

– 1 và 1/2 bát cơm

– 70 g thịt bò xào hành tây

– 100 g củ cải luộc

– 150 g canh rau dền

Cơ cấu khẩu phần – Năng lượng: 1640 kcal

– Đạm: 70 g

– Đường bột: 295 g

– Béo: 20 g

Thứ Tư
Bữa sáng

(6h30)

Bữa phụ

(9h00)

Bữa trưa

(11h30)

Bữa chiều

(17h30)

Món ăn – Cháo cá hồi

(50 g gạo + 50 g cá hồi)

– 50 g táo

– 150 g việt quất tươi

– 50 g sữa chua không đường

– 1 và 1/2 bát cơm

– 100 g ức gà xào sả ớt chuông

– 100 g canh rau ngót nấu thịt băm

– 70 g dâu tây

– 1 và 1/2 bát cơm

– 70 g cá thu sốt cà chua

– 100 g súp lơ xanh luộc

– 100 g canh rau cải nấu thịt băm

Cơ cấu khẩu phần – Năng lượng: 1663 kcal

– Đạm: 65 g

– Đường bột: 290 g

– Béo: 27 g

Thứ Năm
Bữa sáng

(6h30)

Bữa phụ

(9h00)

Bữa trưa

(11h30)

Bữa chiều

(17h30)

Món ăn – Phở bò

(80 g miến + 60 g thịt bò)

– 70 g dứa

– 200 ml sữa hạt sen hạnh nhân

 

– 1 và 1/2 bát cơm

– 100 g cá hấp xì dầu

– 150 g canh bí nấu sườn

– 100 g dưa hấu

– 1 và 1/2 bát cơm

– 70 g cá hồi áp chảo

– 100 g canh khoai tây su hào

– 70 rau muống luộc

– 100 g đu đủ

Cơ cấu khẩu phần – Năng lượng: 1538 kcal

– Đạm: 50 g

– Đường bột: 285 g

– Béo: 22 g

Thứ Sáu
Bữa sáng

(6h30)

Bữa phụ

(9h00)

Bữa trưa

(11h30)

Bữa chiều

(17h30)

Món ăn – Cháo cá

(60 g gạo tẻ + 50 g cá nạc)

– 100 g mâm xôi

– 100 g salad hoa quả với sữa chua

 

– 1 và 1/2 bát cơm

– 100g thịt lợn luộc

– 100 g rau củ hấp (súp lơ + cà rốt + bí đỏ)

– 150 g kiwi

– 1 và 1/2 bát cơm

– 70 g thịt gà nướng teriyaki

– 150 g canh canh rong biển thịt băm

– 100 g nho đỏ

Cơ cấu khẩu phần – Năng lượng: 1598 kcal

– Đạm: 70 g

– Đường bột: 280 g

– Béo: 22 g

Thứ Bảy
Bữa sáng

(6h30)

Bữa phụ

(9h00)

Bữa trưa

(11h30)

Bữa chiều

(17h30)

Món ăn Miến xào chay

(60 g miến dong + 30 g đậu hũ chiên + 100 g rau cải ngọt, cà rốt + hành lá, rau thơm)

– 100 g quả bơ

– 50 g sữa chua không đường

– 1 và 1/2 bát cơm

– 100 g cá hấp sả

– 100 g mướp đắng nhồi thịt

– 70 g cà chua bi

– 1 và 1/2 bát cơm

– 70 g thịt viên sốt cà chua

– 150 g canh cua rau đay

– 70 g nam việt quất

Cơ cấu khẩu phần – Năng lượng: 1612 kcal

– Đạm: 65 g

– Đường bột: 275 g

– Béo: 28 g

Chủ Nhật
Bữa sáng

(6h30)

Bữa phụ

(9h00)

Bữa trưa

(11h30)

Bữa chiều

(17h30)

Món ăn – Bún bò Huế

(80 g bún tươi + 40 g thịt bò + hành lá, rau thơm)

– 50 g đào

 

– 200 ml sữa hạt điều mắc ca – 1 và 1/2 bát cơm

– 100 g đậu cove luộc

– 70 g thịt lợn luộc

– 100 g dưa lưới

– 1 và 1/2 bát cơm

– 150 g gỏi gà hoa chuối

– 100 g canh bầu nấu ngao

– 100 g thanh long đỏ

Cơ cấu khẩu phần – Năng lượng: 1635 kcal

– Đạm: 70 g

– Đường bột: 287 g

– Béo: 23 g

Lưu ý khi áp dụng chế độ ăn và thực đơn cho người bệnh tim mạch

Ngoài việc tham khảo thực đơn mẫu, bạn cũng nên lưu ý một số điều dưới đây để áp dụng tối ưu chế độ ăn cho người bệnh tim:

  • Tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng: Trước khi ăn theo chế độ, bạn nên thảo luận với bác sĩ để đảm bảo rằng chế độ ăn nói trên phù hợp với tình trạng bệnh lý và không gây xung đột với thuốc hay các phương pháp điều trị khác. Ngoài ra, nhiều chuyên gia cũng giúp bạn hiểu rõ nhu cầu dinh dưỡng của bản thân để áp dụng chế độ ăn một cách hiệu quả;
  • Theo dõi và điều chỉnh: Người bệnh tim nên thường xuyên theo dõi tác dụng của chế độ ăn lên cơ thể để cập nhật kịp thời cho bác sĩ và điều chỉnh chế độ ăn khi cần thiết;
  • Giữ tinh thần thoải mái: Tuân thủ nghiêm ngặt một chế độ ăn trong thời gian dài có thể khiến người bệnh nhàm chán hoặc căng thẳng. Lúc này. bạn nên cho phép bản thân ăn uống thoải mái từ 1 – 2 bữa để giải tỏa tinh thần và lấy lại động lực ăn kiêng.
Lưu ý khi áp dụng chế độ ăn và thực đơn cho người bệnh tim mạch

Thường xuyên trao đổi với bác sĩ giúp bạn xây dựng được thực đơn ăn uống phù hợp với thể trạng

Địa chỉ thiết kế thực đơn dinh dưỡng cho người bệnh tim cá nhân hóa

Thiết kế thực đơn cho người bệnh tim đòi hỏi quá trình tìm hiểu và thử nghiệm lâu dài. Vì vậy, để rút ngắn thời gian mà vẫn đảm bảo một chế độ dinh dưỡng khoa học với đa dạng thực đơn hàng ngày cho người bị bệnh tim mạch, bạn cần tìm đến những cơ sở y tế hoặc trung tâm dinh dưỡng uy tín. Trong đó, Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome chính là một địa chỉ thăm khám lý tưởng, giúp bạn xây dựng và áp dụng hiệu quả thực đơn cá nhân.

Tại đây, bạn sẽ được tư vấn xây dựng thực đơn ăn uống toàn diện theo ngày / tháng / năm, đồng thời “cá nhân hóa” khẩu phần ăn theo sở thích và nhu cầu của bản thân để từ đó, nhanh chóng cải thiện tình trạng bệnh lý. Xuyên suốt quá trình hoạt động, Nutrihome luôn tự hào là một trong những phòng khám hàng đầu tại Việt Nam chuyên thăm khám, tư vấn dinh dưỡng và tối ưu hóa thực đơn cho người bệnh tim mạch. Với trang thiết bị hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia dinh dưỡng giàu kinh nghiệm, người bệnh có thể hoàn toàn yên tâm khi sử dụng dịch vụ tại Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome.

Trên đây là tất cả những thông tin quan trọng về chế độ dinh dưỡng và thực đơn cho người bệnh tim. Hy vọng thông qua bài viết, bạn đã biết được thế nào là chế độ ăn tốt cho người bệnh tim và có thêm những gợi ý thực đơn khoa học để bổ sung vào kế hoạch ăn kiêng chữa bệnh.

Nếu bạn đang gặp khó khăn trong quá trình xây dựng thực đơn cho người bệnh tim mạch, hãy liên hệ ngay đến Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome để được tư vấn chi tiết. Chúng tôi rất hân hạnh khi được đồng hành cùng bạn trong quá trình cải thiện bệnh lý. Cảm ơn bạn đã đọc bài viết trên và chúc bạn thật nhiều sức khỏe!

Rate this post
14:26 09/10/2023